Đại Thanh năm Quang Tự thứ hai mươi sáu, năm Canh Tý, năm 1900 Công Nguyên.
Vào giữa hè, tại thành Bắc Kinh, thư ký sứ quán Nhật Bản Tsugiyama Akira bị Cam quân (1) của Đổng Phúc Tường băm thành thịt nát. Công sứ Đức Clemens von Ketteler bị Chương kinh (2) Ân Hải của Thần cơ doanh (3) giết chết tại cổng Đông Đơn phố Bắc Đại. Thái hậu Từ Hy hạ chỉ tuyên chiến với mười một cường quốc, treo thưởng giết hết người nước ngoài.
Lâm Hắc Nhi – Thánh mẫu Hoàng Liên của nhóm Đèn Lồng Đỏ trong truyền thuyết bỗng chốc nổi đình nổi đám, phóng hỏa Tokyo và St. Petersburg. Mấy vạn lính Nghĩa Hòa Đoàn và quân Thanh bao vây tám trăm tên giặc Tây trong khu Đông Giao Dân Hạng (4) và nhà thờ Tây Thập Khố (5) liên tục hai tháng cũng chưa đánh hạ được, trên đất rải đầy thi thể của những kẻ vốn được xưng là “đao thương bất nhập” (6).
Ngày 14 tháng 8, Liên quân tám nước (7) tiến đánh Bắc Kinh, qua Thiên An Môn, Đoan Môn, Ngọ Môn, xông vào điện Thái Hòa và Tử Cấm Thành. Cùng ngày, Thái hậu Từ Hy và Hoàng đế Quang Tự chạy về phía Tây. Lão Phật gia cải trang thành cụ già nông thôn người Hán, Hoàng đế ngụy trang thành anh học trò nghèo. Vương công đại thần, quân Bát Kỳ, thái giám, cung nữ tùy giá hoảng hốt như chó nhà có tang.
Đi cuối đội ngũ chạy nạn có kẻ tên Tần Hải Quan. Đó là một người đàn ông vạm vỡ, thân cao bảy thước, lòng bàn tay toàn vết chai, lưng đeo hòm gỗ rắn chắc đựng hai cái chùy, đinh, đục, búa, thước thép và vẩy mực, trong tay cầm chùy lớn, ống khoan và ống bễ, đều là dụng cụ của kẻ hành nghề thợ đá.
Ngoài Hoàng thành có thôn dành cho thợ thủ công thuộc phủ Nội vụ, từ thợ mộc, thợ rèn, thợ xây đến thợ điêu khắc ngọc, thợ gốm sứ, thợ dán tranh, nghề gì cũng có. Đại nạn tới, đa phần người ở đó chạy tan tác, chỉ có Tần Hải Quan mang theo vợ con lên đường.
Vợ lão khoảng 30 tuổi, vác bụng bầu mấy tháng. Nghe nói lũ giặc Tây đều là ác quỷ háo sắc, thấy phụ nữ là nhào vào, thế nên trong thời buổi loạn lạc, theo chồng chạy nạn là lựa chọn duy nhất. Tần Hải Quan vừa tròn bốn mươi tuổi nhưng vẫn chưa có con cái. Vợ lão gả cho lão hai mươi năm, có thai ba lần thì sảy thai hai lần, một lần chết yểu, lần này chỉ e là cơ hội cuối cùng. Nhưng lang bạt cả một chặng, chịu đói khát, đến cả Hoàng đế cũng phải dùng chung một xe với Vương công Bối lặc, vợ lão cũng chỉ còn cách thấp thỏm lo lắng ôm bụng trèo đèo lội suối.
Xa giá đi qua thôn người Hồi ở Tây Quán – ngoại thành Bắc Kinh, qua Cư Dung quan, Du Lâm Bảo – tỉnh Hoài Lai, qua trạm dịch Kê Minh ở Tuyên Hóa, phủ thành Đại Đồng... đến Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây, mọi người mới tạm dừng nghỉ chân.
Bà vợ bụng to nhưng không bị sảy thai như lúc trước mà thân thể lại càng ngày càng khỏe mạnh. Tần Hải Quan thầm nghĩ có lẽ tổ tông hiển linh phù hộ. Mùa hè đẫm máu trôi qua, Thái hậu Từ Hy dẫn Hoàng đế Quang Tự chạy như điên về phía Tây. Một đường cát bụi cuồn cuộn, bỏ lại đồng bằng Hoa Bắc khói lửa phía sau.
Tháng 10 năm đó, đội ngũ xuyên qua cả Sơn Tây, từ Phong Lăng vượt Hoàng Hà vào Đồng Quan, đến Tây An. Đội ngũ hộ giá càng ngày càng đông, các loại thợ tay nghề giỏi đều tìm tới phục vụ Hoàng gia, dù sao tiền công cũng rất hậu hĩnh.
Thái hậu Từ Hy vào hành cung ở, hành cung không thể chứa hết đoàn người tùy tùng nên mỗi người tự tìm chỗ dừng chân. Tần Hải Quan là thợ thủ công khép kín, không giỏi giao tiếp. Ai nấy đều hối lộ thái giám quản sự, riêng lão bị gạt sang một bên, không tìm được chỗ nương thân trong thành.
Nhìn bụng bà vợ ngày càng to, ngày mồng 1 tháng 10 âm lịch, vừa qua tiết Hàn Y, trước cửa mỗi nhà đều đốt vàng mã cúng rượu cho người thân đã khuất, hôm sau là tiết Tiểu Tuyết, hai vợ chồng ra khỏi thành Tây An, đi về hướng Đông Nam tìm chỗ ở. Họ trông thấy một đài nguyên trầm tích bao la hùng vĩ, cách đó không xa là hẻm núi giữa sông Ngạn và sông Bá. Xa xa sau đài nguyên là vách núi dựng đứng, hỏi thăm mới hay gọi là Bạch Lộc Nguyên.
Mắt Tần Hải Quan sáng rực lên, vội vã đưa vợ trèo lên đài nguyên trầm tích đó.
Lão Tần vốn là thợ thủ công nhưng cũng tinh thông phong thủy, không cần dựa vào thước trắc tinh mà đi dạo quanh đài nguyên cũng chỉ mất hai canh giờ. Đi qua Bá lăng của Hán Văn Đế, Nam lăng của mẹ đẻ Văn Đế là Bạc Thái hậu là đến vùng mộ hoang rộng lớn.
Lão ngắm trời, ngắm đất, xa xa phía Tây là núi Chung Nam. Đây mới là hướng chuẩn. Họ bước trên đồng ruộng khô hạn nứt nẻ cao ngất, đi thẳng tới trước một gò đất hoang vu. Bà vợ khó nhọc chống eo, hỏi có phải lão điên rồi không.
Lão chẳng nói chẳng rằng, như đã tới được vùng đất định mệnh. Tần Hải Quan nghe văng vẳng tiếng đì đùng dưới đất, không trung vang lên tiếng sấm, thoáng chốc mây đen che kín bầu trời, ban ngày mà như đêm khuya. Nông dân trên ruộng chạy trốn tứ tán, trời đất như trở lại thuở hồng hoang, thời kỳ Cổ Công Đản Phủ (8) gian nan lập nghiệp ở núi Kỳ. Gió Tây thổi bay vô số lá khô trên núi Chung Nam, hệt như đàn bướm dập dờn khắp núi đồi.
Một đám lá vàng bị cuốn tới trước mặt bà vợ, che lấp tầm nhìn. Trong giây lát, bà cảm thấy bụng đau nhức, nước ối vỡ. "Ui da, thầy lang bảo nửa tháng nữa mới chuyển dạ mà?" Bà kêu thảm thiết.
Tần Hải Quan bối rối kéo vợ ra sau gò đất. Đây là ngôi mộ thời Đường khá lớn, mồ mả cao hơn mặt đất vài trượng, bên cạnh trồng vài cây bách, cây hòe, vừa khéo chắn được gió lớn.
Lão dán tai xuống nền đất trầm tích, nghe được tiếng ầm vang, dường như dưới nền đất có đứa trẻ nghịch ngợm, không phải đang đốt pháo thì cũng là chơi đánh trận giả. Bí ẩn của lăng mộ, ai có thể nói rõ được chứ?
Lão Tần chợt nghe thấy hai tiếng kêu quái lạ, quay đầu thì bà vợ đang dựa vào bia mộ đằng sau đã biến mất!
"Gặp ma rồi!"
Lão hoảng sợ, hai tay sờ soạng đống cỏ khô mới phát hiện phía dưới là cái hố sâu không thấy đáy. Chỗ này kề sát ngôi mộ triều Đường, từ cổ chí kim vô số kẻ trộm mộ ghé thăm, vợ mình ắt hẳn rơi xuống hố của bọn trộm mộ rồi!
Tần Hải Quan lập tức nhảy xuống hố. Cái hố này vừa dốc vừa sâu vô tận, lão Tần cứ thế trượt xuống mãi. Nhất thời, bụi trầm tích bay mù mịt chảy cả nước mắt, tựa như ngàn năm thời gian dằng dặc vừa trôi qua.
Trần ai lạc định (9).
Lão cảm giác bản thân như một chiếc lông vũ rơi xuống một tấm ván gỗ lớn, bên tai vọng tiếng ầm ầm.
Đột nhiên, một cánh tay lạnh như băng tóm lấy tay lão, móng tay cào xước da, hằn vết máu thật sâu. Tần Hải Quan quay sang lần mò, là cái bụng to của vợ!
"Mình ơi!"
"Đương gia!"
Hai vợ chồng gặp lại dưới ngôi mộ triều Đường, sờ người kiểm tra lẫn nhau, không mất tay, không gãy chân, may mà rơi xuống tấm ván gỗ, ở giữa còn có tầng tầng lớp lớp bụi trầm tích ngàn năm giảm xóc.
Tần Hải Quan đánh lửa, chiếu sáng không gian tối tăm. Bấy giờ lão mới phát hiện tấm ván gỗ dưới mông mình và vợ là nắp quan tài. Mặt gỗ khắc hoa văn hoa mỹ, vừa nhìn liền nhận ra đây là phong cách thời Đường phồn thịnh, vẽ các loại chim quý thú lạ, nhật nguyệt, sao trời, gió cuốn mây trôi...
Lão nhảy xuống khỏi chiếc quan tài cực lớn này, bà vợ sắp đẻ kêu than rền rĩ, chẳng lẽ lại sinh con trong mộ cổ hay sao?
Tần Hải Quan sờ được một tấm bia đá bên cạnh quan tài. Lão để lửa sát lại gần, nhìn kỹ, những dòng chữ Khải nhỏ sin sít hiện ra. Khắc bia là kỹ năng cơ bản của thợ đá, có thể xem hiểu khá nhiều chữ viết, đoạn đầu là một hàng chữ theo lối chữ Lệ "Mộ của Quận vương Cố Chung Nam Đại Chu".
Tiếp đến là nội dung chính.
"Vương húy Long Kỳ tự Ấu Minh Lũng Tây Thành Kỷ nhân dã tích giả long quang trụ sử hoằng đạo đức vu Đông Chu viên tí tương quân kiến công danh vu Tây Hán vũ chiêu chi kinh luân bá nghiệp yểm trạch qua Lương Thần Nghiêu chi đế cấu Hoàng cơ bột hưng ốc tấn địa linh chung bí thiên tộc phiền xương mộ qua điệt Vu Kim Kha biểu gia phu Vu Ngọc Hành vương tức Đại Đường Thiên Hoàng Đại Đế chi tôn Kim Đại Chu Tương vương chi đệ Lục Tử Dã..."
Chữ khắc trên tấm bia của cổ nhân không có dấu chấm câu, thoạt nhìn là một hàng dài dằng dặc như thế. "Đại Chu" ở đây không phải Tây Chu, Đông Chu, càng không phải thời Bắc Chu, Hậu Chu, mà là khi Võ Tắc Thiên xưng đế, đổi quốc hiệu từ Đường thành Chu. Thân phận của chủ nhân ngôi mộ này được nêu rõ: tên húy Long Kỳ, tên tự Ấu Minh, Thành Kỷ Lũng Tây chính là quê quán của hoàng thất Lý Đường. Thiên hoàng đại đế thời Đại Đường là Đường Cao Tông Lý Trị, Đại Chu Tương vương là Duệ Tông Lý Đán. Như vậy, chủ nhân ngôi mộ này là cháu trai của Lý Trị và Võ Tắc Thiên, con trai thứ sáu của Duệ Tông.
Lướt đến hai hàng cuối cùng.
"Trường An nhị niên tứ nguyệt bát nhật hoăng Vu Tư Đệ xuân thu nhất thập hữu ngũ bi thâm thần lệ thống kết phiền vi lộng tôn chi ái bất truy hàm tử chi bi hà cực tức dĩ kỳ niên thập nguyệt nhị thập nhật táng vu vạn niên huyện sùng nghĩa hương Bạch Lộc Nguyên."
Trong đó, "xuân thu nhất thập hữu ngũ" viết rõ ràng là: tiểu Hoàng tử triều Đường chết yểu năm mười lăm tuổi... quả nhiên là người đó!
Tần Hải Quan chợt thốt lên trong đầu, có phải lão đã chạm tới cánh cửa phủ đầy bụi, bí mật của một nghìn hai trăm năm trước hay không? Chỉ cần bước thêm một bước nữa thôi, hoặc là thăng thiên cực lạc, hoặc là rơi xuống địa ngục!
Đúng lúc này, bà vợ lão cũng bước đến cửa Âm phủ, bắt đầu kêu lên đầy đau đớn.
Vận mệnh luôn trêu đùa con người như vậy. Bí mật cả đời truy tìm, chìa khóa bao đời người ước ao đã đến ngay trước mắt nhưng Tần Hải Quan vẫn phải từ bỏ. Trong mắt lão chỉ có vợ và con, những thứ khác đều không đáng giá!
Lão Tần vội bò lên quan tài, ôm chặt bà vợ đang toát mồ hôi như mưa, chờ đợi khoảnh khắc đứa trẻ sinh ra.
Bỗng nhiên, trong mộ cổ tối tăm, một chùm ánh sáng xanh trôi nổi như ma trơi xuất hiện.
Quả cầu lửa gần như trong suốt, lúc cao lúc thấp, lúc trái lúc phải, dập dờn bất định, như đứa trẻ con đùa nghịch hoa đăng...
Quả cầu tản ra ánh sáng màu xanh lạnh lẽo, bay một vòng quanh lão Tần. Nó vừa chạm vào cái búa bên hông lão, thứ công cụ rắn chắc bằng thép đã được tôi luyện này liền bị đốt thành tro bụi.
Một quả cầu lửa xanh xanh khác lại bay tới.
Tần Hải Quan biết ngọn nguồn của quả cầu này: lão bị coi như kẻ trộm mộ. Chỉ tiếc cho bà vợ số khổ, còn cả đứa bé sắp chào đời, đều phải chết trong ngôi mộ cổ triều Đường tại Bạch Lộc Nguyên này.
"Ba người nhà ta, kiếp sau vẫn làm người một nhà nhé!"
Lão ôm đầu vợ, hôn lên trán, chuẩn bị sống chết có nhau.
Quả cầu lửa chợt dừng lại giữa hai chân bà vợ.
Nó run rẩy.
Tần Hải Quan trợn mắt, chợt thấy nó run lên vài cái rồi vụt tắt ngấm.
Trong ánh sáng leo lét dưới địa cung của ngôi mộ triều Đường, một đôi sừng hươu trắng như tuyết, sắc nhọn như chạc cây chợt lộ ra, sau đó là một gương mặt.
Không phải người, cũng không phải ma, càng không phải xác ướp chủ ngôi mộ.
Mà là thú.
Lão Tần nhìn thấy một gương mặt thú, đôi mắt lưu ly lấp lánh nhìn chằm chằm vào giữa hai chân bà vợ. Con thú này tuyệt đối không lộ vẻ dâm tà, chỉ thuần túy tò mò.
Đứa bé đã thò đầu ra rồi!
__________
Chú thích:
(1) Cam quân: Lực lượng của Đổng Phúc Tường nguyên là lực lượng thổ phỉ tại Cam Túc, gồm một vạn chiến binh Hồi giáo, sau khi quy thuận triều đình, được gọi là Cam quân.
(2) Chương kinh: tên chức quan thời Thanh. Đầu thời Thanh chỉ quan võ, sau không giới hạn.
(3) Thần Cơ Doanh là một trong ba Kinh Quân Tam Đại Doanh trước thời Minh Triều Vĩnh Nhạc. Thời Thanh là đội quân chuyên quản lý hỏa khí bảo vệ Tử Cấm Thành, Tam Hải và tùy tùng theo Hoàng đế.
(4) Đông Giao Dân Hạng: hay còn gọi là Khu Sứ quán Bắc Kinh. Đây là nơi đặt nhiều tòa công sứ của các nước phương Tây thời kỳ này.
(5) Nhà thờ Tây Thập Khố: Tên khác nhà thờ Xishiku, Nhà thờ chính tòa Bắc Kinh, tên cũ là Nhà thờ Cứu Thế, thường gọi Bắc Đường, nằm ở phía tây Bắc Kinh là một nhà thờ chính tòa mở năm 1703.
(6) Hay chính là quân Nghĩa Hòa Đoàn.
(7) Liên quân tám nước: Còn gọi Bát Quốc Liên Quân, là liên minh của tám quốc gia đế quốc nhằm chống lại sự nổi dậy của phong trào Nghĩa Hòa Đoàn tập kích vào các sứ quán của tám quốc gia này ở Trung Quốc. Tám nước đó gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và Đế quốc Áo-Hung.
(8) Cổ Công Đản Phủ: Cổ Công Đản Phủ, chính thức gọi Chu Thái vương, là thủ lĩnh bộ tộc Chu đời thứ 13 kể từ Hậu Tắc và là ông nội của Chu Văn vương Cơ Xương, tức là tổ tiên 4 đời của Chu Vũ vương Cơ Phát.
(9) Trần ai lạc định: ở đây nói đến bụi ngừng rơi, lắng xuống đất nhưng cũng có ý chỉ ngàn năm trôi qua đã kết thúc, mọi sự đã định. “Trần ai lạc định” hay được dịch là “bụi trần lắng đọng”.