"Trước cùng ta nặng lời hẹn ước, sau vì đâu đổi khác đơn sai?” (“Ly tao” - Khuất Nguyên)
“Hoàng hôn đổ bóng tiêu điều, trời dần sấp bóng mọi người nghỉ ngơi. Sinh mệnh của ta hết rồi, xác thì ở lại linh hồn phải đi.” (“Khổng tước đông nam phi” - Tiêu Trọng Khanh và Lưu Lan Chi)
“Tới hoàng hôn, rộn tiếng tù và, đều ở không thành” ("Dương châu mạn" - Khương Quỳ)
Từ cổ chí kim, hoàng hôn và nỗi buồn ly biệt, thậm chí là cái chết luôn liên quan tới nhau.
Một cách khác, theo Vương Tiểu Ba từng nói, “Xưa với nay chẳng khác gì”.
Đại Thanh năm Tuyên Thống, năm 1909 Dương lịch, cuối xuân. Lại là một buổi hoàng hôn trên đế quốc, mặt trời giống như một chiếc bánh rán xuyên qua đồng bằng Hoa Bắc tiêu điều, chiếu xuống Tô giới Đức Vệ Thiên Tân. Cờ ba màu, trắng, đen, đỏ của đế quốc Đức bay phần phật trong gió.
Trong lớp học của trường tiểu học Wilhelm II, cô giáo người Königsberg – Phổ (1) viết chữ “die Daemmerung” lên bảng, đây là từ “hoàng hôn” bằng tiếng Đức.
“Bạn là ai?”
Thù Tiểu Canh ngồi ở bàn học, nhìn ánh hoàng hôn chói chang bên ngoài cửa sổ. Thuyền buồm và ca nô qua lại như thoi đưa, sóng gợn lăn tăn trên mặt sông Hải Hà.
Cứ mỗi hoàng hôn, trong khoảng thời gian một nén nhang, cậu lại thả hồn mơ màng, tự hỏi bản thân về mệnh đề khó giải này? Nếu cậu đã tới tuổi cổ lai hy, đọc đủ các thứ thơ văn, hoặc là lão tăng ngồi thiền thì cũng không có gì làm lạ, nhưng cậu chỉ là một đứa trẻ vắt mũi chưa sạch, tuổi đếm chưa đến mười.
Thù Tiểu Canh vô thức gãi tay. Mấy hôm trước, cha mẹ mới mời một bác sĩ người Đức đến trị bệnh đậu mùa cho cậu, giờ chỉ còn lại những vết sẹo nhỏ.
“Matthias!”
Cô giáo gọi tên tiếng Đức của Thù Tiểu Canh, cảnh cáo lên lớp không được mất tập trung.
Trường học này lấy theo tên của Hoàng đế Đức lúc đó, trong lớp, một nửa là trẻ con Đức, một nửa là trẻ con Trung Quốc, chỉ có học sinh nam.
Thành tích của Thù Tiểu Canh luôn đứng đầu lớp. Theo tinh thần thợ thủ công của người Đức, trong trường có mở lớp cơ giới, bất kỳ bộ phận nào của máy đến tay Thù Tiểu Canh đều ra những hình dáng mới lạ hoặc biến từ phế liệu thành vật liệu sắc bén, khiến cho giáo viên máy cơ giới đến từ vùng Ruhr thán phục không thôi. Hiệu trưởng trường tiểu học Wilhelm II (2) là Tiến sĩ trường đại học Heidelberg (3), kiêm phó Tổng Giám đốc hội đồng Tô giới Đức. Ông là một người rất xem trọng đứa trẻ này, hứa hẹn tương lai sẽ tài trợ cho Matthias sang Đức du học.
Tiếng chuông tan học vang lên, cậu bé ôm cặp sách chạy như bay ra khỏi trường, đuôi tóc đằng sau gáy cũng lúc lắc như đuôi mèo.
Vài học sinh Trung Quốc bắt chuyện, hỏi cậu có muốn đi xem kính vạn hoa không? Thù Tiểu Canh cười, lắc đầu: “Các cậu có muốn chơi cờ tướng với mình không?” Không ai dám nhận lời vì từ khi cậu ta bảy tuổi đã chơi cờ không bao giờ thua. Bình thường, học sinh Đức rất ít khi chơi với học sinh Trung Quốc, học sinh nước nào chơi với nước đó, Thù Tiểu Canh chỉ tự chơi một mình. Người bạn tốt duy nhất của cậu là một bé trai tóc vàng tên là Hermann, hai cậu thường chơi cờ vua với nhau.
Cậu bé băng qua đường Wilhelm, nơi này có một bức tượng Đức Hoàng bằng đồng cao sừng sững. Mấy tên lính Đức thấy đuôi tóc của bé trai Trung Quốc thì cười ha hả giễu cợt. Thù Tiểu Canh lập tức mắng lại một câu chửi bậy học được từ một người bạn Đức “Arschloch” có nghĩa là khốn nạn. Đám lính Đức giật mình, lần đầu có một đứa trẻ Trung Quốc mắng bọn họ bằng tiếng Đức.
Trong Tô giới Đức Thiên Tân, những kiến trúc cũ trên đường Hạ Ngoa Phòng và Đại Doanh Môn khu Hà Tây bây giờ không còn sót lại chút gì, toàn bộ đều là nhà kiểu Tây mới được xây lại.
Thiên Tân là cửa khẩu Kinh Kỳ, đóng vai trò quan trọng trên con đường từ Hoa Bắc đến biển, cũng là nơi ở của đại thần Bắc Dương. Từ khi quân liên minh Anh – Pháp đốt Viên Minh Viên, người Anh đã vây Tô giới ở Thiên Tân. Sau đó là Pháp, Nga, Mỹ, Nhật, Ý, đế quốc Áo – Hung, thậm chí Bỉ cũng xây dựng Tô giới. Thiên Tân trở thành thành phố Tây nhất phương Bắc. Những năm dân quốc, Tanizaki Junichiro đến Thiên Tân du lịch đã ngạc nhiên tựa như đến tận châu Âu.
Thù Tiểu Canh chín tuổi chạy men theo con đường khúc khuỷu ven sông. Mùa đông năm ngoái, có một con mèo con bị rơi xuống nước, sắp chết đuối thì cậu bé cởi áo bông nhảy xuống liều chết cứu mèo, chính mình thì bị nhiễm lạnh đến mức suýt ốm nặng.
Lúc đến cửa nhà, trời đã sẩm tối. Đây là căn nhà gạch kiểu tứ hợp viện, chỉ có một gia đình, không chung cổng với nhà khác. Ngoài mái hiên có yến làm tổ, trong sân trồng đầy hồng nguyệt quý. Mẹ đã nấu xong bữa tối, có món cua và ốc móng tay mà Tiểu Canh thích.
Cha cậu Thù Đức Sinh bỏ kính ra, đặt tờ báo tiếng Đức hôm nay xuống nói: “Tải Tuần – em trai Nhiếp chính vương khảo sát hải quân ở Đức, còn cho người đi khảo sát chế độ quân chủ lập hiến. Thế này đám vương tôn quý tộc sao gánh vác được nhiệm vụ to lớn?”
Thù Đức Sinh khoảng bốn mươi tuổi, thuộc nhóm du học sinh Đức sớm nhất, về nước xong định cư ở Thiên Tân, làm việc trong chi nhánh Thiên Tân của Ngân hàng Deutsche. Ông được Bộ Ngoại vụ triều Thanh giao trách nhiêm dịch Hiến pháp của đế quốc Đức sang tiếng Trung để làm tài liệu tham khảo, vì thế nên ông rất quan tâm đến chính trị.
Cậu con trai đang ăn bữa tối ngon lành, đột nhiên xen miệng vào: “Cha à, chờ con lớn rồi con muốn làm Thượng tướng hải quân.”
“Nhóc con mơ mộng viển vông. Nhiếp chính vương lên đài sẽ bỏ cũ thay mới, hạ Viên Thế Khải. Bây giờ không phải Hoàng tộc thì cũng chỉ người Mãn mới được làm Tướng quân. Nào đến lượt con?”
“Cha à, con muốn cưỡi chiến thuyền đi khắp nơi, đến cửa của các cường quốc như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga để họ không dám chĩa họng súng vào đường ven biển Trung Quốc ta nữa.”
Trên bệ cửa sổ là một mô hình chiến hạm bằng gỗ do Tiểu Canh tự tay điêu khắc, giống thật như đúc, không thua kém bất kỳ mô hình nào bằng kim loại.
Mỗi lần nhìn thấy mô hình tàu thuyền, hay chỉ là tranh tàu thuyền ở trường, cậu sẽ tưởng tượng ra hình ảnh đại dương với những cơn sóng cuồn cuộn, một chiếc thuyền rẽ sóng vượt gió, sống thuyền dưới gợn sóng sáng choang, chân vịt quay tít ở đuôi thuyền, từ âm thanh đến tốc độ đến mã lực thậm chí là cả vị trí trọng tâm đều bay qua đầu dày đặc như chữ trên tờ báo trước mắt.
“Mơ mộng hão huyền! Cha thấy Trung Quốc còn phải nghèo đói yếu kém một trăm năm nữa!” Thù Đức Sinh châm một điếu thuốc, xoa đầu con trai nói, “Tiểu Canh à, con là đứa con trai duy nhất của nhà họ Thù. Từ trước tới nay, con trai độc đinh không được làm lính, sẽ không ai cần con đâu.”
“Cha à, cha nói con sinh năm Canh Tý. Con nghe ông Trương chốc đầu kéo xe ở đầu hẻm kể, năm đó, Liên quân tám nước thuê ông ấy kéo xe cút kít chuyển lương thực từ Thiên Tân đến Kinh thành. Ông ấy nhìn thấy tận mắt lũ quỷ Tây giết người vô tội bừa bãi, trên đường toàn xác người. Lính của ba nước Đức, Nhật, Nga dã man nhất. Giáo viên Đức ở trường chúng con lại bảo, đó là sự trừng phạt của nền văn minh dành cho kẻ mọi rợ. Điều này có đúng là văn minh không cha?”
Nghe tới ba chữ “năm Canh Tý”, mặt Thù Đức Sinh biến sắc. Ông vỗ bàn quát: “Đừng có nhắc lại ba chữ “năm Canh Tý”, cũng không được tìm tên Trương chốc đầu đấy nữa! Hắn chính là tên ngu ngốc nói năng linh tinh! Cũng đừng nói đến chuyện này với các giáo viên, ảnh hưởng tương lai tốt đẹp của con!”
Thù Đức Sinh từ trước tới nay chưa bao giờ mắng con, càng không nỡ lòng đánh. Vợ ông chạy lại can ngăn, xin ông bớt giận, bảo con mau ăn cơm đi.
“Chẳng phải tên con có một chữ “Canh” sao?"
Mẹ nói cậu sinh năm Canh Tý, để dễ nuôi nên thêm chữ “Tiểu”, giống tên gọi ở nhà của những đứa trẻ nông thôn như Cẩu Đản, Nhị Ngưu. Thù Đức Sinh không nói nữa, nhìn màn đêm ngoài cửa sổ, cảm thấy bất an.
“Cha, con xin lỗi. Con biết năm Canh Tý là điều kiêng kỵ của nhà mình. Con xin hứa sau này sẽ không nhắc đến nữa.”
Nhìn đứa con trai thông minh, Thù Đức Sinh tươi tỉnh, cười khẽ: “Không sao! Mấy hôm nay công việc của cha bận quá, cha phải làm quyết toán tiền bồi thường Canh Tý của ngân hàng Deustch.”
“Bồi thường Canh Tý bốn trăm năm mươi triệu lượng bạc trắng ấy ạ? Bình quân mỗi người Trung Quốc phải trả một lượng bạc cho bồi thường Canh Tý sao?”
“Số tiền này lớn nên phải chia ra trả trong ba mươi chín năm mới hết. Lãi suất 4% một năm, cả gốc lẫn lãi lên tới một tỉ lượng bạc trắng! Quân Đức được chia 20%, năm triệu lượng bạc trắng mỗi năm. Năm nay bắt đầu chuyển cho ngân hàng Deustch chi nhánh Thiên Tân giải quyết, còn phải quy đổi giá trị ra đồng Mark Đức, bạc trắng thì đưa lên thuyền chuyển tới Đức. Thật khiến người ta đau đầu!”
“Năm triệu lượng bạc trắng… bao nhiêu tiền nhỉ?”
“Năm đó, khi cha du học ở Đức, giá trị hợp đồng thiết giáp hạm Định Viễn thủy quân Bắc Dương đã là một triệu sáu trăm ba mươi nghìn lượng bạc trắng.”
Thù Tiểu Canh tính ra đáp án ngay lập tức: “Tương đương với việc mỗi năm Trung Quốc phải đền bù ba chiến hạm Định Viễn cho Đức! Người nào cướp tàu giữa đường thì thành giàu có không ai bằng rồi?”
“Hai năm trước, Trung Quốc đền bù Canh Tý cho Nhật. Một con thuyền vận chuyển chở một triệu lượng bạc trắng khởi hành từ cửa biển Ngô Tùng, mất tích ở giữa Hoa Đông. Mấy trăm hành khách không rõ sống chết. Có người nói gặp cướp biển, có người nói tai nạn trên biển, thậm chí còn có người bảo thuyền trưởng tự cướp. Nói chung, sau khi vụ án đó xảy ra, các nước đều tăng cường bảo vệ tuyến đường vận chuyển bạc bồi thường Canh Tý.”
“Vụ án triệu bạc trắng ạ? Nghe cũng hay thật, giống truyện “Dấu bộ tứ” của Sherlock Holmes, có lẽ do hiệp khách cướp của người giàu chia cho người nghèo!”
“Chớ nói nhăng cuội, mau đi làm bài tập đi!”
Thù Tiểu Canh “vâng” một tiếng, trong đầu còn đang hiện lên hình ảnh chiếc thuyền ma chở đầy bạc trắng phiêu dạt trên mặt biển…
Nhà cậu đã lắp đường điện. Cậu làm xong bài tập dưới ánh đèn, sau đó đến thư phòng của cha đọc “Tam quốc diễn nghĩa”.
Tối qua cậu vừa đọc tới hồi một trăm lẻ tư: “Rơi sao lớn, Thừa tướng qua đời. Trông tượng gỗ, Đô đốc mất vía.” Ngày hai mươi ba tháng Tám, mùa thu, năm Kiến Hưng mười hai, Gia Cát Lượng xuất sư báo thù, thù chưa báo mà đã mất mạng trong gió thu tại đồng bằng Ngũ Trượng.
“Ban đêm, trời đất u sầu, ánh trăng tối tăm, Khổng Minh cứ thế ra đi.”
Đọc đến chỗ này, Thù Tiểu Canh tựa như có thể nhìn thấy trên bờ sông Vị Hàm, trời đêm mênh mang, một ngôi sao màu đỏ rơi xuống, lòng không khỏi xót xa, sống mũi cay cay, nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Có tiếng gõ ngoài cửa lớn tứ hợp viện.
Thù Đức Sinh than ngắn thở dài, thấp thỏm ra mở cửa. Một người đàn ông đứng trong đêm tối, dù mặc áo dài xanh, đội mũ chóp, gương mặt lại là một chàng trai trẻ, ánh mắt sắc như dao đâm vào mặt Thù Đức Sinh, phía sau còn có hai cảnh sát người Hoa của Tô giới Đức.
Người đó xuất trình giấy tờ: Thám viên Tổng cục Cảnh sát phía Tây Kinh thành Diệp Khắc Nan, kèm công văn do Tô giới Đức ban hành.
_______
Chú thích:
(1) Königsberg ngày nay là Kaliningrad thuộc Nga.
(2) Tiểu học Wilhelm II đặt tên theo Friedrich Wilhelm Viktor Abert von Hohenzollern, Wilhelm II của Phổ và Đức, (27 tháng 1 năm 1859 – 4 tháng 6 năm 1941) là vị Hoàng đế (Kaiser) cuối cùng của Đế quốc Đức, đồng thời cũng là vị Quốc vương cuối cùng của Vương quốc Phổ, trị vì từ năm 1888 cho đến năm 1918. Ông là một trong những nhân vật chủ chốt trong lịch sử châu Âu vào thế kỷ 20, và những chính sách của ông đóng vai trò quyết định đối với sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
(3) Đại học Heidelberg: Đại học Heidelberg là một trường đại học nghiên cứu nằm ở thành phố đại học Heidelberg, Baden-Württemberg, Cộng hoà liên bang Đức được thành lập năm 1386 dưới tên Ruprecht-Karls-Universität Heidelberg. Đây là trường đại học lâu đời nhất của Đức từ thời Thánh chế La Mã và là thành viên sáng lập của LERU.