Trong cuộc sống và công việc, chúng ta sẽ đứng trước nhiều lựa chọn khác nhau. Có quyền lựa chọn vốn là một việc tốt, nhưng rất nhiều bạn trẻ khi đối mặt với nó lại rất dễ lâm vào tình trạng suy nghĩ quá nhiều, do dự không quyết đoán.
Đối với những người trẻ mắc “bệnh sợ lựa chọn”, bất cứ quyết định nào cũng giống như một cơn ác mộng. Họ là bản sao của nhân vật Hamlet trong vở kịch của Shakespeare, liên tục hỏi bản thân mình: “Tôi nên trả thù cha dượng của mình, cũng chính là chú của tôi ư? Hắn không những giết chết phụ vương của tôi, mà còn cưỡng hiếp mẹ của tôi.” “Là sống hay là chết, đó là một vấn đề!” Rất nhiều nhà tâm lý đã lấy Hamlet làm ví dụ điển hình cho kiểu người suy nghĩ quá nhiều và do dự thiếu quyết đoán.
Alfred Binet - nhà tâm lý học người Pháp từng nói: “Những người thiếu quyết đoán đang chờ người khác đưa ra quyết định thay họ”. Còn nhà tâm lý học Leon Mann cho rằng: “Do dự không quyết đoán là bản sao của quyết định không hiệu quả”. Nhiều khi, thời cơ không đợi người, nếu bạn không nhanh chóng đưa ra lựa chọn chính xác nhất, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Hơn nữa, cuộc sống của chúng ta luôn trong trạng thái gấp gáp tiến lên phía trước, do dự về bất cứ việc gì đều có thể tạo ra sự trì hoãn nghiêm trọng, một khi nó trở thành thói quen, thì chúng ta sẽ cả ngày bận rộn mù quáng.
Có một thanh niên tên là Vương Thần, sau khi tốt nghiệp đại học thì vào làm trong một công ty thực phẩm. Sau hai năm làm ở vị trí thấp nhất trong dây chuyền sản xuất, ông chủ dự định đề bạt lên anh làm quản lý bộ phận, nhưng đứng trước cơ hội khó tìm như vậy, anh lại bắt đầu do dự.
Anh không biết nên hay không nên nhận lời ông chủ, bởi vì anh lo sau khi trở thành quản lý sẽ phải phụ trách rất nhiều nhân viên, như thế có thể sẽ phải làm mất lòng nhiều người. Hơn nữa, anh còn tìm hiểu được rằng trách nhiệm của quản lý sẽ lớn hơn, công việc cũng rất bất thường. Điều này đối với anh là việc rất khó khăn. Nhưng anh lại không biết từ chối ông chủ thế nào, vì thế suốt mấy ngày đều ăn không ngon ngủ không yên, ngay cả công việc cũng không thể thực hiện một cách bình thường.
Không chỉ trong công việc mà ngay cả trong cuộc sống, Vương Thần cũng thường xuyên suy nghĩ quá nhiều, gặp phải chuyện gì cũng do dự không quyết.
Mỗi lần có người bạn hẹn anh đi ăn cơm, anh chỉ vì chọn quán nào để ăn mà lưỡng lự rất lâu; lúc đi chợ mua thức ăn giúp mẹ, anh ta cũng không biết nên mua gì, thậm chí khi gia đình sắp xếp một buổi xem mặt, anh ta cũng tự hỏi bản thân rốt cuộc có cần tìm bạn gái hay không, cần tìm kiểu bạn gái thế nào. Chính vì vậy mà Vương Thần bỏ lỡ rất nhiều cơ hội cả trong công việc lẫn trong cuộc sống.
Chúng ta biết rằng, Newton vì chọn nghiên cứu việc quả táo rơi xuống đất, mà sau đó phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn; Napoleon vì lựa chọn đi lính, mà sau đó trở thành Hoàng đế Pháp.
Những người vĩ đại ấy, nhờ đưa ra những lựa chọn đúng đắn nhất, mới có thể đứng trên đỉnh cao của thành công, được mọi người ngưỡng mộ.
Người dẫn chương trình nổi tiếng Dương Lan có viết trong sách của bà: “Cái quyết định bạn là ai, không phải là năng lực bạn có, mà là lựa chọn của bạn”. Mặc dù hai từ lựa chọn nói ra rất đơn giản, nhưng nó có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời bạn. Chỉ cần bạn còn tồn tại trên cõi đời này, thì bạn vẫn phải đối mặt với các lựa chọn khác nhau, bất kể là trong cuộc sống, hay trong công việc.
Một người càng suy nghĩ nhiều, do dự không quyết, lại càng dễ mất đi những cơ hội quý giá.
Theo các nhà tâm lý học, các nhân tố chủ yếu khiến người trẻ gặp “khó khăn khi lựa chọn” là:
1. Quá cầu toàn
Rất nhiều thanh niên mắc “bệnh sợ lựa chọn” đều có tâm lý theo đuổi sự hoàn hảo. Họ cho rằng khi đối mặt với bất kỳ quyết định nào, đều cần phải chọn ra được phương án lý tưởng nhất. Vì thế họ luôn quan sát, luôn tìm hiểu, đồng thời suy nghĩ tính toán về tất cả các phương án lựa chọn hiện có, cuối cùng lại rất khó để phân biệt đâu mới là phương án hoàn hảo nhất.
2. Không muốn chịu trách nhiệm
Rõ ràng là, mỗi sự lựa chọn đều có thể sinh ra những kết quả hoàn toàn khác nhau. Một số người trẻ khi đối diện với việc phải lựa chọn, sẽ rơi vào băn khoăn, lo lắng cực độ, bởi vì họ lo rằng lựa chọn của bản thân sẽ không chính xác, thậm chí sẽ sinh ra hàng loạt những hậu quả không tốt. Nếu một người không có tinh thần trách nhiệm, thì không thể dễ dàng đưa ra lựa chọn.
3. Ảnh hưởng từ gia đình
Trong một số gia đình truyền thống, bố mẹ thường thay con cái đưa ra tất cả các quyết định, vì vậy mà con cái sẽ không trưởng thành trong suy nghĩ và chỉ biết dựa dẫm vào cha mẹ, nên sẽ xuất hiện thói quen do dự, không quyết đoán.
Để khắc phục chứng sợ lựa chọn của bản thân, trong cuộc sống hay công việc, bạn phải học cách làm như sau:
(1) Hãy tưởng tượng về những tình huống có thể xảy ra sau khi bạn đưa ra một quyết định nào đó. Bạn có thể ghi lại hậu quả của từng sự lựa chọn, như thế có thể giúp bạn nhìn rõ chân tướng của vấn đề, từ đó đưa ra những lựa chọn chính xác hơn.
(2) Bạn có thể quan sát một cá nhân mà bạn cho rằng là người đưa ra quyết định thành công nhất và xem người đó lựa chọn thế nào khi đối mặt với một số vấn đề.
(3) Cần xác định phương hướng chính xác và mục tiêu dài hạn của bản thân. Khi đối mặt với các sự lựa chọn, căn cứ vào phương hướng và nhu cầu của mình để đưa ra quyết định, như thế có thể tránh đi lầm đường.