Bí quyết của thành công là gì? Nhà phát minh nổi tiếng nước Ý, Guglielmo Marconi từng nói: “Bí quyết của thành công chính là phải rèn luyện thói quen hành động nhanh chóng!”. Nói cách khác, nếu biết cách “nắm bắt hiện tại”, kiên trì với suy nghĩ ban đầu của mình, rất có thể bạn chính là người thành công xuất sắc tiếp theo.
Sự khác biệt lớn nhất giữa người thành công và kẻ thất bại, không phải ở ý tưởng tốt hay xấu, hay năng lực cao hay thấp, mà là ở việc bạn có dũng khí và kiên định tin tưởng vào cách nghĩ của bản thân, đồng thời lập tức hành động hay không. Tất cả mọi người đều đang theo đuổi thành công, vì vậy để chạm tay vào đỉnh vinh quang thì cần có cơ hội và sự đầu tư. Nếu chúng ta không có khả năng tự tạo ra cơ hội, thì khi cơ hội xuất hiện, cần lập tức hành động, chứ không phải là chậm chạp, uể oải để lỡ mất nó. Nhưng rất nhiều người khi làm việc đều thích đắn đo suy nghĩ, cho dù có ý tưởng tốt, cũng không dám triển khai thành hành động, rất nhiều sự sáng tạo vì thế mà bị lãng phí vô ích.
David J. Schwartz từng nói: “Yêu cầu của chúng ta đối với mỗi sự việc hãy bớt hoàn hảo đi một chút, như thế mới không bị lún sâu vào vũng bùn cứ mãi chờ đợi trước khi hành động”. Nếu thứ bạn có chỉ là một ước mơ đẹp đẽ, mỗi ngày chỉ mải mê bồi đắp cho nó thêm hoàn hảo, thì ước mơ ấy mãi mãi không thể trở thành hiện thực. Vì thế, khi bạn có một ý tưởng thú vị, một sáng tạo hay ho, nên lập tức hành động, chỉ có như thế mới có thể đạt được thành công.
“Nắm bắt hiện tại, biến suy nghĩ thành hành động” là một câu nhắc nhở mang tính khích lệ tích cực. Bất kể bạn làm việc gì, chỉ cần nghĩ đến câu nói này, trong lòng sẽ xuất hiện những suy nghĩ lạc quan, đồng thời khiến bạn lập tức hành động. Sau khi bạn dần dần hình thành nên thói quen như thế, thì có thể phản ứng một cách nhanh chóng, tích cực đối với từng sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Đương nhiên, nếu phát sinh việc gấp, bạn cũng không đến nỗi phải luống cuống tay chân.
Ví dụ bạn có một cuộc điện thoại quan trọng cần gọi, nhưng cứ trì hoãn và do dự mãi không bấm gọi đi. Lúc ấy, câu nhắc nhở mang tính khích lệ lập tức hiện ra trong đầu, bạn sẽ gọi điện thoại ngay. Lấy một ví dụ khác, bạn đặt báo thức để thức giấc lúc sáu giờ sáng, nhưng khi chuông reo, bạn lại không tỉnh dậy ngay, mà lập tức tắt chuông và ngủ tiếp. Cứ tiếp tục như thế, bạn rất dễ hình thành thói quen thức dậy không đúng giờ. Nhưng, nếu bạn nhận được sự khích lệ từ câu nói “phải nắm bắt hiện tại”, thì bạn sẽ lập tức lựa chọn thức dậy, không cố ngủ nướng nữa.
Trong một buổi lễ, phóng viên phỏng vấn một doanh nhân nổi tiếng: “Xin hỏi, bí quyết chủ yếu tạo nên thành công của ngài là gì?”.
Vị doanh nhân kia trả lời: “Nắm bắt hiện tại, biến suy nghĩ thành hành động”.
Phóng viên lại hỏi: “Vậy thì, khi gặp khó khăn và trắc trở, ngài xử lý như thế nào?”.
Doanh nhân lại trả lời: “Nắm lấy hiện tại, biến suy nghĩ thành hành động”.
Phóng viên lại tiếp tục hỏi: “Thưa ngài, liệu ngài có thể không lặp lại câu nói ấy không?”.
Doanh nhân trả lời: “Được”.
Phóng viên hỏi: “Vậy, ngài có lời khuyên gì cho những bạn trẻ?”. Doanh nhân vẫn trả lời bằng câu nói đó: “Nắm lấy hiện tại, biến suy nghĩ thành hành động”.
Câu trả lời của doanh nhân tuy giống hệt nhau nhưng đơn giản mà chí lý. “Nắm lấy hiện tại, biến suy nghĩ thành hành động.” Đó là châm ngôn của thành công, cũng là điều mà các bạn trẻ nên học hỏi. Cần biết, thế kỷ XXI là thời đại cạnh tranh toàn diện, vậy năng lực cạnh tranh của chúng ta đến từ đâu? Nhà tâm lý xã hội học người Mỹ, David McClelland nói, năng lực cạnh tranh trong tương lai bắt nguồn từ năng lực hành động! Nếu các bạn trẻ muốn đạt được thành tựu lớn trong thời đại khốc liệt này, thì cần phải có năng lực hành động quyết đoán, nỗ lực biến suy nghĩ của mình thành hành động.
Học viện Quân sự Hoa Kỳ có một quy định rất quan trọng, chính là “nắm lấy hiện tại, lập tức hành động”. Nếu các bạn trẻ chỉ có ý tưởng mà không có hành động thực tế, thì vĩnh viễn không thể thành công trong bất cứ việc gì. Những thanh niên luôn chờ đến lúc “mọi việc được chuẩn bị đầy đủ” thì mới hành động sẽ phí hoài rất nhiều thời gian và cơ hội trong quá trình trì hoãn ấy.
Ngoài ra, còn có một thứ tương tự cản trở những người trẻ “nắm bắt hiện tại”, đó chính là nỗi sợ hãi đối với những ý tưởng ban đầu của mình.
Elina và Rose là hai cô con gái của một người kinh doanh đồ da ở New York, Mỹ. Tuổi của họ không lớn, nhưng ý tưởng thì lại không ít.
Có một ngày, Rose nói với Elena: “Bố của chúng ta là một họa sĩ thất bại. Tuy bố có tài năng thiên phú về mảng hội họa, nhưng vì phải lo kiếm tiền để nuôi chúng ta, nên không có thời gian vẽ tranh, chỉ coi việc sưu tầm tranh là sở thích của bản thân”.
Elena cũng nói: “Đúng vậy, ông mua rất nhiều bức tranh để trong nhà, mặc dù nhờ đó mà chúng ta có thể học được một số kiến thức về mỹ thuật, có thể nâng cao khả năng thưởng thức và năng lực đánh giá, nhưng ngoài những điều ấy ra hình như không còn tác dụng nào khác cả”.
Khi Elena và Rose lớn hơn một chút, bạn bè và bạn học thường xuyên đến xin ý kiến của họ xem nên đặt trong nhà mình những bức tranh như thế nào. Có những lúc, hai chị em còn cho bạn bè mượn những bức tranh được người bố của họ sưu tầm.
Một buổi tối, Elena đột nhiên chạy qua phòng của Rose, nói: “Chị có một ý tưởng rất hay - chúng ta hãy lập tức phát triển việc kinh doanh cho thuê tranh! Nếu không để những bức tranh này ở đây cũng lãng phí”. Rose cảm thấy suy nghĩ ấy rất mới lạ, tuy có chút lo lắng nhưng cô vẫn đồng ý.
Ngày hôm sau họ lập tức bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Lúc ấy bạn bè liên tục “ngăn cản” họ: “Làm thế này rủi ro quá lớn, những bức tranh có giá trị kia có thể bị mất, bị hỏng, sau đó sẽ là kiện tụng pháp lý và vấn đề bảo hiểm...”. Nhưng, hai chị em vẫn kiên trì, họ gom được năm trăm đô tiền vốn, hơn nữa còn thuyết phục được người bố dành tầng trệt của cửa hàng đồ da để cho họ phát triển kinh doanh.
Hai chị em đem tất cả những bức tranh đi đóng khung cẩn thận, sẵn sàng để bất cứ lúc nào cũng có thể cho khách hàng thuê mượn. Họ còn đặt cho công ty của mình một cái tên mới lạ là “Thư viện tranh tuần hoàn New York”. Công ty thành lập chưa lâu, đã cho thuê hơn năm trăm bức tranh cho các thương nhân, bác sĩ, luật sư và các gia đình ở New York. Trong đó có một khách hàng đã sống ở tu viện Massachusetts suốt tám năm, ông chân thành gửi đến một lá thư, hi vọng có thể thuê được một bức tranh cho mình. Hai chị em đã miễn phí phí vận chuyển khi gửi tranh tới cho ông, đồng thời còn cho ông mượn một số bức khác miễn phí. Ông rất cảm kích vì sự giúp đỡ của hai chị em, còn đặc biệt viết một bức thư cảm ơn rất dài, kể rằng nhờ những bức tranh mà rất nhiều người đã thoát khỏi khủng hoảng tâm lý.
Elena và Rose bắt đầu từ một suy nghĩ đơn giản, dần dần xây dựng nên sự nghiệp của bản thân. Họ không chỉ thu được thành quả về kinh tế, mà còn có được nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Trong cuộc sống thực, rất nhiều người trẻ luôn phủ định ý tưởng ban đầu của bản thân, cho rằng chúng tuy mới lạ, nhưng có vẻ như không có tính khả thi. Đúng là có những ý tưởng nghe thì lạ lùng, hơn nữa các bạn trẻ lại không có kinh nghiệm, việc thử nghiệm cho dù có được thực hiện cũng vô cùng khó khăn, nhưng nếu có thể biến thành hiện thực, thì chắc chắn những sáng tạo ấy có thể tạo ra kết quả cực kỳ to lớn.