"Bắc Dương, con có biết vì sao Hoàng lăng này phải chôn sâu dưới lòng đất không? Vì sao đá núi tường gạch bốn bề vô cùng kiên cố? Vì sao mộ đạo này lại nhất định phải bí mật không cho ai biết?”
Người cha nhìn quanh con đường địa cung.
Bắc Dương trả lời nhanh như chớp: “Đương nhiên là sợ mấy trăm năm sau có người trộm mộ rồi! Trong lăng mộ Hoàng đế nhất định có báu vật giá trị liên thành, đạo lý này đến đứa trẻ ba tuổi cũng hiểu.”
“Không sai”. Tần Hải Quan liếc ra ngoài mộ đạo: “Con bảo giang sơn Đại Thanh này liệu có thực sự tồn tại muôn thuở không?”
“Châu chấu sau mùa thu, chẳng nhảy nhót được mấy ngày nữa đâu!”
Tần Hải Quan hít ngược một hơi, bịt miệng con trai lại: “Bắc Dương à, lời này tuyệt nhiên không được nói với bất kì ai, nếu không đầu của hai cha con ta đều không giữ nổi đâu, nói không chừng đến cả mộ tổ cũng bị người ta đào bới lên mất.”
“Đợi đến khi triều đại đổi thay, giang sơn đổi chủ, Hoàng lăng này lại do chính tay chúng ta xây, khó tránh khỏi việc bị đám trộm mộ ghé thăm. Trên cuốn sách sử mà cha kiếm cho con có ghi lại rằng, vào thời Tam Quốc, vì để xoay sở quân phí, Tào Tháo đã đặc biệt lập ra Phát khâu Trung lang tướng, Mô kim hiệu úy (1), đào lăng mộ Lương Hiếu Vương Lưu Vũ nhà Hán, đập phá quan tài, thu được hàng vạn vàng. Sau khi Tào Tháo qua đời, để tránh bị người đời sau trộm mộ, ông ta còn bố trí bảy mươi hai ngôi mộ giả.”
“Con à, sao con có thể hiểu nhiều đạo lý như vậy? Con mới có mười tuổi thôi mà!”
“Cha à, mấy cuốn sách cha mua cho con không phải đều giấy trắng mực đen viết rõ rồi sao? Con nhớ hết rồi, sẽ không lãng phí thời gian một năm dưới địa cung này đâu.” Tần Bắc Dương ngây ngô mở to hai mắt, ngả lưng xuống giữa địa cung, dường như nơi đây mới là nhà, “Nhưng hình như từ lúc bắt đầu nhớ được mọi chuyện thì trong đầu con luôn đầy ắp những thứ kì quái. Con có thể hiểu được những thứ mà người khác không thể hiểu, phát hiện những bí quyết mà người khác không thể phát hiện. Có lúc con suy nghĩ như một ông già; có lúc con lại giống như một thằng nhóc mãi không trưởng thành! Có một thầy giáo người Đức còn nói đầu óc con có bệnh, phải đưa đến Vienna để bác sĩ Freud khám!”
Lão Tần thầm suy nghĩ, càng nghĩ càng thấy sợ… Có lẽ nào là do đứa trẻ này sinh ra trên quan tài ở trong địa cung triều Đường ho nên thiên phú cũng khác hẳn người thường hay không?
“Nghe cha nói này, ba nghìn năm nay, nếu muốn bảo vệ lăng mộ của quân vương, thứ lợi hại nhất không phải thành đồng vách sắt mà là thần thú trấn mộ”.
“Thú trấn mộ thực sự tồn tại sao?”
“Không chỉ để đề phòng lũ trộm mộ thôi đâu. Sau khi những triều đại cũ diệt vong, có khi triều đại mới sẽ phá hoại lăng tẩm của triều trước. Mà thú trấn mộ cũng không chỉ để phòng bị người sống, ở dưới đất còn có rất nhiều vong hồn thù oán với chủ mộ. Con đọc qua sách sử rồi thì cũng biết, phàm là người có thể lên làm Hoàng đế gây dựng đại nghiệp thì ắt hẳn lòng dạ tàn độc, không biết đã có bao nhiêu người đã chết thảm trong tay họ. Linh hồn muốn giết vua báo thù nhiều không kể xiết!”
“Giống như Hoàng đế Ung Chính ư?”
Tần Bắc Dương nhớ lại cuộc gặp vào lúc đêm khuya một năm về trước.
“Không được nói năng bừa bãi! Chúng ta chỉ nói về các triều đại trước, tuyệt đối không bình luận về bản triều.”
“Vâng vâng vâng, cha nói tiếp đi, thú trấn mộ không những có thể phòng bị người sống đào mộ mà còn có thể phòng linh hồn người chết đến báo thù, đúng không ạ?”
“Ừ, ngoài những oan hồn báo thù, dưới đất còn có vô số cô hồn dã quỷ. Một số từ ba nghìn năm trước, một số ngược dòng về Ngụy Tấn Đường Tống, thậm chí có người còn chết trong chiến loạn bao năm trước thời nhà Minh. Bọn họ không hề quen biết chủ mộ, nhưng cũng sẽ nguy hại đến sự thanh tịnh của địa cung. Có một số đã không còn thực thể, hài cốt sớm đã hóa thành tro bụi, nhưng oán niệm dù trải qua bao lâu vẫn như còn mới, không thể gạt bỏ. Chỉ có thú trấn mộ mới có thể khuất phục triệt để những tàn uế này.”
Tần Bắc Dương bị cha mình dụ đến không chịu được, nhìn vào nơi sâu thẳm tối đen như mực của địa cung, nói: “Cha đừng vòng vo nữa! Mau nói xem rốt cuộc phải làm sao để tạo ra được thú trấn mộ?”
Đây là đoạn hỏi đáp quan trọng nhất trong cuộc đời Tần Bắc Dương.
Sâu trong địa cung lăng mộ Hoàng đế Quang Tự, Tần Hải Quan bưng ngọn đèn dầu lên, chiếu sáng đôi mắt của con trai: “Hơn ba mươi năm trước, cha theo ông nội con tu tạo thú trấn mộ cho Hoàng đế Đồng Trị, và cũng bị giam trong địa cung. Thú trấn mộ mà đời người tạo ra được cũng tương đối có hạn, một mình ta cũng chỉ tự tạo được một thú trấn mộ ở trong lăng mộ của Thái hậu Từ Hy. Theo quy chế triều đình của Đại Thanh, thú trấn mộ chỉ trang bị cho Hoàng đế, còn Hoàng hậu trừ khi bồi táng theo Hoàng đế, nếu không cũng không có tư cách được dùng thú trấn mộ.”
“Đương kim Thái hậu nương nương sau này cũng sẽ được chôn cất trong địa cung này ạ?”
Tần Bắc Dương đang nói đến Long Dụ Hoàng thái hậu, quả phụ của Hoàng đế Quang Tự, hai năm sau, đích thân bà đã ký bản thông báo tử vong của triều nhà Thanh.
“Đúng vậy.”
“Thế sao Thái hậu Từ Hy lại có thú trấn mộ của riêng mình?”
“Lão Phật Gia chính là chim phượng ở trên cao! Quyền thế của người vượt trên bất kì một vị Hoàng đế nào từ thời Càn Long gia đến nay. Người có phá vỡ quy chế triều đình cũng không ai làm gì được.”
“Thú trấn mộ của phụ nữ thì sẽ thế nào ạ?”
“Cha không thể nói được”. Tần Hải Quan kín miệng như bưng: “Đây là quy củ của gia tộc, đến con trai ruột cũng không thể nói. Bí mật của thú trấn mộ buộc phải chôn trong địa cung, trừ phi do chính tay con tạo ra.”
“Phượng Hoàng?”
“Đừng đoán mò nữa, có đoán trúng ta cũng không nói đâu! Bắc Dương, chịu khó theo ta mà học cho tốt, con sẽ biết được thú trấn mộ của Hoàng đế Quang Tự trông thế nào.”
“Vâng, thật thú vị quá!”
Một năm trước, cậu vừa đến lăng mộ này còn muốn trốn về Thiên Tân để đi học, may sao không thành công, nếu không sẽ vẫn là bị nhốt trong trường học, học thuộc các bài văn, làm bài tập, nộp bài thi, hoặc bị ba thích khách kia sát hại – sao có thể vui và kích thích như chế tạo thú trấn mộ được cơ chứ?
“Con nhìn này!” Tần Hải Quan cầm một cành cây vẽ Cửu cung cách (2) lên mặt cát vàng trong địa cung: “Chế tạo thú trấn mộ tổng cộng chia làm chín bước, còn gọi là "Chế thú cửu cung”. Mỗi một bước là một cung.”
“Cung thứ nhất.”
Trong ô thứ nhất ở góc trên bên trái, Tần Hải Quan viết hai chữ “Văn tế”.
Ngày hôm đó, trong địa cung bày biện bàn thờ, mặc dù là quan tài không đế hậu nhưng có giếng vàng long huyệt thay thế cho linh hồn Hoàng đế. Tần Hải Quan mời Bút Thiếp thức Cửu phẩm (3) trong Hoàng lăng, cũng chính là Thư ký văn án, sao chép cho một tờ biểu văn. Lão kéo Tần Bắc Dương quỳ xuống đất dập đầu, từ từ dâng lên ba nén nhang, cao giọng tụng.
Thần Tần Hải Quan, Tần Bắc Dương thấp thỏm lo âu quỳ lạy dập đầu chắp tay cầu khấn: Quỳ lạy đức độ của bậc đế vương phủ khắp đất trời, trong ngoài đều nhìn thấy sự hưng thịnh, Hoàng ân khắp vũ trụ, gần xa hân hoan mừng đất nước thịnh vượng, hội tụ may mắn, trăm vị quân vương đều ngước lên, thánh nhân ngọc ngà tơ lụa muôn phương, cùng chờ ngày thái bình, khắp thiên hạ vui mừng, kinh kỳ reo vui. Thần tuân theo thánh mệnh, muốn chế một thần thú trấn mộ, nay nguyện thề, đinh ninh chẳng quên, đồng tâm hiệp lực, trời đất chứng giám. Đợi khi Thần thú hoàn thành sẽ bảo vệ lăng tẩm tỉ năm không thay đổi, bảo vệ giang sơn triệu năm bền vững. Thần cung kính không dám nhìn trời, nhìn thánh, vô cùng lo lắng, chỉ xin dâng biểu tấu cầu xin để ngài được biết.
Tuyên Thống năm 2 tháng 5 ngày mười sáu tấu.
Đọc xong, Tần Hải Quan châm lửa đốt biểu văn, gửi cho Hoàng đế Quang Tự dưới địa phủ. Dập đầu thêm lần nữa rồi lão đưa con trai lui khỏi địa cung.
Bước ra khỏi mộ đạo, Tần Bắc Dương nhìn ra bầu trời trong xanh, thầm nói nhỏ: “Con không thích quỳ gối dập đầu, cho dù là với Hoàng thượng.”
Lão Tần mặt biến sắc: “Đã muốn làm thú trấn mộ thì tính mạng và linh hồn chúng ta đều không thuộc về mình nữa, mà thuộc về Hoàng thượng đã khuất.”
“Cha, văn tế mà cha đọc là tổ tiên để lại sao?”
Tần Bắc Dương thầm nghĩ vị Hoàng đế anh minh thần vũ trong biểu tấu hoàn toàn không giống Quang Tự, mà đích thực là Tần Hoàng Hán Vũ Đường Tông Tống Tổ! (4)
“Nhà chúng ta từ đời Đường đến nay đều đọc như vậy cả, bất luận có là thái bình hưng thịnh hay thay đổi triều đại đi nữa”. Tần Hải Quan gãi gãi sau gáy, “Đây là thủ tục đầu tiên của Cửu cung cách, cung thứ hai chính là vẽ bản vẽ thiết kế.”
“Tuyệt! Con thích cái này nhất. Lúc trước ở trường học của Đức, giáo viên cơ giới và hiệu trưởng thường cùng nhau vẽ bản vẽ, có vẽ máy móc cũng có vẽ xe ngựa, thậm chí có cả vũ khí nữa. Con đã vẽ rất nhiều bản vẽ dựa theo hình dáng của họ, còn dùng giấy can dán lên trên để mô tả.”
“Chớ có nóng vội, chúng ta không thể vẽ bừa mà không có căn cứ gì, phải dựa vào đặc trưng của chủ mộ lúc sinh thời.”
Đặc trưng của Hoàng đế Quang Tự rốt cuộc là gì vậy?
Tần Bắc Dương nhớ lại giấc mơ vào cái đêm cậu vừa bị giam vào địa cung một năm về trước.
Bảy ngày sau, một chiếc hộp gỗ được gửi đi từ Tử Cấm Thành, dùng ngựa chuyển nhanh đến Tây Lăng.
Chiếc hộp được mở ngay trước mặt Giám sát lăng mộ, đầu tiên là sinh thần bát tự của Hoàng đế Quang Tự, lại thêm một bức họa chân dung, một cuộn tranh ngự bút, một tập thơ ngự chế, một chuỗi tràng hạt gỗ đàn hương Hoàng đế đã dùng, còn một bức ảnh Hoàng đế do người Tây chụp. Tất cả đều cần Tần Hải Quan ký tên đồng ý nhận, hạn trong ba mươi ngày phải trả lại trong cung.
Địa cung chính là phòng thiết kế, Tần Hải Quan nói phải ở trong cảnh u ám, dưới sự gia tăng và duy trì của linh khí trong Giếng vàng long huyệt thì mới thiết kế ra được thú trấn mộ hoàn mỹ nhất. Tần Bắc Dương lần đầu tiên nhìn thấy tranh chân dung và ảnh lúc sinh thời của Hoàng đế Quang Tự, giống hệt người đàn ông ở Doanh Đài - Trung Nam Hải (5) cậu đã thấy trong giấc mơ một năm trước. Hoàng đế mặc áo khoác dài, đội mũ thường ngày màu đen, mặt mũi gầy gò, ánh mắt oán hận, không nén nổi tim khẽ nhói đau.
Doanh Đài, còn gọi là Doanh thái, nghĩa là lâu đài trên hồ, do bốn mặt giáp hồ như hòn đào giữa biển khơi. Là nơi đế vương và hậu phi nghe tấu sớ, ra chiếu và nghỉ hè.
Mở tập thơ Hoàng đế sáng tác, mở đầu là ngự chế văn khi Hoàng đế Quang Tự mười lăm tuổi “Là người đứng trên mọi người trước tiên phải có tấm lòng yêu dân, sau phải ý nghĩ lo lắng cho dân. Yêu dân phải sâu, lo lắng phải chu toàn. Lo lắng chu toàn, vậy nên dân đói ta đói; dân lạnh ta lạnh. Phàm là việc dân có thể đạt được thì dốc toàn lực giúp dân đạt được; nếu là việc dân không đạt được thì cũng phải tận lực mà thực hiện.”
Còn có một bài: “Một chiếc lá rơi xuống giếng vàng, Dao điện cạnh bên võ vàng. Cành xác xơ chưa rơi, ánh mặt trời huy hoàng. Nước trong rãnh oán hận vô ích, khúc nghê thường đau xé ruột gan. Chẳng bằng đám cỏ bên bờ sông, vẫn còn uyên ương ở lại”. Nhìn rất quen, Tần Bắc Dương nghĩ kĩ lại, thì ra cũng là nghe thấy trong mơ.
Tranh ngự bút là hoa cúc trên hòn non bộ, có đóng con dấu “Quang Tự ngự bút chi bảo”. Lối vẽ màu tỉ mỉ, đá xanh, cúc chia làm bốn màu vàng, hồng, đỏ, trắng, điểm thêm lá xanh, màu sắc rực rỡ, quả là đẹp mắt, lại không hề lòe loẹt.
Tần Bắc Dương cầm lấy chuỗi tràng hạt gỗ đàn hương, tức khắc thấy giật mình. Lòng bàn tay trào lên một luồng khí nóng, thuận theo kinh lạc của nửa bên phải thấm vào tất cả các lỗ chân lông trên người. Vật mà ngày đêm được Hoàng đế Quang Tự sờ đến cũng lưu lại chí nguyện vĩ đại nửa đời trước và lòng oán hận nửa đời sau của vị quân chủ. Đặt lên mũi ngửi, mùi đàn hương hòa lẫn với mùi của một người đàn ông trước khi mất xộc thẳng vào phổi của cậu bé mười tuổi, tựa hồ hóa thành hình người. Tần Bắc Dương ho dữ dội, giao lại chuỗi tràng hạt cho cha.
“Con đã rõ đặc trưng của Hoàng thượng chưa?”
“Vâng, con đã nhìn thấy ông ấy rồi!” Tần Bắc Dương chỉ vào giếng vàng nơi địa cung, trong bầu ánh sáng u ám đó tung bay bụi trần của một thế giới khác, “Vô cùng rõ ràng! Không chỉ là vẻ ngoài, còn có nội tâm, hơi thở, mừng giận buồn vui, thất tình lục dục. Không, không phải là con nhìn thấy ông ấy mà ông ấy đang ở ngay trên người con.”
Cậu bé phát ra tiếng rên rỉ, lăn lộn trên mặt đất như trúng độc thạch tín. Cậu đạp chân tứ tung, co giật dữ dội, sùi bọt mép, Tần Hải Quan hoàn toàn không có cách nào lại gần. Đột nhiên, từ trong giếng vàng dâng lên một đám sương mù, Tần Bắc Dương yên tĩnh lại.
Còn chưa kịp lau đi mồ hôi trên trán, Tần Bắc Dương đã lập tức ngồi vào trước án thư, ghé sát đèn dầu, trải bản vẽ ra. Dựa theo cách vẽ bản vẽ đã học được của môn cơ giới ở trường học của Đức, trước tiên dùng đường thẳng hình học để phác họa ra một hình người mơ hồ.
Trên đầu vẽ hai chiếc sừng sơn dương cong cong, phần thân trên của hình người đứng thẳng, tay trái duỗi thẳng nghiêng lên trên một góc bốn mươi lăm độ, tay phải uốn cong kéo ra sau tai, hiện ra tư thế giương cung bắn tên. Cậu lại vẽ một cây cung khảm sừng sơn khắc, mũi tên dài nhắm thẳng lên trời, đó là cảm hứng cậu có từ lúc nhìn thấy Phi tướng quân Lý Quảng (6) trong sổ vẽ.
Lão Tần vội ôm vai con trai: “Con đang vẽ cái gì vậy?”
“Thú trấn mộ của Hoàng đế Quang Tự!”
Tần Bắc Dương hạ bút xuống, thân thể mềm nhũn vô lực, dường như đã mệt lả.
“Vì sao lại vẽ một người giương cung bắn tên? Trên đầu lại có sừng dê?”
“Cha, cha nghĩ mà xem, đời này Hoàng đế Quang Tự hận nhất là đất nước ngoại quốc nào?”
“Liên quân tám nước… Nghe nói không chỉ có tám nước ngoại quốc, rốt cuộc là nước nào?”
“Ôi chao, chiến tranh Giáp Ngọ, “Hiệp ước Mã Quan”, người Nhật cắt đi tỉnh Đài Loan của Trung Quốc, thật vô cùng nhục nhã! Hoàng đế mà để mất lãnh thổ thì không thể lập bia công đức. Hoàng thượng ắt hẳn mang nỗi oán hận này xuống mồ.”
Tần Hải Quan bỗng bừng tỉnh: “Không sai, đây cũng là nỗi oán hận của mẹ con, ông ngoại con chính vì vậy mà chết trận ở đảo Lưu Công. Bắc Dương, tên của con cũng là để tưởng niệm lính thủy Bắc Dương đã bị tiêu diệt.”
“Cha xem, thú trấn mộ mà con vẽ đang giương cung bắn mặt trời!”
“Bắn Nhật Bản! (7) Có lý. Hoàng đế Quang Tự hết lòng hết sức với lính thủy Bắc Dương, cũng có ý cưỡi ngựa bắn cung trên biển, con dùng xạ thủ để làm thú trấn mộ cho Hoàng thượng, quả là thích đáng!”
Đúng vậy, Hoàng đế Quang Tự đã từng viết câu đối phúng điếu cho Đặng Thế Xương - người hi sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Giáp Ngọ: “Ngày này người trong thiên hạ đều rơi lệ, có ông cũng đủ để quân uy hải quân ngày càng lớn mạnh.”
“Còn vì sao trên đầu xạ thủ lại mọc sừng dê, đó là vì con đã đọc sinh thần bát tự của Hoàng thượng.”
Trên bàn bày bát tự của Hoàng đế Quang Tự mà trong cung đưa tới: Tân Mùi Bính Thân Đinh Hợi Nhâm Dần.
“Hoàng thượng sinh năm Tân Mùi, cầm tinh con dê, ngũ hành thuộc Thổ, mệnh Lộ Bàng Thổ. Vì vậy phải thêm cho ông ấy sừng dê”. Tần Hải Quan nhìn con trai từ trên xuống dưới, vui mừng không kể xiết, “Con à, con quả nhiên là người thợ chế tạo thú trấn mộ bẩm sinh! Nhưng con chưa học Chu Dịch, chớ nên nóng vội. Cha nói trước cho con, bát tự này của Hoàng thượng là Tòng suy cách, chỗ thiếu sót là cung Hợi thuộc hành Thủy có sao Thất Sát, cung Dần thuộc hành Mộc có sao Ấn Tinh đóng ở đó, Thất Sát là Cát thì bị quản chế. Hợi Thủy Thất Sát vừa hay là Ấn Tinh, đại diện cho người mẹ.”
“Thái hậu Từ Hy tuy không phải thân mẫu của Hoàng đế Quang Tự, nhưng là dưỡng mẫu, đè nén Hoàng đế Quang Tự cả một đời, vừa hay trùng với số mệnh này.”
“Suy một ra ba!” Tần Hải Quan tiếp tục phân tích, “Sinh thần bát tự của Hoàng thượng là điềm báo thân thể yếu ớt nhiều bệnh, tuổi chỉ vỏn vẹn ba mươi tám. Bát tự không có Thực Thương Tinh, lấy Dần Mộc Ấn Tinh làm thế thân, Dần Mộc là Hung thần lại không bị quản chế, mệnh không con cái. Thân Kim Tài Tinh là Cát, mặc dù chiếm Nguyệt lệnh nhưng bị Mùi Thổ nung, Tài Thần bị quản chế khiến hôn nhân cũng bất hạnh. Nghe nói Hoàng thượng rất không ưa Hoàng hậu, Trân Phi của người lại bị Lão Phật Gia ném xuống giếng hại chết.”
“Chính ông ấy cũng bị hạ độc chết.”
“Đừng nói bậy!”
“Cha, con chỉ vẽ được thế này thôi, tiếp theo phải dựa vào cha rồi!”
“Được. Con xem này, con chỉ vẽ nửa thân trên, con không biết nửa thân dưới của thú trấn mộ. Tuy là thần thú trấn mộ nhưng cuối cùng vẫn là một con "thú”. Cái gọi là dã thú thì tất phải là động vật bốn chân, dù nửa người trên là hình người. Đương nhiên cũng có ngoại lệ, ví dụ mãnh cầm, trăn lớn v.v, nhưng đó là số rất ít.”
“Vậy nên cha còn muốn vẽ thêm bốn chân cho nó sao?”
“Đúng, bốn chân của mãnh thú.”
Tần Hải Quan đón lấy bút, vẽ vài nét đơn giản trên bản vẽ, thú trấn mộ hình người xạ thủ có bốn chân mang đôi sừng dê hiện ra sống động như thật.
Tuy nhiên đây mới chỉ là bản nháp, muốn thực sự hoàn thành bản vẽ còn phải tốn rất nhiều thời gian. Hai cha con ở trong địa cung vẽ thâu đêm, thiết kế các chi tiết của thú trấn mộ, ví dụ như tỉ lệ mặt người, kích thước đôi mắt, độ dài của mũi, rốt cuộc là phong cách thời Đường hay thời Minh hay bản triều? Màu sắc cũng rất quan trọng, mỗi một bộ phận đều phải có màu tương ứng, cuối cùng ắt phải là màu sắc rực rỡ.
Trong ba mươi ngày, cha con nhà họ Tần cũng hoàn thành bản vẽ đúng hạn. Các đồ vật của Hoàng đế Quang Tự được trả lại trong cung. Tần Bắc Dương không biết rằng tấm ảnh kia đã là tấm ảnh cuối cùng của Hoàng đế Quang Tự còn tồn tại trên đời, những tấm còn lại đều đã bị Thái hậu Từ Hy tiêu hủy để tránh ảnh Hoàng thượng lưu truyền dân gian, hoặc bị người của Đảng Lập Hiến như Khang Hữu Vi lợi dụng.
Tần Hải Quan nói thú trấn mộ không thể chạm một cái mà thành, đây là một kỹ thuật cổ xưa và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Vẽ xong bản vẽ thiết kế, tiếp theo là cung thứ ba: chọn vật liệu.
_________
Chú thích:
(1) Phát khâu Trung lang tướng, Mô kim hiệu úy: hai đội quân chuyên đào trộm mộ cổ được Tào Tháo lập ra.
(2) Cửu cung cách: là khung chín ô vuông.
(3) Bút Thiếp thức là chức quan văn thời nhà Thanh, tương đương chức Thư ký.
(4) chỉ 4 vị Hoàng đế nổi tiếng của Trung Quốc: Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Tống Thái Tổ.
(5) Doanh Đài - Trung Nam Hải: Trung Nam Hải nằm ở phía tây Tử Cấm Thành Bắc Kinh, bên trong Hoàng Thành. Trong khuôn viên của Trung Nam Hải có 3 hồ Trung Hải, Nam Hải và Bắc Hải. Hiện đây là nơi nhiều lãnh đạo tối cao của Trung Quốc sống và làm việc.
(6) Lý Quảng: là một võ tướng dưới thời nhà Hán, nổi tiếng với biệt tài cưỡi ngựa bắn cung.
(7) Bắn mặt trời tiếng Hán là “xạ nhật”, “nhật” ở đây cũng có thể hiểu là “Nhật Bản” - đất nước mặt trời mọc.