Có phải bạn cũng đã từng có những trải nghiệm thế này không: khi ông chủ giao cho bạn một công việc quan trọng, lúc đầu bạn cảm thấy rất hào hứng, cho rằng bản thân nhất định có thể làm tốt. Nhưng càng làm, các vấn đề, các rắc rối cũng theo đó mà xuất hiện, lúc ấy bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân, không biết mình có thể hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ hay không. Đối mặt với tình hình như vậy, bạn cảm thấy áp lực cực lớn, ngay cả khi miễn cưỡng hoàn thành cho xong công việc, cũng không hài lòng với thành quả của mình.
Tại sao lại xuất hiện tình trạng như vậy? Thực ra đó chính là vì bạn thiếu tự tin vào bản thân, không thể dùng tâm thái tích cực để khẳng định chính mình. “Có ưu điểm thì cũng phải có khuyết điểm”, nếu những người trẻ không thể tích cực tự khẳng định bản thân, chắc chắn sẽ dần dần rơi vào bi quan tiêu cực, thậm chí là sa vào vũng bùn tự ti. Trong môi trường làm việc, sự cạnh tranh khốc liệt sẽ không bao giờ dừng lại. Những người giỏi hơn bạn đâu đâu cũng có, nếu không tích cực tự khẳng định bản thân, thì làm sao có thể chiến thắng các đối thủ cạnh tranh, đạt được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống đây?
Tất cả những người thành công đều có chung một đặc điểm, đó là biết khẳng định bản thân. Họ có cái nhìn tích cực đối mặt với tất cả khó khăn. Vì thế, những người trẻ nên hình thành cho bản thân một tâm thái như vậy, cho dù công việc làm không được hoàn hảo, cũng cần cố gắng nhìn ra những điểm đáng học hỏi ở nó.
Mấy năm trước, bộ phim “Kung Fu Panda” khiến người ta chứng kiến sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật điện ảnh Hollywood và môn võ Kung Fu của Trung Quốc. Lúc ấy bộ phim nhận được rất nhiều sự chú ý của khán giả trên thế giới, mọi người đều biết tới chú gấu trúc Po. Thực ra, “Kung Fu Panda” không chỉ là một bộ phim giải trí, chúng ta cũng có thể coi nó là một ví dụ về hiện trạng nơi làm việc hiện nay - một số thanh niên có xuất thân bình thường, chắc chắn cũng giống như Po, hi vọng bản thân có thể không ngừng vượt lên chính mình, cuối cùng vươn tới đỉnh cao của thành công. Gấu trúc Po vừa béo vừa lười, nhưng nó cũng có ước mơ của riêng mình. Trải qua nhiều lần thất bại, Po bắt đầu hoài nghi bản thân. Kiểu tâm lý tiêu cực này, chính là sự không công nhận chính mình. May mắn thay, nhờ có sự chỉ bảo của sư tổ rùa Oogway, Po nhận thức được tiềm năng của bản thân, từ đó bắt đầu xây dựng niềm tin tích cực hơn vào chính mình.
Đối với các bạn trẻ mới đi làm, gặp phải khó khăn là điều bình thường, ví dụ như lời phê bình của ông chủ, sự chèn ép của đồng nghiệp, khiếu nại của khách hàng,... Đối diện với những vấn đề ấy, nếu bạn bắt đầu nghi ngờ, phủ định bản thân, thì chắc chắn sẽ khiến mình rơi vào tâm thái bi quan, dần dần mất đi niềm tin cần có.
Hơn nữa, đại đa số mọi người đều có tâm lý so sánh lẫn nhau, qua đó, bạn cũng sẽ dần dần phát hiện ra sự chênh lệch giữa mình và người khác. Có người có thể thông qua việc so sánh mà nhận thức được ưu điểm và thiếu sót của mình, từ đó kích thích tâm thái tích cực của bản thân, không ngừng tiến lên, không ngừng nỗ lực. Nhưng cũng có một số người, bởi vì so sánh mà sinh ra tâm lý tiêu cực, họ cảm thấy mình không bằng người khác, thậm chí cho rằng bản thân không có ưu điểm gì.
Dù là gặp phải vấn đề khó khăn, hay là đối diện với khoảng cách chênh lệch giữa mình với người khác, chúng ta đều không nên có cảm giác tiêu cực, phủ định bản thân, mà nên nhận thức chính xác ưu thế của mình, tự đánh giá mình một cách tích cực. Nếu không biết cách khẳng định bản thân, thì cho dù năng lực của bạn có mạnh đến đâu, hoàn thành công việc xuất sắc đến mấy, bạn cũng sẽ luôn tự phủ định công sức của chính mình.
Giáo sư Rosenthal của trường đại học Harvard đã tiến hành một thí nghiệm nổi tiếng tại một trường trung học ở California, Mỹ.
Học kỳ mới vừa bắt đầu, ông cho gọi ba giáo viên của trường trung học đó tới, nói với họ: “Các thầy là ba thầy giáo giỏi nhất của trường, vì thế tôi đã gợi ý để hiệu trưởng lựa chọn ra một trăm học sinh thông minh nhất toàn trường, rồi phân các em thành ba lớp để các thầy dạy. Chỉ số IQ và EQ của những em này đều cao hơn các học sinh bình thường, vì thế hi vọng các em ấy sẽ được các thầy dạy bảo thật tốt.”
Ba thầy giáo vui vẻ nhận lời, đều bày tỏ sẽ cố gắng hết sức để dạy dỗ các em học sinh. Nhưng giáo sư Rosenthal lại dặn dò thêm: “Trong quá trình dạy học, không được để các em ấy biết chúng là những học sinh ưu tú nhất trường và đã được chọn lựa cẩn thận, mà nên đối xử với các em như những học sinh bình thường…”. Ba thầy giáo đều gật đầu đồng ý.
Sau một học kỳ, học sinh của ba lớp này quả nhiên đều đạt thành tích ưu tú, đứng đầu toàn trường. Lúc này, giáo sư Rosenthal mới tiết lộ sự thật với các thầy giáo: “Thực ra các em ấy không phải là những học sinh ưu tú nhất, mà chỉ là những học sinh bình thường được chọn ngẫu nhiên”. Ba thầy giáo đều ngạc nhiên. Lúc ấy, giáo sư Rosenthal lại nói cho họ một sự thật khác, đó là ba thầy giáo cũng chỉ là những giáo viên bình thường được lựa chọn ngẫu nhiên. Vậy là, ba thầy giáo được chọn cho rằng mình là những giáo viên ưu tú nhất, hơn nữa chỉ số IQ và EQ của học sinh lại cao, vì thế tràn đầy sự tự tin đối với công việc, làm việc càng nỗ lực, kết quả cuối cùng đương nhiên vô cùng tốt.
Đối với bất kể công việc gì, chúng ta đều nên thật tâm khẳng định bản thân, tâm thái tích cực như vậy có thể giúp ta làm việc tốt hơn, chất lượng hơn. Nếu chúng ta có thể liên tục dùng tâm thái tích cực để tìm ra được điểm hài lòng trong công việc, thì có thể dần dần hình thành khả năng công nhận chính mình, tràn đầy tự tin đối với cách nghĩ, hành vi của bản thân. Lúc ấy, ta đã đi được một nửa con đường hướng tới thành công rồi.
Khả năng khẳng định mình có thể được bồi dưỡng thông qua việc luyện tập không ngừng. Nó có thể thay đổi thái độ của con người đối với cuộc sống và công việc, giúp chúng ta có tâm thái tích cực, lạc quan hơn. Đương nhiên, khi tự khẳng định bản thân, cũng không nên khẳng định cả nhược điểm của mình, mà nên có thái độ cầu thị. Khi tiến hành tự khẳng định mình, chúng ta cần chú ý những điều sau:
(1) Nên vận dụng phương pháp tích cực nhất để tiến hành khẳng định bản thân. Ví dụ như bạn có thể nói “tôi sẽ trở nên càng ngày càng siêng năng hơn”, chứ không nên nói “tôi sẽ không lười nhác nữa”.
(2) Nên có thái độ khiêm tốn khi tự khẳng định bản thân. Ví dụ như nói “tôi là người có năng lực” sẽ tốt hơn “tôi là người giỏi nhất ở trong công ty”.
(3) Tự khẳng định mình từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Ví dụ như sau khi hoàn thành một hạng mục công việc, hãy tìm ra một điểm khiến bản thân hài lòng.