C
ó một tấm bảng dựng bên ngoài trường thiết kế Stanford, ghi rằng “Bạn Đang Ở Đây”. Các học viên của chúng tôi rất thích tấm bảng đó, có thể thấy ý nghĩa của nó khá rõ ràng rằng không quan trọng bạn đến từ đâu hay định đi đến đâu, nghề nghiệp bạn đang có hoặc nghĩ mình nên có là gì, tư duy thiết kế vẫn có thể giúp bạn xây dựng cuộc sống trước mắt từ vị thế hiện tại của mình, bất kể vấn đề thiết kế mà bạn đang gặp phải là gì. Nhưng trước khi bạn tìm ra được hướng đi đúng đắn để dấn thân, thì bạn cần biết mình đang ở đâu và vấn đề thiết kế đang cần giải quyết là gì. Như chúng ta đã biết, những nhà thiết kế yêu thích những vấn đề. Khi bạn suy nghĩ như một nhà thiết kế, có nghĩa là bạn tiếp cận vấn đề theo một tư duy hoàn toàn khác. Những nhà thiết kế lấy động lực từ những thứ gọi là vấn đề oái oăm. Họ bảo chúng oái oăm không phải bởi vì chúng quỷ quyệt hay xấu xa gì, mà bởi chúng dường như không thể được giải quyết. Thẳng thắn mà nói, bạn sẽ không đọc quyển sách này khi bản thân đã có hết tất cả các câu trả lời, và cuộc sống của bạn chứa đầy ý nghĩa; có lẽ ở một điểm nào đó trong cuộc sống, bạn đang mắc kẹt với một vấn đề trái khoáy, oái oăm.
Và đó là vị trí tuyệt vời để bắt đầu.
Tìm kiếm vấn đề + Giải quyết vấn đề = Bản thiết kế cuộc sống hoàn hảo
Trong tư duy thiết kế, chúng ta chú trọng vào việc tìm kiếm vấn đề không kém gì so với việc giải quyết vấn đề. Bởi suy cho cùng, có nghĩa lý gì khi bạn bỏ công giải quyết sai vấn đề? Chúng ta chú trọng việc này vì thật sự không phải lúc nào ta cũng dễ dàng hiểu được vấn đề của mình là gì. Đôi khi chúng ta nghĩ mình cần một công việc mới hay muốn có một vị sếp mới, nhưng chúng ta thường không thật sự hiểu rõ điều đó có hiệu quả hay không trong chính cuộc sống của mình. Chúng ta thường tiếp cận những vấn đề của bản thân như thể nó là những vấn đề sẽ phát sinh điều gì đó hoặc giảm bớt điều gì đó; trong khi chúng ta chẳng muốn vơ thêm thứ gì vào mình và cũng chẳng muốn vứt bỏ đi thứ gì. Chúng ta muốn có một công việc tốt hơn, có nhiều tiền hơn, thành công hơn, có cuộc sống cân bằng hơn, giảm cân, bớt đi chuyện buồn cùng những nỗi đau. Cũng có khi chúng ta chỉ đơn giản là có chút bất mãn, có cảm giác muốn một điều gì đó khác đi hoặc cần thêm một thứ gì đó.
Thường thì chúng ta nhận định vấn đề của mình bằng việc tìm xem đang thiếu sót điều gì. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, điều cốt yếu là:
Bạn có những vấn đề của riêng bạn.
Những người mà bạn quen biết cũng có những vấn đề của riêng họ.
Tất cả chúng ta đều có vấn đề của riêng mình.
Đôi khi những vấn đề đó có liên quan đến công việc của chúng ta, đôi khi liên quan đến gia đình chúng ta, hay liên quan đến sức khỏe, tình yêu, tiền bạc,... Đôi khi những vấn đề của ta có thể vượt quá giới hạn đến nỗi ta chẳng buồn cố gắng giải quyết chúng. Chúng ta cứ thế sống chung với lũ – như thể đang sống cùng một đứa bạn chung phòng phiền phức, chúng ta than phiền mãi nhưng chẳng chuyển chỗ ở. Vấn đề của chúng ta tự dưng trở thành câu chuyện đời ta, và chúng ta mắc kẹt trong những câu chuyện đó. Quyết định xem nên giải quyết vấn đề nào có lẽ là một trong những quyết định quan trọng nhất bạn cần phải đưa ra, bởi vì người ta có thể mất hàng năm trời, thậm chí cả một quãng đời, chỉ để giải quyết sai vấn đề.
Dave từng có một vấn đề (thật ra anh ấy có hàng tá vấn đề và có thể nói rằng cả quyển sách này được viết ra dựa trên kinh nghiệm thực tế của anh ấy) nhưng riêng vấn đề này đã khiến anh ấy mắc kẹt nhiều năm trời. Dave định đến Stanford học ngành Sinh học nhưng không những anh nhận ra mình chẳng đam mê sinh học mà còn bị đánh rớt thê thảm.
Ngày tốt nghiệp trung học phổ thông, Dave quyết định rằng mình phải trở thành một kỹ sư nghiên cứu sinh vật biển. Hai nhân vật mang đến niềm tin này cho Dave là Jacques Cousteau và cô giáo Strauss.
Jacques Cousteau là anh hùng thời thơ ấu của Dave. Anh xem hết tất cả các tập trong bộ phim tài liệu Thế giới dưới biển của Jacques Cousteau1, ngầm tưởng tượng anh cũng là người sáng chế ra bộ đồ lặn như Jacques. Cậu bé Dave cũng rất thích hải cẩu và tin rằng điều tuyệt vời nhất thế giới chính là được trả tiền để chơi với hải cẩu.
1. Loạt phim tài liệu The Undersea World of Jacques Cousteau , được phát sóng lần đầu năm 1968.
Lý do thứ hai khiến anh ấy muốn trở thành một nhà nghiên cứu sinh vật biển có liên quan đến cô Strauss, giáo viên môn sinh học của Dave thời cấp ba. Khi đó, Dave học giỏi đều tất cả các môn, nhưng anh thích nhất môn sinh học. Tại sao ư? Bởi vì anh thích cô Strauss nhất. Cô ấy khiến môn sinh học trở nên thú vị, cô ấy là một giáo viên tuyệt vời. Dave đã lầm lẫn giữa khả năng giảng dạy, khơi dậy niềm hứng thú của cô với niềm đam mê thật sự trong mình. Nếu giáo viên môn thể dục cũng dạy hay như cô Strauss, biết đâu Dave sẽ nghĩ rằng định mệnh của anh là treo chiếc còi nơi cổ và làm trọng tài môn bóng né.
Thế nên sự kết hợp những niềm tin sai lầm của Jacques Cousteau và cô Strauss đã khiến Dave giải quyết sai vấn đề trong hơn hai năm trời. Vấn đề anh nghĩ mình cần giải quyết là làm thế nào để trở thành một nhà nghiên cứu sinh vật học hải dương, hay nói cụ thể hơn là làm thế nào để tiếp nối Cousteau khi vị anh hùng ấy qua đời. Dave vào đại học với một niềm tin mạnh mẽ rằng trong tương lai mình sẽ trở thành một nhà sinh vật học hải dương. Bởi Stanford không có chuyên ngành sinh vật học hải dương nên anh quyết định chọn chuyên ngành sinh học. Nhưng anh ấy không yêu thích nổi các lớp học về sinh hóa và sinh học phân tử. Các sinh viên khác đều hăng hái nhưng Dave thì không, bởi ước mơ của anh là được đùa giỡn bên những chú hải cẩu cơ mà.
Sau đó, để sửa chữa vấn đề, bao gồm sự chán nản với môn sinh vật và kết quả học hành tệ hại, Dave nghĩ rằng anh cần phải thực hiện những nghiên cứu khoa học thật sự, chẳng hạn như vào phòng thí nghiệm, làm nghiên cứu để tiếp cận gần hơn với loài hải cẩu. Thế nhưng cuối cùng anh chỉ có thể tham gia quá trình nghiên cứu về axit ribonucleic (RNA), thực tế chỉ là ngồi lau rửa ống nghiệm. Công việc rất chán và cuộc sống của anh còn trở nên sầu thảm hơn trước.
Hết lần này đến lần khác, trợ giảng môn sinh học và trợ giảng phòng thí nghiệm thắc mắc về quyết định chọn chuyên ngành sinh học của Dave. Dave kể cho họ nghe về cô Strauss, ngài Jacques Cousteau và cả những chú hải cẩu. Nhưng họ sẽ luôn chặn anh lại như sau: “Cậu không giỏi môn sinh học đâu. Cậu không hề thích nó, lúc nào cậu cũng cau có và khó chịu với nó. Cậu nên từ bỏ chuyên ngành này đi. Thứ duy nhất cậu giỏi chính là tranh luận; biết đâu cậu lại phù hợp với nghề luật sư”.
Bỏ ngoài tai cơn bão phản đối gay gắt, Dave vẫn cố chấp vì anh đã ghim chặt ý nghĩ này trong đầu nên không ngừng cố gắng giải quyết vấn đề. Anh đã quá chú tâm vào vấn đề do chính bản thân mình suy diễn ra mà không chịu nhìn nhận thực tế – anh không thích hợp với chuyên ngành sinh học. Vốn dĩ ý niệm về định mệnh của đời anh ngay từ đầu đã sai lệch.
Đó là trải nghiệm của chúng tôi, sau khi dành nhiều giờ liền ngồi trong văn phòng để nghiệm ra rằng con người ta đã bỏ phí rất nhiều thời gian để sửa chữa sai vấn đề. Nếu may mắn, họ sẽ nhanh chóng thất bại trong một tình huống nào đó để có thể nhận ra những vấn đề đúng đắn hơn. Còn nếu họ không nhận ra điều đó nhưng lại thông minh, họ sẽ thành công – chúng tôi gọi đó là thảm họa thành công – và rồi mười năm sau, họ thức dậy, tự hỏi bản thân là làm thế nào họ lại chịu đựng được đến tận hôm nay, và tại sao họ chẳng thấy hạnh phút chút nào.
Bộ sưu tập những thất bại của Dave trong việc trở thành một nhà sinh vật học hải dương ngày càng lớn, đến nỗi cuối cùng anh đành thừa nhận và đổi chuyên ngành học. Anh ấy mất hai năm rưỡi để hiểu ra vấn đề mà mọi người xung quanh chỉ tốn độ hai tuần để nhận thấy. Cuối cùng, anh chọn chuyên ngành kỹ sư cơ khí, học hành tấn tới và cảm thấy hạnh phúc hơn.
Dĩ nhiên, vẫn có những ngày anh lại mong được chơi đùa cùng đàn hải cẩu.
Tư duy của người mới bắt đầu
Nếu Dave biết cách tư duy như một nhà thiết kế ngay từ thời trung học phổ thông, anh ấy đã tiếp cận vấn đề chọn chuyên ngành đại học với tư duy của người mới bắt đầu. Đáng tiếc thay, anh lại cho rằng bản thân đã biết tất cả các câu trả lời trước cả khi đặt ra câu hỏi và tự đánh mất cơ hội khám phá của chính mình. Đáng ra anh ấy phải tìm hiểu chính xác một nhà sinh vật học hải dương sẽ làm những việc gì, lẽ ra anh có thể tìm đến hỏi han kinh nghiệm của những nhà sinh vật học hải dương. Trong khi đó, từ trường học đến Trạm Hàng hải Hopkins, Đại học Stanford chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ lái xe, Dave có thể đến trải nghiệm, dành chút ít thời gian dạo biển xem liệu có cảm thấy tuyệt vời như khi xem qua màn ảnh không. Anh cũng có thể tình nguyện làm việc trên những chuyến tàu nghiên cứu ngoài khơi, hoặc dành thời gian đi thăm những chú hải cẩu. Thay vào đó, anh cứ thế tiến vào cánh cửa đại học với tâm trí định sẵn để rồi rút ra bài học một cách đáng tiếc rằng có thể ý tưởng ban đầu của anh không hề tuyệt vời chút nào.
Không phải tất cả chúng ta đều như thế sao? Đã bao nhiêu lần chúng ta vì quá tâm đắc với ý tưởng đầu tiên của mình nên từ chối nhìn thẳng vào nó, dù kết quả mang lại tệ hại đến mức nào? Quan trọng hơn, ta có thật sự tin rằng quả là một ý kiến hay khi để tư duy của một thanh niên mười bảy tuổi tuy sốt sắng nhưng suy nghĩ chưa vững vàng quyết định một việc sẽ theo ta suốt quãng đời còn lại? Đã bao nhiêu lần chúng ta lao theo ý nghĩ đầu tiên và cho rằng chúng ta biết câu trả lời cho mọi thứ, kể cả các câu hỏi mà chúng ta thậm chí còn chưa từng suy ngẫm? Đã bao nhiêu lần chúng ta tự vấn, phân vân không biết liệu chúng ta có đang giải quyết đúng vấn đề?
“Một công việc tốt hơn” không phải là giải pháp cho vấn đề “Tôi không cảm thấy hạnh phúc khi làm việc, tôi thà ở nhà chăm con còn hơn”. Chú tâm vào việc giải quyết một vấn đề vô cùng lớn không hẳn đã là đúng đắn nếu nó không hẳn là vấn đề của bạn . Bạn không thể giải quyết vấn đề hôn nhân ở chỗ làm, hay giải quyết một thử thách trong công việc bằng cách ăn kiêng. Tuy điều đó nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng, cũng như Dave, chúng ta vẫn thường tiêu tốn nhiều thời gian để giải quyết sai vấn đề.
Bên cạnh đó, chúng ta còn có khuynh hướng vướng vào cái gọi là vấn đề trọng lực .
“Mình gặp phải vấn đề này to tát lắm và mình không biết phải làm sao với nó cả.”
“Ôi chà, Jane, vấn đề đó là gì vậy?”
“Là trọng lực ấy.”
“Trọng lực?”
“Ừ, nó làm mình phát điên lên được! Mình cứ thấy càng ngày càng nặng nề, mình không còn đạp xe lên dốc dễ dàng được nữa. Mình không biết phải làm sao cả. Cậu có ý kiến gì không?”
Ví dụ trên nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng chúng ta rất hay bắt gặp những “vấn đề trọng lực” như thế này.
“Thi sĩ không còn kiếm được nhiều tiền trong nền văn hóa của chúng ta nữa, họ không nhận được sự kính trọng mà lẽ ra phải có. Tôi phải làm thế nào đây?”
“Tôi đang làm việc tại một công ty cha truyền con nối đã qua năm đời. Không có chuyện một người ngoài như tôi có thể ngồi vào vị trí quản lý đâu. Tôi phải làm thế nào đây?”
“Tôi thất nghiệp cũng được năm năm rồi. Bây giờ tôi sẽ khó kiếm việc làm hơn và điều đó chả công bằng gì cả. Tôi phải làm thế nào đây?”
“Tôi muốn trở lại trường học, để tốt nghiệp trở thành một bác sĩ, nhưng nó sẽ ngốn của tôi ít nhất là mười năm, tôi không muốn đến tuổi này rồi mà còn phải bỏ ra nhiều thời gian như thế. Tôi phải làm thế nào đây?”
Tất cả những vấn đề này đều là vấn đề trọng lực – chúng không phải những vấn đề thật sự. Trong thiết kế cuộc sống, nếu ta không thể hành động để giải quyết một “vấn đề”, thì đó không phải là một vấn đề; mà là một tình huống, trường hợp nào đó, hoặc một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống. Đó có thể được xem là một trở ngại, nhưng, cũng như trọng lực, không phải là một vấn đề để chúng ta tìm cách giải quyết.
Mẩu thông tin nhỏ bên trên chắc chắn sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá thời gian do chọn sai vấn đề để giải quyết. Thay vào đó, hãy nhớ rằng mọi hành động đều liên quan đến hiện thực, con người chiến đấu với hiện thực đến cùng, bằng tất cả những gì họ có. Cứ hễ bạn xung đột và đấu đá với hiện thực, hiện thực sẽ thắng. Bạn không thể dụ dỗ hiện thực thay đổi, cũng không thể điều khiển nó theo ý muốn của mình.
Bạn không thể làm điều đó bây giờ và sẽ không bao giờ có thể.
Giải quyết vấn đề trọng lực
Nếu bạn cho rằng mình đã đặt ra một câu hỏi quan trọng, việc không kém phần quan trọng là chúng ta cần làm rõ như thế nào là vấn đề trọng lực. Điểm mấu chốt ở đây là giúp bạn tránh việc mắc kẹt trong một vấn đề không thể giải quyết.
Chúng tôi nhận ra rằng có hai loại vấn đề trọng lực, một là những điều hoàn toàn không thể thay đổi (ví dụ như bản chất của trọng lực) và hai là những điều không thể thực hiện được nếu chỉ xét riêng một khía cạnh nào đó (ví dụ như thu nhập trung bình của một thi sĩ). Một số bạn sẽ bắt đầu cố suy nghĩ xem điều mà mình đang trăn trở liệu có phải là một vấn đề trọng lực không thể giải quyết được hay là một vấn đề thật sự khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức, sự hy sinh, bên cạnh đó rủi ro thất bại cũng cao nhưng vẫn đáng để ta cố gắng. Hãy cùng nhận định lại những ví dụ về vấn đề trọng lực mà chúng tôi liệt kê ở trên.
Vấn đề trọng lực khi đạp xe
Để thay đổi trọng lực, bạn sẽ phải thay đổi quỹ đạo của Trái Đất, đó quả là một mục tiêu điên rồ. Hãy quên đi, đồng thời học cách chấp nhận để có thể thoải mái giải quyết những vấn đề xoay quanh tình huống đó. Người đạp xe có thể đầu tư vào một chiếc xe có trọng lượng nhẹ hơn, giảm đi chút cân nặng hoặc tìm hiểu thêm về mặt kỹ thuật để khiến quá trình leo dốc trở nên dễ dàng hơn.
Vấn đề thu nhập của thi sĩ
Để thay đổi thu nhập trung bình của các thi sĩ, bạn có thể tìm cách thay đổi thị trường thơ ca và kích thích nhu cầu của mọi người trong việc tìm mua thơ để đọc, và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho tác giả và tác phẩm. Bạn cứ việc thử, hãy viết thư cho các biên tập viên, tổ chức và mời mọi người tham gia đêm thơ tại một quán cà phê nào đó. Mặt khác, bạn có thể “giải quyết vấn đề” này bằng cách chấp nhận nó như là một tình huống nan giải. Khi đó, một cách tự nhiên bạn sẽ giải phóng tâm trí mình để tìm ra những giải pháp hay cho các vấn đề thực sự khác.
Vấn đề tìm việc của người đã thất nghiệp năm năm
Số liệu thống kê cũng cho thấy nếu bạn thất nghiệp trong một thời gian dài, sẽ rất khó để tìm được việc làm. Thường thì mọi người luôn tránh tình trạng thất nghiệp quá lâu vì điều đó ám chỉ rằng những nhà tuyển dụng đã từ chối đơn xin việc của bạn trong một khoảng thời gian dài, và họ hẳn phải có lý do chính đáng. Đó là một vấn đề trọng lực – bạn không thể thay đổi cách nhìn nhận của những nhà tuyển dụng, thay vào đó sao bạn không thử thay đổi cách mình trình diện trước họ? Bạn có thể tình nguyện thử việc mà chưa vội nhắc đến chuyện lương bổng, bạn có thể tìm kiếm những vị trí không chú trọng tuổi tác trong nhiều ngành nghề khác nhau. Cũng như Dave, khi quyết định trở thành một giáo viên thì độ tuổi của anh lại là một lợi thế, phần nào giúp khẳng định vốn trí thức và sự dồi dào kinh nghiệm; khi ấy anh cũng chẳng buồn cố gắng khẳng định vị thế chuyên gia marketing trước những người chỉ bằng nửa tuổi mình – những người biết anh không còn nhạy bén với công nghệ nữa. Như vậy, ngay cả khi gặp phải thực tại khó khăn, bạn vẫn luôn có thể tự do thử nghiệm thay vì chống lại quy luật tự nhiên.
Vấn đề chức vụ tại công ty cha truyền con nối
Trong vòng một trăm ba mươi hai năm qua, chỉ những ai mang họ Fiddleslurp mới có thể nắm giữ một vị trí trong ban quản lý công ty, nhưng bạn nghĩ rồi thời cơ cuối cùng cũng đến, và ta sẽ là người phá luật. Nếu bạn cho rằng chỉ cần cố gắng làm tốt công việc của mình và chờ đợi thời cơ, trong vòng ba đến năm năm, vị trí phó giám đốc sẽ là của bạn thì cũng ổn thôi, bạn có thể dành thời gian cho kế hoạch đó. Nhưng mong bạn cũng hãy nhận thức rằng không có chút bằng chứng nào cho thấy tham vọng này của bạn sẽ trở thành hiện thực. Đó là mong muốn của bạn, nhưng bạn đi mua vé số có khi còn khả thi hơn. Bạn vẫn có những lựa chọn khác cơ mà. Bạn có thể chuyển sang làm việc cho một công ty khác, không phải là công ty gia đình cha truyền con nối. Nhưng nếu bạn yêu thích nơi làm việc đó, và địa điểm đó cũng thuận tiện để bạn đưa con đến trường, thì hãy trân trọng những mặt tốt đẹp và chấp nhận sự thật thôi. Bạn có thể duy trì công việc ổn định, nhận một mức lương tốt, trong một công ty đáng tin cậy mà không cần phải ôm thêm vào mình quá nhiều trách nhiệm. Bạn có thể trở nên thạo việc và có được một sự cân bằng tuyệt đối cho đời sống và sự nghiệp của bản thân. Hoặc hơn thế nữa, bạn cũng có thể tạo dựng cho mình những giá trị tốt hơn thay vì tranh đoạt một chức vụ tốt hơn. Bạn có thể tìm ra một lĩnh vực mới, đề bạt lên công ty nhằm phát triển tổ chức và tăng cường lợi nhuận. Sau đó bạn có thể trở thành người quản lý dự án kinh doanh đó, có thể đó là chức vụ cao nhất bạn đạt được và không bao giờ có thể trở thành phó giám đốc, nhưng bạn đã trở thành người chịu trách nhiệm cho nhiều thứ hơn nên biết đâu bạn có thể trở thành quản lý được trả lương cao nhất công ty. Ai cần đến chức danh cơ chứ, khi bạn đã có được mức thu nhập tương xứng với mong muốn của mình.
Vấn đề tiêu tốn mười năm để trở thành bác sĩ
Đây lại tiếp tục là một vấn đề trọng lực. Trừ khi bạn muốn khởi đầu dự án thiết kế cuộc sống của mình bằng cách tái thiết hệ thống giáo dục y tế, vốn là điều gần như không thể nhất là khi bạn còn chưa có tấm bằng bác sĩ trong tay; bạn chỉ có thể thay đổi suy nghĩ của mình. Hãy nhớ rằng chỉ đến năm thứ hai đại học, bạn mới được phép tiếp xúc với các bệnh nhân và thực hiện thao tác y tế. Hầu hết các nhiệm vụ trong bệnh viện được thực hiện bởi những thực tập sinh đã hoàn thành bốn năm học y và lấy được tấm bằng bác sĩ. Nếu không thể thay đổi cuộc sống, bạn chỉ cần thay đổi tư duy của mình thôi. Bạn có thể chọn đi theo một hướng khác, trở thành điều dưỡng và làm những việc tương tự nhưng rút ngắn được thời gian học, thực tập và thử việc. Hoặc dấn thân vào lĩnh vực an sinh, thực hiện một dự án tiêm phòng hay đầu quân cho công ty bảo hiểm y tế.
Điểm mấu chốt chính là đừng để bị mắc kẹt trong những mục tiêu vĩ đại, gắng sức thay đổi toàn bộ thế giới. Bạn có thể mong muốn chống lại tình trạng bất công, chiến đấu vì nữ quyền, phòng tránh hiện tượng nóng lên toàn cầu,... nhưng hãy hành động thông minh. Nếu bạn suy nghĩ thoáng đến mức đủ để chấp nhận thực tại, bạn có thể tự do tái định dạng những vấn đề khả thi và thiết kế một con đường tiến đến mục tiêu thay đổi thế giới, và biết đâu điều đó có hiệu quả. Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn theo đuổi, chúng tôi muốn cho bạn một phương án khả thi nhất để bạn có thể sống cuộc sống bạn muốn, tận hưởng cuộc sống đó, và thậm chí là tạo nên sự khác biệt nữa. Chúng tôi sẽ giúp bạn có một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo nhất, một cuộc sống gần gũi với thực tế chứ không phải một thế giới viễn tưởng đầy mộng mơ.
Cách giải quyết một vấn đề trọng lực chính là chấp nhận nó, đó là nơi tất cả các nhà thiết kế giỏi bắt đầu, đó là điểm dựng tấm bảng “Bạn Đang Ở Đây”, và cũng là giai đoạn Chấp nhận trong quá trình tư duy thiết kế. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại của bản thân chứ không phải từ nơi mà bạn ước mình có thể chạm tới, không phải là nơi bạn hy vọng đến được, không phải là nơi bạn nghĩ bạn nên ở đó. Hãy chỉ bận tâm đến vị trí hiện tại của bạn.
Đánh giá thiết kế cuộc sống
Để có thể bắt đầu từ vị trí hiện tại, chúng ta cần phân chia cuộc sống thành nhiều mảng khác nhau – Sức khỏe, Công việc, Vui chơi và Tình yêu . Như chúng tôi đã nói, chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào mảng Công việc, nhưng bạn sẽ không thể tìm ra được cách thiết kế cuộc sống nếu bạn chưa tìm ra được cách thiết kế sao cho phù hợp với những khía cạnh còn lại trong cuộc sống của bạn. Cho nên, để bắt đầu ở vị trí hiện tại, chúng ta cần nhận thức được vị trí đó là ở đâu. Chúng ta sẽ xem xét tình huống bằng cách liệt kê ra những khía cạnh của bản thân để đánh giá chúng. Đó là cách giúp chúng ta nhận định được đặc điểm mấu chốt của vị trí hiện tại, đầu tiên ta cần xác định nền tảng cho câu trả lời của mình.
Sức khỏe
Từ những ngày đầu của nền văn minh nhân loại, những người sáng suốt đã nhận ra rằng sức khỏe rất quan trọng. Sức khỏe bao gồm cả trạng thái khỏe mạnh về tinh thần, thể chất lẫn tâm hồn. Mức độ quan trọng của từng khía cạnh sức khỏe trên phụ thuộc vào bạn. Cách bạn định mức sức khỏe của bản thân là tùy vào bạn, nhưng một khi biết được đâu là sức khỏe thì bạn cần phải chú ý đến nó. Bạn khỏe mạnh như thế nào chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cách bạn đánh giá chất lượng cuộc sống, từ đó trả lời cho câu hỏi “Dạo này bạn sao rồi?”.
Công việc
Công việc là một cuộc phiêu lưu của loài người, bạn có thể được trả tiền để làm việc đó, cũng có thể không, nhưng đó là điều bạn “làm”. Giả dụ như bạn không tự chủ về tài chính, bạn thường được trả một phần cho công việc của mình. Dù một phút giây thôi, cũng đừng chỉ làm lượng việc xứng đáng với những gì bạn được trả. Hầu hết mọi người đều làm nhiều công việc khác nhau cùng một lúc.
Vui chơi
Nhắc đến chơi là nói đến niềm vui, nếu quan sát một đứa trẻ vui đùa, bạn sẽ thấy được định nghĩa vui chơi mà chúng ta đang hướng đến. Vui chơi là bất cứ hoạt động nào mang đến niềm vui cho bạn khi thực hiện nó, cũng có thể bao gồm các hoạt động có tổ chức, các cuộc thi nhưng chỉ khi những điều đó được thực hiện “vì niềm vui” thì mới được gọi là vui chơi . Nếu mục đích đặt ra là để chiến thắng, nâng cao kỹ năng hay đạt được một thành tựu gì đó, thì mặc dù nó có “vui” cũng không thể được xem là vui chơi . Câu hỏi đặt ra ở đây là “Điều gì mang đến cho bạn niềm vui thuần khiết khi thực hiện nó?”.
Tình yêu
Tất cả chúng ta đều biết tình yêu là gì, chúng ta biết khi nào ta sở hữu nó và khi nào không. Tình yêu khiến thế giới xoay vòng, và khi thiếu đi tình yêu, cảm giác như thế giới này không còn chuyển động nữa. Chúng tôi sẽ không cố gắng để định nghĩa tình yêu và cũng không có một công thức nào để giúp bạn tìm thấy tình yêu đích thực của mình nhưng chúng tôi biết là bạn cần phải chú ý đến nó. Tình yêu thì muôn màu muôn vẻ, từ cộng đồng, bố mẹ cho đến bạn bè, đồng nghiệp, người yêu. Ai cũng cùng chia sẻ những nhu cầu thiết yếu đó của con người, nó như là một mối dây liên kết. Những người xuất hiện trong cuộc đời bạn là ai, tình yêu nảy nở giữa bạn và những người khác là như thế nào?
Vị trí của bạn
Nhìn chung, không ai có quyền đánh giá hay phán xét bạn về bốn lĩnh vực này của đời sống.
Ai trong chúng ta cũng có lúc cần sửa đổi các lĩnh vực này. Ý tưởng lớn ở đây chính là bạn hãy chọn lấy một mảnh đời sống để thiết kế trước, suy ngẫm về cách kiến tạo lĩnh vực ấy của cuộc sống. Nhận thức đúng đắn và tính hiếu kỳ chính là kiểu tư duy bạn cần để bắt đầu xây dựng con đường phía trước.
Bài tập dưới đây sẽ giúp bạn định vị địa điểm hiện tại của mình cũng như vấn đề thiết kế bạn cần giải quyết. Bạn không thể biết được mình sẽ đi đến đâu nếu không nắm rõ vị trí hiện tại.
Thật đấy. Vậy nên hãy cùng thực hành bài tập này!
Bảng đánh giá
Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu
Cách để xác định vị trí hiện tại của bạn chính là tập trung vào thứ chúng ta gọi là Bảng đánh giá Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu . Hãy nghĩ về nó như là một chiếc máy đo trên bảng điều khiển xe hơi, thông báo về tình trạng hiện tại của xe: Bạn có còn đủ xăng để hoàn thành cuộc hành trình không? Có đủ dầu nhớt để giúp bộ máy chạy trơn tru hay không? Máy liệu có đang nóng quá không? Tương tự như vậy, Bảng đánh giá Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu sẽ cho bạn biết về bốn khía cạnh của cuộc sống, tiếp cho bạn năng lượng, giúp bạn tập trung vào hành trình cuộc sống, cũng như giữ cho mọi nhân tố trong đó vận hành một cách thật trơn tru.
Niềm tin sai lệch: Tôi phải biết mình đang đi về đâu rồi chứ.
Tái định dạng nhận thức: Bạn không thể biết mình sẽ đi đâu nếu chưa biết được mình đang ở đâu.
Chúng tôi muốn bạn đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân và cách bạn làm việc, cách bạn vui chơi, cách bạn yêu. Sức khỏe chính là nền tảng của tháp đo chúng ta đang xây dựng. Bởi nếu ốm yếu thì không có gì trong cuộc sống của chúng ta tốt đẹp được cả. Làm việc, vui chơi và yêu thương được xây dựng trên nền tảng sức khỏe và đại diện cho ba mảng đời sống mà ta nghĩ là sẽ rất quan trọng, cần được chú ý. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, không có một sự cân bằng tuyệt đối nào trong những mảng đời sống này. Chúng ta ai cũng có những sự kết hợp khác nhau giữa sức khỏe, công việc, vui chơi và tình yêu trong cuộc sống của mình, tại những thời điểm khác nhau. Một người trẻ độc thân, vừa vào đại học, có thể có dư dả điều kiện sức khỏe, chơi nhiều và làm nhiều, nhưng chưa có một mối quan hệ yêu thương sâu sắc thật sự. Một đôi vợ chồng trẻ có con có cách vui chơi khác hẳn so với khi còn là những người độc thân hay chưa có con. Càng lớn tuổi, sức khỏe càng trở thành một mối lo ngại lớn. Bạn cần phải có một sự kết hợp hợp lý, và bạn sẽ nhận thức rõ được mình đang ở giai đoạn nào của cuộc sống.
Về sức khỏe, chúng tôi khuyên bạn nên suy nghĩ thấu đáo hơn, không phải chỉ đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe là đủ. Một cuộc sống được thiết kế tỉ mỉ cần được hỗ trợ bởi một cơ thể khỏe mạnh, một ý chí kiên cường, và không phải lúc nào cũng thế, nhưng thường là cần một số thói quen tâm linh nhất định. Từ “tâm linh” ở đây không nhất thiết mang ý nghĩa tôn giáo, theo chúng tôi thì thói quen tâm linh dựa trên niềm tin vào một điều gì đó to lớn hơn bản thân mình. Lại một lần nữa, không có một sự cân bằng khách quan tuyệt đối nào khi nói đến những yếu tố sức khỏe này. Chỉ là những nhận thức chủ quan của một cá nhân, hoặc “Tôi có đủ” hoặc “Tôi thiếu gì đó”.
Mặc dù sự cân bằng tuyệt đối không phải mục tiêu của chúng ta, nhưng nhìn vào tháp đo này, đôi khi chúng ta có thể thấy nó đang cảnh báo chúng ta rằng có điều gì đó không ổn. Như chiếc đèn báo hiệu khẩn cấp trên bảng điều khiển xe hơi của bạn vậy, tháp đo này có thể được xem như là vật chỉ thị cho chúng ta biết khi nào cần phải tấp vào lề và tìm ra vấn đề nằm ở đâu.
Ví dụ, một người chủ doanh nghiệp nọ có tên là Fred, nhìn vào bảng đánh giá cuộc sống của anh ta và nhận ra rằng anh ta dường như không có chút gì trong hạng mục sức khỏe và vui chơi. Bảng đánh giá của anh ta trông như thế này:
Fred đã cân nhắc dành thời gian cho vợ và gia đình của anh ấy, những người làm trong ngành khởi nghiệp thường gặp trắc trở trong các mối quan hệ, vậy nên anh ấy rất hài lòng về thước đo tình yêu của mình. Fred sẵn sàng từ bỏ các thú vui của mình để dành trọn thời gian cho dự án khởi nghiệp. Vậy nên sự thiếu cân bằng ở mục vui chơi là ổn đối với anh ấy. Tuy nhiên, bảng đánh giá này đã giúp anh nhận ra rằng mình đã đi quá xa, đặc biệt là trong vấn đề sức khỏe, hạng mục đang ở mức báo động đỏ. “Để trở thành một người chủ doanh nghiệp thật thành công, tài giỏi, đặc biệt là để có thể chịu đựng sức ép lớn của dự án khởi nghiệp, tôi cần phải chăm lo cho sức khỏe của mình, nhất là bây giờ, khi dự án còn đang dang dở”. Fred đã thay đổi đôi chút: anh thuê một huấn luyện viên thể hình cá nhân, bắt đầu đến phòng gym ba lần một tuần, mỗi tuần nghe một quyển sách nói về các chủ đề thử thách trí tuệ hoặc tâm linh mỗi khi di chuyển trên đường. Nhờ sự phối hợp này mà anh ấy làm việc hiệu quả hơn, sự hài lòng dành cho công việc và cuộc sống cũng cao hơn.
Debbie, một nhân viên quản lý sản phẩm tại Apple, gần đây đã xin nghỉ ở nhà để chăm hai bé trai sinh đôi. Thế nhưng cô lại rất ngạc nhiên khi nhìn vào bảng đánh giá của mình. “Tôi cứ tưởng rằng bởi vì tôi không còn ‘làm việc’ nữa thì tôi phải bớt đi hạng mục công việc của mình chứ. Nhưng hóa ra nếu tôi xét làm việc nhà và trông hai đứa trẻ là ‘công việc’, thì thực chất tôi còn làm việc nhiều hơn cả trước kia. Và tôi đang làm rất tốt trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần để bảo đảm rằng tôi có thể toàn tâm tận hưởng quãng thời gian tôi có cùng các con. Bảng đánh giá này cũng cho thấy lựa chọn của tôi – ngừng đi làm kiếm tiền để ở nhà cùng lũ trẻ khi chúng còn nhỏ – là một lựa chọn đúng đắn”.
Đó là câu chuyện của Fred và Debbie, giờ thì bắt đầu với bảng đánh giá của bạn nào.
Thước đo Sức khỏe của bạn
Như chúng tôi đã nói, sức khỏe đối với chúng ta mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ xét về mặt thể chất, nó bao gồm cả tâm trí và tinh thần. Việc đánh giá mức độ quan trọng tương xứng với từng khía cạnh đều tùy thuộc vào bạn, hãy thử đánh giá nhanh sức khỏe của bạn và tô vào thước đo trong bảng xem, bạn đang ở mức ¼, ½ , ¾ hay đạt mức tối đa? (Bill cũng đã thử tô vào những thước đo này và chúng tôi sẽ lấy bảng đánh giá của anh ấy làm ví dụ tham khảo.)
Cách bạn đánh giá sức khỏe bản thân sẽ liên quan trực tiếp đến cách bạn đánh giá chất lượng cuộc sống của bạn, và điều bạn muốn thiết kế từ nay trở về sau.
Thước đo Sức khỏe
Ví dụ của Bill:
“Sức khỏe tổng quát của tôi đang trong tình trạng tốt, gần đây thể chất của tôi rất tốt. Lượng cholesterol có hơi tăng, tôi nên giảm cân để có thân hình lý tưởng hơn. Hiện tại tôi không luyện tập gì cả, tôi đang thiếu cân đối, và tôi liên tục thở gấp nếu phải chạy để kịp lên tàu. Tôi đọc và viết về những triết lý cuộc sống, công việc và tình yêu của mình; tôi đọc những nghiên cứu gần đây về tư duy và mối liên kết giữa tư duy với cơ thể, nhưng tôi lại nhanh quên hơn bình thường. Từ khi con trai tôi ra đời (giờ thằng bé đã hai mươi mốt tuổi), tôi đã có một nhóm bạn luôn hướng dẫn và đồng hành cùng tôi trên những chuyến hành trình tâm linh. Tôi đánh giá sức khỏe của mình ở mức ‘một nửa’.”
Thước đo Công việc của bạn
Hãy lập một danh sách tất cả những cách “làm việc” của bạn và sau đó “đo lường” chúng. Danh sách đó liệt kê những công việc bạn được trả tiền để làm, bao gồm công việc thường trực, làm thêm, và tất cả những hoạt động tình nguyện,... Nếu bạn là một người nội trợ, như Debbie, hãy nhớ rằng nuôi dạy trẻ, chuẩn bị thức ăn cho gia đình, chăm sóc bố mẹ già và làm việc nhà cũng được xem là “công việc”.
Thước đo Công việc
Ví dụ của Bill:
“Tôi làm việc tại Stanford và có tham gia một số hoạt động tư vấn. Tôi diễn thuyết tại các buổi hội thảo Thiết kế Cuộc sống và là thành viên hội đồng quản trị của VOZ – một dự án khởi nghiệp phi lợi nhuận.”
Thước đo Vui chơi của bạn
Vui chơi là các hoạt động mang lại niềm vui cho bạn khi bạn thực hiện nó với một mục tiêu thuần khiết. Những hoạt động có tổ chức và những nỗ lực vì năng suất cũng được tính, nhưng với điều kiện là để cho vui chứ không vì một công trạng nào. Chúng tôi cho rằng tất cả mọi người đều cần có thời gian vui chơi, đó là một bước thiết yếu trong việc thiết kế cuộc sống. Hãy lập nhanh một danh sách những cách bạn chơi rồi tô vào thước đo của mình. Bạn đang ở mức ¼, ½, ¾ hay đạt mức tối đa?
Thước đo Vui chơi
Ví dụ của Bill:
“ Tôi giải trí bằng cách nấu ăn cho bạn bè và tổ chức những buổi tiệc lớn ngoài trời, nhưng mà chỉ thế thôi.”
(Nhân tiện thì Bill nghĩ anh ấy đang ở mức báo động đỏ cho mục này.)
Thước đo Tình yêu của bạn
Chúng tôi thật sự nghĩ rằng tình yêu khiến cho trái đất này liên tục quay, và khi chúng ta không có tình yêu, thế giới sẽ không thể tươi sáng và sống động như nó đã từng. Chúng ta cũng biết rằng chúng ta cần phải để ý đến tình yêu, và tình yêu thì muôn hình vạn trạng. Những mối quan hệ cơ bản có thể nhắc đến đầu tiên là tình yêu nam nữ, sau đó đến con cái, rồi lần lượt đến tình yêu dành cho con người, thú cưng, cộng đồng và tất cả những đối tượng khác có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Và cảm giác “được yêu” từ người khác cũng thiết yếu không kém gì việc “yêu”, đó phải là một cảm giác song phương. Dòng chảy tình yêu đang theo hướng nào trong cuộc sống của bạn, xuất phát từ bạn và từ người khác? Hãy lập một danh sách, sau đó tô vào thước đo.
Thước đo Tình yêu
Ví dụ của Bill:
“Tình yêu xuất hiện ở rất nhiều nơi trong cuộc sống của tôi. Tôi yêu vợ con tôi, bố mẹ, anh chị em và tôi nhận lại được tình yêu từ họ theo những cách rất riêng của mỗi người. Tôi yêu những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, đặc biệt là tranh vẽ, và chúng khiến tôi xúc động theo một cách đặc biệt. Tôi yêu tất cả các thể loại âm nhạc, chúng có thể khiến tôi hạnh phúc, cũng có thể khiến tôi khóc. Tôi yêu những không gian rộng lớn trên thế giới này, cho dù có là nhân tạo hay tự nhiên thì chúng cũng đều khiến tôi mê mẩn.”
Tóm lại, nhìn vào bảng đánh giá của Bill, ta có thể thấy đôi chút thiếu sót ở hạng mục vui chơi và sức khỏe. Những “tín hiệu khẩn” này chỉ ra các khía cạnh cuộc sống mà Bill cần phải chú tâm hơn.
Vị trí hiện tại của bạn
Bảng đánh giá Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu sẽ cho bạn cái nhìn khái quát về bản thân. Chỉ có bạn mới biết điều gì là tốt và chưa tốt ở thời điểm hiện tại.
Sau một vài chương nữa, cùng với một vài công cụ cũng như ý tưởng khác, có thể bạn sẽ muốn quay lại với mô hình đánh giá này và kiểm tra lại một lần nữa xem có gì thay đổi không. Bởi thiết kế cuộc sống là một quá trình không ngừng nghỉ của việc tạo mẫu và thử nghiệm, trên đoạn đường đó có rất nhiều chông gai. Nếu bạn bắt đầu suy nghĩ như một nhà thiết kế, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống này chẳng bao giờ kết thúc, công việc không bao giờ kết thúc, hoạt động vui chơi, tình yêu và sức khỏe cũng không bao giờ kết thúc. Chúng ta chỉ thật sự kết thúc quá trình thiết kế cuộc sống khi chúng ta chết. Cho đến lúc đó, chúng ta vẫn mắc kẹt vào một vòng xoáy mang tên “đời không như là mơ”. Vậy nên câu hỏi ở đây là:
Giờ đây bạn có hạnh phúc với những thước đo đời sống của mình?
Bạn có thành thật đối diện với nó? Có mảng đời sống nào bạn cần phải cải thiện?
Bạn đã thử đối mặt với một trong những vấn đề oái oăm của mình chưa?
Hãy trả lời thật thẳng thắn và chi tiết, vì bạn hoàn toàn có thể, ngay cả khi đây chỉ mới là giai đoạn đầu của quá trình. Nếu bạn nghĩ bạn đã thử làm điều đó rồi, thì trước tiên nhớ kiểm tra xem có vấn đề trọng lực nào không nhé. Hãy hỏi bản thân bạn xem vấn đề đó có thể được giải quyết hay không. Hãy xem xét tính cân đối của bảng đánh giá, nó rất quan trọng cho việc thiết kế. Đừng cố gắng đạt đến sự cân bằng tuyệt đối giữa các mảng đời sống, nhưng nếu các thước đo cho thấy cuộc sống thật sự mất cân bằng, đó có thể là một vấn đề đấy.
Bill để ý rằng thước đo vui chơi của anh ấy quá thấp. Còn bạn thì sao? Thước đo vui chơi của bạn có đang ở mức một nửa và thước đo công việc đang ở mức cao nhất, thậm chí hơn thế? Còn tình yêu thì sao? Sức khỏe thì sao? Sức khỏe tinh thần của bạn như thế nào, và tâm hồn của bạn như thế nào? Chúng tôi đoán rằng bạn chắc đã bắt đầu nhận ra mảng nào trong cuộc sống của mình cần được thiết kế và cải tiến rồi nhỉ?
Vì bạn đã quen dần với tư duy thiết kế, hãy ghi nhớ thêm một điều quan trọng: Chúng ta không thể dự đoán được tương lai, khi bạn thiết kế một thứ gì đó, điều đó có khả năng thay đổi tương lai.
Vậy nên, mặc dù bạn không thể biết trước tương lai, hay biết được đâu là một bản thiết kế cuộc sống hoàn hảo trước khi bắt tay vào hành động, bạn ít nhất vẫn có thể có một ý tưởng tuyệt vời cho điểm khởi đầu. Giờ đây đã đến lúc bạn chọn đúng hướng đi cho hành trình phía trước của mình. Để làm được điều đó, bạn sẽ cần một chiếc la bàn tốt.
Thử nghiệm
Bảng đánh giá
Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu
1. Viết mô tả về từng lĩnh vực sức khỏe, công việc, vui chơi, tình yêu của bạn trong thời điểm hiện tại.
2. Đánh dấu trên thước đo.
3. Tự hỏi bản thân xem liệu bạn có muốn tìm cách giải quyết cho vấn đề thiết kế nào trong số bốn lĩnh vực trên hay không.
4. Tự hỏi xem liệu “vấn đề” của bạn có phải là vấn đề trọng lực hay không.