Năm nay, vì đã có hai cuốn sách viết về chủ đề giáo dục gia đình nên bạn bè đặt cho tôi cái danh là “nhà viết sách”. Điều này khiến tôi có chút bối rối và lo lắng. Nhân dịp cuốn sách mới chuẩn bị hoàn thành, tôi xin được một lần nữa nhắc lại mục đích ban đầu của tôi khi viết sách, đó là tôi muốn đem những cảm nhận và kinh nghiệm có được trong quá trình công tác của tôi gửi đến bạn đọc cũng như các vị phụ huynh và nếu như những kiến thức nhỏ bé này có thể giúp ích cho các vị phụ huynh trong quá trình dạy dỗ con cái mình thì đó chính là vinh hạnh lớn nhất của tôi.
Trong quá trình nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý, từng tiếp xúc với không ít trẻ “cá biệt” và gia đình “cá biệt”, có một hiện tượng khiến tôi cảm thấy vô cùng trăn trở. Ví dụ, từng có một vị phụ huynh đưa con đến văn phòng tôi vì cho rằng bé bị mắc chứng tăng động giảm chú ý, khả năng tự kiểm soát hành vi yếu. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi trình bày xong bệnh tình của con, ông bố đã thản nhiên châm thuốc hút như không hề nhìn thấy dòng chữ “Không hút thuốc” được treo ở ngay phía đối diện. Và tất cả các kết quả kiểm tra về tâm lý đều cho thấy đứa bé khỏe mạnh bình thường, không cần thiết phải tiến hành bất kỳ một biện pháp tâm lý nào cả.
Khi hiện tượng này xảy ra ngày càng nhiều, tôi đã dần dần tìm ra được quy luật của nó. Thực ra, vấn đề rất đơn giản, các vị phụ huynh chỉ nhìn thấy những yếu điểm và thiếu sót về tính cách và hành động của con cái mình mà không hề suy nghĩ đến nguyên nhân của nó. Chung quy lại, những hành động và hiện tượng như trên có thể dùng một từ để mô tả, đó là “thói quen”.
Tâm lý học và giáo dục học hiện đại đã chứng minh từ rất sớm rằng thói quen là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Có thể nói, một đứa trẻ nếu có những thói quen sinh hoạt và học tập tốt ngay từ khi còn nhỏ sẽ vui vẻ và dễ dàng thành công hơn trong tương lai; ngược lại, những thói quen xấu có thể khiến cho mọi nỗ lực của trẻ trở lên vô ích, thậm chí phá hỏng cả cuộc đời sau này. Rất nhiều phụ huynh đã nhận thức được điều này, tuy nhiên, điều đáng tiếc là, họ lại không biết phải làm thế nào để giúp trẻ hình thành những thói quen tốt trên mọi phương diện.
Nhà giáo dục học Nhật Bản Fukuzawa Yukichi từng nói: “Gia đình là trường học về thói quen của trẻ, trong đó bố mẹ chính là những người thầy”. Thực tế đúng là như vậy, thói quen của trẻ được hình thành chủ yếu do bố mẹ. Bố mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, 80% thói quen của trẻ được học từ bố mẹ. Do đó, có thể nói, thói quen tốt của bố mẹ ảnh hưởng đến cả cuộc đời trẻ và thói quen tốt của trẻ thì quyết định trực tiếp đến số phận của chúng.
Mỗi bậc phụ huynh chúng ta đều mong muốn con cái mình sau này khi lớn lên sẽ có tương lai, tiền đồ sáng lạng, điều này là rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ đặt tất cả sự kỳ vọng của mình vào con trẻ mà quên mất việc phải nhìn lại chính mình. Mỗi lời nói, mỗi hành động của chúng ta đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ. Bởi, tâm hồn mỗi đứa trẻ giống như một mảnh đất, nếu chúng ta gieo trồng lên đó một tư tưởng, sẽ thu về được một hành động; gieo trồng hành động, sẽ thu về thói quen; gieo trồng thói quen sẽ thu về tính cách; gieo trồng tính cách sẽ thu về cả một số phận.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý trẻ nhỏ, tôi có thể khẳng định những đứa trẻ cá biệt nhất định là do gia đình cá biệt, và gia đình cá biệt nhất định là do bố mẹ cá biệt. Do đó, tôi muốn nói với tất cả các bậc phụ huynh một điều rằng: món quà quý giá nhất mà chúng ta tặng cho con cái không phải là tiền, không phải nhà cao cửa rộng, không phải hàng hiệu hay sự nuông chiều mà chính là những thói quen tốt mà chúng ta truyền lại cho con.