Mettā bhāvanā trong tiếng Pāli được hiểu là Thiền Rải Tâm Từ (loving-kindness meditation). Bhāvanā được dịch là “tu tập” (cultivation), còn được hiểu là trưởng dưỡng và phát triển. Thật ra ở đây chỉ cho “tu thiền” (practice of meditation) là chính; còn “tâm từ” được chuyển ngữ sang tiếng Anh là loving- kindness, thoạt nghe khá lắt léo, nhưng kỳ thật nó đã lột tả được hết ý nghĩa tinh túy của Thiền Rải Tâm Từ. Thuật ngữ Phật học này mang ý nghĩa mong muốn cho ai đó (chúng sinh) có được hạnh phúc và bình yên nơi tâm.
Bất giác tôi có một ý nghĩ táo bạo: Hãy thực hành tâm từ như đang đắm chìm trong “tình yêu đôi lứa” (fall in love)1 vậy, vì muốn có được tâm từ thì cần phải “yêu sâu đậm” hơn nữa.
1 Khi định đủ sâu, tâm ta hòa quyện cùng đối tượng (sink into the object). Ở đây, tác giả dùng cụm từ “fall in love”, nghĩa là khi hành giả Thiền Rải Tâm Từ, tâm sẽ nhập định sâu vào trong trạng thái từ ái.
Thật ra, cách làm này rất nguy hại, tốt nhất ta nên định vị rõ thứ tình yêu này là gì? Có phải là một thứ tình yêu trong sáng hay không? Và nó có khác với sự tham đắm nơi thế tục không? Thứ tình yêu này rất giống với tâm từ ở chỗ cả hai đều là một sản phẩm xuất phát từ “tâm” hay đến từ “trái tim”. Như có một người bạn của tôi đã từng nói: “Tâm từ giống như người đắm chìm trong tình thương chân chính, và điểm mấu chốt cực kỳ quan trọng nữa là tâm ấy phải thanh tịnh vô vi”.
Vấn đề là làm sao để có thể phân biệt rõ được cả hai thứ ấy? Thật ra rất dễ, chỉ cần tâm ta có chính trị kiến và chính niệm trên từng phút giây, đó chính là tâm từ vậy.
NƠI NÀO CÓ TÌNH THƯƠNG?
Tôi nhớ có một bài hát ca ngợi tình yêu trong một bộ phim với nội dung nói về chàng trai tên là Oliver đã cất lên lời ca khi mình mất đi phương hướng1. Đôi khi ta cũng giống như một số người cứ mãi hướng ngoại để tìm kiếm cho mình một đối tượng yêu đương hay đối tác làm ăn, nhưng rồi mới vỡ lẽ biết được thực tế điều này không hề dễ tí nào và tình cảm ấy chắc có bền lâu?
1 Bộ phim do Mỹ sản xuất vào năm 1970 với tiêu đề tiếng Anh là Love story của đạo diễn Arthur Hiller. Nội dung phim kể về chàng trai Oliver, con của gia đình giàu có, yêu một cô thiếu nữ con của người thợ làm bánh mì. Oliver đã quyết liệt chống lại sự phản đối của gia đình và kết hôn với cô gái ấy. Cuộc sống hôn nhân của hai người ngay từ khi bắt đầu đã rất hạnh phúc, chàng không ngừng nỗ lực kiếm tiền để lo cho mái ấm gia đình, cũng như xuất sắc tốt nghiệp thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp, chàng trở thành một vị luật sư nổi tiếng và kinh tế gia đình trở nên khá giả. Nhưng những ngày tháng hạnh phúc về vật chất chỉ mới thực sự bắt đầu thì vợ chàng do mắc phải căn bệnh hiểm nghèo mà sớm vội từ giã cõi đời. Thước phim cuối là hình ảnh chàng Oliver cô đơn lang thang kiếm tìm nơi mà cả hai đã từng đặt chân đến như công viên trượt băng. Nhìn vào từng mảng tuyết trắng xóa, Oliver bắt đầu thả hồn hồi tưởng lại những tháng ngày bên nhau của mình và người vợ yêu dấu với muôn vàn kỷ niệm đầy ắp mật ngọt yêu đương. Nhưng giờ đây thì...
Một vị thiền sinh sau khi ngồi thiền, ngộ ra được nơi xuất phát của tình yêu là trái tim và từ đó có thể nuôi dưỡng nó lớn hơn nữa. Bỗng nhiên anh ta cảm thấy như trút bỏ gánh nặng và vui sướng khôn cùng. Cũng cùng một nguyên lý như vậy, khi ta đủ khả năng thấy rõ được những đặc tính này của tâm, thì tình yêu rất dễ nhận diện. Khi đi vào trái tim, tự nhiên tâm của bạn sẽ sinh khởi tâm từ ái thật sự đối với những người mà bạn đã từng tiếp xúc. Có thể bạn sẽ nói đây chỉ là tình yêu đơn phương, nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy, dù bạn không mong cầu điều gì, thì ít nhiều cũng sẽ được đối phương hồi đáp lại.
CHÍNH NIỆM
Khi nói chuyện với những vị thiền sinh mới, tôi rất thích dùng cụm từ “sự tỉnh thức rõ biết” (clear awareness) để nói về loại trạng thái này của dòng tâm thức. Nguyên văn tiếng Pāli là “sati”, thường được dịch là “niệm” hay “chính niệm”. Thật ra, chính niệm hệt như hết thảy các dòng tâm thức khác, ở mỗi góc độ môi trường khác nhau sẽ sản sinh ra những nội hàm tương ứng.
Ở tầng thứ đầu tiên, trạng thái của nó là thiện hay thanh khiết. Vì vậy, sự tỉnh thức gồm có những đặc tính như: rõ biết (trái ngược với hôn trầm hay mù mờ), tịch tĩnh (khác với trạo cử hay bất an) và nhu nhuyến (khác với tê cứng hay mất cảm giác). Ý chí sẽ quyết định chúng ta có được trạng thái nào của dòng tâm thức. Nếu như ta hiểu được những lợi ích to lớn đến từ chính niệm, kế đó thường xuyên duy trì trạng thái chính niệm, làm được như vậy thì lúc này chính niệm sẽ đến nhiều và sâu hơn.
Sự tỉnh thức rõ biết vừa nêu sẽ được triển khai khi mình thực hành Thiền Quán Vipassanā với một đề mục1 đặc thù nào đó, nó sẽ vượt lên trên sự trói buộc của những khái niệm thông thường, với một sự trải nghiệm an trú ngay giờ phút hiện tiền, và dần trở thành một thứ quán chiếu mang tính xuyên suốt và nhất quán, cuối cùng sẽ là chứng ngộ. Chúng ta cũng có thể áp dụng kỹ thuật quán chiếu này vào trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và hỗ trợ những công việc khác; còn đối với Thiền Rải Tâm Từ là một dạng của Thiền Chỉ (samatha), sự tỉnh thức rõ biết nhằm để nhận diện tâm ở dạng vi tế hơn, từ đó có thể thấu hiểu quá trình này hơn nữa.
1 Đề mục (kammatthāna): Đối tượng quan sát của tâm với bốn mươi đề mục. Theo Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) phân tích, “đề mục” được chia làm hai loại là đề mục của Chỉ (samatha-kammatthāna) và đề mục của Quán (vipassanā- kammatthāna). Thiền Chỉ là tập trung chuyên chú vào một đối tượng nào đó để tâm được an yên, còn Thiền Quán là quán sát, phân tích và chọn lựa đối tượng, từ đó có được trí tuệ giải thoát.
RẢI TÂM TỪ CHO CHÍNH MÌNH
Truyền thống tu Thiền Rải Tâm Từ đã có từ thời Đức Phật với phương pháp ứng dụng ngay từ chính bản thân của mỗi hành giả. Nhưng đối với các vị thiền sinh ở các nước u Mỹ, thì điều này dường như rất khó đối với họ, còn đối với những hành giả châu Á, trong đó có Việt Nam thì đây là chuyện hiển nhiên.
Trước đây, tôi ít khi giải thích rõ lý do vì sao có sự khác biệt hoàn toàn như vậy, nhưng bây giờ có lẽ nên làm rõ sẽ hay hơn. Chúng ta cần hiểu rằng, khởi tâm từ dành cho chính mình vốn không phải là một việc làm ích kỷ. Trái lại, điều này giúp cho ta chế ngự được những ích kỷ, hẹp hòi đang len lỏi trong nội tâm. Để làm được điều vừa nêu, chúng ta cần phải tự mình xác lập được trạng thái tinh thần vui vẻ, để từ đó cảm nhận được sự an yên trong đời sống.
Có một nguyên tắc cơ bản cần được nhận thức rõ: Chính bạn cần phải hạnh phúc trước, sau đó mới có thể san sẻ niềm hạnh phúc ấy cho những người khác. Vấn đề kế tiếp đó chính là làm sao để có được thứ hạnh phúc vừa nêu? Chẳng lẽ chỉ đơn thuần là lặp đi lặp lại câu văn “Mong cho tôi có được bình yên...” như một cái máy hay sao? Ngoại trừ việc thực lòng mong muốn ra, bạn còn cần phải biến nó thành hiện thực. Ở đây, tôi tạm đưa ra một giải pháp hướng đến việc thực hành Thiền Rải Tâm Từ và Thiền Quán.
Bất kỳ phương pháp thiền tập nào cũng đều có liên quan đến định (samādhi), việc đầu tiên cần phải làm đó chính là thả lỏng và buông thư. Ở vài hơi thở đầu nên hít thở sâu và dài, điều này giúp cho ta thoải mái và dễ thả lỏng hơn. Mỗi lần thở ra, cố gắng đẩy những áp lực của mình ra theo hơi thở, sau khi làm liên tục vài lần như vậy, nhớ trả hơi thở trở về trạng thái thở tự nhiên. Bước kế tiếp là dùng ý thức quét toàn thân (scan body) từ đỉnh đầu (huyệt bách hội) đến đầu ngón chân út bên phải bằng sự cảm nhận “như nó đang là” đối với những cảm thọ1. Lúc này, những bộ phận trên cơ thể của chúng ta dần dần được thả lỏng ra hết, cùng với đó là tâm tỉnh thức ngày một mạnh hơn. Quá trình quét toàn thân được bắt đầu từ lớp da bên ngoài và từ từ đi sâu vào bên trong não và nội tạng như: tim, gan, phổi, ruột già, ruột non, v.v. và sâu hơn nữa.
1 Cảm thọ (vedanā): Được sản sinh ra khi có sự tiếp xúc giữa các giác quan, ngoại cảnh và ý thức với nhau. Có ba trạng thái cơ bản: khổ thọ (khó chịu), lạc thọ (dễ chịu) và xả thọ (bình thường). Thọ có cảm thọ vật lý và cảm thọ tâm lý, thuộc về chi thứ hai trong ngũ uẩn (pañcakkhandhā), thuộc chi thứ bảy trong mười hai nhân duyên (paticca-samuppā- da-anga). Phật giáo Nam truyền đặc biệt chú trọng và giải thích rất tường tận từng chi tiết.
Có một bí quyết cần phải ghi nhớ, đó là: trạng thái tỉnh thức rõ biết cần phải được song hành với tâm vắng lặng và tâm nhu nhuyến. Ba yếu tố này được kết hợp hòa quyện với nhau trở thành một dạng tâm thiện thanh tịnh, đây cũng được xem như là cội nguồn tinh hoa trong mỗi cuộc đời của chúng ta.
Quét toàn thân được bắt đầu từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, từ trước ra sau, từ ngoài vào trong và ngược lại, quá trình quét được diễn ra nhiều lần, đến khi ta cảm thấy thật sự khinh an là biết mình Thiền Quán đúng cách.
Khi đang ngồi thiền, ghi nhận hết thảy các cảm thọ, nhất là ở những nơi mà mình cảm nhận rõ nhất. Rồi sau các cảm thọ này sẽ làm nền tảng cơ bản và trợ duyên cho việc hành thiền, nó cũng sẽ thay đổi liên tục trong từng sát na tùy theo nguồn năng lượng nhiều hay ít, mạnh hay nhẹ của từng người.
Khi thực hành Thiền Rải Tâm Từ, cần ý thức duy trì chính niệm liên tục nhằm để nuôi dưỡng và phát triển sự vắng lặng, yên bình trong nội tâm cũng như cảm giác thư thái, thoải mái nơi toàn thân. Có lẽ bạn sẽ không ngờ rằng, chỉ đơn thuần vậy thôi, cũng đủ giúp ta có được hạnh phúc thật sự.