Người mắc “chứng trì hoãn” trong công việc có ở khắp mọi nơi, hơn nữa chỉ cần không cẩn thận bạn cũng có thể bị “truyền nhiễm”.
Thật vậy, chúng ta chỉ cần vừa bước vào công ty, là có thể nghe thấy những câu nói như thế này: “Haiz! Hôm nay không muốn làm mấy cái việc này nữa, vẫn là để ngày mai làm tiếp!”, “Hôm nay thực sự quá mệt, thôi thì để mai bàn tiếp!”, “Ngày mai mới phải bàn giao, mình có thể nhanh chóng hoàn thành, cần gì phải vội vàng như vậy?”.
Có người đã từng viết về sự “trì hoãn” như thế này:
Ngày mai? Bạn nói ngày mai? Tôi không muốn nghe. Ngày mai là một con quỷ bủn xỉn một xu cũng không muốn mất, nó dùng những lời hứa hẹn giả dối, sự trông chờ và hi vọng, để tiêu hao lượng lớn của cải của bạn.
Thứ nó cho bạn là tờ séc giả vĩnh viễn không có cách nào đổi sang tiền mặt. Trong dòng chảy thời gian không bao giờ thay đổi, ngày mai là một kẻ xảo quyệt mãi mãi không tìm thấy được, chỉ có kẻ ngốc mới lưu luyến không quên nó, mới thuỷ chung son sắt với nó.
Người khôn ngoan sẽ không bao giờ tin vào những gì gọi là ngày mai, cũng không bao giờ kết giao với những kẻ mê muội ngày mai.
Hiểu theo ý trên, “ngày mai” không chỉ là một đơn vị thời gian, mà là một từ tượng trưng, có thể là một phút sau, cũng có thể là một tiếng sau, cũng có thể là một ngày sau, có thể rất lâu rất lâu nữa. “Ngày mai” thực ra là một từ có nội hàm phong phú, bề ngoài của nó hoa mỹ như thế, lúc nào cũng có thể được người ta nói tới, có thể xuất hiện ở mọi hoàn cảnh.
Thực ra, chúng ta mỗi ngày đều có việc cần làm, vậy nên tất cả những hành động đẩy những việc hôm nay có thể làm sang “ngày mai”, đều có thể gọi là “trì hoãn”. Những người chỉ biết đợi tới ngày mai, mãi mãi không có cách nào nắm trong tay ngày hôm nay. Còn những người đang đứng trên đỉnh thành công, họ đều hiểu đạo lý “việc hôm nay chớ để ngày mai”.
Rất nhiều người trẻ đều có lý tưởng và khát khao, nhưng có rất ít người thực sự biến nó thành hành động thực tế. Họ thường trì hoãn kế hoạch đã định ra cho bản thân sang “ngày mai”, như vậy thì đương nhiên lý tưởng và hi vọng của bản thân cũng sẽ nhanh chóng bị huỷ hoại. Nếu bạn đã tới thư viện của Đại học Harvard, bạn sẽ nhìn thấy dòng chữ: Việc hôm nay chớ để ngày mai. Trong cuộc sống hiện tại có bao nhiêu thanh niên có thể thực sự làm được điều này?
Một số thanh niên mắc “chứng trì hoãn” nghiêm trọng không thể chấp nhận cách nói “việc hôm nay chớ để ngày mai”, bởi vì như thế sẽ khiến họ mất đi sự tự do, khiến họ cảm thấy đấy là nhiệm vụ mang “tính cưỡng chế”. Vì thế, họ thích “việc hôm nay để ngày mai làm”, và có thể tìm đủ các lý do cho bản thân - “Tôi thật sự quá mệt rồi!”, “Nhiệm vụ công việc quá nặng nhọc!”, “Tôi không thể vì công việc mà mất đi cuộc sống!”, “Dù sao đi nữa nhiệm vụ cũng không gấp lắm”,... Những thanh niên mắc “chứng trì hoãn” có thể thấy ở khắp nơi, họ quen với việc trốn chạy, hơn nữa còn sống với tinh thần của AQ14.
14 AQ là nhân vật chính trong tác phẩm “AQ chính truyện” của nhà văn Trung Quốc, Lỗ Tấn. AQ nổi tiếng với phương pháp thắng lợi tinh thần, là một cách tự an ủi, tự huyễn hoặc bản thân để chấp nhận, bỏ qua thất bại
Tác giả người Anh, Dickens từng nói: “Tuyệt đối không được để những việc có thể làm hôm nay qua ngày mai. Trì hoãn là kẻ cướp thời gian. Phải bắt lấy nó!”. Vì thế, những người trẻ đang phàn nàn thiếu thời gian, hoặc công sức bỏ ra đều biến thành sự bận rộn mù quáng, cần phải hiểu rằng thời gian là nền tảng đầu tiên của thành công. Muốn tận dụng tốt thời gian, thì cần phải học cách hành động ngay lập tức, tuyệt đối không được trì hoãn. Có thể sau khi bạn thực sự hành động, sẽ phát hiện năng lực của bản thân dường như vô hạn.
Các chuyên gia sau khi điều tra đã phát hiện, các bạn trẻ hiện nay dù ít hay nhiều đều tồn tại thói quen và tâm thái trì hoãn. Muốn nâng cao hiệu suất công việc, điều trị “chứng trì hoãn” của bản thân, bạn cần thực hiện những việc sau:
(1) Liên tục nhắc nhở mình thời hạn hoàn thành công việc. Đây cũng là việc những người thành công thường làm. Trong mắt của cấp trên, những người nhân viên có thể hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn luôn đáng tin cậy hơn, và có tiền đồ hơn.
(2) Nâng cao ý thức tập thể để tránh phát sinh hành vi trì hoãn. Bởi vì nếu bạn trì hoãn, có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ công việc của cả một tập thể, thậm chí khiến cả tập thể rơi vào bế tắc.
(3) Bạn có thể chia công việc thành các phần nhỏ, như vậy sẽ có động lực để hoàn thành từng bước.