AI DỄ MẮC BỆNH LÝ VỀ XƯƠNG, KHỚP NHẤT?
Khối lượng xương của người trưởng thành được quyết định bởi lượng xương hình thành trong suốt thời thơ ấu và hoàn chỉnh (khối lượng xương đạt đến mức tốt đa) ở độ tuổi từ 30 đến 35.
Khối lượng xương bị tác động bởi nhiều yếu tố: đến 80% ảnh hưởng bởi di truyền, trong khi chỉ khoảng 20%-40% ảnh hưởng bởi môi trường.
• Chế độ ăn uống và lối sống: Chế độ ăn nghèo canxi và vitamin D là một trong những nhân tố chính gây nên các rối loạn về xương. Hút thuốc và uống nhiều rượu bia, thường đi kèm với chế độ dinh dưỡng nghèo nàn và thiếu hoạt động thể chất, cũng làm cho xương mất độ đặc. Bệnh Gout (gút, thống phong) thường liên quan đến chế độ ăn “thừa mứa” và uống nhiều bia rượu.
• Độ tuổi: Các rối loạn về xương khớp thường gặp ở người trung niên và người già. Viêm khớp dạng thấp (RA) thường khởi phát trong độ tuổi từ 40 đến 60, còn viêm xương khớp (OA) thường xuất hiện trong độ tuổi từ 60 đến 80. Bệnh Gout thường tiến triển ở nam giới từ 40 đến 50 tuổi và nữ giới trên 60 tuổi. Đặc biệt, phụ nữ châu Á và phụ nữ da trắng trên 65 tuổi có rủi ro bị loãng xương cao. Ngược lại, phụ nữ gốc Phi thường có khối lượng xương nhiều hơn phụ nữ da trắng và ít có nguy cơ bị loãng xương hơn.
• Giới tính: Chứng loãng xương thường phổ biến ở phụ nữ hơn ở nam giới vì phụ nữ có khối lượng xương ít hơn. Phụ nữ có khoảng thời gian nghỉ giữa các lần mang thai ngắn hoặc sinh đẻ nhiều thường có nguy cơ loãng xương cao. Ngoài ra, do nồng độ oestrogen – hormone cần thiết để giữ canxi trong xương – ở phụ nữ giảm sau khi mãn kinh cho nên nguy cơ loãng xương càng tăng cao trong thời kỳ này. Phụ nữ có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao gấp hai lần so với nam giới, nhưng bệnh Gout thì thường gặp ở nam giới hơn – gấp 20 lần so với nữ giới.
• Tiền sử y khoa gia đình: Nếu gia đình từng có người mắc bệnh loãng xương và Gout thì nguy cơ tiến triển bệnh càng cao. Tiền sử có mẹ bị gãy xương chậu sau tuổi 50 cũng được xem là nhân tố nguy cơ của chứng loãng xương.
NHỮNG BỆNH LÝ VỀ XƯƠNG, KHỚP THƯỜNG GẶP
Bệnh lý về cơ xương khớp là những chứng bệnh thường gặp nhất, từ mức độ nhẹ (như Gout) cho đến mức độ nghiêm trọng hơn (như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp).
Triệu chứng chung nhất là đau và hạn chế khả năng vận động, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Phương pháp điều trị những rối loạn về xương khớp bao gồm: thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu và dinh dưỡng hợp lý.
→ Bệnh loãng xương: Phim chụp X-quang cho thấy phần cột sống bên dưới của một người loãng xương đang bị ép lại. Các đốt sống này (khối màu đen) gây đau lưng và khó vận động.
Bệnh loãng xương
Đây là một trong những chứng bệnh về xương phổ biến nhất, liên quan đến sự mất dần mô xương, khiến cho xương giảm độ đặc và dễ rạn nứt, dễ gãy.
Hấp thu đủ lượng canxi cần thiết đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và bảo vệ xương. Canxi cần được bổ sung thông qua chế độ ăn uống vì cơ thể không thể tự sản xuất chất khoáng này. Nếu ăn vào không đủ, xương sẽ mất dần canxi và trở nên suy yếu.
Vitamin D cũng cần thiết cho sức khỏe của xương vì nó cần cho sự hấp thu canxi từ thức ăn và thu giữ canxi vào xương. Thiếu vitamin D có thể góp phần làm giảm độ đặc xương và gây bệnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt chất isoflavone từ đậu nành và các chiết xuất phytoestrogen (estrogen có nguồn gốc thực vật, tương tự như các kích thích tố tự nhiên trong cơ thể) có thể tăng lượng canxi được hấp thụ.
Chứng nhuyễn xương và còi xương
Chứng bệnh nhuyễn xương ở người lớn là tình trạng xương mềm do xương không thể thẩm thấu canxi. Rối loạn này do nhiều nhân tố khác nhau gây ra, chẳng hạn như chế độ ăn quá nghèo vitamin D, cơ thể ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, và hiện tượng hấp thu vitamin D bất thường trong ruột do bị tiêu chảy phân mỡ hoặc vừa trải qua ca phẫu thuật liên quan đến dạ dày - ruột. Chứng nhuyễn xương có thể gây đau ở chân, xương sườn, hông và cơ, đồng thời dễ gây gãy xương và suy giảm vận động.
Ở trẻ, chứng bệnh tương tự được biết đến với tên gọi là còi xương, thường là do thiếu vitamin D. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trong khoảng thời gian hơn một năm (mà không được bổ sung vitamin D) và trẻ sống trong điều kiện thiếu ánh nắng mặt trời dễ đối mặt với nguy cơ còi xương nhất.
Bệnh viêm khớp
Có nhiều loại viêm khớp, nhưng chung quy thì thuật ngữ này nói đến hiện tượng viêm của một hoặc nhiều khớp kèm theo đau, sưng và cứng khớp. Viêm khớp dạng thấp (bệnh thấp khớp) là dạng phổ biến nhất của chứng bệnh viêm khớp. Nhiều mô trong cơ thể cũng bị tác động, nhưng các khớp là bị ảnh hưởng trầm trọng nhất.
Viêm xương khớp là một dạng phổ biến khác của bệnh viêm khớp, ảnh hưởng đến 80% người già tuổi từ 65 trở lên. Đặc trưng của bệnh là sự mất dần sụn trong các khớp và, ở một số người, là tình trạng viêm khớp. Chứng bệnh này thông thường ảnh hưởng nhiều nhất đến các khớp ở tay, đầu gối, cột sống và hông.
Gout là một dạng khác của bệnh viêm khớp, thường ảnh hưởng đến khớp nền ngón chân cái. Nguyên nhân gây bệnh là do nồng độ axit uric trong máu cao, dẫn đến sự lắng đọng của các tinh thể axit uric trong khớp. Khớp sẽ trở nên đỏ, sưng tấy và mềm; và cơn đau khớp có thể kèm theo sốt.