Bạn muốn giành được một chỗ đứng cho mình trong hàng nghìn, hàng vạn đối thủ cạnh tranh? Nếu muốn, thì phải để bản thân mình không ngừng vươn lên, trở thành một người không thể thay thế. Nếu những việc bạn làm ai cũng có thể làm, mà bạn lại không có chí tiến thủ, vậy bạn dựa vào cái gì để có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt?
Đối với các bạn trẻ, môi trường công việc giống như “đi thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi”, để đứng vững, thì cần phải có chí tiến thủ. Thế nào là chí tiến thủ? Chính là trong công việc phải nỗ lực phát huy điểm mạnh của mình, không ngừng tích lũy kiến thức; không ngừng làm mới và mở rộng tầm nhìn, không ngừng học hỏi những kỹ năng và tri thức mới; không ngừng tiến bộ mỗi ngày. Có thể thấy những người trẻ mà có chí tiến thủ, giống như con thuyền có thêm cánh buồm, biến sự bị động thành chủ động, biến sự bình thường trở thành xuất sắc.
Có một thanh niên trẻ đi thăm thầy giáo lâu năm không gặp. Thầy giáo gặp được cậu vô cùng vui mừng, hỏi thăm tình hình công việc của học trò. Câu hỏi ấy, khiến cậu khó chịu trong lòng.
Cậu đáp: “Công việc hiện tại của em không tốt chút nào, không những không liên quan tới chuyên môn của em, mà mức lương còn rất thấp, tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ để nuôi sống bản thân. Điều này hoàn toàn khác với tưởng tượng của em ban đầu”.
Thầy giáo cảm thấy rất bất ngờ, hỏi: “Trước đây em tưởng tượng như thế nào?”.
Cậu trả lời: “Trước đây em nghĩ, cần phải vào một công ty lớn, làm ở vị trí thấp rồi từng bước một làm đến vị trí quản lý bộ phận. Nhưng hiện thực khiến em cảm thấy thất vọng, bởi vì bên cạnh em có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, họ cũng có suy nghĩ như thế. Qua nhiều năm phấn đấu, em phát hiện mình đã ‘thất bại’ rồi. Vì thế không muốn làm gì nữa, cũng không có tiền đồ phát triển gì cả”.
“Thực ra năng lực của em không tệ, cũng không có bất cứ ai, bất cứ cái gì có thể trói buộc em, em chỉ bị những tư tưởng của chính mình trói buộc mà thôi. Đã biết bản thân mình ‘thất bại’, không thể có tiền đồ phát triển, vậy tại sao không học thêm nhiều kiến thức, sau đó tìm cơ hội gia nhập vào công ty khác hoặc ngành nghề khác?” Thầy giáo nhẹ nhàng khuyên bảo.
Cậu suy nghĩ một lúc, sau đó thở dài đáp: “Có thể là số em không tốt thôi! Hình như tất cả vận may đều rơi xuống đầu người khác”.
“Em cảm thấy vận may của mình không tốt, nhưng lại không biết cơ hội đều đến với những người siêng năng, cần cù. Nếu em cứ dậm chân tại chỗ, không muốn tiến lên, ngay cả vận may có tới, liệu em có thể nắm được nó không?” Thầy giáo nhấn mạnh, “Một người nếu mất đi chí tiến thủ, thì họ mãi mãi không thể có được cơ hội thành công!”.
Làm việc một thời gian dài, chúng ta rất dễ có cảm giác uể oải, lười biếng. Đối với công việc không còn tâm huyết như ban đầu, nhiệm vụ được giao cũng không còn hào hứng nữa; làm việc càng ngày càng không có tính kiên nhẫn, thái độ đối với công việc càng lúc càng tiêu cực, luôn cảm thấy bản thân mình không bằng người khác,… Nếu bạn muốn trở thành một thanh niên tích cực, có chí tiến thủ thì nên khắc phục tâm trạng uể oải và lười biếng đấy.
Tâm trạng chán nản rất dễ ảnh hưởng tiêu cực tới công việc, biến thành vòng luẩn quẩn không lối thoát. Như thế, bạn càng mất đi động lực trong làm việc không có hiệu quả, điều đáng sợ nhất là bạn mất đi chí tiến thủ và nỗ lực phấn đấu.
Chúng ta biết rằng, nếu một miếng kim loại có từ tính, nó thậm chí có thể hút được những vật có trọng lượng gấp đôi mình. Nhưng một khi mất đi từ tính, thì ngay cả một những vật nhẹ như lông vũ nó cũng không thể hút nổi. Thực ra, chí tiến thủ của con người cũng giống như từ tính. Người có chí tiến thủ sẽ luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng khắc phục khó khăn, chiến thắng từng đối thủ cạnh tranh, dường như họ trời sinh đã là những người thành công, là người chiến thắng. Người thiếu chí tiến thủ, khi phải đối mặt với công việc luôn có tâm trạng uể oải, hời hợt, đầy hoài nghi và sợ hãi về tương lai. Dù có cơ hội nhưng họ lại tự ti: “Tôi không làm được, tôi chắc chắn sẽ thất bại, tôi không muốn thử lại lần nữa…”. Người như thế dựa vào đâu để thành công được?
Trước kia khi la bàn hàng hải chưa được từ hóa, nó không phản ứng với bất kỳ từ cực nào của Trái đất, càng không định hướng được Bắc cực. Nhưng sau khi được từ hóa, nó có thể định hướng một cách chuẩn xác. Trong cuộc sống, có rất nhiều bạn trẻ giống như la bàn chưa được từ hóa, chỉ biết đứng im một chỗ, không có phương hướng cũng không động lực. Có lẽ chỉ khi được một thứ gọi là “chí tiến thủ” kích thích, mới có thể khơi dậy sự phấn đấu nỗ lực để hướng tới thành công.
Thời thơ ấu của mỗi người đều có những ước mơ vĩ đại, Vua thép Andrew Carnegie lúc nhỏ cũng như thế.
Có một lần, ông nói với người em Thomas về những ước mơ của mình. Carnegie nói: “Đợi khi chúng ta lớn lên, nhất định sẽ thành lập Công ty anh em Carnegie, lúc ấy chúng ta sẽ kiếm thật nhiều thật nhiều tiền cho bố mẹ chúng ta mua một chiếc xe ngựa thật lớn…”.
Hai anh em sau đó lại vui vẻ chơi đùa, nhưng Carnegie chưa từng quên đi ước mơ của mình, hơn nữa trong việc học và công việc sau này, ông đều hướng tới ước mơ để nỗ lực phấn đấu. Đợi tới khi cơ hội tới, ông sẽ nắm thật chặt lấy nó, ước mơ trong tim đã cho ông sức mạnh vô song. Cuối cùng ông cũng biến ước mơ thành hiện thực. Carnegie nhờ vào chí tiến thủ của bản thân mình, trở thành “Vua thép” danh tiếng.
Samuel Johnson tác giả người Anh đã viết trong Thư gửi phu nhân Piozzi: “Để không hổ với cuộc sống của người có lý trí, luôn phải sống có chí tiến thủ”. Một trong những người đề cập rất nhiều về chủ đề thành công, Napoleon Hill từng nói, chí tiến thủ là phẩm chất cần có của những người thành công, khi một người mất đi chí tiến thủ, tất cả những gì xung quanh anh ta đều mất đi sự rực rỡ.
Trong quá trình phấn đấu, người có ý chí sẽ ngạc nhiên mà phát hiện ra rằng, những gì họ đạt được còn nhiều hơn so với tưởng tượng. Đương nhiên, để khắc phục được cảm giác chán nản, có chí tiến thủ tích cực, cũng không phải là việc dễ dàng. Napoleon Hill có một số lời khuyên dành cho các bạn trẻ như sau:
1. Không nên tìm cớ cho sự chán nản của bản thân
Bạn biết không? Sếp chỉ xem trọng hiệu suất và thành quả làm việc của bạn, chứ không muốn tốn thời gian để nghe bạn giải thích tại sao lại không hoàn thành tốt công việc. Vì thế nhất định không được viện cớ, không nên để nó trở thành lý do khiến bạn không muốn tiến lên. Bạn chắc chắn sẽ còn nhớ bộ dạng ra vẻ đáng thương tội nghiệp khi đi học của mình, nói với thầy giáo sách bài tập của mình bị cướp mất, nhưng thầy giáo chưa bao giờ tin những lời bạn nói.
2. Chấp nhận tình trạng tạm thời không có cách nào thay đổi
Sự uể oải, lười biếng của bạn có thể do công việc không mấy khởi sắc, hoặc là kết quả làm việc chưa từng được sếp công nhận. Lúc ấy bạn có thể lựa chọn làm một kẻ “đào ngũ” - tới một công ty khác, nhưng cách tốt nhất vẫn là chấp nhận tình trạng tạm thời không có cách nào thay đổi. Có lẽ khi bạn dùng tâm thái “chấp nhận” để đối diện một cách tích cực với vấn đề, có thể sẽ có một kết quả khác. Bởi vì trạng thái tâm lý của mỗi người không giống nhau, góc độ nhìn nhận sự việc khác nhau, kết quả cuối cùng cũng không giống nhau.
3. Đi làm đúng giờ, không làm “ông hoàng đi muộn”
Có lẽ bạn sớm đã bị các đồng nghiệp gán cho danh hiệu “ông hoàng đi muộn”, mỗi lần tới công ty đều vội vội vàng vàng, nhiều cuộc họp quan trọng cũng không tới kịp. Đó không phải là chuyện gì hay ho, bởi vì như thế chỉ khiến sếp “đánh giá thấp” bạn. Vì thế, mỗi ngày bạn nên cố gắng đi làm đúng giờ, nếu có thể, tốt nhất nên tới công ty sớm.
4. Xây dựng lại niềm tin cho bản thân
Đây cũng là điểm mấu chốt nhất, bởi vì chỉ có xây dựng lại niềm tin cho mình mới có thể nhen nhóm lên lòng nhiệt huyết đối với công việc. Chắc chắn bạn còn nhớ những hoài bão, ý chí khi mới đi làm, thậm chí bạn còn lập ra cho mình rất nhiều mục tiêu dài hạn hoặc ngắn hạn. Bây giờ hãy đem chúng ra, thực hiện từng cái một! Khi bạn có niềm tin như lúc mới bắt đầu, sự chán nản tự dưng sẽ rời xa bạn, sự tích cực và chí tiến thủ trong công việc cũng tự nhiên quay lại.