AI CÓ NHIỀU NGUY CƠ BỊ BỆNH VỀ TIẾT NIỆU NHẤT?
Các tác nhân gây rối loạn hệ tiết niệu bao gồm:
• Chế độ ăn uống và lối sống: Những người sống trong điều kiện khí hậu nóng bức và những người dễ bị sỏi thận có nguy cơ cao nếu không uống đủ nước để bù cho lượng nước đã thoát ra ngoài dưới dạng mồ hôi.
• Giới tính và độ tuổi: Khoảng 20% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng đường tiểu (UTI) một lúc nào đó trong suốt cuộc đời của họ. Nguyên nhân vẫn chưa được tìm hiểu thấu đáo, nhưng có lẽ là do niệu đạo ở nữ ngắn nên tạo điều kiện cho vi khuẩn nhanh chóng tiếp cận với bàng quang. Sỏi thận hay gặp hơn ở những người da trắng, ở nam giới, và ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 40.
→Sỏi thận: Phía bên trái hình chụp X-quang là một viên sỏi thận màu nâu đỏ.
• Tiền sử y khoa gia đình: Bạn có nhiều khả năng bị sỏi thận hơn nếu có ai đó trong gia đình cũng từng mắc bệnh này. Còn những ai đã bị sỏi thận thì sẽ có nguy cơ tạo sỏi mới cao hơn.
• Các nhân tố khác: Bất kỳ bất thường nào của đường tiết niệu làm ngăn trở dòng chảy của nước tiểu (ví dụ như sỏi thận, một tuyến tiền liệt bị phình to) cũng đều có thể gây nhiễm trùng đường tiểu.
Phụ nữ thời kỳ hoạt động về tình dục mà dùng màng ngăn âm đạo tránh thai cũng có khả năng bị UTI cao.
Người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc UTI cao hơn vì những thay đổi trong hệ miễn dịch.
Người bị viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn, hoặc người đã từng phẫu thuật đường ruột để giảm cân đều có nguy cơ gia tăng hình thành loại sỏi có cấu trúc oxalat - canxi.
Người bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc người bị nhiễm trùng thận tái phát có nguy cơ bị suy thận cao nhất.
Bệnh lý về tiết niệu thường gặp
Sỏi thận là một trong những rối loạn tiết niệu thường gặp nhất. Sỏi thận có thể hình thành khi nước tiểu trở nên quá cô đặc.
Chứng suy thận có thể cấp tính (đột ngột mất chức năng) hoặc mạn tính (mất dần chức năng). Chứng suy thận mạn tính tiến triển chậm theo thời gian, thường không gây ra triệu chứng gì trong giai đoạn đầu nên người bệnh dường như không thể nhận ra họ đang bị bệnh thận.