NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIỂU
Nhiễm trùng có thể xảy ra khi vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể thông qua máu hoặc niệu đạo.
Mặc dù chứa chất lỏng, muối và các chất thải nhưng nước tiểu vẫn vô trùng. Nhiễm trùng xảy ra chỉ khi vi khuẩn bắt đầu sinh sôi. Ở phụ nữ, niệu đạo gần nguồn vi khuẩn từ hậu môn và âm đạo nên dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn.
Nhiễm trùng thường bắt đầu từ niệu đạo (viêm niệu đạo – urethritis). Từ đây, vi khuẩn có thể di chuyển ngược lên bàng quang, gây viêm bàng quang (cystitis). Nếu không được chữa trị, bệnh có thể lan đến thận, gây viêm thận/ viêm bể thận (pyelonephritis) – căn bệnh nghiêm trọng có thể phá hủy thận.
NHỮNG BƯỚC LÀM DỊU CÁC TRIỆU CHỨNG
Sau đây là những bước giúp làm dịu các triệu chứng, như thường xuyên gấp đi tiểu, nóng rát khi tiểu tiện, và những khó chịu khác:
• Uống nhiều nước – trung bình 8 ly một ngày
• Thói quen ăn mận, cam, chanh, bưởi… thường xuyên cũng giúp bạn phòng viêm đường tiết niệu hữu hiệu. Với những loại trái cây này, nước tiểu của bạn sẽ chua. Đây là môi trường axit khiến vi khuẩn khó phát triển, làm giảm khả năng vi khuẩn bám vào thành bàng quang và giúp “đánh bật” nhiễm trùng.
• Đi tiểu ngay khi thấy buồn tiểu.
• Lau từ trước ra sau.
• Tắm vòi sen thay vì tắm bồn.
Bạn nên đi khám bệnh nếu các triệu chứng vẫn dai dẳng không dứt.
→ Mận, cam, chanh… không chỉ giúp chữa trị mà còn có thể phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu.
BỆNH SỎI THẬN
Mục tiêu của liệu pháp dinh dưỡng là loại trừ các nhân tố nguy cơ liên quan đến chế độ ăn uống có thể hình thành sỏi, đồng thời ngăn ngừa sự lớn lên của các viên sỏi đã tồn tại.
Sỏi thận hình thành khi nước tiểu trở nên quá cô đặc với một số chất nhất định nào đó (các chất có thể kết tinh thành sỏi), hoặc khi thiếu vắng các chất chống lại quá trình kết tinh sỏi.
Loại sỏi phổ biến nhất là sỏi canxi. Canxi có thể kết hợp với oxalat hoặc phosphat để tạo thành sỏi. Sỏi axit uric thường phổ biến ở những người bị bệnh gút.
Tầm quan trọng của nước
Đối với người bị sỏi thận, điều trước tiên và quan trọng nhất là uống nhiều nước (3 – 3,5 lít nước mỗi ngày) để làm loãng nước tiểu, theo đó các khoáng chất và tạp chất trong đường tiết niệu không có cơ hội kết tủa. Đi tiểu nước tiểu trong, màu vàng nhạt chứng tỏ uống đủ lượng nước. Uống nhiều nước vừa giúp tránh bị sỏi thận, vừa giúp tống xuất những viên sỏi nhỏ nếu có.
Giảm lượng muối ăn vào
Dung nạp nhiều muối sẽ làm tăng bài tiết canxi, là nguyên nhân làm xuất hiện ngày càng nhiều các tinh thể canxi trong nước tiểu. Vì thế cần giảm bớt các thức ăn nhiều muối, với một lượng không quá 2 – 4g mỗi ngày.
Thực phẩm có hàm lượng muối cao bao gồm hầu hết các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm được chế biến và đóng gói sẵn. Hãy kiểm tra nhãn sản phẩm, bất cứ loại thực phẩm nào có chứa lượng muối nhiều hơn 400mg mỗi khẩu phần đều được xem là có hàm lượng muối cao.
Nên uống nhiều nước hơn vào những ngày trời oi bức. Nước lọc là lựa chọn tốt nhất giúp duy trì lượng chất lỏng cần thiết cho cơ thể.
Thêm vào đó, việc uống bia rượu, cà phê và trà có chừng mực có thể giúp giảm mối nguy hình thành sỏi, có lẽ do tác dụng lợi tiểu của caffeine trong những đồ uống này.
Duy trì lượng canxi ăn vào
Thực ra, hầu hết sỏi canxi được hình thành không phải là do ăn uống các thực phẩm giàu canxi. Kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi sẽ gây mất cân bằng trong việc hấp thu canxi, khiến cơ thể hấp thu nhiều hơn oxalat từ ruột và sẽ tạo sỏi thận; ngoài ra, kiêng cữ thực phẩm chứa canxi sẽ dẫn đến loãng xương. Hãy duy trì lượng canxi vừa đủ (khoảng từ 600 – 800mg mỗi ngày) nếu bạn bị sỏi thận.
Hạn chế ăn đạm động vật
Ăn nhiều đạm động vật sẽ tạo ra nhiều axit và tăng bài tiết canxi trong nước tiểu. Vì vậy người bị sỏi thận được khuyến cáo nên hạn chế lượng đạm động vật dung nạp mỗi ngày trong khoảng từ 60 – 70g.
Carbohydrate phức hợp
Người bị sỏi thận cũng được khuyên giảm ăn đường và sản phẩm làm từ bột mì trắng (như bánh mì trắng, bánh kem, bánh quy…). Thay vào đó, nên ưu tiên ăn các thực phẩm làm từ ngũ cốc còn lớp cám (như bánh mì đen, gạo lứt), cũng như ăn thêm nhiều trái cây và rau củ.
Hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu oxalat
Có nhiều loại sỏi thận. Trong đó thường gặp nhất (80% – 90%) là sỏi canxi, gồm canxi oxalat, canxi phosphat và canxi oxalat phosphat. Vì đa số sỏi thận là sỏi canxi nên nhiều người nghĩ rằng cần kiêng ăn hoàn toàn canxi để tránh bị sỏi thận, nhưng thật sự không phải như vậy.
Quá trình hình thành sỏi thận là một quá trình phức tạp, do nhiều yếu tố gây ra chứ không phải chỉ là do bị dư canxi. Nhiều người ăn uống kiêng cữ canxi vẫn bị sỏi thận, ngược lại nhiều người uống nhiều sữa, ăn nhiều tôm cua nhưng vẫn không bị sỏi thận.
Nhìn chung, hàm lượng oxalat có trong chế độ ăn là một yếu tố quan trọng có khả năng hình thành các viên sỏi canxi oxalat.
→ Uống nhiều nước để pha loãng các chất dư thừa trong thận có thể hình thành sỏi.
Tránh các thực phẩm có hàm lượng oxalat cao
Những người có nguy cơ mắc sỏi thận loại này được khuyên nên tránh các thực phẩm chứa nhiều oxalat để giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi.
Thực phẩm giàu oxalat bao gồm:
• Cải bó xôi
• Các loại đậu đỗ
• Rau dền
• Rau muống
• Trà đặc
• Sôcôla và các thức uống có chứa ca cao
• Các loại hạt (đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều…) và các loại bơ phết làm từ hạt (như bơ đậu phộng…)
• Không uống thêm thuốc bổ sung vitamin C.
• Dâu tây, cần tây và cà phê hòa tan chứa lượng oxalat vừa phải, vì thế nên dùng với lượng hạn chế.
SUY THẬN
Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm máu hàng tuần, người bị suy thận sẽ được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng kê chế độ ăn đặc biệt nhằm giảm lượng đạm, muối, phốtpho và kali dung nạp.
Phương pháp thẩm tách có thể được thực hiện bằng cách lọc máu thông qua máy chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc. Bệnh nhân trải qua quá trình thẩm tách phải cực kỳ quan tâm đến chế độ ăn uống và cần có lượng calo thêm để đề phòng sút cân.
Kiểm soát lượng đạm ăn vào
Thận suy sẽ làm giảm khả năng bài tiết urê (sản phẩm của sự chuyển hóa đạm), do đó người bệnh cần kiểm soát lượng đạm hấp thu để hạn chế đến mức tối đa sự tích tụ các chất thải chứa nitơ này trong máu.
Việc hạn chế dung nạp đạm ngay từ giai đoạn đầu của bệnh có thể làm bệnh chậm tiến triển. Mức đạm khuyến nghị đối với bệnh nhân suy thận là dưới 0,6g/ kg thể trọng/ngày.
Thu nhận calo từ chất béo
Do có nguy cơ thiếu dinh dưỡng nên người bị suy thận nên lấy năng lượng thêm từ chất béo, dưới dạng chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa.
Tuy nhiên, người bị suy thận thường có lượng cholesterol và LDL cao, vì vậy cũng thường xuyên kiểm soát hàm lượng lipid trong máu.
Hạn chế kali
Việc hạn chế hấp thu kali từ thực phẩm là cần thiết trong những giai đoạn sau của chứng suy thận, hoặc trong trường hợp đang dùng các loại thuốc đặc hiệu với tác dụng phụ là làm tăng lượng kali trong máu. Kali sẽ ứ đọng trong cơ thể khi bị suy thận, kali trong máu trên 6,5mmol/l là cực kỳ nguy hiểm vì có thể làm tim loạn nhịp, ngừng tim đột ngột, gây tử vong bất cứ lúc nào.
Để giới hạn lượng kali dung nạp trong khoảng từ 2.000 – 3.000mg một ngày, cần tránh các thức ăn chứa nhiều kali như cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, dâu, đu đủ, đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, sôcôla, cà phê… Các loại rau tươi tuy nhiều kali nhưng có thể dùng được sau khi đun nấu 2 – 3 lần và bỏ nước đã luộc rau.
DUY TRÌ CÂN BẰNG NATRI
Khi bệnh càng nặng, khả năng bài tiết natri của thận càng giảm và lượng natri ăn vào có thể phải hạn chế. Cân bằng natri thường có thể duy trì được nhờ giới hạn lượng muối ăn vào trong khoảng 2.000 – 3.000mg mỗi ngày.
1/4 muỗng (cà phê) muối = 600mg natri
Cân bằng chất lỏng
Lượng chất lỏng mà người bị suy thận dung nạp phải tùy thuộc vào khả năng bài tiết của thận. Chỉ cần lượng nước tiểu hàng ngày tương đương với lượng chất lỏng đưa vào cơ thể thì có thể duy trì được sự cân bằng. Tuy nhiên, trong các giai đoạn sau của bệnh, có lẽ cần phải giới hạn lượng chất lỏng dung nạp để phòng tránh tình trạng giữ nước lại cơ thể.
Chế độ ăn uống cân bằng
Người bị suy thận thường được khuyên phải tuân thủ một chế độ ăn uống rất cụ thể để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa thiếu hụt dưỡng chất. Nên tìm đến bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên dinh dưỡng hợp lý.
Ngoài chứng suy thận mạn tính, nhiều người còn mắc các bệnh khác như cao huyết áp, tiểu đường và có thể còn bị cao mỡ máu, nên dinh dưỡng đúng đắn là điều cực kỳ quan trọng. Nếu không, những kiêng khem khắt khe trong ăn uống có thể khiến họ bị sụt cân và suy kiệt.
Thách thức đối với bệnh nhân là phải đảm bảo nhận đủ lượng calo cần thiết, loại chất béo thích hợp để có thể duy trì mức cân nặng lý tưởng, cũng như lượng vitamin và khoáng chất thiết yếu. Do hạn chế protein ăn vào nên calo có thể được bổ sung từ dầu ô liu, dầu hạt cải và bơ thực vật, cũng như từ các bữa phụ.
THUỐC BỔ SUNG DINH DƯỠNG
Do những kiêng cữ trong chế độ ăn uống nên người bị suy thận cần bổ sung thêm vitamin B1, B2, B6, C, D, niaxin và folate. Không nên bổ sung vitamin A vì vitamin này có thể tích tụ khi bệnh tình tiến triển.
Suy thận thường gây ra bệnh thiếu máu do thận sản xuất ít erythropoietin – một loại hormone cần thiết để tạo hồng cầu. Bệnh thiếu máu có thể được điều trị bằng cách bổ sung erythropoietin và chất sắt.
Thực đơn gợi ý dành cho người bị suy thận
BỮA SÁNG
• Trứng chiên ăn với một lát bánh mì đen nướng, có phết thêm một ít bơ thực vật
• Một miếng dưa hấu
BỮA TRƯA
• Ức gà (được chế biến với ít muối), ăn kèm với rau xà lách và một lát bánh mì đen
• Một ly nước chanh
BỮA TỐI
• Mì spaghetti ăn với xốt cà chua (nêm ít muối)
• Đậu que
• Sữa chua ít béo trộn táo nướng
BỮA PHỤ
• Rau sống ăn kèm với xốt ít béo
Thực phẩm nên dùng
Thực phẩm hạn chế dùng
Mỡ, nội tạng động vật
Gạo, mì chỉ nên ăn dưới 150g/ngày
Đậu, đỗ, lạc, vừng