Hiện nay, có rất nhiều ngôn từ miêu tả về việc tu thiền, như “đem thân quay về với tâm” hay “thấu hiểu chính mình”, v.v. Và những câu nói này thật sự đã chạm đến được sự tinh yếu của nó. Nếu như bạn thiên về khuynh hướng học thuật, thì cũng có thể định nghĩa việc tu thiền như là một quá trình của sự duyên khởi, điểm đến cuối cùng chính là ngộ ra chân lý tuyệt đối và cũng là sự tịch tĩnh hoàn toàn. Quá trình vừa nêu vốn dĩ bao hàm hết thảy những quá trình khác.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tu thiền theo các trường phái khác nhau, từ đạo Phật cho đến ngoại đạo. Và đương nhiên, ở mỗi trường phái sẽ có những sự khác biệt cơ bản từ nền tảng lý luận cho đến thực tiễn hành trì. Một phương pháp thiền đúng nghĩa chính là cách giúp cho ta có được một sự an yên tịch tĩnh. Tóm lại, phương pháp tu thiền được chia làm hai loại chính yếu như sau:
1. Thiền Chỉ
Chủ yếu phát triển chính định, nhờ đó hành giả có thể đạt được Cận hành định1 và An chỉ định2; mục đích có được sự kiên định và tâm an yên.
1 Cận hành định (upacāra-samāpatti): Trạng thái trước khi tiến vào An chỉ định, là trạng thái rất gần với tầng định Dục giới, thuộc một trong chín tầng thiền của Phật giáo. Hành giả có thể đạt được trạng thái định này thông qua việc tu bốn mươi đề mục Thiền Chỉ.
2 An chỉ định (appanā-samāpatti): Trạng thái tâm hoàn toàn chuyên nhất, còn được gọi là “Thiền na” (jhāna), phạm vi bao gồm bốn tầng thiền Sắc giới và bốn tầng định Vô sắc giới.
2. Thiền Quán
Chủ yếu phát triển chính niệm, nhờ đó hành giả chứng ngộ ba thực tướng nhân sinh: Vô thường, Khổ, Vô ngã; mục đích cuối cùng nhằm đạt đến cứu cánh giải thoát.
Tu thiền chính là phương pháp giúp hành giả đạt được cảnh giới vắng lặng tuyệt đối, hai loại thiền vừa nêu mặc dù cách thức thực hành có khác, nhưng thực tế vẫn có thể ứng dụng kết hợp song song với nhau và đương nhiên cũng phải nhờ vào Thiền Quán mà đạt tới cảnh giới giải thoát sinh tử luân hồi.
Thiền Rải Tâm Từ thuộc về Thiền Chỉ, ưu điểm của loại thiền này là bạn có thể kết hợp tu cùng lúc với Thiền Quán, hơn nữa giữa chúng còn có mối quan hệ đặc biệt khăng khít với nhau.
Như những người bạn có thể diễn được rất nhiều vai, có khi đối nghịch nhau, cũng có lúc lại hỗ tương lẫn nhau. Cũng vậy, bất luận là diễn vai gì đi nữa thì Thiền Rải Tâm Từ vẫn là một cặp bài trùng ăn ý với Thiền Quán. Đối với tôi mà nói, Thiền Rải Tâm Từ vốn dĩ đã hòa quyện làm một với Thiền Quán. Bởi vì tôi biết rõ trong “nội tâm” của mỗi người đều hiện hữu một “chân lý” giống hệt nhau, đó là từ bi và trí tuệ.
Nếu như nói Thiền Rải Tâm Từ là phương pháp tu theo Thiền Chỉ, thì phạm trù mà nó vươn tới chính là định ở tầng thứ sâu hơn. Đáng lý ra ta nên ứng dụng phương pháp này vào đời sống hiện thực hằng ngày, bởi vì đây là chất liệu giúp ta có được nền tảng tâm thức kiên định, từ đó tiến sâu vào cảnh giới tối cao. Đôi khi định thường hay bị lý giải lệch lạc, dẫn đến những tình huống phát sinh không thể ngờ được, thời gian hành thiền càng nhiều thì càng dễ xảy ra những khả năng vừa nêu.
Hành giả tu Thiền Vipassanā cần phải tự trang bị cho mình những phẩm chất cơ bản thiết yếu như sau:
1. Đạo đức
Đạo đức chính là sự thanh tịnh nơi ý nghiệp, nó ẩn mình đằng sau thân nghiệp và khẩu nghiệp. Nhìn từ góc độ trực quan, đạo đức có công năng ngăn ngừa sự sinh khởi của những bất thiện pháp. Từ đó, giúp cho hành giả tiến tu trên con đường thiền định. Vì vậy, mỗi thiền sinh đều cần phải nghiêm túc thực hiện năm điều sau:
a) Không sát sinh;
b) Không trộm cắp;
c) Không tà dâm;
d) Không vọng ngữ;
e) Không sử dụng chất kích thích.
Những gì mà ta tạo tác đều tích chứa lại nơi tâm, khi nhân duyên chín muồi sẽ dẫn đến nghiệp quả. Nếu như hành vi ấy là thiện, sẽ rất có ích cho việc hành thiền. Vì vậy, ta cần xây dựng đạo đức trên một nền tảng tâm thức vừa an hòa lại thanh tịnh, nhờ đó mới có thể tiến sâu vào một trạng thái tâm ở tầng thứ cao hơn. Bên cạnh đó, ta không cần phải quá lo lắng về những nghiệp (kamma) chưa thật sự hoàn hảo mà mình đã tạo tác, bởi vì “nhân vô thập toàn”, có mấy ai đẹp không tì vết đâu, đúng không? Đây cũng là điều mà chúng ta khi còn hiện hữu trên cõi đời này đều phải gắng sức vun bồi để được hoàn thiện hơn, chỉ cần tâm ta đủ kiền thành và tinh tấn, như thế cũng đủ rồi.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, có rất nhiều thiền sinh sau khi tham gia những khóa thiền miên mật, thì những thói hư tật xấu trước kia của các vị ấy cũng đã giảm thiểu rất nhiều, thậm chí hoàn toàn biến mất.
Nếu biết ứng dụng đạo đức vào trong thực tế hằng ngày, hẳn nhiên đây là một trợ duyên rất lớn cho những hành động tích cực đưa đến một đời sống hướng thượng.
2. Chính kiến
Chính kiến là một cái thấy trung lập và khách quan, là một năng lực phân biệt được đâu là chân thực, đâu là hư vọng. Nhờ có chính kiến mà hành giả có được một trí óc phán đoán chính xác và đưa ra quyết định kịp thời đúng đắn. Chính (sammā) ở đây có nghĩa là căn cứ vào thực tướng mà thấy biết và ghi nhận.
Trong kinh có đề cập rằng, chính kiến là cái thấy biết đúng đắn khi nhìn vào nghiệp, từ đó có được khả năng phân biệt rạch ròi giữa thiện và ác, cũng như quả báo của nó. Chính kiến làm cơ sở nền tảng cho việc tu đạo, giúp cho ta không còn mê muội, đồng thời rời xa khổ đau.
Chính kiến đối với Tứ thánh đế (cattāri ariyasaccāni): Khổ (dukkha), Tập (dukkha- samudaya), Diệt (dukkha-nirodha) và Đạo (dukkha-nirodha-gāmini-patipadā). Chính kiến sẽ được hiển bày một cách hoàn mỹ trong khoảnh khắc ta có được kiến pháp1. Thế nhưng trước khi chứng được kiến pháp, thì chính kiến hầu như chỉ được kiến lập trên những khái niệm (pabbatti), và những thể nghiệm mà ta có được cũng chỉ đến từ những khái niệm ấy mà thôi.
Đầu tiên cần phải đoạn trừ tà kiến2, tà kiến ở đây được hiểu là chấp vào niềm tin mù quáng, trái hẳn với thực tướng các pháp. Ví dụ như tin rằng thế gian này không có thiện ác, không có nhân quả nghiệp báo, hoặc giả tin rằng thế gian không có khổ đau, v.v. Những điều vừa nêu chính là một hiện tượng điên đảo nơi thế gian.
1 Kiến pháp (ditthi dhammo): Thấy được thực tướng các pháp.
2 Tà kiến (micchā ditthi): Kiến giải không chính xác và lệch lạc chân lý, được xem là đồng nghĩa với ác kiến; chủ yếu nói về những quan niệm, học thuyết sai lầm của một số tôn giáo.
Đôi khi hành giả cần phải rộng mở tâm lượng để có thể học tập, cũng như có được những trải nghiệm khách quan, nếu không thì tà kiến hay tà tư1 sẽ ngăn trở sự trưởng thành nơi nội tâm, thậm chí làm cho ta lạc bước vào cõi ác. Do đó cần phải đọc hiểu nhiều kinh và luận, tốt nhất nên thỉnh giáo những vị thiện tri thức, nếu làm được như vậy rất có ích cho việc củng cố chính kiến.
1 Tà tư (micchā sankappo): Suy nghĩ sai lầm và lệch lạc chân lý.
3. Thời gian
Thiền là một đời sống chính niệm tỉnh thức với mục đích hướng đến trí tuệ giải thoát, vì vậy điều cần thiết là chúng ta phải duy trì trạng thái thiền định lâu nhất có thể. Nếu như không thể chính niệm trên từng sát na2, thì cũng phải tự biết được mỗi niệm khởi lên như thế nào. Không đủ tỉnh thức, đồng nghĩa là “thất niệm”.
2 Sát na (khana): Thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Trong một giây có tới hàng tỷ sát na và trong mỗi sát na đều có ba thời (sinh, trụ, diệt). Sát na được hiểu là chớp mắt, chỉ cho thời gian diễn ra cực nhanh.
Cơ bản có hai loại thiền định: miên mật và tùy hỷ.
Rốt cuộc như thế nào gọi là miên mật và như thế nào gọi là tùy hỷ? Kỳ thực giữa hai loại này không có các tiêu chuẩn cụ thể rõ ràng, chí ít hành giả chỉ cần giữ cho tâm mình thanh tịnh, vắng lặng là được. Thông thường, miên mật được hiểu là một khóa thiền tinh tấn với thời lượng ngồi thiền dài và lâu, nhờ vậy khả năng nhập định sẽ duy trì được liên tục hơn.
Để có được sự tiến bộ vượt bậc và hiệu quả tốt nhất, các bạn nên đăng ký tham gia những khóa tu miên mật dài ngày. Bên cạnh đó, cũng có những lớp thiền được mở ra với thời gian học và thời lượng thiền tọa cố định, nhất là điều độ mỗi ngày, nhờ thế cũng có hiệu quả nhất định. Với các lớp thiền vừa nêu, ta có thể ngồi thiền vào buổi sáng sau khi thức dậy, cũng như buổi tối trước khi đi ngủ, đây được xem là hai thời điểm vàng. Hơn nữa, Thiền Rải Tâm Từ có thể được ứng dụng hầu hết trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
4. Địa điểm
Thiền Chỉ cần có một môi trường yên tĩnh và an toàn với bầu không khí trong lành, mát mẻ. Nếu thiền tập trong phòng kín thì cần có không gian đủ rộng và thoáng đãng, đồng thời đồ đạc phải sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Nếu được ngồi thiền trong môi trường lý tưởng với thời lượng thích hợp thì tâm chúng ta dễ dàng nhập định và tỉnh thức liên tục.
Đó cũng là lý do chính mà các vị thiền sinh thường hay tìm đến các trung tâm thiền. Chắc chắn bạn sẽ khó mà chối từ một trung tâm thiền với không gian lý tưởng và thoải mái. Và việc quan trọng nữa để cho buổi ngồi thiền đạt được hiệu quả tốt nhất là bạn cũng có thể tự mang theo bồ đoàn hay ghế ngồi nhằm phù hợp với chỗ ngồi thiền mới.
Nhất là đối với các vị thiền sinh mới tham gia khóa thiền, cần phải để tâm tìm được một vị thầy hướng dẫn phù hợp, cũng như tìm một người bạn đồng tu với mình trong suốt khóa thiền. Đương nhiên, vị thầy hướng dẫn cần phải có những đức tính như: từ bi nhẫn nại, uyển chuyển khéo léo và có thái độ hướng dẫn đặc biệt nghiêm túc.
5. Thế ngồi
Trong đời sống hằng ngày, dù bạn đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể thiền được hết. Bởi vì, thiền vốn dĩ là một trạng thái tỉnh thức của tâm, nhưng đối với những thiền sinh mới, thiền ngồi là điều tối quan trọng.
Khi ngồi yên thì thân mới được vững chãi và tâm mới dễ lắng đọng. Ta cần phải duy trì tư thế ngồi cố định trong một trạng thái thả lỏng, buông thư. Làm được như vậy, thì toàn thân mới thoải mái và tâm luôn tỉnh thức.
Nên ngồi tư thế kiết già1 trên bồ đoàn và tọa cụ có độ cao phù hợp với mình, như thế giúp cho lưng được giữ ngay, thẳng và thoải mái hơn. Nếu như khớp gối của bạn khá đau, có thể kê thêm thảm mềm. Mục đích là hạn chế những cơn đau vật lý nơi thân, nhất là hai chân. Nếu như không thể ngồi kiết già, thì bạn ngồi bán già2 cũng được, cùng lắm mới ngồi trên ghế cao, nhưng nhớ là tuyệt đối không được tựa lưng vào bất kỳ vật gì. Ta muốn Thiền Chỉ hiệu quả, thì phải ngồi thiền trong một thời lượng cố định. Do đó, cơ thể cần phải thích ứng dần mới quen được.
1 Kiết già: Tư thế ngồi bắt chéo chân có nguồn gốc từ xứ Ấn cổ xưa, hành giả tự đặt bàn chân của mình lên trên đùi bên chân kia và ngược lại. Đây là một thế ngồi rất vững chãi, thường được khuyến khích khi tọa thiền. Thế ngồi này giống như một đóa sen nên còn được gọi là liên hoa tọa.
2 Bán già: Tư thế ngồi gác một chân lên bắp đùi chân kia, thé ngồi này thường hay tê chân trên và không được vững chãi bằng cách ngồi kiết già.
Đương nhiên chúng ta không thể nào cứ ngồi yên suốt mà không cử động, vì vậy đôi khi cũng cần phải thay đổi tư thế bằng cách luân phiên giữa thiền ngồi và thiền đi. Thiền đi thường được gọi là thiền hành, nó cũng mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho thiền sinh. Thông qua sự vận động di chuyển để có được sức khỏe nhất định, bên cạnh đó nhờ vào việc cân bằng ngũ căn1, thân tâm như được tiếp thêm năng lượng giúp ta thoải mái hơn; nhất là tạo thành thói quen tăng trưởng việc thực hành từ bị. Chúng ta cũng có thể kết hợp tâm mình với những nhịp chân khác nhau để giúp cho định được sâu dần. Bên cạnh đó, thiền sinh cũng nên thực tập thiền đứng, nghĩa là duy trì trạng thái tỉnh thức với tư thế đứng yên bất động trong một khoảng thời gian quy định.
1 Ngũ căn: Phật giáo Nam truyền thường gọi là Ngũ quyền (pañcindriya). Gồm có: 1. Tín Quyền (saddhindriya); 2. Tấn Quyền (viriyindriya); 3. Niệm Quyền (satindriya); 4. Định Quyền (samādhindriya); 5. Tuệ Quyền (paññindriya).
Còn về thiền nằm, giai đoạn đầu thiền sinh không nên thực tập, bởi vì rất dễ rơi vào trạng thái hôn trầm mà ngủ lúc nào không hay. Vả lại, tư thế nằm suốt như vậy cũng không tốt cho sức khỏe lắm. Nếu như bạn tự mình đủ sức tinh tấn, thiền nằm mới có hiệu quả. Đâu đó, thỉnh thoảng cũng có những vị tu thiền lâu năm, tận dụng cả giấc ngủ của mình để quân hòa năng lượng.