Thói quen là một trong những nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Một đứa trẻ nếu có những thói quen sinh hoạt và học tập tốt ngay từ khi còn nhỏ sẽ vui vẻ và dễ dàng thành công hơn trong tương lai; ngược lại, những thói quen xấu có thể khiến cho mọi nỗ lực của trẻ trở lên vô ích, thậm chí phá hỏng cả cuộc đời chúng sau này. Rất nhiều phụ huynh đã nhận thức được điều này, tuy nhiên, điều đáng tiếc là họ lại không biết phải làm thế nào để giúp trẻ hình thành những thói quen tốt trên mọi phương diện.
Có ước mơ mới có hy vọng, có hy vọng thì mới có sự nhiệt tình và phấn đấu. Ước mơ của trẻ, bất kể là lớn hay nhỏ đều là điều có giá trị nhất và đáng trân trọng nhất bởi nó sẽ dẫn dắt trẻ tiến về phía trước, đối diện với mọi khó khăn trong cuộc sống.
Mao Mao là một học sinh lớp 2, rất thích thể thao và người mà cậu bé thần tượng nhất là vận động viên ngôi sao Lưu Tường.
Một lần Mao Mao ở nhà theo dõi một cuộc thi có sự tham gia của Lưu Tường trên tivi. Trong phần thi của mình, Lưu Tường với những bước chạy và vượt rào dứt khoát, khỏe mạnh đã giành được ngôi vị quán quân. Lúc đó, Mao Mao vô cùng hào hứng nói với mẹ: “Mẹ, anh Lưu Tường thật lợi hại. Sau này lớn lên con cũng muốn trở thành một người tài giỏi như anh ấy. Con cũng muốn làm nhà vô địch!”.
Mẹ Mao Mao nghe xong thản nhiên đáp: “Con ấy à, đừng mơ mộng nữa. Con còn chẳng chạy nhanh bằng bạn Cường ở lớp mà lại đòi làm nhà vô địch à?”
Mao Mao nghe mẹ nói vậy thì cúi đầu buồn rười rượi.
Vậy là ước mơ đẹp đẽ của một đứa trẻ đã bị chính phụ huynh dập tắt. Trong cuộc sống, rất nhiều người cho rằng, ước mơ là cái gì đó quá hư ảo, quá xa vời và không thực tế. Ví dụ, khi chọn chuyên ngành học đại học, có mấy ai chọn theo sở thích hay mơ ước của mình? Hầu hết mọi người chỉ chọn những chuyên ngành mà sau này ra trường dễ tìm việc, lương cao. Vậy là ước mơ đã bị chính chúng ta loại ra khỏi cuộc sống.
Một tạp chí đã tiến hành một cuộc điều tra trong số những độc giả của mình với câu hỏi: “Ước mơ của bạn là gì?”, kết quả là: thăng chức, tăng lương, khỏe mạnh hay trúng thưởng đã trở thành ước mơ của nhiều người. Kết quả này cho ta thấy suy nghĩ của nhiều người hiện đại, và có một điều không thể phủ nhận rằng: trong một xã hội mà kinh tế đang không ngừng phát triển như hiện nay thì chúng ta đang bị chính vật chất làm cho biến chất.
Nhưng, các bậc phụ huynh nên nhớ một điều rằng: ước mơ của mỗi đứa trẻ đều đáng được trân trọng, đừng cười nhạo hay chế giễu chúng. Mỗi đứa trẻ nếu có ước mơ, bất kể ước mơ đó là lớn hay nhỏ, cao sang hay bình dị, chỉ cần không sai trái thì đều là những đứa trẻ hạnh phúc.
Bill Kriya là giáo viên của một trường trung học tại bang Utah, Mỹ. Một lần, Kriya đưa ra bài tập về nhà cho học sinh của mình, đó là viết về ước mơ trong tương lai của bản thân.
Cậu bé học sinh tên là Moody Robert vô cùng hào hứng với bài tập này và đã dành cả buổi tối để viết bảy trang giấy, miêu tả tường tận về ước mơ trong tương lai của mình, đó là sở hữu một trang trại nuôi ngựa. Cậu bé không chỉ miêu tả rất tỉ mỉ mà còn vẽ cả một bản thiết kế của trang trại rộng 200 mẫu Anh, trong đó có chuồng ngựa, đường chạy, vườn, khu nhà ở và cả thiết kế nội thất bên trong.
Hôm sau, Robert nộp bài cho thầy Kriya với tràn đầy hi vọng. Tuy nhiên, khi trả bài, thầy Kriya đã cho Robert điểm F rất to ở ngay góc phải của trang đầu tiên đồng thời yêu cầu Robert đến gặp thầy. Sau buổi học, Robert đến gặp thầy Kriya và hỏi: “Thưa thầy, tại sao em lại bị điểm F ạ?”
Thầy Kriya nhìn Robert và nói: “Robert, thầy công nhận một điều rằng em đã làm bài một cách rất nghiêm túc, nhưng dự định và mơ ước của em quá xa rời thực tế. Em phải biết rằng, bố em chỉ là một người huấn luyện ngựa, nay đây mai đó, đến cả một nơi ở cố định còn không có, làm sao có tiền để sở hữu một trang trại ngựa? ”. Sau đó, thầy Kriya còn nói, nếu Robert muốn viết lại bài tập này, xác định một mục tiêu gần với thực tế hơn thì thầy sẽ cho điểm lại.
Robert cầm bài viết của mình về hỏi bố. Bố cậu bé nói: “Con à, con hãy tự quyết định chuyện này đi, bố chỉ có thể nói rằng, con phải thận trọng vì quyết định này sẽ rất quan trọng đối với con”.
Moody đã quyết định vẫn giữ lại bài tập đó. Điểm F trên bài viết của cậu tuy vẫn còn ở đó, rất to, rõ nhưng chính nó đã khuyến khích Moody để cậu từng bước từng bước thực hiện ước mơ của mình. Và cuối cùng, sau nhiều năm, ước mơ ngày nào của cậu đã trở thành hiện thực.
Một ngày, khi thầy Kriya dẫn theo hơn 30 học sinh của mình đến thăm trang trại ngựa rộng hơn 200 mẫu, bước chân vào khu nhà ở rộng hơn 4000 m2 của Moody, thầy đã không kìm được những dòng nước mắt hối hận của mình và nói: “Moondy, đến bây giờ thầy mới nhận ra rằng, hồi đó, tuy là một thầy giáo nhưng thầy lại chẳng khác gì một kẻ đánh cắp ước mơ, đã đánh cắp biết bao mơ ước của các em. Nhưng thật may mắn rằng, sự kiên định và dũng cảm đã giúp em không từ bỏ mơ ước của mình.”
Có ước mơ mới có hy vọng, có hy vọng mới có nhiệt tình và phấn đấu. Giữ chặt ước mơ, dũng cảm tiến về phía trước, bạn sẽ đến bến bờ thành công sớm hơn người khác một bước.
Ước mơ của trẻ, dù là lớn hay nhỏ đều là điều đáng quý, đáng trân trọng nhất trên đời vì nó sẽ cùng trẻ tiến bước và đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống. Thái độ của chúng ta đối với ước mơ của trẻ sẽ quyết định đến hướng phát triển của chúng, do đó, bất luận thế nào, chúng ta đều phải trân trọng những ước mơ đó.
Bởi vì, những đứa trẻ có ước mơ là những đứa trẻ hạnh phúc nhất!
Đối với nhiều người, nguyên nhân của thất bại không phải là do thiếu năng lực, mà chính là do không có mục tiêu rõ ràng. Do đó, trong quá trình dạy dỗ con cái, các bậc phụ huynh nhất định phải giúp trẻ xác định được mục tiêu riêng cho mình. Chuyến hành trình dài trong cuộc đời trẻ chỉ thực sự được bắt đầu khi trẻ có mục tiêu. Có mục tiêu trẻ mới có động lực, vì vậy mục tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng trong suốt cuộc đời trẻ.
Có một câu chuyện viết về mục tiêu như sau:
Năm 1950, Florence Chadwick nổi tiếng khắp thế giới với danh hiệu vận động viên nữ đầu tiên hoàn thành đường bơi qua eo biển Manche (giữa Anh và Pháp). Hai năm sau, cô thực hiện đường bơi từ đảo Catalina đến bờ biển California nhằm lập một kỷ lục mới chưa từng có trước đây.
Ngày hôm đó, trên mặt biển sương mù dày đặc, nước lạnh cóng. Sau khi đã bơi một khoảng thời gian dài hơn 16 tiếng đồng hồ, môi Florence bắt đầu tím ngắt vì lạnh, toàn thân mệt mỏi rã rời, run rẩy. Cô ngẩng đầu nhìn về phía xa, chỉ thấy trước mắt mình là sương mù dày đặc, đích đến dường như còn cách cô rất xa. “Bây giờ vẫn chưa nhìn thấy bờ đâu, xem ra chuyến này không thể bơi được hết hành trình rồi”. Cô đã nghĩ như vậy, và toàn thân lập tức mềm nhũn, mất hết sức lực.
“Đưa tôi lên thuyền đi”, Florence nói với nhân viên trên chiếc thuyền đi cùng cô.
“Cố lên một chút nữa, chúng ta chỉ còn cách đích hơn 1 dặm nữa thôi”, nhân viên trên thuyền động viên cô.
“Đừng có lừa tôi, nếu chỉ còn hơn 1 dặm thì tôi phải nhìn thấy bờ rồi chứ. Đưa tôi lên thuyền đi, nhanh lên!”
Vậy là Florence đã được các nhân viên đưa lên thuyền, toàn thân run lẩy bẩy.
Chiếc thuyền nhỏ chạy hết mã lực tiến về phía trước. Và chỉ trong khoảng thời gian cô kịp quấn tấm khăn lên người và uống một cốc canh nóng, bờ biển dài màu nâu đã dần hiện ra trong sương, thậm chí Florence dường như còn nhìn thấy thấp thoáng những người trên bờ đang reo hò, chờ đợi cô. Đến lúc ấy cô mới nhận ra, những nhân viên trên thuyền đã không nói dối cô, đúng là cô chỉ cách thành công có hơn 1 dặm. Cô ngẩng đầu thở dài, hối hận vì đã không kiên trì mục tiêu của mình khi mà thành công đã ngay trước mắt.
Mục tiêu có thể đem đến cho ta niềm tin và sức mạnh, đặc biệt là khi sức cùng lực kiệt hay hi vọng mong manh. Chỉ cần kiên trì với mục tiêu của mình, nó sẽ luôn động viên và khuyến khích chúng ta không ngừng tiến về phía trước, vì biết đâu thành công đang ở rất rất gần.
Một người muốn thành công nhất định phải có mục tiêu rõ ràng bởi xác định được mục tiêu là chúng ta xác định được phương hướng phấn đấu, sẽ dũng cảm tiến về phía trước và bớt đi những đoạn đường vòng.
Đối với nhiều người, nguyên nhân của thất bại không phải là do thiếu năng lực, mà chính là do không có mục tiêu rõ ràng. Do đó, trong quá trình dạy dỗ con cái, các bậc phụ huynh nhất định phải giúp trẻ xác định được mục tiêu riêng cho mình. Chuyến hành trình dài trong cuộc đời trẻ chỉ thực sự được bắt đầu khi trẻ có mục tiêu. Có mục tiêu trẻ mới có động lực, vì vậy mục tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng trong suốt cuộc đời trẻ.
Mộc Mộc nhà tôi khi vừa bắt đầu đi học, vẫn chưa thực sự thích nghi với môi trường học tập, thường xuyên mất tập trung, do đó kết quả học tập không được tốt. Về sau, chúng tôi đã phân tích tình hình học tập của Mộc Mộc và giúp cháu thiết lập một mục tiêu nhỏ, đó là: mỗi lần kiểm tra sẽ bớt đi một lỗi sai so với lần trước đó.
Kết quả học tập của Mộc Mộc lúc đó rất không tốt, kém xa so với các bạn cùng lớp, điều này đương nhiên sẽ là áp lực lớn đối với cháu. Nhưng chúng tôi không bắt cháu phải so sánh với những bạn cùng lớp khác, dù cho kết quả của các bạn khác có như thế nào, đứng thứ nhất hay thứ hai đều không liên quan gì đến cháu. Chỉ cần cháu kiên trì với mục tiêu của mình và cố gắng để đạt được mục tiêu đó là được. Mục tiêu mỗi lần kiểm tra bớt đi một lỗi sai không hề khó với Mộc Mộc, chỉ cần cháu cố gắng thêm một chút là có thể thực hiện được. Sau khi có được mục tiêu rõ ràng, việc học tập đối với Mộc Mộc trở nên hết sức vui vẻ và thoải mái.
Bây giờ, thành tích học tập của Mộc Mộc không những đã đứng đầu lớp mà quan trọng hơn là cháu đã tự tin hơn rất nhiều.
Đại học Havard có một cuộc điều tra rất nổi tiếng về tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu đối với sự thành công của con người. Đối tượng của cuộc điều tra là một nhóm thanh niên trẻ tuổi có học vấn, trí tuệ và điều kiện sống tương đương nhau. Kết quả cho thấy: 27% hoàn toàn không có mục tiêu trong cuộc sống; 60% có mục tiêu nhưng mơ hồ; 10% có mục tiêu ngắn hạn; và chỉ có 3% là có mục tiêu rõ ràng trong dài hạn. Sau 25 năm dõi theo nhóm đối tượng trên, kết quả cho thấy: 3% có mục tiêu rõ ràng, dài hạn đều đã trở thành những chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực của xã hội; 10% có mục tiêu ngắn hạn cũng hầu hết nằm ở tầng lớp trung lưu; 60% có mục tiêu mơ hồ thì sống dưới mức trung lưu và 27% hoàn toàn không có mục tiêu thì đều có cuộc sống không như ý, thất nghiệp thường xuyên, phải sống vào sự hỗ trợ từ xã hội, ngoài ra họ còn thường xuyên oán trách, oán trách người khác, oán trách xã hội và oán trách cuộc đời.
Kết quả này đã chứng minh cho câu nói của nhà tiềm năng học tầm cỡ thế giới Brian Tracy: Mục tiêu chính là thành công, những thứ khác chỉ là để phụ trợ.
Có mục tiêu rõ ràng mới xác định được phương hướng, không có mục tiêu sẽ trở nên mơ hồ, mù quáng. Điều này không chỉ đúng với con người mà còn đúng cả với động vật, điển hình là loài chó.
Một đôi vợ chồng nọ có hai đứa con, khi chúng còn nhỏ, họ đã quyết định nuôi một chú chó và nhờ một người bạn làm huấn luyện chó đến huấn luyện cho nó. Ngày đầu tiên trước khi bắt đầu huấn luyện chú chó nhỏ, huấn luyện viên hỏi đôi vợ chồng: “Mục tiêu huấn luyện của chú chó này là gì?”
Đôi vợ chồng nhìn nhau bối rối, trả lời: “Mục tiêu của một chú chó đương nhiên là để làm một chú chó rồi.”
Nữ huấn luyện viên tỏ ra vô cùng nghiêm nghị, nói: “Mỗi con chó đều cần có một mục tiêu riêng của mình.”
Vậy là, hai vợ chồng thương lượng với nhau và cuối cùng đưa ra quyết định sẽ thiết lập một mục tiêu cho chú chó này, đó là: ban ngày sẽ chơi đùa với lũ trẻ nhà họ, còn ban đêm có nhiệm vụ trông giữ nhà.
Cuối cùng, chú chó nhỏ đã được huấn luyện thành công trở thành một người bạn tuyệt vời của lũ trẻ, đồng thời cũng là “thần giữ của” trong nhà.
Đôi vợ chồng này chính là vợ chồng phó tổng thống Mỹ, Albert Arnold Gore Jr. Sau câu chuyện về chú chó, họ luôn ghi nhớ câu nói: dù là chó thì cũng phải có mục tiêu. Vậy thì, là một con người, chúng ta lại càng phải có mục tiêu để phấn đấu cho riêng mình.
Mục tiêu rõ ràng là một trong những nguồn sức mạnh quan trọng nhất trong sự trưởng thành của trẻ, đồng thời cũng là một vũ khí lợi hại trên con đường tiến đến thành công của trẻ.
Có thể khẳng định rằng, mục tiêu của trẻ có quan hệ chặt chẽ đến thành công của trẻ trong tương lai. Nói một cách biện chứng, trẻ có mục tiêu chưa hẳn chắc chắn sẽ thành công, nhưng trẻ không có mục tiêu thì chắc chắn không có thành công. Mục tiêu là kim chỉ nam hành động của trẻ, do đó việc thiết lập mục tiêu có vai trò hết sức quan trọng. Vậy các bậc phụ huynh phải chú ý những điểm gì, phải làm sao để giúp con xác định được mục tiêu?
1. Mục tiêu cần phải rõ ràng
Mục tiêu của nhiều trẻ là khi lớn lên sẽ trở thành một vĩ nhân, một người thành công hoặc giàu có, nhiều tiền. Những mục tiêu như thế này là quá chung chung, không cụ thể. Phụ huynh có thể giúp con xác định những mục tiêu rõ ràng, cụ thể hơn, ví dụ như trẻ muốn học tốt môn ngữ văn thì mỗi ngày phải tích lũy được 10 từ mới, hoặc kiên trì viết nhật ký mỗi ngày. Những mục tiêu như vậy rất cụ thể, trẻ có thể tiến hành từng bước một và dần dần đạt được mục tiêu đề ra.
2. Mục tiêu cần sát với thực tế
Xác định mục tiêu cho trẻ không được quá cao, quá xa mà cần phải có tính giai đoạn. Cần phải khiến trẻ cảm thấy rằng, chỉ cần trẻ cố gắng thêm một chút là đã có thể đạt được mục tiêu. Khi trẻ thấy rằng mục tiêu đề ra quá lớn, phụ huynh có thể giúp trẻ chia nhỏ mục tiêu đó ra làm nhiều mục tiêu nhỏ, để trẻ thấy thoải mái khi thực hiện mỗi mục tiêu. Mỗi mục tiêu nhỏ được thực hiện là một lần trẻ được cảm nhận niềm vui thành công, do đó, trong quá trình trưởng thành của trẻ, phụ huynh nên không ngừng cổ vũ, động viên trẻ.
3. Mục tiêu phải thống nhất
Nhà văn Emerson từng nói: “Trong cuộc sống, có một việc thông minh, đó là tập trung tinh thần; cũng có một việc ngu dốt đó là phân tán trí lực”. Cùng một ý nghĩa như vậy, nếu trẻ có quá nhiều mục tiêu, đương nhiên sẽ không thể tập trung, dẫn đến việc trẻ không chuyên tâm làm một chuyện gì đó, không thể tập trung vào một mục tiêu cụ thể. Ví dụ, có những phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào con cái, suốt ngày bắt trẻ học hết cái này đến cái kia, dẫn đến việc tinh thần trẻ bị phân tán, không biết nên tập trung vào cái nào, dần dần trẻ sẽ mất đi động lực và sự hào hứng, từ đó trở thành đứa trẻ lười nhác trong mắt bố mẹ. Nguyên nhân của điều này chính là do mục tiêu không thống nhất, không tập trung. Năng lực của trẻ là có giới hạn, nếu đề ra quá nhiều mục tiêu cho trẻ sẽ bị phản tác dụng và điều đó đồng nghĩa với việc trẻ chẳng có một mục tiêu nào.
4. Mục tiêu phải đi đôi với hành động
Đường ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân. Một tờ bản đồ, dù có được vẽ chi tiết đến đâu, tỷ lệ có chính xác đến đâu cũng không thể giúp chủ nhân của nó di chuyển được một bước trên mặt đất. Trẻ chỉ có mục tiêu thôi là chưa đủ. Không thể nói có mục tiêu là có thể ngồi đó đợi thành công tìm đến với mình giống như nhân vật ngu ngốc trong câu chuyện “ôm cây đợi thỏ”. Thành công không bỗng dưng đến với bất kỳ ai, do đó, các bậc phụ huynh cần phải dạy trẻ biết hành động một cách tích cực, chủ động vì mục tiêu đã đề ra.
Một tâm hồn không biết cảm ơn là một tâm hồn cứng nhắc và chai sạn. Một tâm hồn như vậy làm sao biết yêu thương người khác, yêu cuộc sống và yêu thế giới này? Một tâm hồn như vậy làm sao có thể gánh vác được trách nhiệm với gia đình, với xã hội?
Vậy cảm ơn là gì? Đó là một trạng thái của tâm hồn, là thái độ đối với cuộc sống, và đặc biệt đó là thế giới quan của một con người. Cảm ơn thể hiện chuẩn tắc trong giao tiếp và sự kết nối bên trong giữa người với người.
Đối với trẻ, cảm ơn nên được coi là môn học bắt buộc mà bố mẹ dạy cho trẻ trong suốt quá trình trưởng thành.
Phải dạy cho mỗi đứa trẻ hiểu rằng: khi đến với thế giới này, mỗi bước trưởng thành của trẻ đều là do sự nuôi dưỡng của cha mẹ, sự dạy dỗ của thầy cô, sự yêu thương của bạn bè và sự ban phát của mẹ thiên nhiên. Do đó, lòng biết ơn- một trái tim biết cảm ơn là điều không thể thiếu đối với mỗi đứa trẻ.
Có một câu chuyện kể như sau: Một người mẹ đã rất già yếu, con trai và con dâu bà không cho bà ngồi bàn ăn cùng gia đình nữa mà bắt bà ngồi ăn ngay cạnh bếp lò. Một lần, khi họ mang cơm đến cho bà ăn, bà muốn kéo bát cơm đến gần mình thêm chút nữa nhưng không cẩn thận làm bát cơm rơi vỡ vung vãi dưới sàn. Người con dâu liền mắng nhiếc, nói bà đã làm vỡ không biết bao nhiêu đồ dùng trong nhà và từ ngày mai sẽ cho bà ăn bằng chậu gỗ. Người mẹ già nghe xong không nói một câu nào, chỉ thở dài.
Một hôm, hai vợ chồng ngồi trong nhà, thấy đứa con trai đang chơi với đống đồ chơi trên sàn.
Người chồng hỏi: “Con trai, con đang làm gì đấy?”
Đứa con trai trả lời: “Con đang làm cái chậu gỗ để sau này khi bố mẹ già con sẽ xới cơm cho bố mẹ vào cái chậu này”.
Hai vợ chồng nghe thấy vậy bàng hoàng nhìn nhau rồi khóc, họ cảm thấy vô cùng xấu hổ vì cái cách mà mình đã đối xử với bà mẹ già. Từ đó về sau, họ mời bà quay lại bàn ăn cùng gia đình và chăm sóc bà chu đáo.
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến thành tích học tập của con cái và xao nhãng việc giáo dục về đạo đức, đặc biệt là giáo dục về lòng biết ơn cho con. Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng: Lòng biết ơn là một điều kiện không thể thiếu đối với mỗi con người để hoàn thiện mình, nhất là trong thời đại ngày nay. Những người có lòng biết ơn sẽ được người khác yêu mến và sẵn sàng giúp đỡ, hợp tác lâu dài. Ngược lại, những người không biết cảm ơn, cho rằng việc người khác giúp mình là điều đương nhiên thì sẽ không thể nhận được sự giúp đỡ lần thứ hai của họ.
Có một đoạn quảng cáo có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc, đáng để chúng ta suy ngẫm với tiêu đề: Hãy để tình yêu thương được lan tỏa. Nội dung đoạn quảng cáo là về cảnh sinh hoạt trong một gia đình rất đỗi bình thường: Buổi tối, sau khi người mẹ rửa chân xong cho đứa con trai thì lại sang phòng của mẹ chồng, giúp bà rửa chân. Đúng lúc đó, cậu con trai chạy đến, nhìn thấy cảnh mẹ mình rửa chân cho bà cũng liền chạy đi lấy một chậu nước và nói: “Mẹ ơi, để con rửa chân cho mẹ”.
Một tổ chức điều tra đã tiến hành cuộc điều tra với nội dung: “Ai là người mà học sinh kính trọng nhất?”. Học sinh người Mỹ trả lời rằng: bố, ngôi sao bóng rổ rồi đến mẹ. Học sinh người Nhật trả lời rằng: đó là bố, mẹ và các nhân vật lịch sử. Vậy còn câu trả lời của học sinh Trung Quốc là gì? Tưởng chừng như học sinh Trung Quốc được bố mẹ nuông chiều hơn cả, vậy mà trong câu trả lời của chúng, bố mẹ chỉ được xếp ở vị trí thứ 10, 11, đứng sau những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh hay thậm chí là những nhân vật mà chúng ta không thể ngờ đến.
Điều này chắc hẳn sẽ làm các bậc phụ huynh phải suy ngẫm. Đương nhiên, việc bố mẹ yêu thương con cái là một loại bản năng, vì con bố mẹ có thể hi sinh tất cả không cần phải báo đáp. Tuy nhiên, trong khi các bậc làm cha làm mẹ dành cho con tình yêu thương vô bờ bến thì chúng lại coi đó là điều hiển nhiên, coi mình là trung tâm của vũ trụ, không biết trân trọng, càng không biết cảm ơn: có những đứa trẻ khi nhìn thấy mẹ không may bị ngã trên đường không những không lo lắng mà còn đứng đó cười lớn; khi mẹ bị ốm nằm trên giường, chúng không những không quan tâm chăm sóc mà còn oán trách mẹ không đưa chúng đi chơi, và còn rất nhiều rất nhiều những tình huống khiến chúng ta phải xót xa.
Tại sao tình yêu thương khi cho đi lại không thể được nhận lại tình yêu thương? Đây là điều mà các bậc phụ huynh phải tự nhìn nhận lại mình. Nên biết rằng, tình yêu khi cho đi cũng cần có những nguyên tắc của nó, một tình yêu không mong báo đáp không phải lúc nào cũng tốt. Biết yêu thương người khác ngay từ nhỏ là bài học bắt buộc đối với trẻ để chúng có thể phát triển một cách lành mạnh và thích ứng được với xã hội. Tiền đề của bài học đó chính là phải có một trái tim biết cảm ơn, do đó, việc dạy trẻ về lòng biết ơn là cách để các bậc phụ huynh giúp lan tỏa tình yêu thương.
Một tâm hồn không biết cảm ơn là một tâm hồn cứng nhắc và chai sạn. Một tâm hồn như vậy làm sao biết yêu thương người khác, yêu cuộc sống và yêu thế giới này? Một tâm hồn như vậy làm sao có thể gánh vác được trách nhiệm với gia đình, với xã hội?
Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng lòng biết ơn trong trẻ? Theo tôi, chúng ta nên bắt đầu với những việc nhỏ trong sinh hoạt gia đình.
Sinh nhật bố mẹ, trẻ đem tặng một chiếc bánh sinh nhật, một tấm thiệp chúc mừng, đó là lòng biết ơn; trẻ rót một chén trà nóng, lấy một chiếc khăn ấm cho bố mẹ, đó cũng là lòng biết ơn. Biết ơn là không cần người khác nhắc nhở mới làm mà phải xuất phát từ tận đáy lòng. Một nụ cười an ủi, một câu nói quan tâm, một ánh mắt chăm chú, một cái ôm ấm áp, tất cả đều là biểu hiện của lòng biết ơn. Lòng biết ơn giống như ánh sáng mặt trời giúp cho cuộc sống gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc dù cho có khó khăn, nghèo khổ.
Việc bồi dưỡng lòng biết ơn cho trẻ không phải là công việc của một sớm một chiều. Dạy trẻ biết cảm ơn, biết chia sẻ không chỉ là một nghi lễ xã giao mà hơn hết, đó là trạng thái lành mạnh của tâm hồn.
Dạy dỗ trẻ về lòng biết ơn không đơn giản chỉ là dạy trẻ phải biết báo đáp công ơn của cha mẹ mà trên hết là để trẻ tự thiết lập ý thức về trách nhiệm, về tự lập và tự tôn. Lòng biết ơn không chỉ là một đức tính tốt đẹp mà còn là thái độ cơ bản để nhìn nhận về cuộc đời. Chỉ khi nào trẻ biết cảm ơn, tâm hồn chúng mới trở nên mạnh mẽ, lý trí và cuộc đời chúng mới có thêm nhiều điều hạnh phúc. Nếu trên đời này, ai cũng biết cảm ơn, thế giới sẽ trở nên thật tốt đẹp.
Sự tự tin là cột trụ trong năng lực, là chìa khóa mở ra những tiềm năng còn ẩn giấu của mỗi con người. Không có sự tự tin, con người sẽ không thể phát huy được tiềm năng của mình, không thể phát triển trở thành một nhân tài. Do đó, việc bồi dưỡng sự tự tin cho trẻ là một trong những nội dung hết sức quan trọng mà cha mẹ cần làm cho con cái.
Có thể nói, sự tự tin là một trong số những phẩm chất ý chí quan trọng và cần thiết nhất để dẫn tới thành công. Nó phải được gieo trồng và bồi dưỡng ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Nhiều bậc phụ huynh đều đã nhận thức được điều này. Tuy nhiên, cách mà họ làm lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Dưới đây là hai câu chuyện tôi được tận mắt chứng kiến, các bậc phụ huynh hãy thử ngẫm xem liệu có bóng dáng của chính mình trong đó không.
Câu chuyện thứ nhất như sau:
“Con trai, ước mơ của con khi lớn lên là gì?” Người bố hỏi cậu con trai.
“Con muốn trở thành một nhà toán học vĩ đại.” Cậu con trai trả lời một cách dõng dạc.
“Trời, điểm toán lần trước chỉ được có 50 điểm mà cũng đòi làm nhà toán học à? Con đúng là không biết lượng sức mình.” Người mẹ đứng bên cạnh xen vào với lời lẽ mỉa mai.
Cậu con trai nhớ đến điểm thi toán trong bài thi giữa kì mới đây, bèn cúi đầu, mím chặt môi lại, không nói thêm lời nào.
Một câu chuyện khác như sau:
Người bố tan làm vừa về đến nhà, cô con gái cầm “tác phẩm” vừa hoàn thành của mình vui mừng chạy ra khoe với bố: “Bố, bố, bố xem con vừa vẽ một con mèo hoa này, có đẹp không ạ?”
Cô con gái nhìn bố tràn đầy hi vọng. Đây là “tác phẩm” mà cô bé đã mất hơn một giờ đồng hồ để hoàn thành, chắc chắn sẽ được bố khen.
Người bố có lẽ vì mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, đón lấy bức tranh của cô con gái một cách hời hợt , chỉ liếc qua rồi nói: “Con vẽ cái gì thế này? Vớ va vớ vẩn!” sau đó trả lại cho cô con gái.
Nghe thấy vậy, ánh mắt tràn đầy hi vọng của cô bé biến mất. Cô bé cúi đầu, cầm lấy bức tranh của mình lặng lẽ quay về phòng và khóc.
Trong hai câu chuyện kể trên, liệu bạn có tưởng tượng được rằng những câu nói của cha mẹ đã tác động thế nào đến sự tự tin của những đứa trẻ không? Trẻ có trở thành nhà toán học được hay không có phải là do kết quả học tập ở hiện tại quyết định không? Mặc dù kết quả học tập hiện tại chưa được tốt, nhưng nếu trẻ còn không thể có cho mình một ước mơ thì làm sao có mục tiêu và động lực để phấn đấu? Còn cô bé vẽ tranh đã tràn trề hi vọng nhận được một lời khen, một lời động viên từ người bố, nhưng chính người bố đó đã dập tắt những hi vọng ấy. Có phải ai mới bắt đầu vẽ tranh cũng cho ra được những tác phẩm tuyệt vời đâu?
Chẳng có người cha, người mẹ nào không hi vọng con mình xuất chúng thành tài. Điều này là không sai. Tuy nhiên, những thói quen thường ngày của họ lại tác động tiêu cực đến sự tự tin của con cái, khiến chúng ngày càng trở nên mất tự tin hơn. Và một khi đã mất tự tin thì chúng làm sao có được hạnh phúc, làm sao có được thành công?
Tôi biết một người có cuộc sống vô cùng tồi tệ. Đã 30 tuổi nhưng anh ta vẫn chưa có gia đình, chưa có một công việc gọi là tạm ổn, thậm chí bạn bè cũng không. Một lần, khi nói đến bố mẹ, anh ta đã vô cùng đau đớn chia sẻ: “Từ nhỏ, bố mẹ tôi đã luôn mắng chửi, mỉa mai tôi. Ở nhà, chỉ cần tôi mở miệng nói là mẹ liền bắt tôi im miệng, bất kể tôi nói gì, làm gì mẹ đều không hài lòng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ khi ở nhà, chỉ thấy rằng không khí gia đình lúc nào cũng thật nặng nề. Đến bây giờ khi đã trưởng thành, tôi vẫn không thể nào thoát khỏi được cảm giác tự ti, làm gì cũng thấy mất tự tin, cũng thấy mình không thể làm tốt được.”
Từ những lời chia sẻ trên, tôi nhận thấy rằng thói quen của cha mẹ ảnh hưởng vô cùng sâu sắc và lâu dài đến con cái. Trên con đường đi đến thành công, một người có thể đi được bao xa, có thể gặt hái được những thành công gì trên đường đời, ngoài những yếu tố bên ngoài ra thì sự tự tin là một nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng.
Sự tự tin là cột trụ trong năng lực, là chìa khóa mở ra những tiềm năng còn ẩn giấu của mỗi con người. Không có sự tự tin, con người sẽ không thể phát huy được tiềm năng của mình, không thể phát triển trở thành một nhân tài. Do đó, việc bồi dưỡng sự tự tin cho trẻ là một trong những nội dung hết sức quan trọng mà cha mẹ cần làm cho con cái.
Anh em nhà Warner là con trai của Benjamin, một người gốc Ba Lan. Ban đầu, gia đình họ mưu sinh bằng việc buôn bán nhỏ trong lĩnh vực xe đạp.
Năm 1904, bốn anh em nhà Warner mua về được một chiếc máy chiếu phim và từ đó, họ bắt đầu sự nghiệp gắn liền với điện ảnh của mình. Họ không có rạp chiếu phim của riêng mình, chỉ có chiếc máy chiếu và một bộ máy copy. Trong điều kiện cơ sở vật chất thô sơ, thiếu thốn như vậy nhưng họ luôn tin tưởng rằng một ngày họ sẽ trở thành những con người xuất chúng, nổi tiếng chứ không bình thường và vô danh như bây giờ.
Khi đó, nền điện ảnh vẫn trong thời kỳ điện ảnh “câm”, không có âm thanh. Do đó, khi chiếu phim, cô em gái của họ phụ trách đánh đàn và cậu em trai nhỏ tuổi nhất trong bốn anh em, Jack hát đệm. Dần dần, với số vốn tích lũy được, họ bắt đầu trao đổi phim với những người khác và từng bước trở thành nhà xuất bản phim.
Năm 1912, anh em nhà Warner chuyển đến California và thành lập hãng sản xuất phim Warner Bros. Tuy nhiên, thời gian đầu khi hãng mới thành lập, do thiếu kinh nghiệm và nhiều nguyên nhân khác nên bốn anh em nhà Bros đã gặp rất nhiều khó khăn, thất bại và bị tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, họ không hề chấp nhận thất bại mà vẫn tiếp tục kiên trì niềm tin của mình.
Năm 1927, họ đã sản xuất thành công bộ phim “nói” đầu tiên trong lịch sử ngành điện ảnh “The jazz singer”. Trong phim, họ đã khéo léo lồng ghép một câu nói xuất phát từ tận đáy lòng họ vào những đoạn đối thoại của nhân vật: “Nếu không kiên định với sự tự tin của mình, bạn sẽ không thể nghe thấy bất cứ âm thanh nào.” Và đến bây giờ, cái tên Warner Bros đã trở thành một thương hiệu huyền thoại trong nền điện ảnh thế giới.
Trong nhiều trường hợp, sức mạnh cuả sự tự tin còn lớn hơn gấp nhiều lần sức mạnh của trí tuệ, bởi vì chỉ khi có sự tự tin thì tri thức mới được sử dụng một cách triệt để và hiệu quả. Đại văn hào Shakespeare từng nói: “Tự tin chính là bước đi đầu tiên để tiến tới thành công, còn thiếu tự tin sẽ là nguyên nhân của thất bại.
Trong quá trình dạy dỗ trẻ, các bậc phụ huynh thường chỉ chú trọng đến việc dạy trẻ kiến thức và luyện tập cho trẻ một số kỹ năng. Những điều này đương nhiên là cần thiết, tuy nhiên cũng không thể lơ là hay coi nhẹ việc bồi dưỡng sự tự tin cho trẻ. Vì sự tự tin là một trong những yếu tố căn bản và quan trọng nhất mà trẻ cần có.
Vậy để bồi dưỡng sự tự tin cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điểm gì?
1. Bố mẹ cần tôn trọng và bảo vệ lòng tự trọng của trẻ
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, các bậc phụ huynh nên coi trẻ bình đẳng với chính bản thân mình, chứ không phải thứ đồ chơi mình muốn đánh thì đánh, muốn mắng thì mắng. Nhiều bậc phụ huynh khi tâm trạng không tốt hoặc không thấy hài lòng với những việc con làm liền mắng mỏ con cái với những lời lẽ tiêu cực: “Con thật là không có tiền đồ gì cả”, “Sao con lại có thể ngốc như vậy? Đầu óc con toàn là những thứ quái quỷ gì đấy?”, “Con thật hết thuốc chữa rồi”, “Bố/mẹ thật là thất vọng về con”, “Sớm biết thế này thì bố/mẹ đã chẳng sinh con ra làm gì”… Khi những người làm bố làm mẹ dùng những lời lẽ cay nghiệt như thế này để mắng nhiếc, mỉa mai con cái, họ không biết rằng những lời lẽ đó đã làm tổn thương sâu sắc đến sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ. Do đó, xin các bậc phụ huynh nhớ cho rằng, cần phải tôn trọng trẻ, đừng tùy ý mắng mỏ, đánh đập trẻ vì như vậy sẽ rất dễ tổn hại đến sự tự tin của trẻ.
2. Cần trân trọng con cái
Các bậc phụ huynh đều mong muốn con cái mình sau này khi lớn lên sẽ phát triển thành tài, tuy nhiên sự mong muốn thái quá đó thường khiến họ không thể chấp nhận sự yếu kém hoặc thành tích tầm thường của con cái ở hiện tại, từ đó khiến họ trút hết nôn nóng, bực tức vào việc đánh mắng, mỉa mai con cái. Điều này hoàn toàn mang lại kết quả trái ngược với những gì họ mong muốn. Mỗi bậc làm cha làm mẹ cần phải ghi nhớ một điều rằng: Mỗi đứa trẻ sinh ra trên đời này đều xứng đáng được trân trọng.
Nếu bạn luôn dùng ánh mắt soi xét để nhìn con cái, bạn sẽ chỉ nhìn thấy yếu điểm và khuyết điểm của con, chuyện bé xé ra to, từ đó khiến trẻ cũng thấy chán ghét chính bản thân mình, luôn nghĩ “Mình chỉ là một đứa trẻ ngu ngốc”. Ngược lại, nếu bạn dùng ánh mắt chiêm ngưỡng để nhìn con cái, bạn sẽ nhìn thấy những ưu điểm và sở trường của con. Khi nói với con “Con sẽ làm được”, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái và sẽ luôn tự nhắc nhở mình “Mình là một đứa trẻ tốt”. Và một khi trẻ có được sự tự tin, bạn sẽ nhận ra sức mạnh của sự tự tin đó là rất lớn, trẻ sẽ tiến bộ một cách nhanh chóng, nằm ngoài sự tưởng tượng của bạn.
Đương nhiên, việc trân trọng con cái không có nghĩa là khen ngợi con một cách vô nguyên tắc bằng những lời khen xa vời thực tế và không đúng với suy nghĩ của mình. Ví dụ, khi thấy con vẽ tranh, bố mẹ không nên khen “Con vẽ thật đẹp, con là người vẽ đẹp nhất thế giới” vì điều này sẽ khiến trẻ dễ dàng nhận ra là bạn đang nói dối. Bố mẹ hoàn toàn có thể khen ngợi con ở một góc độ khác “Con vẽ cái cây này rất đẹp, nhìn lá rất giống thật”. Những câu như thế này sẽ giúp trẻ dễ dàng nhận ra sự khích lệ và biểu dương mà bố mẹ đang dành cho mình.
Mỗi đứa trẻ đều có quyền ngẩng cao đầu. Đó không phải là kiêu ngạo mà là tự tin, tự tin về tương lai, tự tin với những gì mình làm. Bất kể người nào khi họ ngẩng cao đầu tự tin bước về phía trước, trong đầu họ đều luôn tâm niệm rằng: “Mình là người giỏi nhất”, “Mình có thể”, “Mình không thua kém ai cả”… Một đứa trẻ tự tin như vậy liệu có thể không thành công không?
Các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý đến những thói quen không tốt của mình vì những thói quen đó sẽ tác động một cách sâu sắc và lâu dài đến trẻ. Sự tự tin, như đã phân tích, là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ, vậy thì thay vì làm tổn hại đến sự tự tin của trẻ, các bậc phụ huynh hãy gieo thêm những mầm tự tin cho trẻ, để trẻ tự tin vững vàng trên con đường tiến tới thành công.
Các bậc phụ huynh cần dạy trẻ cách chia sẻ với người khác, vì biết chia sẻ là một đức tính tốt, hơn nữa đó cũng là một niềm vui. Nhà soạn kịch nổi tiếng Bernard Shaw từng nói: “Bạn có một quả táo, tôi cũng có một quả táo, nếu chúng ta trao đổi, mỗi người vẫn chỉ có một quả táo. Nhưng nếu tôi có một ý tưởng, bạn có một ý tưởng, trao đổi cho nhau thì mỗi người chúng ta đã có hai ý tưởng”. Chia sẻ giúp giảm đi ưu phiền và nhân lên niềm vui.
Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái nhiều từng nào? Có thể chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời thông qua câu chuyện sau.
Ngày xưa, có một cây táo rất to. Một cậu bé đến chơi với cây táo hằng ngày, thường nhặt lá dưới gốc cây làm thành vương mượn và tưởng tượng mình là chúa tể rừng xanh. Cây táo rất yêu thương cậu bé.
Cậu bé còn thường xuyên trèo lên cây chơi đánh đu trên những cành cây và hái táo ăn. Nhưng thời gian dần trôi, cậu bé cũng lớn dần, cậu không còn đến chơi với cây táo nữa. Cây táo vô cùng cô đơn.
Một hôm, cậu bé bỗng dưng lại tìm đến cây táo. Cây nói với cậu bé: “Cậu bé, hãy trèo lên đây, lại đánh đu trên những cành cây, ăn táo, rồi xuống dưới bóng mát của ta chơi đùa một lát, cậu sẽ thấy rất vui vẻ.”
Cậu bé trả lời: “Tôi lớn rồi, tôi không còn thích trèo cây nữa, tôi chỉ muốn có tiền để mua đồ chơi thôi, cây có thể cho tôi tiền không?”
“Xin lỗi, tôi không có tiền, tôi chỉ có lá và quả thôi. Hay là cậu hãy hái những quả táo của tôi mang đi bán, cậu sẽ có tiền mua những thứ cậu thích.” Cây nói.
Vậy là, cậu bé trèo lên cây hái táo. Cây rất vui. Nhưng sau đó rất lâu rất lâu không thấy cậu bé quay lại nữa. Cây buồn vô cùng.
Rồi một ngày, cậu bé lại quay lại. Cây vui đến nỗi đung đưa cành lá của mình chào đón cậu bé và nói: “Cậu bé, lại đây, trèo lên cây và đánh đu nào.”
“Tôi đang còn rất nhiều việc phải làm, không có thời gian chơi với cây đâu. Tôi cần xây một cái nhà, lấy vợ và sinh con. Cây có thể cho tôi một cái nhà không?”
“Tôi không có nhà, rừng chính là nhà của tôi. Nếu cậu muốn, cậu có thể chặt cành trên thân tôi về làm nhà.”
Vậy là cậu bé bèn chặt cành trên cây, đem về xây một ngôi nhà.
Rồi rất lâu sau đó, cậu bé lại đến.
“Cậu bé ạ, tôi rất xin lỗi, tôi chẳng thể cho cậu thứ gì nữa cả. Tôi rất muốn cho cậu cái gì đó nhưng tôi bây giờ chỉ là một cái gốc cây, chẳng còn gì cả.” Cây buồn bã nói với cậu bé.
“Tôi bây giờ chẳng cần gì nhiều, chỉ cần tìm một nơi yên tĩnh ngồi nghỉ ngơi một lát, tôi mệt lắm rồi.”
“Vậy thì được, cậu xem, gốc cây già như tôi có thể để cậu ngồi lên nghỉ ngơi một lát đấy. Lại đây nào cậu bé.”
Cậu bé ngày nào nay đã trở thành một người cha đến ngồi lên gốc cây. Cây vô cùng vui sướng.
Đây là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái mình. Nhưng nhiều bạn đọc chỉ chú ý đến tình yêu vĩ đại đó mà không quan tâm đến cậu bé ích kỷ trong câu chuyện. Cậu tiếp nhận tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình như một điều đương nhiên và hoàn toàn không thấy cảm kích hay biết ơn. Chỉ biết nhận về mình mà không biết cho đi hay chia sẻ, đây chẳng phải là hình ảnh của rất nhiều đứa trẻ hiện đại sao?
“Bố mẹ lúc nào cũng dành cho con những gì tốt nhất”, đây có lẽ là điều mà không một bậc phụ huynh nào phủ nhận. Nếu có một đĩa cá được bày trên bàn ăn, chắc chắn người cầm đũa gắp đầu tiên là trẻ vì cha mẹ thường để con ăn những phần mà con thích trước, sau đó bố mẹ mới ăn.
Hiện nay, các cặp vợ chồng thường chỉ có một đến hai con, do đó, từ lúc trẻ ra đời, bố mẹ đã cố gắng hết sức để dành cho con một cuộc sống vật chất và giáo dục tốt nhất với hy vọng con cái mình sau này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn trên cơ sở này. Bản thân có nhiều lúc chẳng dám tiêu tiền mua gì cho riêng mình, cả năm cũng chẳng mua được vài bộ quần áo mới nhưng với con thì cái gì cũng phải là loại tốt nhất: sữa phải là sữa ngoại, tã lót phải mua ở cửa hàng chính hãng, quần áo phải hàng hiệu, đồ chơi cũng phải là loại thời trang nhất.
Dung Dung chính là một ví dụ điển hình cho điều này. Cô chỉ là một giáo viên tiểu học bình thường, chồng cô là một lái xe tải, thu nhập của hai vợ chồng không thuộc dạng cao. Lúc cưới nhau, để tiết kiệm tiền họ cũng chỉ dám chụp vài tấm ảnh cưới tại studio của một người họ hàng. Thế nhưng, từ khi có con, Dung Dung đã trở nên khác hẳn, tiêu không biết bao nhiêu tiền cho con: con đầy 100 ngày, cô tiêu 2000 tệ chỉ để chụp ảnh cho con; mỗi buổi học “giáo dục sớm” kéo dài chưa đầy một giờ cũng tiêu tốn của cô 300 tệ. Con số này quả thực là một gánh nặng đối với những người làm công ăn lương như vợ chồng cô.
“Dành tất cả những gì tốt nhất cho con”, suy nghĩ này tưởng chừng như thể hiện tình yêu vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái, tuy nhiên đó chưa chắc là một tình yêu thực sự. Một vị chuyên gia tâm lý đã nói rằng: Sai lầm của các bậc phụ huynh hiện nay không phải là yêu thương con không đủ mà là yêu thương con quá nhiều.
Hiện nay, mỗi gia đình hầu hết chỉ có một hoặc hai con, do đó trẻ được bố mẹ ông bà hết sức nuông chiều, muốn gì được nấy, điều này khiến trẻ có những suy nghĩ sai lầm như: “mình muốn cái gì cũng có, cái gì cũng là của mình hết, không ai có thể tranh giành với mình được”. Điều này dẫn đến việc trẻ có nhu cầu chiếm hữu cao, tự cao, tự đại, tự cho mình là độc tôn, chỉ biết đòi hỏi người khác đáp ứng mình mà không biết chia sẻ và cho đi; tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, chỉ cần người khác khiến mình không hài lòng là sẽ nổi nóng.
Một hôm, tôi đến chơi nhà một người bạn. Đang ngồi trò chuyện ở phòng khách thì con trai của cô bạn tôi tên Kì Kì chạy qua, tay cầm một que kem.
Mẹ cậu bé nói đùa: “Kì Kì, con mời chú ăn kem đi!”
Cậu bé vội lắc đầu: “Không được, đây là kem của con.”
Mẹ cậu bé lại tiếp: “Mẹ cũng muốn ăn kem. Con cho mẹ cắn một miếng nhỏ được không?”
Cậu bé tuy không được vui vẻ lắm nhưng vẫn đưa cho mẹ. Thế nhưng khi mẹ cậu cắn xong một miếng thì cậu bắt đầu khóc, vừa khóc vừa nói: “Không giống trước nữa, mẹ cắn to quá. Con không thèm nữa!”
Cô bạn tôi bực mình mắng Kì Kì một câu, cậu bé liền vứt que kem xuống sàn rồi lăn lê dưới đất, phòng khách bỗng chốc trở nên hỗn loạn.
Trong cuộc sống hiện nay, không khó để chúng ta bắt gặp những đứa trẻ như Kì Kì. Những cảnh tượng kiểu như: mẹ vừa bưng ra một đĩa hoa quả đã được rửa sạch, con đã không ngần ngại chọn những quả to nhất, ngon nhất để ăn mà không có một suy nghĩ gì hay khi bố mẹ về đến nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc mà con vẫn ngồi trước màn hình máy tính chơi điện tử đã trở nên ngày càng phổ biến. Sở dĩ trẻ có những hành động ích kỷ, lạnh nhạt như vậy là do thâm tâm trẻ vẫn chưa biết cách cho đi và báo đáp. Những đứa trẻ như vậy sau này khi lớn lên làm sao có được những mối quan hệ tốt đẹp? Làm sao có thể chung sống hòa hợp trong một tập thể? Làm sao có thể gánh vác được trách nhiệm với gia đình, với xã hội?
Dạy trẻ biết cách cho đi chính là giúp trẻ hình thành một thói quen tốt, một tâm thái tích cực, vì bản thân việc cho đi chính là một niềm vui. Chỉ biết nhận về mình là biểu hiện của tính ích kỷ. Một vị danh nhân đã từng nói: “Một người chỉ biết lấy mình làm trung tâm sẽ luôn oán trách thế giới này không thể thuận theo họ, không thể làm họ hạnh phúc.” Do vậy, nếu muốn bồi dưỡng cho trẻ tính lạc quan, cầu tiến thì trước hết cần dạy trẻ biết cách chia sẻ và cho đi. Vì chỉ khi “cho đi” mới có thể “nhận lại” được.
Các bậc phụ huynh thường cho rằng, làm nhiều việc giúp con nghĩa là yêu thương con. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là một tình yêu thương không khoa học. Thực sự yêu thương con nghĩa là phải quan tâm đến sự phát triển lâu dài của con. Việc làm thay con quá nhiều thứ đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh đã hoàn toàn phớt lờ sự phát triển tính độc lập của con.
Tôi từng đọc một câu chuyện thần thoại rất thú vị và có ý nghĩa sâu xa như thế này:
Quan âm bồ tát muốn làm thật nhiều điều tốt cho nhân gian, nhưng việc ở nhân gian quá nhiều, bồ tát chỉ có hai tay nên không thể làm xuể, bèn đến thỉnh cầu phật Như Lai, phật Như Lai đã cho Bồ Tát thêm một trăm bàn tay.
Quan âm bồ tát dùng cả một trăm bàn tay để làm điều tốt giúp đỡ nhân gian, nhưng công việc quá nhiều, dù có một trăm bàn tay cũng không thể làm xuể. Bồ tát lại đến khẩn cầu phật Như Lai, lần này phật Như Lai ban cho Bồ tát một nghìn bàn tay.
Thế nhưng một nghìn bàn tay vẫn không thể nào làm xuể những công việc trên trần gian. Bồ tát một lần nữa lại đến than phiền với Phật Như Lai.
Lúc này, phật Như Lai mới cau mày hỏi: “Đã cho ngươi thêm nhiều bàn tay như vậy, sao vẫn còn chưa đủ?”
Bồ tát trả lời: “Thưa Như Lai, vì việc trên trần thế quả thực là quá nhiều, một mình con làm không xuể.”
“Được, vậy để ta tận mắt đi xem tại sao lại làm không xuể. ” Phật Như Lai nói, sau đó cùng với Bồ Tát đi vào bảo điện.
Trước bảo điện, phật Di Lặc mặc áo hở bụng đang cười hi hi, thảnh thơi đứng tựa lưng đếm những cây hương trong lò. Trong bảo điện, mười tám vị La Hán chia nhau ngồi hai bên lối đi, người gãi bụng, người dụi mắt, người ngáp, tất cả đều với một bộ dạng vô cùng an nhàn.
Phật Như Lai sau khi nhìn thấy cảnh tượng như vậy bèn khảng khái nói với Bồ Tát: “Ta thật không nên ban cho ngươi một ngàn cánh tay vì nếu như ngươi không thay đổi bộ dạng này của họ đi thì dù có ban cho ngươi một vạn cánh tay cũng vậy thôi.”
Trong cuộc sống ngày nay cũng vậy, các vị phụ huynh chỉ muốn thay con làm tất cả mọi việc.
Kể từ lúc sinh con ra, những người làm cha làm mẹ đã xác định dùng cả cuộc đời còn lại của mình để quan tâm, chăm lo cho con cái. Còn con cái, từ lúc ra đời, chúng đã được vây quanh bởi biết bao nhiêu người, từ bố mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại, những người luôn mong muốn chăm sóc trẻ một cách tốt nhất, dù là một nụ cười mỉm, một cái chau mày hay một cái hắt hơi của trẻ cũng không vượt ra ngoài phạm vi quan tâm của họ. Giống như lời của một người mẹ từng nói: Dù trẻ chỉ có một biến đổi nhỏ thôi nhưng trong mắt những người làm cha làm mẹ, nó cũng có thể là phong ba bão táp.
Bất kể ở nhà hay ở ngoài, ông bà cha mẹ đều có thói quen coi con trẻ là trung tâm, giống như các hành tinh trong hệ mặt trời phải xoay quanh mặt trời, bất cứ lúc nào cũng không muốn con cháu phải đơn độc một mình, không muốn chúng cảm thấy cô đơn dù chỉ một chút nên lúc nào cũng phải có người chơi đùa cùng với chúng. Khi chúng gặp chút khó khăn trong việc học tập, người lớn cũng liền vây quanh giúp chúng giải quyết.
Những bậc cha mẹ như vậy liệu có thể không mệt không? Thực ra, việc cha mẹ giúp con làm quá nhiều việc là một thói quen xấu, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, thay con làm càng nhiều việc nghĩa là càng yêu con, nhưng đó là sự yêu thương không khoa học. Thực sự yêu thương con nghĩa là phải quan tâm đến sự phát triển lâu dài của con. Việc làm thay con quá nhiều thứ đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh đã hoàn toàn phớt lờ sự phát triển tính độc lập của con.
Cũng có những vị phụ huynh cho rằng, nếu con không chuyên tâm vào làm một việc gì đó thì cũng không thể làm tốt được nên đành làm thay con. Việc này cũng đồng nghĩa với việc đã giết chết cơ hội để con phát triển.
Trẻ nhỏ học được cách ăn cơm thông qua việc tự ăn, học cách mặc quần áo thông qua việc tự mặc, vậy nếu phụ huynh cứ mãi mặc quần áo cho chúng, đút cho chúng ăn thì làm sao chúng có thể học được những điều này?
Một lần, tôi đến chơi nhà một người bạn. Chúng tôi ngồi trò chuyện ngoài phòng khách, còn con gái cô ấy Yến Yến đang làm bài tập trong phòng.
Vừa nói chuyện được vài câu, Yến Yến đã hét vọng ra: “Mẹ, cục tẩy của con đâu, mau vào tìm giúp con!” Cô bạn tôi liền vội vàng chạy vào phòng tìm cho Yến Yến.
Từ phòng con gái đi ra, cô bạn tiếp tục ngồi trò chuyện với tôi, nhưng chỉ được một lát, giọng Yến Yến lại vọng ra: “Mẹ, vở bài tập của con để đâu? Mẹ vào tìm giúp con đi.”
Cô bạn tôi lại vội vàng chạy vào tìm vở cho con.
Chỉ trong khoảng thời gian có một giờ đồng hồ tôi ở nhà cô bạn, cô ấy phải chạy đi chạy lại tám lần vào phòng con gái, chỉ để tìm dụng cụ học tập cho nó.
Cứ như vậy, chính vì việc mẹ Yến Yến thường xuyên thay con làm quá nhiều việc nên bản thân Yến Yến khi ở trường không biết cách tự chăm lo cho mình, lơ đãng hay quên, đến đồ dùng học tập của mình cũng không biết cách sắp xếp hợp lý, lúc viết bài thì không tìm thấy bút, lúc đọc sách thì không tìm thấy sách. Do đó, Yến Yến thường xuyên bị thầy cô giáo phê bình, bị bạn bè chê cười và đặt cho biệt danh “hậu đậu”.
Suy nghĩ và hành động của cô bạn tôi trong câu chuyện trên cũng giống với rất nhiều các bậc phụ huynh khác: sợ con không biết làm hoặc làm không tốt nên thường làm thay con. Kết quả là điều này đã hình thành nên tính ỷ lại của con cái vào cha mẹ ở tất cả mọi việc vì thực tế việc làm thay con đồng nghĩa với việc cha mẹ đã cướp đi cơ hội học hỏi và trưởng thành của trẻ, khiến trẻ không có tinh thần tự lập. Thử nghĩ xem, một học sinh đi học mà không tìm được bút, cũng giống như chiến sĩ trên chiến trường không có súng, làm sao để chiến đấu tiếp. Một người chiến sĩ như vậy là một chiến sĩ không đủ tư cách, và đương nhiên một học sinh như vậy cũng không phải một học sinh đủ tư cách.
Quá nuông chiều và bảo vệ con cái là điều kiện tốt nhất để hình thành tính ỷ lại cho trẻ. Mà một đứa trẻ có tính ỷ lại sẽ luôn thiếu tự tin, luôn phải dựa vào người khác để đưa ra quyết định, không gánh vác được trách nhiệm công việc, nhiệm vụ, do đó ảnh hưởng đến chính cuộc sống và tiền đồ của chúng sau này.
Do đó, cha mẹ cần bồi dưỡng khả năng tự lập của trẻ bằng cách để trẻ tự làm những công việc của mình. Hơn nữa, cha mẹ cũng cần có ý thức tạo dựng những điều kiện thuận lợi để trẻ tự làm việc, từ đó bồi dưỡng tính năng động cho trẻ.
Vậy cha mẹ cần giúp trẻ bồi dưỡng thói quen tự lập như thế nào? Nói đơn giản, chúng ta nên tuân thủ theo nguyên tắc “5 có” và “5 không”.
Trong đó, 5 có bao gồm:
1. Giúp trẻ hình thành thói quen “tự mình nghĩ cách giải quyết”
Từ khi trẻ còn nhỏ, hãy để trẻ tự tìm cách giải quyết cho những việc của mình, để trẻ hiểu rằng, không ai có thể từ chối trách nhiệm, phải dám làm dám nhận chứ không phải để người khác thay mình gánh chịu hậu quả. Hãy để trẻ trải nghiệm thất bại, đừng cái gì cũng muốn làm thay trẻ mà chỉ nên giúp trẻ phân tích, chỉ bảo trẻ nên làm như thế nào để giúp trẻ tăng cường khả năng phán đoán.
2. Trao quyền lựa chọn cho con, để trẻ tự quyết định đối với bản thân mình
Mặc dù, có thể bạn biết chắc nên làm gì nhưng hãy cứ cho trẻ một cơ hội để trẻ độc lập quyết định theo ý mình. Vì những gì trẻ học được từ thất bại nhiều hơn rất nhiều so với những gì trẻ học từ sự chỉ đạo dù đúng đắn của cha mẹ. Phải để trẻ dần hiểu rằng có những việc, cha mẹ chỉ có thể góp ý, quyết định cuối cùng vẫn phải do trẻ, hơn nữa cùng với sự trưởng thành của trẻ những việc như thế sẽ ngày càng nhiều hơn. Còn nhớ lúc 5 tuổi, bố mẹ muốn tôi tiếp tục học mẫu giáo, nhưng tôi lại muốn học tiểu học, vậy là họ đã trao quyền quyết định lại cho tôi: “Nếu con thi đỗ, bố mẹ sẽ để con học tiểu học.” Đây là điều mà cả đời tôi sẽ không bao giờ quên vì đó là lần đầu tiên tôi biết một đứa trẻ 5 tuổi hoàn toàn có quyền lựa chọn. Tôi đã vô cùng trân trọng cơ hội đó, vì vậy đã chăm chỉ học tập và cuối cùng thi đỗ để vào lớp 1.
3. Bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ. Hãy dạy bảo trẻ chứ đừng phê bình
Một vị phụ huynh từng chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng từng giúp con sắp xếp công việc một cách đâu vào đấy, tuy nhiên, sau đó tôi nhận ra rằng, thực tế chính điều đó đã hình thành nên thói quen thiếu trách nhiệm của con. Hơn nữa, nếu bố mẹ làm thay con quá nhiều việc, con sẽ trở nên thiếu lễ phép và không biết trân trọng.” Ngoài ra, cũng không nên việc gì cũng chỉ đạo con làm mà nên có những cách giao tiếp khác để con hiểu. Ví dụ: phải để trẻ hiểu rằng trách nhiệm của trẻ là phải dọn dẹp phòng mình gọn gàng sạch sẽ chứ không nên chỉ trích hay phê bình rằng “Phòng con thật lộn xộn bừa bãi”.
4. Hãy để trẻ phát huy tính ham học hỏi, không cần thiết cái gì cũng phải dạy trẻ. Hãy để trẻ tự đi tìm kiếm, thử nghiệm cho dù có thất bại chăng nữa.
Tôi có một người bạn học là giáo sư Lâm, hiện đang giảng dạy tại một trường đại học. Ông có cách giáo dục rất riêng đối với con cái mình. Con trai ông hồi còn nhỏ vô cùng nghịch ngợm, cái gì cũng cảm thấy thú vị, bất cứ đồ chơi nào đến tay cậu bé, cậu bé đều tháo tung ra để xem kết cấu bên trong. Chính vì chuyện này mà giáo sư Lâm đã phải tốn không biết bao nhiêu tiền để mua đồ chơi cho con. Tuy nhiên, ông chưa từng trách mắng con vì điều này mà ngược lại thỉnh thoảng còn cùng con tháo lắp đồ chơi. Khi cậu bé lớn hơn một chút, ông còn dạy con cách làm mô hình thuyền và các vật dụng trong nhà. Hiện giờ, cậu bé năm nào đã trở thành một chuyên gia có tiếng trong ngành động cơ ô tô. Thiết nghĩ, nếu ngày xưa giáo sư Lâm chỉ cần hạn chế tính tò mò của con thôi thì làm sao có được kết quả như ngày nay?
5. Cần tin tưởng con cái vì tin tưởng sẽ gợi lên tinh thần trách nhiệm nhiều hơn là trừng phạt
Đồng Hân là một chuyên gia phần mềm hiện đang làm việc tại trung tâm nghiên cứu của Microsoft ở châu Á. Anh kể rằng trước đây khi còn đi học, sau mỗi lần phạm sai lầm, mẹ anh không bao giờ trách mắc anh dù chỉ một câu.
“Chuyện này dù sao cũng đã qua rồi”, mẹ nhìn vào ánh mắt đầy vẻ hoảng sợ của Đồng Hân và nhẹ nhàng nói “Trước đây con là một đứa trẻ tốt và mẹ tin rằng sau này cũng vậy.”
Đồng Hân nhớ lại câu chuyện tối hôm đó và nói: “Tối hôm đó, mẹ đã cho tôi một món quà quý giá nhất mà cả cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên.”
“5 không” bao gồm:
1. Không nên dùng quá nhiều quy tắc làm hạn chế sự tự do của trẻ
Hãy để trẻ làm những điều trẻ muốn, tạo môi trường để trẻ phát huy hết khả năng của mình.
2. Không nên trừng phạt vì những thất bại của trẻ
Chúng ta có thể trừng phạt những hành vi lười biếng, dựa dẫm, thiếu trách nhiệm nhưng đừng bao giờ trừng phạt sự thất bại của trẻ. Thất bại sẽ khiến trẻ tiến bộ hơn trong tương lai, vì vậy thay vì trừng phạt, làm giảm động lực sáng tạo của trẻ, chúng ta nên động viên, khuyến khích trẻ để trẻ kiên cường, trưởng thành hơn sau mỗi thất bại.
3. Không thuyết giáo
Nếu trẻ tin vào thuyết giáo của bạn, chúng có thể mất đi khả năng phán đoán. Ngược lại, hoặc là trẻ ương bướng, hoặc là trẻ không tin tưởng bạn.
4. Không làm thay con quá nhiều việc trong cuộc sống, hãy buông tay trẻ và để trẻ tự làm. Điều này không những bồi dưỡng tính độc lập cho trẻ mà còn giúp tăng cường sự tự tin và tinh thần trách nhiệm cho chúng.
Một đứa trẻ cuối cùng cũng vẫn phải lớn lên và trưởng thành, sớm muộn sẽ có một ngày phải đối mặt với phong ba bão táp cuộc đời, nếu như không để trẻ làm việc một cách độc lập, trẻ sẽ không thể được rèn giũa, từ đó sẽ trở thành mối lo ngại của cả gia đình và xã hội.
5. Không tham gia quá nhiều vào chuyện của trẻ, cướp đi quyền được chọn lựa của chúng. Đừng tự cho rằng những gì mình sắp xếp cho con là con đường ngắn nhất để đi đến thành công và bắt con phải phục tùng.
Đừng chuyện gì cũng nói “Không” với con mà hãy cho chúng một cơ hội để từ đó bồi dưỡng tâm thái tự tin tích cực cho chúng. Sự tự tin chính là chìa khóa mở ra những khả năng tiềm ẩn của trẻ. Valderbilt, một trong số những người giàu có nhất trong lịch sử Mỹ từng nói: “Một người tràn đầy tự tin sẽ có một sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, nhưng một người không có tự tin thì thậm chí còn chẳng bao giờ có thể bắt đầu được một sự nghiệp.”