Tôi đọc về Phật giáo, đến chùa, tụng kinh theo bà và mẹ từ sớm. Tuy nhiên phải đến tận năm 30 tuổi tức 1995 tôi mới thật sự có cho mình vị thầy tâm linh, người thầy Phật giáo đầu tiên. Đó là Thượng tọa Thích Viên Thành, Trụ trì chùa Hương. Có được duyên lành này là nhờ anh Phan Ngô Tống Hưng, Phó Chủ tịch, Phó Tổng giám đốc tập đoàn FPT và chị Thịnh, một bà chị rất tuyệt vời, rất hay chiều em Hùng, làm ở Tổng cục V, Bộ Công An.
Tôi mê thiền từ bao giờ không rõ. Chỉ biết rằng mình bắt đầu thiền từ quãng 1995 – 1996 theo sự hướng dẫn của học trò bà Dadi Janky, người đứng đầu Brama Kumaris ở Ấn Độ. Đó là chị Mona. Từ đó mới biết đến anh Frederic và chị Trish Summerfield của trung tâm Giá trị sống (Living Values). Sau này tôi và anh Thanh Bạch được mời sang núi Abbu Mount, bang Rajastan, Ấn Độ để học và thực hành thiền 10 ngày theo Raja Yoga của tổ chức Brama Kumaris. Chuyến đi rất ấn tượng và chúng tôi học được nhiều, trải nghiệm rất thú vị và có nhiều chuyển biến trong thân và tâm.
May thay, sau này tôi được học trực tiếp và được cùng thực hành với các bậc thầy lớn như Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Viên Minh, Geshe Michael Roach, Tenzin Oedok, Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Thiền sư Tejaniya, Trưởng lão Thích Thông Lạc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Tỷ kheo Đại đức Nguyên Tuệ,…
Tôi nhớ mãi những lần được gần Hòa thượng Thích Minh Châu mà tôi luôn tự gọi là “Đường Tăng của Việt Nam”. Được gặp và gần Thầy là nhờ bác Vũ Chầm, Chủ tịch CLB Doanh nhân Phật Tử. Bác Chầm rất rất tuyệt vời và tôi mãi nhớ ơn bác. Kể cả chuyến thăm Hòa thượng 2 ngày trước khi Ngài mất. Và sau đó là cả đám tang của Hòa thượng.
Tôi không thể nào quên những buổi được Hòa thượng Thích Thanh Từ hướng dẫn thiền ở Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Mà trong nội viện nhé. Tôi vẫn đang thấy rõ ngón tay thầy chỉ xuống đất, cách chỗ tôi ngồi thiền quãng 3 mét. Thầy bảo nhìn vào đó, để mắt vào đó và nhắm mắt lại. Thầy cũng đưa ra cho tôi một “yêu cầu” là muốn học thiền với Thầy phải ngồi kiết già được 1 tiếng, trong khi lúc ấy tôi mới chỉ biết ngồi bán già. Còn nếu cố ngồi kiết già thì chỉ được không quá năm phút.
Tôi vẫn nhớ lần về chùa Bửu Long, Quận 9, TP HCM và được Hòa thượng Viên Minh giảng dạy. Hòa thượng cấp cho tôi một chiếc cốc và cho hành thiền ở đó. Thầy cũng đã dạy tôi bao điều hay. Hơn thế nữa Thầy còn là khách mời đầu tiên trong chuỗi chương trình “Phật Pháp Ứng Dụng” được Thái Hà Books triển khai từ tháng 6 năm 2010.
Rồi tôi nhớ mình đi nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng từ những năm 2005, 2007, 2008 và nhớ mỗi chủ nhật tôi đều đến hành thiền tại chùa Đình Quán do sư bà Đàm Nguyện trụ trì, có cả sư cô Tịnh Phúc tham gia cùng.
Những chuyến về thiền viện Chơn Như tại Trảng Bàng, Tây Ninh vô cùng đặc biệt. Cái thất mà tôi thiền, những ngày tu chỉ ăn một bữa, sáng dậy từ 2 giờ sáng,… làm thay đổi tôi rất nhiều. Và tôi đã tham dự đám tang Trưởng lão Thích Thông Lạc đúng mồng 1 dương lịch rồi về nhà viết ngay bài “Đám tang an lạc”.
Tôi đã tu theo Mật tông cùng Thượng tọa Thích Viên Thành. Tôi đã từng vào Bình Dương dự chương trình niệm Phật 100 ngày mà các Phật tử cùng quý thầy chia ra 3 ca, mỗi ca niệm Phật, cả đi và ngồi trong thời gian 8 tiếng. Trước giờ đổi ca chừng 5 – 10 phút, ca tiếp theo tự động nối vào và sau đó chuyển ca. (Rất tiếc tôi không nhớ tên ngôi chùa đó, mặc dù lúc về có viết một bài đăng báo rồi).
Người ta hay hỏi tôi tu theo pháp môn, tông phái nào. Tôi trả lời tu theo PHẬT TÔNG, theo lời Phật Thích Ca Mâu Ni dạy được ghi chép lại trong 5 bộ kinh Nikaya.
Người ta hỏi tôi thiền theo phương pháp nào. Bởi thiền có đủ loại từ thiền xuất hồn, thiền ông Tám, thiền yoga, thiền nhân điện,… Tôi trả lời là tôi thiền theo Đức Phật, theo Tứ Niệm Xứ (quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp), theo Bát Chánh Đạo.
Tôi tham gia rất nhiều khóa thiền ở Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Đức, Pháp, Myanmar, Việt Nam,… Ở đâu có khóa thiền là xách vali lên (hoặc khoác ba lô lên vai) và đi.
Điểm tuyệt vời là tại các khóa thiền thấy kết quả rất tốt. Tại các khóa thiền tất cả rất tuyệt vời. Tuy nhiên, khi về nhà, bắt tay vào công việc và cuộc sống tại gia, thói quen thiền mất dần, năng lượng tụt dần… và lại cần đi các khóa thiền để thực tập và để nạp năng lượng như để sạc pin.
Tôi giật mình “Hóa ra một ngày mình chỉ thiền có mấy tiếng thôi ư!” Thì ra mình chỉ thiền tốt khi ở các khóa thiền! Thật ra mình chưa thiền mỗi ngày, chưa thực sự chánh niệm tỉnh giác cả ngày, từ khi mở mắt ngủ dậy đến đêm khi lên giường đi ngủ. Mà nếu vậy thì một năm thiền được bao nhiêu ngày, một ngày thiền được mấy tiếng!
Duyên lành đã đến. Tôi đã tìm ra chánh pháp. Tôi đã thấy Pháp và ngộ Pháp (Về câu chuyện này tôi sẽ viết thêm 1 cuốn sách nữa, nhưng sau này).
Tôi đã, đang thực hành và luyện tập một thói quen thiền mới. Bằng chứng cụ thể là những gì mà tôi đang thực tập mỗi ngày ngay trong chuyến đi công tác ở Nhật Bản tại thời điểm gõ những dòng chia sẻ này đến bạn đọc.