Hôm nay tôi chia sẻ một chút về Niệm.
Tôi có 2 người thầy lớn, rất giỏi. Một thầy giảng về Giới – Định – Tuệ. Một thầy giảng về Niệm - Định - Tuệ. Cả 2 thầy đều rất nổi tiếng, có thực chứng, có vô vàn học trò và đệ tử. Tôi cứ băn khoăn ai đúng ai sai, theo ai bây giờ. Tại sao 2 thầy lớn như vậy lại giảng 2 cách khác nhau? Chẳng nhẽ mỗi thầy một hướng? Chẳng lẽ có 1 trong 2 thầy sai?
Đấy là câu chuyện của 10 năm trước. Lúc đó chưa tiếp cận được kinh Phật gốc, khi đó ở nhà tôi chưa hề có bộ kinh Nikaya nào. Thế đấy. Ấu trĩ lắm!
Tôi thật sự biết ơn HT Thích Minh Châu, người mà tôi hay gọi là Đường Tăng của Việt Nam. Nhờ Thầy mà tôi mới có kinh Nikaya để đọc. Nhờ thầy mà tôi sáng mắt ra. Nhờ thầy mà nhà tôi, cơ quan tôi, các văn phòng của tôi, kể cả trong xe ô tô luôn có 1 bộ Nikaya để đọc bất cứ lúc nào.
Và dĩ nhiên là không thể không đọc kỹ, nghiên cứu kỹ 37 Phẩm Đạo Đế. Tôi tập trung vào Tứ Niệm Xứ và Bát Chánh Đạo. Và thế là tôi hiểu hơn về Niệm – Định – Tuệ. Rồi thực hành.
Bây giờ tôi biết rất rõ, thấy rất rõ, như thật rằng nếu thật sự Chánh niệm tỉnh giác thì tự động có Giới, không cần phải giữ!
Việc quan trọng nhất là phải có Chánh niệm. Như đã phân tích và bản thân tôi đã thân chứng thì có Chánh niệm sẽ có Định, tự động có Định. Đấy là một điều chắc chắn. Có Chánh niệm thì tự động hết khổ, tự động có hỷ lạc, khinh an, tự động giải thoát khỏi khổ đau, sầu bi khổ ưu não.
Khi đã có định rồi, khi đã trú ở Nhị thiền, Tam thiền hay Tứ thiền ta cứ trong Định mà quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp thì sẽ có Tuệ. Tuệ ở đây là cái biết Chánh tri kiến, cái biết như thật. Tuệ là sự thật, là chân lý. Nếu không có Định mà ta quán thì có thể đó chỉ là suy diễn, suy tưởng, là tà tư duy.
Niệm - Định - Tuệ thật sự quan trọng và là tất cả những gì tôi phải có, thuộc về Tu tuệ. Văn - Tư - Tu là lộ trình toàn bộ quá trình tu tập, tức là chúng ta phải có Văn tuệ trước, có hiểu biết về Pháp đúng trước rồi mới tư duy, suy ngẫm để có Tư tuệ và cuối cùng là thực hành để hướng đến Tu tuệ. Khi đã thực hành, đã thiền thì cần lấy Chánh niệm làm đầu, làm căn bản, làm gốc rễ. Tôi giật mình vì nếu không có Văn tuệ, không biết đường đi, không có Chánh pháp thì tôi có tu ngàn năm vẫn là phí công uổng sức.
Hiện nay, đối với tôi, thiền cả ngày là quan trọng nhất, Chánh Niệm từ sáng sớm đến đêm khuya là tối quan trọng. Bây giờ tọa thiền, vào Định xong là tôi quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp để trau dồi Tu Tuệ. Cứ thế. Cứ thế. Chẳng làm gì thêm nữa cả.
Bây giờ bạn cùng tôi cùng đọc một bài kinh thuộc Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya, Chương VIII - Tám Pháp, Phẩm niệm, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt về Niệm và những gì liên quan nhé. Đoạn này khá quan trọng cho những người hành thiền như tôi và bạn, cho những ai đang trên con đường giác ngộ, giải thoát. Đọc để thấy sự quan trọng đến nhường nào của Niệm – Định – Tuệ:
(III) (83) Cội Rễ Của Sự vật
“1. - Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi: “Thưa Hiền giả, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khởi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ tụ hội? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả pháp lấy gì làm lõi cây?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như thế nào?
2. - Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết ý nghĩa lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3. - Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo có hỏi như sau: “Thưa Hiền giả, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khởi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ tụ hội? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả pháp lấy gì làm lõi cây?”
Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời như sau: “Này chư Hiền, các pháp lấy dục làm căn bản. Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi. Tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi. Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ tụ hội. Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ. Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng. Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng. Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây”. Ðược hỏi như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.”
Các bạn rút ra được điều gì sau khi đọc bản kinh ngắn này? Còn tôi thì thấy trào dâng một niềm tôn kính đối với Đức Phật. Ngài đúng là một nhà khoa học vĩ đại nhất, và một nhà giáo dục tuyệt vời nhất. Chỉ bằng 8 câu trả lời ngắn gọn, Ngài đã tóm lược toàn bộ Cội Rễ của Giáo Pháp để giảng giải cho những đệ tử chưa nắm được căn bản.
Vì lòng ngưỡng mộ với Thầy của mình, nên các đệ tử tưởng rằng Căn Bản của Giáo Pháp là Đức Phật, là sự lãnh đạo của Ngài cho nên họ nương tựa vào Ngài. Hiểu được sai lầm trong tư tưởng phụ thuộc của đệ tử vào hình ảnh của Phật thay vì nên “tự mình nương tựa nơi chính mình, dùng Chánh Pháp làm ngọn đèn, nương tựa nơi Chánh Pháp, không nương tựa một gì khác”, Đức Phật đã khẳng định lại một lần nữa Gốc Rễ của Giáo Pháp, của sự tu tập bằng 8 điểm cô đọng nhất. Trong 8 điểm trên, thì 4 điểm cuối cùng là “…Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ. Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng. Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng. Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây”
Các bạn đã nhận ra vai trò của Niệm – Định – Tuệ chưa ạ? Các bạn đã thấy mục đích của tu tập là Giải Thoát chưa? Đức Phật đã chọn những ngôn từ to lớn nhất là “thượng thủ”, “tăng thượng”, và “tối thượng” để khẳng định rằng phải lấy Niệm – Định – Tuệ làm những gì quan trọng nhất, trên hết thảy mọi thứ khác. Và cuối cùng khi đã tu tập xong thì ta có được lõi cây, ta có được sự giải thoát khỏi khổ, và ta không còn khổ nữa. Các bạn nhớ giúp nhé!
Hiện nay, theo kinh nghiệm của tôi, bạn nhất định phải có Chánh niệm tỉnh giác. Muốn tu gì thì tu, muốn thiền ra sao thì thiền mà không có Chánh niệm thì thật là tiếc. Chánh niệm là có Định, ít nhất là Sơ thiền. Nếu là một thiền sinh mà không chứng và trú được Sơ thiền trở lên thì thật là tiếc.
Tôi muốn nhắn nhủ với bạn, người mới thiền được vài năm đầu: Cứ hành thiền mỗi ngày! Vào được định tốt cũng thiền mà chưa vào được định tốt cũng thiền. Cứ hành thiền đi. Cứ thiền hàng ngày đi, từ khi mở mắt ngủ dậy đến khi lên giường đi ngủ đi rồi định sẽ tốt dần. Đến lúc nào đó sẽ đạt đến đỉnh cao của định là Định như ý túc.
Định như ý túc là sự chú tâm liên tục từ cảm thọ này sang cảm thọ khác cho dù là Lạc thọ, Khổ thọ hay Bất khổ bất lạc thọ theo thứ tự sinh diệt của chúng. Sự chú tâm liên tục, khít khao sẽ phát sinh các trạng thái định như tôi đã chia sẻ ở trên: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Các trạng thái định từ Sơ thiền đến Tứ thiền được tu tập, được làm cho viên mãn, khiến ta có thể tuỳ theo ý muốn có thể trú bất cứ tầng thiền nào, trong thời gian bao lâu tuỳ ý thì định đó là Định như ý túc. (Tôi sẽ chia sẻ cách của riêng tôi để chuyển các tầng thiền sau.)
Bạn ơi, có định là rất quan trọng, vô cùng quan trọng. Thiền là phải đạt được định. Bởi khi bạn có định, dù chỉ cần Sơ thiền thôi thì đã có hỷ lạc. Lúc này bạn hài lòng, thoả mãn. Bạn chẳng cần tìm cầu niềm vui, hạnh phúc ở bên ngoài nữa. Định sẽ đưa đến Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát. Cùng nhau nhớ nằm lòng và thực hành ngon lành nhé.
Còn bây giờ, mời bạn ngồi thật yên. Cho thân yên và tâm yên đi nào. Ngồi yên và chú tâm vào hơi thở 4 bước đi nào.
Tự nhiên tôi nhớ đến thầy Zenerin. Có một người hỏi thầy là thầy làm gì với học trò của thầy. Thầy Zenerin trả lời rằng thầy chẳng làm gì cả. Người ấy lại hỏi lại rằng biết bao nhiêu điều đang xảy ra quanh thầy thì thầy phải làm gì chứ. Thầy Zenerin trả lời rằng: “Ngồi yên tĩnh, không làm gì, xuân tới,... và cỏ tự nó mọc lên.” Ngồi yên nào... Tĩnh lặng nào...
Không cần làm việc lớn. Chỉ cần làm việc nhỏ như hành thiền với chúng tôi chẳng hạn nhưng với trái tim lớn, quyết tâm lớn là quá đủ.