BỆNH LOÃNG XƯƠNG
Loãng xương là một trong những chứng bệnh về xương phổ biến nhất, liên quan đến sự mất dần mô xương, làm cho độ đặc xương bị giảm và theo đó xương dễ bị rạn nứt hoặc gãy. Có thể làm chậm quá trình tiến triển bệnh bằng những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống.
• Hấp thu đủ lượng canxi: Cơ thể không thể tự sản xuất canxi trong khi canxi trong cơ thể mỗi ngày đều bị hao hụt đi. Vì thế, duy trì đủ lượng canxi hấp thu hàng ngày là điều rất quan trọng.
• Hấp thu đủ lượng vitamin D: Loại vitamin này không chỉ cần thiết cho quá trình hấp thu canxi của cơ thể mà còn có vai trò đưa canxi vào xương. Do đó chúng ta cần phải nhận đủ lượng vitamin D thông qua ăn uống và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
• Bỏ hút thuốc: Nhiều nghiên cứu cho thấy người hút thuốc có độ đặc xương thấp hơn so với người không hút thuốc. Bỏ thuốc lá có thể giúp hạn chế mất xương. Liệu pháp thay thế hormone cũng giúp bảo vệ phụ nữ khỏi bị rạn gãy xương, nhưng không tác dụng ở nhóm phụ nữ hút thuốc vì thuốc lá có thể có những tác dụng chống lại hormone oestrogen. Không những vậy, người hút thuốc lá thường có xu hướng uống nhiều bia rượu và lười tập thể dục.
• Hạn chế rượu bia: Người nghiện rượu thường dễ bị mất hoặc rạn gãy xương, không chỉ do chế độ dinh dưỡng kém (nguyên nhân chủ yếu) mà còn do nguy cơ té ngã cao.
• Tập thể dục thường xuyên: Các hoạt động thể chất sẽ giúp tăng cường khối lượng xương và giảm tình trạng mất xương.
KIỂM TRA MẬT ĐỘ XƯƠNG
Hiện nay, đo hấp thu tia X năng lượng kép DEXA là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất để đo lường độ đặc khoáng xương của cột sống và các chi. Phương pháp đo diễn ra chỉ trong vài phút nhưng có thể kiểm tra độ đặc xương một cách chính xác.
Kết quả của bạn sẽ được so sánh với trị số của một người trẻ tuổi và một người cùng độ tuổi có tỷ trọng xương bình thường.
Bạn có nguy cơ bị loãng xương nếu dùng các loại thuốc tác động lên xương (chẳng hạn như steroid, một loại thuốc kháng viêm); nếu bạn từng đối mặt với tình trạng mất kinh nguyệt; nếu bạn có bệnh lý viêm ruột; hoặc nếu bạn bị mãn kinh sớm. Trong những trường hợp này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc định kỳ thực hiện đo tỷ trọng xương để kiểm tra phát hiện bệnh.
Tăng lượng canxi ăn vào
Canxi là thành phần quan trọng giúp hình thành và giữ xương được chắc khỏe. Bạn phải tăng cường lượng canxi dung nạp nếu có nguy cơ tiến triển bệnh, hoặc nếu bạn đang bị loãng xương.
Lượng canxi được khuyến nghị hàng ngày là:
• 350mg đối với trẻ 1 – 3 tuổi;
• 450mg đối với trẻ 4 – 6 tuổi;
• 550mg đối với trẻ 7 – 10 tuổi;
• 1.000mg đối với các bé trai 11 – 18 tuổi;
• 800mg đối với các bé gái có cùng độ tuổi;
• Và ít nhất là 700mg đối với người trưởng thành.
Bất cứ ai được chẩn đoán bị loãng xương đều cần phải tăng lượng canxi dung nạp lên 1.200mg một ngày.
THỰC PHẨM GIÀU CANXI
Canxi trong thực phẩm được cơ thể hấp thụ tốt hơn canxi trong thuốc bổ sung.
• Sữa và các sản phẩm từ sữa.
• Các loại rau xanh (như cải bó xôi, bông cải xanh…)
• Cá hộp (ăn luôn xương)
• Đậu hũ
→ Bữa ăn nghèo canxi: Bữa ăn này xét trên nhiều phương diện thì cũng khá lành mạnh, tuy nhiên khẩu phần súp cà chua, bánh mì đen ăn với cá ngừ, một quả lê tươi và một ly nước lọc thì chỉ cung cấp 94mg canxi.
→ Bữa ăn giàu canxi: Một tô súp bông cải xanh với phômai ít béo rắc trên mặt, cá hộp ăn kèm bánh mì, cải xoong, vài quả khô, và một ly sữa ít béo sẽ cung cấp 821mg canxi.
NHUYỄN XƯƠNG VÀ CÒI XƯƠNG
Nhuyễn xương và còi xương xảy ra do thiếu hụt vitamin D trong cơ thể.
Tăng cường vitamin D
Nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin D là do chế độ ăn không cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết hoặc do thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Không có nhiều thực phẩm cung cấp vitamin D, nhưng những thực phẩm thông thường như bơ thực vật và các loại ngũ cốc điểm tâm có thể bổ sung loại vitamin này. Các nguồn vitamin D tự nhiên bao gồm dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng, bơ động vật, cá hồi và cá mòi (ăn luôn xương), cá trích, các loại rau có lá xanh và đậu hũ.
Không có khuyến cáo nào về lượng dung nạp hàng ngày đối với vitamin D cho người dưới 65 tuổi và có lối sống bình thường. Đối với những người suốt ngày chỉ ru rú trong nhà và những người trên 65 tuổi thì số lượng khuyến nghị là 10mcg một ngày.
VIÊM KHỚP DẠNG THẤP
Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh mà sẽ có phương pháp chữa trị khác nhau. Tuy nhiên, bước đầu tiên thường là giảm viêm và giảm thiểu các tác dụng phụ của liệu pháp điều trị. Sự góp mặt của các rối loạn khác, đặc biệt là những bệnh về gan và thận, cũng tác động đến phương pháp điều trị viêm khớp. Trong một số trường hợp, phương pháp điều trị có thể bao gồm cả phẫu thuật.
Tăng cường dinh dưỡng
Những người bị viêm thấp khớp hành hạ có thể kém hấp thu dinh dưỡng do ăn uống không thấy ngon miệng. Thêm vào đó một số loại thuốc dùng để đối phó với căn bệnh này, ví dụ như thuốc chống viêm, làm tăng nhu cầu và làm giảm khả năng hấp thu một số chất dinh dưỡng.
Tương tự như viêm xương khớp, giảm cân là lời khuyên dành cho những người bị thừa cân và béo phì nhằm giảm sức ép lên các khớp đang bị viêm. Vì vậy, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm sẽ cung cấp những chất dinh dưỡng thiết yếu và giúp kiểm soát trọng lượng.
AXIT BÉO OMEGA-3 VÀ BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP
Người bị viêm khớp dạng thấp được điều trị với viên dầu cá trong thời gian từ 3 – 4 tháng có thể giảm số lượng khớp bị ảnh hưởng.
Axit béo omega-3 trong các loại cá nhiều dầu và một số loại dầu thực vật có tác dụng giảm viêm và làm dịu các triệu chứng khó chịu của viêm khớp dạng thấp.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng nhiều axit béo omega-3 nhằm tránh tác dụng phụ hoặc những tương tác với các loại thuốc mà bạn đang dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp. Ăn các loại cá nhiều chất béo ít nhất hai lần một tuần nếu bạn đang mắc phải căn bệnh này.
Vitamin E rất quan trọng đối với sức khỏe của khớp, thực phẩm giàu vitamin E bao gồm các loại dầu, cá, đậu hạt.
Cá mòi tốt cho người bị viêm khớp dạng thấp.
Nên chọn thức ăn cung cấp đủ lượng vitamin B, vitamin D, canxi, sắt và axit béo omega-3.
(Dầu gan cá tuyết không phải là nguồn tốt nhất cung cấp axit béo omega-3, do không nên quá lạm dụng.)
Ăn thêm thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa
Duy trì độ đặc xương
Viêm khớp dạng thấp gây mất xương nên cũng có thể dẫn đến loãng xương. Tình trạng mất xương thường đi kèm với hiện tượng mất dần khả năng của khớp. Việc sử dụng các loại thuốc kháng viêm có steroid sẽ thúc đẩy nhanh quá trình mất xương, đặc biệt ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh.
Bạn có thể đối phó với tình trạng mất xương bằng cách ăn thức ăn giàu canxi và những thực phẩm cung cấp vitamin D, hoặc uống các loại thuốc bổ sung.
Thể dục và vận động
Đau và cứng khớp thường khiến cho người bị viêm khớp dạng thấp không thể tiếp tục sử dụng các khớp bị viêm. Tuy nhiên, chính việc giảm hoạt động như vầy có thể hạn chế khả năng vận động linh hoạt của khớp và làm cho cơ yếu, dẫn đến mệt mỏi.
Thể dục và vận động hợp lý có thể giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ/chuyên gia vật lý trị liệu để xây dựng chương trình tập luyện phù hợp.
Thuốc bổ Glucosamine
Có nhiều bằng chứng cho thấy glucosamine (hợp chất tự nhiên giúp nuôi dưỡng cấu trúc các mô liên kết trong sụn và dịch khớp) được dùng với liều lượng 1.500mg mỗi ngày có thể giúp giảm đau viêm xương khớp.
Glucosamine có thể tác động đến hoạt động của insulin trong cơ thể, gây rối loạn tiêu hóa và dị ứng, do đó chỉ nên uống dưới sự giám sát của bác sĩ và tuyệt đối tránh dùng cho người đang có thai hoặc cho con bú.
Lợi ích của các thuốc bổ khác, như chondroitin S-adenosylmethionine, sunfat, kẽm và đồng, là chưa đáng tin cậy.
CHẾ ĐỘ ĂN CÓ THỂ CHỮA KHỎI VIÊM KHỚP KHÔNG?
Có rất nhiều giả thiết cho rằng loại bỏ một số thực phẩm như cà chua, khoai tây và ớt chuông; uống các loại thuốc bổ đặc hiệu; hoặc thêm mật ong, giấm hay thảo mộc vào thực đơn hàng ngày thì sẽ làm giảm viêm khớp. Tuy nhiên, ngoại trừ bệnh Gout là có thể hưởng lợi từ việc thay đổi chế độ ăn uống, còn ngoài ra thì vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào kết luận rằng chế độ ăn uống có thể chữa khỏi các rối loạn về khớp.
Các thử nghiệm cho thấy chế độ ăn ít chất béo bão hòa hoặc chứa một lượng axit béo omega-3 dường như có tác dụng kháng viêm nhẹ. Tuy nhiên vẫn chưa có đủ bằng chứng về việc những chất này hữu hiệu trong công tác điều trị viêm khớp.
Hơn thế, cũng chưa có minh chứng nào về việc chế độ nhịn ăn – thỉnh thoảng vẫn được khuyến khích trong chữa trị viêm khớp – có tác dụng tích cực lâu dài. Trái lại, phương pháp này còn dễ dẫn đến suy dinh dưỡng và một số vấn đề về sức khỏe.
BỆNH VIÊM KHỚP
Nếu bạn ngờ vực một loại thực phẩm nào đó đang làm trầm trọng thêm căn bệnh viêm khớp, hãy liệt kê tất cả những loại đồ ăn thức uống bạn đã dùng trong vòng một tháng, rồi sau đó nhờ bác sĩ tư vấn. Nếu bạn loại bỏ một loại thức ăn thì nhất thiết phải tìm một nguồn thay thế cho những chất dinh dưỡng mà thức ăn đó cung cấp.
Lời khuyên
Lời khuyên tốt nhất là duy trì lối sống lành mạnh và có chế độ ăn cân bằng, tức là chọn các loại thực phẩm chứa ít đường và chất béo, đồng thời thực đơn hàng ngày phải phong phú, đủ năm nhóm thực phẩm chính. Những lời khuyên khác dành cho người bị viêm khớp là:
• Tránh giảm khẩu phần ăn và nhịn ăn
• Tăng cường lượng canxi dung nạp thông qua ăn uống
• Uống nhiều nước (không chứa cồn)
• Nếu bất đắc dĩ phải uống rượu bia, hãy uống có chừng mực
• Giữ trọng lượng trong giới hạn bình thường
→ Duy trì lượng canxi là vấn đề cốt lõi đối với những người bị viêm khớp. Tuy nhiên, bạn nên chọn các sản phẩm từ sữa ít béo để giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Tình huống nghiên cứu
Một Đầu Bếp Với Cái Chân Đau Khủng Khiếp
Tên nhân vật: Michael
Tuổi: 62
Bệnh trạng: Michael tỉnh dậy lúc nửa đêm với cảm giác khó chịu ngứa ran như có kiến bò ở ngón chân cái của bàn chân phải. Trong hơn hai giờ sau đó, cơn đau càng lúc càng trầm trọng, và rồi ông thấy ngón chân mình sưng phồng, đỏ tấy. Suốt đêm đó ông không thể chợp mắt, nên đã đi khám bệnh ngay vào sáng hôm sau.
Lối sống: Michael là một đầu bếp làm việc tại một nhà hàng nhỏ. Ông đứng khoảng 10 - 12 tiếng mỗi ngày nên rất lo cái chân đau sẽ cản trở công việc của ông. Michael có tiền sử bị cao huyết áp nhẹ, và bác sĩ đã kê một loại thuốc lợi tiểu cho ông. Michael hơi thừa cân và bài tập vận động cơ thể duy nhất là chơi golf vào cuối tuần.
Bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh Gout cấp tính và kê thuốc kháng viêm cho ông. Ông được khuyên không nên đụng chạm đến cái chân đau từ 5 - 7 ngày, và sau đó hãy sắp xếp một cuộc hẹn tiếp theo để bàn cách ngăn ngừa cơn đau của bệnh Gout trong tương lai. Bác sĩ cũng khuyên ông nên giảm lượng purine dung nạp.
Vào những lần thăm khám tiếp theo, bác sĩ giải thích rằng bệnh Gout liên quan đến chế độ ăn “giàu có” - nhiều thịt và rượu. Vị bác sĩ cũng đổi loại thuốc khác cho căn bệnh cao huyết áp của ông vì các thuốc lợi tiểu có thể làm bệnh Gout trầm trọng hơn; đồng thời muốn kiểm tra nồng độ axit uric và LDL trong máu của ông. Bệnh Gout có khả năng là dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa, vì Michael bị thừa cân và cao huyết áp.
Lời khuyên: Bằng cách giảm cân, đồng thời hạn chế lượng rượu bia và thức ăn có chứa hàm lượng purine cao, Michael có thể tránh nguy cơ bị những cơn đau khác hành hạ. Bệnh Gout thường phổ biến ở những người ăn nhiều hoặc thừa cân. Giảm cân nhanh chóng có thể gây ra các cơn đau Gout, vì vậy điều quan trọng là phải thực hiện chế độ ăn ít calo để giảm cân từ từ.
Uống quá nhiều rượu có thể gây đau, do đó nên tránh hoặc hạn chế. Thậm chí một số loại bia cũng có chứa purine.
Ngoài ra, nên uống nhiều nước để pha loãng nước tiểu và ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận (loại sỏi axit uric).
→ Bài tập thể dục “thân thiện” với khớp: Tập thể dục dưới nước giúp giảm thiểu sức ép lên các khớp bị viêm đau, ngoài ra còn giúp duy trì tính dẻo dai, tăng cường sức mạnh cơ bắp và kiểm soát trọng lượng.
Lợi ích của việc tăng cường hoạt động thể chất đối với bệnh viêm xương khớp
Những người tập thể dục thường xuyên để kiểm soát cân nặng và căn bệnh viêm khớp thường ít bị đau hơn, chức năng của khớp cũng tốt hơn những người ít vận động.
Thừa cân không chỉ làm tiến triển bệnh viêm xương khớp mà còn gây sức ép lớn đối với các khớp chịu lực như hông, đầu gối và cột sống dưới – các bộ phận đã và đang phải gánh chịu ảnh hưởng của căn bệnh này. Vì vậy bạn phải năng rèn luyện thể chất để kiểm soát trọng lượng nếu bạn bị viêm xương khớp.
Các động tác căng duỗi cơ thể và các bài tập thể dục sẽ giúp tăng tính dẻo dai, giảm cứng khớp. Bên cạnh đó, các bài tập nâng cao thể lực cũng được khuyến khích luyện tập thường xuyên vì chúng giúp duy trì và tăng cường sức mạnh của cơ, đồng thời tăng độ đặc khoáng xương. Cơ bắp khỏe sẽ giữ cho các khớp được vững chắc.
Khi bắt đầu tập thể dục, nên tập từ từ vì các khớp của bạn còn cứng. Các bài rèn luyện thể chất trong môi trường nước như bơi lội, hay thể dục nhịp điệu dưới nước đặc biệt tốt cho người bị viêm khớp vì trọng lượng cơ thể đã được nước nâng đỡ. Ngoài ra, các bài tập thể dục nhẹ (đi bộ, thái cực quyền…) sẽ tác động nhẹ lên các khớp và dễ kết hợp với các hoạt động thường ngày.
BỆNH GOUT
Gout là một dạng viêm khớp phổ biến. Bệnh gây đau đớn nhiều, thường tác động đến các khớp nền ngón cái. Tình trạng bệnh do nồng độ cao axit uric trong máu, dẫn đến sự lắng tụ các tinh thể axit uric trong mô khớp. Vì thế, công tác điều trị đều nhằm kiểm soát lượng axit uric trong máu và giảm cân hợp lý, giảm hoặc tuyệt đối không uống bia rượu, có thể phải ngừng dùng các thuốc lợi tiểu và một số dược phẩm khác.
Thực phẩm chứa protein và purine
Do thực phẩm dồi dào protein và purine góp phần tăng nồng độ axit uric nên việc loại trừ các thực phẩm này có thể có ích đối với những người đang phải đối chọi với bệnh Gout. Rượu bia chứa lượng purine cao. Sữa, trứng và phô mai là nguồn cung cấp protein dồi dào nhưng không chứa nhiều purine. Tuy nhiên nếu bạn đang cố gắng giảm cân thì nên chọn các sản phẩm làm từ sữa ít béo.
• Hạn chế hoặc tránh rượu; đặc biệt là nên ngừng uống bia
• Tránh các loại thịt giàu purine như gan, thận, lá lách, óc, thịt bê, nấm, cá mòi, cá trích, sôcôla…
• Cắt giảm hoặc tránh các chiết xuất từ thịt, như nước xốt thịt mỡ
• Ăn không quá 85 – 115g thịt mỗi bữa
• Tránh các thức ăn có hàm lượng chất béo cao
• Tránh ăn các loại thủy hải sản có vỏ cứng (sò, hến, tôm, cua…), trứng cá và cá béo
• Không nên ăn quá no
• Kiểm soát khẩu phần ăn, và chia sẻ thức ăn khi đi ăn ngoài
• Ăn uống từ tốn, không nên ăn vội vàng
• Giảm cân nếu cần thiết, nhưng phải điều chỉnh từ từ và tránh ăn uống kiêng khem với chế độ ăn quá ít calo
• Uống nhiều nước không chứa cồn
• Không uống thuốc bổ sung vitamin C
• Tập thể dục thường xuyên
• Uống thuốc nếu bị cao huyết áp hoặc cholesterol cao
PURINE
Purine, sản phẩm của sự chuyển hóa protein, là nguyên nhân làm gia tăng nồng độ axit uric trong máu.
• Thực phẩm chứa nhiều purine: cua, cá trích, cá thu, cá mòi, trứng cá, sò điệp, thịt rừng, nội tạng động vật, nước xốt từ thịt, và các chiết xuất từ thịt.
• Các loại rau có hàm lượng purine cao: măng tây, súp lơ, cải bó xôi và các loại nấm.
→ Loại protein chứa ít purine: Do có hàm lượng purine thấp nên trứng là nguồn cung cấp protein lý tưởng cho người bị bệnh Gout.