Đối với “nhóm người bận rộn mù quáng”, làm việc cật lực nhưng cuối cùng không có được bất cứ thành tích nào là việc thường gặp. Họ không biết rằng, trong môi trường công việc, quan trọng nhất chính là năng lực giải quyết vấn đề.
Trong môi trường công việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, năng lực giải quyết vấn đề rất được cấp trên và công ty coi trọng. Bất kể bạn là nhân viên hay lãnh đạo đều cần phải lần lượt giải quyết tất cả các vấn đề mà bạn gặp phải mỗi ngày. Như vậy, đây là một trong những kỹ năng cần có của giới trẻ để có thể đứng vững trong xã hội, chiến thắng tất cả các đối thủ cạnh tranh.
Lúc này có thể có người sẽ nói: “Từ nhỏ tới lớn chúng ta chưa hề được đào tạo chuyên môn về ‘giải quyết vấn đề’”. Nhưng trong trường đời chân thực, tàn khốc, bạn không thể không học và buộc phải không ngừng nâng cao năng lực giải quyết vấn đề. Khi bạn đi phỏng vấn, đây là kỹ năng giúp bạn nổi bật giữa vô vàn các đối thủ cạnh tranh khác.
Trong cuộc sống và công việc, sẽ xuất hiện đủ các loại vấn đề. Vì vậy, làm thế nào để nâng cao “năng lực giải quyết vấn đề” của bản thân đã trở thành bài toán đặt ra cho các bạn trẻ.
Năm 1999, cửa hàng bán lẻ sản phẩm tiêu dùng lớn nhất nước Mỹ là Kmart bắt đầu xuất hiện khủng hoảng trong kinh doanh, lượng tiêu thụ của các loại hàng hóa trượt dốc trông thấy.
Lúc ấy ban lãnh đạo Kmart đã mở cuộc họp tổng kết. Một vị giám đốc cho rằng nội bộ quản lý của công ty xuất hiện vấn đề lớn, nhưng không biết phải giải quyết thế nào nên đã hỏi ý kiến vị lãnh đạo ngay cạnh mình. Vị lãnh đạo kia cũng bối rối, bèn thưa với cấp trên: “Đây là vấn đề cực kỳ lớn, tôi cũng chưa nghĩ ra cách giải quyết, ý kiến của ngài như thế nào?”
Vị cấp trên cũng bối rối, vì thế lại trình lên cấp cao hơn. Cứ như thế, vấn đề bị đẩy trực tiếp lên Tổng giám đốc Perkins. Về sau, khi ngài Perkins nhớ lại lúc đó đã nói: “Thật đáng buồn cười! Một công ty lớn như thế này, lại không có ai chịu suy nghĩ cách giải quyết, mà lại đẩy vấn đề lên từng cấp một tới tận lãnh đạo cao nhất... Công ty như thế này không đổ vỡ mới lạ!”.
Quả nhiên, ngày 22 tháng 2 năm 2001, Kmart chính thức đề xuất bảo hộ phá sản tới bộ phận liên quan.
Người lãnh đạo cần nhất những nhân tài như thế nào? Đương nhiên đó phải là những người có thể giải quyết vấn đề. Đối với bất cứ người làm chủ nào, một nhân viên có thể giải quyết được vấn đề, nhất định là người có tinh thần trách nhiệm và có giá trị không thể thay thế. Họ sẽ không để vấn đề tiếp tục xấu đi, gây ra hậu quả khó lường, nhờ vậy ông chủ sẽ có thời gian xử lý những việc khác quan trọng hơn.
Nếu bạn luôn muốn tiến bộ, thì trong quá trình cạnh tranh khốc liệt sẽ phải đặt chân vào rất nhiều các lĩnh vực xa lạ, sẽ gặp phải những vấn đề hoàn toàn mới. Sau đó thông qua việc không ngừng giải quyết những vấn đề này để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, để thử nghiệm giá trị của bản thân. Cứ kiên trì như thế, nhất định sẽ có những tiến bộ vượt bậc, mà sự tiến bộ này sẽ tỉ lệ thuận với với số lượng và chất lượng các vấn đề được giải quyết.
Ngược lại, những người thiếu chí tiến thủ, không muốn cạnh tranh sẽ chỉ làm những việc mang tính lặp đi lặp lại. Họ sẽ dậm chân tại chỗ, thậm chí không thể phát triển tư duy. Tất cả những nhân tài ưu tú đều có “năng lực giải quyết vấn đề” rất mạnh, còn những người cam chịu thất bại, cam chịu bị đào thải thì trái ngược hoàn toàn.
Công việc chủ yếu của Nielsen khi làm việc tại một công ty truyền thông điện ảnh nổi tiếng là lập kế hoạch và giải quyết các vấn đề ở các chi nhánh. Có một lần, anh để ý thấy khả năng phát triển của bộ phận sản xuất phim, dù họ thường gây ra tổn thất nghiêm trọng nhất cho công ty. Anh nói với cấp trên: “Tôi có thể giúp họ giải quyết vấn đề và sinh lợi nhuận”.
Mặc dù cấp trên cảm thấy đó là một việc rất khó, nhưng vẫn giao cho Nielsen xử lý. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, anh đã lập riêng một kế hoạch phát triển thị trường cho bộ phận sản xuất phim. Anh kiến nghị bộ phận này bỏ nghiệp vụ cũ chuyển sang lĩnh vực tư vấn và giới thiệu các sản phẩm mới. Người phụ trách rất tán đồng quan điểm này, lập tức giao toàn quyền điều hành kế hoạch phát triển thị trường cho anh, kết quả là chưa đầy một năm, bộ phận này đã bắt đầu sinh lợi nhuận. Nielsen được điều về trụ sở chính đảm nhiệm chức vụ quan trọng hơn.
Nielsen chính là một nhân viên có “năng lực giải quyết vấn đề” rất tốt. Hãy nghĩ xem mỗi ngày bạn phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề? Nếu không thể giải quyết chúng, thì làm sao bạn có thể làm tốt công việc của mình, làm sao chiến thắng được hàng ngàn hàng vạn đối thủ cạnh tranh khác?
Vậy thì, làm thế nào để các bạn trẻ nâng cao được khả năng giải quyết vấn đề?
Tìm ra nguồn gốc của vấn đề
1. Hiểu được bản chất vấn đề
Bước đầu tiên cần làm là nắm được bản chất của vấn đề. Khi bạn tự hỏi mình “Cái gì mới là vấn đề?” chính là bạn đã bắt đầu giải quyết nó rồi.
2. Tìm ra nguồn gốc của vấn đề
Tiếp theo hãy tự hỏi mình “Vì sao vấn đề lại phát sinh?”, đồng thời thử đặt ra giả thiết về cách giải quyết vấn đề và kiểm tra xem giả thiết có chính xác hay không. Nếu giả thiết không thể giải quyết vấn đề hiệu quả, thì nên đổi cách suy nghĩ và lập giả thiết mới. Có thể khi thực hiện giả thiết mới, sẽ phát sinh vấn đề mới; nếu vậy hãy thảo luận về nguyên nhân của vấn đề mới ấy, lập lại giả thiết để có thể loại bỏ nó.
Tóm lại, người có thể thành công là người cho dù không làm theo những tiền lệ đã có, cũng có thể tự mình tìm ra đáp án.