Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng gấc là loại quả đến từ thiên đường (fruit from heaven) vì những chất dinh dưỡng tuyệt vời của nó. Trong màng đỏ quả gấc có 4 chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng là beta-carotene, lycopen, alphatocopherol và các chất béo thực vật.
• Hàm lượng beta-carotene (tiền vitamin A) trong dầu gấc cao gấp 15 lần cà rốt, gấp 2 lần dầu gan cá thu. Không những giúp sáng mắt, phòng chữa các bệnh về mắt, beta-carotene còn làm tăng sức đề kháng và phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ. Beta-carotene giúp phòng chữa ung thư gan, viêm gan và xơ gan nguyên phát.
• Nhóm chất quan trọng thứ hai của gấc là lycopen. Với hàm lượng lycopen – một chất có khả năng chống oxy hóa rất cao – gấp 68 lần cà chua, dầu gấc giúp giữ ẩm và làm sáng da, hạ cholesterol và lipid máu, rất tốt cho người bị tim mạch, tiểu đường. Ngoài ra lycopen trong dầu gấc còn giúp phòng chữa các bệnh ung thư, đặc biệt ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
• Alphatocopherol trong dầu gấc chính là một nguồn vitamin E thiên nhiên tuyệt vời, hạn chế sự gia tăng tế bào ung thư đến 95%, đặc biệt là ung thư vú và ung thư buồng trứng. Alphatocopherol làm cho da mềm mại, chống sạm da, bảo vệ da khỏi các tác nhân tấn công (như tia cực tím, khói xe…), làm tăng sinh mạnh mẽ tế bào da, chống khô và xơ tóc, cải thiện tình trạng sinh lý và giúp điều trị vô sinh.
• Nhóm chất quan trọng cuối cùng đó là các axit béo thực vật (axit béo omega 3, 6, 9). Đây chính là môi trường cần thiết để hòa tan các vitamin. Các loại rau quả bình thường không có các chất béo này. Như vậy, quả gấc không những cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào mà còn có môi trường hòa tan chúng, giúp cơ thể hấp thu được toàn bộ các chất dinh dưỡng quý báu.
Bệnh cao huyết áp
Chỉ với những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn đã có thể giúp cải thiện tình trạng cao huyết áp. Ngoài những thay đổi được giới thiệu ở đây, một điều quan trọng nữa là chúng ta phải bớt ăn muối. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào.
Súp khoai tây: món súp gồm khoai tây nghiền, cà chua, mè vừa ngon miệng lại giàu kali và canxi.
Chế độ dinh dưỡng DASH
DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) là chế độ dinh dưỡng dành cho người bị huyết áp cao, giúp tăng lượng kali và canxi ăn vào bằng cách ăn nhiều trái cây, rau củ và các sản phẩm sữa ít béo. Khẩu phần thịt được giảm bớt, đồng thời tăng cường các loại đậu hạt vì loại thực phẩm này cung cấp nhiều magiê và chất xơ. Nên hạn chế chất béo bão hòa – ít hơn 7% so với tổng lượng calo tiêu thụ, và lượng cholesterol cũng nên được giới hạn ở mức thấp hơn 200mg mỗi ngày. Đường và các chất ngọt khác chỉ nên ăn với lượng nhỏ.
Một lượng nhỏ rượu vang đỏ có thể làm tăng nồng độ HDL giúp duy trì trái tim khỏe mạnh, nhưng nếu uống quá nhiều rượu thì sẽ bị tăng huyết áp.
Độ cồn cao trong rượu bia có thể thu hẹp các mạch máu, khiến cho quá trình bơm máu của tim vất vả hơn.
Nghiên cứu cho thấy những người áp dụng chế độ dinh dưỡng DASH (không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, hay mức huyết áp trước lúc thực hiện chế độ ăn này) có thể giảm 5mmHg huyết áp tâm trương. Ở những người có mức huyết áp cao trong khoảng từ 140/90 đến 159/99mmHg, chế độ dinh dưỡng DASH phát huy hiệu quả tương tự như loại thuốc dành cho bệnh cao huyết áp.
Những lựa chọn khác
Khi bị cao huyết áp, bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc lựa chọn và duy trì một chế độ ăn uống thích hợp cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sau đây là một số gợi ý hỗ trợ việc phòng chống cao huyết áp:
Với trái cây, nên ăn cả quả thay vì chỉ ép lấy nước để không bỏ phí lượng chất xơ quan trọng. Nên ưu tiên dùng những loại thực phẩm chứa chất chống oxy hóa tự nhiên như vitamin C (ớt chuông, dâu tây, cam, bông cải xanh/trắng, đu đủ, nho...) và vitamin E (hạt hướng dương, đậu phộng, dầu đậu nành...).
BỆNH SUY TIM
Người bị suy tim cần cung cấp đầy đủ calo cho cơ thể để tránh sút cân, đồng thời hợp tác với bác sĩ để tìm cách giảm lượng natri và hạn chế lượng chất lỏng đưa vào cơ thể.
Duy trì mức cân nặng lý tưởng
Người bị suy tim thường có xu hướng sụt cân và thiếu dinh dưỡng do tuân theo chế độ ăn uống nghiêm ngặt, không cung cấp đủ lượng calo cần thiết cho cơ thể. Nên cố gắng duy trì hoặc tăng trọng lượng cơ thể bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu calo và các dưỡng chất – có thể ăn nhiều bữa với khẩu phần ít. Ngoài ra bạn có thể sử dụng thêm thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng.
Giảm lượng natri ăn vào
Chứng suy tim sẽ giữ muối và nước trong cơ thể người bệnh, vì vậy nên hạn chế lượng muối ăn vào. Mức hạn chế muối ở từng người sẽ không giống nhau vì còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những người bị suy tim lâu ngày có kèm theo các triệu chứng như thở nhanh nên đặt mục tiêu giảm tiêu thụ muối qua đường ăn xuống dưới 2.000mg/ngày.
Khi bị suy tim, hạn chế muối là việc làm tiên quyết. Cần kiểm tra nhãn thực phẩm xem trong thành phần có bao gồm muối không, và chỉ chọn những loại có ít hơn 400mg muối trên mỗi khẩu phần ăn. Các loại thực phẩm đóng hộp, cũng như việc thường xuyên đi ăn bên ngoài đều góp phần làm tăng lượng muối tiêu thụ.
MẸO NHỎ
Sau đây là những mẹo nhỏ giúp giảm lượng muối tiêu thụ:
• Tăng cường thêm nhiều loại gia vị (ớt, tiêu, me, chanh, cà ri…), dùng các loại lá gia vị, lá rau thơm tươi hoặc khô (húng quế, kinh giới, thì là, ngò rí, sả…) để gia tăng hương vị cho món ăn.
• Tránh nêm thêm muối khi ăn.
• Chỉ dùng một lượng nhỏ nước tương – 1 muỗng nhỏ nước tương đã có đến 1.200mg muối.
• Mua rau củ tươi, hoặc rau củ đông lạnh hay đóng hộp không có muối.
• Giảm lượng muối tiêu thụ dưới 6g/ngày bằng cách hạn chế sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp… Những loại thức ăn nhanh, thực phẩm công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.
• Muối thường được nhắc đến trong chế độ ăn hàng ngày là muối sodium chloride (NaCl). Tuy nhiên, nhiều loại muối khác có cùng gốc sodium (natri) trong các loại thức ăn, thức uống công nghiệp như monosodium glutamate (MSG, bột ngọt), sodium citrate, sodium bicarbonate... cũng có tác hại tương tự NaCl khi dùng nhiều.
• Giảm những món mặn như mắm, tương, dưa muối… trong bữa cơm hàng ngày.
• Hạn chế chấm muối, chấm nước mắm… khi không thật sự cần.
• Giảm rượu, bia, caffeine, chất béo bão hòa…
• Tăng cường các yếu tố bảo vệ, như thực phẩm giàu kali, magiê, canxi, các chất chống oxy hóa, chất xơ…; và những thực phẩm có tính chất an thần, lợi tiểu nhẹ như rau cải, cà chua, bầu bí, dứa, mía, cam, khoai lang, khoai tây, khoai môn, đậu xanh, đậu đen… (500 – 600g rau trái, 30 – 40g đậu đỗ/ngày).
Hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể
Các bác sĩ thường khuyên những người bị suy tim nên hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể ở mức từ 6 – 8 ly mỗi ngày, tức là khoảng 1,5 – 2 lít.
Dùng thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng
Thực phẩm chức năng giàu đạm và calo có thể giúp tăng lượng calo ăn vào ở mức vừa phải và đặc biệt có ích đối với những người ăn uống kém ngon miệng. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.