Thú trấn mộ đang nhìn lão.
Tần Hải Quan biết con thú này, nhận ra sừng hươu trên đỉnh đầu nó, nhận ra con mắt lưu ly của nó.
Năm Canh Tý, tiết Tiểu Tuyết, gió thu Bạch Lộc Nguyên.
Trong địa cung dưới ngôi mộ triều Đường to lớn, trên quan tài của tiểu Hoàng tử, vợ lão khàn giọng kêu thảm thiết. Tần Hải Quan cũng chẳng màng cầu lửa hay mặt thú gì nữa, cho dù một giây sau bị thiêu cháy, lão cũng phải tận mắt nhìn thấy đứa trẻ sinh ra.
Không biết là con trai hay con gái? Lão im lặng khẩn cầu Phật tổ Di Lặc, Quan Thánh đại đế, Thiên Hậu nương nương cùng với các vị quý tộc trong ngôi mộ triều Đường này phù hộ bình an cho vợ con lão.
Con thú đó lại phun ra quả cầu lửa lần nữa, nhưng không phải để giết người, mà để chiếu sáng giúp lão Tần quan sát toàn bộ quá trình phụ nữ sinh nở...
Nó phát ra tiếng vang ùng ục và tỏa ra hơi nóng, dường như muốn cổ động đứa bé chào đời. Nhưng cơn đau của người phụ nữ lúc sinh con là cơn đau đớn nhất của loài người. Vợ lão không hề bận tâm tới chuyện bản thân đang ở địa cung, cũng không để ý tới đang nằm trên nắp quan tài triều Đường. Bà khóc bằng giọng Sơn Đông: "Đương gia ơi, xin lỗi, lần này chắc tôi không qua nổi. Vợ chồng chúng ta chuyến này không thể để lại hương hỏa cho nhà họ Tần, là tội lỗi của tôi!"
"Nói gì vậy? Mình ơi, có tôi đây, bà chắc chắn không sao đâu!"
Tần Hải Quan nắm chặt tay vợ, trong lòng vô cùng hối hận. Tại sao cứ phải trèo lên Bạch Lộc Nguyên làm gì cơ chứ? Ở lại thành Tây An, dù màn trời chiếu đất thì sinh con cũng có người giúp, bây giờ chôn chân trong ngôi mộ cổ hoang vu này, biết phải làm sao?
Dưới sắc xanh nhập nhèm của quả cầu lửa, bà vợ giang hai chân, tử cung mở rộng hết cỡ. Lão Tần nhìn hấy cái đầu nhỏ của con trẻ, da đầu nhăn nhúm, hồng nhạt như chuột nhắt, liếc qua đã biết là sinh non, dữ nhiều lành ít.
Dường như lời cầu khấn ban nãy linh nghiệm rồi, đứa trẻ đã chui ra khỏi bụng mẹ! Máu tươi và nước ối nóng hổi hòa vào nhau, chảy xuống hoa văn quan tài từ một nghìn hai trăm năm trước.
Là bé trai.
Đứa bé đầu tiên sinh ra ở mộ cổ trong lịch sử Trung Hoa mấy ngàn năm!
Tần Hải Quan không còn lòng dạ nào mừng rỡ, lão cắn đứt cuống rốn, cởi quần áo bọc lấy đứa bé, đưa tới trước mặt người vợ đang hấp hối.
Đứa bé khóc rồi, khóc nức nở, dường như muốn làm tiểu Hoàng tử nằm trong quan tài bừng tỉnh.
Tiếng khóc xuyên qua nơi âm u, làm con thú từ từ tới gần bọn họ. Lão Tần chẳng thể ngăn cản, chỉ biết mặc cho số phận - nó muốn ăn đứa trẻ này ư?
Xưa nay, phụ nữ sinh con là “họa sát thân”, được coi là điều kiêng kỵ trong truyền thống Trung Hoa. Càng đừng nói là sinh con trên quan tài của tiểu Hoàng tử nhà Đường. Đây chính là báng bổ vạn phần, ở thời cổ đại ắt phải chịu tội chém đầu cả nhà.
Ấy thế mà con thú này lại thơm lên gương mặt đứa bé.
Tần Hải Quan biết, con thú này đã tha thứ bọn họ tội xông vào cấm địa.
Lão to gan giành lại đứa bé, đặt tới bên cạnh vợ. Bà nước mắt giàn giụa, khó nhọc nói: "Máu tôi tanh thật. Con đói rồi, để con bú sữa tôi đi."
Lão lật áo vợ lộ ra đầu ngực căng phồng, nhét vào miệng con. Đứa bé được bú dòng sữa mẹ đầu tiên. Có lẽ là bà sắp trút hơi tàn nên sữa đến sớm hơn người thường. Phía thân dưới của bà vợ vẫn đang chảy máu, không cách nào ngừng được. Màu máu đỏ sậm dần dần mang theo cả tính mạng bà. Trẻ con sinh non yếu ớt, ăn không được bao lâu lại khóc.
Nhìn đứa bé khó mà sống nổi, lão Tần sốt ruột như lửa đốt, cảm thấy tuyệt đối không thể nấn ná ở nơi này. Lão xé vải áo, buộc vợ và con lại rồi đứng trên quan tài cao lớn có thể sờ tới hình trang trí ô vuông trên trần địa cung, cũng chính là cái động mà cả nhà lão vừa trượt xuống. Lão định vác vợ và con trèo lên, nhưng quá khó, thử mấy lần cũng chỉ phí công.
Đột nhiên, trong quan tài dâng lên một luồng không khí lạnh, chậm rãi nâng cả nhà lão lên cao. Dưới mông nhức nhối, Tần Hải Quan liếc xuống dưới theo bản năng, liền thấy bên trong quả cầu lửa là một đôi sừng hươu trắng như tuyết đang đẩy lão lên.
Con thú canh giữ địa cung triều Đường này chẳng những tha cho sự mạo phạm quan tài cho nhà lão mà còn cứu mạng bọn họ.
Lão Tần liều mạng bám lấy cửa động, cả đời làm thợ thủ công, luyện được cơ thể rắn chắc mới có thể bấu víu vào được, cuối cùng có thể rời khỏi địa cung, lão buộc chặt vợ con vào người mình rồi bò lên cái động. May mà cái động này không phải thẳng đứng, có vài chỗ khúc quanh, để lão dùng cả tay lẫn chân "mở một con đường máu".
Cuối cùng, móng tay lão chảy đầm đìa máu tươi, một nhà ba người chạy thoát khỏi chỗ chết. Khi quay về mặt đất, phía sau ngôi mộ, lão đã kiệt sức gục xuống, lần nữa ngước nhìn bầu trời cuối thu, dường như mới dạo một vòng Âm phủ trở về.
Bà vợ đang hấp hối, dùng chút hơi ấm cuối cùng của cơ thể để ôm chặt đứa bé, thơm lên khuôn mặt nhỏ của con. Trẻ con sinh ra nơi hoang dã mười đứa thì tám chín đứa chết yểu, đặc biệt là với thời tiết gió thu se sắt thế này, hít thở cũng có thể chết cóng.
Tần Hải Quan lấy quần áo bọc chặt đứa bé, bỗng phát hiện một vật nho nhỏ, hơi cứng rơi ra - chẳng lẽ là mang ra từ địa cung? Thợ thủ công Hoàng gia có sự nhạy cảm trời sinh với những vật này, nhưng chưa kịp nhìn kỹ, lão bèn giấu vào trong túi theo bản năng.
Dù vậy nhưng lão chẳng hề buông tay vợ, đến tận khi bà nghe thấy đứa trẻ càng khóc càng to, nhìn lên đám mây trên bầu trời xám xịt, khóe mắt rơi xuống giọt lệ nóng hổi.
Bà trút hơi thở cuối cùng.
Đứa bé được sinh ra trong ngôi mộ tiểu Hoàng tử triều Đường đã vĩnh viễn mất mẹ. Tần Hải Quan bật khóc cũng không thể đánh thức vợ mình. Mất đi nhịp tim và hơi thở, cơ thể từ từ lạnh dần, giống như bao người chết trong khu mộ này. Ngực bà vợ còn chút sữa, lão đưa đứa bé đến bên bầu vú mẹ. Theo bản năng, đứa bé nút thêm hai lần, cũng là lần cuối cùng trong đời.
Trận cuồng phong kì lạ kia đã dừng lại. Nông dân vùng Bạch Lộc Nguyên tới tấp thò đầu ra. Có người phụ nữ trong thôn nghe thấy tiếng trẻ con khóc mới phát hiện gia đình họ, hô hào gọi các bà, các thím ra hỗ trợ. Bọn họ bắc nồi sắt trên ruộng, lấy nước từ giếng đun sôi để cứu mạng họ. Bọn họ từng sinh con vài lần, tắm rửa cho đứa trẻ một cách thành thạo, bọc kín bằng áo bông.
Tần Hải Quan không kịp lo hậu sự, cũng chẳng còn mấy đồng, không mua nổi quan tài. Lão mượn cái cuốc đào hố sâu ngay tại nơi bà vợ tắt thở. Lão ngẩng mặt, nước mắt chảy dài, chôn vợ tại hang động của dân trộm mộ mấy trăm năm trước, lại lấy đất trầm tích phủ lên, đắp một ngôi mộ nho nhỏ. Không kịp dựng bia rồi, về sau chỉ cần tìm được ngôi mộ triều Đường này ắt sẽ tìm được mộ mẹ đứa trẻ.
Lão Tần chợt thấy trong ngực nóng lên, móc ra một viên ngọc dính vết máu. Viên ngọc nhỏ như hạt đậu tằm, không điêu khắc bất cứ văn tự hay hình vẽ nào, mài sáng bóng lạ thường, có đục một lỗ tí ti. Lão còn tưởng rằng là dính vết máu của đứa trẻ mới sinh, lấy góc áo chùi lại không hết, hóa ra là bản thân viên ngọc đó đã thấm màu máu. Đây là viên huyết ngọc thượng đẳng; nó còn tỏa ra hơi ấm, chính là viên ngọc ấm hiếm có. Lão đã từng gặp khá nhiều ngọc Hòa Điền (1) ở Di Hòa Viên và Tử Cấm Thành, nhưng chưa hề thấy viên ngọc nào tốt như thế, bên dưới là ngọc trắng màu mỡ dê trong suốt, bên trên hằn tia máu tươi, nhìn như là máu người lúc chết bắn tóe lên, trải qua ngàn năm vẫn không phai màu.
Một viên huyết ngọc ấm Hòa Điền như thế hiển nhiên không phải sinh ra từ bụng vợ mình, hẳn là bảo vật mang từ địa cung ra. Chẳng lẽ là tiểu Hoàng tử triều Đường và thú canh mộ tặng quà gặp mặt cho đứa bé số khổ này?
Tần Hải Quan giấu khối ngọc ấm vào trong tã lót con trai, ít nhất khối ngọc này có thể tỏa hơi ấm, bảo vệ đứa bé khỏi bị chết rét.
Dân Bạch Lộc Nguyên chất phác, phụ nữ trong thôn đưa hai cha con bất hạnh về thôn, cho ngủ nhờ luân phiên mỗi tối. Những người còn trong thời kỳ cho con bú thay phiên nhau cho đứa bé bú sữa. Đứa bé mang tiếng là đẻ non nhưng sinh mệnh còn cứng hơn đá, mới chào đời đã khắc chết mẹ ruột. Trải qua cửa ải nguy hiểm khó khăn nhất, tinh thần đứa trẻ mạnh mẽ, mọi người đều bảo lâu lắm rồi mới thấy một đứa trẻ khỏe mạnh như thế này.
Các cụ già nói, đứa trẻ này được sinh ra trong ngôi mộ triều Đường, hiển nhiên được hưởng linh khí và tiên khí của tiểu Hoàng tử, được linh khí Đại Đường phù hộ, không phải hạng phàm phu tục tử. Mấy trăm năm trước, tiểu Hoàng tử thường hiển linh vào những năm đại hạn hán, bảo vệ trăm họ Bạch Lộc Nguyên chuyển nguy thành an. Mùng tám tháng Tư Âm lịch hàng năm là ngày giỗ của tiểu Hoàng tử, người dân quanh vùng đều sẽ thắp hương quỳ lạy.
Đến lúc đặt tên cho con trai. Nhà mẹ đẻ bà vợ ở Uy Hải Vệ vùng Sơn Đông, cha bà là lính thủy quân Bắc Dương, năm năm trước tham gia trận Giáp Ngọ (2), chết tại đảo Lưu Công. Hai vợ chồng đã giao hẹn trước, nếu đẻ con trai sẽ đặt tên là "Bắc Dương" để tưởng niệm ông ngoại.
Tần Bắc Dương!
Hai cha con ở tạm tại Bạch Lộc Nguyên. Để báo đáp ân tình các thôn dân, lão Tần sửa sang lại nông cụ cho mọi người trong thôn, thậm chí còn sửa lại cả cửa sổ, nóc nhà. Lão còn xây mộ cho các cụ già qua đời, hơn nữa không lấy một xu, đây chính là nghề gia truyền của lão.
Mùa đông năm đó, con trai vừa đầy tháng, Tần Hải Quan quyết định trở lại Bắc Kinh. Mùa hè chạy nạn, lão và vợ ra đi vội vã, rất nhiều bảo bối tổ truyền đều để lại trong nhà. Dù không đáng bao nhiêu tiền nhưng vẫn rất quan trọng với gia tộc đã theo nghề thủ công bao đời, sớm muộn gì cũng phải truyền lại cho con trai. Nghe nói chiến tranh đã kết thúc, triều đình nghị hòa với người ngoại quốc, giết một nhóm đại thần chủ chiến, giết sạch cả mấy chục nghìn quân Nghĩa Hòa Đoàn.
Lão Tần từ biệt các hương thân Bạch Lộc Nguyên, địu đứa bé còn quấn tã trên lưng đến ngôi mộ của tiểu Hoàng tử triều Đường, đốt ba nén hương tế bái người vợ đã mất, cũng để cảm ơn con thú trong địa cung. Đón tuyết đầu mùa, hai cha con bước trên con đường về phía Đông...
Thế kỷ hai mươi đang dần mở ra trước mặt Tần Bắc Dương.
________
Chú thích:
(1) Ngọc Hòa Điền có tên đầy đủ là Bạch Ngọc Hòa Điền, được dùng làm vật liệu chế tác trang sức cho Hoàng gia Trung Hoa từ thời Tây Hán. Ngọc Hòa Điền được coi là ông hoàng của thế giới ngọc.
(2) Trận Giáp Ngọ hay còn gọi là chiến tranh Thanh - Nhật. Đây chỉ là hai cách gọi khác nhau lần lượt của Trung Quốc và Nhật Bản. Là một cuộc chiến tranh giữa Đại Thanh và Đế quốc Nhật Bản diễn ra từ 1 tháng 8 năm 1894 đến 17 tháng 4 năm 1895. Cuộc chiến tranh này đã trở thành biểu tượng về sự suy yếu của nhà Thanh và chứng tỏ sự thành công của quá trình hiện đại hóa do công cuộc Minh Trị duy tân mang lại so với Phong trào Dương vụ ở Trung Quốc. Kết quả chủ yếu của cuộc chiến này là một sự chuyển dịch sự chi phối khu vực châu Á từ Trung Quốc sang Nhật Bản và là một đòn chí mạng vào nhà Thanh và truyền thống cổ truyền Trung Quốc.