Không còn nghi ngờ gì nữa, xã hội hiện đại là một xã hội chạy đua với thời gian, liên tục bị đẩy nhanh hơn theo tiết tấu của công việc và cuộc sống. Quan niệm về thời gian của con người cũng ngày càng nặng nề, tuân thủ thời gian đã trở thành tố chất cơ bản cần có của công dân hiện đại. Quy định về thời gian của các công ty đối với nhân viên cũng luôn được coi trọng, nhân viên tuân thủ thời gian sẽ được lãnh đạo xem trọng.
Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ có thói quen trì hoãn, mặc dù trong công việc biểu hiện rất nỗ lực, nhưng lại không có ý thức về thời gian. Họ hoặc là tới muộn về sớm, hoặc là không thể hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó đúng thời hạn. Thái độ không tuân thủ quy định giờ giấc đương nhiên là chuyện không tốt, bởi vì nó không những ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành công việc, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của cá nhân bạn. Nếu một người ngay cả uy tín cơ bản nhất cũng không có, thì cho dù năng lực làm việc của anh ta có tốt đến thế nào, cũng không thể khiến người khác cảm thấy tin tưởng.
Các bạn trẻ muốn quản lý tốt thời gian của mình, thì đầu tiên cần phải là một người tuân thủ kỉ luật về thời gian. Nếu ngay cả việc đó cũng cảm thấy khó khăn thì làm sao có thể hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó trong khoảng thời gian quy định? Bạn có thể tưởng tượng: nếu bạn đã hẹn trước với giám đốc của một công ty nào đó chín giờ sáng ngày hôm sau sẽ gặp mặt để ký hợp đồng, nhưng tới mười một giờ bạn vẫn chưa xuất hiện, sợ rằng công việc của công ty sẽ bị hủy hoại ngay trong tay bạn. Lại lấy một ví dụ khác, bạn đã ký với đối tác một hợp đồng mua bán, trong hợp đồng ngày giao hàng là ngày 20, nhưng tới ngày 21 cũng không thấy bạn giao hàng đi, như thế e rằng bạn sẽ không thể tiếp tục kinh doanh được nữa.
Tuyệt đối không nên cho rằng chuyện tuân thủ kỉ luật về thời gian chỉ là một chuyện nhỏ, nó đủ sức ảnh hưởng tới số phận của bạn. Nếu bạn không phải là một người có kỉ luật về thời gian vậy làm sao cấp trên có thể tin tưởng mà giao cho bạn các công việc quan trọng, có yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian?
Robert là giám đốc bán hàng của một công ty lớn, có lần anh đại diện công ty ký một bản hợp đồng mua bán sốt salad. Trong hợp đồng viết rõ rằng, công ty của anh phải giao hàng tới San Francisco vào ngày 15 trong tháng, nếu không thì sẽ phải bồi thường một khoản lớn.
Sau khi ký xong bản hợp đồng, Robert rất vui vẻ, anh trở về công ty báo cáo lại với cấp trên về tình hình ký kết. Cấp trên nói: “Thời hạn giao hàng lần này rất gấp, cậu và bộ phận sản xuất cần bàn bạc cẩn thận, yêu cầu họ đẩy nhanh tốc độ, nếu không, tới thời hạn mà không kịp giao hàng, thì rất phiền phức.”
“Vâng, tôi cũng nghĩ như thế.” Robert nói xong, liền đi ngay tới bộ phận sản xuất. Nhưng, khi đi qua ký túc xá, một đồng nghiệp gọi lại: “Này, Robert, tối qua cậu có xem trận đấu bóng giữa Đức với Brazil không? Quá tuyệt vời”.
“Đương nhiên xem rồi, chỉ tiếc là...” Robert vào ngay ký túc xá của đồng nghiệp, tranh luận sôi nổi về trận bóng tối qua với người nọ, vì họ đều là fan hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt.
Tới giờ tan ca, Robert mới sực nhớ tới việc phải tới bộ phận sản xuất. Nhưng vừa ra khỏi ký túc xá của đồng nghiệp, anh lại nhớ ra mình còn có một cuộc hẹn quan trọng - đó là bữa tối mà anh khó khăn lắm mới hẹn được với cô gái mà anh theo đuổi bấy lâu. Anh nghĩ: dù sao cũng còn cách thời hạn giao hàng một khoảng thời gian, ngày mai thông báo với bộ phận sản xuất cũng không muộn.
Ngày hôm sau, vừa tới công ty, đồng nghiệp liền giao cho anh mấy bức thư của đối tác kinh doanh quan trọng. Bận bịu trả lời những bức thư ấy, rồi lại liên tục gọi điện thoại liên hệ với khách hàng, Robert quên hoàn toàn việc đôn đốc bộ phận sản xuất. Tới chiều ngày 14, sau khi kết thúc cuộc họp của công ty, cấp trên hỏi Robert: “Hàng giao tới San Francisco đã chuẩn bị xong rồi chứ?”. Robert khi ấy mới nhớ tới hợp đồng đã ký. Nhưng sốt salad của công ty gần đây tiêu thụ rất tốt, nên đã không còn hàng trong kho, còn Robert thì đã quên mất việc đôn đốc bộ phận sản xuất.
“Sao thế? Có vấn đề gì không?” Cấp trên nhìn khuôn mặt trắng bệch của Robert, hỏi.
“Không, không có gì ạ...” Robert lắp bắp nói. Sau đó anh tới ngay bộ phận sản xuất, nói với giám đốc sản xuất rằng mình cần gấp mấy tấn sốt salad. Giám đốc sản xuất nói: “Việc này là bất khả thi, vì số sốt salad sản xuất buổi sáng đã giao hết đi nơi khác rồi, dù bây giờ có yêu cầu tất cả nhân viên tăng ca cũng không thể sản xuất được số lượng sốt salad nhiều như thế, hơn nữa nguyên liệu sản xuất trong kho cũng đã dùng hết, ngày mai nguyên liệu mới về”.
“Chẳng lẽ không có cách nào nữa ư? Ngày mai chúng ta bắt buộc phải giao được hàng.” Robert nài nỉ nói.
“Quả thật là không có cách nào nữa.” Giám đốc sản xuất hoài nghi hỏi, “Tại sao anh không thông báo trước cho chúng tôi mấy ngày? Như thế có lẽ còn kịp”.
Robert không nói được lời nào. Ngày hôm sau, vì không có hàng để giao, anh chỉ biết gọi điện thoại cho đối tác ở San Francisco, nói rõ tình hình của công ty mình. Ai ngờ đối tác không những không thông cảm, còn mắng anh là “đồ lừa đảo”. Thì ra, mấy ngày trước đối tác đã cho quảng cáo, hẹn ngày 15 sẽ có một lô hàng sốt salad mới ra mắt khách hàng, đồng thời hoan nghênh khách hàng tới mua. Và thế là dù Robert có tìm đủ lý do để giải thích với đối tác, nhưng đối tác đã thông báo cho luật sư, chuẩn bị khởi tố công ty anh.
Vậy là, công ty của Robert đã phải bồi thường một khoản tiền lớn, còn bản thân Robert cũng bị cấp trên thẳng tay cho thôi việc. Đó chính là cái giá phải trả cho việc không tuân thủ kỉ luật về thời gian. Khi Robert hiểu ra tầm quan trọng của kỉ luật về thời gian, thì tất cả đều đã quá muộn rồi.
Câu chuyện của Robert cho chúng ta thấy rằng, làm một nhân viên tuân thủ quy định về thời gian một cách nghiêm chỉnh quan trọng thế nào, bởi vì hậu quả mà việc thất hẹn gây ra có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với tưởng tượng của bạn. Nếu chỉ vì mình bạn không tuân thủ quy định về thời gian mà gây ra tổn thất cho người khác, cho công ty, thì bạn sẽ để lại một ấn tượng cực kỳ xấu cho những người xung quanh, thậm chí vì thế mà bị công ty sa thải.
Tuân thủ thời gian không chỉ thể hiện sự tôn trọng với người khác, mà còn là một sự ràng buộc đối với bản thân. Hay tới muộn hoặc thất hẹn là biểu hiện của sự coi thường người khác và coi thường chính bản thân mình, về lâu dài sẽ rất khó nhận được sự tín nhiệm. Trong kinh doanh, dù là cá nhân hay doanh nghiệp, đều rất xem trọng hai chữ “danh dự”, không ai muốn thiết lập quan hệ hợp tác với người hay trễ hẹn, cũng không có ông chủ nào yên tâm giao những nhiệm vụ quan trọng vào tay một nhân viên như vậy. Vì thế, bạn cần loại bỏ ngay thói quen trì hoãn, hãy học cách làm một người đúng hẹn, đúng giờ.
Người tuân thủ quy định về thời gian đều có tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, họ trung thực và đáng tin cậy, biết tôn trọng người khác. Đây chính là một kiểu tu dưỡng bản thân, cũng là phép lịch sự, là cách để ta giữ được uy tín và danh dự cho bản thân.