Một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể chữa lành hoặc phòng ngừa các rối loạn về tiêu hóa. Những thay đổi này sẽ giúp bạn sống vui sống khỏe về sau và lại có thể thưởng thức các bữa ăn mà không còn bị cơn đau hành hạ.
Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên thay đổi thói quen sống. Chẳng hạn, nếu bạn bị GORD thì nên tránh nằm ngay sau khi ăn; nếu bạn bị loét dạ dày - tá tràng thì cần phải hạn chế các thức ăn và đồ uống có chứa caffeine; tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn và uống nhiều nước hơn để tránh bị táo bón; và có thể bạn sẽ vĩnh viễn tránh ăn thực phẩm chứa gluten nếu bạn bị bệnh coeliac.
Hãy kiên trì và chấp nhận một khoảng thời gian thử - sai trong quá trình thay đổi thói quen ăn uống và lối sống. Bạn có thể liệt kê ra những loại thức ăn gây khó chịu, hoặc làm bạn bị đầy hơi. Nếu tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, tốt nhất là nên loại bỏ chúng khỏi khẩu phần ăn. Tuy nhiên, nếu đã loại một nhóm thức ăn ra khỏi thực đơn hàng ngày thì bạn cần thay thế bằng các loại thực phẩm khác, hoặc thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể hấp thu đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Ví dụ, những người kiêng sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ phải bổ sung thêm canxi để tránh bị loãng xương.
→ Để tăng cường dung nạp chất xơ và duy trì hoạt động tích cực của bộ máy tiêu hóa, hãy bắt đầu ngày mới với thức ăn sáng giàu chất xơ.
CHỨNG KHÓ TIÊU
Những gợi ý sau có thể làm giảm các cơn khó tiêu nhẹ - cảm giác đau hoặc khó chịu trong dạ dày, hay vùng bụng trên, thường xảy ra ngay sau khi ăn; có thể kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, ợ hơi và chướng bụng. Nguyên nhân là do ăn uống quá nhiều, đôi khi do căng thẳng, mà cũng có thể là triệu chứng của một rối loạn khác, như bệnh loét dạ dày - tá tràng.
• Tránh các loại thức ăn đồ uống dễ kích thích dạ dày, như thức uống chứa caffeine (cà phê, nước tăng lực), bạc hà, trái cây họ cam quýt (gây dư axit dạ dày), thức ăn nhiều gia vị (đặc biệt là gia vị chua, cay), thực phẩm có hàm lượng chất béo cao và các sản phẩm từ cà chua
• Uống một tách trà thảo mộc, như trà gừng, trà bạc hà, trà hạt thì là, hay trà hoa cúc
• Ăn những bữa chính và bữa phụ nhỏ, nhiều lần và vào những khoảng đều đặn trong ngày với thực phẩm ít béo như trái cây, bánh nướng pretzels, crispreads và sữa chua ít béo
• Ăn chậm và nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt
• Không nên uống nước khi đang dùng bữa
• Đi dạo bộ sau bữa ăn, nhưng tuyệt đối không tập luyện gắng sức trong vòng ít nhất là một tiếng sau khi ăn
• Tránh nằm trong vòng ít nhất là hai tiếng sau khi dùng bữa
• Uống một ly sữa ấm trước khi ngủ, đồng thời kê thêm gối để nâng cao đầu
• Nếu căng thẳng là nguyên nhân gây chứng khó tiêu, hãy thực hành các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền...
• Ngưng hút thuốc lá, vì khói thuốc có thể làm cho chứng khó tiêu trở nên trầm trọng hơn
• Thử uống thuốc giảm axit (antacid), loại thuốc làm dịu các triệu chứng khó tiêu bằng cách trung hòa axit trong dạ dày
• Không nên uống thuốc giảm đau (aspirin, hay ibuprofen) vì thuốc có thể kích thích dạ dày
• Nếu tình trạng thừa cân làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, hãy bắt đầu giảm cân
• Đi khám bệnh nếu các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn hoặc không cải thiện sau hai tuần, hay nếu chứng khó tiêu tái phát
Trà gừng - bạc hà: Cho 1/2 muỗng cà phê gừng tươi (bằm nhỏ), 2 muỗng súp lá bạc hà (xắt nhỏ) vào nước nóng (chừng 2 tách) và hãm trong 5 phút trước khi uống.
Gừng: trị buồn nôn, cảm giác hơi khó chịu ở dạ dày, khó tiêu hóa và say tàu xe
Hạt thì là: khắc phục chứng đầy hơi, dạ dày nhiều chất chua, đặc biệt có tác dụng giảm co thắt ở đường ruột rất hiệu quả
Bạc hà: làm dịu dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa cho dạ dày, chữa nôn mửa, đầy hơi, co thắt đường ruột, hội chứng ruột kích thích.
Trà hạt thì là: Cho 2 muỗng cà phê hạt thì là (giã nhỏ) vào nước nóng (chừng 2 tách), hãm trong 5 phút trước khi uống.
TÁO BÓN
Chế độ ăn chứa nhiều chất béo động vật (thịt, phô mai, trứng...) và đường tinh luyện nhưng lại nghèo chất xơ từ rau củ, trái cây và ngũ cốc còn lớp cám là nguyên nhân phổ biến gây ra táo bón.
Hiện tượng đi đại tiện khó và không thường xuyên hay gặp ở người cao tuổi. Đó là vì tuổi càng cao thì nhu động ruột càng giảm, cho nên thức ăn và chất thải phải mất nhiều thời gian hơn để di chuyển trong ruột. Các loại thuốc nhuận trường có thể khiến ruột trở nên nhạy cảm hơn, do đó bạn không nên sử dụng thường xuyên. Cách hữu hiệu hơn giúp chữa trị táo bón là thay đổi chế độ ăn.
Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên cũng giúp kích thích hoạt động của ruột và cải thiện sự vận động của đường ruột.
Tăng lượng chất xơ ăn vào
Chất xơ từ thực phẩm giúp giữ nước và tăng khối lượng chất thải, giúp phân di chuyển qua ruột nhanh hơn.
• Tăng lượng xơ bằng cách ăn ngũ cốc còn lớp cám, bánh mì và mì sợi làm từ bột mì nguyên cám, cơm gạo lứt, ăn thêm rau củ, hoa quả và đậu đỗ.
• Ăn thêm các loại thực phẩm có tác dụng nhuận trường tự nhiên như rau củ (rau đay, mồng tơi, rau lang, rau má, khổ qua, đậu bắp, bí đỏ, khoai lang, khoai mỡ…), trái cây (đu đủ, thanh long, chuối, táo…), hạt é, rau câu, sương sâm...
• Tránh các thức ăn tinh chế và thức ăn nhanh vì những loại này có hàm lượng chất đường bột cao nhưng lại nghèo chất xơ.
Uống thêm nước
Nếu bị táo bón, hãy đặt mục tiêu uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Phân khô sẽ gây đau và khó khăn khi bài tiết. Các lần uống nước giúp thêm chất lỏng và làm tăng khối lượng phân nên việc đại tiện sẽ dễ dàng hơn. Hạn chế bia rượu và thức uống chứa caffeine vì những thức uống này có thể khử nước (làm mất nước), làm cho chất thải rắn hơn và khó bài tiết.
Bổ sung thêm magiê
Magiê có tính năng làm mềm chất thải và kích thích nhu động ruột, vì vậy hãy ăn thêm các loại thức ăn chứa nhiều magiê như cải bó xôi, khoai lang, rau đay, rau dền, mùng tơi, rau lang, hoa atisô, đu đủ xanh, chuối tiêu... Ngoài ra, bạn cũng có thể uống viên bổ sung magiê.
Tăng cường vận động, luyện tập thể dục
Ít vận động cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra táo bón. Tăng cường vận động, tích cực tập luyện thể dục thể thao sẽ cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn tiêu hóa, trong đó có chứng táo bón.
→ Rau tập tàng (mồng tơi, rau đay, rau má, đọt nhãn lồng, vài lá ngò gai…) tuy dân dã nhưng lại là bài thuốc trị táo bón hữu hiệu.
Trong khi tập luyện, sự chuyển động của các cơ quan nội tạng làm cho ruột được xoa bóp, tăng tiết magiê vào thành ruột để làm tăng nhu động ruột, và phục hồi chức năng tiêu tháo của ruột. Bên cạnh đó, thường xuyên xoa nhẹ vùng bụng dưới theo chiều kim đồng hồ cũng có tác dụng tăng nhu động ruột và chức năng tiêu tháo của ruột.
Khi nào nên đi khám bệnh?
Nếu gần đây bạn bị táo bón và tình trạng này đã kéo dài hơn hai tuần – ngay cả khi đã tăng cường chất xơ, uống nhiều nước và năng vận động – thì bạn nên đi khám bệnh.
Ngoài ra, nếu bạn nhìn thấy trong phân có máu thì hãy nói với bác sĩ, bởi vì xuất huyết trong ruột có thể là triệu chứng của một rối loạn nghiêm trọng như ung thư kết tràng (ung thư ruột già).
BỆNH TIÊU CHẢY
Bí quyết phòng tránh tiêu chảy
Giữ vệ sinh cá nhân và nhận biết các nguồn gây nhiễm bẩn thực phẩm sẽ giúp bạn tránh được bệnh tiêu chảy.
Rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh và thay tã lót cho trẻ.
Với các loại củ quả không rõ nguồn gốc xuất xứ, nên gọt vỏ trước khi ăn.
Thường xuyên chùi rửa nhà tắm và nơi chế biến thức ăn.
Tránh ăn các loại thịt cá sống, còn tái, hoặc đã nguội lạnh.
Khi đi du lịch chỉ nên uống nước đóng chai, đồ uống có ga nhẹ và các đồ uống được chế biến với nước đun sôi (như trà, cà phê…). Không nên uống nước máy và ăn/uống nước đá làm từ nước máy chưa đun sôi.
Chữa trị tiêu chảy
Tiêu chảy thường là do nhiễm khuẩn từ thức ăn hoặc do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Những gợi ý sau đây có thể giúp bạn làm dịu các triệu chứng:
Bổ sung lượng nước và chất điện giải (các chất khoáng hòa tan trong nước) đã mất đi bằng oresol (“nước biển khô”) hoặc nước ép trái cây pha loãng. Cố gắng uống ít nhất 500ml nước mỗi một đến hai tiếng để đề phòng mất nước.
Củ nghệ có tính sát trùng đường ruột cao, chữa trị tiêu chảy rất hiệu quả. Có thể pha loãng một muỗng cà phê nước cốt củ nghệ với một ly nước lọc để uống.
Lá bạc hà vắt lấy nước, hòa với nước cốt chanh và mật ong (mỗi thứ chừng một muỗng cà phê), dùng cho mỗi lần uống. Uống ba lần mỗi ngày.
Nếu bệnh nhân bị lả người do tiêu chảy không ngừng, hãy liên tục cho uống nước ép quả lựu, mỗi lần 50ml (khoảng 4 muỗng súp).
Tự tạo dung dịch muối - đường tại nhà
Nếu không có điều kiện mua oresol, có thể tạo dung dịch muối - đường để bù nước bằng một trong những cách sau:
• Pha 1 muỗng cà phê gạt muối ăn và 8 muỗng cà phê gạt đường cát với 1 lít nước đun sôi để nguội (không có điều kiện đun thì cứ dùng nước thường).
• Có thể thay đường cát bằng mật ong và có thể thêm nước cam hay nước chanh vào dung dịch trên. Mật ong chứa đường glucose nên cơ thể dễ hấp thu hơn đường cát.
• Nấu 50g gạo với nước, cho thêm muối thành nước cháo - muối (tinh bột của gạo khi nấu lên đóng vai trò như chất đường).
• Nước dừa pha với chút muối cũng có giá trị bù nước như oresol.
Tránh các loại thức uống quá nóng hoặc quá lạnh, cà phê, bia rượu, hoặc nước ngọt có chứa caffeine vì tất thảy đều có thể kích thích ruột.
Đọc kỹ nhãn sản phẩm và hỏi dược sĩ xem liệu thuốc và thực phẩm có bao gồm chất nhuận trường và lactose hay không – hai chất có thể gây tiêu chảy; nếu có thể thì nên ngưng sử dụng.
Nếu vẫn còn ăn uống được, hãy dùng sữa chua có chứa men vi sinh probiotic (để phục hồi hệ vi khuẩn đường ruột, giúp đẩy lùi tiêu chảy nhanh hơn) và tránh chất xơ không hòa tan (ngũ cốc nguyên hạt) cho đến khi hết bị tiêu chảy.
Ăn các loại thực phẩm dễ tiêu, nhạt và không chứa chất béo, đồng thời tránh sữa, thịt đỏ và thức ăn nêm nếm nhiều gia vị.
Chuối chứa một lượng lớn kali nên sẽ giúp cung cấp trở lại các chất điện giải mà cơ thể đang cần.
HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Ở những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS), ruột kết (phần chính của ruột già) nhạy cảm một cách bất thường với những kích thích như quá nhiều hơi trong bụng, căng thẳng, thực phẩm giàu chất béo hoặc chất xơ, thực phẩm chứa caffeine và bia rượu. Ngoài ra, các triệu chứng cũng xuất hiện sau khi ăn. Những tác nhân này kích thích ruột kết, gây ra đau, đau quặn và tiêu chảy.
Phụ nữ bị IBS có thể có nhiều triệu chứng hơn trong những ngày hành kinh, gợi ý rằng các hormone sinh sản có thể làm cho bệnh tình nặng thêm.
Nhận biết thực phẩm gây bệnh
Ăn uống cân bằng có thể làm giảm các triệu chứng của IBS. Hãy liệt kê những loại thức ăn gây khó chịu nhất cho bụng của bạn và loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn.
Các loại thực phẩm “có vấn đề” có thể khác đối với từng người. Chẳng hạn, một số người nhận thấy khi ăn hành và nấm thì họ bị đầy hơi, bụng dạ khó chịu và xì hơi nhiều, trong khi những người khác lại thấy “nhẹ bụng” khi loại bỏ bột mì khỏi thực đơn dinh dưỡng.
CHỌN CÁC SẢN PHẨM TỪ SỮA
Ngay cả khi cơ thể không dung nạp được sữa và các sản phẩm từ sữa thì cũng đừng từ bỏ sữa chua. Sữa chua dễ hấp thụ hơn do có chứa hệ khuẩn cung cấp men lactase, một loại enzyme cần thiết để phân cắt đường sữa lactose thành đường đơn giản hơn và hấp thu vào máu. Sữa không chứa lactose cũng là một lựa chọn thích hợp. Vì các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng nên nếu cơ thể không tiêu hóa được lactose, bạn nên chọn các thức uống giàu canxi hoặc uống thuốc bổ sung canxi.
Các nhân tố khác
Thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp tránh các cơn co thắt ruột và táo bón. Tuy nhiên nếu bạn bị tiêu chảy thì chế độ ăn ít chất xơ lại tốt hơn. Ngoài ra, tốt nhất là nên tránh các thức uống có chứa caffeine vì chúng sẽ kích thích ruột kết.
Các loại trà thảo mộc có thể giảm đau, đặc biệt là trà bạc hà và trà hạt thì là. Nước trái cây chứa nhiều fructose (một loại đường có trong trái cây) có thể kích thích các triệu chứng của IBS và gây tiêu chảy. Tốt hơn hết là nên “trung thành” với nước khoáng để giúp hệ tiêu hóa ổn định lại.
Thêm vào đó, hút thuốc lá có thể làm cho các triệu chứng của IBS trầm trọng thêm.
Liệu pháp thư giãn
Căng thẳng và lo lắng sẽ làm cho những triệu chứng của IBS thêm trầm trọng. Những kỹ thuật giảm stress (như thiền định, mường tượng sáng tạo, tập trung vào hơi thở, nghe nhạc nhẹ…) có thể giúp thả lỏng cơ thể và thư giãn tinh thần.
Tập luyện thể dục mỗi ngày, như đi bộ, cũng giúp xóa tan stress và kích thích các cơn co bóp bình thường của ruột.
→ Trà bạc hà là một lựa chọn thay thế tuyệt vời cho trà thông thường và cà phê; bạc hà có tính năng trị co thắt và có thể giảm bớt các triệu chứng của IBS bằng cách xoa dịu đường ruột.
Tình huống nghiên cứu
Một Phụ Nữ Trẻ Mắc Hội Chứng Ruột Kích Thích
Tên nhân vật: Megan
Tuổi: 25
Bệnh trạng: Cách đây 5 năm, Megan được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích (IBS). Cô thường thấy bụng đau quặn và chỉ thoải mái sau khi đi đại tiện. Cô thường đi phân lỏng hoặc bị tiêu chảy sau vài ngày không đi ngoài được. Việc đại tiện của cô không đều và các triệu chứng càng trở nên tồi tệ hơn khi cô bị căng thẳng. Cô có cân nặng ổn định và không bị xuất huyết khi đi ngoài.
Lối sống: Megan là một luật sư bận rộn và thường chịu nhiều áp lực. Các triệu chứng bệnh xuất hiện vài lần trong tuần nên cũng ảnh hưởng đến công việc của cô. Cô ăn hai bữa một ngày (bánh pizza hoặc sandwich cho bữa trưa, và mì ống hoặc thức ăn sẵn mua từ cửa hàng cho bữa tối), và thường ăn vội ăn vàng. Do bị tiêu chảy nên cô không biết chắc nên ăn gì, chỉ uống nước táo ép để không bị mất nước. Cô không uống vitamin bổ sung và cũng không tập thể dục.
Lời khuyên: Do bị căng thẳng trong công việc, thế nên tập yoga hay thể dục sẽ rất có lợi cho cô. Không nên bỏ bữa ăn sáng, cần ăn các loại thực phẩm giúp nhuận trường và tăng cường chất xơ.
Bên cạnh đó, Megan còn bị đau quặn bụng và đầy hơi khi ăn một số loại thực phẩm, đặc biệt là đậu đỗ, hành củ, và các loại rau thuộc họ cải. Vì vậy cô nên hạn chế ăn những thực phẩm này, từng loại từng loại một để xem chúng có liên quan đến chứng bệnh của cô không. Có thể Megan phải tạm thời không dùng những sản phẩm từ sữa vì hiện tượng không dung nạp lactose cũng gây ra những triệu chứng tương tự như hội chứng IBS. Tuy nhiên, cô có thể ăn sữa chua - loại thực phẩm chứa hàm lượng canxi cao.
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp làm dịu các triệu chứng mà Megan đang phải chịu đựng và cô sẽ có đại tiện đều đặn và đặc hơn. Tuy nhiên có thể khó nhận đủ lượng chất xơ từ thực phẩm, nhất là khi cô hạn chế dùng các loại thức ăn giàu chất xơ nhưng lại gây đầy hơi. Do vậy, cô nên uống thêm thuốc bổ sung chất xơ và nói cho bác sĩ biết tình trạng này. Loại đường trái cây fructose trong nước táo ép cũng có thể góp phần gây tiêu chảy, vì vậy chỉ nên uống nước lọc thôi.
HỘI CHỨNG TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY - THỰC QUẢN (GORD)
GORD là nguyên nhân phổ biến gây nên chứng khó tiêu, một hiện tượng xuất hiện khi dịch axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Dịch dạ dày kích thích thực quản, gây viêm và đau (chứng nóng sau xương ức). Nếu tình trạng này kéo dài thì có thể để lại sẹo vĩnh viễn ở thực quản.
Những nguyên nhân chính gây ra GORD là trương lực kém của vòng cơ cuối thực quản (cơ thắt thực quản dưới) và sự tăng áp lực ở bụng do béo phì hoặc có thai. Điều quan trọng là phải tuân thủ chế độ ăn ít béo vì những bữa ăn có hàm lượng chất béo cao sẽ làm giảm trương lực của cơ thắt thực quản dưới, làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn xuống dạ dày. Những phương pháp khác giúp điều trị GORD là giảm cân nếu bị dư cân, đồng thời hạn chế rượu bia, sô-cô-la và cà phê càng nhiều càng tốt.
BỆNH LOÉT DẠ DÀY - TÁ TRÀNG
Mục tiêu của liệu pháp dinh dưỡng đối với bệnh loét dạ dày - tá tràng là giảm tiết và trung hòa axit dạ dày, giảm tác dụng của axit dạ dày lên thành dạ dày.
Loét dạ dày - tá tràng là tình trạng tổn thương ở thành vách dạ dày (loét dạ dày) hay ở phần đầu tiên của ruột non (loét tá tràng). Việc giảm lượng axit trong dạ dày sẽ giúp làm dịu các triệu chứng và tạo điều kiện cho các vết loét được chữa lành.
→ Tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh mọi lo âu, buồn phiền cũng là một “phương thuốc” phòng ngừa và chữa bệnh hiệu quả. Cân bằng giữa công việc, rèn luyện thể chất và nghỉ ngơi.
Không có chế độ ăn riêng biệt dành cho các chứng loét dạng này. Mỗi người phải tự nhận ra loại thực phẩm gây khó chịu để tránh. Những lời khuyên sau đây có thể sẽ giúp ích cho bạn:
Nguyên tắc ăn uống đối với bệnh loét dạ dày - tá tràng
• Ăn mỗi ngày 3 bữa, tránh bỏ bữa, tránh những thức ăn nhiều gia vị, béo hoặc những thực phẩm gây khó chịu khác.
• Tránh ăn nhẹ trước ngủ, vì triệu chứng thường xảy ra ban đêm.
• Hạn chế caffeine bằng cách giảm cà phê, trà, cola và sôcôla.
• Hạn chế rượu bia và không uống rượu bia lúc đói.
• Không hút thuốc và tránh hít khói thuốc thụ động vì khói thuốc làm tăng tiết axit dạ dày, làm tăng số loét tá tràng và làm chậm lành vết loét.
VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI VÀ BỆNH LOÉT DẠ DÀY - TÁ TRÀNG
Bệnh loét dạ dày - tá tràng thường gắn liền với sự nhiễm khuẩn Helicobacter pylori. Nhiễm khuẩn lan truyền được nghĩ là do điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh. Vi khuẩn tác động lên dạ dày và giải phóng các chất làm giảm hiệu quả của lớp chất nhầy bảo vệ thành dạ dày. Vì thế dịch vị ăn mòn thành dạ dày hoặc tá tràng, hình thành vết loét dạ dày - tá tràng. Sự kết hợp của thuốc kháng sinh và thuốc làm lành vết loét thường có thể chữa lành bệnh.
→ Ăn uống đúng giờ giấc: Điều quan trọng là không được bỏ bữa, kể cả bữa ăn sáng, nếu bạn bị loét dạ dày - tá tràng.
BỆNH SỎI MẬT
Sỏi mật được hình thành từ mật, một chất dịch do gan tạo ra và tích trữ trong túi mật để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Phụ nữ, những người trên 40 tuổi, người thừa cân và có chế độ ăn giàu chất béo thường mắc phải bệnh này. Nếu gia đình có người bị bệnh sỏi mật thì đó cũng là một yếu tố nguy cơ.
Chế độ ăn ít béo và nhiều chất xơ
Việc tránh các thực phẩm nhiều chất béo và tăng tiêu thụ chất xơ có thể giúp phòng ngừa sỏi mật và giảm cảm giác khó chịu do các viên sỏi gây ra. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể giảm rủi ro bị sỏi mật.
Người béo phì có khả năng mắc bệnh sỏi mật rất cao. Chính vì thế, việc tuân thủ chế độ ăn ít béo và tăng cường tập thể dục không chỉ giúp giảm cân mà còn giảm nguy cơ bị sỏi mật. Tuy nhiên đối với một số người, việc sút cân quá nhanh lại dẫn đến hình thành sỏi mật. Cho nên hãy chú ý giảm cân từ từ.
PHẪU THUẬT TÚI MẬT
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là cách hữu hiệu nhất để điều trị bệnh sỏi mật – hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, một khi túi mật đã bị cắt bỏ thì sẽ không còn nơi để dự trữ mật, và sự hấp thụ chất béo có thể bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này, tốt nhất là tuân thủ chế độ ăn ít béo.
HỘI CHỨNG BẤT DUNG NẠP LACTOSE
Thiếu hoặc “vắng mặt” enzyme lactase, lactose (đường sữa) không được hấp thụ sẽ lên men, gây ra các triệu chứng như đầy bụng, đau quặn, tiêu chảy và nôn mửa.
Thông thường, enzyme lactase sẽ phân cắt lactose thành glucose và galactose, để rồi hai loại đường này dễ dàng thẩm thấu qua thành ruột và đi vào máu.
Bệnh thường tiến triển ở giai đoạn niên thiếu hoặc trưởng thành và không phổ biến ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ. Không có phương pháp điều trị nào có thể cải thiện khả năng sản xuất men lactase của cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể dễ dàng được kiểm soát thông qua chế độ ăn uống.
Hạn chế hoặc tránh lactose
Một cách hiệu quả mà đơn giản là giảm ăn thực phẩm có chứa lactose, chẳng hạn như sữa, sữa chua, phô mai, kem và bơ. Đa số mọi người có thể ăn một lượng nhỏ thực phẩm chứa lactose mà không gặp triệu chứng gì. Tuy nhiên, với một số người thì chỉ cần một lượng rất nhỏ thôi cũng có thể kích hoạt các triệu chứng. Với những người không thể ăn dù chỉ là một lượng nhỏ lactose thì enzyme lactase có bán sẵn trên thị trường sẽ giúp họ tiêu hóa thức ăn có chứa lactose.
SẢN PHẨM THAY THẾ TỪ ĐẬU NÀNH
Hãy chuyển sang sữa đậu nành nếu bạn nhận thấy không thể dung nạp ngay cả sữa không chứa lactose. Sữa đậu nành không chứa lactose nhưng lại cung cấp nhiều chất dinh dưỡng giống như sữa bò.
Đọc kỹ nhãn sản phẩm
→ Kiểm tra thành phần thực phẩm nếu bạn mắc hội chứng bất dung nạp lactose.
Nếu bạn không thể dung nạp lactose, hãy kiểm tra nhãn thực phẩm thật kỹ để xem có các thành phần từ sữa “giấu mặt” nào không. Một lượng nhỏ lactose có thể có trong bánh mì, bánh quy, bơ thực vật, sốt rau trộn, kẹo và nhiều thực phẩm khác.
Theo dõi lượng canxi ăn vào
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương. Do đó, bạn nên đưa các sản phẩm từ sữa không chứa lactose và các sản phẩm làm từ đậu nành vào thực đơn hàng ngày. Các loại thực phẩm giàu canxi khác là tôm (ăn cả vỏ), cua, sò, cá hộp (ăn cả xương), hạt mè, cải bó xôi và các loại rau có lá xanh đậm. Nếu bị thiếu hụt canxi, bạn nên bổ sung một lượng từ 800 – 1.200mg mỗi ngày để duy trì mức canxi được khuyến cáo.
BỆNH CROHN & BỆNH VIÊM LOÉT ĐẠI TRÀNG
Những người bị bệnh Crohn và viêm loét đại tràng không thể hấp thụ hiệu quả các dưỡng chất, vì thế có nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng và thiếu cân.
Ăn uống đủ chất
Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn giải quyết tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng do ruột bị tổn thương. Điều này rất quan trọng đối với trẻ đang trong giai đoạn trưởng thành và phát triển.
Những triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng có thể xảy ra vào giờ ăn, làm giảm sự ngon miệng và lượng thức ăn ăn vào. Ở bệnh Crohn, tình trạng viêm có thể làm sinh sôi vi khuẩn.
Cùng với tác động của phẫu thuật cắt bỏ những phần bị bệnh của ruột trước đó nếu có, tình trạng này có thể làm giảm tiết diện hấp thụ của ruột và giảm khả năng hấp thu các dưỡng chất thiết yếu. Những người từng trải qua phẫu thuật có thể sẽ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa chất béo. Và khi tình trạng này đi kèm với các cơn tiêu chảy thường xuyên thì càng khiến cho sự thiếu hụt chất trầm trọng thêm.
Cần ăn thêm thực phẩm giàu đạm (thịt, cá và đậu đỗ).
Những loại thực phẩm "phòng vệ"
Tinh bột: Trong ngũ cốc còn lớp cám, rau củ và trái cây là nguồn cung cấp chất xơ có giá trị, giúp ruột hoạt động tốt.
Ăn nhiều thực phẩm chứa axit béo omega - 3, chẳng hạn như dầu hạt cải, đậu nành, các loại cá nhiều dầu.
Uống nhiều nước, chủ yếu là nước lọc và tránh các thức uống chứa caffeine. Trà xanh cũng được nghĩ là có lợi cho sức khỏe.
Uống thuốc bổ
Các bệnh nhân bị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng được khuyên dùng thuốc bổ đa vitamin. Thường gặp nhất là tình trạng thiếu hụt các vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K), vitamin B12 và folate. Thuốc bổ folate thực sự quan trọng đối với bệnh nhân đang dùng sulfasalazine (một loại thuốc được chỉ định cho chứng viêm mãn tính) vì thuốc này cản trở sự hấp thu folate. Một số bệnh nhân có lẽ cần tiêm thêm vitamin B12. Người bị tiêu chảy kéo dài có thể cần bổ sung các khoáng chất như kẽm và magiê.
Thực phẩm nên tránh
• Rượu bia, đồ ăn ngọt (kể cả trái cây ngọt) và thực phẩm chứa caffeine.
• Thực phẩm chứa gluten, có trong bột mì, yến mạch và lúa mạch.
• Sữa và các sản phẩm từ sữa, vì bệnh Crohn có thể gây tổn thương đường tiêu hóa, khiến cơ thể không dung nạp lactose.
• Những thực phẩm hay gây dị ứng như đậu nành, trứng…
- Khéo dùng nên thuốc
Rối loạn túi thừa
Bệnh lý túi thừa (diverticulosis) là sự hiện diện của các túi nhỏ ở thành ruột kết. Túi thừa xuất hiện khi các phần của ruột phình qua nơi bị suy yếu. Áp lực trong ruột già tăng thường là do táo bón vì thiếu chất xơ trong chế độ ăn.
Theo thời gian, một hoặc nhiều túi bị viêm (diverticulitis). Bệnh có thể được chữa trị bằng chế độ ăn ít chất xơ và thức ăn mềm.
Thực phẩm giàu chất xơ dành cho bệnh lý túi thừa
Bệnh lý túi thừa rất phổ biến ở người lớn tuổi. Mặc dù bệnh thường không có triệu chứng gì điển hình nhưng một số người có thể bị đau quặn bụng, đầy bụng và đi tiêu không đều mà không có dấu hiệu sốt hay nhiễm trùng.
Biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh lý túi thừa thông qua dinh dưỡng thường là tăng cường chất xơ không hòa tan trong chế độ ăn, giúp cho phân mềm hơn và dễ dàng đi qua ruột, đồng thời ngăn ngừa táo bón nên sẽ ngăn ngừa bệnh lý túi thừa.
Các chuyên gia khuyên nên hấp thu ít nhất là 18g chất xơ từ thực phẩm mỗi ngày. Trái cây, rau củ và ngũ cốc còn lớp cám là nguồn cung cấp chất xơ giá trị và dễ tìm.
Khi bị mắc bệnh lý túi thừa, bạn phải tuân thủ chế độ ăn giàu chất xơ và đảm bảo uống nhiều nước – nước lọc là tốt nhất, khoảng 2 lít mỗi ngày. Thêm một điều quan trọng nữa là phải tránh để bị táo bón vì đi phân cứng hoặc cố rặn khi đại tiện sẽ làm cho nhiều túi thừa hình thành và các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
→ Khoai lang là món ăn giàu chất xơ, nhuận trường, giúp điều trị bệnh lý túi thừa.
Thực phẩm ít chất xơ dành cho bệnh viêm túi thừa
Viêm túi thừa là tình trạng nhiễm trùng hay viêm tấy túi thừa, bùng phát khi phân bị mắc lại ở các túi. Triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, sốt và buồn nôn. Nhiễm trùng thường kéo dài trong khoảng một tuần.
Khi bệnh lý túi thừa tiến triển thành viêm túi thừa thì lời khuyên về dinh dưỡng cũng thay đổi. Thay vì tuân thủ chế độ ăn giàu chất xơ, bạn nên tuân thủ chế độ ăn ít chất xơ vì nó cho phép “chất thải” đi qua đoạn ruột hẹp bị viêm.
Ngoài ra, bạn nên ăn các thức ăn mềm, là các món không đòi hỏi phải nhai nhiều, chẳng hạn như cháo, khoai nghiền, chuối... Khi đã hết nhiễm trùng, người bệnh nên quay lại với chế độ ăn giàu chất xơ.
→ Cháo là món ăn giàu dinh dưỡng, dễ nuốt và ít chất xơ.
Ăn các loại hạt
Trước đây, các bác sĩ khuyến cáo những người bị mắc bệnh lý túi thừa nên tránh ăn các loại hạt vì chúng có thể “định cư” ở túi thừa và gây viêm túi thừa. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào ghi nhận việc túi thừa bị tắc nghẽn như thế, và cũng không có gì chứng minh cho lợi ích của việc tránh ăn các loại hạt.
Nếu bạn bị xuất huyết trực tràng, bác sĩ vẫn khuyên b không nên ăn các loại hạt, nhưng nếu không thì bạn cũng có thể an toàn thưởng thức các thực phẩm chất xơ này.
BỆNH COELIAC
Ở bệnh coeliac, ruột không thể hấp thụ tốt thức ăn do phản ứng với gluten, một loại protein có trong bột mì, lúa mạch và yến mạch.
Phương pháp chữa trị duy nhất là phải tuân theo chế độ ăn không chứa gluten.
Ngay khi mới bắt đầu áp dụng, chế độ ăn này đã có thể cải thiện các triệu chứng, tạo điều kiện chữa lành các thương tổn hiện có và ngăn ngừa các thương tổn ở ruột trong tương lai. Thông tin trong bảng sau là những gợi ý giúp xây dựng chế độ ăn không chứa gluten. Hãy luôn nhớ kiểm tra nhãn thực phẩm để xem có gluten “ẩn mình” đâu đó hay không.