Trong xã hội hiện đại, đều quan trọng nhất là hiệu suất, điều đáng sợ nhất là trì hoãn. Nếu bạn có thể chớp đúng thời cơ, hơn nữa biến suy nghĩ của bản thân thành hành động, thì bạn chính là người chiếm ưu thế, lợi nhuận bạn thu được cũng sẽ là nhiều nhất.
Triết gia người Anh Bacon từng nói: “Giỏi nhận biết và nắm bắt cơ hội là kỹ năng cực kỳ quan trọng. Đối với mọi sự nghiệp lớn, một người trước khi bắt đầu thực hiện cần quan sát thời cơ bằng hàng nghìn con mắt, còn khi thực hiện thì phải nắm bắt cơ hội bằng hàng nghìn cánh tay”. Các bạn trẻ cần hiểu rằng, thời cơ sẽ không bao giờ tới đúng lúc, vì thế bạn cần gắng sức mà nắm bắt lấy nó. Hơn nữa, cơ hội luôn được chia đều cho mỗi người, vậy làm sao chiến thắng được hàng ngàn hàng vạn đối thủ cạnh tranh, đây chính là điểm mà bạn cần phải suy nghĩ.
Làm thế nào mới có thể nắm bắt được thời cơ? Người xưa đã nói “Tật nhi hữu tiết”, nắm bắt thời cơ cần phải đúng lúc, lúc cần nhanh thì nên nhanh, lúc cần chậm thì nên chậm, tuyệt đối không được nóng vội hay do dự. Nói một cách đơn giản, nắm bắt cơ hội giống như bắt xe vậy, khi chuyến xe này tới mà không lên, thì không biết phải chờ chuyến sau đến bao giờ.
CEO của công ty PepsiCo Mỹ, Roger Enrico từng nói: “Kinh doanh chính là nắm bắt thời cơ”. Nắm được cơ hội, bạn là người chiến thắng. Bỏ lỡ cơ hội, bạn là kẻ thất bại.
Trên một hòn đảo, có hai ngư dân sinh sống.
Họ ngày ngày đều đi sớm về muộn, cá thu về cũng không ít. Họ mang số cá ấy ra chợ bán, nhưng thu nhập cuối cùng của hai người lại không giống nhau. Một người thì bán hết cá rất nhanh, tiền kiếm được cũng nhiều. Người còn lại thì bán rất chậm, tiền kiếm được cũng ít.
Người bán được ít thấy khó hiểu, bèn hỏi: “Hàng ngày chúng ta đều ra biển đánh cá, số lượng hay chất lượng đều tương tự nhau, tại sao anh lại có thể bán hết rất nhanh, lại kiếm được nhiều tiền, còn tôi thì không thể?”.
Người ngư dân bán được nhiều cười lớn, rồi nói: “Chất lượng của cá mặc dù rất quan trọng, nhưng nếu cách bán hàng tốt thì có thể giúp anh làm một mà được mười. Anh luôn muốn bán được cá với giá cao, nên thường không nỡ phá giá, cuối cùng cá không còn tươi nữa, chỉ có thể bán ra với giá thấp. Còn tôi ngay từ lúc đầu đã bán những con cá tươi ngon nhất cho những khách hàng hay kén chọn, mặc dù họ khó tính, nhưng họ sẵn sàng trả giá rất cao. Đến khi chất lượng cá giảm một chút, tôi lại bán chúng cho những khách hàng bình thường. Thực ra, tôi chỉ là nắm bắt được thời cơ tốt nhất để bán cá, vì thế mới có thể bán nhanh, kiếm được nhiều tiền...”.
Người ngư dân kia nghe xong, đăm chiêu gật gật đầu, cuối cùng cũng biết vấn đề của bản thân mình nằm ở đâu.
Phương Tây có một câu ngạn ngữ: “Cơ hội sẽ không tới gõ cửa hai lần”. Đấy không phải là cách nói “kênh kiệu”, mà ý của câu ngạn ngữ là cơ hội không dễ mà có được, một khi bỏ lỡ rất khó có lại. Giống như người ngư dân trong câu chuyện trên, do không biết nắm bắt tốt thời cơ để bán cá, vì thế mới bán chậm, kiếm được ít tiền. Trong công việc cũng như vậy, bạn muốn thành công, ngoài việc dựa vào nỗ lực và khả năng thiên bẩm ra, điều quan trọng nhất là biết nắm bắt thời cơ.
Nếu bạn có thể chuẩn bị thật tốt và hiểu được rằng thời cơ không bao giờ tới vừa đúng lúc, vậy thì bất cứ khi nào thời cơ đến bạn cũng có thể sẵn sàng hành động. Laurence J. Peter từng nói: “Đừng than trách bản thân mình có tài mà không gặp thời, chỉ cần bạn là cái dùi, thì ngay cả khi bị bỏ vào trong túi, sau bao nhiêu năm, rồi cũng sẽ nhô đầu nhọn ra”. Nếu bạn có thể giống như con sư tử nấp trong bụi cỏ, luôn sẵn sàng hành động, vậy thì khi cơ hội thật sự xuất hiện, bạn có thể nhào đến, chộp lấy nó.
Hãy xem những người thành công vượt trội từ cổ chí kim đến giờ, có ai trong số họ không phải là nhờ nắm bắt được thời cơ mà đứng trên đỉnh cao của cuộc đời?
Ít người biết rằng, “ông vua khách sạn” Hilton đã từng phải đi cùng những người đào vàng tới Đan Mạch với hi vọng có thể có được “thùng vàng đầu tiên” trong cuộc đời mình. Có điều ông không được may mắn như người khác, ngay cả một hạt vàng nhỏ cũng không kiếm được. Nhưng, đúng lúc ông đang tuyệt vọng, thì ông trời đã mở cho ông một con đường khác. Trên đường về nhà, ông phát hiện ra một cơ hội kinh doanh còn quý giá hơn vàng, ngay lập tức ông đã nắm chắc lấy nó. Khi tất cả mọi người đều bận rộn đào vàng, ông bắt đầu gom tiền để xây dựng khách sạn đầu tiên của mình. Và thế là, Hilton trở thành người có tiền, gây dựng được nền tảng cho sự nghiệp thành công sau này của mình.
Ông trùm bất động sản Lý Gia Thành cũng là một người biết nắm bắt thời cơ. Vào giữa thế kỷ XX, xã hội Hồng Kông phát triển chậm, lúc ấy mọi người chưa có tư duy “tất đất tấc vàng”. Chính trong bối cảnh tương đối lạc hậu như thế, Lý Gia Thành đã nắm lấy thời cơ kinh doanh, mượn tiền khắp nơi để mua một lượng lớn đất đai. Hành động như vậy ban đầu cần phải có trí tuệ và dũng khí rất lớn, ông cũng phải nhận nhiều lời chỉ trích. Nhưng chính nhờ nắm bắt được thời cơ ấy, Lý Gia Thành kiếm được một khoản tiền lớn, cũng là khởi đầu để ông trở thành ông trùm bất động sản châu Á.
Nhà viết kịch vĩ đại William Shakespeare từng nói: “Nếu không biết nắm bắt thời cơ, thì cả đời cực khổ, vạn sự bất thành”.
Một người có thể đạt được thành công trong sự nghiệp hay không, mấu chốt ở chỗ có thể nắm bắt thời cơ hay không. Thực ra, chỉ cần bạn có thể là người tiên phong, nắm chắc thời cơ, ngay cả khi chỉ sớm hơn người khác một chút, bạn cũng sẽ trở thành người thành công.
Đối với những người trẻ, trở ngại lớn nhất của thành công chính là do dự, trì hoãn. Thực ra khi bạn không nhanh chóng đưa ra quyết định, thì rất nhiều cơ hội đã rời xa bạn rồi. Vì thế, bạn phải hiểu, cái gì mới là cơ hội, và làm thế nào mới có thể nắm bắt cơ hội một cách tốt hơn.
1. Thế nào là cơ hội?
Rất ít người có thể trả lời chính xác câu hỏi này. Nói một cách đơn giản, cơ hội là thứ có thể giúp bạn sống tốt hơn, chứ không chỉ là chuyện duy trì cuộc sống. Cái gì giúp ích cho hiện tại thì gọi là công việc, cái gì giúp ích cho tương lai mới gọi là cơ hội. Cái mà mọi người đều có thể nhìn ra thì gọi là công việc, cái mà đa số mọi người không nhìn ra mới được gọi là cơ hội.
2. Cơ hội là thứ có thể tạo ra
“Kẻ yếu chờ đợi cơ hội, kẻ mạnh tạo ra cơ hội.” Nếu bạn bỏ lỡ cơ hội, cũng không nên nản chí, tuyệt vọng, mà nên nghĩ cách tạo ra cơ hội mới. Bởi vì “khi bạn khóc lóc vì mất đi mặt trời, bạn cũng sẽ mất đi những vì sao”.
3. Cơ hội chỉ xuất hiện trong nháy mắt
Chúng ta thường nghe những người đi trước nói: “Đi qua cái làng này, sẽ không có cái quán như thế”13. Tất cả cơ hội đều giống như sao băng trên trời, ngắn ngủi, nếu bạn không thể nắm lấy, thì chỉ có thể để nó lướt qua trên đầu bạn mà thôi. Cơ hội mãi mãi sẽ không tới vừa đúng lúc, vì thế bạn cần có sự chuẩn bị để đón lấy nó bất cứ lúc nào.
13 Ý của câu này là nếu đã bỏ lỡ cơ hội lần này thì sẽ không bao giờ có thể gặp lại cơ hội ấy lần thứ hai.