Chương 8
TIẾNG NÓI CỦA TÍN NHIỆM – NÊU GƯƠNG VỀ TÍNH CÁCH VÀ NĂNG LỰC
Phẩm chất cao quý nhất của lãnh đạo là sự
liêm chính. Thiếu liêm chính sẽ không bao giờ
có được thành công đích thực, bất kể trong lĩnh vực nào, trên sân bóng, trong quân đội hay trong một tổ chức.
- DWIGHT DAVID EISENHOWER
Hình 8.1
Trước đây, tôi được một ngân hàng yêu cầu tư vấn về vấn đề tinh thần làm việc của các nhân viên. “Tôi không biết có chuyện gì xảy ra”, người giám đốc trẻ tuổi phàn nàn. Nhờ sự thông minh và uy tín, anh được cất nhắc lên vị trí hiện nay để rồi chứng kiến tổ chức của mình rơi vào cơn sóng gió. Cả năng suất và lợi nhuận đều đi xuống. Anh ấy đổ lỗi cho các nhân viên của mình. “Bất kể các biện pháp tôi đưa ra, họ vẫn không sao dứt bỏ được tình cảnh u ám này.”
Anh ấy nói đúng. Không khí làm việc ở đấy như đang bị đầu độc bởi sự nghi kỵ và thiếu tin cậy lẫn nhau. Suốt hai tháng ròng rã tổ chức các cuộc hội thảo, tôi vẫn chẳng giúp được gì. Tôi cảm thấy bất lực.
“Ai mà biết được việc gì đang diễn ra ở đây!” là lời ta thán phổ biến của các nhân viên. Nhưng chẳng có ai nói cho tôi biết nguyên nhân của sự mất lòng tin.
Cuối cùng, qua các cuộc chuyện trò thân mật hơn thì sự thật bắt đầu được hé mở. Sếp của họ, một người đã có vợ, đang có quan hệ bất chính với một nữ nhân viên. Và mọi người đều biết chuyện này.
Giờ thì rõ ràng là hiệu quả hoạt động của tổ chức bị kém cỏi là do tư cách cá nhân của chính vị giám đốc trẻ nọ gây ra. Nhưng tổn thất lớn nhất là cái giá mà chính anh ta phải trả. Chỉ vì ham muốn nhất thời mà anh ta bất chấp hậu quả. Hơn thế nữa, anh ta đã phản bội lòng tin thiêng liêng của vợ mình.
Nói tóm lại, sự thất bại của anh ta chính là do nhân cách.
90% thất bại về mặt lãnh đạo là do
thiếu nhân cách.
Nếu sự tin cậy là chìa khóa đối với tất cả các mối quan hệ, thì nó cũng chính là chất keo kết dính các thành viên trong tổ chức, như xi-măng gắn kết các viên gạch với nhau. Tôi cũng đã hiểu ra rằng sự tin cậy là kết quả của sự tín nhiệm đối với cả con người lẫn tổ chức. Sự tin cậy xuất phát từ ba nguồn: cá nhân, tổ chức và sự tin tưởng mà người này dành cho người khác – một hành động làm tôi cảm nhận niềm tin của bạn rằng tôi có thể tạo ra các giá trị mới. Bạn cho tôi niềm tin và tôi đáp lại niềm tin đó. Tin cậy là một động từ VÀ cũng là một danh từ. Khi đóng hai vai trò (động từ lẫn danh từ), nó sẽ được cho và nhận trong mối quan hệ giữa người với người. Đó là điều cốt lõi tại sao một người có thể trở thành người dẫn dắt chính người lãnh đạo của mình. Họ xứng đáng được tin cậy vì họ có niềm tin.
Hình 8.2
Chúng tôi đã tiến hành cuộc khảo sát hơn năm mươi bốn ngàn người và hỏi họ những phẩm chất nào là cần thiết đối với người lãnh đạo và thu được kết quả: tính chính trực là phẩm chất được nhiều người tán thành nhất (xem hình 8.2).
Khi chuẩn bị viết cuốn 7 Thói quen Hiệu quả, tôi đã sưu tầm tư liệu về lãnh đạo và sự thành đạt từ thời Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ mới được thành lập và phát hiện ra rằng: trong giai đoạn một trăm năm mươi năm đầu, trọng tâm hầu như chỉ tập trung vào tầm quan trọng của tính cách và các nguyên tắc. Vào Thời đại Công nghiệp và sau Thế chiến I, thì trọng tâm chuyển sang vấn đề nhân cách kỹ thuật và công nghệ – điều mà chúng tôi gọi là Đạo đức Nhân cách (Personality Ethic).
Xu hướng này vẫn đang tiếp tục, nhưng tôi nhận ra một xu hướng ngược lại đang xuất hiện khi người ta trải nghiệm những kết quả của văn hóa tổ chức phi giá trị. Ngày càng có nhiều tổ chức nhận ra tầm quan trọng của sự tín nhiệm, nhân cách, và xây dựng văn hóa tin cậy lẫn nhau trong tổ chức. Ngày càng có nhiều người nhận thấy rằng mình cần thấu hiểu hơn tâm hồn của chính mình và làm thế nào và làm gì để góp phần vào việc tìm ra những giải pháp nhằm phục vụ các nhu cầu của con người.
Xét đến cùng thì tính cách là nhân tố quyết định đối với cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như của quốc gia.
- THEODORE ROOSEVELT
Thế còn kết cục đối với ông giám đốc ngân hàng, người đã có quan hệ tình cảm bất chính với nhân viên của mình thì sao? Khi tôi nói riêng với anh ta là tôi đã biết “chuyện”, và giải thích với anh ta về tác động của nó đối với nhân viên, anh ta vò đầu gãi tai nói: “Giờ tôi không biết phải bắt đầu từ đâu nữa”.
“Việc đó kết thúc rồi chứ?” - Tôi hỏi.
Anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi: “Vâng, hoàn toàn chấm dứt”.
“Vậy anh hãy bắt đầu bằng cách thú nhận với vợ anh.” - Tôi đáp.
Và anh ta đã thú nhận với vợ và được cô ấy tha thứ. Sau đó anh ta họp với các nhân viên của mình để giải quyết vấn đề đạo đức. “Tôi đã biết được nguyên nhân của vấn đề.” - Anh ta nói. - “Tôi xin các bạn cho tôi thêm một cơ hội.”
Điều đó đòi hỏi thời gian, nhưng cuối cùng thì tinh thần làm việc của các nhân viên – sự cởi mở, lạc quan và tin tưởng lẫn nhau được cải thiện. Và cuối cùng, chính giám đốc là người được lợi nhất. Anh ta đã tìm ra con đường để hoàn thiện nhân cách của mình.
SỰ TÍN NHIỆM CÁ NHÂN
Ở đâu có sự tin cậy lâu dài, thì ở đó bạn sẽ tìm thấy có sự tín nhiệm. Đó là một nguyên tắc. Nếu sự tin cậy xuất phát từ sự tín nhiệm thì sự tín nhiệm xuất phát từ tính cách và năng lực. Khi bạn rèn luyện cả tính cách lẫn năng lực một cách mạnh mẽ, kết quả thu được sẽ là sự sáng suốt và khả năng xét đoán – nền tảng của mọi thành công lớn, lâu dài và là nền tảng của niềm tin. Sơ đồ dưới đây (xem hình 8.3) sẽ giúp bạn nhận diện các nhân tố chính để xây dựng lòng tin.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng ba khía cạnh của tính cách của con người: liêm chính, chín chắn và trí lực dồi dào.
Liêm chính có nghĩa là bạn gắn kết với các nguyên tắc và quy luật tự nhiên mà sau cùng chúng sẽ chi phối hậu quả của các hành vi của bạn. Sự trung thực là nguyên tắc của việc nói ra sự thật. Liêm chính còn có nghĩa là luôn giữ lời hứa với bản thân và với người khác.
Hình 8.3
Con người ta không thể sống tốt ở một mặt nào đó của cuộc sống trong khi hành động sai trái ở tất cả những mặt còn lại. Cuộc sống là một thể thống nhất không thể tách rời.
- MAHATMA GANDHI
Một khi bạn sống liêm chính và chiến thắng được bản thân mình thì bạn là một người chín chắn. Tính cách này làm cho bạn trở nên vừa dũng cảm vừa tốt bụng. Nói cách khác, những con người như thế có thể đương đầu với những thách thức khắc nghiệt nhất của cuộc sống bằng lòng say mê cao nhất. Sự kết hợp giữa lòng dũng cảm và lòng tốt vừa là nguồn gốc vừa là sản phẩm của tính liêm chính.
Trí lực dồi dào có nghĩa là thay vì bạn xem cuộc sống như một cuộc cạnh tranh mà cuối cùng chỉ có duy nhất một người chiến thắng, thì hãy xem nó như một kho tàng cơ hội, nguồn lực và của cải tăng lên không ngừng. Bạn không nên so sánh mình với người khác, và bạn thật lòng vui mừng về thành công của họ. Những người có trí lực kém là những người đánh giá bản thân trên cơ sở so bì và họ xem sự thành công của người khác là mối đe dọa với mình. Mặc dù họ có thể giả vờ nói khác đi, nhưng trong thâm tâm họ cảm thấy ấm ức và tức tối. Những người có trí lực dồi dào coi đối thủ cạnh tranh như những người thầy quan trọng và đáng quý. Ba thuộc tính – sự liêm chính, chín chắn và trí lực dồi dào – là biểu hiện hoàn hảo của một tập hợp bổ sung cho nhau.
***
Bây giờ chúng ta chuyển sang khía cạnh năng lực đối với sự tín nhiệm cá nhân.
Năng lực chuyên môn là kỹ năng và kiến thức cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể.
Trình độ nhận thức là khả năng nhìn nhận toàn cảnh sự vật, cách thức mà mọi bộ phận liên kết với nhau. Đó là khả năng tư duy chiến lược, có hệ thống, chứ không đơn thuần chỉ là chiến thuật.
Sự tương thuộc là ý thức về thực tế rằng mọi thứ trong cuộc sống đều có quan hệ với nhau, đặc biệt đối với các tổ chức và các tập thể đang muốn chinh phục và giữ được khách hàng, nhà cung cấp, và cả các cổ đông.
Khi Matt, con rể tôi, dự tuyển vào trường y, người ta “trắc nghiệm” y đức anh chàng rằng: “Anh sẽ chọn ai trong bác sĩ sau đây: một bác sĩ phẫu thuật trung thực nhưng kém chuyên môn hay một bác sĩ phẫu thuật giỏi chuyên môn nhưng lại thiếu trung thực?”. Con rể tôi trả lời rằng: “Điều đó còn tùy. Nếu cần phẫu thuật, tôi sẽ tìm đến bác sĩ giỏi chuyên môn. Còn nếu để hỏi có cần phải phẫu thuật hay không, thì tôi sẽ tìm đến bác sĩ trung thực”.
Tất nhiên cả hai tính cách và năng lực đều cần thiết nhưng việc tách riêng chúng sẽ tạo ra sự khiếm khuyết.
Đó là lý do vì sao để cải thiện bất kỳ một mối quan hệ nào, bạn phải bắt đầu từ bản thân mình; bạn cần phải thay đổi bản thân trước tiên.
NÊU GƯƠNG CÓ NGHĨA LÀ SỐNG THEO 7 THÓI QUEN HIỆU QUẢ
7 Thói quen Hiệu quả nêu ra những điều cốt yếu để trở thành một con người mạnh mẽ, toàn diện và hòa hợp, và để tạo một tập thể tương hỗ dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Đó là những nguyên tắc về nhân cách. Dưới đây là tóm tắt những nét chính:
7 Thói quen Hiệu quả
Thói quen 1 – Luôn chủ động
Luôn chủ động và không chỉ dừng lại ở việc đưa ra sáng kiến. Nó là sự công nhận rằng chúng ta có trách nhiệm về những sự lựa chọn của mình và chúng ta có quyền tự do lựa chọn dựa vào các nguyên tắc và giá trị hơn là dựa vào tâm trạng hay điều kiện bên ngoài. Những người luôn chủ động là những hạt nhân của sự thay đổi, họ không chịu làm nạn nhân, bị động đối phó hay đổ lỗi cho người khác.
Thói quen 2 – Bắt đầu bằng mục đích đúng
Các cá nhân, gia đình, tập thể và tổ chức định hình tương lai của họ bằng cách trước hết hình thành tầm nhìn cho một kế hoạch, dù lớn hay nhỏ đối với một cá nhân hay giữa các cá nhân với nhau. Họ không sống ngày này qua ngày khác theo kiểu không có một mục đích rõ ràng trong đầu mà họ luôn nhận diện và cam kết tuân theo các nguyên tắc, các mối quan hệ và những mục tiêu quan trọng nhất đối với họ.
Thói quen 3 – Ưu tiên cho điều quan trọng nhất
Ưu tiên cho điều quan trọng nhất nghĩa là tổ chức và thực hiện những việc được cho là quan trọng nhất. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn vẫn luôn sống và làm theo các nguyên tắc mà bạn coi trọng nhất, chứ không phải chạy theo các công việc khẩn cấp đột xuất và sức ép nhất thời quanh bạn.
Thói quen 4 – Tư duy cùng thắng
Tư duy cùng thắng là một khuôn khổ của trái tim và khối óc nhằm tìm kiếm lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi tương tác. Đó là lối tư duy rộng và tạo cơ hội chứ không phải tư duy hẹp mang tính cạnh tranh đối kháng. Đó không phải là lối tư duy ích kỷ (Thắng – Thua) hay lối tư duy nhu nhược (Thua – Thắng). Đó phải là lối tư duy dưới góc độ “chúng ta” chứ không phải “tôi”.
Thói quen 5 – Hiểu người trước, người hiểu mình sau
Khi lắng nghe người khác với ý định để hiểu rõ họ chứ không phải với mục đích để đối đáp, chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc giao tiếp đích thực và xây dựng được mối quan hệ. Khi đó chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi công khai và hiểu nhau một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Để hiểu được người khác, phải có sự cân nhắc; để người khác hiểu mình, cần có sự dũng cảm. Tính hiệu quả phụ thuộc vào sự cân bằng và kết hợp cả hai mặt này.
Thói quen 6 – Đồng tâm hiệp lực
Sự đồng tâm hiệp lực chính là cách thứ ba – không phải theo cách của tôi, cũng không phải theo cách của bạn, mà là theo cách tốt hơn cách của tôi và của bạn. Đây là kết quả của sự tôn trọng, đánh giá cao, thậm chí hoan nghênh ý kiến khác biệt của người khác. Đồng tâm hiệp lực hướng đến việc giải quyết vấn đề, nắm lấy cơ hội và xử lý sự khác biệt. Đó là một hình thức hợp tác sáng tạo 1 + 1 = 3, 11, 111… hoặc hơn thế nữa. Đồng tâm hiệp lực cũng là chìa khóa để có được một tập thể hay một tổ chức có hiệu quả. Một tập thể chung sức là một tập thể hỗ trợ lẫn nhau được tổ chức sao cho điểm mạnh của người này bù đắp cho điểm yếu của người khác. Bằng cách đó bạn sẽ có tập thể tối ưu sức mạnh và làm cho điểm yếu của cá nhân không ảnh hưởng đến tập thể.
Thói quen 7 – Mài giũa bản thân
Mài giũa bản thân là không ngừng đổi mới bản thân ở bốn phương diện của cuộc sống: thể chất, cảm xúc / thuộc xã hội, trí tuệ và tinh thần. Đây là thói quen giúp gia tăng khả năng để có thể sống theo tất cả các thói quen khác của sự thành đạt.
Ba thói quen đầu tiên có thể tóm tắt bằng cụm từ sau: hứa và giữ lời hứa. Khả năng đưa ra lời hứa là tính luôn chủ động (Thói quen 1). Nội dung của lời hứa là Thói quen 2 và giữ lời hứa là Thói quen 3.
Chỉ có 57% số nhân viên được hỏi ý kiến đồng ý cho rằng tổ chức của họ luôn luôn làm đúng những gì đã hứa.
Ba thói quen tiếp theo mang tính tập thể và có thể được tóm tắt bằng cụm từ sau: để nhiều người tham gia tìm giải pháp và giải quyết vấn đề. Điều này đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau (Thói quen 4), hiểu biết lẫn nhau (Thói quen 5) và đồng tâm hiệp lực (Thói quen 6). Riêng Thói quen 7, mài giũa bản thân, giúp làm tăng khả năng của bạn trong bốn mặt của cuộc sống: thể xác, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần. Nó làm mới lại phẩm chất và sự an toàn cá nhân (các Thói quen 1, 2, 3) và làm mới lại tinh thần và tính chất hỗ trợ lẫn nhau của tập thể.
Dưới đây là biểu đồ mô tả các nguyên tắc và mô thức của 7 thói quen (xem bảng 3):
Bảng 3
NHỮNG NGUYÊN TẮC HIỆN DIỆN TRONG 7 THÓI QUEN
Chúng ta hãy xem kỹ từng nguyên tắc này. Như đã nói ở trên, bạn cần lưu ý ba đặc điểm: thứ nhất, các nguyên tắc này mang tính phổ quát (universal) – có nghĩa là chúng vượt ra khỏi rào cản văn hóa và hiện diện trong mọi tôn giáo chính thức của thế giới và trong những triết lý vĩnh hằng; thứ hai, chúng không có tuổi (timeless) – tức không bao giờ thay đổi ; và thứ ba, chúng tự thân là sự thật hiển nhiên (self-evident).
Làm thế nào chúng ta biết được điều đó là hiển nhiên? Đó là bằng cách tìm lý lẽ để phản bác chúng, nhưng tôi tin rằng bạn không thể làm được điều đó. Đối với các nguyên tắc hiện diện trong 7 Thói quen thì bạn không thể nào phản bác được tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm hay sự chủ động, sống có mục đích, sự liêm chính, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đồng tâm hiệp lực hay không ngừng đổi mới… 7 Thói quen này là những nguyên tắc về tính cách cho biết bạn là ai, bạn làm gì. Chúng đem đến cho bạn sự tín nhiệm, quyền lực, tinh thần và nền tảng kỹ năng để bạn tạo được ảnh hưởng của mình trong tổ chức, gia đình, cộng đồng và xã hội; chúng là điều cốt lõi của vai trò thứ nhất trong bốn vai trò của lãnh đạo - nêu gương. Bốn vai trò của lãnh đạo khi đó chỉ còn là bạn sẽ làm gì trong cương vị người lãnh đạo để cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ (xem hình 8.4).
Hình 8.4
Nhiều tổ chức đã huấn luyện nhân viên của mình xây dựng 7 Thói quen. Nhiều người nhận thấy 7 Thói quen này rất có ích trong công việc, nếu cơ cấu và hệ thống của tổ chức cổ vũ, hỗ trợ cho 7 Thói quen này. Nhưng bởi vì trong nhiều trường hợp, văn hóa tin cậy thấp và các cơ cấu và hệ thống thiếu liên kết đã không ủng hộ việc triển khai và theo đuổi chúng, nên nhiều người đi đến kết luận rằng 7 Thói quen này không thực sự hiệu quả trong công việc. Mô hình Bốn vai trò của lãnh đạo tạo ra khuôn khổ thích hợp và hữu ích cho việc vận dụng và phát huy tốt 7 Thói quen trong công việc cũng như trong gia đình. Thực ra, chúng tôi nhận thấy rằng, chỉ khi người ta áp dụng 7 Thói quen này - nghĩa là họ sống vì nó – thì họ mới thực sự hiểu chúng. Chỉ học lý thuyết, mà không thực hành thì chưa thực sự hiểu rõ các nguyên tắc đó. Mô hình Bốn vai trò lãnh đạo sẽ tạo ra một sức sống mới cho 7 Thói quen và chúng được xem là có tầm quan trọng chiến lược đối với tổ chức thay vì chỉ là một chương trình đào tạo ngắn hạn hấp dẫn nào đó mà thôi.
CÁC MÔ THỨC CỦA 7 THÓI QUEN
Mỗi thói quen không chỉ đại diện cho một nguyên tắc, mà còn cho một mô thức, một lối tư duy (xem lại bảng 3).
Xem xét kỹ hơn các Thói quen 1, 2 và 3 được thể hiện trong cụm từ “Hứa và giữ lời hứa”, chúng ta sẽ hiểu được mô thức đi kèm theo từng thói quen này. Thói quen 1 – Luôn chủ động – là mô thức về sự tự quyết định của bản thân hơn là do di truyền hay tác động của xã hội, ngoại cảnh – nói rằng tôi có thể và sẽ thực hiện lời hứa. Đó là sức mạnh của sự lựa chọn. Thói quen 2 – Bắt đầu bằng mục đích đúng – là mô thức cho rằng tất cả mọi thứ trên thế gian này đều được kiến tạo hai lần. Trước tiên là kiến tạo tinh thần, và sau đó kiến tạo vật chất; đó chính là nội dung của lời hứa – tôi xem xét cả hai mặt của lời hứa, điều tôi hứa và điều tôi thực hiện. Đó là sức mạnh của sự tập trung. Thói quen 3 – Ưu tiên cho điều quan trọng nhất – là mô thức về sự ưu tiên, hành động và thi hành – có nghĩa là tôi có khả năng và trách nhiệm để thực hiện lời hứa đó.
Các Thói quen 4, 5 và 6 – Tư duy cùng thắng; hiểu người trước, người hiểu mình sau; đồng tâm hiệp lực – là những mô thức về sự rộng mở trong mối quan hệ với mọi người trong sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau (cân bằng giữa sự cân nhắc và lòng dũng cảm) và trong việc coi trọng sự khác biệt của nhau. Đó chính là linh hồn của một tập thể hỗ trợ lẫn nhau.
Thói quen 7 là mô thức về sự hoàn thiện không ngừng của con người; nó thể hiện ở sự giáo dục, rèn luyện và tái xác nhận điều mà người Nhật gọi là Kaizen (Cải tiến không ngừng). Đây là lý do tại sao các sơ đồ hình tròn được minh họa trong cuốn sách này lại không phải là vòng tròn khép kín, mà là vòng tròn hở có mũi tên hướng lên trên ám chỉ sự cải thiện không ngừng trong mỗi lĩnh vực của bốn sự lựa chọn.
CÔNG CỤ NÊU GƯƠNG – PHƯƠNG PHÁP LẬP KẾ HOẠCH CÁ NHÂN
Do việc nêu gương luôn đi trước và là biểu hiện chủ yếu trong ba vai trò còn lại, nên việc trước tiên bạn cần làm là tập hợp các hành động lại với nhau để tạo ra TIÊU ĐIỂM (FOCUS) trong cuộc sống của bạn.
Đơn giản là bạn phải quyết định điều gì là quan trọng nhất đối với bạn. Điều gì có giá trị nhất đối với bạn? Tầm nhìn trong cuộc sống của bạn là gì? Công việc của bạn tại nhà ở cương vị là người cha, người mẹ, ông, bà, chú, bác, anh, chị, con trai, con gái là gì? Những công việc bạn muốn phục vụ cho cộng đồng, nhà thờ, hàng xóm láng giềng và những người khác khi họ cần giúp đỡ là gì? Tình trạng sức khỏe của bạn phải như thế nào? Bạn sẽ làm gì để giữ gìn và nâng cao sức khỏe của mình? Nhiều người nói sức khỏe là vốn quý nhất và rằng nếu không có sức khỏe thì mọi của cải khác trở nên vô nghĩa. Thế còn trí tuệ, sự trưởng thành, sự phát triển của bạn thì sao? Chúng quan trọng đối với bạn đến mức nào? Công việc của bạn thì sao? Tài năng thực sự của bạn là gì? Bạn say mê điều gì? Nhu cầu lớn nhất của tổ chức của bạn, và trên thị trường là gì? Lương tâm đang thôi thúc bạn cần có hành động đối với dự án nào, sáng kiến nào? Bạn sẽ làm thế nào để tạo ra sự khác biệt trong công việc của mình? Bạn sẽ để lại di sản gì cho thế hệ sau?
Công cụ giúp tập trung vào vai trò đầu tiên là phương pháp lập kế hoạch cá nhân. Trước tiên bạn viết ra giấy hoặc trên máy vi tính điều gì quan trọng nhất đối với bạn. Sau đó xác lập ưu tiên trong quá trình lập kế hoạch để có thể tạo sự cân bằng giữa nhu cầu của cơ cấu và kỷ luật cũng như sự thoải mái trong thực hiện. Nói ngắn gọn, đó là tiêu điểm và sự thực hiện.
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để xây dựng và duy trì kế hoạch cá nhân. Điểm mấu chốt của phương pháp lập kế hoạch là phải đảm bảo cho người thực hiện tập trung vào mục tiêu được họ ưu tiên nhất.
Việc tổ chức và lập kế hoạch có hiệu quả có ba tiêu chuẩn như sau: hài hòa với cuộc sống hàng ngày của bạn; cơ động, dễ tiếp cận; và có tính cá nhân hóa, tức phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng người.
Có một quy trình đơn giản để đánh giá xem điều mà bạn tập trung vào có đúng là điều quan trọng nhất đối với bạn hay không. Xem xét sơ đồ hình tháp sau đây, chúng ta thấy rằng tại đáy hay nền tảng của nó là việc nhận diện sứ mệnh và các giá trị. Elvis Presley nói rằng: “Giá trị cũng giống như dấu vân tay, không người nào giống người nào, nhưng ai cũng để lại dấu vân tay khi chạm vào vật gì đó”. Các giá trị này cần gắn chặt vào các nguyên tắc để cuộc sống của bạn có được một cốt lõi bền vững, và nội tâm của bạn có được sự an toàn, sự chỉ dẫn, sự sáng suốt và sức mạnh. Bí quyết ở đây là bạn cần phải viết ra bản tuyên bố sứ mệnh cá nhân nói lên điều gì là quan trọng nhất đối với bạn. Nhờ bản tuyên bố sứ mệnh mà bạn xác định được các ưu tiên cho hành động của mình.
Hình 8.5
Tiếp theo, điều quan trọng là bạn cần phải xác định được những vai trò quan trọng nhất của mình (chẳng hạn, vai trò thành viên trong gia đình, tại nhà thờ hay trong cộng đồng, vai trò là một người bạn, người mẹ/cha, người lãnh đạo), và đặt ra các mục tiêu tuần, tháng, năm phù hợp với các vai trò mà bạn đã xác định cho cuộc đời mình.
Mức độ thứ ba trong mô hình kim tự tháp là lập kế hoạch tuần. Từ kế hoạch tuần bạn sẽ lập ra kế hoạch hàng ngày của mình.
HỎI & ĐÁP
HỎI: Việc cần có người đáng tin cậy trong tổ chức để đặt niềm tin vào họ như ông nói là điều rất đúng, nhưng ông sẽ làm gì nếu ông gặp khách hàng lạm dụng và đối xử tệ với nhân viên mà ông tin cậy?
ĐÁP: Từ bỏ khách hàng đó! Tôi biết một tổ chức rất nổi tiếng đã viết thư gửi cho khách hàng, khi họ đã có bằng chứng rõ ràng về việc những khách hàng này thường xuyên ngược đãi nhân viên của họ. Trong thư họ nói rõ rằng họ không muốn tiếp tục hợp tác với những khách hàng này nữa. Tất nhiên, giải pháp tốt hơn nữa là tìm con đường thứ ba thông qua sự trao đổi thích hợp – và hẳn nhiên trước tiên chúng ta cần phải lắng nghe ý kiến của họ.