Những bậc phụ huynh trẻ tuổi nên nhận thức được rằng trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày với trẻ, có một số việc làm và một số lời nói chúng ta tuyệt đối không được nói hay làm trước mặt con. Vì có những lời nói hay việc làm tuy trong mắt chúng ta là rất bình thường, không có gì nghiêm trọng nhưng thực tế lại có thể làm tổn thương rất lớn đến tâm hồn non trẻ của trẻ và thậm chí còn ảnh hưởng đến cả cuộc đời chúng sau này.
1. Đừng trả lời trẻ rằng “Bố/mẹ không biết”
2. Đừng lấy trẻ ra để so sánh
3. Đừng dùng “Quá bận” để đối phó với trẻ
4. Đừng lấy trẻ ra để phô trương
5. Đừng bao che cho khuyết điểm của trẻ
6. Đừng cười nhạo trẻ
7. Đừng đưa ra những hạn chế với trẻ
8. Đừng cãi vã trước mặt trẻ
Trẻ thường có những câu hỏi rất mới lạ và kỳ quái, nhiều lúc cha mẹ không thể ngay lập tức đưa ra những câu trả lời có sức thuyết phục cho trẻ. Hơn nữa, kiến thức của cha mẹ cũng có giới hạn. Những lúc này, các bậc phụ huynh có thể cùng con cái tra cứu tài liệu để tìm ra câu trả lời, tuyệt đối không nên phớt lờ câu hỏi của trẻ bằng cách trả lời “Bố/mẹ không biết”.
Trẻ thường có những suy nghĩ rất ngây thơ và thường hỏi những câu hỏi kiểu như: “con có thể bay không?” Đối với những câu hỏi như vậy, cha mẹ không nên trả lời một cách quá thẳng thắn như “không thể” hay “đừng hỏi linh tinh” vì làm như thế rất dễ làm tổn thương đến suy nghĩ của trẻ. Hãy xem một người chăn dê thông minh đã trả lời câu hỏi này của trẻ như thế nào.
Một người chăn dê nghèo khổ dẫn theo hai đứa con trai nhỏ, mưu sinh bằng việc chăn dê cho người khác. Một hôm, ba cha con lùa dê đến một triền núi. Lúc đó, họ nhìn thấy một đàn chim ưng bay ngang qua đầu và rất nhanh biến mất khỏi tầm nhìn của họ.
“Chim ưng bay về đâu vậy hả cha?” Cậu con trai nhỏ hỏi người cha.
Người cha đáp: “Chúng phải bay về một nơi ấm hơn xây tổ để tránh mùa đông giá rét.”
“Nếu như chúng ta có thể bay như chim ưng thì tốt biết bao, lúc đó, chúng ta sẽ bay cao hơn chim ưng, bay lên thiên đường gặp mẹ.” Cậu con trai lớn nói một cách đầy ngưỡng mộ.
“Làm một chú chim ưng biết bay thật là thích, có thể bay đến bất kỳ nơi đâu mình muốn và không cần phải đi chăn dê.” Cậu con trai nhỏ nói.
Người cha trầm ngâm một lát rồi nói với các con: “Nếu các con muốn, các con cũng có thể bay.” Hai cậu con trai nhỏ liền thử vẫy vẫy tay nhưng không thể nhúc nhích được liền nhìn người cha đầy nghi hoặc.
Người cha tiếp tục nói: “Chưa bay được là do sự mong muốn của các con vẫn chưa đủ. Khi nào các con thực sự muốn bay, các con sẽ bay được, sẽ đến được những nơi các con muốn.”
Từ hôm đó, hai anh em luôn ghi nhớ lời chỉ dạy của người cha và đã không ngừng cố gắng, nỗ lực. Và rồi đến khi trưởng thành, họ đã thực sự bay được. Họ chính là anh em Wright người Mỹ, người phát minh ra máy bay – một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỉ 20.
Câu trả lời của người cha chăn dê không những đã củng cố ước mơ của hai người con trai mà còn nhóm lên mong muốn học tập mãnh liệt của chúng. Điều này hiệu quả hơn rất nhiều so với người cha người mẹ chỉ biết cười nhạo hoặc phê bình những suy nghĩ ngây thơ của trẻ.
Một triết gia Hy Lạp cổ từng nói: Trí tuệ không phải là một vật đựng để được lấp đầy mà là một ngọn đuốc cần được thắp sáng. Hiếu kì là bản tính thiên bẩm của trẻ, do đó các bậc phụ huynh trong quá trình giáo dục con cái cần tránh phương pháp giáo dục theo kiểu lấp đầy vì như vậy sẽ biến trẻ trở thành một cỗ máy thụ động, khiến trẻ mất đi sự hiếu kì và sự chủ động khám phá thế giới.
Khi trẻ hào hứng kể cho bạn nghe về những phát hiện mới của chúng, bạn phải hiểu rằng, những phát hiện đó vô cùng quý báu, nó không chỉ cho thấy tính hiếu kỳ của trẻ mà còn cho thấy rằng chúng đang rất say mê quan sát và tìm hiểu thế giới.
Đừng nên phớt lờ tính hiếu kì của trẻ vì tính hiếu kì sẽ kích thích mong muốn được tìm hiểu của trẻ, giúp trẻ có hứng thú với việc học tập và với một thế giới nhiều màu sắc, nhiều điều bí ẩn thú vị đang chờ đợi trẻ trước mắt.
Mỗi đứa trẻ đều có cá tính và năng lực khác nhau, do đó chúng sẽ phát triển dựa trên nền tảng riêng của mình mà không phải là bản sao của bất kì đứa trẻ nào khác. Việc so sánh con cái mình với con người khác là một hành vi rất không có lợi cho việc hình thành và nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ.
“Con xem con bé Lợi Lợi hàng xóm đấy, lúc nào cũng ngoan ngoãn vâng lời, làm sao mà con bì được với người ta.”
“Sao con không học tập chị con ấy, suốt ngày chỉ biết chơi thôi.”
“Con nhà người ta cứ về đến nhà là ngồi vào học, còn con thì chỉ biết chơi điện tử. Cứ như thế thì làm sao mà có tiền đồ được hả?”
“Sao con không thử so với em họ con ý, nó nhỏ tuổi hơn con mà có điểm nào con hơn được nó không? ”
Đây là những điều mà Tiểu Cường thường xuyên nghe từ cha mẹ mình. Tiểu Cường tan học về nhà, vừa bỏ cặp xách xuống là lập tức lấy điều khiển mở tivi vì bộ phim hoạt hình mà cậu bé yêu thích sắp bắt đầu. Mẹ Tiểu Cường đang chuẩn bị bữa tối, thấy con vừa đi học về đã mở tivi xem liền tức giận mắng: “Con chỉ biết xem tivi thôi à? Sao không đi làm bài tập trước đi. Con thử xem bạn Lợi Lợi hàng xóm ấy, vừa về đến nhà là ngồi vào bàn làm bài tập, xong thì giúp mẹ đi mua đồ. Con thử so sánh với bạn ấy xem có thấy xấu hổ không?”
“Vâng, vâng, người khác thì cái gì cũng tốt, vậy sao ngày xưa mẹ lại sinh con ra làm gì? Mẹ nhận người khác làm con đi cho hài lòng.” Tiểu Cường giận dữ hét lên. Cậu bé thực sự không hiểu, tại sao những đứa trẻ khác luôn được mẹ khen ngợi còn cậu thì luôn bị mắng mỏ. Lẽ nào cậu đúng là một đứa trẻ vô dụng, thừa thãi sao? Mẹ luôn lấy cậu ra so sánh với những đứa trẻ khác, khiến cậu vô cùng đau lòng.
Thực ra, bố mẹ Tiểu Cường cũng có những nỗi khổ tâm của mình. Mẹ Tiểu Cường nói: “Chúng tôi làm cha làm mẹ cũng có sung sướng gì đâu, lo cho nó ăn mặc đầy đủ nhưng nó chẳng chịu nghĩ cho chúng tôi gì cả. Anh xem, con trai của chị họ tôi còn nhỏ hơn cả Tiểu Cường nhưng bố mẹ nó chẳng bao giờ phải phiền lòng về việc học tập của nó cả. Còn Tiểu Cường nhà tôi, tôi nhìn trước nhìn sau thì thấy nó cũng chẳng thiếu thốn gì so với chúng bạn xung quanh, vậy sao chúng làm được mà nó lại không làm được? Chúng tôi cũng biết bây giờ áp lực của chúng rất lớn nhưng biết làm sao được, nếu không cố gắng từ bây giờ thì sau này lớn lên làm sao có tiền đồ được.”
Những lời của mẹ Tiểu Cường đã nói lên suy nghĩ của đại bộ phận các bậc phụ huynh, đó là lo cho tương lai của con cái mình, do đó không tránh khỏi việc so sánh con với những đứa trẻ khác. Vậy, các bậc phụ huynh thường so sánh những gì?
Tục ngữ có câu: Đừng nên thua ngay từ vạch xuất phát. Trong thời đại mà người ta có thể đem bất cứ thứ gì ra để so sánh này thì đối với những người cha người mẹ quá kì vọng vào con, khi con mới bắt đầu bi bô tập nói cũng đã có thể trở thành đối tượng so sánh của họ.
Có những ông bố bà mẹ khi nghe nói con nhà hàng xóm dù bằng tuổi con mình nhưng đã mọc mấy cái răng hay đã bắt đầu biết đi thì lập tức so sánh với con mình, rồi lo lắng tại sao con vẫn chưa mọc răng hay vẫn chưa biết đi như những đứa trẻ bằng tuổi khác, hay là con bị thiếu chất nên phát triển chậm…
Rồi đến khi con đi học, thấy những đứa trẻ cùng lớp khác của con thông minh, chăm chỉ, thành tích học tập tốt thì lại lo lắng tại sao con mình không được như vậy và rồi cho rằng con vẫn chưa cố gắng.
Cha mẹ thấy con cái mình không bằng những đứa trẻ khác, ắt sẽ cảm thấy bực bội và trách mắng con. Còn về phần con cái, khi suốt ngày thấy bố mẹ đem những ưu điểm của người khác ra so sánh với những khuyết điểm của mình chắc chắn cũng sẽ cảm thấy khó chịu, dần dần mất đi sự tự tin, trở nên tự ti với bản thân. Và một khi đã thấy tự ti về bản thân thì tinh thần phấn đấu, sự nhiệt tình cũng theo đó mà mất đi. Điều này dẫn đến một hậu quả rất xấu: có thể trẻ là một đứa trẻ có tiềm năng nhưng vì tự ti với bản thân nên càng lớn lên càng thấy ghét bỏ chính bản thân mình, từ đó trở thành một con người vô dụng và chẳng làm được gì. Do đó, việc cho rằng một lời nói của cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời con cái là điều không sai chút nào.
Có một câu chuyện về cách giáo dục con cái mà rất nhiều phụ huynh đã rút ra được bài học từ đó. Câu chuyện như sau:
Người mẹ lần đầu tiên có dịp đi họp phụ huynh cho đứa con trai nhỏ đang học mẫu giáo của mình. Sau buổi họp, cô giáo nói: “Con trai chị có thể bị chứng tăng động, nó không thể nào ngồi yên trong vòng 3 giây. Chị nên đưa bé đi khám bác sĩ xem sao!”
Trên đường về nhà, cậu con trai nhỏ thấp thỏm không yên hỏi mẹ xem cô giáo đã nói những gì. Người mẹ thấy cay cay nơi sống mũi, suýt chút nữa thì nước mắt trào ra. Cả lớp có 30 bé thì chỉ có con trai chị là yếu kém nhất nên bị cô giáo phê bình.
Tuy nhiên, người mẹ nói với con: “Cô giáo biểu dương con đấy. Cô giáo nói trước đây con thậm chí còn không thể ngồi yên một giây nhưng bây giờ con đã có thể ngồi yên những ba giây rồi đấy. Các phụ huynh khác đều rất ngưỡng mộ mẹ vì cả lớp chỉ có một mình con là có tiến bộ.” Hôm đó, cậu bé về nhà ăn được hai bát cơm mà hoàn toàn không cần mẹ phải đút, điều này từ trước đến nay chưa từng xảy ra.
Rồi cậu bé bắt đầu đi học tiểu học. Trong buổi họp phụ huynh, cô giáo thông báo: “Trong lần kiểm tra toán này, cả lớp có tổng cộng 50 em học sinh thì con trai chị xếp thứ 40. Tôi nghi ngờ rằng em có những trở ngại về tư duy, chị nên đưa đi khám bác sĩ xem sao.” Ra khỏi phòng họp, người mẹ trào nước mắt.
Tuy nhiên, khi về đến nhà nhìn thấy đứa con trai với khuôn mặt bất an đang ngồi đợi chị, chị đã nói: “Cô giáo nói cô rất tin tưởng vào con, con không phải là một đứa trẻ ngốc nghếch, chỉ cần con cố gắng nỗ lực hơn nữa chắc chắn sẽ có thể vượt qua người bạn cùng bàn của con, bạn cùng bàn con lần này xếp thứ 21.” Nói xong câu đó, người mẹ phát hiện ánh mắt u tối của con bừng lên một tia sáng, vẻ mặt bất an đã dịu đi. Từ hôm đó, cậu bé ngoan ngoãn hơn đến mức khiến người mẹ ngạc nhiên, cảm giác như đã lớn hơn rất nhiều. Ngày hôm sau, cậu bé đi học sớm hơn bình thường.
Cậu bé đi học cấp hai, lại một lần họp phụ huynh nữa đến. Người mẹ ngồi tại chỗ ngồi thường ngày của con, đợi nghe thầy giáo đọc đến tên con trai mình như thường lệ vì mỗi lần họp phụ huynh, tên cậu bé đầu xuất hiện trong danh sách những học sinh yếu kém nhất. Tuy nhiên, điều khiến chị ngạc nhiên là suốt buổi họp con trai chị không hề bị gọi tên. Người mẹ có chút không quen, liền đi hỏi thầy chủ nhiệm. Thầy chủ nhiệm nói: “Với thành tích của em ấy bây giờ thì nếu muốn thi vào trường điểm vẫn là một điều nguy hiểm.” Nghe thấy vậy, người mẹ vui mừng bước ra phía cổng trường và phát hiện ra cậu con trai đang đợi mình ở đó.
Trên đường về nhà, người mẹ khoác vai cậu con trai, trong lòng trào dâng một niềm vui ngọt ngào khó tả: “Thầy giáo chủ nhiệm rất hài lòng về con, thầy nói nếu con cố gắng hơn nữa thì rất có khả năng thi đỗ vào trường điểm cấp ba.”
Rồi cậu bé cũng tốt nghiệp cấp ba. Giấy báo tuyển sinh đại học đợt đầu tiên đã có, nhà trường gọi điện thoại cho người mẹ báo cậu con trai đến trường. Người mẹ có một dự cảm mãnh liệt rằng con trai chị đã thi đỗ vào một trường đại họp top đầu vì khi đăng kí thi, chị đã nói với con rằng: “Mẹ tin con sẽ thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng.”
Cậu con trai từ trường về nhà, cầm theo thông báo tuyển sinh của Trường Đại học Thanh Hoa đưa cho mẹ rồi đột nhiên chạy nhanh vào phòng khóc lớn, vừa khóc vừa nói: “Mẹ, con biết con không phải là một đứa trẻ thông minh, nhưng trên đời này, chỉ có mẹ là trân trọng con, khen ngợi con…” Người mẹ nghe xong vui buồn lẫn lộn, không còn kiềm chế được những dòng nước mắt dồn nén mười mấy năm nay nữa, vừa khóc vừa mở tờ giấy thông báo ra xem.
Là những người cha người mẹ, chúng ta nên để con cái hiểu rằng: Tuy con không phải là người thông minh nhất, giỏi giang nhất nhưng con cũng có những ưu điểm riêng của mình.
Mỗi đứa trẻ đều là một miếng ngọc chưa được mài giũa. Miếng ngọc ấy liệu sẽ trở lên sáng bóng hay xỉn màu, điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của cha mẹ. Vậy mới nói, một câu nói có thể cứu rỗi một con người nhưng cũng có thể hủy hoại một cuộc đời.
Có một bài thơ với nội dung như sau:
Chim sẻ chê chim yến
Yếu đuối sợ lạnh.
Chim yến chê vàng anh
Chỉ có bộ cánh đẹp đẽ.
Vàng anh chê sơn ca
Tiếng hát hay nhưng động cơ bất thuần.
Sơn ca chê vẹt
Loài không có nguyên tắc.
Vẹt chê ác là
Dáng dấp kẻ nô tài.
Ruồi nói chim sẻ
Tầm nhìn hạn hẹp.
Bài thơ trên có đại ý rất đơn giản: ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Đây là điều mà có lẽ ai ai cũng biết. Đối với trẻ cũng vậy, mỗi đứa trẻ khác nhau có tính cách, năng lực và thiên bẩm khác nhau. Có thể ở một mặt nào đó, con bạn không bằng những đứa trẻ khác, nhưng biết đâu ở một mặt khác, nó lại hơn chúng rất nhiều. Còn bạn, bạn đã phát hiện ra điểm mạnh của con mình ở đâu chưa? Ví dụ, mặc dù con bạn mải chơi nhưng nó lại tốt bụng, có tấm lòng nhân hậu và biết lễ phép; mặc dù nó không được thông minh nhưng biết cố gắng và có chí tiến thủ; có thể nó không giỏi trong giao tiếp nhưng lại rất tinh tế và độc lập… Vậy tại sao cứ nhằm vào những khuyết điểm của trẻ để chê trách mà không nhìn vào những ưu điểm của chúng để khen ngợi, khích lệ?
Thường xuyên đem trẻ ra so sánh sẽ gây ra những ảnh hưởng rất không tốt với trẻ.
Không nói gì xa xôi, ngay ở các lớp mẫu giáo đều xuất hiện tình trạng trẻ tự so bì ganh đua ở những mức độ khác nhau. Phụ huynh thì thường cảm thấy vừa bất lực vừa khó hiểu trước hiện tượng những đứa trẻ mới học mẫu giáo đã so sánh về ăn uống, về quần áo, về thương hiệu đàn… xem của ai là tốt nhất. Thực ra, con cái chính là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ, cha mẹ tranh luận, so bì với nhau thì con cái cũng học được hành vi này rất nhanh. Thế mới nói, cha mẹ phải là tấm gương của con cái, vì mọi cử chỉ lời nói của cha mẹ đều có ảnh hưởng sâu sắc đến con. Do đó, không khó để lý giải tại sao những đứa trẻ dù còn rất nhỏ cũng có tâm lý ganh đua so bì nhau như hiện nay.
Hơn nữa, trong cuộc chiến so bì giữa các phụ huynh, đương nhiên sẽ có một bên thua cuộc, và con cái của bên thua cuộc đó nhất định sẽ bị phụ huynh mắng mỏ, mỉa mai, từ đó sinh ra suy nghĩ “mình không được bằng người ta”. Mà điều đáng nói là những sự so bì này thường rất bất hợp lý vì đem sở đoản của mình để so sánh với sở trường của người khác. Vậy là cứ sau mỗi cuộc “cạnh tranh” của phụ huynh thì sự tự tin của trẻ lại mất đi một chút và cuối cùng trẻ trở nên hoàn toàn tuyệt vọng. Mà một khi trẻ đã mất đi sự tự tin thì tương lai của trẻ cũng trở nên mờ mịt.
Có thể mục đích ban đầu khi các vị phụ huynh đem con ra so sánh với những đứa trẻ khác đó là để con nhận thấy sự yếu kém của mình, từ đó con sẽ có ý thức phấn đấu hơn. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ bản thân đã thiếu tự tin hoặc ít nhận được sự khích lệ của cha mẹ thì phương pháp này lại mang lại hiệu quả ngược lại, làm tổn thương sâu sắc đến sự tự tin của trẻ.
Mỗi đứa trẻ có những cá tính và đặc điểm khác nhau, do đó chúng sẽ phát triển và trưởng thành dựa trên nền tảng riêng vốn có của mình chứ không phải làm bản sao của một đứa trẻ nào khác. Do đó, việc đem con cái ra so sánh với những đứa trẻ khác sẽ có tác động tiêu cực đến sự hình thành và bồi dưỡng sự tự tin của trẻ.
Một vị thầy về tư tưởng của Ấn Độ từng nói: “Hoa hồng là hoa hồng, hoa sen là hoa sen, chỉ nên thưởng thức, không nên so sánh.”
Chúng ta, những người làm cha mẹ cần phải hiểu một điều rằng: những đứa trẻ sinh ra đều có những đặc điểm riêng, trong đó có cả những yếu kém. Việc cha mẹ cần làm trước tiên là nhận ra và chấp nhận những yếu kém đó, sau đó giúp con dần tiến bộ trên những nền tảng sẵn có của mình. Hãy so sánh trẻ của ngày hôm nay với trẻ của ngày hôm qua, so sánh thành công với thất bại của trẻ, tuyệt đối không đem yếu điểm của trẻ so sánh với điểm mạnh của những đứa trẻ khác. Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc hình thành và nuôi dưỡng sự tự tin cũng như sự hứng thú trong học tập.
Hãy tưởng tượng nếu con bạn cũng đem bạn ra so sánh với phụ huynh của những đứa trẻ khác, bạn sẽ nghĩ sao?
Vì vậy, những người làm cha làm mẹ hãy bỏ thói quen đem con mình so sánh với những đứa trẻ khác mà phải nhận thức được rằng: chỉ cần con cố gắng hết mình là điều tuyệt vời nhất.
Nếu như cha mẹ thường xuyên lấy cớ bận để có quyền lơ là con cái thì sẽ gây nên tổn thương rất lớn trong quá trình trưởng thành của trẻ. Nếu không có sự quan tâm của cha mẹ thì dù trẻ có quần áo đẹp đến đâu, đồ chơi nhiều thế nào cũng không thể cảm thấy hạnh phúc được.
Tôi từng đọc được một câu chuyện như sau:
Hôm đó, trời đã khuya, một cậu bé đang cố hết sức để không ngủ thiếp đi. Cậu bé đang chờ bố về để thực hiện dự định của mình.
Cửa mở. Đôi mắt gần như sắp nhắm lại của cậu bé bỗng mở to ra khi nghe thấy tiếng mở cửa. Cậu bé liền chạy ra ngoài và hỏi một câu hỏi khiến bố cậu bé cảm thấy rất bất an.
“Bố, mỗi ngày đi làm bố kiếm được bao nhiêu tiền?”
“Con hỏi điều này làm gì? Đừng quấy rầy bố nữa, đi ngủ đi, muộn thế này rồi.”
“Bố cứ nói cho con biết xem mỗi ngày đi làm bố kiếm được bao nhiêu tiền một giờ được không ạ?” Cậu bé năn nỉ bố nhưng bố cậu bé đã cảm thấy rất phiền phức rồi.
“Bố vẫn nói như lúc nãy thôi… Con cần biết điều này đến thế sao?”
“Vâng, con chỉ muốn biết điều này thôi.”
“10 piso, mỗi giờ đi làm bố chỉ kiếm được từng này tiền thôi.”
Cậu bé nghe thấy vậy tiếp tục nói: “Vậy bố có thể…có thể… cho con vay 5 piso được không?”
Bố cậu bé bắt đầu tức giận: “Chẳng phải bố mới cho con tiền tiêu vặt sao? Thôi, mau đi ngủ đi, bố mệt rồi!”
Cậu bé không nói thêm lời nào, quay mặt đi về phòng và đóng chặt cửa.
Người bố tự thì thầm: “Thằng bé này hôm nay làm sao vậy? Chắc là nó muốn mua cái gì đây.”
Ông nghĩ một lát rồi cuối cùng quyết định vào phòng con xem sao.
“Con trai, con ngủ rồi à?” Ông dừng lại một lát rồi lại gọi tên con một lần nữa.
“Chưa bố ạ. Bố có chuyện gì không?”
“Bố đến đưa tiền cho con.”
Cậu bé vô cùng vui mừng.
“Con cảm ơn bố! Bây giờ thì đã đủ rồi.”
Cậu bé moi từ dưới gối lên 5 piso đã nhàu nát.
“Bây giờ con đã có 10 piso để trả cho bố.”
Người bố vô cùng ngạc nhiên: “Con nói gì?”
“Bố, bây giờ bố có thể bán cho con một tiếng đồng hồ của bố không? Con muốn cùng bố chơi trò chơi.”
Đây là một câu chuyện cảm động và khiến người ta phải suy nghĩ. Đây cũng là câu chuyện phản ánh tình trạng mà hầu hết các gia đình hiện nay đều gặp phải, đó là vì quá bận mà các bậc làm cha làm mẹ đã lơ là sự phát triển và cảm nghĩ của trẻ.
Nhiều khi do công việc bận rộn, các con lại cứ muốn bố mẹ chơi cùng mình nên các bậc phụ huynh thường nói những câu như: “Bố/mẹ bận lắm, đang còn bao nhiêu việc phải làm đây…Bố/mẹ phải kiếm tiền nuôi con…” để từ chối yêu cầu của các con. Đương nhiên, điều này cũng do yếu tố khách quan, không phải bố mẹ muốn thế mà vì đúng là công việc quá bận rộn, áp lực càng ngày càng lớn, làm thêm hết ngày này qua ngày khác nên đã vô tình lơ là trong việc chơi đùa cùng con.
Nhiều bậc phụ huynh sẽ biện minh rằng, họ vất vả làm việc cũng chỉ vì muốn con cái mình có môi trường phát triển tốt, rằng bây giờ làm gì mà không cần đến tiền… Đúng là trong xã hội ngày nay, trẻ muốn phát triển tốt thì cần có một điều kiện nhất định về vật chất nhưng các bậc phụ huynh cũng nên nhớ một điều rằng: ngoài nhu cầu về vật chất, trẻ còn nhu cầu được yêu thương và được chơi đùa cùng bố mẹ mình. Do đó, một vị phụ huynh đủ tư cách không những phải đáp ứng được cho con về mặt vật chất mà còn phải đáp ứng nhu cầu được yêu thương, chăm sóc của con.
Tôi có quen một đôi vợ chồng là điển hình cho dân công sở, mỗi ngày đều sáng đi chiều về, luôn bận rộn với công việc. Khi tan làm về nhà, con trai của họ Tiểu Quang luôn quấn lấy hai vợ chồng vì muốn được chơi đùa cùng bố mẹ. Tuy nhiên hai vợ chồng lại thường lấy lý do như : “Mệt”, “Bận, lát còn phải soạn văn bản, mai có việc gấp cần dùng…” để từ chối chơi với con và cuối cùng Tiểu Quang phải lủi thủi chơi một mình. Không có bố mẹ chơi cùng, cậu bé thường ngồi yên một chỗ xem tivi, có những hôm cậu xem liền 8 tiếng đồng hồ.
Dần dần, mắt Tiểu Quang có dấu hiệu cận thị. Bác sĩ tại một bệnh viện nhi phụ trách điều trị cho Tiểu Quang cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 400 trường hợp trẻ mắc bệnh cận thị, loạn thị, khả năng nhìn kém. Bác sĩ cũng cho rằng, các vị phụ huynh không thể chối bỏ trách nhiệm trong sự gia tăng số lượng trẻ mắc bệnh cận thị như ngày nay. Bố mẹ vì quá bận rộn nên thường không giành thời gian chơi với con, để con chơi một mình và giao lại trách nhiệm chơi cùng con cho tivi, máy tính. Trẻ tiếp xúc quá nhiều với tivi, máy tính sẽ dẫn đến tình trạng cận thị, loạn thị là điều hiển nhiên.
Trường Đại học Newcastle từng tiến hành một cuộc điều tra theo sát với đối tượng là 17000 trẻ người Anh sinh trong cùng một tuần của tháng 3 năm 1958. Cuộc điều tra kéo dài nửa thế kỉ, với nội dung điều tra về thời gian cha mẹ giành cho con mỗi ngày (ví dụ như đọc sách hay chơi đùa cùng con…) sau đó, đến năm trẻ 11 tuổi thì tiến hành một cuộc kiểm tra trí tuệ cho trẻ. Kết quả cho thấy, những trẻ thường xuyên được chơi đùa cùng bố mẹ sẽ dễ dàng thành công hơn và có được địa vị xã hội cao hơn bố mẹ chúng so với những đứa trẻ cùng tuổi và cùng trí thông minh nhưng ít có thời gian chơi đùa cùng bố mẹ. Điều này chứng minh rằng, việc cha mẹ giành thời gian chơi đùa cùng con cái sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nuôi dưỡng tài năng của trẻ.
Hơn nữa, nếu các bậc phụ huynh thường xuyên lấy lý do công việc bận rộn để không chơi với trẻ sẽ khiến trẻ dần hình thành một quan niệm là “bố mẹ không yêu mình”, thậm chí nghi ngờ không biết mình có phải là con đẻ của bố mẹ không… Điều này sẽ dễ dàng gây ra ám ảnh tâm lý với trẻ, khiến cho tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách, khiến trẻ hình thành những quan niệm lệch lạc về gia đình. Tôi nghĩ không có người cha người mẹ nào lại muốn nhìn thấy con cái mình càng ngày càng xa cách mình, đúng không?
Do đó, các vị phụ huynh thường chạy đông chạy tây tìm những lớp học tốt, thầy giỏi cho con mà bản thân lại không tự bỏ thời gian, công sức ra để dạy dỗ con nên nhớ một điều rằng: cung cấp cho con cuộc sống vật chất đầy đủ, mua cho con những trò chơi thời thượng nhất hay cho con theo học hết lớp sở trường này đến lớp phát triển trí lực nọ không phải là con đường ngắn nhất để trẻ phát triển lành mạnh thành tài mà phải là cho con điều mà chúng cần nhất – khoảng thời gian chơi đùa, sinh hoạt cùng cha mẹ.
Trong bộ phim “Bảo liên hoa” có một đoạn hội thoại rất xúc động.
“Mẹ ơi hạnh phúc là gì?” Trầm Hương hỏi mẹ.
“Hạnh phúc chính là mẹ và Trầm Hương được ở bên nhau.” Người mẹ mỉm cười trả lời.
Hạnh phúc rất đơn giản, đó là được ở bên cạnh người mình yêu quý. Đối với trẻ, điều làm chúng hạnh phúc nhất không phải là có quần áo đẹp, có đồ chơi mới mà là được chơi đùa cùng bố mẹ. Thử nghĩ xem, nếu suốt ngày bố mẹ lấy cớ bận để lơ là con cái, để con chơi một mình thì sẽ làm tổn thương đến trẻ như thế nào. Lúc đó, dù trẻ có quần áo đẹp hay đồ chơi mới thì cũng chẳng làm chúng thấy vui được.
Có một cô bé từng viết thư cho người bố suốt ngày bận rộn của mình, trong đó có một đoạn viết như sau:
Bố là một người bố giỏi giang, một người bố thành công. Nhờ có bố mà nhà mình có một ngôi nhà lớn thế này, có một chiếc xe đẹp thế này và con còn có rất nhiều đồ chơi nữa. Em họ ngưỡng mộ con lắm.
Nhưng bố lúc nào cũng bận rộn với công việc. Lần nào con cũng mong đến cuối tuần, mong bố về nhà để chơi trò chơi với con, kể chuyện cho con nghe. Nhưng lúc nào bố cũng nói bận, không có thời gian chơi với con.
Bố ơi, thực sự con buồn lắm. Em họ không có nhiều đồ chơi như con nhưng em ấy lại có một người bố thường xuyên chơi trò đuổi bắt với em ấy. Chẳng lẽ bố không yêu con sao? Hay là con có điều gì làm bố không hài lòng? Con có thể sửa được, sửa đến khi nào bố thấy hài lòng thì thôi, được không bố?
Vẫn chưa đọc hết nhưng người bố đã khóc ướt bức thư. Từ hôm đó, người bố bất kể công việc có bận rộn đến đâu chăng nữa vẫn cố gắng giành thời gian để chơi với con vì ông nhận ra một điều rằng được nhìn thấy con trưởng thành trong hạnh phúc là một điều vô cùng vô cùng quan trọng.
Vậy khi ở bên con, các bậc phụ huynh có thể cùng con làm những việc thú vị gì?
Chơi đùa là bản năng của mỗi đứa trẻ, từ khi ra đời chúng đã biết thông qua chơi đùa để tìm hiểu về thế giới xung quanh. Chơi đùa không những giúp phát triển toàn diện năng lực của trẻ mà còn giúp trẻ hình thành tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau, nghị lực kiên cường; tăng cường khả năng giao tiếp, khả năng kiềm chế bản thân và thấu hiểu người khác.
Có những bậc phụ huynh luôn bận rộn với công việc, cũng có những bậc phụ huynh không mảy may quan tâm đến việc chơi cùng con hoặc cảm thấy những trò chơi con đưa ra thật lố bịch, thậm chí có những bậc phụ huynh còn răn đe khi thấy con chơi. Có thể, nhiều lúc các bậc phụ huynh lôi được đứa con ham chơi của mình vào bàn học, nhưng như thế đồng nghĩa với việc họ đã mất đi cơ hội tốt nhất để giao lưu với con. Chính sự không tinh tế của cha mẹ đã tự làm cánh cửa tâm hồn mà con cái mở ra cho họ đóng sầm lại, từ đó khiến trẻ cảm thấy cô đơn, rồi không nghe lời, thậm chí trở nên thích đối nghịch với cha mẹ.
Các bậc phụ huynh đồng thời cũng nên là những người bạn của con. Dù cho bạn có cảm thấy trò chơi của trẻ vô vị đến đâu chăng nữa thì nhìn vào ánh mắt tràn đầy mong đợi của trẻ, bạn có nỡ lòng nào từ chối không? Hơn nữa, trong quá trình chơi đùa cùng trẻ, trẻ sẽ thể hiện rõ ràng nhất tình cảm, sự thân thiết với bạn, sẽ bộc lộ toàn diện những suy nghĩ và cảm nhận từ sâu trong lòng trẻ. Như vậy, các bậc phụ huynh có thể nắm bắt được cơ hội này để giúp trẻ nhiều hơn trong quá trình phát triển của trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ đều có những sở trường khác nhau của mỗi người, do đó chúng ta có thể chơi những trò chơi khác nhau với con. Ví dụ, tôi thường cùng con gái thả diều, chơi trò chơi điện tử, đánh bóng bàn; còn mẹ cháu thường cùng cháu chơi cắt giấy, vẽ, hát… Hãy nhớ rằng trẻ cần tình yêu thương toàn diện của cả bố và mẹ, không được thiếu của bất cứ bên nào.
Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ, sau đó mới là trường học và xã hội. Do đó, cha mẹ không những là những người thầy đầu tiên của con mà cũng là những người bạn đầu tiên của con.
Có một chiếc khóa kiên cố treo ngoài cửa. Một thanh sắt dùng hết sức bình sinh cũng không thể nào mở nổi nó. Lúc đó, một chiếc chìa khóa nhỏ bé xuất hiện, rất nhẹ nhàng xoay nhẹ trong ổ khóa và “tách” một tiếng, ổ khóa mở ra.
Thanh sắt ngạc nhiên hỏi: “Tại sao bạn lại có thể mở khóa một cách dễ dàng như vậy trong khi tôi có cố gắng hết sức cũng không thể nào mở nổi nó?”
Chìa khóa trả lời: “Bởi vì tôi hiểu trái tim của nó nhất.”
Đúng vậy, vì chìa khóa hiểu được trái tim của khóa nên mới dễ dàng mở được nó ra như vậy. Cùng một chân lý đó, nếu cha mẹ không biết con đang nghĩ gì, muốn gì thì làm sao có thể dạy dỗ được con. Do đó, giành nhiều thời gian nói chuyện, giao lưu với con chính là nền tảng để giáo dục con cái. Trong quá trình nói chuyện với con, cha mẹ phải lắng nghe con, thấu hiểu con và tiếp nhận con bằng cả trái tim của mình. Đây là những biểu hiện cơ bản nhất của việc tôn trọng con cái và là tiền đề để giáo dục con cái thành công.
Người Do Thái thường nói với con cái họ từ khi chúng còn nhỏ rằng: Sách là một điều ngọt ngào. Do đó, người Do Thái rất yêu thích đọc sách. Kết quả một cuộc điều tra của UNESCO được tiến hành năm 1988 cho thấy, ở đất nước Isarel với dân số chủ yếu là người Do Thái thì trung bình mỗi người trên 14 tuổi đọc một cuốn sách mỗi tháng; cả nước có hơn 1000 thư viện công cộng và thư viện trong các trường đại học, trung bình cứ 4500 người lại có một thư viện. Trong số bốn triệu năm trăm nghìn dân Isarel có một triệu người có thẻ thư viện. Xét về tỷ lệ mật độ thư viện và nhà xuất bản trên đầu người và tỷ lệ đọc sách trung bình thì Isarel vượt qua tất cả các quốc gia trên thế giới. Do đó, dân tộc Do Thái đã được cả thế giới công nhận là dân tộc ưu tú nhất mà ở đó có những nhân vật kiệt xuất của thế giới như Max, Einstein, Alfred Kissinger…
Theo cách nói của các chuyên gia thì cùng con đọc sách là phương thức giáo dục gia đình và phương thức giao lưu tình cảm với con cái ở trình độ cao. Với phương thức này, các vị phụ huynh không những sẽ giúp con hình thành sở thích đọc sách mà còn có thể giúp chính các vị phụ huynh tìm lại hứng thú đọc sách đã bị mất đi. Dùng ngôn ngữ hiện đại bây giờ thì có thể mô tả, đây là một hành động mà “hai bên cùng có lợi”.
Khi con cái cần bạn ở bên cạnh, đừng dùng những câu như “bố/mẹ bận, con tự chơi đi” để từ chối con. Hãy nhớ rằng, quá trình trưởng thành của con sẽ không bao giờ quay lại được, do đó, những phút giây được ở bên con, được nhìn thấy con trưởng thành là những phút giây vô cùng quý giá. Hãy thu xếp công việc, giành thời gian ở bên con, chơi đùa cùng con và tận hưởng những giây phút tuyệt vời đó với con.
Những bậc phụ huynh thường xuyên phô trương con cái một cách quá mức nên nhớ rằng: con cái là để yêu thương, chăm sóc, khích lệ chứ không phải là thứ để đem ra phô trương. Để xác định một người 30 tuổi có thành công hay không là một điều rất khó, huống hồ đó lại chỉ là một đứa trẻ. Hơn nữa, việc thường xuyên đem con cái ra phô trương có thể sẽ đem lại những hậu quả không mong muốn.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lão Xá từng nói: “Những cặp vợ chồng hiện đại, dạy con ba bốn tuổi nhận diện mặt chữ rồi khi khách đến nhà bảo con biểu diễn cho khách xem. Đây là hành động coi trẻ như đồ chơi, không có lợi cho sự phát triển của trẻ.”
Trong cuộc sống xung quanh chúng ta, “những cặp vợ chồng hiện đại” như Lão Xá mô tả nhiều không kể xiết, thói quen của họ chính là phô trương con cái mình, coi con cái như những món đồ để phô trương.
Con trai cô Trương mới ít tuổi nhưng đã đọc thuộc lòng cả chục bài thơ Đường. Mỗi khi nhà có khách, cô Trương lại yêu cầu con đọc cho khách nghe. Cậu bé đọc trôi chảy hết, từ “Mặt trời đã khuất non cao/ Hoàng Hà cuồn cuộn chảy vào bể khơi” rồi lại đến “Đồng cao cỏ mọc như chen/ Khô tươi thay đổi hai phen năm tròn”. Khách nghe xong đều tấm tắc khen: “Thằng bé này thông minh quá, trí nhớ rất tốt”, “Thằng bé này không đơn giản đâu”, “Đúng là con mẹ có khác, mẹ thông minh như vậy thì con thông minh cũng là điều đương nhiên”. Cô Trương nghe thấy vậy trong lòng vô cùng vui sướng.
Những lời khen ngợi của khách dành cho con trai khiến cô Trương cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Con làm tốt thì hoặc là do cha mẹ dạy dỗ tốt, hoặc là do gen di truyền tốt, nói chung đều là do công lao của cha mẹ, do đó khen con cũng như khen mẹ mà thôi.
Về sau mỗi lần có khách đến nhà hay cô Trương cho con đi tham gia hoạt động gì đó là cô đều yêu cầu con trai biểu diễn tài đọc thơ Đường của mình. Mặc dù nhiều lần cậu bé tỏ ra không mấy thích thú nhưng cô vẫn có cách để con phải ngoan ngoãn làm theo lời mình. Thế nhưng đến một ngày cậu bé đã nổi điên lên.
Một lần, cô Trương có một người bạn đại học đến nhà chơi. Như thường lệ, cô lại bảo con trai biểu diễn: “Con trai, thử nói xem 5 cộng 3 bằng mấy?”. Khuôn mặt cô Trương bừng lên sự chờ đợi, nhưng cậu con trai chỉ chăm chú vào món đồ chơi trên tay mình mà chẳng mấy thích thú với yêu cầu của mẹ.
“Con trai ngoan nào, nói đi!” Cô Trương giục con trai nhưng cậu bé thì nhất quyết không trả lời mà nói: “Con đang chơi đồ chơi mà.” Lúc này, cô Trương tức giận quát: “Chẳng phải mẹ mới dạy con hôm qua sao? Con nói là con biết rồi mà.”
“Nhưng hôm nay con không muốn nói.”
“Sao con lại không có chút lễ phép nào như vậy? Bình thường mẹ dạy con như thế nào?” Cô Trương cao giọng quát.
Cậu bé im lặng một hồi rồi cũng hét to: “Mẹ, con không phải là đồ chơi của mẹ.” Cô Trương vô cùng bất ngờ, không nói được lời nào.
Thực ra trẻ con cũng có những suy nghĩ riêng của mình, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng chúng cũng cần được tôn trọng, quan tâm, thấu hiểu, yêu thương và khích lệ chứ không muốn là thứ đồ chơi của bất kì ai.
Cũng có nhiều bậc phụ huynh nói rằng, họ làm như vậy cũng chỉ vì yêu con; muốn con biểu diễn trước mặt người khác để rèn luyện sự dũng cảm cho con.
Không thể phủ nhận rằng quá trình trẻ biểu diễn trước mặt người lạ là quá trình để trẻ giao lưu với người khác, có lợi cho sự phát triển và trưởng thành của trẻ, giúp trẻ bớt rụt rè và ngày càng tự tin.
Tuy nhiên, việc yêu cầu con cái biểu diễn trước mặt mọi người cũng cần phải dựa vào nguyện vọng của con, chúng phải tình nguyện đồng ý mới được. Tốt nhất, trước khi yêu cầu con biểu diễn, các bậc phụ huynh nên hỏi ý kiến con trước. Nếu con không đồng ý thì cũng không nên vì muốn phô trương sự thông minh, giỏi giang của con hay phô trương tài dạy dỗ của mình mà bắt ép con làm những gì mà chúng không muốn.
Việc có những lúc trẻ không muốn biểu diễn trước mặt mọi người là một điều dễ hiểu. Cũng giống như nếu có ai hỏi “Bạn có thích ăn sô cô la không ?” thì hầu hết câu trả lời là có. Nhưng nếu bây giờ để bạn ngày nào cũng ăn, bữa nào cũng ăn, ăn sô cô la cả đời thì liệu bạn có đồng ý không? Tôi nghĩ chắc chắn chẳng có ai đồng ý cả.
Đối với việc biểu diễn trước mặt nhiều người cũng vậy, nếu là một hai lần, trẻ sẽ thấy phấn khích, thích thú, là một cách để rèn luyện trẻ và những lời khen của mọi người sẽ là động lực cho trẻ. Nhưng nếu việc đó diễn ra quá nhiều lần thì nó sẽ chẳng còn ý nghĩa gì với trẻ nữa, đặc biệt là với những trẻ không muốn bị phô trương quá mức.
Mặc dù các chuyên gia giáo dục tâm lý đều nhận định việc phô trương trẻ thông minh một cách quá mức sẽ làm tổn hại đến tâm lý trẻ nhưng trong thời đại mà cái gì người ta cũng muốn phô ra như hiện nay thì việc các bậc phụ huynh không đem con mình ra để khoe là một điều không dễ dàng gì.
Các bậc làm cha làm mẹ, ngay từ khi sinh con ra đã hi vọng con sẽ thông minh lanh lợi, đến khi đi học sẽ luôn đạt thành tích cao, rồi cứ như vậy vẽ nên một bản kế hoạch chi tiết cho con như: hi vọng sau này con sẽ thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng, có một công việc khiến mọi người phải ngưỡng mộ với mức lương cao… Tuy nhiên, đây chỉ là nguyện vọng của chúng ta. Chúng ta đã vô tình hoặc cố tình áp đặt những nguyện vọng của mình lên con, rồi vô tình hoặc cố tình biến con thành những thứ đồ để phô trương với thiên hạ.
Việc phô trương con cái thậm chí được bắt đầu từ khi trẻ còn mới chập chững học đi, trong các cuộc tụ họp gia đình bạn bè, yêu cầu con biểu diễn đọc thơ, hát các bài thiếu nhi, đọc thành ngữ, nói tiếng anh… Rồi khi nghe những lời tán dương kiểu như: “Đứa bé này thông minh quá, sau này nhất định có tương lai sáng lạng…” thì những người làm cha làm mẹ cảm thấy vô cùng sung sướng và mãn nguyện.
Rồi đến khi trẻ lớn hơn một chút và bắt đầu đi học thì nội dung khoe khoang của các bậc phụ huynh sẽ là thành tích học tập của con, đứng thứ mấy trong lớp, kết quả trong các cuộc thi như thế nào, tiếng Anh được mấy điểm, thi múa đoạt giải mấy…
Hơn nữa, một điều cũng khiến người ta vô cùng ngạc nhiên là hiện nay nhiều cặp vợ chồng trẻ đem hình của con tung lên khắp các trang mạng xã hội rồi khoe con ngoan ngoãn, đáng yêu, thông minh như thế nào.
Những bậc phụ huynh thường xuyên phô trương con cái một cách quá mức nên nhớ rằng: con cái là để yêu thương, chăm sóc, khích lệ chứ không phải là thứ để đem ra phô trương. Để xác định một người 30 tuổi có thành công hay không là một điều rất khó, huống hồ đó lại chỉ là một đứa trẻ. Hơn nữa, việc thường xuyên đem con cái ra phô trương có thể sẽ đem lại những hậu quả không mong muốn.
Trong tuyển tập “Lâm Xuyên tiên sinh” của Vương An Thạch đời Tống có một câu chuyện như sau: Có một cậu bé thần đồng tên là Phương Chung Vĩnh, tài năng xuất chúng hơn người, mới năm tuổi đã biết làm thơ, chỉ vào đồ vật gì là cậu bé lập tức làm thơ về đồ vật đó. Tuy nhiên về sau do không tiếp tục học tập và bị người cha đem tài năng của mình ra làm công cụ kiếm tiền, phô trương khắp nơi nên cuối cùng cậu bé cũng chỉ trở thành một người rất đỗi bình thường.
Đây là câu chuyện mà hầu hết mọi người ai cũng biết. Vương An Thạch tổng kết: Sự hiểu biết, khả năng lĩnh hội của cậu bé Chung Vĩnh là thiên bẩm, tài năng của cậu bé là xuất chúng hơn người. Với tài năng đó, cuối cùng cậu bé cũng chỉ trở thành một người bình thường, đó là do cậu bé không chú trọng đến việc tiếp tục trau dồi và học tập. Từ đó có thể thấy, tài năng không chỉ đơn thuần chỉ dựa vào thiên bẩm mà còn phụ thuộc vào sự giáo dục và học tập sau này. Hơn nữa, người cha ngu muội thiếu hiểu biết, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà đem con đi khoe khoang biểu diễn khắp nơi, không chú trọng việc tiếp tục dạy dỗ con đã biến một cậu bé tài năng như Phương Chung Vĩnh trở thành một bi kịch. Thử tưởng tượng xem, nếu cha Chung Vĩnh không đem con đi khoe khắp nơi mà để cậu bé tiếp tục chú tâm học tập thì với tài năng thiên bẩm của cậu liệu có trở thành xuất chúng hay không?
Trẻ nhỏ cũng là một cá thể độc lập chứ không phải chỉ là một món đồ chơi cao cấp biết khóc biết cười. Chúng cũng có suy nghĩ riêng của mình. Do đó, các bậc phụ huynh cần tôn trọng trẻ chứ không nên áp đặt chúng làm những việc chúng không thích hoặc coi chúng như món đồ để lúc nào thích thì lôi ra khoe khoang với ngưới khác.
Việc coi con cái là thứ đồ để phô trương mặc dù sẽ giúp các bậc phụ huynh thỏa mãn hư vinh của mình nhưng cũng gây ra không ít hiểm họa. Nếu chúng không thích sự phô trương của cha mẹ, chúng thậm chí sẽ thấy chán ghét cha mẹ mình, từ đó dẫn đến việc chúng sẽ khó nghe lời cha mẹ nữa. Còn nếu kể cả chúng thích việc đó thì những lời khen hời hợt mà người khác nói sẽ chỉ làm cho chúng có tính kiêu căng, so bì, khiến chúng trở nên tự kiêu, hiếu thắng, ích kỉ, do đó khó lòng vượt qua được khó khăn thử thách.
Hơn nữa, khả năng bắt chước của trẻ rất cao, khi thấy cha mẹ thích khoe khoang, phô trương, chúng cũng sẽ học được điều này rất nhanh. Chúng sẽ không chỉ khoe khoang về bản thân mình mà còn khoe khoang về bố mẹ mình, khoe bố mẹ mua cho chúng những đồ chơi gì, Tết được mừng tuổi bao nhiêu tiền, bố mẹ đi xe gì, nhà to cỡ nào… Tất cả những điều này đều không tốt chút nào đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Tôi biết từng xuất hiện một tình huống như sau: Một cậu bé luôn được cha mẹ khoe là “thông mình, IQ cao” , trong một kì kiểm tra đã đạt thành tích rất cao. Khi cô giáo trả bài đã đặc biệt biểu dương cậu bé và khen cậu bé rất thông minh, đồng thời bày tỏ hi vọng các bạn khác trong lớp sẽ noi gương cậu bé để học tập. Tuy nhiên, lúc đó cậu bé lại tỏ ra đắc ý và nói với các bạn xung quanh rằng: “Haizz, đây là vấn đề về trí thông minh, vì tớ thông minh, IQ cao nên chẳng cần học cũng được điểm cao.” Lớp học lập tức rộ lên những lời bàn tán.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, những đứa trẻ thường xuyên được khen là thông minh sẽ có xu hướng làm việc hạn chế trong phạm vi khả năng của mình, không thích thử thách, dễ dàng bằng lòng với thực tại. Điều này sẽ rất bất lợi cho quá trình phát triển của trẻ.
Mỗi đứa trẻ đều giỏi giang, ưu tú, quan trọng là phụ thuộc vào cách giáo dục và sự dẫn dắt của cha mẹ. Những ưu điểm, sở trường hay thành tích của con cần được cha mẹ khẳng định, biểu dương chứ không phải phô trương hay khoe khoang.
Nếu phụ huynh phớt lờ hay giấu diếm những khuyết điểm, sai lầm của con thì cũng đồng nghĩa với việc ngầm chấp nhận những điều đó. Nhưng nếu trẻ không bị phê bình vì những sai lầm của mình thì chúng sẽ không thể nhận ra sự nguy hại của những sai lầm đó, do đó khuyết điểm không được khắc phục, trẻ không thể tiến bộ, những ưu điểm khác của trẻ cũng khó có thể giữ được. Nếu các bậc phụ huynh cố tình che giấu những sai lầm khuyết điểm của trẻ, chúng sẽ cảm thấy chẳng có gì phải sợ sệt vì đã có chỗ dựa vững chắc là cha mẹ, do vậy mà sai lầm không được sửa chữa, thậm chí sẽ dẫn đến sai lầm lớn hơn về sau.
Tiểu Bằng và Khả Khả học cùng lớp với nhau. Một lần, vì bất đồng một chuyện nhỏ ở trường mà Tiểu Bằng và Khả Khả giận nhau, về nhà, Khả Khả mách mẹ rằng Tiểu Bằng bắt nạt cô bé.
Ngày hôm sau, mẹ Khả Khả cùng cô bé đến lớp tìm gặp cô giáo, nói rằng Tiểu Bằng bắt nạt con gái cô và yêu cầu cô giáo phải phạt Tiểu Bằng. Cô giáo cúi thấp người xuống, dịu dàng xoa đầu Khả Khả rồi hỏi: “Có chuyện gì vậy Khả Khả?” Khả Khả lúng túng không nói, chỉ nhìn cô giáo.
Mẹ Khả Khả vừa đưa mắt tìm Tiểu Bằng vừa quay lại nhìn cô giáo với ánh mắt tràn đầy sự chờ đợi, chờ đợi cô giáo sẽ làm rõ chuyện này. Thấy vậy, cô giáo cũng không biết phải làm thế nào, vì chưa biết rõ sự tình nên cô cũng không thể nói gì được, đành cho gọi Tiểu Bằng lên để hỏi xem đã xảy ra chuyện gì. Còn Khả Khả thì trước sau vẫn không nói gì, mẹ cô bé lớn giọng nói: “Con nói đi, mau nói đi chứ, cô giáo sẽ giúp con.”
Nhưng Khả Khả vẫn không nói. Mẹ cô bé có chút tức giận quát: “Cái con bé này, bảo nói sao không nói, đúng là vô dụng.”
Một lúc sau, Tiểu Bằng đến, mẹ Khả Khả lập tức đến trước mặt cậu bé và tuôn ra một tràng dọa dẫm: “ Từ giờ trở đi cháu không được bắt nạt Khả Khả nhà cô nữa, nếu lần sau cháu còn bắt nạt nó, cô sẽ gọi bố nó đến trói cháu lại đấy, nghe rõ chưa?”
“Cháu có bắt nạt bạn ấy đâu.” Tiểu Bằng nói giọng uất ức.
“Cháu lại còn không nhận à, đứa bé này, đúng là… Chẳng lẽ Khả Khả nhà cô lại đổ oan cho cháu, Khả Khả không bao giờ biết nói dối. Đấy, cô giáo xem đứa trẻ này, phải dạy dỗ cẩn thận mới được. Khả Khả nhà tôi hiền lành nên cứ bị bạn bè bắt nạt.”
Trước tình hình đó, cô giáo liền trấn an mẹ Khả Khả: “Chị cứ yên tâm, chúng tôi sẽ tìm hiểu sự việc một cách rõ ràng.”
Cô giáo cũng nhìn thấy khuôn mặt lúng túng của Tiểu Bằng nhìn mẹ Khả Khả bằng ánh mắt rất không phục, thậm chí có phần thù địch, oán trách.
Sau đó, khi tìm hiểu rõ sự tình, mọi người mới biết rằng thực ra không phải là Tiểu Bằng bắt nạt Khả Khả mà vì Khả Khả ở nhà được nuông chiều quen rồi nên khi gặp phải chuyện gì không theo ý mình liền về nhà mách cha mẹ. Còn mẹ Khả Khả, không nhìn thấy khuyết điểm hay thiếu sót của con mà chỉ cần nghe nói con phải chịu ấm ức là lập tức “xù lông” bảo vệ con, không cần biết phải trái đúng sai. Những bậc cha mẹ như vậy là đang hại con chứ không phải bảo vệ con.
Che giấu, bảo vệ cho những khuyết điểm, sai lầm của con cũng là một hình thức nuông chiều quá mức. Nhiều bậc phụ huynh chỉ ra sức khoe khoang, phô trương những ưu điểm, sở trường, tiến bộ của con cho mọi người biết nhưng lại giả vờ không nhìn thấy, không nghe thấy những khuyết điểm hoặc sai lầm của con, thậm chí khi có người khác chỉ ra tận nơi cũng cố để che đậy giúp con. Thói quen bao che này của các bậc phụ huynh sẽ có ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến sự trưởng thành của con trẻ.
Năm 1920, một cậu bé 11 tuổi khi đang chơi đá bóng đã không may làm vỡ cửa kính của nhà hàng xóm và bị đòi bồi thường 12,5 đô la. Sau khi dũng cảm về nhận lỗi với bố, bố cậu bé yêu cầu cậu bé phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình và nói: “Bố không có tiền trả người ta đâu. Bố sẽ cho con vay trước, một năm sau con phải trả lại bố.”
Sau hôm đó, cứ mỗi dịp cuối tuần hay ngày nghỉ lễ, cậu bé lại chăm chỉ ra ngoài làm việc. Chỉ hơn nửa năm sau, cậu đã kiếm đủ 12,5 đô la trả lại cho bố. Cậu bé đó chính là tổng thống Mỹ, Ronald Wilson Reagan. Khi nghĩ lại chuyện đó, ông nói: “Thông qua lao động để sửa chữa lỗi lầm của mình giúp tôi hiểu thế nào là trách nhiệm.”
Mắc sai lầm là điều dễ gặp nhưng quan trọng là biết sửa chữa sau những sai lầm đó. Ngày xưa, đến hoàng đế, tướng quân còn có lúc mắc sai lầm, huống hồ chỉ là một đứa trẻ nhỏ. Là người, ắt sẽ có lúc mắc sai lầm nhưng khác nhau ở chỗ chúng ta nhận thức sai lầm đó, nhìn nhận nó và sửa chữa nó như thế nào. Có câu “Nam tử hán đại trượng phu, dám làm dám chịu” chính là đạo lý này.
Ngày nay đã khác xa so với thời xưa, những gia đình con một trở nên ngày càng phổ biến, và những đứa trẻ con một được nuông chiều như những “ông hoàng, bà chúa”. Ở nhà, chúng được ông bà nội ngoại cưng nựng, được bố mẹ yêu chiều, có làm điều gì sai cũng được họ che chắn, bảo vệ, từ đó dần dần hình thành tật xấu là chỉ làm theo những điều mình thích mà không quan tâm đến ai khác.
Có một đoạn hội thoại vui như sau:
Thầy giáo hỏi học sinh: “Vườn Viên Minh là do ai đốt?”
Học sinh ở dưới không ai trả lời được.
Bỗng một vị phụ huynh đứng lên giải vây: “Dù sao đốt cũng đốt rồi, chúng ta đền là được chứ gì.”
Đương nhiên đoạn hội thoại này chủ yếu là mỉa mai sự thiếu hiểu biết của cả học sinh và phụ huynh nhưng mặt khác nó cũng nói lên một điều rằng: bất kể con trẻ có phạm lỗi lầm gì thì phụ huynh vẫn sẵn sàng ra mặt thay con chịu trách nhiệm. Thử nghĩ xem, trẻ con không thể mãi là trẻ con được, rồi chúng cũng sẽ phải lớn, vậy liệu các bậc phụ huynh có thể chịu trách nhiệm cho chúng cả đời được không?
Ngược lại, việc chịu trách nhiệm thay con chính là hành vi thiếu trách nhiệm với chính con cái mình. Trẻ mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi, quan trọng là phải giúp trẻ dám thừa nhận sai lầm, dám chịu trách nhiệm về sai lầm đó, để sau đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình. Trong cuộc sống hiện đại, có những đứa trẻ do được nuông chiều quá mức nên không còn quan tâm đến bất cứ điều gì, đặc biệt là những gia đình có tiền, có quyền, chúng sẽ ỷ thế bố mẹ và luôn có một suy nghĩ rằng, “dù có chuyện gì xảy ra thì cũng đã có bố mẹ gánh hộ”.
Những đứa trẻ như thế, từng lời nói hành động của chúng đều rất hời hợt, không có một chút tinh thần trách nhiệm tối thiểu nào. Thử tưởng tượng xem, những đứa trẻ ấy sau này làm sao có thể chịu trách nhiệm với cả cuộc đời chúng được.
Câu chuyện dưới đây sẽ là một minh chứng cho việc các vị phụ huynh nếu lờ đi, giả vờ không thấy những khuyết điểm của con sẽ là một hành động gây hại cho con và thậm chí dẫn đến những kết cục bi thảm.
Mèo vào rừng bắt chim ăn, dọc đường gặp một con cú mèo, cú mèo hỏi: “Anh mèo thân mến, anh đi đâu đấy?”
Mèo trả lời: “Ta vào rừng bắt chim ăn.” Mèo trả lời.
“Vậy à, vậy anh mèo làm ơn đừng làm hại đến các con của tôi nhé!”
“Thế thì ngươi phải nói cho ta biết con ngươi trông như thế nào.”
“Con tôi á, chúng là những đứa có ngoại hình đẹp nhất.”
“Ta biết rồi.” Mèo nghiêm túc trả lời. Cú mèo nghe thấy vậy liền yên tâm bay đi.
Mèo tìm khắp những lùm cây dưới thấp nhưng chỉ thấy những con chim xinh đẹp đủ màu sắc nằm trong tổ, sợ là con của cú mèo nên mèo không dám ăn. Cuối cùng, nó cũng tìm được một tổ chim với những con chim rất xấu xí bên trong. Thế là mèo ta yên tâm đánh chén một trận no nê.
Trên đường về, mèo lại gặp cú mèo. Mèo nói: “Ngươi yên tâm nhé, ta chỉ ăn những con chim xấu nhất thôi.”
Cú mèo liền bay về tổ thì ôi thôi, những đứa con “xinh đẹp” của nó đã chẳng còn sót lại đứa nào, chỉ còn vài cái râu mèo còn vương lại.
Yêu thương con là chuyện thường tình trên đời, nhưng yêu con không có nghĩa là yêu cả những khuyết điểm, sai lầm của con. Đạo lý này chắc hẳn mỗi bậc làm cha làm mẹ đều hiểu. Thế nhưng, vẫn có những bậc phụ huynh khi nghe thấy người khác chỉ ra khuyết điểm của con mình thì tỏ ra không vui, cho rằng bị mất mặt, thậm chí đánh con để thị uy trước những kẻ “mách lẻo”. Cũng có những bậc cha mẹ, mặc dù đã nhận ra khuyết điểm, tật xấu của con nhưng lại không lỡ quản giáo nghiêm ngặt, càng không muốn để người khác nói này nói nọ. Hành động này trên thực tế chính là một chiếc ô bảo vệ cho những tật xấu, là trở ngại “ngọt ngào” trong quá trình phát triển của con.
Trẻ nhỏ luôn có những ưu điểm, cũng có những khuyết điểm. Đối với những ưu điểm và tiến bộ của trẻ, cha mẹ phải biểu dương, khích lệ; nhưng đối với những khuyết điểm, sai lầm, cha mẹ cũng cần phê bình, giúp con nhận thức và sửa chữa. Phớt lờ hay giấu diếm những khuyết điểm, sai lầm của con cũng đồng nghĩa với việc ngầm chấp nhận những điều đó. Nếu trẻ không bị phê bình vì những sai lầm của mình thì chúng sẽ không thể nhận ra sự nguy hại của những sai lầm đó, do đó khuyết điểm không được khắc phục, trẻ không thể tiến bộ, những ưu điểm khác của trẻ cũng khó có thể giữ được. Nếu các bậc phụ huynh cố tình che giấu những sai lầm khuyết điểm của trẻ, chúng sẽ cảm thấy chẳng có gì phải sợ sệt vì đã có chỗ dựa vững chắc là cha mẹ, do vậy mà sai lầm không được sửa chữa, thậm chí sẽ dẫn đến sai lầm lớn hơn về sau.
Ai trong chúng ta cũng đều hi vọng con cái mình sau này sẽ được thành công, mặc dù không thể tất cả đều trở thành tổng thống giống Reagan nhưng chúng ta vẫn có thể học được một bài học từ cách dạy con của cha Reagan, đó là không bao che, bảo vệ cho những sai lầm của con. Có như vậy cha mẹ mới giúp con hình thành những thói quen tốt để phục vụ cho chúng suốt cuộc đời.
Hãy tôn trọng suy nghĩ của trẻ, công nhận suy nghĩ của trẻ và đừng bao giờ mỉa mai trẻ. Tâm hồn trẻ giống như cánh đồng hoang sau trận tuyết, và những lời lẽ mỉa mai của bạn có thể giẫm nát cánh đồng đó.
Một chú vịt bơi dọc sông tìm cá, nhưng cả ngày vẫn chưa kiếm được con cá nào. Đến khi trời tối, nhìn thấy bóng trăng dưới nước, vịt tưởng đó là một con cá liền ngụp đầu xuống bắt. Những con vịt khác nhìn thấy vậy đều cười nhạo nó.
Từ đó về sau, chú vịt đó trở nên ngại ngùng và ngày càng nhát gan đến nỗi dù có thấy cá dưới sông cũng không dám đi bắt, và cuối cùng chết vì đói.
Chú vịt bị mỉa mai, cười nhạo trong câu chuyện trên thà chết đói chứ không chịu đi bắt cá nữa, điều này cho thấy việc bị cười nhạo đã làm nó tổn thương lớn đến mức nào. Vậy mà trong cuộc sống hiện thực, khi trẻ hỏi những câu hỏi ngô nghê hay làm việc gì đó ngốc nghếch thì một vài bậc phụ huynh lại không quan tâm đến lòng tự trọng của các bé mà vô tư cười nhạo chúng. Điều này sẽ gây ra những tổn thương nhất định cho trẻ.
Trên bờ biển, có hai cha con đang tận hưởng những làn gió mát từ biển thổi vào.
Con trai: “Bố ơi, tại sao, tại sao…”
Bố: “Tại sao cái gì. Con trai mà ăn nói lắp ba lắp bắp, cái gì cũng phải dứt khoát lên chứ.”
Con: “Tại sao bầu trời lại có màu xanh ạ?”
Bố: “Thì từ xưa đến giờ nó vẫn là màu xanh.”
Con: “Nhưng tại sao ạ?”
Bố: “Chẳng tại sao cả. Bầu trời nếu không phải màu xanh thì có thể là màu gì được. Thật ngốc nghếch!”
Con: “Đừng mỉa mai con.” Cậu con trai giận dỗi quay sang hướng khác, không thèm để ý đến bố nữa.
Nhiều lúc, những câu hỏi ngây thơ của trẻ sẽ khiến bạn cảm thấy rất buồn cười, nhưng đó không phải là lý do để bạn có thể cười nhạo trẻ. Hành động mỉa mai, cười nhạo sẽ dễ làm tổn thương đến lòng tự trọng và tự tin của một con người. Do đó, khi trẻ còn đang trong quá trình quan trọng hình thành và nuôi dưỡng lòng tự trọng thì các vị phụ huynh không nên cười nhạo con dù ở bất cứ lúc nào.
Lúc nhỏ, đứa trẻ nào mà chẳng thường hỏi những câu hỏi giản đơn, ngây thơ, có lúc ngô nghê? Những lúc đó, nếu cha mẹ thay vì cười nhạo con, hãy khuyến khích động viên trẻ thì trẻ sẽ tự tin hơn rất nhiều trong quá trình phát triển và trưởng thành sau này, quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng sẽ có những tiến triển tích cực. Nói cách khác, cách cư xử của bạn sẽ quyết định đến hướng phát triển của con.
Hai đứa trẻ cùng mắc lỗi. Một người mẹ nói với con: “Tại sao con chẳng có chút tiến bộ nào cả vậy? Cuộc đời con chắc cũng chỉ làm được đến thế này thôi.”
Người mẹ kia nói: “Con trai, đáng lẽ con có thể làm tốt hơn thế. Mẹ tin tưởng con.”
Cùng một sự việc, nếu ta có những cách cư xử khác nhau, hoặc mỉa mai, hoặc động viên khuyến khích thì kết quả đạt được cũng sẽ khác nhau.
Khi trẻ mắc phải khuyết điểm nào đó, có những vị phụ huynh thay vì kiên nhẫn dạy dỗ con thì lại lập tức chế nhạo, mỉa mai chúng, điều này sẽ gây ra gánh nặng tâm lý rất lớn đối với trẻ, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của chúng. Những vị phụ huynh như vậy tuy số lượng không nhiều nhưng hậu quả gây ra lại vô cùng to lớn. Có thể ban đầu việc cười nhạo trẻ cũng xuất phát từ sự yêu thương hi vọng quá lớn của các vị phụ huynh không được làm hài lòng, nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ khiến trẻ sinh ra những thành kiến, những suy nghĩ tiêu cực và thậm chí là tâm lý thù địch, oán hận.
Bất kể ai cũng không bao giờ mong muốn mình bị người khác cười nhạo. Nếu là người lớn, việc bị cười nhạo sẽ khiến họ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, nhưng họ có thể tự điều chỉnh được suy nghĩ tình cảm của mình, do đó, dù cho có cảm thấy không thoải mái khi bị người khác cười nhạo nhưng nếu cảm thấy việc mình làm là đúng, họ sẽ vẫn tiếp tục làm việc đó. Tuy nhiên, với trẻ thì khác. Việc bị cười nhạo sẽ gây ra những tác động vô cùng tiêu cực đến trẻ. Bất kể bị cười nhạo vì lý do gì, trẻ đều sẽ cảm thấy lúng túng, mất dũng khí, từ đó sinh ra tâm lý thu mình lại. Những điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của trẻ về sau.
Do đó hãy tôn trọng suy nghĩ của trẻ, công nhận suy nghĩ của trẻ và đừng bao giờ cười nhạo hay mỉa mai trẻ. Tâm hồn trẻ giống như cánh đồng hoang sau trận tuyết, và những lời lẽ mỉa mai của bạn có thể giẫm nát cánh đồng đó.
Khi trẻ vấp phải khó khăn, đừng vội vạch ra những giới hạn cho trẻ mà hãy khuyến khích trẻ tiếp tục lạc quan tích cực tìm cách giải quyết chứ không phải là tìm lý lẽ biện minh. Hãy nói với con rằng, trên đời này không có việc gì là “không thể” hay “không làm được”, chỉ cần có phương pháp và sự nỗ lực, kì tích chắc chắn sẽ xuất hiện.
Một buổi sáng, Tiểu Vi - bạn học của Mộc Mộc đến nhà tôi chơi. Hai đứa trẻ chơi xếp hình ngoài phòng khách, xếp những khối hình nhiều màu sắc thành những hình thù khác nhau, cả hai đều tỏ ra vô cùng vui vẻ.
Một lúc sau chơi đã mệt, thấy tôi đang ngồi đọc sách liền tò mò chạy lại xem tôi đọc sách gì. Tôi lật bìa sách ra đưa ra cho Tiểu Vi xem, mỉm cười hỏi xem cô bé có biết mấy chữ trên cuốn sách là gì không. Tiểu Vi cúi đầu, xấu hổ đáp: “Làm sao mà cháu biết được, cháu chỉ là một đứa ngốc thôi.”
Nghe xong tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, tại sao một đứa bé như Tiểu Vi lại có thể tự nói mình là đứa ngốc? Sau đó, qua những lời kể của Tiểu Vi tôi mới biết được sự tình.
Thì ra, khi ở nhà, vì thành tích học tập của Tiểu Vi không được tốt nên thường xuyên bị bố mẹ gọi là “đồ ngốc”, làm bất cứ việc gì sai sót một chút cũng bị bố mẹ chụp ngay cho cái mũ “đồ ngốc”, Tiểu Vi nghe nhiều tự nhiên cũng tự nhận mình là “đồ ngốc”. Do luôn bị bố mẹ đặt ra những giới hạn nên dần dần dưới cái mác “đồ ngốc” mà bố mẹ đặt ra, Tiểu Vi trở nên ngày càng tự ti và khép kín.
Trong sinh hoạt thường ngày, rất nhiều vị phụ huynh đã vô tình vạch ra những giới hạn cho con. Tôi thường xuyên nghe thấy những câu kiểu như:
“Nhìn con người ta phép tắc lễ nghĩa, con nhà mình thì chỉ suốt ngày nghịch ngợm, chẳng có tý nghiêm túc nào cả, sắp thành trẻ đường phố đến nơi rồi.”
“Con nhà tôi lười vô cùng, ngoài những bài tập thầy cô giáo giao, nó chẳng làm thêm bất cứ cái gì.”
“Con nhà tôi là một đứa vụng về, làm bài tập hay làm gì cũng vụng.”
“Con nhà tôi đần lắm, điểm thi chẳng bao giờ khá lên được.”
“Con nhà tôi chắc không có năng khiếu toán học, điểm toán lúc nào cũng thấp.”
“Con tôi chẳng chuyên tâm học một chút nào, lúc thì uống nước, lúc thì ăn hoa quả, lúc thì đi vệ sinh, thật chẳng biết làm gì với nó nữa.”
“Con tôi mải chơi lắm, chẳng bao giờ quan tâm đến học hành gì cả.”
“Con tôi ngốc lắm, thấy nó cắm đầu học suốt ngày mà kết quả cũng chẳng ăn thua gì.”
“Con tôi học hành chán lắm, chẳng có hi vọng gì cả.”
Những câu nói ở trên, các vị phụ huynh có thấy quen không? Tôi có chút lo lắng, vì những câu nói trên vô tình vạch ra cho trẻ những giới hạn mà chúng không bao giờ dám vượt qua, điều này vô cùng bất lợi đối với sự phát triển của chúng.
Các bạn đã từng nghe câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng ” chưa?
Dưới đáy giếng có một chú ếch mới chào đời không lâu, đang rất tò mò về thế giới bên ngoài.
Ếch con hỏi mẹ: “Mẹ ơi, cái thứ xanh xanh trắng trắng trên đầu chúng ta là gì vậy?”
Mẹ ếch đáp: “Màu xanh là bầu trời, màu trắng là mây con ạ.”
Ếch con lại hỏi: “Bầu trời và mây trắng có to không? Cao không ạ?”
“Nghe các vị tiền bối nói thì bầu trời to bằng miệng giếng này nhưng cao hơn giếng rất nhiều.”
“Mẹ, con muốn ra khỏi đáy giếng này, để xem trời cao và rộng lớn thế nào.”
Mẹ ếch đáp: “Con tuyệt đối không được có ý nghĩ như vậy.”
Ếch con: “Tại sao vậy?”
“Các vị tiền bối đều nói là không thể nhảy ra ngoài cái giếng này được. Với bản lĩnh của chúng ta thì cả đời này chỉ sống dưới đáy giếng thôi.”
Ếch con có chút không cam tâm, tiếp tục hỏi: “Vậy, các tiền bối đã thử bao giờ chưa?”
Mẹ ếch nói: “Đừng có hỏi những câu hỏi ngốc nghếch như vậy nữa. Các vị tiền bối có kinh nghiệm như thế, hơn nữa lại trải qua từ đời này sang đời khác rồi, làm sao mà sai được.”
Ếch con cúi đầu đáp: “Con biết rồi.”
Kể từ hôm đó, ếch con không còn ý nghĩ muốn nhảy ra khỏi cái giếng đó nữa.
Vậy là những lời nói của mẹ ếch đã khiến ếch con từ bỏ hẳn ý định nhảy ra khỏi giếng. Nhiều phụ huynh thường nói những câu kiểu như “Dù sao thì con tôi cũng…” với ý không đặt nhiều hi vọng vào tương lai và khả năng của con mình. Các vị phụ huynh khi nói ra những câu nói này có thể là do vô tâm nhưng khi trẻ nghe thấy những lời nói đó, chúng sẽ đánh mất đi sự tự tin của mình. Ví dụ, khi trẻ không đạt thành tích cao trong học tập, các vị phụ huynh thường không nhận trách nhiệm về mình là lơ là dạy dỗ con mà đổ hết mọi lỗi lầm cho trẻ và nói những câu trách mắng trẻ như: “Quả đúng như bố/mẹ đoán mà”, “con đúng là ngốc nghếch không biết học hành gì cả”… Những lời lẽ này của cha mẹ cũng đồng nghĩa với việc nói với con rằng: dù con có cố gắng nỗ lực đến đâu đi nữa thì cũng vô ích thôi, từ đó dẫn đến việc trẻ sẽ có những suy nghĩ kiểu như: dù sao thì việc mình bị điểm kém cũng là chuyện đương nhiên rồi, do đó trẻ sẽ không còn cố gắng phấn đấu nữa.
Hậu quả của việc cha mẹ vạch ra những giới hạn cho trẻ cũng giống như trong câu chuyện con bọ và cái bình. Đặt một con bọ vào một cái bình có miệng rộng, sau đó đậy lại bằng một tấm thủy tinh trong suốt. Ban đầu, con bọ sẽ thử nhảy ra ngoài nhưng liên tục bị va vào tấm thủy tinh. Dần dần, con bọ vẫn tiếp tục nhảy nhưng sẽ không nhảy đến độ cao để bị va vào tấm thủy tinh nữa. Sau đó, người ta bỏ tấm thủy tinh ra khỏi miệng bình, bọ vẫn tiếp tục nhảy nhưng không bao giờ có thể nhảy ra khỏi bình nữa. Nguyên nhân rất đơn giản, nó đã tự điều chỉnh độ cao mà nó có thể nhảy để không chạm phải tấm thủy tinh, và một khi độ cao đó đã được xác định, nó sẽ không thay đổi. Đây cũng chính là hậu quả của việc cha mẹ vạch ra những giới hạn cho trẻ, do đó trong quá trình giáo dục trẻ, các vị phụ huynh nên hết sức tránh hành động này.
Tôi có một người bạn. Con trai cô tuy năm nay mới học tiểu học nhưng đã nhận biết được rất nhiều mặt chữ. Một lần, khi thấy con trai đang đọc các cuốn như “Tây du kí” và “Tam quốc diễn nghĩa” mà tôi mua tặng cháu thì cô bạn tôi liền lo lắng hỏi: “Sách của người lớn, cho nó đọc liệu nó có hiểu được không?” Tôi vẫn chưa kịp trả lời thì cậu bé đang ngồi đọc sách bên cạnh đã đáp: “Hiểu được ạ”.
Để kiểm tra lại khả năng tiếp thu của cậu bé, đợi cậu bé đọc xong, mẹ cậu bèn hỏi những câu hỏi liên quan đến nội dung trong cuốn sách, và điều ngạc nhiên là, cậu bé có thể nhớ và phân tích rõ ràng những nhân vật và tình tiết phức tạp trong cuốn truyện vừa đọc.
Tôi nghĩ, cho dù trẻ có thể không hoàn toàn đọc hiểu một cuốn sách nhưng các bậc làm cha làm mẹ cũng không nên nhất thiết tự mình đặt ra giới hạn cho con lúc mà con đang rất hào hứng để bắt đầu đọc một cuốn sách. Mỗi đứa trẻ có cá tính, sở thích, năng lực, khả năng đọc hiểu, suy nghĩ và nhu cầu đọc khác nhau, do đó với cùng một cuốn sách, những điều trẻ đọc được, cảm nhận được cũng hoàn toàn khác nhau. Điều mà cha mẹ cần làm là khuyến khích, động viên trẻ chứ không phải là vạch ra những giới hạn cho trẻ, rằng trẻ chỉ nên đọc cuốn sách này, làm những việc này mà không nên đọc hay làm những việc khác.
Tóm lại khi trẻ vấp phải khó khăn, trở ngại đừng vội vạch ra những giới hạn cho trẻ mà hãy khuyến khích trẻ tiếp tục lạc quan tích cực tìm cách giải quyết chứ không phải là tìm lý lẽ biện minh. Hãy nói với con rằng, trên đời này không có việc gì là “không thể” hay “không làm được”, chỉ cần có phương pháp và nỗ lực, kỳ tích chắc chắn sẽ xuất hiện.
Những cuộc cãi vã trong gia đình sẽ dễ gây ra cho trẻ trở ngại trong giao tiếp, khiến trẻ có những biểu hiện lo lắng, đa nghi, mất niềm tin với tương lai, thậm chí là hội chứng sợ hôn nhân sau này. Dần dần khi lớn lên trẻ sẽ trở nên ngỗ ngược, khó chung sống hòa thuận với mọi người, do đó khó tránh khỏi việc bị mọi người xa lánh, từ đó sinh ra cảm giác thất bại, cô đơn.
Bố mẹ Tiểu Cầm đều là những người nóng tính, lúc mới kết hôn, hai người thường xuyên cãi cọ nhau chỉ vì những việc vặt vãnh, khiến trong nhà không lúc nào ngớt tiếng cãi vã.
Khi Tiểu Cầm ra đời, cả hai đều vô cùng vui mừng, tuy nhiên thói quen cãi vã nhau vẫn không hề thay đổi. Những vấn đề như sẽ cho con uống sữa của hãng nào, dùng tã hàng nào, nửa đêm ai dậy pha sữa cho con đều trở thành chủ đề cãi vã của hai vợ chồng.
Khi Tiểu Cầm lớn hơn một chút, hai người cũng thường xuyên tranh cãi nhau vì quan điểm giáo dục con không thể thống nhất được, hơn nữa lại thường cãi nhau ngay trước mặt con.
Một lần, chỉ vì Tiểu Cầm không chịu ngoan ngoãn ăn cơm nên hai người lại có lý do để cãi vã. Buổi sáng, khi ăn cơm, Tiểu Cầm không chịu ăn rau, chỉ ăn mấy thìa cháo rồi thôi và nằng nặc đòi đi xem hoạt hình. Bố Tiểu Cầm cho rằng không nên chiều con, phải bắt con ăn xong rồi mới được làm việc tiếp theo nhưng mẹ cô bé thì cho rằng không nên ép buộc con phải ăn khi mà nó không muốn ăn nữa.
Hai người chỉ vì không thể thống nhất về vấn đề ăn uống của con mà bắt đầu cãi cọ nhau, ban đầu chỉ là nói qua nói lại nhưng càng nói cả hai lại càng trở nên tức giận và tiếng cãi cọ cũng ngày càng lớn. Tiểu Cầm thấy vậy sợ hãi không biết làm thế nào, chỉ biết đứng khóc. Bố mẹ cô bé lúc này sao trở nên thật xa lạ, không giống thường ngày. Và lúc đó, cả bố cả mẹ, chẳng ai còn có tâm trí gì để ý đến Tiểu Cầm nữa.
Dần dần, bố mẹ Tiểu Cầm phát hiện cô bé ngày càng ít nói, tính cách trở nên kì quặc, thường xuyên ngồi một mình thẫn thờ, cũng không thể chơi đùa vui vẻ hòa thuận với các bạn xung quanh. Lần gần đây nhất hai người cãi cọ nhau là 3 tháng trước. Hôm đó là sinh nhật Tiểu Cầm, nhưng trong vấn đề mua quà tặng con, hai người mỗi người một ý kiến, không ai chịu ai, cuối cùng dẫn đến cãi vã. Lúc đó, Tiểu Cầm sợ hãi hỏi bố mẹ: “Có phải bố mẹ chuẩn bị li hôn nhau không? Bố mẹ bạn Tiểu Cường ngày nào cũng cãi nhau sau đó đã li hôn rồi…” Khuôn mặt sợ hãi, tủi thân, bất an của cô bé khiến người ta thật xót xa, ánh mắt của cô bé dường như muốn nói với bố mẹ mình rằng thế giới của cô đang sắp sụp đổ.
Bố mẹ Tiểu Cầm nghe xong vô cùng ngạc nhiên. Thực ra việc họ tranh cãi nhau nhiều khi chỉ là phàn nàn, nói qua nói lại nhau vài câu nhưng trong mắt cô bé, đó lại giống như một cuộc chiến và là dấu hiệu của việc li hôn.
Chính trong thời khắc đó, bố mẹ Tiểu Cầm mới hiểu ra rằng, điều mà cô bé lo sợ nhất chính là gia đình không yên ổn. Việc bố mẹ thường xuyên cãi vã nhau hay thậm chí là li dị đối với chúng đau khổ như gặp thiên tai đại họa. Lúc đó, ngay lập tức mẹ Tiểu Cầm ngồi thấp xuống, nhìn Tiểu Cầm và dịu dàng nói với cô bé: “Cầm Cầm, bố mẹ tranh cãi nhau, là bố mẹ không tốt, người lớn đôi khi suy nghĩ không giống nhau dẫn đến tranh luận, nói to một chút là trở thành tranh cãi thôi, nhưng dù sao vẫn là do bố mẹ không tốt. Cầm Cầm ngoan, những chuyện này không liên quan gì đến con cả, từ nay về sau bố mẹ sẽ không tranh cãi nhau nữa, sẽ nói chuyện nhẹ nhàng, được không?”
Tiểu Cầm nhìn bố mẹ mình với ánh mắt bán tín bán nghi, không biết có nên tin lời mẹ nói không. Mẹ cô bé tiếp tục nói: “Mẹ hứa đấy, từ nay bố mẹ sẽ không cãi nhau nữa.” Lúc này, Tiểu Cầm mới cảm thấy yên tâm một chút. Từ hôm đó trở đi, bố mẹ Tiểu Cầm không còn cãi vã nhau như trước nữa, tính cách cô bé cũng dần dần trở lại vui vẻ như xưa.
Gia đình không những chỉ là nơi trẻ sinh sống mà quan trọng hơn, đó là nơi để trẻ gửi gắm tình cảm. Khi thấy bố mẹ tranh cãi nhau, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi, một mặt chúng chứng kiến bố mẹ không kiểm soát được cảm xúc của mình, to tiếng với nhau và gạt chúng sang một bên, chúng sẽ cảm thấy bất an, cảm thấy mình có thể bị bố mẹ bỏ rơi bất cứ lúc nào; một mặt khác, việc bố mẹ tranh cãi sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến trẻ, tuy việc bố mẹ cãi vã nhau có thể không liên quan đến chúng nhưng chúng sẽ lo sợ rằng nếu bố mẹ không chung sống hòa bình với nhau, chúng sẽ không thể hạnh phúc vui vẻ được nữa. Điều này sẽ gây ra cho trẻ những ám ảnh tâm lý tiêu cực.
Những cuộc cãi vã trong gia đình sẽ dễ gây ra cho trẻ trở ngại trong giao tiếp, khiến trẻ có những biểu hiện lo lắng, đa nghi, mất niềm tin với tương lai, thậm chí là hội chứng sợ hôn nhân sau này. Dần dần khi lớn lên trẻ sẽ trở nên ngỗ ngược, khó chung sống hòa thuận với mọi người, do đó khó tránh khỏi việc bị mọi người xa lánh, từ đó sinh ra cảm giác thất bại, cô đơn.
Tôi có một người bạn. Con trai của cô ấy lúc còn nhỏ có một khoảng thời gian thường xuyên cãi nhau và đánh lộn với các bạn. Sau mỗi lần như vậy, cô bạn tôi vẫn dạy dỗ, khuyên bảo cậu bé, cậu bé cũng nhận thấy sai lầm của mình và hứa từ lần sau sẽ không như thế nữa. Thế nhưng chỉ mấy ngày sau lại tiếp tục tái diễn.
Cô bạn tôi cảm thấy rất mệt mỏi, đau đầu, không biết phải dạy dỗ con bằng cách nào nữa. Cho đến một ngày, cô và chồng tranh cãi nhau, cậu bé đứng bên cạnh hét to: “Người lớn như bố mẹ tại sao lại được cãi nhau mà con thì không?”. Lúc đó cô mới nhận ra nguyên nhân tại sao con trai cô lại hay cãi nhau với bạn đến thế. Thì ra là do cô và chồng cô thường xuyên vì những chuyện nhỏ nhặt mà tranh cãi nhau trước mặt con trai, lâu dần, điều đó in sâu vào tâm trí cậu bé và rồi bất cứ khi nào gặp phải vấn đề gì thì cậu bé đều dùng phương thức tiêu cực là cãi vã để giải quyết.
Ở các quốc gia Âu Mỹ, các bậc phụ huynh thường hạn chế tối đa việc tranh cãi trước mặt con. Khi họ cảm thấy không thể kiềm chế cảm xúc của mình, muốn trút hết những điều bất mãn ra thì họ thường lái xe ra khỏi nhà sau đó hai vợ chồng mới bắt đầu tranh cãi nhau. Họ tuyệt đối không muốn tranh cãi trước mặt con cái vì các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng: những đứa trẻ thường xuyên sống trong môi trường không yên ấm, hòa thuận sẽ dễ bị mắc các chứng như tự kỉ, khép kín, có xu hướng bạo lực hơn những đứa trẻ khác.
Tôi có quen một đôi vợ chồng, họ không bao giờ cãi cọ nhau trước mặt con. Khi gặp phải chuyện gì đó khiến cả hai cùng tức giận, mỗi người họ sẽ ở một phòng khác nhau và gửi tin nhắn để tranh cãi nhau. Làm như vậy hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến trẻ.
Bố mẹ là những người thầy đầu tiên của trẻ, do đó những thói quen của bố mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến con trẻ. Do đó, để trẻ có thể phát triển lành mạnh, các vị phụ huynh hãy kiềm chế cảm xúc của mình và đừng bao giờ cãi cọ nhau trước mặt con cái.