Suy niệm (anussati) rất khác với ký ức. Ký ức làm cho tâm ta cứ mãi rong ruổi tìm về quá khứ. Khi vô tình xem lại một tấm ảnh thuở thiếu thời, lúc ấy bao kỷ niệm tuổi thơ, nào là những thứ đồ chơi trẻ con hay những trò chơi ngày thơ bé lại ùa về. Còn suy niệm lại là một thứ hồi ức kèm theo chính niệm tỉnh thức một cách có hệ thống. Chẳng hạn, khi ta nhớ lại chuyện mới xảy ra vào ngày hôm qua theo trình tự nhất định, suy niệm giúp ta có được định sâu. Mười đề mục suy niệm1 thuộc về bốn mươi đề mục tu Thiền Chỉ.
1 Mười đề mục suy niệm (dasa anussatiyo): 1. Niệm Phật (buddhānussati); 2. Niệm Pháp (dhammānussati); 3. Niệm Tăng (sanghānussati); 4. Niệm giới (sīlānussati); 5. Niệm tâm bố thí (cāgānussati); 6. Niệm chư Thiên (devatānussati); 7. Niệm sự chết (maranānussati); 8. Niệm thân (kāyagatāsati); 9. Niệm hơi thở (ānāpānasati); 10. Niệm trạng thái thanh bình an lạc (upasamānussati).
Khi mới bắt đầu thực hành Thiền Rải Tâm Từ, ta sẽ được các vị Thiền sư có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy cách suy niệm vào những tác hại của sân giận, cũng như những lợi ích đến từ tâm an nhẫn và tâm từ. Suy niệm với mục đích giúp khởi tâm dũng mãnh hơn, đồng thời nhắc ta nhớ: “Thiền cần phải được ứng dụng vào trong đời sống thực tế”.
BA LỢI ÍCH TỪ T M AN NHẪN
Một hôm, tôi hỏi một thiền sinh người Trung Hoa: “Theo anh, ‘An nhẫn” là gì?” Anh ta trả lời rằng: “An nhẫn giống như một con dao cắm vào con tim và rỉ máu”. Tôi hiểu chẳng qua anh ta đang cố giải thích ý nghĩa chiết tự của chữ “nhẫn” (). Vì vậy, cuộc trò chuyện như thế diễn ra thường không mấy thoải mái. Nếu như trả lời là tôi đã biết, điều đó có nghĩa là tự thân mình đã có được một sự an nhẫn nhất định nào đó, thế nhưng thực tế an nhẫn không phải là một thứ vật chất dễ sở hữu. Có thể chúng ta đã từng trải nghiệm được một vài trạng thái an nhẫn nhưng không nhiều. Dựa vào kinh nghiệm tu tập mà mình có được, tôi hiểu như sau:
An nhẫn là một dạng tâm thức, trong đó không có một chút mơ hồ và vọng động nào. Những người không có được sự an nhẫn, chắc chắn không có được sự bình yên, cũng như không thể kham nhẫn được trước những chuyện bất như ý dù là nhỏ nhặt nhất. Từ đó tôi đưa ra kết luận: “An nhẫn đưa hành giả tìm về bến đỗ bình yên và kiên định với một trái tim có chính niệm, đặc biệt chứa đầy tình thương và lòng từ bi”.
An nhẫn có ba lợi ích cơ bản như sau:
1. Tránh khỏi hết mọi oan trái
2. Vun bồi hạt giống yêu thương
3. Trợ duyên tiến tu hằng ngày
Qua ba lợi ích nêu trên, ta thấy được suy niệm giúp cho hành giả tôi luyện được đức tính kiên nhẫn với một tiến trình cụ thể và có tính hệ thống.