Gợi ý giúp phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch
Có mối liên hệ mật thiết giữa chế độ ăn uống, việc tập luyện thể dục và sự tiến triển của bệnh tim mạch. Sau đây là những gợi ý giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh tim mạch.
Chọn các loại thực phẩm làm từ đậu nành
Ăn 25g đạm đậu nành mỗi ngày sẽ giúp hạ khoảng 5% nồng độ LDL. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã xác nhận công dụng của các thực phẩm làm từ đậu nành đối với sức khỏe và khuyến khích ăn đậu nành hàng ngày nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Giảm nồng độ homocysteine
Sự gia tăng nồng độ homocysteine trong máu thường làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và gây hẹp lòng động mạch. Bên cạnh nguyên nhân khiếm khuyết về gen, sự tích tụ homocysteine trong máu còn là do thiếu axit folic, vitamin B6 và B12 là các vitamin giúp biến đổi homocysteine thành axit amin methionine và cysteine.
Chúng ta có thể bổ sung các loại vitamin này từ thực phẩm giàu axit folic, B6 và B12 như gạo lứt, chuối, gan, trứng, thịt gà, thịt bò, cá thu… Nếu bạn đang có nguy cơ bị bệnh tim, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống vitamin tổng hợp.
Thế còn bia rượu thì sao?
Tính năng chống oxy hóa của rượu vang đỏ có thể giúp bảo vệ tim thông qua việc tăng nồng độ HDL và làm cho LDL ít bị oxy hóa, lắng đọng lại trong động mạch.
Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên uống quá 50ml/ngày (đối với nam) và 40ml/ngày (đối với nữ) thì sẽ gặp phải tác dụng ngược: bạn có thể gia tăng nguy cơ cao huyết áp, nồng độ triglyceride trong máu cao, to tim và đột quỵ.
Bữa ăn nghèo chất xơ
Thức ăn nhanh rất giàu năng lượng. Thông thường, một phần gà rán có từ 400 – 450 kcal, một phần hamburger cũng có từ 450 – 460 kcal.
Hàm lượng chất béo chuyển hóa trong thức ăn nhanh rất cao. Chẳng hạn, trong 100g khoai tây chiên có chứa 8g axit béo xấu; trong khi đó, nếu một người bình thường ăn trung bình khoảng 3,6g axit béo xấu/ngày có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim tới 3 lần so với mức 2,5g axit béo xấu/ngày.
Dù những phần thức ăn nhanh có rau (chứa các vitamin) và khoai tây (chứa chất xơ) nhưng rau lại trộn với nhiều chất béo và khoai tây được chiên ngập dầu thì chất xơ và các vitamin cũng chẳng còn.
Bữa ăn giàu chất xơ
Một tô bún riêu cua thông thường cung cấp 414kcal, với 17,8g đạm, 12,2g chất béo, 58g tinh bột, chất xơ cùng một số vitamin (beta- carotene, vitamin C) và khoáng chất (canxi, photpho, sắt, natri, kali).
Tăng lượng chất xơ ăn vào
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng ăn các thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày có thể giúp giảm khoảng 5% nồng độ LDL, vì thế chế độ ăn giàu chất xơ có thể giảm nguy cơ đột quỵ và các chứng bệnh tim mạch khác. Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm đậu đỗ, ngũ cốc còn lớp cám (gạo lứt, yến mạch, lúa mạch đen…), các loại rau củ quả.
Giảm nồng độ cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride
Cholesterol chỉ hiện diện trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (thịt, cá, sò ốc, trứng, sữa… ) chứ không có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (rau củ, trái cây, ngũ cốc, đậu đỗ, hạt…). Lòng đỏ trứng, trứng cá muối và nội tạng động vật có hàm lượng cholesterol cao nhất. Ví dụ, lòng đỏ một quả trứng cỡ trung bình chứa khoảng 200mg cholesterol.
Tại Mỹ, Chương trình Giáo dục Quốc gia về Cholesterol (National Cholesterol Education Program) khuyến cáo lượng cholesterol dung nạp qua đường ăn uống nên giới hạn ở mức 200mg mỗi ngày để có thể duy trì một trái tim khỏe mạnh.
Lượng cholesterol trong máu vượt quá mức cho phép là tác nhân chính gây nên nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, chẳng hạn như hẹp động mạch; cho nên điều cần làm trước tiên là phải hạ thấp nồng độ cholesterol.
Muốn vậy, bạn phải thay đổi chế độ ăn, đặc biệt là giảm lượng chất béo bão hòa và tăng cường chất béo không bão hòa đơn trong khẩu phần ăn. Ngoài ra, việc giảm cân, tập thể dục đều đặn và ngừng hút thuốc cũng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh việc hạ thấp nồng độ LDL và triglyceride, tăng nồng độ HDL nhờ ăn uống lành mạnh cũng có thể giảm nguy cơ bị bệnh tim.
Thay đổi lối sống
Chế độ ăn uống và vận động đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều trị hiệu quả bệnh cao huyết áp. Trong một số trường hợp, việc thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường vận động thể chất là liệu pháp chữa trị duy nhất, hoặc ít nhất cũng có thể giúp giảm lượng thuốc cần dùng.
→ Nếu uống có chừng mực, rượu vang đỏ có thể giúp gia tăng HDL - cholesterol “tốt”.
Thay đổi lối sống (bỏ thuốc lá, giảm cân và tập thể dục đều đặn) không chỉ giúp cho hệ tim mạch “nhẹ gánh” hơn mà còn giảm các tác động của chứng cao huyết áp và cao mỡ máu. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau thắt ngực thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu áp dụng một chương trình luyện tập nào đó.
Nếu bạn bị suy tim, hãy đảm bảo ăn đầy đủ chất để duy trì mức cân nặng lý tưởng, đồng thời giảm dung nạp muối và duy trì mức vận động hợp lý.
Tình huống nghiên cứu
Một Nhân Viên Kế Toán Bận Rộn, Mắc Hội Chứng Chuyển Hóa
Tên nhân vật: Harry
Tuổi: 52
Bệnh trạng: Trong ba năm vừa qua, Harry tăng 5,5 kg. Bác sĩ chẩn đoán ông bị cao huyết áp, đồng thời nồng độ LDL và triglyceride cũng tăng cao. Ông không uống bất kỳ loại thuốc nào và cũng không hút thuốc. Ông uống ba ly cà phê mỗi sáng và một lít bia mỗi tối.
Lối sống: Harry là một nhân viên kế toán với nhiều áp lực trong công việc, cũng như ở nhà. Vì khối lượng công việc nhiều và lại là một nhân viên gương mẫu nên ông thường ăn trưa bằng pizza và ngồi ăn ngay tại bàn làm việc.
Sau khi đi làm về, Harry quá mệt mỏi nên không thiết tha gì chuyện tập thể dục. Ông thường ăn món bò bít tết vào bữa tối và các món ăn vặt như kem, khoai tây chiên. Ông hiếm khi ăn trái cây.
Lời khuyên: Harry bị mắc hội chứng chuyển hóa. Rối loạn này khiến ông phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh tim mạch. Ông cần phải giảm cân và tập thể dục. Theo kết quả xét nghiệm máu, ông cần giảm cholesterol, LDL và triglyceride, đồng thời tăng HDL bằng cách thay đổi lối sống và giảm lượng calo hấp thu vào cơ thể.
Chế độ ăn uống của Harry chứa quá nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Ông nên thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa đơn và axit béo omega-3, giảm khẩu phần ăn, kết hợp tăng cường vận động thân thể.
Nên ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ để tăng lượng chất xơ hòa tan; các sản phẩm từ sữa chứa ít chất béo, cá, ức gà đã bỏ da và các loại thịt nạc - hạn chế ăn thịt đỏ, chỉ nên ăn tối đa mỗi tuần một lần. Nếu thích trứng thì ông có thể ăn hai quả mỗi tuần.
Giảm lượng muối tiêu thụ. Chọn các loại bơ phết (bơ thực vật, bơ đậu phộng…) ít cholesterol nhằm giảm LDL nhanh hơn.
Liệu pháp thay đổi lối sống
Nếu đang bị bệnh tim, bạn cần suy nghĩ về những gì bạn ăn vì chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh tình của bạn. Hãy chuyển sang dùng các loại thực phẩm ít béo, giảm lượng chất béo bão hòa, sử dụng loại dầu chứa chất béo không bão hòa đơn và tăng cường dung nạp axit béo omega-3. Sau đây là một số gợi ý hữu ích: