Trong số những người bạn tốt của tôi, người tôi muốn giới thiệu là em Nam.
Nam là người Hà Nội. Nam đã tu theo nhiều pháp môn khác nhau như tu Tịnh độ ăn xong chuyên niệm Phật, tụng kinh Pháp hoa,… nhưng cuối cùng em đã đến với thiền. Nam tu tập rất tinh tấn. Nam rất quyết tâm tu tập. Nam là người thực sự đã thấy Pháp, ngộ Pháp. Nam đã xin xuất gia nhưng rất tiếc là em còn có 2 con nhỏ nên gia đình chưa đồng ý.
Hôm nay chúng ta cùng đọc và cùng suy ngẫm một chia sẻ của Nam nhé:
“Anh chồng đang xem một tin tức rất quan trọng, anh ta đang chăm chú xem một chi tiết rất hấp dẫn. Bất thình lình bà vợ ra tắt luôn ti vi và quát lớn: “Trời sắp tối rồi! Anh đi đón con nhanh lên.” Và một tràng quát tháo liên tục xuất hiện từ bà vợ.
Suy ngẫm: Anh chồng tức giận hay không tức giận?
Trường hợp 1: Khi anh này chưa tu tập Bát Chánh Đạo, anh ta đang thích thú bản tin nóng hổi, hấp dẫn đó (một đối tượng dễ chịu, thực chất là một cảm giác dễ chịu), lúc này anh ấy thọ lãnh quả vui. Do Tham đối tượng dễ chịu nên anh ta muốn nắm giữ nó, muốn được xem liên tục không gián đoạn nên nội tâm của anh ta đã bị ràng buộc bởi đối tượng (ràng buộc vào cảm giác). Và khi mất đi cảm giác dễ chịu thay vào là một cảm giác khó chịu khi bị vợ tắt ti vi thì anh ta sẽ Sân và lúc này thọ lãnh quả khổ (thực chất là Sân với cảm giác khó chịu chứ không phải Sân với cô vợ, và do Vô minh nên hiểu khổ và nguyên nhân của khổ từ thế giới ngoại cảnh, từ cô vợ mà đến với mình). Nóng giận bực tức có thể là đưa đến lời nói hành động như quát hoặc đánh cô vợ. Lúc này cái ta, cái tôi của anh ta trỗi dậy do tư tưởng chấp thủ bản ngã khởi lên: “Tôi là chồng cô, ở nhà này tôi là người có quyền, vợ mà lại dám láo với chồng hả. Tôi xem gì là quyền của tôi, liên quan gì đến cô”. Và khổ nơi nội tâm của anh ta diễn ra liên tục từ lộ trình này đến lộ trình khác nối tiếp nhau không dừng nghỉ. Một cuộc xung đột, mâu thuẫn nảy lửa trong gia đình xảy ra chỉ vì nguồn gốc sâu xa: Do tham ái đối tượng dễ chịu (Sân chỉ là biến thể của Tham).
Trường hợp 2: Trong trường hợp anh này đang tu tập Bát Chánh Đạo thì anh ta cũng xem bản tin hấp dẫn đó nhưng nội tâm của anh ta lúc đó xem chỉ là xem. Không có thích thú đối tượng nên không nắm giữ. Không nắm giữ nên không ràng buộc. Vì vậy khi xuất hiện đối tượng khó chịu thay thế cho đối tượng dễ chịu thì nội tâm của anh ta vẫn bình thản, vắng lặng. Sân không khởi lên. Với cái biết Chánh kiến, anh ấy hiểu rằng, khổ và nguyên nhân của khổ xuất phát nơi nội tâm của mình chứ không phải nơi thế giới ngoại cảnh. Thấy bà vợ cũng chỉ là thấy cảm giác hình ảnh. Nghe tiếng của bà vợ cũng chỉ là nghe cảm giác âm thanh. Không hề có bất kỳ một tư tưởng chấp ngã nào khởi lên. Vì thế, anh ta vẫn có thể đưa ra lời nói hoặc hành động nhẹ nhàng mà không gây xung đột cho đối phương.
Như vậy, cùng một hoàn cảnh, cùng một đối tượng nhưng nếu hiểu biết không đúng về đối tượng, tham ái đối tượng thì sẽ đưa đến lời nói, hành động thô lỗ đưa đến xung đột và khổ đau xuất hiện. Nhưng nếu hiểu biết đúng về đối tượng, không tham ái đối tượng thì sẽ đưa đến lời nói, hành động nhã nhặn, không gây xung đột và khổ đau, phiền não không khởi lên.
Bát Chánh Đạo chính là một lối sống thích nghi với mọi môi trường, mọi hoàn cảnh. Với Chánh kiến hiểu biết đúng sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường chấm dứt khổ thì bất kỳ hoàn cảnh nào, dù ở một mình nơi thanh vắng chốn rừng sâu núi thẳm hay nơi phố thị phồn hoa, nơi chùa chiền sống cùng chúng tăng, ở khoá tu hay giữa dòng đời khắc nghiệt với ma chay, cưới hỏi, bốc mộ, làm nhà, thôi nôi đầy tháng, tổ tiên, dòng tộc... cũng không thể chi phối tâm một vị đã tu tập thuần thục. Nhưng mỗi người sẽ có một nhân duyên khác nhau không ai giống ai.”