Trước tiên chúng ta cần phải hiểu kỹ “Bốn lời nguyện ước”1 là gì, sau đó áp dụng mới có hiệu quả được, nhất là khi ước nguyện cần phải nhiếp tâm chuyên chú. Căn cứ vào Kinh Rải Tâm Từ, ta thấy nội dung đầu tiên chủ yếu nói về việc hành giả tự chúc phúc cho mình với bốn lời ước nguyện như sau:
1 Bốn lời nguyện ước ở đây được hiểu theo cách lý giải của Phật giáo Myanmar. Nếu khảo cứu kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy, như Kinh Kālāma thuộc bài kinh số 66 trong Tăng chi bộ tập 3 chép rằng: “Nếu như không có kiếp sau, không có quả báo của nghiệp ác cũng như nghiệp thiện, thì lúc ấy ta sẽ không oán hận, không khổ não, không não loạn mà chỉ duy trì sự an lạc cho chính mình (averam abyāpajjham angham sukhim attānam pariharāmī)’ đây chính là một dạng chứng ngộ thứ hai”. Tỳ kheo Khai Ấn khi chú thích kinh có giải thích như sau: “Veri: kẻ địch; Avero: không có ý đối địch; Abyāpajjha: sân nhuế, không não hại; Anīgha: từ căn gốc là īgha, nghĩa là ưu bi, đau khổ, khó khăn, nguy hiểm, v.v. Ở đây, thêm tiếp đầu ngữ “a” vào được hiểu là không não loạn, không phiền não”. Vì vậy nguyên câu văn được dịch là: “Mong cho tôi không có ý đối địch, mong cho tôi không có tâm sân hại, mong cho tôi không còn đau khổ, mong cho tôi giữ được niềm vui”. Còn Tỳ kheo Minh Pháp thì giải thích: “Mong cho tôi không oan trái, mong cho tôi không sân giận, mong cho tôi không khổ não, mong cho tôi giữ vững hạnh phúc”.
1. Mong cho tôi bình an, không còn mọi oan trái (Avero homi)
Nếu chỉ đơn thuần dựa vào những lời nguyện ước, ta có được bình yên thật sự hay chăng? Điều này xem ra có vẻ khó thành hiện thực, thế nhưng dựa vào những thể nghiệm thực tế ở tầng thiền sâu hơn, thì điều này chắc chắn là có thật. Chỉ cần ta có đủ chính niệm tỉnh thức, thì tâm thiện thuần khiết cũng chứa đựng năng lực hóa đá thành vàng, không thể xem thường sức mạnh của nội tâm. Đây không hẳn chỉ là phát nguyện ngay phút giây “bây giờ và ở đây” mà còn cần phải thực hiện thường xuyên trong cuộc sống thường ngày.
Sự tỉnh thức rõ biết không những giúp ta sinh ra nghiệp thiện mà còn có thể hộ trì cho mỗi hành giả. Ngay tại lúc ấy, tâm đã lìa xa nguồn gốc của mọi nỗi khổ (tham, sân, si), điều này đồng nghĩa với việc dứt hẳn các khổ đau. Khi tâm có được sự cổ vũ hay khích lệ nhiệt thành nào đó thì tâm ấy chắc chắn sẽ càng sáng hơn, rõ hơn và thuần khiết hơn bao giờ hết.
2. Mong cho tâm tôi an yên, không còn phiền não (Abyāpajjho homi)
Tôi thường hay nhấn mạnh cụm từ “bình yên” để miêu tả các đặc tính của thiện (kusala) như hạnh phúc và niềm vui, chắc chắn nó sẽ khác hẳn với vọng động và trạo cử. Nếu một vị thiền sinh có được tỉnh thức, thì ắt hẳn trong tâm vị ấy sẽ hiển hiện rõ được các đặc tính của sự bình yên, từ đó an trú sâu hơn vào cảnh giới của sự an yên khi muốn ít và biết đủ .
3. Mong cho thân tôi khỏe mạnh, không còn đau đớn (Anīgho homi)
Thân và tâm luôn nương tựa lẫn nhau, có một số căn bệnh trên thân thể chúng ta đến từ những áp lực của đời sống. Vì vậy, thiền có thể chữa trị được những vết thương ấy một cách hiệu quả. Tỉnh thức, bình yên và nhu nhuyễn một khi đã đồng bộ được với nhau sẽ giúp cho toàn thân có được một sự thư thái nhất định. Chỉ cần quét toàn thân từ đỉnh đầu xuống đến ngón chân út bên phải, cũng đủ giúp cho toàn thân hành giả cảm thấy nhẹ nhàng và thư thái. Kế đó, quét toàn thân từ đầu ngón chân út bên phải ngược lên trên đỉnh đầu, giúp cho hành giả bo sung đầy đủ nguồn năng lượng và tăng thêm sức sống.
Tôi dám chắc rằng, khi bạn tập trung ý thức của mình lâu hơn một chút vào một bộ phận nào đó đang gặp vấn đề trên cơ thể, điều kỳ diệu sẽ hiện hữu ngay nơi ấy và cơn đau sẽ được thuyên giảm đi rất nhiều. Nhờ thế, thân được thả lỏng và thư thái một cách tuyệt đối, đồng thời tâm sẽ an yên và tịch tĩnh hơn bao giờ hết.
4. Mong cho thân tâm tôi được khỏe mạnh, bình yên (Sukhi attānam pariharāmi)
Nguyện ước cuối cùng là mong muốn bản thân mỗi phút giây hiện tại đều cảm nhận được niềm hỷ lạc mà phương pháp thiền tập này mang đến, điều này giúp cho ta duy trì trạng thái an lạc trong cuộc sống thường ngày. Nhờ sự hỗ trợ như vậy, giúp cho hành giả tăng thêm tỉnh thức và tịch tĩnh sâu hơn khi ngồi thiền.
Cứ thế thiền tập nhiều lần thì sự chính niệm tỉnh thức mới có thể lớn dần và mạnh hơn lên. Thử hỏi có thứ gì giúp ta được an yên hơn khi duy trì liên tục sự tỉnh thức hay không? Bản thân Thiền Vipassanā vốn là một nhân duyên cơ bản để trưởng dưỡng tâm từ. Chỉ có cách như vậy mới giúp hành giả có được hạnh phúc đích thực và chứng ngộ được thực tướng các pháp ở các tầng thiền sâu hơn.