E
llen đặc biệt yêu thích những hòn đá.
Từ nhỏ, cô đã sưu tầm và phân loại chúng theo kích thước, hình dạng, chủng loại và màu sắc. Khi lớn lên, sau hai năm theo học một trường danh giá, đã đến lúc cô chọn chuyên ngành mình muốn theo đuổi. Thật ra Ellen vẫn chưa biết phải làm gì với cuộc đời mình, cũng không có ý niệm về nghề nghiệp lý tưởng, nhưng cô cần đưa ra lựa chọn. Địa chất học có vẻ là quyết định tốt nhất vào thời điểm đó. Vì dù gì đi nữa thì thứ cô thích nhất chính là những hòn đá.
Bố mẹ của Ellen vô cùng tự hào về con gái, một sinh viên chuyên ngành địa chất học, một nhà địa chất trong tương lai. Cuối cùng, ngày tốt nghiệp đã đến, Ellen chuyển về nhà bố mẹ và bắt đầu công việc trông trẻ, dắt thú cưng đi dạo với thu nhập ít ỏi vừa đủ sống. Đây là lúc gia đình cô trở nên bối rối vì đó là những việc Ellen từng làm thời cấp ba. Đến khi nào cô mới trở thành một nhà địa chất như họ kỳ vọng? Tại sao Ellen còn chưa chịu bắt đầu sự nghiệp trong mơ của mình?
Đó là vì một hôm, cô chợt nhận ra mình không muốn trở thành một nhà địa chất.
Thật ra cô chẳng mấy hứng thú với việc tìm hiểu về các quá trình địa chất, vật chất kiến tạo hay lịch sử hình thành Trái Đất. Cô không muốn đi nghiên cứu thực tế hay vào làm tại các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc các tổ chức môi trường. Cô cũng không thích vẽ bản đồ và làm báo cáo tổng hợp. Ellen chọn ngành địa chất đơn thuần vì niềm đam mê dành cho những viên đá. Giờ đây, với tấm bằng trong tay, Ellen không biết phải tìm một công việc như thế nào, cũng không rõ mình nên làm gì trong suốt quãng đời còn lại.
Cô không biết rằng mình chẳng đơn độc vì trên thực tế, chỉ 27% sinh viên tốt nghiệp đại học tại Mỹ chọn làm công việc đúng với chuyên ngành. Ý nghĩ chuyên ngành đã chọn sẽ theo bạn suốt cuộc đời và đại học là quãng thời gian tuyệt vời trước khi bạn làm việc cật lực – và sống thật buồn tẻ – chính là hai trong số các niềm tin sai lệch thường gặp, những điều huyễn hoặc đã ngăn cản nhiều người kiến tạo một cuộc sống như mong muốn.
Niềm tin sai lệch: Bằng cấp quyết định sự nghiệp.
Tái định dạng nhận thức: Cứ bốn sinh viên thì có ba người sau khi tốt nghiệp không làm các công việc liên quan đến chuyên ngành.
Ở độ tuổi ba mươi, Janine là một phụ nữ thành đạt.
Sau khi tốt nghiệp hai trường đại học hàng đầu, Janine gia nhập một công ty luật lớn và có tầm ảnh hưởng. Mọi thứ trong cuộc sống dường như đều đi theo đúng con đường cô đã định, sức mạnh ý chí và sự siêng năng chăm chỉ đã mang đến cho Janine tất cả những điều cô từng mong muốn.
Nhưng Janine có một bí mật.
Có những hôm, sau khi lái xe về từ hãng luật nổi danh nhất Silicon Valley, Janine ngồi trên nóc xe ngắm thành phố dần lên đèn, và cô khóc. Janine đã có tất cả những gì cô nghĩ mình cần có, tất cả những gì cô nghĩ rằng mình muốn, nhưng sâu thẳm trong tim cô không cảm thấy hạnh phúc. Janine biết rằng mình nên sung sướng, hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng cô không cảm thấy vui, một chút cũng không.
Janine mường tượng về một ngày của mình, cô thức dậy mỗi sáng để vẽ tiếp bức tranh về cuộc đời thành đạt và hằng đêm đi ngủ với bộn bề băn khoăn, suy nghĩ. Đối với Janine, cuộc sống dường như luôn thiếu thốn, cô đã đánh rơi điều gì trên đường đời chăng? Tại sao một người có thể sở hữu mọi thứ và cùng lúc lại chẳng có gì? Giống như Ellen, Janine có một niềm tin sai lệch, cô cho rằng nếu cứ miệt mài tìm kiếm cơ hội và chinh phục thành công thì mình sẽ hạnh phúc. Janine cũng không hề đơn độc vì có gần 70% người đi làm tại Mỹ không cảm thấy hạnh phúc với công việc, 15% trong số họ thậm chí ghét bỏ công việc của mình.
Niềm tin sai lệch: Nếu thành công, bạn sẽ hạnh phúc.
Tái định dạng nhận thức: Hạnh phúc thật sự đến từ việc tạo dựng một cuộc sống phù hợp với chính bản thân mình.
Donald có một sự nghiệp vững chắc và một cuộc sống ổn định.
Ông làm công việc hiện tại đã được hơn ba mươi năm. Nay, căn nhà trả góp gần thanh toán xong, các con ông đã tốt nghiệp đại học, quỹ hưu trí cũng được đầu tư. Mỗi ngày, ông chỉ việc thức dậy, đi làm, thanh toán các hóa đơn, về nhà, đi ngủ, cứ như vậy lặp đi lặp lại.
Thế nhưng suốt bao năm qua, Donald cứ tự hỏi mãi một câu.
Ông mang theo câu hỏi này đến quán cà phê, ngồi vào bàn ăn, đi nhà thờ, thậm chí tới quán rượu, nơi chỉ vài ngụm Scotch đã có thể khiến mọi thắc mắc chìm vào quên lãng, nhưng sau đó câu hỏi ấy vẫn quay trở lại. Gần mười năm qua, nó khiến ông thức giấc vào lúc hai giờ sáng, nó hiện lên trên tấm gương trong phòng tắm mỗi khi ông nhìn vào: “Vì sao mình lại làm công việc này?”.
Chưa một lần nào ông tìm được cho mình câu trả lời thỏa đáng. Niềm tin sai lệch của Donald cũng tương tự như của Janine. Ông cho rằng một cuộc sống có trách nhiệm, cũng như sự nghiệp thành công, sẽ khiến cho mình hạnh phúc, điều khác biệt chỉ là ông đã chịu đựng nó quá lâu. Thế tại sao ông không thay đổi? Đó là vì Donald còn mang một niềm tin sai lệch khác, đó là ông không thể ngừng làm những việc mà bấy lâu nay mình vẫn luôn làm. Giá như Donald biết rằng mình không đơn độc, chỉ tính riêng nước Mỹ đã có hơn ba mươi mốt triệu người ở độ tuổi từ bốn mươi bốn đến bảy mươi muốn gây dựng một sự nghiệp viên mãn , phù hợp với mục tiêu cá nhân, đáp ứng được nhu cầu tài chính và giúp ích cho xã hội. Một vài người trong số đó may mắn tìm được sự nghiệp lý tưởng, nhưng rất nhiều người khác không biết phải bắt đầu từ đâu vì họ luôn e sợ đã quá muộn để khởi sự thay đổi.
Niềm tin sai lệch: Đã quá muộn rồi.
Tái định dạng nhận thức: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu sống cuộc đời bạn muốn.
Điểm chung giữa Ellen, Janine và Donald là họ đều mang một niềm tin sai lệch để đối diện với những vấn đề lớn của cuộc sống.
Vấn đề là “bạn thân” của nhà thiết kế
Hãy quan sát xung quanh, nhìn bao quát văn phòng hay ngôi nhà của bạn, ngó xuống cái ghế bạn ngồi, cả cái bàn và chiếc điện thoại mà có thể bạn đang cầm trên tay nữa, có phải mọi thứ đều được thiết kế bởi một ai đó không? Mỗi thiết kế đều bắt nguồn từ một vấn đề. Trước kia người ta không thể nghe nhiều bài nhạc mà không mang theo hàng tá đĩa CD, giờ đây chúng ta lưu hơn ba ngàn ca khúc vào một thiết bị nằm gọn trong lòng bàn tay. Chính nhờ một vấn đề nào đó trong quá khứ mà giờ đây bạn có thể nhét vừa chiếc điện thoại vào túi quần, làm việc trên máy tính xách tay dùng pin chạy hơn năm giờ đồng hồ, đặt báo thức là tiếng chim hót líu lo thay cho chuông báo inh ỏi. Những vấn đề chính là lý do khiến người ta phát minh ra hệ thống nước máy, vật liệu cách điện, cách nhiệt, ống dẫn nước, bàn chải đánh răng,… Đến một vật đơn giản như cái ghế cũng cần được thiết kế ra khi ai đó, ở một nơi nào đó, cảm thấy rằng ngồi lâu trên đá thì thật là ê mông.
Có sự khác biệt giữa vấn đề thiết kế và vấn đề kỹ thuật . Một kỹ sư có thể tìm ra cách tiếp cận và giải quyết vấn đề sau khi thu thập đủ dữ liệu, đồng thời biết chắc rằng có tồn tại một giải pháp tốt nhất. Bill chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về khớp nối cho chiếc máy tính xách tay Apple đời đầu, giải pháp mà ông và nhóm của mình đưa ra đã làm cho những chiếc máy tính này trở thành một trong những dòng máy đáng tin cậy nhất trên thị trường. Để tìm ra giải pháp, các kỹ sư đã chế tạo nhiều bản mẫu và tiến hành vô số thí nghiệm, tương tự như trong quá trình thiết kế. Tuy nhiên, mục tiêu ở đây rất rõ ràng và được xác định trước, đó là tạo ra những khớp nối có thể hoạt động tốt trong năm năm, hoặc chịu được mười ngàn lần đóng mở. Nhóm của Bill đã thử nghiệm nhiều giải pháp cơ học cho đến khi đạt được mục tiêu, sau đó nó có thể được áp dụng vào quy trình sản xuất thêm hàng nghìn lần nữa. Đó là một vấn đề kỹ thuật được giải quyết êm đẹp.
Bây giờ, hãy so sánh vấn đề trên với việc thiết kế chiếc máy tính xách tay đầu tiên có chuột tích hợp. Thời đó, những chiếc máy tính của Apple phụ thuộc vào chuột rời để thực hiện hầu hết các tác vụ, nhưng thật khó chấp nhận nếu họ tạo ra một chiếc máy tính xách tay cứ phải cắm chuột mới có thể sử dụng. Đây chính là một vấn đề thiết kế . Chẳng có bản thiết kế nào trước đó để phát triển tiếp, cũng không có yêu cầu cụ thể. Có vô vàn ý tưởng và thiết kế được đưa vào thử nghiệm nhưng đều không hiệu quả. Chỉ đến khi kỹ sư Jon Krakower nảy ra ý tưởng “điên rồ” với những viên bi xoay thu nhỏ, đẩy phần bàn phím vào phía trong, chừa lại vừa đủ chỗ để đặt thiết bị chuột cảm ứng này. Đây hóa ra chính là bước đột phá mà mọi người hằng trông đợi và kể từ đó, nó trở thành một phần trong phong cách thiết kế máy tính xách tay của Apple.
Thẩm mỹ, hay vẻ ngoài của một vật nào đó, cho thấy rằng đối với nhà thiết kế, không có giải pháp nào là tốt nhất để giải quyết vấn đề phát sinh. Trên thế giới có biết bao siêu xe sang trọng, dù cùng hướng đến những đỉnh cao mới về hiệu năng và tốc độ nhưng một chiếc Porsche trông hoàn toàn khác một chiếc Ferrari. Cả hai đều được chế tạo tỉ mỉ, đạt độ hoàn thiện cao và tuy gồm những bộ phận, động cơ tương tự nhau nhưng mỗi chiếc sở hữu nét cuốn hút riêng về mặt thẩm mỹ. Kỹ sư thiết kế ở hãng xe nào cũng chú trọng đến từng đường nét hình dáng, bộ đèn pha và lưới tản nhiệt,… nhưng họ đưa ra những quyết định hoàn toàn khác nhau. Mỗi hãng đi theo phong cách riêng của mình – chiếc Ferrari sở hữu bề ngoài lãng tử đậm chất Ý, còn chiếc Porsche trông tinh nhạy với những chi tiết chuẩn xác kiểu Đức. Những nhà thiết kế nghiên cứu về thẩm mỹ học hàng năm trời để có thể biến những sản phẩm công nghiệp này thành các kiệt tác chuyển động. Đó là lý do vì sao, ở một khía cạnh nào đó, thẩm mỹ chính là vấn đề thiết kế lớn nhất. Thẩm mỹ liên quan đến cảm xúc và chúng ta đã khám phá ra rằng dưới ảnh hưởng của cảm xúc, tư duy thiết kế chính là khí cụ tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Khi hỗ trợ các sinh viên ra trường, vào đời trở thành một người hạnh phúc và làm việc hiệu quả – giúp họ tìm ra chặng đường phía trước của mình – chúng tôi biết rằng tư duy thiết kế là công cụ tốt nhất. Thiết kế cuộc sống không đòi hỏi một mục tiêu cụ thể, khác với việc chế tạo các khớp nối hoạt động bền bỉ suốt năm năm, hoặc xây một cây cầu theo bản vẽ đã được phê duyệt, vốn là những vấn đề kỹ thuật mà để giải quyết chúng, ta thu thập dữ kiện và vạch ra giải pháp tối ưu.
Khi ta mong muốn đạt được một mục tiêu nào đó, chẳng hạn như một mẫu máy tính xách tay thật gọn nhẹ, một chiếc xe thể thao “quyến rũ”, hay một cuộc sống được thiết kế hoàn chỉnh, nhưng lại chưa có giải pháp cụ thể, đó chính là thời điểm để bạn động não, thử nghiệm ý tưởng, ứng biến, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi bạn tìm ra một giải pháp thật sự hiệu quả. Bạn chỉ biết được sau khi đã nhìn thấy nó, có thể là những đường nét hài hòa đến kinh ngạc của một chiếc Ferrari hay một chiếc MacBook Air gọn nhẹ vượt trội. Một thiết kế tuyệt vời không đến từ các phương trình, bảng tính hay quá trình phân tích dữ liệu. Nó có diện mạo riêng và mang đến những cảm nhận độc đáo, đó là một sự mãn nhãn tuyệt vời.
Bản thiết kế cuộc sống hoàn chỉnh của bạn cũng sẽ mang một diện mạo và cảm nhận riêng biệt, tư duy thiết kế sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề thiết kế trong cuộc sống. Trong đó, mọi điều khiến cuộc sống hằng ngày trở nên dễ dàng, hiệu quả và thú vị hơn đều được tạo nên từ việc giải quyết vấn đề; thực hiện bởi một nhà thiết kế hoặc nhóm thiết kế nào đó. Các không gian sống, làm việc và giải trí đều được thiết kế để phục vụ cho cuộc đời, sự nghiệp và nhu cầu thư giãn của chúng ta. Dù chúng ta nhìn vào nơi nào trong thế giới rộng lớn này, ở đó luôn có kết quả của các quá trình thiết kế nhằm giải quyết vấn đề.
Tất cả là nhờ tư duy thiết kế.
Rồi bạn sẽ thấy rõ hơn những lợi ích của tư duy thiết kế trong chính cuộc đời mình. Thiết kế không chỉ để tạo ra những thứ hay ho như máy tính hay siêu xe; tư duy thiết kế rất hữu ích trong việc xây dựng một cuộc sống thú vị, ý nghĩa và trọn vẹn. Không quan trọng bạn là ai, làm công việc gì, đã có tuổi hay vẫn còn trẻ, bạn có thể sử dụng chính phương pháp tư duy đã tạo ra những công nghệ, sản phẩm và không gian tuyệt vời để thiết kế sự nghiệp và cuộc sống của riêng mình. Một cuộc sống được thiết kế chỉn chu sẽ có khả năng tự làm mới chính nó, đó là một đời sống sáng tạo, phong phú, luôn biến đổi, tiến triển và không bao giờ thiếu những bất ngờ thú vị.
Chuyện bắt nguồn từ đâu?
Tất cả khởi đầu từ một bữa trưa.
Vào những năm 1970, khi chúng tôi còn là sinh viên Đại học Stanford, Bill khám phá ra và hào hứng dấn thân vào ngành thiết kế sản phẩm. Khi còn là một cậu bé, ông thường ngồi ở bàn máy may của bà, chăm chú vẽ hình những chiếc xe hơi và máy bay từ trí tưởng tượng. Lúc đó Bill chưa biết rằng thực tế có những người làm công việc này và họ được gọi là nhà thiết kế. Nhiều năm sau, Bill vẫn tiếp tục tưởng tượng và vẽ, chỉ là ông không còn ngồi bên chiếc máy may của bà nữa. Ông điều hành chương trình đào tạo thiết kế bậc đại học và thạc sĩ tại Stanford, đồng thời giảng dạy tại d.school 1. Bill cũng từng làm việc cho nhiều công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp Fortune 100, trong đó có bảy năm tại Apple, nơi ông thiết kế những chiếc máy tính xách tay đạt nhiều giải thưởng và vài năm trong ngành công nghiệp đồ chơi để sáng tạo mô hình nhân vật Star Wars.
1. d.school (Học viện Thiết kế Hasso Plattner): trung tâm đào tạo đa phương tiện thuộc Đại học Stanford, tất cả các lớp học tại đây đều dựa trên nền tảng của tư duy thiết kế.
Bill đã may mắn phát hiện ra ngành thiết kế sản phẩm và cất bước trên con đường sự nghiệp giàu ý nghĩa và tràn đầy niềm vui. Cả hai chúng tôi đều nhận thấy rằng trường hợp trên thật hiếm có, chuyện thường không lý tưởng như vậy, ngay cả với sinh viên Stanford.
Khác với Bill, thời sinh viên, Dave không có định hướng gì cho sự nghiệp của mình. Ông không tốt nghiệp ngành sinh học như mong muốn mà chuyển sang ngành kỹ sư cơ khí, chẳng qua là vì không còn lựa chọn nào khác. Trong những năm đại học, ông chẳng bao giờ tìm ra đáp án cho câu hỏi về công việc mình thật sự muốn làm. Cuối cùng, sau một thời gian “trầy trật”, Dave cũng khám phá được con đường sự nghiệp lý tưởng để có hơn ba mươi năm thử sức và trải nghiệm những điều thú vị mà công việc điều hành kiêm cố vấn quản lý ngành công nghệ cao mang lại. Ông giám sát quá trình phát triển sản phẩm chuột điều khiển và những dự án máy in laser tiên phong của Apple, đồng sáng lập Electronic Arts và hỗ trợ nhiều nhà khởi nghiệp trên con đường tìm lối đi riêng. Sau một khởi đầu gian nan, sự nghiệp của ông phát triển một cách thần kỳ, nhưng ông biết rằng con đường mình đi lẽ ra không gập ghềnh đến vậy.
Dù đã qua tuổi khởi đầu sự nghiệp hay lập gia đình, họ vẫn tiếp tục giúp đỡ và làm việc cùng các sinh viên. Ở Stanford, Bill có hàng trăm sinh viên đến xin lời khuyên, hầu hết đều chật vật trong việc tìm hướng đi cho đời mình sau khi tốt nghiệp. Dave thì giảng dạy tại Đại học Berkeley, nơi ông phát triển một chương trình hướng nghiệp và trực tiếp đứng lớp giảng dạy mười bốn khóa trong suốt tám năm, dù vậy ông luôn mong làm được nhiều hơn thế. Thời gian đó, không ít lần họ chạm mặt nhau cả trong công việc lẫn các vấn đề cá nhân. Khi Bill vừa nhậm chức Giám đốc điều hành Chương trình Thiết kế Stanford thì Dave cũng nhận ra rằng những yêu cầu đa chiều dường như đã gây áp lực nặng nề lên vai các sinh viên thiết kế, đòi hỏi ở họ một tầm nhìn để gây dựng sự nghiệp vừa ý nghĩa, phù hợp với bản thân, vừa đáp ứng được các nhu cầu kinh tế - xã hội. Ông quyết định liên lạc với Bill để hẹn nhau ăn trưa và trao đổi ý tưởng, nếu mọi chuyện suôn sẻ, họ sẽ gặp lại để thảo luận thêm.
Đó là lý do tại sao chúng tôi nói tất cả khởi đầu từ một bữa trưa.
Bữa ăn chỉ mới bắt đầu được năm phút, chúng tôi đã quyết định sẽ hợp tác cùng nhau khai sinh ra một môn học mới tại Stanford nhằm áp dụng tư duy thiết kế vào việc thiết kế đời sống. Trước tiên, khóa học sẽ được mở cho các sinh viên thiết kế, nếu sau đó mọi thứ tiến triển tốt thì tất cả các sinh viên đều có thể đăng ký. Kết quả là môn học này đã trở thành một trong những bộ môn tự chọn được yêu thích nhất tại Stanford.
Khi được hỏi về công việc mình làm, đôi lúc chúng tôi trả lời một cách dè dặt rằng: “Chúng tôi dạy sinh viên Stanford cách ứng dụng những nguyên lý căn bản của tư duy thiết kế vào việc giải quyết các vấn đề tréo ngoe trong cuộc sống, cả thời sinh viên lẫn sau khi tốt nghiệp”. Sau đó, họ sẽ lại thắc mắc: “Tuyệt quá! Nhưng nó có nghĩa là gì vậy?”.
Rồi chúng tôi đáp rằng: “Chúng tôi dạy cách áp dụng tư duy thiết kế để giúp bạn tìm ra điều mình muốn làm khi trưởng thành”. Lúc đó, hầu hết mọi người sẽ trở nên hào hứng: “Ồ! Tôi có thể tham gia lớp học này không?”. Nhiều năm trời chúng tôi đã phải từ chối, ít nhất là đối với những ai không nằm trong số mười sáu ngàn sinh viên Stanford. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã bắt đầu giới thiệu hội thảo Thiết kế Cuộc sống đến tất cả mọi người2, và chúng tôi cũng viết quyển sách này nữa, nên bạn không cần phải đến Stanford để có một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo đâu.
2. Tìm hiểu thêm thông tin về các hội thảo tại trang www.designingyour.life.
Nhưng bạn phải sẵn sàng trả lời một số câu hỏi hóc búa.
Những câu hỏi cũng là “bạn thân” của nhà thiết kế
Cũng như Donald nhìn vào gương mỗi tối và tự vấn về công việc của ông, chúng ta ai cũng chật vật với vô số câu hỏi về cuộc đời, công việc, ý nghĩa và mục đích sống.
Chúng tôi có thể giúp bạn trả lời tất cả những câu hỏi này, trừ câu cuối.
Chúng ta đều đã từng được hỏi “Khi lớn lên bạn muốn làm gì?”. Đây là một câu hỏi căn bản về cuộc sống, dù chúng ta mới mười lăm hay đã năm mươi xuân xanh. Những nhà thiết kế bị cuốn hút bởi các câu hỏi, nhưng điều họ thật sự yêu thích chính là quá trình tái định dạng.
Tái định dạng nhận thức chính là một trong những tư duy thiết kế quan trọng nhất. Nhiều cải tiến vĩ đại đều bắt nguồn từ sự tái định dạng nhận thức. Tư duy thiết kế chú trọng đến một điều: Đừng bắt đầu từ vấn đề, hãy bắt đầu với sự thấu cảm. Một khi trong ta có sự thấu cảm dành cho những người sẽ dùng sản phẩm của mình, chúng ta sẽ nhận định chính xác hơn để động não, bắt đầu tạo mẫu nhằm khám phá điều ta chưa biết về vấn đề này. Thông thường điều này sẽ dẫn đến việc tái định dạng nhận thức, còn có thể gọi là điểm then chốt. Tái định dạng nhận thức là khi chúng ta có được thông tin mới về một vấn đề, nhận định lại quan điểm cá nhân, bắt đầu suy nghĩ cũng như tạo mẫu một lần nữa. Bạn bắt đầu với việc thiết kế sản phẩm, chẳng hạn như sáng tạo một công thức phối trộn cà phê mới hoặc chế tạo một chiếc máy pha cà phê mới, nhưng tái định dạng nhận thức là khi bạn nhận ra rằng mình đang tái thiết trải nghiệm cà phê (như Starbucks). Hoặc để nỗ lực xóa đói giảm nghèo, ta ngừng việc cho giới thượng lưu trong nước vay tiền (như Ngân hàng Thế giới đã làm) và bắt đầu cho những người nghèo đến mức gần như không có khả năng chi trả mượn tiền (như Ngân hàng Grameen3). Máy tính bảng iPad của Apple cũng là kết quả của sự tái định dạng nhận thức toàn diện về trải nghiệm điện toán di động.
3. Ngân hàng Grameen được sáng lập bởi giáo sư Muhammad Yunus vào năm 1983 tại Bangladesh, là mô hình tín dụng vi mô dành cho người nghèo, nhất là phụ nữ, giúp họ vay vốn làm ăn để cải thiện đời sống mà không cần thế chấp. Năm 2006, giáo sư Muhammad Yunus đã được trao giải Nobel Hòa bình cho mô hình ngân hàng này.
Tái định dạng nhận thức là một yếu tố quan trọng trong việc thiết kế cuộc sống. Sự tái định dạng nhận thức đáng kể nhất chính là nhận thức về tính không hoàn hảo của cuộc sống, bạn không thể lên một kế hoạch hay tìm ra giải pháp lý tưởng cho cuộc đời mình, và trên hết, đó là một điều tốt. Có vô số phiên bản thiết kế cuộc đời, hướng đi nào cũng ngập tràn hy vọng, cơ hội sáng tạo và mở ra một thực tại khiến cuộc đời trở nên thật đáng sống. Cuộc sống của bạn không phải là một món đồ, đó là một hành trình trải nghiệm, và niềm vui thú thật sự đến từ việc thiết kế, đồng thời tận hưởng trải nghiệm đó.
Sự tái định dạng nhận thức cho câu hỏi “Khi lớn lên bạn muốn làm gì?” chính là “Khi lớn lên bạn muốn trở thành người ra sao?”. Cuộc sống bao hàm sự phát triển và biến đổi, nó không tĩnh tại, cũng không phải là một điểm đến. Không có chuyện ta trả lời câu hỏi một lần là xong, sau đó vấn đề được giải quyết tận gốc. Chẳng ai thật sự biết được mình muốn trở thành người như thế nào, ta chỉ thấy những hướng đi mập mờ trên mọi nẻo đường cuộc sống. Vì có quá nhiều câu hỏi dai dẳng bám theo mỗi bước chân, điều mọi người cần chính là một quá trình thiết kế nhằm tìm ra điều mình thật lòng muốn, mẫu hình mình thật sự muốn trở thành và cách tạo dựng một cuộc sống thành công mỹ mãn.
Bản thiết kế cuộc sống của bạn
Thiết kế cuộc sống chính là con đường phía trước. Đó là thứ sẽ giúp Ellen tìm ra công việc đầu tiên. Đó là thứ sẽ giúp Janine chuyển từ cuộc đời cô ấy nên sống sang cuộc đời cô ấy muốn sống. Đó là thứ sẽ giúp Donald trả lời được câu hỏi giày vò ông mỗi đêm. Những nhà thiết kế tưởng tượng nên những thứ chưa từng tồn tại, sau đó xây dựng chúng, và thế là thế giới thay đổi. Bạn cũng có thể làm điều này với chính cuộc sống của mình. Bạn có thể tưởng tượng ra một sự nghiệp và cuộc sống, bạn có thể xây dựng hình ảnh của bản thân trong tương lai, và kết quả là cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Nếu cuộc sống của bạn đã khá hoàn hảo rồi, thiết kế cuộc sống vẫn có thể giúp bạn tạo ra một phiên bản tốt hơn cho cuộc sống yêu quý hiện tại.
Khi bạn suy nghĩ như một nhà thiết kế và sẵn sàng đặt câu hỏi, đồng thời nhận ra cuộc sống luôn xoay quanh việc thiết kế một thứ gì đó chưa từng tồn tại, thì cuộc sống của bạn có thể tỏa sáng theo cách mà bạn khó lòng tưởng tượng được – nếu như bạn thích được tỏa sáng, vì sau tất cả thì đó là thiết kế của bản thân bạn mà.
Điều bạn cần biết về Thiết kế cuộc sống
Tại Stanford, chúng tôi đã giảng dạy cho hàng nghìn sinh viên về tư duy thiết kế và cách thiết kế cuộc sống. Và chúng tôi sẽ tiết lộ cho bạn biết rằng chưa một ai rớt môn này, thật ra thì trượt môn là điều không thể. Chúng tôi có hơn sáu mươi năm kinh nghiệm giảng dạy hợp lại, và giáo trình học được soạn ra cho mọi đối tượng: học sinh trung học, sinh viên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; cả những bạn trẻ ở độ tuổi hai mươi, những nhân viên trên con đường lập nghiệp lẫn những nhà hưu trí muốn có cho mình một sự nghiệp viên mãn.
Là những nhà giáo, chúng tôi luôn bảo đảm rằng học viên có thể tìm đến mình, nghĩa là nếu bạn tham gia khóa học, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng bạn. Có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp nhiều năm vẫn quay lại, kể cho chúng tôi nghe về cách các công cụ, ý tưởng và tư duy từng được học trong quá khứ đã tạo nên sự khác biệt trong suốt cuộc đời họ. Chúng tôi khá hy vọng, và thật lòng cũng khá tự tin rằng những ý tưởng này sẽ có thể tạo nên khác biệt trong cuộc đời bạn.
Nhưng đừng quá vin vào những lời nói của chúng tôi. Stanford là một nơi rất khắc nghiệt. Mặc dù những giai thoại về môn học này nghe rất tuyệt, nhưng nó không mang lại tác dụng lớn lao gì về mặt lý thuyết, điều bạn cần vẫn là dữ liệu. Môn học của chúng tôi dựa trên nền tảng của tư duy thiết kế, được xây dựng một cách khoa học và được kiểm chứng về khả năng hỗ trợ sinh viên. Hai nghiên cứu sinh văn bằng tiến sĩ đã làm luận văn về môn học này và kết luận rằng những sinh viên từng tham gia môn học của chúng tôi có mức độ nhận thức cao và nhiều khả năng theo đuổi được sự nghiệp mong muốn hơn những sinh viên khác; những sinh viên ấy có ít niềm tin sai lệch hơn và có năng lực tư duy để tìm ra những ý tưởng mới cho việc thiết kế nên cuộc sống của họ. Tất cả những kết luận này đều có ý nghĩa thống kê, hay nói theo cách thông thường là những ý tưởng và bài tập vận dụng chúng tôi đưa ra trong khóa học của mình, cũng như trong quyển sách này, đã được chứng minh về tính hiệu quả trong việc giúp bạn tìm ra điều mình muốn, cũng như cách để đạt được nó.
Tuy nhiên, dù mang tính khoa học hay không thì tất cả những điều này đều là chuyện cá nhân. Chúng tôi có thể đưa cho bạn một số công cụ, ý tưởng, hay bài tập rèn luyện; nhưng chúng tôi không thể luận ra hết cho các bạn được đâu. Chúng tôi không thể trao cho bạn sự sáng suốt, không thể thay đổi tầm nhìn của bạn, mọi thứ sẽ không dễ dàng như vậy được. Những gì chúng tôi có thể cam đoan với bạn là nếu bạn sử dụng những công cụ chúng tôi đưa ra và thực hành những bài tập thiết kế cuộc sống, thì sự thấu hiểu, tinh anh sẽ đến với tâm trí bạn. Sự thật là có rất nhiều phiên bản của bạn, và tất cả những phiên bản này đều đúng, việc thiết kế cuộc sống sẽ giúp bạn sống trong bất cứ phiên bản nào. Không có câu trả lời nào là sai, và chúng tôi không chấm điểm hay xếp hạng bạn đâu. Chúng tôi sẽ khuyên bạn làm một số bài tập trong quyển sách này, nhưng đằng sau sách không có đáp án để bạn dò lại. Chúng tôi thêm vào cuối mỗi chương sách một mục tóm tắt các bài tập, nếu có, gọi là mục Thử nghiệm , bởi chúng tôi luôn khuyên bạn làm điều đó. Thử nghiệm là việc mà các nhà thiết kế vẫn hay làm. Chúng tôi sẽ không so sánh bạn với ai cả, và bạn cũng không nên so sánh mình với ai hết. Chúng ta ở đây để cùng nhau tái tạo lại bản thân, hãy xem chúng tôi như là nhân viên trong nhóm thiết kế của riêng bạn.
Chúng tôi cũng khuyên bạn lập ra một nhóm thiết kế cho chính mình ngay lập tức, bao gồm những người sẵn sàng đọc quyển sách này và làm các bài tập vận dụng cùng bạn – một nhóm hợp tác cùng phát triển và theo đuổi việc tạo dựng một cuộc sống được thiết kế toàn diện. Tất nhiên bạn cũng có thể thoải mái đọc quyển sách này một mình, chúng tôi chỉ muốn chỉ ra sai lầm của nhiều người khi cứ nghĩ rằng các nhà thiết kế là những thiên tài đơn độc, lặng lẽ làm việc một mình và đợi chờ tia cảm hứng lóe lên, chỉ ra đâu là giải pháp cho vấn đề thiết kế của họ. Có lẽ một số vấn đề đơn giản như thiết kế một chiếc ghế đẩu hay một bộ đồ chơi lắp ráp cho trẻ em sẽ được một cá nhân giải quyết ổn thỏa. Nhưng trong thế giới công nghệ cao hiện nay, hầu hết mọi vấn đề đều cần được giải quyết bởi một đội ngũ thiết kế. Tư duy thiết kế còn cho rằng thành quả tuyệt vời nhất sẽ đến từ sự cộng tác thiết yếu – nhóm những người với xuất thân khác nhau, mang lại những kỹ năng đặc thù và kinh nghiệm đời sống mà họ có cho nhóm. Điều này giúp nhóm thiết kế dễ có được sự thấu cảm dành cho đối tượng sử dụng những gì mình thiết kế. Trong hầu hết các trường hợp, những xung đột bắt nguồn từ sự khác biệt của xuất phát điểm sẽ tạo ra những giải pháp vô cùng độc đáo.
Điều này đã được chứng minh rất nhiều lần tại các lớp học d.school ở Stanford, nơi những nhóm sinh viên quy tụ thành viên đến từ nhiều khoa khác nhau như kinh doanh, luật, kỹ sư, giáo dục, y dược,... Họ luôn có được những cải tiến đột phá với chất keo kết dính là tư duy thiết kế. Lối tiếp cận vị nhân sinh trong thiết kế là cách tận dụng sự khác biệt về xuất thân của mỗi thành viên trong nhóm để khuyến khích hợp tác và sáng tạo. Tiêu biểu nhất là trong một khóa mà không học viên nào xuất thân là dân thiết kế, ban đầu ai cũng rất chật vật khi phải học từ đầu cách tư duy như một nhà thiết kế, đặc biệt là sự cộng tác thiết yếu và sự chú tâm đến quá trình. Nhưng một khi những sinh viên này đã quen, họ phát hiện ra rằng khả năng làm việc của nhóm vượt xa hơn rất nhiều so với những gì một cá nhân có thể làm; khi đó sự tự tin sáng tạo của họ mới bùng nổ. Đã có rất nhiều dự án và sáng kiến thành lập doanh nghiệp của sinh viên gặt hái thành công, chẳng hạn như D-Rev hay Embrace, xuất phát từ quá trình này và là minh chứng cho việc hợp tác để hoàn thiện những mẫu thiết kế ngày nay.
Vậy nên hãy trở thành một thiên tài thiết kế cuộc sống, chỉ cần đừng nghĩ là bạn phải trở thành một trong những thiên tài đơn độc ngoài kia.
Tư duy như một nhà thiết kế
Trước khi thiết kế cuộc sống, bạn cần phải học cách tư duy như một nhà thiết kế. Chúng tôi sẽ trình bày một số phương pháp đơn giản để làm được điều này. Nhưng đầu tiên, bạn cần hiểu rõ một điểm quan trọng: Những nhà thiết kế không nghĩ ra giải pháp, họ xây dựng giải pháp . Điều đó có nghĩa là bạn không thể chỉ mơ mộng đến hàng loạt viễn cảnh không chút liên quan đến thế giới thật, hay đời thực của bạn. Bạn sẽ phải xây dựng mọi thứ, chúng tôi gọi đó là tạo mẫu, để thử nghiệm và trải qua vô vàn khoảnh khắc thú vị trong quá trình ấy.
Bạn muốn thay đổi sự nghiệp? Quyển sách này sẽ giúp bạn tạo nên sự thay đổi, nhưng không phải bằng cách ngồi một chỗ và cố quyết định xem sự thay đổi đó là gì. Chúng tôi sẽ giúp bạn suy nghĩ như một nhà thiết kế và xây dựng tương lai của bạn, đi từ tạo mẫu này sang tạo mẫu khác. Chúng tôi sẽ giúp bạn hoàn thành thử thách thiết kế cuộc sống với chính sự tò mò, sáng tạo đã giúp người ta phát minh ra máy in, bóng đèn và Internet.
Chúng tôi tập trung vào công việc và sự nghiệp, bởi vì thật lòng mà nói thì chúng ta dành hầu hết thời gian một ngày, một đời, cho công việc. Công việc có thể trở thành lẽ sống và nguồn vui thú to lớn mỗi ngày, hoặc cũng có thể trở thành guồng quay vô tận với sự phí hoài thời gian cho việc cố gắng lê lết qua hết những ngày khốn khổ và đợi chờ cuối tuần đến. Một cuộc sống được thiết kế tỉ mỉ không phải là kiếp nô lệ. Bạn không được sinh ra trên thế gian này để đều đặn tám tiếng một ngày làm công việc mà chính mình ghét bỏ, rồi cứ sống thế cho đến khi về với đất mẹ.
Có thể nghe hơi cường điệu, nhưng có nhiều người nói với chúng tôi rằng đó là cách chính xác nhất để mô tả về cuộc sống của họ. Và ngay cả với những người may mắn tìm được một nghề nghiệp yêu thích, họ vẫn cảm thấy thất vọng và có một quãng thời gian khó khăn để xoay xở. Đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu suy nghĩ khác đi về tất cả mọi chuyện.
Tư duy thiết kế bao gồm một số kiểu tư duy đơn giản nhất định. Quyển sách này sẽ chỉ ra năm kiểu tư duy và cách áp dụng nó vào việc thiết kế cuộc sống, đó là tính hiếu kỳ, thiên hướng hành động, tái định dạng nhận thức, nhận thức đúng đắn và cộng tác thiết yếu . Chúng là những công cụ thiết kế và nhờ có chúng, ta có thể xây dựng bất cứ thứ gì, kể cả cuộc sống.
Tính hiếu kỳ . Sự hiếu kỳ khiến mọi thứ trở nên mới mẻ. Chúng chào mời sự khám phá và quan trọng nhất là tính tò mò sẽ giúp bạn “trở nên may mắn”. Đó là lý do có một số người nhìn thấy cơ hội ở tất cả mọi nơi.
Thử nghiệm/Thiên hướng hành động. Khi bạn có khuynh hướng hành động, nghĩa là bạn đang trên đường đến với giải pháp. Không có chuyện chỉ yên vị trên ghế rồi nghĩ xem mình sẽ làm gì, phải dấn thân vào mới biết được. Những nhà thiết kế luôn thử nghiệm mọi thứ, họ cứ thử và đánh giá, tạo mẫu hết lần này đến lần khác, thường xuyên gặp thất bại cho đến khi tìm ra cách hiệu quả để giải quyết được vấn đề. Đôi khi vấn đề họ gặp phải khác xa hoàn toàn với những gì họ nghĩ, nhưng không hề gì vì những nhà thiết kế luôn trân trọng sự thay đổi. Họ không bám lấy một kết quả nhất định nào, bởi họ luôn chú tâm vào điều diễn ra tiếp theo chứ không phải kết quả cuối cùng.
Tái định dạng nhận thức. Tái định dạng chính là cách các nhà thiết kế gỡ rối. Tái định dạng cũng đảm bảo chúng ta tìm ra cách giải quyết cho đúng vấn đề trọng yếu. Thiết kế cuộc sống bao gồm những tái định dạng mấu chốt, điều này cho phép bạn lùi lại, xem xét kỹ những khuynh hướng của bản thân, và mở ra những không gian giải pháp mới. Xuyên suốt quyển sách này, chúng tôi sẽ định dạng lại những nhận thức, niềm tin sai lệch đang ngăn cản bạn tìm được sự nghiệp và cuộc sống bạn muốn. Tái định dạng nhận thức là yếu tố cần thiết để tìm ra đúng vấn đề và giải pháp.
Nhận thức đúng đắn. Cuộc sống là một tiến trình, chúng ta hầu như đều thấy rằng cuộc sống là một mớ hỗn độn, sẽ có những lúc bạn tiến tới một bước nhưng cảm tưởng như đang đi lùi hai bước. Chúng ta sẽ phạm lỗi, những mẫu thử thất bại sẽ phải bỏ đi, nhưng phần quan trọng của tiến trình này chính là quên đi ý tưởng ban đầu của bạn, quên đi một giải pháp tốt nhưng chưa đủ tuyệt. Và đôi khi những thiết kế tuyệt vời lại được hình thành từ một mớ hỗn độn. Đồ chơi lò xo cầu vồng Slinky đã được tạo ra theo cách ấy, tương tự với nhựa Teflon, keo siêu dính hay đất nặn thủ công Play-Doh. Tất cả những thứ này sẽ không tồn tại nếu không có một nhà thiết kế nào đó làm rối tung mọi chuyện lên. Khi bạn học cách suy nghĩ như một nhà thiết kế, bạn sẽ học cách để ý đến quá trình. Thiết kế cuộc sống là một hành trình, hãy quên đi mục tiêu cuối cùng và chú tâm vào chính quá trình đó để rồi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Sự cộng tác thiết yếu. Yếu tố cuối cùng của tư duy thiết kế có lẽ chính là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề thiết kế cuộc sống, đó là sự cộng tác thiết yếu. Ý nghĩa của cụm từ này rất đơn giản: bạn không cô đơn. Những nhà thiết kế tài ba biết rằng những bản thiết kế tuyệt vời nhất đòi hỏi sự cộng tác thiết yếu. Người họa sĩ có thể một mình tạo nên tuyệt tác nghệ thuật bên bờ biển lộng gió. Nhưng một nhà thiết kế không thể một mình tạo nên chiếc điện thoại iPhone, dù có ở bên một bờ biển lộng gió hay không. Cuộc sống của bạn giống với một thiết kế vĩ đại hơn là một tác phẩm nghệ thuật, vậy nên bạn cũng không thể tạo dựng nó một mình. Bạn không cần phải tự mình tạo ra một bản thiết kế cuộc sống rực rỡ huy hoàng. Thiết kế là một quá trình hợp tác, và nhiều sáng kiến tuyệt vời nhất đến từ chính những người xung quanh. Bạn chỉ cần đặt câu hỏi, nhưng phải hỏi sao cho đúng. Trong quyển sách này, bạn sẽ học cách làm sao để người cố vấn và cộng đồng có thể hỗ trợ bạn trong việc thiết kế cuộc sống. Khi bạn tiếp cận thế giới thì thế giới sẽ phản hồi lại, và điều này làm thay đổi mọi thứ. Nói cách khác, thiết kế cuộc sống cũng giống như thiết kế mọi thứ khác, chúng là một môn thể thao đồng đội.
Đam mê của chúng tôi là quên đi mọi đam mê
Có nhiều người bị vướng vào một niềm tin sai lệch rằng họ chỉ cần tìm ra đam mê thật sự của mình là gì, rồi tất cả mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Chúng tôi ghét ý nghĩ này vì một lý do rất đơn giản: hầu hết mọi người không biết đam mê của họ là gì.
Một đồng nghiệp của chúng tôi, William Damon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Thanh thiếu niên Stanford, chỉ ra rằng trong năm người ở độ tuổi từ mười hai đến hai mươi sáu, chỉ duy nhất một người biết được định hướng tương lai, mong muốn trong cuộc sống và lý do cho những điều đó. Thí nghiệm của chúng tôi cũng chỉ ra điều tương tự, 80% những người ở mọi độ tuổi không thật sự biết họ đam mê điều gì.
Vậy nên những mẩu hội thoại cùng chuyên viên tư vấn nghề nghiệp thường diễn ra như thế này:
Chuyên viên tư vấn: Bạn đam mê điều gì?
Người tìm việc: Tôi cũng không biết nữa.
Chuyên viên tư vấn: Chà, vậy thì hãy trở lại khi bạn biết mình đam mê gì nhé!
Một số chuyên viên tư vấn nghề nghiệp sẽ cho người tìm việc làm thực hiện một bài kiểm tra để biết được đâu là hứng thú và thế mạnh của mỗi người, hoặc để khảo sát kỹ năng của họ, nhưng những ai đã từng làm bài kiểm tra này đều biết rằng kết quả luôn xa rời thực tế. Bên cạnh đó, chuyện biết rằng bạn có thể làm một phi công, một kỹ sư hay một nhân viên sửa chữa bảo trì thang máy không thật sự mang lại lợi ích lớn lao cho cuộc đời bạn. Vậy nên chúng tôi không có chút đam mê gì với chuyện tìm ra đam mê của bạn. Chúng tôi tin rằng con người cần có thời gian để phát triển đam mê của mình. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đối với hầu hết mọi người, đam mê đến với họ sau khi họ đã thử một việc gì đó, rồi phát hiện ra mình thích nó và phát triển thế mạnh đó, chứ họ không tìm ra đam mê trước quá trình ấy. Nói ngắn gọn, đam mê là kết quả của một cuộc sống được thiết kế tốt, chứ không phải là nguyên nhân tạo nên cuộc sống ấy.
Hầu hết mọi người không có đam mê cho riêng mình, đó vốn là điều tạo nên động lực thúc đẩy tất cả những quyết định trong cuộc sống, cũng như truyền cho bạn những khoảnh khắc thức tỉnh, nhận ra chí hướng và ý nghĩa. Nếu bạn đã nhận ra rằng nghiên cứu về thói quen giao phối và sự tiến hóa của động vật thân mềm từ kỷ Cambria đến hiện tại chính là lẽ sống đời mình, thì chúng tôi tôn trọng bạn. Charles Darwin đã dành ra ba mươi chín năm nghiên cứu về loài giun đất, chúng tôi tôn trọng Charles Darwin. Điều mà chúng tôi không ủng hộ ở đây chính là phương pháp tiếp cận thiết kế cuộc sống xa rời với 80% dân số trên thế giới. Thật sự, hầu hết mỗi người đều đam mê những điều khác nhau, và cách duy nhất để biết được họ muốn làm gì chính là tạo mẫu một vài hướng đi tiềm năng cho cuộc sống, thử nghiệm, và xem hướng đi nào thật sự phù hợp với họ. Chúng tôi rất nghiêm túc về chuyện này, bạn không cần biết về đam mê của mình để có thể xây dựng cuộc sống. Một khi bạn biết cách làm sao để tạo dựng khuôn mẫu cho một hướng đi, tức là bạn đã bước trên con đường khám phá được điều mình thật sự yêu thích, không cần bận tâm đến chuyện liệu nó có phải là đam mê hay không.
Bản thiết kế cuộc sống hoàn hảo
Một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo là một cuộc sống hợp lý, là cuộc sống của bản chất con người bạn, là hội tụ của điều bạn tin và điều bạn muốn làm. Khi bạn đã có cho mình một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo và có ai đó hỏi bạn: “Dạo này bạn sao rồi?”, thì bạn luôn có một câu trả lời cho họ. Bạn có thể nói với người đó rằng cuộc sống của bạn đang rất ổn, nhưng như thế nào và tại sao mọi thứ lại ổn. Cuộc sống hoàn hảo thật tuyệt diệu vì được lấp đầy bởi những trải nghiệm, phiêu lưu, thất bại cùng những bài học quý báu, những khó khăn giúp bạn mạnh mẽ hơn và hiểu rõ bản thân mình hơn, kể cả những thành tựu và sự thỏa mãn bạn nhận được. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng những thất bại và khó khăn cũng là một phần trong cuộc sống mỗi người, ngay cả với những cuộc sống được thiết kế hoàn hảo.
Chúng tôi sẽ giúp bạn khám phá ra cuộc sống được thiết kế hoàn hảo cho bạn trông như thế nào. Những học viên và khách hàng của chúng tôi chia sẻ rằng việc ấy rất vui thú. Họ cũng bảo nó chứa đựng đầy những bất ngờ. Chúng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng đến một lúc nào đó, nó sẽ khiến bạn bước ra khỏi phạm vi an toàn của chính bản thân bạn. Chúng tôi sẽ đòi hỏi bạn làm một số điều mà có thể bạn sẽ cảm thấy nó đi ngược với lẽ thường tình, hay ít nhất là khác biệt với những gì bạn đã được dạy bảo trước đây.
Tính hiếu kỳ
Thiên hướng hành động
Tái định dạng nhận thức
Nhận thức đúng đắn
Sự cộng tác thiết yếu
Điều gì xảy ra khi bạn làm những việc này? Điều gì xảy ra khi bạn tham gia vào việc thiết kế cuộc sống? Thật ra, một số chuyện lạ thường sẽ xảy ra. Những điều mà bạn muốn có bắt đầu xuất hiện trong cuộc sống của bạn. Bạn bắt đầu nghe thấy tiếng gọi của những công việc bạn vẫn hằng mơ ước. Những người bạn muốn gặp như thể đều tình cờ xuất hiện xung quanh. Điều gì đang diễn ra ở đây? Đầu tiên, đó chính là trạng thái “trở nên may mắn” mà chúng tôi đã đề cập bên trên. Đây là kết quả của sự tò mò và nhận thức, và cũng là sản phẩm phụ của việc sử dụng năm loại hình tư duy trên. Hơn thế nữa, quá trình khám phá ra bản thân bạn là ai và thực sự muốn gì có một tác động diệu kỳ đến cuộc sống của bạn. Sẽ cần đến nỗ lực và hành động thực sự, nhưng cũng khá là bất ngờ bởi khi ấy dường như mọi người đều cùng chung sức để giúp bạn. Một khi để ý đến quá trình xây dựng cuộc sống này, bạn sẽ có được rất nhiều niềm vui trên chặng đường ấy.
Trong suốt quá trình thiết kế cuộc sống, chúng tôi sẽ ở ngay bên bạn. Để dẫn lối cho bạn, để thử thách bạn. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn các ý tưởng và công cụ cần thiết đối với việc thiết kế, tạo dựng cuộc sống. Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm được công việc đúng đắn, gây dựng sự nghiệp tốt đẹp, trải nghiệm những thay đổi to lớn. Chúng tôi sẽ giúp bạn thiết kế cuộc sống, một cuộc sống mà bạn yêu thích.