Tại công sở, xung quanh chúng ta thường xuất hiện những kiểu người như thế này: trong khu vực nghỉ ngơi, vào giờ nghỉ ngơi, nhất định phải cầm điện thoại giả vờ như đang liên hệ với khách hàng; có người copy tiểu thuyết vào trong phần mềm word, rồi vừa làm việc vừa đọc tiểu thuyết, cấp trên nhìn qua sẽ thấy họ luôn bận rộn; có người nhân cơ hội vào nhà vệ sinh, hay đi lấy nước uống để trốn khỏi văn phòng tranh thủ nghỉ ngơi; có người lại thu nhỏ cửa sổ trình duyệt web để xem tin tức, nếu có cấp trên đi thị sát thì có thể đóng trang đó lại bất cứ lúc nào; lại có người giả vờ nhận điện thoại khách hàng, miệng thì nói “Dạ, chào anh, đúng rồi ạ, anh cứ nói đi...” rồi tranh thủ đến nơi không có ai để thư giãn; có người lại dùng điện thoại công ty để gọi cho bạn nhưng vẫn giả vờ mình đang gọi cho khách hàng “Chào giám đốc X, tối nay ông có thời gian không ạ…”, sau đó nhân cơ hội này buôn chuyện với bạn bè... Điểm nhanh như vậy để thấy rằng chúng ta luôn có quá nhiều cách để làm ra vẻ bận rộn, qua mắt cấp trên, tìm nguồn vui cho bản thân mình.
Trong số những người giả vờ bận rộn nói trên thực ra cũng có một số người buộc phải làm ra vẻ bận rộn, bởi vì bản thân họ thực sự không lười, mà ngược lại, họ không có việc để bận nên chỉ có thể ra vẻ bận rộn! Công việc của những người này không quá bận nhưng họ không muốn để cấp trên ngày ngày thấy họ rảnh rỗi, cho nên, họ tham gia vào đội ngũ những người giả vờ bận rộn, công việc vốn có thể hoàn thành trong một tuần, họ lại để dây dưa đến một tháng, nói kiểu gì cũng không chịu làm cho nhanh. Khi cấp trên có mặt ở đó, họ sẽ làm ra vẻ mình bận rộn, cấp trên đi rồi, nếu không chơi game thì họ sẽ ngồi tán gẫu cùng bạn bè.
Chúng ta có thể nhìn ra bản chất của những hiện tượng này. Người ra vẻ bận chính là người biểu hiện ra bên ngoài là bản thân rất bận bịu, trên thực tế họ lại có thể làm biếng đến mức thần không biết quỷ không hay.
Tại sao họ lại giả vờ bận? Là vì bát cơm manh áo và thể diện. Phần lớn mọi người đều lựa chọn tạo vỏ bọc cho bản thân sao cho thật kín kẽ, cho dù có đứng trước mặt người thân cũng cố gắng giả bộ đến cùng. Thực chất, cho dù sự ngụy trang của bạn có khéo léo đến mấy, cho dù chiêu thức của bạn có điêu luyện thế nào, thì cái mặt nạ của bạn sớm muộn cũng sẽ bị nhìn thấu mà thôi. Chi bằng hãy tháo mặt nạ ra, thẳng thắn, đường đường chính chính mà sống. Đừng bao giờ cho rằng việc bạn giả vờ bận rộn sẽ che mắt được cả thế giới, thực ra đến cuối cùng, bận hay không thì công ty cũng sẽ nắm rõ. Rốt cuộc thì đi làm quan trọng là phải có kết quả, kết quả công việc không tốt thì cho dù có vờ bận đến mức nào đi chăng nữa thì cũng chẳng có tác dụng gì.
Xung quanh chúng ta, còn có kiểu người như thế này: họ là những người tiền ít việc nhiều, cứ bận mãi không ngừng, nhưng đến cuối cùng vẫn là kẻ nghèo hèn; mỗi ngày họ đều tăng ca, thêm giờ, nhưng lại chẳng được tăng lương; họ chẳng có tài sản gì quý giá, thậm chí cả tiền dưỡng lão nghỉ ngơi lúc về già cũng chẳng có. Đây chính là bận bịu vất vả nhưng vẫn nghèo.
Trần Đoan vừa tốt nghiệp đại học đã xin đi bán bảo hiểm, vì vừa mới bước chân vào xã hội, cho nên rất nỗ lực trong công việc, không ngại gian khổ. Lương cơ bản của Trần Đoan rất thấp, thậm chí không đủ tiêu dùng hàng ngày, muốn có được mức lương tương đối thì phải trông vào doanh số. Trần Đoan rất kính trọng những người đi trước dày dạn kinh nghiệm, nên thường xuyên chi tiền mời họ đi ăn để giao lưu học hỏi, vì vậy mỗi tháng cậu đều trong tình trạng thu không đủ chi. Ngoài ra, bán bảo hiểm chính là làm quen và thiết lập quan hệ với khách hàng, những khi đi ăn để bàn việc với khách hàng, hóa đơn ăn uống đều do người bán bảo hiểm như Trần Đoan thanh toán. Trần Đoan muốn vượt trội hơn mọi người, nhưng dần dần theo thời gian, tất cả những áp lực mà cậu phải chịu khiến cậu như bị ngộp thở.
Tiểu Nhuế là nữ tiếp viên hàng không bay tuyến nội địa, thu nhập hàng tháng tương đối cao, tuy nhiên cô cũng không thể thoát khỏi số phận “bận bịu vất vả nhưng vẫn nghèo”. Phải bay thường xuyên nên Tiểu Nhuế rất hay mệt mỏi, còn cả những lần tăng ca để có thêm chút thu nhập, cho dù bị ốm cũng không dám xin nghỉ. Tuy nhiên, dù mỗi tháng đều trong tình trạng mệt đến mức sắp không gượng dậy nổi, nhưng trong túi Tiểu Nhuế cũng chẳng có đồng nào. Tiểu Nhuế lý giải chuyện này là: “Vì yêu cầu của công việc, mỗi tháng đều phải chi ra rất nhiều tiền để mua mỹ phẩm. Mỹ phẩm đồng nghiệp tôi dùng đều là những sản phẩm hàng hiệu số một quốc tế, mà tôi cũng không muốn để mình thua kém họ”.
Mỗi tháng số tiền Tiểu Nhuế chi tiêu cho mỹ phẩm cũng phải đến nghìn tệ, đương nhiên số tiền cho quần áo cũng phải hai, ba nghìn tệ, cộng thêm số tiền chi cho một số hoạt động giải trí, khiến cô luôn trong tình trạng thu không đủ chi. Vậy có thể bớt mua sắm đi được không? Tiểu Nhuế lắc đầu: “Bây giờ tôi đã quen như vậy rồi, mỗi tháng đều theo dõi tin tức mới nhất của các thương hiệu này, đặc biệt khi nhắm được một sản phẩm mới, nếu nhìn thấy ai dùng nó, trong lòng tự nhiên sẽ muốn mua ngay”.
Qua hai ví dụ nêu trên, chúng ta có thể định nghĩa “bận bịu, vất vả nhưng vẫn nghèo”: có những người vì muốn cuộc sống bớt trống rỗng, nên buộc phải chi tiêu liên tục, sau khi đã chi tiêu vượt mức thì cuối cùng rơi vào tình trạng “bận bịu vất vả” để bù vào khoản đó. Người bận bịu vất vả mà vẫn nghèo, không có nghĩa họ thất nghiệp, ngược lại còn có thể làm thêm vài việc, thậm chí những người làm việc toàn thời gian đều có thể rơi vào tình trạng là người bận bịu nhưng vẫn nghèo.
Nguyên nhân của tình trạng bận bịu vất vả mà vẫn nghèo có rất nhiều. Có người cho rằng “nhóm người bận bịu vất vả mà vẫn nghèo”, làm việc bạt mạng nhưng lại không có được sự đền đáp xứng đáng, nguyên nhân chủ yếu chính là áp lực xã hội quá lớn, cạnh tranh quá khốc liệt. Có người cho rằng vì họ không có kế hoạch hợp lý cho cuộc sống và công việc; hay vì điểm xuất phát của họ quá thấp nên họ không có nhiều cơ hội; hay do họ quá nóng lòng muốn thành công, nên trái lại rất dễ thất bại; rồi do tâm lý bắt chước, đi theo số đông tạo nên; hoặc do họ chưa đủ sự nhẫn nại...
Trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay, chúng ta phải làm thế nào mới có thể thoát khỏi tình trạng phải giả vờ bận rộn, vất vả mà vẫn nghèo?
Đối với mỗi người mà nói, trước tiên việc lựa chọn nghề nghiệp mà bản thân mình yêu thích là vô cùng quan trọng. Sau đó, chúng ta cần làm tốt những điều dưới đây:
1. Đánh giá khách quan năng lực bản thân, thực hiện tốt kế hoạch nghề nghiệp
Hãy xác định rõ mục tiêu cuộc sống và công việc, mục tiêu phải phù hợp với tình hình thực tế, dựa theo kế hoạch nghề nghiệp để hoàn thành. Khi chúng ta có được kế hoạch nghề nghiệp và mục tiêu công việc rõ ràng, lúc đó chúng ta sẽ hiểu được tại sao lại làm việc đó, là để tích lũy kinh nghiệm hay nâng cao kĩ năng, hay để có được sự từng trải trong cuộc sống. Đối với một người luôn mong muốn phát triển được trong lĩnh vực của mình, hiểu được bản thân mình muốn gì, có trách nhiệm với công việc, thì cho dù có bận, có mệt đến thế nào cũng sẽ cảm thấy có giá trị. Ngược lại, sẽ cảm thấy bận rộn chả vì điều gì, thậm chí như đang phải chịu tội.
2. Sự bận rộn có mục tiêu không phải là gánh nặng, phải bận mà mang lại hiệu quả cao
Bởi vì yêu thích công việc và nghề nghiệp, cho nên, chúng ta sẽ chuyên tâm hơn, tính chủ động khi làm việc cũng sẽ ngày càng tăng lên. Khi chuyên tâm vào công việc, năng lực của chúng ta cũng tăng lên đáng kể, lúc này sẽ tạo ra ra nhiều lợi ích và tài sản cho doanh nghiệp và xã hội hơn, bản thân chúng ta cũng nhận được sự đền đáp xứng đáng, về cả danh tiếng, vật chất và tinh thần.
3. Biết lúc nào nên buông bỏ, không phải lúc nào cũng phải hoàn hảo
Không phải việc gì cũng có thể xử lý được một cách hoàn hảo: có những lúc muốn làm tốt hơn nữa, nhưng cũng cần phải biết lúc nào nên buông tay. Nếu chỉ vì theo đuổi sự hoàn hảo, mà phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức và sức lực, nhưng lại không chắc có thể thu về kết quả tương ứng, như vậy thật là uổng công. Trên thực tế, có rất nhiều người theo chủ nghĩa hoàn hảo làm việc không có năng lực tổ chức, bởi vì họ quá coi trọng tiểu tiết mà không để ý đến tổng thể.