Dù là trong những văn phòng rộng rãi sáng sủa, hay là trên xe bus đông đúc chen lấn, chúng ta thường nghe thấy những người trẻ thở dài: “Tôi ngày ngày nếu không phải là vùi đầu làm việc, thì cũng là đang trên đường đi làm! Bận rộn như thế không biết là vì cái gì? Chả lẽ làm việc cứ phải giống như con quay không biết mệt mỏi, cứ máy móc lặp đi lặp lại mãi như vậy sao?”. Mỗi lần nghĩ tới những vấn đề này, trên khuôn mặt những người trẻ lộ rõ sự bối rối, thậm chí còn có chút buồn phiền.
Ý nghĩa thực sự của công việc rốt cuộc là gì? Có thể rất nhiều bạn trẻ không thể trả lời, thậm chí là những bậc tiền bối đã đi làm rất nhiều năm cũng chưa chắc trả lời được. Bởi vì con người thường có thói quen làm việc theo cảm tính. Ý nghĩa thực sự của công việc rốt cuộc là gì? Có thể câu trả lời của nhiều người sẽ là: “Làm việc ư, chẳng phải là để nuôi sống gia đình, để thực hiện ước mơ của bản thân, mà không ngừng bán đi sức khỏe và chất xám của mình ư?”. Thật vậy, đây chính là thực trạng làm việc của rất nhiều bạn trẻ. Mỗi ngày của họ đều theo một guồng quay, mỗi ngày đều tới công ty, sau đó ra về, làm việc thì theo sự sắp xếp của sếp, cứ máy móc lặp đi lặp lại. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác như thế, để nhận một mức lương ổn định. Lẽ nào đây chính là ý nghĩa thực sự của công việc?
Có một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học tới gặp một chuyên gia về thành công, muốn được tư vấn về vấn đề công việc sau này. Làm thế nào mới có thể hòa hợp với các đồng nghiệp, làm sao mới có thể giành được sự coi trọng của sếp, làm sao mới có thể thăng chức tăng lương,…
Chuyên gia nghe xong những câu hỏi của người thanh niên thì hỏi lại anh: “Bạn sắp phải đi làm rồi, vậy thì theo bạn, mục tiêu công việc là gì?”.
Người thanh niên có chút thất vọng, cho rằng mình đã tìm nhầm người, bởi vì câu hỏi ấy nghe không mấy hợp lý. Anh ta không nghĩ ngợi liền đáp: “Đi làm chính là nỗ lực kiếm tiền, nuôi sống bản thân, sau đó giành lấy cơ hội thăng chức”.
Chuyên gia mỉm cười rồi hỏi tiếp: “Thế bạn đã tìm được việc chưa?”. Người thanh niên đáp: “Tôi đã được nhận vào làm ở bộ phận nghiên cứu và phát triển của một công ty quốc tế, mấy ngày nữa sẽ tới để nhận việc”.
“Thế bạn có biết làm một nhân viên của bộ phận nghiên cứu và phát triển, hàng ngày phải làm những việc gì không?” Chuyên gia hỏi.
Người thanh niên đột nhiên cảm thấy đầy tự tin, dõng dạc đáp: “Cái đấy tất nhiên là tôi biết. Chính là nỗ lực làm việc, dùng toàn bộ thời gian và sức lực để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển mà sếp giao, như thế là được rồi”.
Anh nghĩ rằng câu trả lời của mình cực kỳ xuất xắc, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình và biểu dương của chuyên gia, nhưng vị chuyên gia giải thích: “Bạn tưởng tượng công việc quá đơn giản rồi. Nghiên cứu và phát triển, cần phải trải qua rất nhiều bước. Ví dụ thời gian đầu bạn phải tiến hành nghiên cứu thị trường, tìm hiểu kỹ nhu cầu của người tiêu dùng và các sản phẩm cùng loại. Tiếp đến là thiết kế, sau khi thử nghiệm nhiều lần mới được đưa vào sản xuất. Sau đó còn cần phải đưa ra thị trường bán thử, căn cứ vào phản ứng của khách hàng để tiến hành điều chỉnh và cải tiến sản phẩm. Trong quá trình ấy, bạn chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề, rất nhiều khó khăn, những vấn đề đấy bạn phải tự mình giải quyết, ý nghĩa và niềm vui trong công việc nằm ở chính chỗ này”.
Người thanh niên lặng người nhìn vị chuyên gia, nhất thời không biết nói gì.
Vị chuyên gia tổng kết lại: “Vì vậy công việc không phải là ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác làm những việc giống nhau, mà cần phải đối mặt và giải quyết hết vấn đề này đến vấn đề khác. Chỉ khi xử lý tốt những vấn đề ấy, mới có thể trở thành một người làm việc hiệu quả, bây giờ bạn đã hiểu chưa?”.
Người thanh niên gật đầu, như đã hiểu ra được điều gì nói: “Cảm ơn sự chỉ giáo của thầy, những điều này thực sự rất có ích với tôi”.
Trong mắt người thành công, dù là công việc gì thì cũng là giải quyết vấn đề, chỉ là nội dung công việc không giống nhau mà thôi. Vì thế, cho dù bạn là người làm vườn, thợ cắt tóc, kỹ sư, hay là những tên tuổi lớn trong giới kinh doanh, lãnh đạo chính phủ, thực ra bản chất công việc đều xoay quanh việc xử lý các loại “vấn đề”. Nhưng nội dung công việc cũng có thể phân thành ba bước đơn giản là phát hiện vấn đề, phân tích vấn đề và giải quyết vấn đề. Bây giờ chúng ta quay trở lại với vấn đề được nêu ra ban đầu: ý nghĩa thực sự của công việc rốt cuộc là gì?
Công việc chính là dựa vào năng lực, kinh nghiệm, trí tuệ của bản thân để khắc phục những khó khăn gặp phải, giải quyết những vấn đề cản trở việc thực hiện mục tiêu. Đấy chính là ý nghĩa thực sự của công việc. Bất kể bạn có kỹ năng làm việc xuất chúng ra sao, bất kể bạn tốn bao nhiêu thời gian để suy nghĩ “làm sao mới có thể trở thành một người làm việc hiệu quả”, bất kể bạn đã từng nghe qua những châm ngôn làm việc - “Bạn cần phải nỗ lực!”, “Cần phải chịu trách nhiệm”, “Cần phải có tinh thần cống hiến!”, “Cần phải kiên trì tới cùng!”, chỉ cần bạn hi vọng mình có thể đạt được thành công trong sự nghiệp, thì nên hình thành những suy nghĩ như thế này trong đầu - công việc chính là giải quyết vấn đề. Chỉ có hiểu rõ được đạo lý này, mới có thể tránh xa được những “cạm bẫy” trong công việc, từ đó trở thành một người làm việc hiệu quả, đồng thời có thể tìm được con đường lý tưởng để hướng tới thành công.
Năng lực giải quyết vấn đề của nhân viên không chỉ phản ánh chỉ số IQ và EQ của họ, đồng thời cũng là mấu chốt để họ giành được thành công trong sự nghiệp. Một người làm việc hiệu quả chắc chắn là một người giỏi giải quyết vấn đề. Bởi vì đối với một người làm việc hiệu quả, bất cứ vấn đề nào cũng không thành vấn đề, mà chỉ là một rào cản nhỏ trên con đường dẫn tới thành công. Chỉ có không ngừng vượt qua những rào cản này, mới có thể đi tới đích. Nhưng đối với những người làm việc hiệu quả thấp, các vấn đề sẽ giống như mãnh thú, nước lũ rất khó để đối phó. Thậm chí họ còn bị vấn đề truy đuổi, cả ngày bị đủ loại vấn đề làm cho vô cùng thảm hại.
Tiểu Lưu là nhân viên mới của một công ty, hàng ngày chín giờ sáng đi làm, sáu giờ tối tan ca. Theo lý mà nói thì rõ ràng công việc rất nhẹ nhàng, nhưng công việc lại khiến cô bận rộn không dứt ra được, thường phải chủ động làm thêm giờ.
Do mới tới công ty, đối với những vấn đề phát sinh trong công việc, cô thường không thể tự mình xử lý. Cứ có vấn đề, là cô chạy đi hỏi sếp “Thưa sếp, khách hàng nói cần phải… tôi nên nói với họ thế nào?”, “Có một khách hàng trên mạng để lại lời nhắn nói…, tôi nên trả lời ra sao?”, “Tài vụ nói…, tôi nên đi tìm ai?”.
Mới đầu khi Tiểu Lưu hỏi những vấn đề ấy, sếp còn kiên nhẫn giải thích cho cô. Nhưng sau quá nhiều lần, sếp cũng cảm thấy không chịu được nữa, thậm chí có lần còn nghiêm khắc phê bình Tiểu Lưu: “Chúng tôi nhận cô vào đây để giải quyết vấn đề, chứ không phải là tạo ra vấn đề!”.
Tiểu Lưu vì thế cảm thấy rất buồn. Cô chỉ thấy sếp không có chút tình người nào, mà lại không hề nghĩ tới việc là do năng lực giải quyết vấn đề của mình còn quá kém. Nếu tất cả mọi vấn đề đều cần sếp hỗ trợ mới hoàn thành, thế thì sếp còn cần nhân viên làm gì nữa?
Đối với người làm việc hiệu quả, bất cứ vấn đề gì đều có phương pháp giải quyết, mấu chốt là bạn có biết đi tìm nó hay không. Edmund Burke từng nói: “Khi đã có phương pháp chính xác, bạn có thể tìm ra được những vỏ ốc đa dạng, tuyệt đẹp trong vô vàn bộn bề công việc. Nếu không, thì sẽ giống như người mù mò mẫm trong bóng tối rồi tay không trở về”.
Xem ra, những vấn đề tưởng như không có cách giải quyết ấy, chỉ cần bạn biết cách tìm ra phương pháp, đều có thể được xử lý thỏa đáng. Các bạn trẻ muốn trở thành một người làm việc hiệu quả, muốn chiến thắng các đối thủ cạnh tranh, đạt được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống, thì nên biết vận dụng phương pháp phù hợp để giải quyết tất cả vấn đề. Để làm được điều đó, bạn nên hiểu ba điều dưới đây:
(1) Ý nghĩa thực sự của công việc là giải quyết vấn đề. Bất kể bạn làm công việc gì, đều cần nhận thức việc này một cách rõ ràng và toàn diện.
(2) Không nên để lại vấn đề cho cấp trên của bạn. Cấp trên nhận bạn vào làm là để giải quyết công việc, nếu bạn chỉ mang vấn đề tới cho cấp trên, thì tự nhiên sẽ tạo ra những cảm xúc tiêu cực cho họ.
(3) Trước khi yêu cầu được thăng chức tăng lương, hãy suy nghĩ xem, bạn đã giải quyết được bao nhiêu vấn đề, chứ không phải bạn làm thêm bao nhiêu giờ, vất vả ra sao.