Nguyên văn “Bất phong ma, bất thành hoạt”, là lời thoại trong “Bá vương biệt cơ”, để chỉ người diễn viên không tẩu hỏa nhập ma thì không thể thể hiện nhân vật một cách sâu sắc, ở tầng nghĩa sâu xa hơn chính là chỉ sự say đắm với một sự vật, cống hiến quên cả thân mình
Đây là một năm dài nhất trong cuộc đời Tần Bắc Dương.
Suốt ba trăm sáu mươi ngày không nhìn thấy mặt trời, càng không có một chút trăng sao nào.
Địa cung Sùng lăng của Hoàng đế Quang Tự bình thường có rất ít dân công ra vào, chỉ phụ trách vận chuyển vật liệu và công cụ, lắp đặt những bộ phận lớn, ví dụ cửa mộ thất và ống đồng. Còn những vật chạm trổ tinh tế trong địa cung thì hoàn toàn do Tần Hải Quan chịu trách nhiệm hoàn thành. Mỗi ngày đều có người đến đưa đồ ăn, tiện thể đem luôn chất thải đi.
Tần Bắc Dương đã tròn mười tuổi, cũng đã cao hơn, chỉ là trong mộ không được bày gươn nên không rõ mình trông ra sao. Phải nhờ cha tả suông một hồi, tiếc rằng Tần Hải Quan lời lẽ vụng về, chỉ thốt lên được ba từ: Rất đàn ông!
Mượn ánh đèn dầu trong địa cung, cậu có thể nhìn thấy chòm râu quai nón của cha, đuôi sam sau đầu đã rối như tơ vò, vầng trán vốn được cạo sáng bóng đã mọc lên một lớp tóc dày.
Đêm dài đằng đẵng trong “nhà giam”, Tần Bắc Dương đã nghĩ ra đủ các cách để giết thời gian. Trong vali của cậu chỉ có sách giáo khoa của trường học Đức, còn thiếu rất nhiều. Tần Hải Quan báo cáo với Giám sát lăng mộ, nói muốn mua một loạt sách chuyển vào địa cung, không ngờ lại được phê chuẩn.
Tần Bắc Dương cầm bút liệt kê ra một danh sách: “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Thủy Hử Truyện”, “Tây Du Ký”, “Binh Pháp Tôn Tử”, “Chu Dịch”, “Trung Dung”, “Xuân Thu”, “Tả Truyện”, “Sử Ký”, “Tân Đường Thư”, “Cựu Đường Thư”, “Đỗ Công Bộ Tập”, “Dậu Dương Tạp Trở”, “Thái Bình Quảng Ký”, “Kim Cương Kinh”, “Truyền Tập Lục”, “Lịch Sử Cách Mạng Pháp”, “Lịch Sử Biến Pháp Nhật”, “Thiên Diễn Luận”…
Những cuốn sách này gộp lại giá cũng không rẻ, Tần Hải Quan mỗi tháng lĩnh năm đồng bạc tiền lương bổng, dù sao ở dưới lòng đất cũng không có chỗ để tiêu nên dành hết cho con mua sách. Tần Bắc Dương nhận được cuốn “Tam Quốc Diễn Nghĩa” trước tiên, vẫn đọc từ hồi một trăm lẻ tư, ngôi sao Gia Cát Lượng rơi xuống trong gió thu tại đồng bằng Ngũ Trượng.
Cả ngày lẫn đêm, một ngọn bấc đèn, ánh sáng như Trường Minh Đăng (1) chiếu sáng Gia Cát chết còn đuổi được Trọng Đạt sống, tấm lòng của Tư Mã Chiêu người qua đường đều biết, Võ hầu hiển thánh Định Quân sơn, Bắc địa vương Lưu Trạm khóc tổ miếu, cờ hàng một lá rủ đầu thành, giáng định tam phân lại hợp nhất. (2)
Qua một mùa hạ, rồi lại một mùa thu, trong tiếng búa đục gõ gõ đập đập của Tần Hải Quan, đống sách bên cạnh Tần Bắc Dương đã chất cao như núi. Đám bấc đèn mà cậu cắt xuống cũng đã thành bó, thường trong giấc mơ cậu cũng đọc to binh pháp Lục Như của Tôn Vũ Tử: “Quân đội hành động thần tốc thì nhanh như gió cuốn, hành động chậm rãi thì lừng khừng như rừng rậm, khi tấn công thì như lửa cháy, khi phòng thủ thì như núi đá, khi ẩn mình thì như bóng tối, khi xung phong thì như sấm sét”.(3)
Mùa đông lạnh lẽo từ từ kéo tới, bên trong địa cung ẩm ướt, kết một lớp băng vụn. Quy chế triều đình nghiêm cấm sưởi ấm ở địa cung, cha con nhà họ Tần đành mặc áo bông dày để làm việc, mệt thì chui vào ngủ trong lớp áo da gấu.
Tiết xuân se lạnh, không nhìn thấy hoa đào tháng ba, cũng không thấy chim én trở về phương Bắc. Tần Bắc Dương đã coi vùng đất vạn năm sau khi Hoàng đế Đại Thanh mất đi như thư phòng của nhà mình, lấy bút mực giấy nghiên viết lên sách, nào là lời phê ghi trên mép sách, nào là chú giải, có lúc lại bật ra vài câu cổ ngôn thất tuyệt, thậm chí viết vài từ tiếng Đức để tránh lâu ngày quên mất.
Vào mỗi đêm khuya khi khối huyết ngọc ấm tỏa nhiệt, cậu đều mơ thấy cha mẹ nuôi Thù Đức Sinh, đêm diệt môn ở Tô giới Đức ở Thiên Tân, khuôn mặt hai thích khách một già một trẻ, giọt máu bắn qua lông mi của mình che lấp cả ánh trăng, con dao găm cắm trên ngực mẹ nuôi, ngôi sao chổi trên cán dao ngà voi…
Cậu thề rằng mình sẽ sống tiếp để trả thù.
Trong mười hai tháng này, Tần Bắc Dương cũng không phải là không vận động. Cậu thường chạy trong mộ đạo để rèn luyện, tiêu hao sức lực trẻ thơ. Chỉ riêng có huyệt giếng vàng ở chính giữa địa cung là cậu tuyệt nhiên không dám động vào, Hoàng đế Quang Tự không tới báo mộng nữa.
Người thợ muốn làm việc cho tốt thì trước tiên phải làm cho dụng cụ của mình trở nên sắc bén.
Muốn trở thành người thợ thủ công xuất sắc, trước tiên phải hiểu rõ về công cụ - búa lớn phá núi và chêm, búa tròn hai đầu, khoan thép cạy đá. Cho dù là xẻ, gọt, khắc, xúc, mài thì cũng không thể thiếu đục. Đục còn chia thành đục dài, đục ngắn, đục dẹt. Đục mũi nhọn để gia công các dụng cụ lớn, làm tổ và chạm rỗng, đục mũi bằng dùng để san bằng phẳng vào giai đoạn sau.
Tần Bắc Dương học rất nhanh, lão Tần vui mừng khôn xiết, con trai là thợ thủ công bẩm sinh, được di truyền lại tuệ căn của tổ tiên. Những kĩ năng người khác phải học một tháng mới nắm vững được, con trai chỉ cần ba ngày đã thông hiểu. Ra trận phụ tử binh (4), có con làm trợ thủ, Tần Hải Quan như hổ mọc thêm cánh, tăng tốc thời hạn công trình rất nhiều, địa cung đã dần thành hình. Hoa văn chạm trổ trên tu di tọa, hình rồng điêu khắc trong cửa động mộ thất đều do Tần Bắc Dương tự tay hoàn thành.
Hai tháng cuối cùng, đến cả “Huyễn tạm tử” Tần Bắc Dương cũng đã học được.
Đục dùng nhiều đương nhiên sẽ cùn đi, thao tác làm cho đục sắc bén trở lại được gọi là “Huyễn tạm tử” (5). Thợ đá khi ra ngoài làm việc, việc đầu tiên chính là dùng bùn dựng bếp, đốt lửa kéo bễ, vùi đầu đục nhọn vào than củi nung nóng đỏ lên rồi dùng búa đánh bóng, nhúng vào nước nhiều lần để tôi rèn. Không thể nóng vội, phải từ từ tôi lạnh mới giúp đảm bảo chất thép. Điều này là thử thách lớn nhất với bản lĩnh của người thợ đá, độ lửa phải vừa chuẩn xác, quá lửa thì giòn mà dễ gãy, không đủ lửa thì lại quá mềm, đục lỗ dễ bị chẻ.
Mùa xuân trên mặt đất đã sắp qua đi, trong địa cung, cha con nhà họ Tần kéo bễ, huyễn tạm tử, làm việc khí thế ngất trời, thậm chí thời hạn một năm đã tới, hai người vẫn chẳng hề hay biết.
“Con à, cha chỉ nói với con một việc thôi, đời người dù có làm nghề gì đi chăng nữa cũng không ngoài sáu chữ - Không điên cuồng, không thể sống!”
Không điên cuồng, không thể sống!
Cậu bé Tần Bắc Dương mười tuổi đọc đi đọc lại mấy chục lần, đột nhiên quỳ xuống dập đầu: “Cha! Sáu chữ này là vật quý báu nhất người ban cho con, suốt đời con sẽ không quên!”
Lần đầu được con gọi tiếng “cha”, Tần Hải Quan cảm động rơi nước mắt, ôm con trai nói: “Không điên cuồng, không thể sống!”
Đã qua bảy ngày, Giám sát lăng mộ đợi mãi không thấy Tần Hải Quan đi ra, mới phái người xuống thông báo họ đã được bỏ lệnh cấm.
Ra khỏi mộ đạo địa cung, lão Tần dùng vải bịt mắt mình và con trai để tránh mặt trời làm chói mắt. Được người khác dắt đi dưới ánh mặt trời một lúc lâu, mí mắt dần thích ứng với ánh sáng, hai người họ mới lại được thấy mặt trời.
Tần Bắc Dương nheo mắt, nhìn thấy trước tiên là mặt đất đã lâu không thấy, giờ lại mọc đầy cỏ xanh và những bông hoa nhỏ, hai con bướm dập dờn bay qua, một đàn kiến nhỏ bò lên bàn chân. Nhìn thẳng khu công trường lăng mộ, đám dân phu còn đang xây điện Lăng Ân và Minh Lâu. Ngẩng đầu lên nhìn bầu trời, một đám mây cát tường màu xanh lam được gió nhẹ hiu hiu thổi đang từ từ hạ xuống, tựa như ông trời phái xuống chúc mừng cậu được sinh ra lần thứ hai.
“Ta đến đây…”
Cậu bé đầu tóc rối bời, ngửa đầu lên trời hét lớn, toàn thân là sức lực vô cùng vô tận. Tần Bắc Dương xông một mạch lên ngọn núi nhỏ, nhìn xuống toàn bộ vùng phong thủy bảo địa của Tây Lăng, lần lượt đếm ra đại mộ của ba vị Hoàng đế Ung Chính, Gia Khánh, Đạo Quang. Phía trước có đầu nguồn sông Dịch bao quanh, sau lưng là dãy núi Thái Hành, khắp núi tùng bách xanh biếc, sau thời Tam Hoàng Ngũ Đế (6), thần châu xích huyện, giang sơn tươi đẹp, nhưng quốc gia đã đổ nát.
Thần châu xích huyện (còn được gọi là Cửu châu) là đơn vị hành chính trong văn hóa cổ đại Trung Quốc.
Tần Hải Quan bái kiến Giám sát lăng mộ và nhận được thư tay của Nhiếp chính vương. Từ ngày hôm nay, lão phụng mệnh chính thức bắt đầu việc chế tạo Thú trấn mộ. Cậu bé Tần Bắc Dương mười tuổi - truyền nhân duy nhất của gia tộc thợ thủ công này – cũng được đặc cách tham gia trong toàn bộ quá trình.
Tuy hai cha con đã lấy lại được sự tự do nhưng cũng chỉ giới hạn trong phạm vi mấy chục dặm quanh Tây Lăng. Họ không được xin rời đi, càng không thể tới huyện Dịch bên cạnh hoặc phủ Bảo Định.
Tần Bắc Dương hỏi thăm tình hình gần đây của A U, Giám sát lăng mộ nói cô bé làm tiểu tỳ nữ ở phủ đệ trong kinh thành, càng lớn càng xinh đẹp.
Ngày xuân sắp hết, lão Tần thường quay trở lại địa cung, thắp nến, nhắm mắt dưỡng thần, tựa như ẩn sĩ lánh đời thời xưa. Tần Bắc Dương dựa vào cánh cửa cuối của mộ thất nói: “Cha, rốt cuộc thú trấn mộ là gì?”
Năm Tuyên Thống thứ hai, năm 1910 dương lịch, vào tiết Hạ Chí, cuối cùng cậu đã hỏi một câu quan trọng nhất trong cuộc đời.
_________
Chú thích:
(1) Trường Minh Đăng còn gọi là ngọn lửa bất diệt. Ở Trung Quốc, người ta thắp ngọn đèn dầu vĩnh cửu như khía cạnh hữu hình của sự tôn kính dành cho người chết.
(2) Gia Cát chết còn đuổi được Trọng Đạt sống, tấm lòng của Tư Mã Chiêu người qua đường đều biết, Võ hầu hiển thánh Định Quân sơn, Bắc địa vương Lưu Trạm khóc tổ miếu, cờ hàng một lá rủ đầu thành, giáng định tam phân lại hợp nhất: đây là các tình tiết trong “Tam quốc diễn nghĩa”.
(3) Câu trích trong “Quân tranh” (thiên thứ bảy của Binh pháp Tôn Tử).
(4) Câu đầy đủ là “Ra trận phụ tử binh, đánh hổ thân huynh đệ”, ý nói cha con ra trận thì sẽ giành chiến thắng, huynh đệ cùng chung sức sẽ giết được hổ, hàm nghĩa cha con, huynh đệ đồng lòng thì làm gì cũng được.
(5) “Tạm tử” là cái đục.
(6) Tam Hoàng Ngũ Đế: có thể coi là thời kỳ lịch sử sơ khai của Trung Quốc.