Xin gửi tặng bạn và mọi người thêm một chia sẻ nữa của Ngọc Hương, bạn cùng tu với chúng tôi. Nhóm tu tích cực với 18 thành viên luôn nhắc nhau tinh tấn, quyết tâm, nhất hướng. Chúng tôi luôn khích lệ nhau, sách tấn nhau. Chúng tôi thật sự luôn có hạnh phúc, nhưng hạnh phúc này từ tâm mình chứ không phải từ cảnh. Đây cũng là bài cuối cùng trong chuỗi 50 bài chia sẻ.
Bây giờ chúng ta cùng đọc những dòng tâm sự về thay đổi tâm, không phải thay đổi cảnh của Ngọc Hương.
“Ở đây sự thực hành thay đổi tâm không phải thay đổi cảnh. Thay đổi chính mình, chứ không phải thay đổi ai khác. Thay đổi tâm chứ không phải thay đổi hoàn cảnh. Không hiểu cảnh là cảnh quan xung quanh, hiểu vậy thì pháp bị bó hẹp.
Ví như có câu chuyện về ba người thợ điêu khắc đá như sau. Người thứ nhất, sau khi nghe hướng dẫn về cách đục đẽo khối đá để thành hòn đá mỹ thuật, tròn xoe, mịn màng, trơn láng. Anh ta bắt đầu kể lại cho những người này và người kia nghe về cách để đục đẽo khối đá đó. Anh ta chẳng bắt tay vào đục đẽo khối đá.
Người thứ hai, sau khi nghe hướng dẫn về cách đục đẽo khối đá để thành hòn đá mỹ thuật, tròn xoe, mịn màng, trơn láng. Anh ta bắt tay vào làm một chút lúc buổi sáng và một chút lúc buổi chiều, thời gian còn lại anh ta với những người này, người kia nói về câu chuyện tiền bạc, câu chuyện gia đình vợ chồng con cái, câu chuyện về các thú vui, câu chuyện về ăn uống, câu chuyện thời sự về kinh tế, chính trị, về thời tiết,…
Người thứ ba, sau khi nghe hướng dẫn về cách đục đẽo khối đá để thành hòn đá mỹ thuật, tròn xoe, mịn màng, trơn láng, anh ta di chuyển khối đá tới nơi vắng vẻ. Anh ta tinh cần, nhẫn nại, kham nhẫn với thời tiết nóng lạnh. Với các trầy xước trong quá trình đục đẽo làm da thịt tổn thương, anh ta tập trung toàn ý vào công việc cả ngày. Anh ta chỉ ngưng việc khi ăn. Khi ăn anh ta tiết độ trong ăn uống, không ăn quá no, không đắm say các món ăn. Vì vậy anh ta không có mất thời gian vào ăn. Không ăn no nê thoả thích nên cũng không bị ma ngủ nó cám dỗ. Anh ta cứ tích cực như vậy.
Sau một tháng anh ta xong việc và khối đá đã trở thành kiệt tác. Mọi người được sờ thấy, được chiêm ngưỡng.
Anh ta quay lại chia sẻ các kỹ xảo, các thiện xảo mà anh ta đã thực hiện trong quá trình đục đẽo cho người thứ nhất, người thứ hai.
Người thứ nhất sau khi nghe chia sẻ, anh ta tiếp tục chia sẻ lại cho người này người kia về cách để tạo ra hòn đá mỹ thuật, tròn xoe, mịn màng, trơn láng, với những kỹ xảo và thiện xảo. Và tất nhiên khối đá của anh ta vẫn còn nguyên. Có lẽ cả cuộc đời anh ta chẳng hoàn thiện được tác phẩm.
Người thứ hai sau khi nghe chia sẻ các kỹ xảo, các thiện xảo, anh ta vẫn thực hiện công việc một chút buổi sáng, một chút buổi chiều, thời gian còn lại anh ta vẫn với người này người kia cùng với các câu chuyện. Sau ba mươi năm người thứ hai hoàn thiện được tác phẩm.
Câu chuyện này muốn chia sẻ rằng, để có thể thay đổi được tâm, thì chỉ có cách thực hành soi lại tâm. Để thực hành được phải dành thời gian để tập trung vào nó. Để tập trung vào nó, cách tốt nhất là chọn nơi ít hỗn tạp, ít bị chi phối, ít bị ràng buộc nhất. Sự thực hành quan sát, để thay đổi đường lối của tâm, được liên tục, rốt ráo, miên mật, sẽ nhanh Chánh trí hơn.
Vậy nên ít xúc chạm với các tạp niệm bên ngoài, quay trở vào bên trong rõ ràng hơn, ít mệt nhọc hơn. Càng xúc nhiều với sự hỗn tạp, tạp niệm càng nhiều, đường lối tâm trở nên rối ren, bất an, nó chẳng biết phải gỡ thế nào, bắt đầu từ đâu.
Lúc mới tu tập thực hành thiền, tâm còn yếu, dễ giải đãi, lười biếng, dễ bị đắm chìm trong thực tại, rất khó bứt ra được. Bởi các nghiệp cũ đâu dễ gì thuần phục.
Đối với các cư sĩ tu tập tại gia, hoặc các chư tăng ni tu tập độc cư với sự tích cực còn yếu, rất dễ rơi vào tình trạng giống người thợ khắc đá thứ nhất hoặc thứ hai.
Lúc mới thực hành để thay đổi tâm, nếu được, tốt nhất tham gia các khoá thiền 10 ngày, 30 ngày, 45 ngày, 60 ngày. Hoặc tham gia học tại các trường thiền một vài năm, hoặc tu học tại các thiền viện,... Chỉ có sự thực hành liên tục, không gián đoạn, ít bị chi phối nhất, miên mật, nghiêm túc, có sự sách tấn của hội chúng, sự chỉ dẫn của minh sư, mới có thể thay đổi tâm hoàn toàn và nhanh chóng tuỳ theo căn cơ mỗi người.
Đối với những người đủ duyên, đủ trí, sự tu tập tích cực, Chánh niệm luôn luôn, có thể tự tu tập một mình. Tự soi xét rõ các pháp, với các thiện xảo phù hợp, chánh trí. Giống như người thợ điêu khắc đá thứ ba vậy.
Khi tâm đã vững chãi, các lậu hoặc được đoạn tận, tâm không còn lay động, thì lúc đó là thành tựu, sự tu học đã xong, không còn việc gì phải làm nữa, không trở lui trạng thái này nữa. Đó là đích đến cuối cùng của người thực hành thiền hướng tới.”