Chương 9
TIẾNG NÓI VÀ TỐC ĐỘ CỦA NIỀM TIN
Được tin cậy là phần thưởng lớn hơn
được yêu thương.
- GEORGE MACDONALD
Khi chúng ta tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình và cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ (nên nhớ rằng cổ vũ có nghĩa là truyền sinh khí cho người khác) là chúng ta bước vào một thế giới của các mối quan hệ. Xây dựng những mối quan hệ vững chắc không những đòi hỏi phải có nền tảng tính cách về an toàn nội tâm, sự dạt dào tro ng tình cảm và sức mạnh tinh thần cá nhân, như tôi đã nêu ở Phần 1 của cuốn sách này, mà còn đòi hỏi chúng ta phải rèn luyện các KỸ NĂNG (SKILLS) mới trong giao tiếp giữa người với người giúp chúng ta có thể đương đầu với những thách thức mà chúng ta gặp phải với người khác. Hai chương tiếp theo đây sẽ nói về việc rèn luyện những kỹ năng này.
Hình 9.1
Hầu hết mọi công trình trên thế giới này đều được thực hiện thông qua các mối quan hệ giữa con người với nhau và được thực hiện bên trong các tổ chức. Nhưng sự giao tiếp này sẽ ra sao nếu không có sự tin cậy lẫn nhau, bất kể những giao tiếp đó chính xác và rõ ràng? Đó là điều không thể. Bạn sẽ phải luôn tìm kiếm những ý nghĩa thực còn ẩn giấu, những ý đồ chưa được bộc lộ qua giao tiếp đó. Và tất nhiên, mối quan hệ thiếu sự tin cậy lẫn nhau là một mối quan hệ yếu kém.
TỐC ĐỘ CỦA NIỀM TIN
Như vậy, giao tiếp có sự tin cậy ở mức độ cao sẽ như thế nào? Đó là một việc dễ dàng, không tốn nhiều công sức và có thể làm được ngay. Còn nếu có sự tin cậy ở mức độ cao nhưng bạn mắc sai lầm thì sao? Không vấn đề gì vì người ta đã hiểu rõ bạn. Họ sẽ nói: “Không sao cả, tôi hiểu anh mà!”, hoặc: “Hãy quên điều đó đi. Tôi hiểu ý anh!”. Có lẽ, xét ở một khía cạnh nào đó, đó là lý do tại sao trái tim lại quan trọng hơn bộ não. Người ta có thể bị bại não, nhưng nếu trái tim còn đập thì họ vẫn còn sống, còn khi tim đã ngừng hoạt động, thì chắc chắn họ đã chết.
Con trai tôi, Sean, nói rằng: “Không gì nhanh bằng tốc độ của niềm tin”. Nó đi nhanh hơn bất kỳ thứ gì mà bạn có thể nghĩ ra. Nó nhanh hơn cả tốc độ internet, vì khi có niềm tin, mọi lỗi lầm sẽ được tha thứ và bỏ qua. Sự tin cậy là chất keo gắn kết trong cuộc sống. Nó gắn kết các tổ chức, các nền văn hóa và các mối quan hệ với nhau. Điều khôi hài là tốc độ hình thành niềm tin trên thực tế lại rất chậm. Đối với con người, nhanh là chậm và chậm lại là nhanh (fast is slow and slow is fast).
QUYỀN LỰC TINH THẦN VÀ TỐC ĐỘ CỦA NIỀM TIN
Niềm tin bền vững vào mối quan hệ là thứ không thể giả mạo và nó hiếm khi có được chỉ nhờ một lần cố gắng duy nhất. Nó phải là kết quả của những hành động xuất phát từ lương tâm và trái tim được thực hiện thường xuyên. Trong cuốn 7 Thói quen Hiệu quả, tôi có đưa ra một ẩn dụ cho niềm tin gọi là Tài khoản tình cảm. Nó cũng được xem như một tài khoản gửi tại ngân hàng - nơi bạn gửi tiền vào hay rút tiền ra - chỉ có khác là trong trường hợp này, bạn gửi vào hay rút ra những khoản tình cảm trong các mối quan hệ nhằm xây dựng hoặc phá hoại mối quan hệ đó.
Bảng dưới đây liệt kê mười khoản tình cảm gửi vào và rút ra trong mối quan hệ với người khác, mà theo kinh nghiệm của tôi chúng có ảnh hưởng quan trọng đến mức độ của niềm tin. Bảng này liệt kê những hy sinh cần có và những nguyên tắc chứa đựng trong mỗi khoản tình cảm gửi vào (bảng 4).
Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng các lý do để mười khoản ký gửi vào tài khoản tình cảm tạo được lòng tin là vì chúng chứa đựng các nguyên tắc trọng yếu trong mối quan hệ giữa người với người. Khi bạn nghiên cứu từng khoản ký gửi này, bạn sẽ thấy đặc điểm chung của chúng là chủ động hành động cùng với ý chí và quyết tâm. Bạn để ý sẽ thấy rằng tất cả mười khoản ký gửi này đều nằm trong khả năng thực hiện của bạn. Do chúng đều dựa trên nền tảng là các nguyên tắc, nên chúng sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần hay lòng tin.
Điểm chung thứ hai của các khoản ký gửi tình cảm theo tôi là sự vô tư và khiêm nhường. Đó là việc biết tự hạ mình trước người khác, tuân thủ nguyên tắc vì sự nghiệp cao cả. Đó là nhận thức rằng cuộc sống này không chỉ thuộc về “tôi” hoặc “của tôi”; nói theo triết gia Martin Buber thì cuộc sống này của “bạn và tôi” – nghĩa là có lòng tôn trọng sâu sắc về giá trị và tiềm năng của mọi người.
Bảng 4
Sức mạnh tinh thần, lòng tin và sự gắn bó có thể bị xói mòn dần theo thời gian nếu không được bổ sung liên tục những khoản tình cảm vào các mối quan hệ, đặc biệt là đối với những người mà chúng ta cùng sống và làm việc lâu dài.
Sức mạnh tinh thần: đó là việc thực hiện một cách có nguyên tắc quyền tự do lựa chọn và nó luôn đòi hỏi sự hy sinh.
Điểm chung thứ ba của khoản ký gửi tình cảm, cũng như mọi thứ quý giá khác trong cuộc sống, là sự hy sinh. Ở đây, bạn cần hiểu rằng hy sinh là sự từ bỏ một điều, một việc gì đó thậm chí rất tốt đẹp để nhận lấy cái tốt đẹp hơn.
HÃY HIỂU NGƯỜI TRƯỚC
Tại sao khoản ký gửi đầu tiên lại là hiểu người trước? Lý do rất đơn giản. Bạn không biết được khoản ký gửi tình cảm đối với người khác là gì cho đến khi bạn hiểu được khung tham chiếu của họ. Có thể đối với bạn là khoản gửi có giá trị cao, nhưng đối với người khác lại có giá trị thấp. Có thể có lời hứa đối với bạn là quan trọng nhưng đối với người khác lại không quan trọng. Cách thể hiện của bạn về sự chân thật, lòng tốt, sự cởi mở, lịch thiệp có thể được người khác cảm nhận hoàn toàn khác dưới góc nhìn văn hóa hay lăng kính cá nhân của họ.
Trong khi các nguyên tắc chính của mỗi khoản ký gửi vào tài khoản tình cảm là như nhau, nhưng để áp dụng nó vào thực tế, bạn phải hiểu được khung tham chiếu của người khác.
HỨA VÀ GIỮ LỜI HỨA
Không có gì làm mất lòng tin nhanh chóng bằng một lời hứa không được thực hiện. Ngược lại, không có gì xây dựng và củng cố lòng tin vững chắc bằng việc giữ đúng lời hứa.
Đưa ra lời hứa là việc rất dễ dàng. Nó thường nhanh chóng làm hài lòng người khác, đặc biệt khi họ đang chịu sức ép, hay lo lắng điều gì đó mà họ cần đến sự giúp đỡ của bạn. Khi lời hứa của bạn làm họ hài lòng, họ sẽ yêu mến bạn. Và chúng ta, ai cũng muốn được người khác yêu mến.
Điều gì chúng ta đang khao khát nhất chính là điều chúng ta dễ tin nhất. Tất cả những ai bị lôi kéo vào những cam kết và các hợp đồng tiềm ẩn sự lừa gạt chẳng qua là vì họ quá ham muốn đạt được những gì họ kỳ vọng đến nỗi họ dễ dàng tin vào bất cứ lời giải thích, câu chuyện, hoặc lời hứa nào từ phía bên kia. Họ để ngoài tai và bất chấp mọi thông tin tiêu cực và tiếp tục duy trì niềm tin mù quáng của mình.
Song, giữ lời hứa lại là việc rất khó. Nó thường đòi hỏi một quá trình hy sinh đầy khó khăn – đặc biệt khi nguồn cảm hứng đưa ra lời hứa qua đi hay khi tình hình thực tế trở nên khó khăn hơn hay hoàn cảnh thay đổi ngoài dự đoán.
Tôi đã rèn luyện cho mình thói quen không bao giờ dùng đến từ hứa hẹn, trừ những lúc tôi đã hoàn toàn sẵn sàng trả giá cho việc thực hiện lời hứa đó, đặc biệt đối với con cái tôi. Chúng thường yêu cầu tôi phải nói “bố hứa” để chúng yên tâm rằng dẫu thế nào tôi cũng sẽ thực hiện. Tuy nhiên, nhiều lần tôi nói “Bố sẽ cố” hoặc “Đó là điều bố muốn làm”, “Bố hy vọng”, nhưng rõ ràng là chúng không hài lòng. Chỉ có câu “Bố hứa” mới làm chúng hài lòng; bởi chúng biết, một khi đã hứa, tôi sẽ cam kết thực hiện đến cùng.
Thỉnh thoảng, cũng có những tình huống nằm ngoài dự tính, tôi yêu cầu con cái thông cảm cho mình và cho tôi rút lại lời hứa. Thường thì chúng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Nhưng những đứa nhỏ hơn lại không hiểu, mặc dù chúng nói rằng chúng thông cảm cho qua, nhưng trong thâm tâm, chúng vẫn không hài lòng. Vì thế tôi cố thực hiện mọi lời hứa của mình trừ trường hợp bất đắc dĩ không thể thay đổi được gì. Trong những trường hợp như thế, tôi đành chịu để niềm tin của chúng nơi tôi bị sứt mẻ và sau đó cố gắng mọi cách để hàn gắn lại.
LÒNG TRUNG THỰC VÀ SỰ CHÍNH TRỰC
Huấn luyện viên bóng rổ huyền thoại Rick Pitino đã diễn đạt nguyên tắc về lòng trung thực một cách đơn giản nhưng sâu sắc như sau: “Lời nói dối làm vấn đề của hiện tại trở thành vấn nạn của tương lai; lời nói thật biến vấn đề của hiện tại thành việc đã được giải quyết trong quá khứ”.
Tôi nhớ có lần cùng làm việc với một nhà thầu xây dựng, một người thẳng thắn và bộc trực đến mức khó tin dù là về những vấn đề khó khăn đang gặp phải, hay về sai sót anh ta gây ra đối với dự án của chúng tôi. Anh ta chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sai sót đó. Anh ta đưa cho chúng tôi các dự toán tài chính đầy đủ và nhất quán theo các phương án mà chúng tôi muốn lựa chọn ở mọi giai đoạn xây dựng, làm cho chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và tin cậy anh ta. Việc anh ta coi sự chính trực của mình và mối quan hệ với chúng tôi quan trọng hơn sĩ diện cá nhân và ý muốn tự nhiên muốn che giấu lỗi lầm của mình đã tạo được lòng tin và mối quan hệ gắn bó giữa anh ta và chúng tôi. Và sự tin cậy này đã giúp anh ta đạt được kết quả tốt đẹp trong kinh doanh.
Không ai có thể mang hai bộ mặt, một với mình, một với người khác, được lâu dài mà không bị “lật mặt nạ”.
- NATHANIEL HAWTHORNE
TỬ TẾ VÀ LỊCH THIỆP
Đối với con người, đôi khi những điều nhỏ nhặt lại là chuyện lớn. Vào một buổi học cuối khóa, một sinh viên đến gặp tôi và sau khi khen ngợi khóa học, anh ta nói: “Thưa Tiến sĩ Covey, ông quả là một chuyên gia về quan hệ con người, nhưng ông đâu có biết tên tôi, đúng không?”.
Anh ta nói đúng. Tôi cảm thấy bối rối và cố gắng tự kiềm chế bản thân. Bạn thấy đấy, khi mối quan hệ chưa vững chắc và chưa có cùng mục đích thì kết quả của mối quan hệ đó chưa đủ hiệu lực, đặc biệt đối với những người cảm thấy thiếu an toàn và hay sĩ diện. Điều đó hoàn toàn khác với đồ vật vì chúng vô tri vô giác, nhưng con người hoàn toàn khác. Đồ vật không có cảm xúc nhưng con người thì có, kể cả những người mạnh mẽ nhất, cứng rắn nhất hay cấp cao nhất. Sự lịch thiệp và tử tế dù là hành động nhỏ nhất nhưng có thể đem lại hiệu quả lớn lao. Điều này thuộc về sức mạnh tình cảm (EQ – Emotional Quotient).
Mặt khác, người ta thường thông qua cử chỉ bên ngoài, các kỹ thuật giả vờ tử tế để biết họ có đang bị người khác mua chuộc lôi kéo hay không.
Lòng tốt, sự lịch thiệp và sự tôn trọng thực sự phải xuất phát từ sự chân thật, nguồn gốc của sức mạnh tinh thần (SQ – Spiritual Quotient).
Tôi thường trò chuyện với các con của tôi và các sinh viên ở trường rằng nếu chúng học và sử dụng bốn cụm từ sau (tổng cộng có mười từ tiếng Anh) một cách thành thật và thường xuyên, chắc chắn chúng sẽ đạt được mọi cái mình muốn trong hầu hết các trường hợp:
Một từ: “Làm ơn” (Please)
Hai từ : “Cảm ơn” (Thank you)
Ba từ : “Tôi yêu/quý bạn” (I love you)
Bốn từ: “Tôi có thể giúp bạn điều gì không?” (How may I help?)
Trong khi, tôi cũng tin rằng, người lớn thật ra chỉ là trẻ con nhiều tuổi.
TƯ DUY CÙNG THẮNG HOẶC KHÔNG GIAO KẾT
Tư duy Thắng/Thua (Win/Lose) là giả định cơ bản của hầu hết mọi cuộc thương lượng và giải quyết vấn đề. Nó bắt nguồn từ nếp nghĩ về sự “quý hiếm” trong xã hội, nghĩa là nếu người khác càng chiến thắng hay giành được kết quả thì phần còn lại của ta sẽ càng ít đi. Mục tiêu để có được cái mình muốn - thường có nghĩa là phải làm thế nào để khống chế hay chiếm ưu thế đối với kẻ khác để họ nhường lại cho mình càng nhiều càng tốt. Nhiều người còn dùng cách này để giải quyết bất đồng với người khác, kể cả trong gia đình. Hai bên sẽ đấu tranh với nhau cho đến khi một bên chịu thua hoặc hai bên thỏa hiệp với nhau. Tôi đã từng giảng dạy cho nhiều người về ý tưởng xóa bỏ nếp nghĩ Thắng/Thua bằng Tư duy Cùng thắng (Win/Win).
Nó đòi hỏi bạn phải có sự dũng cảm, trí lực dồi dào và năng lực sáng tạo để không giải quyết vấn đề bằng sự thỏa hiệp dù với bên nào.
Tôi cũng dạy rằng chìa khóa tiếp theo là phải bắt đầu bằng giải pháp không giao kết. Thực tế là chỉ khi nào bạn có giải pháp không giao kết, nghĩa là bạn sẵn sàng từ bỏ việc giao kết, hai bên đồng ý về sự khác biệt của nhau thì khi đó bạn mới cảm thấy không cần lôi kéo, gây sức ép, hay đe dọa người khác để họ nghe theo cách của bạn.
Bạn cần để ý rằng sức mạnh của Tư duy Cùng thắng hoặc không giao kết này xuất phát từ ý muốn có sự hy sinh – tạm gác lại đòi hỏi của mình để hiểu rõ người khác muốn gì nhất và tại sao, qua đó bạn mới có thể cùng làm việc với họ để tìm ra giải pháp mới đầy sáng tạo và mang đến cho cả hai phía lợi ích chung.
LÀM RÕ CÁC KỲ VỌNG
Thực ra, làm rõ các kỳ vọng là kết hợp tất cả các khoản ký gửi khác trong tài khoản tình cảm của bạn; bởi vì để làm rõ nó, đặc biệt về các vai trò và mục đích, đòi hỏi phải có sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau sâu sắc. Để làm được điều này, cần phải thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Nếu bạn tìm hiểu kỹ tất cả các trường hợp sứt mẻ, tan vỡ các mối quan hệ thì bạn sẽ thấy rằng nguyên nhân là do sự mơ hồ hay sự phá vỡ các kỳ vọng xung quanh vai trò và mục tiêu của các bên trong mối quan hệ đó.
KHÔNG CHỈ TRÍCH HAY PHÊ BÌNH NGƯỜI VẮNG MẶT
Tôn trọng những người không có mặt vào một thời điểm nào đó là việc khó thực hiện nhất trong tất cả các khoản gửi trong tài khoản tình cảm của bạn. Đây là phép thử cao nhất về cả tính cách lẫn mức độ gắn kết của các mối quan hệ. Điều này đặc biệt đúng khi người ta tụ tập bàn tán và nói xấu sau lưng người khác. Trong những trường hợp như thế, bạn nên tỏ ra khách quan: “Tôi thấy chuyện đó khác”, hoặc: “Theo kinh nghiệm của tôi thì việc đó khác”, hoặc: “Có thể bạn nói đúng; vậy chúng ta nên gặp trực tiếp anh ấy/chị ấy để làm rõ việc đó”.
Làm như vậy, bạn cho mọi người thấy rằng sự liêm chính là sự tôn trọng và trung thành không những với những người có mặt mà cả những người vắng mặt. Dù họ có thừa nhận điều đó hay không thì trong thâm tâm của những người có mặt, họ sẽ không khỏi khen ngợi và kính trọng bạn. Họ sẽ hiểu rằng bản thân họ cũng sẽ được bạn coi trọng như vậy khi họ vắng mặt. Ngược lại, nếu bạn không coi trọng sự liêm chính, bạn cùng tham gia vào việc nói xấu sau lưng người khác, thì những người có mặt sẽ không khỏi nghĩ rằng trong những hoàn cảnh tương tự, bạn cũng có thể nói xấu sau lưng họ.
BIẾT NHẬN LỖI
Một trong những hình thức nhận lỗi có sức thuyết phục nhất là học cách nói: “Tôi sai rồi, tôi xin lỗi”, hoặc: “Vì ích kỷ nên tôi đã hành động quá đáng và đã xem thường bạn...” – và sau đó hãy sống theo đúng như lời nói đó. Tôi đã chứng kiến những mối quan hệ bị tan vỡ trong nhiều năm nhưng đã được hàn gắn trong một thời gian ngắn. Đó là nhờ vào sự nhận lỗi chân thành và sâu sắc. Nếu bạn trót nói một câu gì đó một cách vô ý trong một tình huống đang chịu sức ép nào đó, thì khi xin lỗi bạn nên giải thích vì sao bạn đã vô ý làm tổn thương họ và cho họ biết rằng bạn không có ý như đã nói. Còn nếu bạn đã cố ý nói như vậy, thì việc nhận lỗi đòi hỏi bạn phải thay đổi suy nghĩ và thực sự hối hận thì bạn mới có thể nói: “Tôi xin lỗi, tôi đã nói và hành động sai và tôi đang cố gắng sửa chữa sai lầm của mình”.
CHO VÀ NHẬN PHẢN HỒI
Những sinh viên gần gũi nhất với tôi trong những năm tôi còn đứng trên giảng đường là những người nhận được thông tin phản hồi từ tôi nhiều nhất. Rất nhiều lần tôi nói: “Em có thể làm tốt hơn thế. Thầy không bỏ qua đâu, em đừng bào chữa. Em phải trả giá cho việc này”.
Nhiều sinh viên tâm sự với tôi rằng việc bắt họ phải có trách nhiệm – phải chịu hậu quả do hành động của họ gây ra chính là bước ngoặt lớn thay đổi cuộc đời của họ dù lúc đó họ cảm thấy vô cùng khó chịu.
Việc cho người khác những thông tin phản hồi “nghịch hướng” là một trong những giao tiếp khó khăn nhất. Nhưng đó cũng chính là việc làm cần thiết nhất. Rất nhiều người có những điểm yếu nghiêm trọng mà họ không sao biết được để khắc phục vì không ai phản hồi cho họ biết. Người ta quá lo sợ làm rạn nứt các mối quan hệ hoặc sợ ảnh hưởng xấu đến tương lai sự nghiệp của mình nên thường tránh “đối đầu” với cấp trên của họ.
Những người có quyền lực cần tạo điều kiện cho việc đưa ra và tiếp nhận thông tin phản hồi. Khi bạn nhận được thông tin phản hồi, bạn cần phải công khai những thông tin đó, và bày tỏ sự biết ơn những người đã cung cấp thông tin dù thông tin phản hồi đó có hại chăng nữa. Nếu bạn không tỏ thái độ công khai như thế, thì người ta sẽ hiểu rằng việc cung cấp thông tin phản hồi “nghịch hướng” là biểu hiện của sự bất trung và bất phục tùng.
Tất cả chúng ta đều cần đến những thông tin phản hồi, đặc biệt về điểm yếu của chính mình mà bản thân không nhìn thấy – hay những điểm yếu mà chúng ta ra sức bảo vệ.
THA THỨ
Tức giận là một loại a-xít gây hại cho chiếc bình đang chứa đựng nó nhiều hơn bất cứ chiếc bình nào khác mà nó sẽ đổ vào.
- MAHATMA GANDHI
Sự tha thứ đích thực bao gồm việc quên đi, cho qua và hướng tới tương lai. Có lần đang đi công tác, tôi nhận được điện thoại của một người quản lý nói anh ta muốn từ chức vì cấp trên trực tiếp chỉ trích anh ta. Tôi yêu cầu anh ta đừng vội quyết định cho đến khi gặp tôi. Anh ta nói: “Tôi gọi cho ông không phải để hỏi ý kiến. Tôi sẽ từ chức”. Tôi nhận ra trước đó tôi đã không lắng nghe anh ta, nên bây giờ tôi phải cố gắng sửa chữa cho điều đó. Thế là anh ta được dịp trút bầu tâm sự và kể mọi chuyện, từ sự kêu ca phàn nàn trong công việc đến cả những chuyện khó chịu về người vợ của mình. Khi tôi thực sự lắng nghe thì cơn giận của anh ta nguôi dần và anh ta đồng ý gặp tôi ngay sau khi tôi trở về.
Khi tôi trở về, anh ta đưa vợ đến gặp tôi tại văn phòng trong sự mừng rỡ. Nhưng ngay khi bắt đầu nói chuyện thì cơn tức giận lại bùng phát. Tôi kiên trì lắng nghe cho đến khi họ trấn tĩnh và cởi mở hơn. Thế rồi tôi nói cho họ rõ về khoảng cách giữa kích thích và phản ứng và cái hại lớn nhất không phải do người khác gây ra cho mình mà do phản ứng của mình đối với sự kích thích đó.
Sau đó họ trở nên cởi mở hơn và tôi bèn nhấn mạnh một lần nữa về sức mạnh của sự lựa chọn và họ nên xem xét khả năng xin cấp trên tha thứ về sự tức giận của anh ta. Anh ta phản ứng lại: “Ông bảo sao? Ông nói ngược thì có. Không phải chúng tôi xin anh ta tha thứ mà là chính anh ta cần phải làm thế!”.
Năng lượng tiêu cực tiếp tục bị phung phí cho đến khi họ nhận ra rằng chẳng có sự kích thích bên ngoài nào có thể làm hại đến mình, nếu không có sự đồng ý của chính họ và họ là sản phẩm của chính quyết định của mình – chứ không phải là sản phẩm của hoàn cảnh bên ngoài. Cuối cùng anh ta cũng đồng ý rằng sẽ suy nghĩ thêm về vấn đề này. Sau đó anh ta gọi điện cho tôi và nói rằng anh ta đã nhận ra sự đúng đắn của nguyên tắc mà chúng tôi đã thảo luận với nhau và chấp nhận nó. Sau đó anh đến gặp cấp trên và xin được tha thứ, và cấp trên của anh đã rất xúc động trước cử chỉ này và sau đó chính ông ấy cũng đích thân xin lỗi anh, cuối cùng mối quan hệ giữa họ trở lại tốt đẹp.
Sự tha thứ sẽ chấm dứt chuỗi hành động trả đũa lẫn nhau, bởi người quyết tâm “tha thứ” -
ngoài tình yêu thương - còn sẵn sàng nhận cả những hậu quả mà người khác đã gây ra cho họ. Tha thứ, vì thế, luôn luôn song hành
cùng đức hy sinh.
- DAG HAMMARSKJOLD
LỜI KẾT VỀ XÂY DỰNG LÒNG TIN
Phần lớn sự tập trung của tôi ở chương này là nói về những điều chúng ta có thể thực hiện một cách có ý thức để xây dựng sự tin cậy (trust) trong các mối quan hệ.
Nhưng bạn cần nhớ rằng, trust (tin cậy) cũng là một động từ. Như tôi đã bắt đầu Phần 2 của cuốn sách này bằng câu chuyện về thời kỳ đầu của giai đoạn trưởng thành, khi có người phát hiện rằng tiềm năng của tôi lớn hơn nhiều so với những gì tôi tự nhận ra. Ông ấy đã nhìn thấu con người tôi, cả trái tim, khối óc lẫn tâm hồn tôi để nhận ra những hạt mầm còn thô ráp chưa được phát triển trong tôi; và ông biết rằng đó chính là nơi chứa đựng những sức mạnh dẫn đến sự thành công tiềm tàng mà mỗi con người chúng ta đều có.
Vì thế ông ấy đã đặt niềm tin vào tôi, đồng thời cho tôi trách nhiệm và nghĩa vụ vượt xa kinh nghiệm và năng lực theo nhận thức của tôi. Ông ấy đã trao cho tôi niềm tin, mà chưa có thử thách và kiểm chứng về năng lực. Ông ấy chỉ có lòng tin ở tôi, kỳ vọng tôi sẽ vượt qua được thách thức, và đã đối xử với tôi đúng như vậy. Đó là một hành động xuất phát từ niềm tin thực sự. Nhưng chính niềm tin đó đã làm tăng niềm tin và tầm nhìn của tôi khiến từ đó tôi được thôi thúc, cổ vũ để vươn tới những gì cao đẹp nhất trong con người tôi.
Nhà thơ Goethe từng nói: “Đối xử với một người đúng với người đó, thì anh ta vẫn là con người như vậy, đối xử với một người như anh ta có thể trở thành và phải trở thành thì anh ta sẽ trở thành con người như thế đó”.
Niềm tin sẽ biến thành hành động khi bạn nói cho người khác biết rõ giá trị và tiềm năng của họ để thôi thúc họ tự nhận thấy chúng trong chính bản thân mình.
HỎI & ĐÁP
HỎI: Làm thế nào để thay đổi thái độ của mình? Chẳng có gì nguy hại cho một tổ chức hơn là những thái độ tiêu cực. Ông xử lý vấn đề này như thế nào?
ĐÁP: Tôi xin trả lời câu hỏi này ở ba mức độ.
Thứ nhất, ở mức độ cá nhân, hãy nêu gương làm một người có thái độ tích cực - luôn tránh xa những thói xấu tai hại như chỉ trích, so bì, ganh đua, tranh giành. Nói một cách nghiêm túc, không gì mạnh mẽ hơn việc sống và làm việc bên cạnh người chỉ đường chứ không phải người phán xét; người nêu gương, chứ không phải người chỉ trích.
Thứ hai, hãy dành một ít thời gian để xây dựng mối quan hệ với người tỏ ra có thái độ tiêu cực. Thái độ tiêu cực thường là triệu chứng của sự bất ổn đang diễn ra bên trong. Con người cần có sự cảm thông của người khác. Cố gắng hiểu người khác là một biện pháp giúp bạn tìm ra gốc rễ của vấn đề chứ không phải chỉ dừng lại ở những lời ta thán về kết quả xảy ra.
Thứ ba, đôi khi có những lực chi phối khác mạnh mẽ hơn sự nêu gương hay mối quan hệ của bạn. Đôi khi bạn chỉ cần mỉm cười để không bị ám ảnh bởi thái độ tiêu cực. Điều đó có tác dụng không làm cho thói xấu di căn. Nên nhớ rằng khi bạn xây dựng cuộc sống tình cảm của mình dựa vào điểm yếu của người khác, kể cả thái độ tiêu cực của họ, bạn sẽ tự làm mình bất lực và kích thích người khác tiếp tục phát triển thói xấu đó. Bạn không thể làm thay đổi mọi thứ; bạn không thể làm thay đổi người khác; bạn chỉ có thể thay đổi bản thân mình. Tuy nhiên tôi nhận thấy khi người ta được phát triển kỹ năng hay năng lực phù hợp với năng khiếu của họ thì thái độ của họ đối với bản thân hay người khác có thể thay đổi theo hướng tích cực.
HỎI : Lời khuyên có giá trị nhất về sự khích lệ, thúc đẩy là gì?
ĐÁP: Trước tiên, hãy nêu gương tốt cho mọi người và sau đó khẳng định niềm tin về giá trị và tiềm năng của họ để họ tự nhận ra các giá trị và tiềm năng đó ở chính mình. Không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động và sự khích lệ. Chúng ta cần hiểu rằng cả động cơ bên trong lẫn động cơ bên ngoài đều quan trọng. Ngọn lửa bên trong con người cũng giống như một que diêm: để phát lửa, trước tiên nó cần có sự ma sát từ bên ngoài.
HỎI: Trong thế giới internet ngày nay, nơi người ta có thể không cần đối mặt trực tiếp với nhau, vậy làm thế nào để tối ưu hóa các công nghệ mới mà không làm mất đi yếu tố con người thực tế tại nơi làm việc, đồng thời đảm bảo được khả năng nâng cao hiệu quả do tiến bộ của công nghệ mang lại?
ĐÁP: Theo đánh giá chủ quan của tôi thì dù công việc có trình độ kỹ thuật cao đến mấy, cuối cùng vẫn cần tới bàn tay và khối óc của con người. Mỗi khi bạn xây dựng một mối quan hệ, bạn có thể tư duy và hành động có hiệu quả. Công nghệ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, nhưng nó không thể thay thế được mối quan hệ giữa con người với nhau. Bạn cần nhớ rằng đối với con người, đôi khi nhanh là chậm, và chậm lại là nhanh. Kỹ thuật, cũng như cơ thể con người, là một anh đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ tồi.