Lại một chia sẻ nữa của Hương. Hôm nay cùng đọc chia sẻ của Hương về để ngẫm và học hỏi nhé. Hương chia sẻ về mặt trước, mặt sau, và sự trong suốt.
“Ban đầu là sự học hỏi giáo pháp của đức Thế Tôn, cốt lõi của Chánh pháp, học hiểu trên lý thuyết rồi bắt đầu thực hành.
Khi thông hiểu Văn tuệ, qua sự chỉ dạy của các minh sư, hay qua sự tìm hiểu kinh điển, thấy ra được cốt lõi của kinh điển, nhận biết được sự mâu thuẫn trong kinh điển. Tự rút ra kinh điển có những cốt yếu gì. Các luồng tư duy, các tư tưởng thay đổi.
Khi bắt đầu thực hành, luôn phòng hộ, nhiếp phục các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Khi các căn xúc với các trần, khởi lên quá trình vận hành của tư duy, ý thức thấy được sự sinh diệt (vô thường), thấy được sự không điều khiển, không làm chủ, không nắm giữ, không xua đuổi được của các pháp (vô ngã).
Tại đó hiểu rõ sự thật về Khổ, nguyên nhân của Khổ, sự đoạn diệt Khổ, con đường đoạn diệt Khổ.
Tự lúc đó thấy không còn khổ nơi tâm, thấy an nhiên.
Cảm giác hỷ lạc nhiều nơi nội tâm.
Khi đó khổ không đoanh vây, khổ không có mặt, hay khổ được đoạn diệt.
Lúc này có cảm nhận thấy ai cũng khổ, bởi thấy họ đang quay cuồng, cuốn theo đường lối hoang dại của tâm mà không biết được sự thật tại sao như vậy, không biết làm sao để chấm dứt như vậy.
Cảm nhận được sự rụng xuống, sự buông bỏ của các tư tưởng như, dục vọng khởi lên do tâm Tham, dục vọng khởi lên do tâm Sân, dục tìm cầu Lạc khởi lên do tâm Si. Dần dần Tham, Sân, Si suy giảm, yếu đi.
Các tư tưởng chấp thường, tư tưởng chấp trước, chấp thủ, tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu cũng được nhận diện, được quán xả ly.
Đường lối của Tâm lúc này đang trong quá trình thuần phục.
Để đưa đến sự thuần thục ly tham, ly dục, ly các ác bất thiện pháp đã sanh khởi hoặc đang sanh khởi.
Đây có thể gọi là thấy được mặt trước.
Thấy được mặt trước là thấy biết rõ sự thật về vô thường, vô ngã, khổ.
Lúc đó ngộ ra rằng, đâu đã hết được khổ, nhận ra sự hiện hữu, thấy rõ sự hiện hữu là khổ. Chấm dứt sanh y mới là chấm dứt khổ.
Chấm dứt Sanh Y là hết Khổ. Đây có thể gọi là thấy được mặt sau.
Lúc này tu tập hướng đến luôn luôn nhận biết sự nguy hiểm trong các pháp.
Khi pháp nào khởi lên Ái, thấy có Thủ, thấy có Hữu, mà có hữu là có Sanh y, có sanh y là có sanh già, sầu bi, khổ, ưu não...
Thực hành nhận biết có cái Ta, của Ta, là Ta nào trong mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không. Có cái Ta, của Ta, là Ta nào trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không. Có cái Ta, của Ta, là Ta nào trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức không. Có cái Ta, của Ta, là Ta nào trong thân, khẩu, ý, không. Có sự sợ hãi, sợ cái chết mỗi khi gặp xúc bất ngờ liên quan đến sinh mạng không. Có sự sợ hãi, sợ cái chết mỗi khi gặp cảm thọ khốc liệt tới tận cùng trên thân không.
Sự quan sát chặt chẽ, đôi khi dè dặt tới từng lộ trình tâm, từng chi tiết nhỏ, từng lỗi nhỏ, từng hành động nhỏ, từng lời nói khi phát ra, đều được quan sát xem có sự nguy hiểm của bản ngã, thân kiến không.
Đây là khoảng thời gian tư duy, ý thức được hoạt động nhiều. Có đôi lúc tự cảm nhận có chút căng thẳng do vận động của não bộ diễn tiến liên tục.
Khi thấy biết rõ sự thật của mặt trước và mặt sau, lúc đó mọi thứ rõ ràng trong suốt như tấm kính vậy.
Tất cả các pháp trước tấm kính đều được phản chiếu lại trên nó, các pháp có thể xuyên qua tấm kính như những tia nắng, như bóng đổ của cái cây xuyên qua kính, hiện rõ trên nền đất,...
Mọi thứ đều rõ biết trong suốt, phản chiếu và xuyên qua.
Hiểu được tính chất, sự vận hành của các pháp. Đường lối hoang dại của Tâm đã được thuần phục.
Khi thấy được mặt trước và mặt sau đó cũng chính là sự thực hành bào mòn các nghiệp ở dạng thô lậu.
Thấy được sự trong suốt là lúc bắt đầu bào mòn cho tới khi cạn kiệt các thói quen, các tư tưởng xấu tốt ở dạng vi tế đã tạo tác khi không hiểu biết đúng sự thật. Hay nói theo ngôn ngữ Phật học là bào mòn các nghiệp ở dạng vi tế đã được huân tập do Vô minh che lấp.
Sự khinh an, an nhiên, được cảm nhận rõ rệt khi quan sát các pháp đến và đi.
Sự thực hành không ở trạng thái căng thẳng, gồng cứng, không ở trạng thái hỷ lạc sung mãn, mà chuyển sang khoáng đạt, nhẹ nhàng, trong sáng, tươi mát.
Có hỷ lạc khởi lên nội tâm, nhưng nó nhè nhẹ...
Ngôn từ dùng chính xác nhất diễn tả thực hành thiền lúc này đó là “tự nhiên như nhiên”. Đây là lúc cảm nhận sự thực hành bào mòn của các nghiệp vi tế, không có mệt nhọc, Chánh niệm, Tỉnh giác, Tinh tấn, Chánh tư duy, Chánh tri kiến, thuần thục một cách tự nhiên, như nhiên.
Tích luỹ các nghiệp hiểu biết đúng sự thật. Minh thay thế dần Vô minh.”