Tháng Chạp năm Canh Tý, rời khỏi Bạch Lộc Nguyên, Tần Hải Quan bế theo đứa trẻ mới sinh đã mất mẹ, lặn lội nghìn dặm trở về quê nhà.
Lão dùng mấy công cụ làm đá đổi được một con dê cái, hàng ngày vắt sữa dê cho đứa trẻ uống. Lão không đi theo con đường cũ của Thái hậu Từ Hy mà đi khỏi Đông Quan hướng về phía Đông, men theo Hoàng Hà đến Lạc Dương, vào thôn Xuyến Hạng sửa nông cụ kiếm chút lộ phí, mua áo bông mùa đông cho đứa bé.
Miếng huyết ngọc ấm đem theo từ lăng mộ địa cung thời Đường đó luôn được cất thật kỹ trong tã, tỏa ra hơi ấm dịu nhẹ. Qua phủ Khai Phong về chính Bắc, đi qua phủ Đại Danh, phủ Chính Định, phủ Bảo Định… Chiến trường đại bình nguyên Hoa Bắc vừa tắt, thổ phỉ hoành hành, may mà lão chỉ là một người làm đá nghèo nàn nên chẳng ai để ý đến lão, trừ khi chúng để ý con dê cái.
Hai cha con đến được Kinh đô phủ Thuận Thiên cũng là gần tết Nguyên Đán, năm 1901 Dương lịch. Đế đô tiêu điều xơ xác.
Liên quân tám nước đang canh gác khắp nơi trong Kinh thành, những kẻ ngược đãi người Trung Quốc nhất thời bấy giờ là Nhật Bản, Nga và Đức. Tần Hải Quan cõng đứa trẻ đi vòng qua trạm gác, trèo qua lỗ hổng trên bức tường Sùng Văn Môn. Trời tờ mờ sáng, lão trở về sát Hoàng thành, nơi làng nghề sớm đã thành gạch vụn. Tần Hải Quan men theo trí nhớ tìm về nhà mình, bới được mấy vò gốm lão vội vàng chôn đi trước lúc chạy trốn trong đống đổ nát. Có một vò chứa đầy sách gáy buộc chỉ, trong đó có một bản viết tay “Tần Thị Mộ Tượng Giám” là bảo vật gia truyền.
Tần Hải Quan đang thu dọn đồ thì nghe thấy tiếng kêu thảm thiết ở bên cạnh. Lão cõng con ra ngoài, thấy mấy tên lính Đức đội mũ vành sắt nhọn đang cưỡng hiếp mấy thiếu nữ Trung Quốc đi ngang qua.
Biến cố Canh Tý trở nên gay gắt hơn từ khi Klemens Freiherr von Ketteler – công sứ người Đức bị giết. Đức hoàng ở Berlin lên tiếng kích động báo thù Trung Quốc. Sau khi liên minh tám nước tấn công Bắc Kinh, Thượng tướng lục quân Đức Alfred Graf Von Waldersee hạ lệnh cướp bóc ba ngày liền. Chỉ cần nhìn thấy người Trung Quốc đi tiểu ở bất kì chỗ nào, quân Đức được phép nổ súng về hướng có tiếng tiểu tiện.
Những người phiên dịch đi cùng đám lính Đức này khuyên không nổi. Tần Hải Quan để đứa bé và con dê ở bên đường, định xông lên nói lý. Quân Đức nhìn thấy cơ thể lão vạm vỡ, tưởng rằng lão thuộc nhóm Nghĩa Hòa Đoàn đến báo thù, liền bắn một phát súng trúng ngực.
Mắt Tần Hải Quan tối sầm, viên đạn của chiếc súng trường kiểu M98 xuyên qua giữa tim và lá phổi của lão.
Cách cái chết chỉ trong gang tấc, Tần Hải Quan mê man bất tỉnh ngay tại chỗ.
Tới khi lão tỉnh lại là hoàng hôn, máu tươi thấm một mảng dưới đất. Cũng may lão là thợ đá, cơ thể vạm vỡ, nếu không đã sớm toi mạng.
Nhưng… không thấy đứa bé đâu!
Lòng Tần Hải Quan lạnh dần, thiếu chút nữa lại ngất. Lão nhìn thấy hai xác chết nữ, cả hai đều bị quân Đức làm nhục rồi bắn chết. Con dê cái lão chật vật cả chặng đường lôi theo để lấy sữa cho con cũng bị bắn chết. Nhớ đến đứa con mới sinh, vợ đã chết, còn cả chặng đường vất vả, nước mắt Tần Hải Quan giàn giụa…
Vì sao không ở lại Tây An, ở lại Bạch Lộc Nguyên, cứ phải về Kinh thành mà liên quân tám nước đang chiếm đóng làm gì chứ? Đồ tổ tiên để lại quan trọng đến thế sao?
Nếu không phải gặp được một bác sĩ người Ý đi qua, đêm đó Tần Hải Quan đã bị thương nặng đến chết.
Lão phải nằm ở bệnh viện Chính Dương hai tháng, may mà nhặt về được cái mạng. Đầu xuân năm sau, lão Tần đi tìm đứa con bị mất tích khắp nơi, lão tìm cả ở nơi quân Đức đóng quân, nhưng cứ lại gần thì bọn chúng lại kéo cò súng, cuối cùng vẫn không tìm thấy tung tích của Bắc Dương.
Năm này, Lý Hồng Chương - đại diện triều Thanh ký “Hiệp ước Tân Sửu” với các nước, bồi thường bốn trăm năm mươi triệu lượng bạc trắng. Thái hậu Từ Hy và Hoàng đế Quang Tự rời Tây An hồi Kinh. Cuối cùng “Lưỡng cung” ngồi xe lửa nghênh ngang về Tử Cấm Thành dưới đao súng của liên quân tám nước và sự bảo vệ của quân Bắc Dương của Viên Thế Khải.
Tần Hải Quan trở về làng thủ công, lão lại cưới thêm hai đời vợ, trước sau đều chết vì bệnh, không để lại mụn con nào.
Không lâu sau, Thái hậu Từ Hy trùng tu lăng tẩm, là người thợ ngự dụng tổ truyền không thể thay thế, lão Tần được phủ Nội vụ hạ lệnh vào địa cung làm việc.
Năm Quang Tự thứ ba mươi tư, mùa đông năm 1908 lịch Tây, vua Quang Tự băng hà trong điện Hàm Nguyên, Doanh Đài - Trung Nam Hải, hưởng thọ ba mươi tám tuổi, miếu hào Đức Tông. Sau đó, Thái hậu Từ Hy mất trong điện Nghi Loan, Trung Nam Hải, hưởng thọ bảy mươi tư tuổi, di ngôn: "Phụ nữ không được tham dự triều chính!" Đây chẳng phải hành động vô nghĩa sao?
Đế vương các triều đại Trung Quốc đều xây dựng lăng mộ khi còn trẻ, Hoàng đế Vạn Lịch cho xây lăng mộ khi mới ngoài hai mươi. Nhưng vua Quang Tự chưa xây lăng mộ khi còn sống. Phổ Nghi ba tuổi đã thừa kế ngôi vua, thay đổi niên hiệu là Tuyên Thống. Nhiếp chính vương Tải Phong là em ruột của vua Quang Tự, lão than thở rằng huynh trưởng bất hạnh một đời, muốn xây một lăng mộ hoành tráng, có cả thú trấn mộ trấn thủ địa cung vĩnh hằng.
Thú trấn mộ!
Đại thần phủ Nội vụ dâng tấu rằng cả Đại Thanh chỉ có duy nhất Tần Hải Quan là thợ thủ công xây dựng được Hoàng lăng có thú trấn mộ.
Thân là thợ thủ công Hoàng gia gia truyền, bắt buộc phải phục tùng mệnh lệnh vô điều kiện, Tần Hải quan đưa ra điều kiện muốn gặp Nhiếp chính vương. Đại thần nói: “Ngươi là ai, ngươi cũng xứng gặp Nhiếp chính vương sao?”
Lão Tần thong dong nói: “Hay là ngài giết tôi đi, khắp cả thiên hạ này cũng chẳng ai có thể tạo được thú trấn mộ nữa.”
“Hổ… ăn cơm trong bát mà còn tham vịt bên ngoài, ngươi còn dám cứng miệng?”
Tuy nói thế, nhưng đại thần phủ Nội vụ cũng nhún nhường phần nào. Chẳng may không làm xong thú trấn mộ, hoặc là làm ra thứ hàng giả chẳng ra sao, Nhiếp chính vương lại giáng tội lão.
Năm đó, Nhiếp chính vương Tải Phong chưa tới hai mươi bảy tuổi, chỉ vì là cha đẻ của Hoàng đế ba tuổi nên mới trở thành kẻ độc tài đế quốc. Nội các trách nhiệm lần đầu của Đại Thanh đang trong giai đoạn trù bị, Nhiếp chính vương đưa ra một danh sách tuyển chọn khiến các đại thần bất mãn, kết quả tạo thành một Nội các Hoàng tộc tai tiếng (1). Đây là chuyện về sau, không nhắc tới nữa.
Sau giờ ngọ mùa xuân, tơ liễu bay trong không trung khắp Kinh thành, Tải Phong ngồi trong sảnh Tây Hoa tại dinh tư Thuần Thân vương phủ. Nhiếp chính vương đang mơ màng, có cảm giác tuyết tháng Tư bay lượn, thái giám chạy vào thông báo – hai khâm phạm triều đình được dẫn tới.
“Cái gì? Hai tên? Bắt được Tôn Văn và Hoàng Hưng rồi sao?”
“Không, Vương gia, từ núi Thái Bạch đến.”
Giọng the thé của thái giám khiến Tải Phong cảm thấy buồn nôn, nhưng nghe đến ba chữ “núi Thái Bạch” thì lập tức ngồi dậy, tỉnh táo hẳn.
Hai khâm phạm triều đình nhanh chóng được dẫn tới thềm của sảnh Tây Hoa, hóa ra là hai đứa trẻ mới sáu bảy tuổi. Một nam một nữ, dung mạo thanh tú, nhìn có nét giống nhau, chắc hẳn là anh em sinh đôi, dáng vẻ chúng như những bé trai bé gái dùng để hiến tế.
“Chính là hai đứa trẻ này? Còn là khâm phạm triều đình?”
Nhiếp chính vương tiến đến phía trước mặt hai đứa trẻ, dùng quạt nâng cằm bé gái lên. Đứa bé có đôi mắt to long lanh, không sợ hãi kẻ độc tài của đế quốc Đại Thanh một chút nào, chăm chú nhìn lão bằng đôi mắt mê hoặc.
Tải Phong vội vàng mở quạt, che tầm nhìn của bé gái, mặt dường như cũng bị ánh mắt ấy ghim cứng đờ.
Lão thái giám quỳ xuống bên cạnh nói: “Vương gia, hai đứa bé này đúng là khâm phạm triều đình. Nhưng đừng bị chúng hù. Sói con có nhỏ cũng vẫn là sói! Để bắt được cặp sinh đôi này đã tốn không biết bao nhiêu ngân lượng và người ngựa.”
“Ta biết, chuyện núi Thái Bạch đã bao nhiêu năm rồi, không cần nhắc lại!” Nhiếp chính vương nghiêm mặt, gõ cây quạt vào cái đầu nhẵn thín của thái giám, “Nhưng mà mục đính thực sự của hành động lần này, người mà triều đình không tiếc bất kì giá nào để tìm kiếm vẫn chưa có tung tích sao?”
“Vương gia, người muốn nói đến con của Lý tiên sinh sao? Ái chà, nghe nói trước khi hành động đã xuống núi, nên…”
“Đồ ăn hại!” Nhiếp chính vương tức giận, lão ta thực sự rất muốn đuổi cổ tên thái giám này ra ngoài! Lão cố kiềm chế tức giận nhìn cặp song sinh, nói, “Nên xử lý chúng thế nào?”
“Theo luật mà chém!”
“Trẻ con sáu tuổi cũng giết sao? Hoang đường!”
“Cũng có thể giam vào ngục, chờ chúng đủ mười lăm tuổi thì xử cực hình.” Lão thái giám do dự rồi nói tiếp, “Nhưng mà… để tránh hậu họa, tốt nhất vẫn nên nhổ cỏ tận gốc, tránh cho đêm dài lắm mộng, kéo tới thị phi.”
“Chẳng lẽ còn có thể làm lung lay giang sơn Đại Thanh sao?” Nhiếp chính vương Tải Phong nhìn hai đứa trẻ nói tiếp, “Bản vương muốn tiến hành nhiều cải cách ở triều Thanh, sau khi chuẩn bị lập hiến sẽ xây dựng lập pháp bắt chước các nước phương Tây, đặc biệt là hình phạt. Nếu giết trẻ con năm sáu tuổi, truyền đến tai người Tây ở Đông Giao Dân Hạng, chúng lại nói người Trung Quốc dã man, chưa khai hóa!”
“Vương gia, chẳng lẽ định thả người hay sao?”
Nhiếp chính vương đi lại vài bước, đập quạt vào bả vai đứa con trai: “Con trai tiến cung làm thái giám, con gái gửi đến Bát Phương Đại Hồ Đồng (2) làm kỹ nữ. Quyết định thế đi!”
Hai đứa trẻ đều hiểu lời lão nói nhưng im lặng không động đậy gì, bị tên thái giám đưa đi.
Tải Phong nằm trên sạp trong sảnh Tây Hoa, đùa với con chim trong lồng, đang tính nhắm mắt nghỉ ngơi một lúc lại có người đến báo đại thần Nội vụ cầu kiến.
Đi cùng đại thần vào diện kiến Nhiếp chính vương còn có một thợ thủ công Hoàng gia tên là Tần Hải Quan. Người này cao to vạm vỡ, tướng mạo chính trực, khoảng hơn năm mươi tuổi. Lão quỳ xuống đất dập đầu ba cái xuống nền gạch, vang thành tiếng trong sảnh Tây Hoa của Thuần Thân vương.
Tải Phong bị khí thế đó làm cho giật mình, hạ lệnh cho lão bình thân. Tần Hải Quan vẫn cứ quỳ đó không đứng lên, nước mắt thấm ướt gương mặt già nua: “Nhiếp chính vương đại nhân, nô tài là Tần Hải Quan, cả đời làm lăng mộ cho Hoàng thất Đại Thanh. Nô tài không có yêu cầu gì, chỉ mong tìm lại con trai độc nhất bị thất lạc từ chín năm trước – Tần Bắc Dương.”
Nếu là thời của Thái hậu Lão Phật gia, lão Tần đã sớm bị chém đầu rồi. Lão dám ra điều kiện với Hoàng gia ư? May cho Tần Hải Quan gặp được Nhiếp chính vương trẻ tuổi.
“Cha con tình thâm!” Tải Phong nhớ đến đứa con ruột mới ba tuổi của mình bị bế vào tử cấm thành làm Hoàng đế, lòng không khỏi xót xa, “Thiên hạ Đại Thanh, sao có thể để cha con ly tán!”
Nhiếp chính vương lập tức viết một phong thư, hạ lệnh phải tìm bằng được đứa con trai thất lạc của Tần Hải Quan. Lão Tần tin người đàn ông trẻ tuổi này sẽ không lừa lão, bấy giờ mới thu dọn đồ đạc đến công trường Tây Lăng.
_______
Chú thích:
(1) Ý nói về việc vào năm Tuyên Thống thứ 3 (1911) chính phủ triều Thanh tuyên bố bãi bỏ Quân Cơ Xứ, thi hành chế độ nội các Trách Nhậm, lập ra “Chính phủ gia đình Hoàng gia”, một hội đồng cai trị của Chính phủ Hoàng gia hầu như gồm toàn bộ các thành viên thuộc dòng họ Ái Tân Giác La. Việc này khiến các quan lại cao cấp như Trương Chi Động tỏ thái độ bất mãn.
(2) Bát Phương Đại Hồ Đồng từng là khu trăng hoa bậc nhất. Nơi đây có hơn trăm hộ kinh doanh gái làng chơi cao cấp, bắt đầu phát triển trong triều Thanh, từ đời vua Hàm Phong và suy tàn vào đời vua Quang Tự.