Dưới ánh trăng của Tô giới Đức ở Thiên Tân, mùi hôi thối bốc ra từ sông Hải Hà khiến con người ta ngất ngây.
Thám viên cục Tuần cảnh Diệp Khắc Nan cởi mũ fedora, lộ ra cái trán bóng loáng, “Thù Đức Sinh, ông biết nguyên nhân tôi đến đây chứ?”
Thù Đức Sinh chớp mắt, thấp thỏm lo âu cả ngày, quả nhiên đã đến rồi! Nhưng ông vẫn giả ngu, lắc đầu tỏ vẻ ngu ngơ không biết gì.
“Năm Canh Tý, ông làm phiên dịch cho quân đội người Đức, nhận giặc làm cha, vẽ đường cho hươu chạy, bán nước cầu vinh. Còn muốn cãi hả?”
Diệp Khắc Nan trẻ tuổi nhưng nói năng rõ ràng, khí phách.
Sau một khắc im lặng giằng co, hai chân Thù Đức Sinh mềm nhũn, khuỵu gối quỳ xuống đất, “Ngài thám trưởng ơi, tôi thừa nhận tôi là kẻ tội ác tày trời, chỉ có thể lấy cái chết đền tội. Nhưng xin ngài đừng sát hại vợ con tôi. Năm Canh Tý, quân đội Đức ép tôi làm phiên dịch. Khi đó mẹ già nằm liệt giường, tôi không thể không nghe theo, nếu không cả gia đình sẽ phải chết dưới họng súng người Đức. Tôi theo người Đức vào Bắc Kinh, hỗ trợ bọn họ giữ gìn trị an.”
“Chó má! Ai cũng biết quân Đức hung bạo bậc nhất. Ông lại giúp chúng cùng sát hại dân chúng ở Kinh thành!”
“Đúng thế. Quân Đức cướp đốt giết hiếp, tôi không thể ngăn cản, tội tôi khó thoát. Đến Tết Âm lịch năm Tân Sử, tình hình dịu đi, tôi lặng lẽ trốn khỏi Bắc Kinh, không hề làm việc cho quân Đức nữa.”
“Hừ! Chuyện năm Canh Tý, nếu truy cứu tới cùng thì xếp hàng ở cửa chợ đến ba năm cũng không chặt hết đầu lũ Hán gian! Nhưng mà, đám giặc Tây cũng không để chúng ta truy cứu đâu!” Diệp Khắc Nan đột nhiên đổi chủ đề, nhìn vào tứ hợp viện tìm tòi, “Thù Đức Sinh, ông có một đứa con tên Thù Tiểu Canh, hiện đang học tại trường Tiểu học của Đức đúng không?”
“Việc này có liên quan gì đến Tiểu Canh? Nó mới chín tuổi, sinh vào năm Canh Tý…” nói đến chỗ này, Thù Đức Sinh lại nuốt lại lời, “Ý ngài là…?”
“Đúng thế!” Diệp Khắc Nan đã xông vào đến cửa, nhìn phòng làm việc dưới ngọn đèn, “Con trai ông sinh vào năm Canh Tý, ngày mấy tháng mấy? Sinh ở đâu? Có ghi chép chứng minh của người xung quanh không?”
“À… ở…”
“Để tôi nói hộ ông! Tháng Chạp năm Canh Tý, sắp đến tháng Giêng năm Tân Sửu, ông làm phiên dịch cho một toán quân Đức. Tuần tra trong làng làm nghề đá ngoài Hoàng thành, có vài cô gái đi qua, bị quân Đức hãm hiếp!”
“Tôi đã ngăn cản chúng nhưng không được. Từ lâu, đã chúng coi mạng người như cỏ rác, ngay cả tôi cũng có thể bị bắn chết.”
“Lúc đó một người đàn ông đi ngang qua, bế một đứa bé quấn tã, còn dắt theo một con dê cái. Người đó muốn ngăn cản sự bạo hành của quân Đức nhưng bị trúng đạn vào ngực. Quân Đức hãm hiếp con gái nhà lành xong thì giết hết, còn đem theo đồ cổ cướp được ở làng làm nghề đá về doanh trại. Ông nghe tiếng đứa bé kêu khóc trong gió rét thì sinh lòng trắc ẩn. Ông nghĩ rằng thợ đá đó đã chết nên bế đứa bé lên xem, đó là một bé trai khỏe mạnh. Nếu để đứa bé lại, chẳng mấy mà nó sẽ chết rét hoặc bị chó hoang tha đi. Trong khi ông cưới vợ đã nhiều năm mãi không có con, thấy đứa bé này thì rất vui mừng, quyết định đưa đi. Thù Đức Sinh, cảm ơn ông đã cứu mạng đứa bé, tích âm đức. Ông đưa đưa bé về nhà mình ở Thiên Tân, hai vợ chồng ông coi đứa bé như con đẻ mà nuôi lớn, yêu thương hết mực, đặt tên là Thù Tiểu Canh.”
“Đúng thế!” Môi Thù Đức Sinh run rẩy, nước mắt vòng quanh, “Trong tã có khối huyết ngọc ấm Hòa Điền hình vuông, hẳn là báu vật mà cha mẹ đứa bé để lại.”
Nghe được chi tiết này, Diệp Khắc Nan biết chắc chắn mình không nhầm, thở phào một hơi.
Một tháng trước, thám viên Diệp Khắc Nan thuộc cục Tuần cảnh ở đường phía Tây Kinh thành nhận được thư do chính Nhiếp chính vương viết, lệnh cho anh hỏa tốc tìm con trai Tần Bắc Dương của thợ đá ngự dụng phủ Nội vụ - Tần Hải Quan.
Anh nhíu mày đọc nội dung bức thư, nghịch hộp mực bằng đồng trong tay, phía trên khắc chữ “Sóng mực cuộn trong nghiên mực cổ/Thư pháp quân đội tuyệt diệu như nước chảy/Một tập Hoàng Đình chẳng mấy chữ/Đổi hết với đạo sĩ ở Sơn Âm.” (1) Đằng sau là tranh chữ “Quỷ thủ nhân tâm” do Tổ phụ Diệp Hành Khách truyền lại. (2)
Nhà họ Diệp ở Lục Phiến Môn (3) danh tiếng lẫy lừng, làm đương sai ở nha môn Thuận Thiên phủ từ thời Khang Hy.
Trong thời kỳ Hàm Phong, tổng bộ đầu Diệp Hành Khách đã phá được vụ cưỡng hiếp rồi giết người hàng loạt ở Kinh thành chỉ nhờ vài manh mối mỏng manh. Tên tội đồ đã sát hại mười ba mạng người. Nghe nói năm đó, ngự bút ngợi khen của hoàng đế là do Quý phi Ý – sau này là Thái hậu Từ Hy viết thay.
Liên quân Anh - Pháp tấn công Bắc Kinh, Diệp Hành Khách cầm súng ra trận, chết trận ngay tại Chính Dương Môn. Năm Canh Tý, cha Diệp Khắc Nan cũng chết trận ở đó. Khi đó, kẻ xâm lăng đổi thành Liên quân tám nước.
Anh mới tốt nghiệp trường Tuần cảnh cao cấp được hai năm, vừa qua sinh nhật tuổi hai mươi tư. Diệp Khắc Nan mặc đồng phục đen mới tinh, đội mũ đen kẻ trắng. Nhìn trong gương, anh trông không khác gì du học sinh Nhật Bản, có điều bộ trang phục kiểu này cũng đẹp hơn áo choàng của một vị quan độc đoán mà cha anh mặc ngày trước.
Thật ra, anh cảm thấy nhiệm vụ của Nhiếp chính vương giao có phần nhảm nhí. Thành Bắc Kinh năm Canh Tý, gặp phải lũ quân Đức giết người không chớp mắt, khả năng sống sót của đứa trẻ ba tháng tuổi cực kỳ thấp.
Trong xã hội này, bọn buôn người giữa ban ngày ban mặt bắt cóc phụ nữ trẻ em rồi ngang nhiên rao bán bên vệ đường, quan phủ cũng không quản. Coi như tìm được đứa trẻ, giờ nó đã chín tuổi, lấy gì để chứng minh bản thân? Truyền nhân trẻ tuổi nhất của Lục Phiến Môn không khỏi cảm thấy khó xử. Không tìm được người sống cũng phải đào ra xương cốt để báo cáo kết quả. Chẳng nhẽ phải vào bãi tha ma tự phát từ năm Canh Tý, kiếm một cái đầu lâu trẻ con về rồi nhận bừa ư?
Cuối thư, Nhiếp chính vương còn chú thích rõ cách nhận ra Tần Bắc Dương:
Thứ nhất. Gáy đứa trẻ này có hai vết bớt đỏ, nhìn như sừng hươu.
Thứ hai, lúc thất lạc năm Canh Tý, trong tã lót có một khối huyết ngọc ấm Hòa Điền hình vuông, hiếm có khó tìm, chắc chắn không thể nhầm.
Không còn lựa chọn nào khác, Diệp Khắc Nan phải hoàn thành sứ mệnh. Anh và Tần Hải Quan gặp mặt nói chuyện ba lần. Lão Tần cung cấp một đầu mối quan trọng: năm đó, vào ngày xảy ra chuyện, có một người đàn ông phiên dịch cho quân Đức, tuổi tầm trung niên, khúm na khúm núm.
Diệp Khắc Nan bắt tay vào việc. Anh nhờ đại thần Bộ Ngoại vụ, thăm viếng Võ quan của Công sứ quán Đức tại Đại Thanh, tra cứu phiên hiệu quân Đức trú tại Bắc Kinh lúc đó (đương nhiên đã rút quân về nước từ lâu). Anh gửi điện báo đến Công sứ quán Trung Quốc tại Đức, nhắn lại ý chỉ điều tra của Nhiếp chính vương, từ đó xác định được có hơn hai mươi phiên dịch theo quân.
Diệp Khắc Nan trằn trọc mấy ngày cũng tìm ra những người còn sống. Đa phần ở Thanh Đảo, thuộc địa của Đức, còn vài người ở Tô giới Đức Thiên Tân. Người cuối cùng chính là Thù Đức Sinh trước mắt. Người này có một người con trai duy nhất, tên Thù Tiểu Canh, sinh năm Canh Tý, vừa hay phù hợp điều kiện.
Hai ngày gần đây, Diệp Khắc Nan âm thầm theo dõi quan sát, nhận thấy: Thù Tiểu Canh chưa đến mười tuổi, khá cao so với trẻ con cùng tuổi, sức khỏe có vẻ rất tốt, lúc chạy chẳng khác nào ngựa lồng khỏi cương, có thể coi là hạc giữa bầy gà trong đám trẻ nhỏ, không thua kém trẻ con Đức là bao. Càng khiến người ta ngạc nhiên là Tiểu Canh dám đứng bên đường chửi binh sĩ Đức bằng tiếng Đức, đủ thấy đứa trẻ này vô cùng gan dạ.
Lúc Diệp Khắc Nan gõ cửa, nhìn thấy Thù Đức Sinh liền hiểu. Thù Đức Sinh vóc người thấp bé, mặt hẹp dài, mũi tẹt, môi dày, hơn nữa còn là một kẻ hay đau ốm. Nói Tiểu Canh là con đẻ Thù Đức Sinh thì thật khó tin.
Lúc này, vợ chồng Thù Đức Sinh quỳ xuống sân khóc không thành tiếng.
Trong lòng, họ hiểu rõ rằng bắt đầu từ đêm nay, Tiểu Canh không còn là của bọn họ nữa.
Thù Đức Sinh lau nước mắt, “Tôi yêu thương Tiểu Canh hết mực. Lúc làm thôi nôi cho nó, tôi cũng bày đồ vật để chọn đoán tương lai theo tập tục của các cụ. Nếu chọn Tứ thư Ngũ kinh sau này sẽ thành người đọc sách, chọn Thanh Long Yển Nguyệt đao thì sau sẽ làm võ tướng, chọn bàn tính hạt châu sau tất làm thương nhân phát tài, không ngờ thằng bé lại túm chặt lấy thước của thợ mộc, chẳng lẽ tương lai lại làm thợ thủ công sao? Giờ nghe anh nói nó là cốt nhục của thợ đá Hoàng gia, quả nhiên số trời đã định!”
Vợ lão Thù tuy là đàn bà nhưng lại có chủ kiến hơn đàn ông, hành lễ vạn phúc với Diệp Khắc Nan, “Quan gia, xin ngài cho hai mẹ con tôi một buổi tối cuối cùng. Tôi là mẹ Tiểu Canh, tuy không phải ruột thịt nhưng còn gần gũi hơn thế. Đến sáng sớm mai, ngài hẵng đưa đứa bé này đi. Tôi cam đoan sẽ phối hợp, không để Tiểu Canh phản kháng.”
Diệp Khắc Nan nhớ đến người mẹ đã mất từ sớm của mình, trong lòng dấy lên sự cảm thông. Anh do dự một hồi rồi cũng bằng lòng. Diệp Khắc Nan vỗ vai Thù Đức Sinh, “May mà gia đình ông nuôi nấng đứa bé này. Bây giờ, tôi muốn nhìn nó một chút.”
Thù Đức Sinh mở cửa thư phòng, không muốn Tiểu Canh nhìn thấy mình khóc nên tránh ngoài cửa nói, “Tiểu Canh, chú con đến thăm con này.”
“Chú nào ạ? Cha, cha đang lừa gạt trẻ con à?”
Tiểu Canh quay đầu nhìn thấy Diệp Khắc Nan. Người đàn ông mặc áo khoác dài màu lam đứng dưới ánh đèn quan sát cậu bé một cách cẩn thận. Cậu bé cũng không rụt rè, đường hoàng hỏi, “Chú là ai?”
Diệp Khắc Nan không nói gì. Anh bước đến mấy bước, nhìn quyển “Tam quốc diễn nghĩa” trên bàn thì ngẩng mặt lên trời đọc bài thơ cổ cuối cùng trong sách, “Ngẫm thế sự bời bời ngán nỗi/Cuộc tang thương biến đổi khôn lường/Tam phân một giấc mơ màng/Viếng đời gọi có mấy hàng hôm nay....” (4)
“Chú là người kể chuyện à? Nhìn không giống!” Tiểu Canh quan sát hành động và vẻ mặt của người đối diện, “Lẽ nào chú là… thám viên của cục Tuần cảnh?”
Không ngờ lại bị đứa trẻ này này phát hiện rồi! Diệp Khắc Nan cũng không khách khí, chớp mắt đã túm tay cậu bé, đè Tiểu Canh từ sau lưng. Đứa trẻ liều mạng giãy dụa, sức lực mạnh mẽ kinh người. Diệp Khắc Nan theo cha tập nội gia quyền từ nhỏ, lại theo học Judo Nhật Bản với Naniwa Kawashima (5) ở trường Tuần cảnh cao cấp, nên anh thuần thục cởi áo của Tiểu Canh, nhìn rõ hai vết bớt trên gáy cậu bé…
Vết bớt sừng hươu màu đỏ nằm đối xứng hai bên xương cổ, chiếc sừng hướng lên trên, như lửa cháy bốc tận trời.
_________
Chú thích:
(1) Đây là một tích cổ nói về bậc thầy thư pháp Vương Hi Chi lúc tuổi già ẩn cư ở Hội Kê, Sơn Âm.
(2) “Quỷ thủ nhân tâm”: Tay chân linh hoạt, tấm lòng từ ái.
(3) Ý chỉ Tử Cấm Thành.
(4) Đây là bốn câu thơ cuối trong “Tam Quốc diễn nghĩa thiên mạt thi” - bài thơ kết thúc và tóm tắt truyện Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Tham khảo bản dịch của Phan Kế Bính.
(5) Naniwa Kawashima (hay còn gọi là Xuyên Đảo Lãng Tốc là điệp viên người Nhật hoạt động tại Mãn Châu. Ông là người đã nhận nuôi công chúa thứ 14 của triều Thanh, thường được biết đến tên Yoshiko Kawashima, người phụ nữ phản bội tổ quốc, làm gián điệp cho Nhật.