Hầu hết các quốc gia không thể cải cách và điều chỉnh quy trình một cách chính xác vì các khu vực của nền kinh tế đang hưởng lợi từ những sự méo mó đủ mạnh để chặn đứng bất cứ nỗ lực nào nhằm triệt tiêu chúng.
- Michael Pettis, Đại học Peking -
Khu vực ngân hàng còn nhiều khuất tất của Trung Quốc trở thành nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính có hệ thống... Ở một mức độ nào đó, nó chính là một mô hình Ponzi.
- Chủ tịch Xiao Gang, Ngân hàng Trung Quốc -
GÁNH NẶNG LỊCH SỬ
Trong mắt phương Tây ngày nay, Trung Quốc giống như một đội quân bằng đá luôn sẵn sàng thống trị Đông Á và vượt mặt phương Tây về sự giàu có cũng như sản lượng đầu ra, thời gian chỉ còn tính bằng năm. Trên thực tế, Trung Quốc là một cấu trúc rất yếu ớt, có thể dễ dàng rơi vào tình trạng hỗn loạn như đã từng xảy ra nhiều lần trước đây. Không ai ý thức về điều này rõ hơn bản thân người Trung Quốc. Họ hiểu rằng tương lai của đất nước mình vô cùng bất định.
Trung Quốc là quốc gia có nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới, trải qua mười hai triều đại lớn và vô số triều đại nhỏ với mấy trăm vị vua và thể chế. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là một thể thống nhất, mà được hình thành bởi rất nhiều nền văn hóa và sắc tộc, một mạng lưới phức tạp và dày đặc những vùng miền, thành phố, thị trấn và làng mạc được liên kết với nhau dựa trên thương mại và cơ sở hạ tầng, tránh được những sự gián đoạn vốn đã hủy diệt những nền văn minh vĩ đại khác, từ Aztec cho đến Zimbabwe.
Một trong những yếu tố chính đóng góp vào sự trường tồn của nền văn minh Trung Quốc là bản chất lắt léo của chế độ cai trị: tập quyền, phân quyền, rồi lại tập quyền… Cứ thế qua nhiều thế kỷ. Lịch sử Trung Quốc giống như một chiếc đàn accordion, giãn ra rồi thu lại liên tục, tạo nên một bản nhạc duy nhất. Xu hướng phân quyền về mặt chính trị đem lại cho nền văn minh Trung Quốc sự vững chắc cần thiết để tránh được một cuộc sụp đổ hoàn toàn ở trung ương, như trường hợp của Rome và Đế quốc Inca. Ngược lại, khả năng tập quyền về mặt chính trị giúp Trung Quốc ngăn chặn hàng ngàn ung nhọt ở các địa phương, không cho chúng phân rã và chia cách về mặt địa lý. Trung Quốc trải qua nhiều cuộc bể dâu, nhưng chưa bao giờ biến mất trên bản đồ thế giới.
Để hiểu được Trung Quốc ngày nay, nhất thiết phải biết về lịch sử tập quyền, phân quyền rồi lại tập quyền của Trung Quốc hàng ngàn năm qua. Các chuyên gia phân tích tài chính phương Tây thường tiếp cận Trung Quốc với một sự tự tin thái quá vào dữ liệu thị trường, trong khi lại chưa đủ thấu suốt về mặt lịch sử để hiểu được sự vận động văn hóa của nó. Trong tác phẩm Đạo Đức Kinh, Lão Tử – bậc hiền triết của triều đại nhà Chu – đã nói về lịch sử Trung Quốc như sau: “Vạn vật trùng trùng đều trở về cội.” Cách nhìn này đến nay vẫn cực kì quan trọng.
Những triều đại tập quyền của Trung Quốc thời cổ đại gồm có nhà Chu – từ khoảng năm 1100 trước Công nguyên, nhà Tần – từ 221 trước Công nguyên và nhà Hán – triều đại nối tiếp nhà Tần và tồn tại đến năm 220 sau Công nguyên. Thời kỳ trung đại có nhà Tùy – năm 581 sau Công nguyên và nhà Đường – nối tiếp triều đại nhà Tùy vào năm 618 sau Công nguyên. 1000 năm qua, dưới bốn triều đại tập quyền lớn, Trung Quốc chủ yếu tập trung quyền lực chính trị hơn là phân quyền, bắt đầu với hoàng đế huyền thoại Hốt Tất Liệt của nhà Nguyên năm 1271, kéo dài đến nhà Minh năm 1378, nhà Thanh năm 1644 và Nhà nước Cộng sản năm 1949.
Những thời kỳ phân quyền và bất ổn nổi tiếng bao gồm thời Chiến Quốc vào khoảng năm 350 trước Công nguyên, khi 14 nước lớn nhỏ tranh giành quyền lực trong khu vực giữa sông Trường Giang và sông Hoàng Hà. 600 năm sau, vào năm 220, một giai đoạn phân quyền bắt đầu với thời Tam Quốc của ba nước Ngụy, Thục, Ngô, tiếp nối với những cuộc chiến giữa nhà Ngụy và nhà Tấn. Tình hình bất ổn tiếp tục diễn ra vào thế kỷ thứ VI với những cuộc chiến giữa nhà Trần, Bắc Chu, Bắc Tề và Tây Lương, sau đó đến một thời kỳ thống nhất khác với triều đại nhà Tùy. Giai đoạn loạn lạc cuối cùng diễn ra vào khoảng năm 923, khi tám nước tranh giành quyền lực ở phía Đông và vùng trung tâm Trung Hoa.
Tuy nhiên, mối bất hòa không chỉ tồn tại trong những thời kỳ phân quyền kéo dài. Ngay cả những thời kỳ tập quyền cũng bao gồm nhiều giai đoạn hỗn loạn đã được ngăn chặn hoặc đánh dấu sự chuyển tiếp đầy bão tố từ một triều đại này sang triều đại khác. Nguy hiểm nhất trong số những sự kiện như vậy có lẽ là cuộc khởi nghĩa Thái Bình, về sau biến thành một cuộc nội chiến, kéo dài từ năm 1850 đến năm 1864. Ngày nay nhìn lại, có thể nhiều người sẽ thấy nguồn cơn của cuộc khởi nghĩa thật khó tin. Một nho sĩ là Hồng Tú Toàn liên tiếp thi trượt khoa cử vào cuối những năm 1830 nên không có cơ hội trở thành trạng nguyên hòng bước vào tầng lớp ưu tú của Trung Quốc. Về sau, anh ta tuyên bố rằng mình thất bại vì mình là em trai của Chúa Jesus. Với sự trợ giúp của bạn bè và một hội truyền giáo, anh ta bắt đầu truyền bá tư tưởng quét sạch “ác quỷ” khỏi đất nước. Trong suốt thập niên 1840, anh ta đã chiêu nạp được rất nhiều người đi theo và tuyên bố thành lập một quốc gia tự trị để đối đầu với triều đại nhà Thanh đang cai trị Trung Hoa lúc bấy giờ.
Đến năm 1850, môn phái của Hồng nổi lên như một lực lượng quân sự đáng gờm và bắt đầu giành được một số chiến thắng quan trọng trước quân đội nhà Thanh. Thái Bình Thiên Quốc ra đời, thủ phủ đặt tại Nam Kinh. Thái Bình Thiên Quốc cai trị hơn một trăm triệu dân ở phía Nam, đến tháng 8 năm 1860 bắt đầu đánh chiếm Thượng Hải. Cuộc tấn công vào Thượng Hải bị đẩy lùi bởi quân đội nhà Thanh – lúc này được điều khiển và cố vấn bởi các tướng lĩnh châu Âu, cộng thêm quân đội và vũ khí của phương Tây. Đến năm 1864, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt hoàn toàn, nhưng thiệt hại vô cùng lớn. Các học giả ước tính, trong cuộc khởi nghĩa này có khoảng 20 triệu đến 40 triệu người chết.
Sự hỗn loạn tương tự cũng xảy ra trong giai đoạn mà lịch sử Trung Quốc gọi là Thời kỳ Quân phiệt, kéo dài từ năm 1916 đến năm 1928, khi Trung Quốc mới chỉ được quản lý tập trung trên danh nghĩa. Quyền lực bị xâu xé bởi 27 phe phái, cầm đầu là các quân phiệt liên minh và chia rẽ theo rất nhiều mưu đồ khác nhau. Phải đến khi Tưởng Giới Thạch và Quốc dân Cách mệnh Quân đánh bại các quân phiệt đối đầu vào năm 1928, sự thống nhất mới được lập lại. Ngay cả khi ấy, Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn dĩ bị Tưởng đàn áp thô bạo vào năm 1927, vẫn tìm được cách để sống sót ở những vùng hoang giá phía Nam trước khi tiến hành Vạn lý Trường chinh, cuộc rút lui chiến lược khỏi sự tấn công của các lực lượng phe chủ nghĩa dân tộc. Cuối cùng, họ trú ẩn tại tỉnh Thiểm Tây, phía Bắc Trung Quốc.
Thời kỳ phân quyền hỗn loạn gần đây nhất xảy ra trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976. Trong một thập kỷ nhiều biến động này, Mao Trạch Đông đã huy động những lực lượng trẻ gọi là Hồng Quân đi nhận diện và nhổ tận gốc những thành phần bị quy kết là tư sản và đi theo chủ nghĩa xét lại trong Chính phủ, quân đội, trí thức và các cơ quan đoàn thể khác. Hàng triệu người bị giết, tra tấn, giáng chức hoặc buộc phải rời bỏ thành phố để về quê sinh sống. Các di tích lịch sử và đồ tạo tác bị tàn phá trong những nỗ lực “phá tứ cựu, lập tứ tân” (phá hủy thế giới cũ và tạo dựng thế giới mới) – một khẩu hiệu của cuộc cách mạng. Chỉ đến khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, và Tứ nhân bang – bốn nhân vật cực đoan chủ trương bành trướng sức mạnh sau cái chết của Mao – bị bắt giữ, những ngọn lửa thiêu rụi nền văn hóa và kinh tế Trung Quốc mới bị dập tắt.
Ký ức về những giai đoạn đen tối trong lịch sử đất nước đã in sâu vào tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Điều này giải thích cho những cuộc đàn áp dã man đối với những quốc gia như Tây Tạng, những nền văn hóa như dân tộc Duy Ngô Nhĩ và những giáo phái như Pháp Luân Công. Đảng Cộng sản không biết khi nào thì một Thái Bình Thiên Quốc mới sẽ xuất hiện, nhưng họ sợ cái viễn cảnh đó. Cuộc tàn sát sinh viên và những người biểu tình khác ở Thiên An Môn năm 1989 cũng bắt nguồn từ cảm giác bất an này. Một cuộc biểu tình ở phía Tây đáng lẽ có thể được kiểm soát bằng khí gas và bắt bớ, thì trong mắt các quan chức Cộng sản lại trở thành một phong trào có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát, do đó phải huy động những vũ khí giết người để đàn áp.
Mới đây tại Thượng Hải, David T. C. Lie, một “hạt giống đỏ”, con cháu của hai anh hùng cách mạng Cộng sản, đã nói rằng nỗi lo sợ lớn nhất của các nhà lãnh đạo Cộng sản hiện nay không phải là quân đội Mỹ, mà là sự đồng quy không ổn định của hai vấn đề: người lao động nhập cư và ứng dụng Twitter trên điện thoại. Trung Quốc có hơn 200 triệu người lao động nhập cư đang định cư trái phép ở các thành phố, và họ có thể bị buộc phải quay về nông thôn theo lệnh của Chính phủ. Đối với mạng Internet, Trung Quốc đang áp dụng những biện pháp quản lý rất chặt chẽ, nhưng ứng dụng trên điện thoại hoạt động thông qua các kênh băng thông rộng không dây 4G lại rất khó kiểm soát. Trong mắt Chính phủ, sự kết hợp giữa những người lao động tự do và băng thông rộng không thể kiểm soát cũng nguy hiểm không kém gì cơn giận dữ của một nho sĩ thất bại, người tin rằng mình là em trai của Jesus Christ. Nguồn cơn gây mất ổn định tiềm tàng này giải thích vì sao tăng trưởng kinh tế lại là mục tiêu tối thượng của giới lãnh đạo Trung Quốc – tăng trưởng là đối trọng với sự bất đồng đang ngày một tăng lên.
Trước năm 1979, nền kinh tế Trung Quốc được vận hành trên nguyên tắc “chén cơm sắt”. Giới lãnh đạo không hứa hẹn mức tăng trưởng cao, việc làm hay cơ hội. Thay vào đó, họ hứa hẹn sẽ cung cấp đủ lương thực và nhu yếu phẩm. Các hợp tác xã, lao động cưỡng bức và kế hoạch hóa tập trung là đủ để thực hiện những lời hứa này, và chỉ có thế, không hơn. Sự ổn định là mục tiêu, còn sự tăng trưởng là ý nghĩ muộn màng.
Bắt đầu từ năm 1979, Đặng Tiểu Bình phá vỡ nguyên tắc “chén cơm sắt” và thay thế bằng một nền kinh tế hướng tới tăng trưởng, không chú trọng đảm bảo về lương thực và nhu yếu phẩm nữa mà tập trung vào việc đem lại cho người dân cái “cần câu cơm” để họ tự kiếm sống. Xét trên mọi phương diện, đó không phải là thị trường tự do, và Đảng Cộng sản vẫn toàn quyền kiểm soát. Tuy nhiên, như vậy đã đủ để các công ty địa phương và nước ngoài tận dụng được nguồn lao động giá rẻ lẫn bí quyết sản xuất, kinh doanh của nước ngoài để hình thành lợi thế tương đối trong nhiều loại hàng hóa công nghiệp thương mại.
Kết quả của sự thay đổi trên được lưu truyền như một “chuyện thần kỳ” ở Trung Quốc. GDP tăng từ 263 tỉ đô-la trong năm 1979 lên 404 tỉ đô-la trong năm 1990 rồi đạt 1,2 nghìn tỉ đô-la trong năm 2000 và 7,2 nghìn tỉ đô-la trong năm 2011, tức là tăng 27 lần chỉ sau hơn 30 năm. Tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc hiện nay bằng khoảng 1/2 quy mô nền kinh tế Mỹ. Tỉ lệ tăng trưởng cao của Trung Quốc đã dẫn đến vô số ngoại suy và ước tính về một ngày không xa trong tương lai, khi nền kinh tế Trung Quốc vượt mặt nền kinh tế Hoa Kỳ về tổng sản lượng đầu ra. Đến lúc đó, theo lời của các nhà dự báo, Trung Quốc sẽ lại trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, vị thế mà họ đã chiếm giữ vào thời nhà Minh.
Những phán đoán ngoại suy hiếm khi nào là chỉ dẫn tốt cho tương lai, và những dự báo trên tỏ ra khá vội vàng. Khi xem xét kỹ quá trình tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc từ gốc rễ, chúng ta sẽ thấy tốc độ tăng trưởng như vậy hoàn toàn không phải là điều gì thần kỳ. Nếu Trung Quốc áp dụng những chính sách hợp lý như của Singapore và Nhật Bản thay cho đường lối hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa thì có lẽ, sự tăng trưởng đã diễn ra sớm hơn nhiều thập kỷ. Ngày nay, sự phân tích tương tự cũng làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng quốc gia này tiếp tục tăng trưởng thần tốc như những năm vừa qua.
Những quá trình động như tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào những thay đổi đột ngột, bất chấp hậu quả, dựa trên việc tận dụng hoặc khai thác các yếu tố sản xuất. Điều này đã được chỉ ra trong một bài báo kinh điển của Giáo sư Paul Krugman của trường Đại học Princeton có tựa đề The myth of Asia’s miracle (Chuyện hoang đường về kỳ tích của châu Á). Ngay sau khi được xuất bản, bài báo bị rất nhiều người chỉ trích vì dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng thực tế chứng minh rằng tác giả của nó đã đúng.
Krugman bắt đầu với luận điểm cơ sở rằng, bất cứ nền kinh tế nào cũng đều là kết quả của việc lực lượng lao động tham gia nhiều hơn và năng suất tăng lên. Nếu một nền kinh tế có lực lượng lao động ì trệ làm việc ở mức năng suất không đổi thì sản lượng đầu ra sẽ ổn định nhưng nền kinh tế không tăng trưởng. Những yếu tố chính tác động đến sự mở rộng của lực lượng lao động là nhân khẩu học và nền giáo dục, trong khi những yếu tố chính tác động đến năng suất là vốn và công nghệ. Không có những yếu tố đầu vào này, một nền kinh tế không thể mở rộng hơn, còn khi chúng dồi dào thì nền kinh tế dư sức tăng trưởng mạnh mẽ.
Đến năm 1980, Trung Quốc bình tĩnh đón nhận dòng chảy ồ ạt của lao động trong nước và vốn nước ngoài. Những kết quả tích cực là điều có thể dự đoán được. Một sự chuyển đổi to lớn như vậy đòi hỏi người lao động phải được đào tạo từ việc đọc viết căn bản cho đến những kỹ năng chuyên môn phức tạp. Việc Trung Quốc có hơn nửa tỉ nông dân nghèo trong năm 1980 không có nghĩa là những người nông dân đó có thể sau một đêm trở thành công nhân nhà máy. Quá trình chuyển đổi này cũng đòi hỏi những hệ thống cơ sở hạ tầng về nhà ở và giao thông. Việc này cần thời gian, nhưng đến năm 1980, quá trình mới bắt đầu.
Khi người lao động đổ về các thành phố trong thập niên 1980 và 1990, vốn được huy động để tăng năng suất lao động. Nguồn vốn này đến từ các định chế đầu tư đa phương của nước ngoài như Ngân hàng Thế giới và tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc. Vốn tài chính nhanh chóng được chuyển đổi thành nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cần thiết để khai thác lực lượng lao động đang không ngừng mở rộng.
Như Krugman chỉ ra, mô hình yếu tố đầu vào vốn - lao động này là con dao hai lưỡi. Khi hai yếu tố này dồi dào thì tỉ lệ tăng trưởng có thể ở mức cao, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng cạn kiệt? Krugman đưa ra câu trả lời hiển nhiên: Khi yếu tố vốn và lao động tăng chậm lại, tốc độ tăng trưởng cũng chậm theo. Mặc dù rất nổi tiếng trong giới học giả và các nhà hoạch định chính sách, nhưng phân tích của Krugman lại không được biết đến nhiều trong giới truyền thông và các hoạt náo viên ở Phố Wall. Những lời tiên tri về khả năng tăng trưởng nhanh trong tương lai xa đang bỏ qua sự giảm sút khó tránh khỏi của các yếu tố đầu vào.
Ví dụ, năm công nhân nhà máy lắp ráp sản phẩm bằng tay sẽ tạo ra một mức sản lượng nhất định. Nếu năm nông dân đến từ vùng thôn quê gia nhập lực lượng lao động của nhà máy đó và áp dụng cùng một kỹ năng lắp ráp bằng tay, thì sản lượng sẽ tăng gấp đôi vì nhà máy có mười công nhân làm cùng một công việc. Bây giờ, giả sử chủ nhà máy mua máy móc về để tự động hóa công đoạn lắp ráp bằng tay và đào tạo công nhân sử dụng máy móc. Nếu mỗi máy cho ra sản lượng cao hơn hai lần so với cách thủ công, và mỗi công nhân phụ trách một máy, thì sản lượng sẽ tiếp tục tăng gấp đôi. Trong ví dụ này, sản lượng của nhà máy đã tăng 400%, đầu tiên là bằng việc tăng gấp đôi lực lượng lao động, sau đó là bằng việc tự động hóa quy trình. Như Krugman giải thích, đây không phải “chuyện thần kỳ” mà chỉ là một quy trình đơn giản của việc mở rộng lực lượng lao động và năng suất.
Quy trình này có giới hạn của nó. Dần dần, những công nhân mới sẽ ngừng di cư từ nông thôn đến thành phố, và ngay cả khi có sẵn nguồn lao động thì vẫn có thể xuất hiện những hạn chế về mặt thể chất hay tài chính đối với khả năng tận dụng vốn. Một khi mỗi công nhân đều có một máy, những máy tăng thêm sẽ không làm tăng sản lượng đầu ra nếu công nhân chỉ có thể sử dụng một máy/lần. Sự phát triển của nền kinh tế phức tạp hơn ví dụ này rất nhiều, và có nhiều vấn đề khác tác động đến quá trình tăng trưởng. Tuy nhiên, công thức căn bản vẫn là: Đầu vào ít hơn tương đương với tăng trưởng chậm hơn.
Hiện nay, Trung Quốc đang tiến gần đến điểm này. Nói như vậy không có nghĩa là tăng trưởng sẽ ngừng lại mà nó sẽ giảm dần tới mức bền vững. Trung Quốc đang tự đặt mình vào vị trí này vì chính sách “mỗi gia đình chỉ được có một con” có hiệu lực từ năm 1978 cho mãi đến gần đây mới được bãi bỏ, gây ra cái chết cho hàng triệu thai nhi nữ và bé gái. Tỉ lệ tăng dân số liên tục giảm trong 35 năm qua đang ảnh hưởng đến sự hình thành lực lượng lao động trưởng thành hiện nay. Những kết quả của quá trình này được tóm tắt trong một báo cáo mới đây của IMF:
Trung Quốc đang ở ngưỡng cửa của sự thay đổi về mặt nhân khẩu học. Sự thay đổi này sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với nền kinh tế và bức tranh xã hội của đất nước. Chỉ trong vài năm, số người ở độ tuổi lao động sẽ đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử, sau đó bắt đầu giảm mạnh. Nhóm người ở độ tuổi từ 20 đến 39, cốt lõi của dân số ở độ tuổi lao động, đang giảm dần. Cùng với đó, nguồn cung lao động giá rẻ – cốt lõi trong mô hình tăng trưởng của Trung Quốc – sẽ dần thu hẹp, tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng cả trong và ngoài nước.
Quan trọng là, khi sự tham gia của lực lượng lao động giảm xuống thì công nghệ là yếu tố duy nhất tác động đến tăng trưởng. Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng dân số trong độ tuổi lao động bị giảm do tỉ lệ sinh giảm, nhưng vẫn có thể mở rộng lực lượng lao động thêm 1,5% mỗi năm, một phần nhờ vào dân nhập cư, và thậm chí còn có tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn nhờ sức mạnh công nghệ. Ngược lại, Trung Quốc không chứng tỏ được khả năng phát minh ra những công nghệ mới, bất chấp việc họ rất giỏi ăn cắp công nghệ sẵn có. Bộ đôi động lực tăng trưởng – lao động và công nghệ – đều bắt đầu chững lại ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng ở mức trên 7% mỗi năm, một con số mà những nền kinh tế phát triển chỉ có thể nhìn mà ghen tị. Làm thế nào họ có thể duy trì được tốc độ trên trời như vậy trong bối cảnh cả hai yếu tố đầu vào là vốn và lao động đều giảm – điều mà Krugman đã dự đoán từ gần 20 năm trước? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải xem xét không chỉ hai yếu tố đầu vào mà cả sự cấu thành nên tăng trưởng. Như các nhà kinh tế học định nghĩa, GDP bao gồm tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu Chính phủ và cán cân thương mại. Bất kỳ thành phần nào, hay cả bốn thành phần này tăng trưởng đều đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Vậy làm thế nào Trung Quốc có thể tăng bốn thành phần này trong khi hai yếu tố đầu vào giảm? Họ sử dụng đòn bẩy, nợ và rất nhiều chiêu trò.
Để hiểu được cách thức này, hãy so sánh các thành phần cấu thành nên GDP của Trung Quốc và GDP của các nền kinh tế phát triển như Mỹ. Ở Mỹ, tiêu dùng thường chiếm 71% GDP, trong khi ở Trung Quốc, tiêu dùng chỉ chiếm 35% – ít hơn gần một nửa so với Mỹ. Ngược lại, đầu tư thường chiếm 13% GDP của Mỹ, trong khi ở Trung Quốc, con số này lên tới 48%. Cán cân thương mại chiếm khoảng 4% GDP ở cả hai nước, trừ việc dấu ngược nhau. Thặng dư thương mại tăng thêm 4% vào GDP Trung Quốc, trong khi thâm hụt thương mại lấy đi 4% GDP Mỹ. Nói dễ hiểu, nền kinh tế Mỹ được điều khiển bởi tiêu dùng, còn nền kinh tế Trung Quốc thì được điều khiển bởi vốn đầu tư.
Đầu tư có thể là cách thức lành mạnh để phát triển một nền kinh tế vì nó là một mũi tên trúng hai đích. GDP tăng lần một khi các dự án đầu tư được triển khai. GDP tăng lần hai nhờ năng suất lao động tăng lên – kết quả của khoản đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, sự mở rộng nhờ đầu tư này không phải là cơ chế tự động. Phần lớn phụ thuộc vào chất lượng của khoản đầu tư: nó làm tăng năng suất hay chỉ lãng phí nguồn lực – được gọi là đầu tư chệch hướng (malinvestment). Bằng chứng từ vài năm gần đây cho thấy rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc bị lãng phí rất nhiều. Tệ hơn nữa là, các dự án này được tài trợ bằng nợ không thể hoàn trả. Vốn bị lãng phí kết hợp với nợ xấu quay vòng biến nền kinh tế Trung Quốc thành một bong bóng chuẩn bị nổ tung.
BẪY ĐẦU TƯ
Lịch sử đầu tư chệch hướng gần đây của Trung Quốc đã mở ra một chương mới, trong đó nền văn minh Trung Quốc đi xuống liên tục. Câu chuyện mới này xoay quanh sự trỗi dậy của một nhóm thủ lĩnh Trung Quốc, không phải trong lĩnh vực quân sự mà trong lĩnh vực tài chính, hành động vì lợi ích của cá nhân thay vì lợi ích của đất nước. Chiến thuật của những thủ lĩnh này là hối lộ, tham nhũng và chèn ép. Họ giống như căn bệnh ung thư đối với mô hình tăng trưởng của Trung Quốc, cũng như cái được gọi là chuyện thần kỳ Trung Quốc.
Sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, tất cả các doanh nghiệp đều do nhà nước sở hữu và điều hành. Mô hình này có hiệu lực trong 30 năm, cho đến khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách kinh tế năm 1979. Trong những thập niên tiếp theo, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước (state-owned enterprise - SOE) phát triển theo một trong ba hướng:
(1) Đóng cửa hoặc sáp nhập vào các SOE lớn hơn để tăng tính hiệu quả;
(2) Tư hữu hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán;
(3) Tiếp tục là SOE và lớn mạnh trong vai trò “thủ lĩnh quốc gia” (national champion) được chỉ định trong những khu vực cụ thể.
Trong số những siêu SOE nổi tiếng nhất của Trung Quốc có Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (SINOPEC) và Viễn thông Trung Quốc. Có hơn 100 tập đoàn khổng lồ thuộc sở hữu của Chính phủ như vậy ở Trung Quốc dưới thời quản lý nhà nước tập trung. Năm 2010, mười SOE sinh lợi nhất tạo ra hơn 50 tỉ đô-la tổng lợi nhuận ròng. Các siêu SOE này lại được tổ chức thành 16 siêu dự án với công nghệ tiên tiến và cách tân mạnh mẽ, bao sân nhiều khu vực như mạng không dây băng thông rộng, khai thác khí gas và dầu mỏ, sản xuất máy bay.
Bất kể SOE lựa chọn con đường nào thì tham nhũng và chủ nghĩa tư bản thân hữu cũng như “mây giăng ngập lối”. Đối với những SOE chuẩn bị tư hữu hóa, cấp quản lý nhận được những lời đề nghị ngọt ngào, bao gồm việc chia cổ phần trước khi chính thức lên sàn và bổ nhiệm vào các vị trí điều hành trong công ty mới. Đối với những doanh nghiệp tiếp tục thuộc sở hữu của nhà nước, cơ hội tham nhũng còn xuất hiện trực tiếp hơn. Các thành viên ban quản trị và cấp điều hành được tham gia vào bộ máy chính trị, còn SOE được bảo hộ khỏi sự cạnh tranh trong nước và nước ngoài. Các SOE nhận được nguồn tài trợ giá rẻ từ các ngân hàng do Chính phủ sở hữu, những đơn đặt hàng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ từ cơ quan nhà nước và các SOE khác. Kết quả là một mạng lưới dày đặc, phức tạp của các quan chức Chính phủ, “hạt giống đỏ” của Đảng Cộng sản và chủ sở hữu - nhà quản lý tư nhân, tất cả bọn họ giàu lên từng ngày nhờ sự tăng trưởng của Trung Quốc. Giới tinh hoa trở thành tầng lớp ký sinh, vỗ béo bản thân từ cái giá mà đất nước phải trả, nếu không phải vì họ thì Trung Quốc đã phát triển bình thường và khỏe mạnh.
Sự lớn mạnh của một bộ phận tinh hoa ký sinh có liên hệ mật thiết với sự phổ biến của tình trạng đầu tư chệch hướng. Nhu cầu phải tái cân bằng từ đầu tư đến tiêu dùng của nền kinh tế Trung Quốc, như IMF và các định chế chính thống khác đang hối thúc, bị phó mặc cho lợi ích cá nhân của bộ phận ký sinh, những người ủng hộ phát triển cơ sở hạ tầng vì nó giữ cho nguồn lợi nhuận tiếp tục chảy vào các doanh nghiệp sản xuất nhôm, thép và các ngành công nghiệp nặng khác. Những thủ lĩnh tài chính mới này không thể sống thiếu nguồn lợi từ cơ sở hạ tầng, ngay cả khi các nhà kinh tế ra sức cảnh báo về tình trạng không tăng trưởng ở khu vực dịch vụ và tiêu dùng. Việc nhìn thấy vấn đề không có nghĩa là vấn đề sẽ được kiểm soát tốt. Cũng như trong mọi xã hội khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, lợi ích của tầng lớp tinh hoa có thể lấn át lợi ích quốc gia, một khi sức mạnh chính trị của họ được bảo vệ và củng cố không ngừng.
Có nhiều ví dụ rõ ràng về những dự án hạ tầng lãng phí. Nam Kinh là một trong những thành phố lớn nhất ở Trung Quốc với dân số gần 7 triệu người. Đây cũng là một trong những thành phố quan trọng về mặt lịch sử, từng là thủ đô của Trung Quốc qua vài triều đại, đồng thời là thủ phủ của Thái Bình Thiên Quốc trong cuộc Khởi nghĩa Thái Bình. Gần đây hơn, Nam Kinh là trung tâm hành chính trung ương trong vài giai đoạn từ 1912 đến 1949, thời Trung Hoa Dân quốc của Tôn Trung Sơn và sau này là Tưởng Giới Thạch.
Mặc dù đang đối mặt với ô nhiễm và tăng trưởng không kiểm soát – vấn đề chung của nhiều thành phố khác ở Trung Quốc, nhưng nhìn chung, Nam Kinh vẫn dễ chịu hơn với nhiều công viên, bảo tàng và đại lộ lớn phủ bóng cây xanh được xây dựng từ cuối thế kỷ XIV. Nam Kinh nằm trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, giao thông thuận tiện. Nó cũng là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế và giáo dục quan trọng của Trung Quốc ngày nay.
Quận Giang Ninh nằm ở phía Nam thành phố Nam Kinh. Nơi đây đang triển khai một trong những dự án hạ tầng tham vọng nhất Trung Quốc. Giang Ninh bao gồm bảy khu đô thị mới, vẫn đang trong quá trình xây dựng, được kết nối bởi mạng lưới đường cao tốc và tàu điện ngầm. Mỗi khu đô thị có một khu trung tâm riêng với những tòa nhà chọc trời, trung tâm mua sắm sang trọng, khách sạn năm sao, hồ nhân tạo, sân golf, trung tâm giải trí, nhà ở và cơ sở nghiên cứu khoa học. Toàn thể bảy khu đô thị phức hợp này sử dụng Nhà ga Xe lửa Nam Nam Kinh để đi về phía Bắc và một sân bay mới xây dựng để đi về phía Nam. Một du khách từ xa đến sẽ không thể nào không bị ấn tượng bởi quy mô của dự án này, chất lượng của những giai đoạn đã hoàn thiện cũng như tiến độ chung của dự án. Tuy nhiên, thật kỳ lạ là tất cả những cơ sở hạ tầng ấn tượng này đều trống không.
Các quan chức của tỉnh và ban quản lý dự án rất vui mừng được hộ tống các đoàn thể đi tham quan một vòng quanh khu đô thị mới và giải thích về những khả năng của nó. Một phòng thí nghiệm sẽ là nơi phát triển công nghệ băng thông rộng không dây của Trung Quốc trong tương lai. Một tòa nhà chọc trời khác được họ hào hứng mô tả như cái nôi của ngành quản trị tài sản thay thế ở Trung Quốc sau này. Một khách sạn còn dang dở dự kiến sẽ là nơi tổ chức nhiều hội nghị tầm cỡ quốc tế, với những diễn giả hạng A đến từ khắp nơi trên thế giới.
Trong lúc đó, vị khách mải mê quan sát những dãy nhà nham nhở vôi vữa, hàng tấn bê-tông, cốt thép đang tạo thành hàng tá khu mua sắm, cao ốc và khách sạn mới. Tầm nhìn về bảy khu đô thị mới này đủ để khiến anh ta nản chí, cho đến khi anh ta nhận ra rằng Nam Kinh chỉ là một trong hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc đang xây dựng những khu phức hợp trên một quy mô không thể tin nổi. Người Trung Quốc vốn đã nổi tiếng khắp hành tinh như những bậc thầy xây dựng, không thua kém gì Pharaoh Ramesses II.
Nhà ga Xe lửa Nam Nam Kinh không hề vắng vẻ, nhưng nó cũng minh họa cho phương pháp phát triển hạ tầng đầy bất cập của Trung Quốc. Năm 2009, Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng tụt dốc thê thảm của lượng cầu thế giới – sự kiện đã tác động đến Mỹ sau cuộc Khủng hoảng 2008. Để đối phó, Trung Quốc đã triển khai chương trình kích thích trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 600 tỉ đô-la, chủ yếu nhắm đến hoạt động đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Cùng lúc đó, Mỹ cũng triển khai một chương trình kích thích trị giá 800 tỉ đô-la. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ lớn hơn hai lần nền kinh tế Trung Quốc, vì vậy trên cơ sở so sánh thì gói kích thích của Trung Quốc tương đương với 1,2 nghìn tỉ đô-la áp dụng cho Hoa Kỳ. Sau bốn năm triển khai, kết quả giờ đây có thể nhìn thấy rõ trong những dự án như đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải và Nhà ga Xe lửa Nam Nam Kinh.
Nhà ga này có diện tích sàn là 4,9 triệu feet vuông và 128 thang máy, sản xuất hơn 7 megawatt điện từ các tấm pin mặt trời trên mái. Hệ thống soát vé và cửa ra vào các sân ga được tự động hóa hoàn toàn và đạt hiệu suất cao. Những chiếc tàu mới không chỉ nhanh mà còn thoải mái và yên tĩnh, ngay cả khi chạy với vận tốc tối đa 305km/h. Điều quan trọng là, nhà ga Nam Nam Kinh chỉ mất hai năm để xây dựng, với 20.000 công nhân. Nếu mục tiêu của một công trình lớn như vậy là để tạo ra việc làm ngắn hạn hơn là tạo ra lợi nhuận thì nhà ga Nam Nam Kinh có thể được xem như thành công. Vấn đề dài hạn là giá vé tàu cao tốc từ Thượng Hải đến Nam Kinh quy ra khoảng 30 đô-la Mỹ, trong khi vé tàu cho một đoạn đường dài tương đương ở Mỹ là 200 đô-la. Khoản nợ mà Trung Quốc tạo ra từ việc xây dựng nhà ga khổng lồ này đó thể không bao giờ được hoàn trả với giá vé rẻ như cho thế này.
Các quan chức Trung Quốc bác bỏ những chỉ trích về việc dư thừa công suất bằng cách nói rằng họ đang xây dựng những công trình hạ tầng chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển dài hạn. Họ chỉ ra rằng, ngay cả khi phải mất năm đến mười năm để khai thác hết công suất thì khoản đầu tư vẫn sẽ chứng minh rằng nó đã được thiết lập một cách vững chắc. Nhưng nó vẫn được đánh giá là đạt hiệu quả tốt nếu công suất lớn chừng ấy được sử dụng.
Ngoài quy mô chóng mặt của các dự án cơ sở hạ tầng, chủ trương mở rộng hai khu vực khoa học và công nghệ của nền kinh tế Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều trở ngại về định chế và pháp lý. Trung tâm thí nghiệm băng thông rộng không dây công nghệ cao ở Giang Ninh là một ví dụ điển hình. Cơ sở nghiên cứu này có các tòa nhà hoành tráng với văn phòng, phòng hội nghị và các phòng thí nghiệm rộng mênh mông nằm giữa những khuôn viên xanh mướt và mạng lưới giao thông thuận tiện. Các quan chức địa phương cam đoan với khách tham quan rằng 1.500 nhà khoa học và nhân viên sẽ sớm chuyển vào đây, nhưng những gì mà các chuyên gia công nghệ giỏi nhất đòi hỏi lại nhiều hơn là nơi làm việc đẹp đẽ. Họ sẽ muốn làm việc trong nền văn hóa kinh doanh, gần giống với các khu nghiên cứu hiện đại bậc nhất ở trường Đại học và có quyền tiếp cận với loại hình cố vấn tài chính dành cho các start-up, vốn không chỉ bao gồm một cuốn séc là xong. Tuy nhiên, bên cạnh những tòa nhà hoành tráng, họ có nhận được những chế độ này hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Một vấn đề nữa là qua thời gian, các công trình sẽ xuống cấp và hao mòn dần trong khi chờ được sử dụng.
Giới lãnh đạo chính trị của Trung Quốc thừa biết rằng tình trạng chi tiêu lãng phí cho cơ sở hạ tầng đã lan rộng khắp nền kinh tế quốc gia. Nhưng cũng giống các nhà lãnh đạo chính trị ở bất cứ đâu, họ hết sức miễn cưỡng trong việc giải quyết vấn đề. Những dự án này tạo ra việc làm, ít nhất là trong ngắn hạn, và không một chính trị gia nào muốn đề xuất một chính sách sẽ gây nên tình trạng mất việc làm, ngay cả khi về lâu dài, nó có thể giúp nền kinh tế “khỏe mạnh” hơn. Trong chính trị, người ta thường xuyên nhìn vào kết quả ngắn hạn mà bỏ qua hệ quả dài hạn.
Những dự án hạ tầng này quả là kho báu từ trên trời rơi xuống dành cho các hạt giống đỏ, thành phần thân cận và lực lượng nòng cốt đang điều hành các SOE. Chúng cần sắt thép, xi măng, kính, đồng và trang thiết bị hạng nặng. Cơn sốt xây dựng đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà sản xuất ra những vật liệu và thiết bị này, và vì thế họ luôn muốn xây thêm nữa bất chấp chi phí hay lợi nhuận là bao nhiêu. Trung Quốc không có cơ chế kỷ luật thị trường để kìm hãm những lợi ích này hay điều hướng nguồn vốn đầu tư theo những cách có lợi hơn. Thay vào đó, Trung Quốc có một nhóm “đầu sỏ” kiên quyết cho rằng lợi ích của họ phải được đặt lên trên lợi ích quốc gia. Các nhà lãnh đạo chính trị bị hạn chế nhiều trong việc đối kháng với nhóm thủ lĩnh kinh tế này vì hai bên tác động qua lại lẫn nhau hết sức phức tạp. Bloomberg News đã phơi bày những lợi ích đan cài này của giới tinh hoa kinh tế và chính trị thông qua cơ chế sở hữu chéo, các mối ràng buộc gia đình, các công ty bình phong và các cổ đông bù nhìn. Nói không với một gã doanh nhân tham lam là một chuyện, nhưng từ chối con trai, con gái hay bạn bè lại là chuyện khác. Hệ thống bất thường mà Trung Quốc xây dựng nhằm theo đuổi sự phát triển cơ sở hạ tầng bằng mọi giá đã ăn sâu bám rễ, khó có thể thay đổi được nữa.
Trung Quốc có thể tiếp tục say sưa với các dự án hạ tầng vì họ sở hữu khả năng vay mượn chưa được khai thác. Chính nhờ khả năng này mà họ có thể tài trợ cho những dự án mới và che giấu các khoản thua lỗ của những dự án cũ. Nhưng chiến lược này cũng có giới hạn nhất định và giới chức lãnh đạo của Trung Quốc biết rõ những giới hạn ấy.
Nói cho cùng, nếu anh xây dựng ồ ạt, có thể mọi người sẽ không đến ở, và sau đó nền kinh tế sẽ phải “hạ cánh cứng”(10).
10 Hard landing: “Hạ cánh cứng” là thuật ngữ phản ánh tình huống xảy ra khi nền kinh tế của một quốc gia nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó là suy thoái. Tình huống này thường xảy ra khi Chính phủ nước đó cố gắng cắt giảm thâm hụt ngân sách và kiểm soát nợ công.
TÀI CHÍNH ẢM ĐẠM
Đằng sau sự bùng nổ dự án hạ tầng hết sức bất ổn này là một cấu trúc ngân hàng còn bấp bênh hơn thế mà Trung Quốc sử dụng để tài trợ cho cơn sốt xây dựng. Các nhà phân tích ở Phố Wall khẳng định rằng hệ thống ngân hàng Trung Quốc thể hiện rất ít dấu hiệu của stress và có một bảng cân đối kế toán đẹp. Dự trữ tài chính của quốc gia này là hơn 3 nghìn tỉ đô-la, vô cùng giàu có và dư sức cung cấp nguồn lực cần thiết để cứu trợ hệ thống ngân hàng nếu cần. Vấn đề là, các ngân hàng của Trung Quốc chỉ là một phần trong một bức tranh lớn. Phần còn lại bao gồm một hệ thống ngân hàng mờ ám với những tài sản xấu và nợ ẩn đủ lớn để đe dọa sự bền vững của các ngân hàng và gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính có sức ảnh hưởng đến toàn cầu. Tuy nhiên, sự mờ ám của toàn bộ hệ thống nghiêm trọng đến mức ngay cả giới chức trách quản lý ngân hàng Trung Quốc cũng không biết quy mô và mức độ tập trung của những rủi ro này, khiến cuộc khủng hoảng trở nên khó chặn đứng hơn khi nó xảy ra.
Ngành ngân hàng nhiều khuất tất của Trung Quốc có ba nguồn cống nạp: (i) nghĩa vụ nợ của chính quyền địa phương, (ii) các sản phẩm tín thác và (iii) các sản phẩm quản lý tài sản. Chính quyền các tỉnh và thành phố ở Trung Quốc không được phép phát hành nợ dưới dạng trái phiếu như các bang ở Mỹ và các vùng tự trị. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc sử dụng các nghĩa vụ nợ phát sinh như bảo đảm ngầm hiểu, cam kết theo hợp đồng và các khoản phải trả để tận dụng điều kiện tài chính của họ. Các sản phẩm tín thác và sản phẩm quản trị tài sản là hai biến thể ở Trung Quốc của tài chính đa lớp (structured finance) ở phương Tây.
Người Trung Quốc có tỉ lệ gửi tiết kiệm cao, xuất phát từ những lý do lý trí chứ không phải vì cảm tính hay văn hóa, đó là việc do không có những yếu tố sau: mạng lưới an sinh xã hội, hệ thống y tế đầy đủ, bảo hiểm tàn tật và lương hưu. Trong lịch sử, người Trung Quốc dựa vào gia đình đông đúc và lòng tôn kính người lớn tuổi để nương tựa lúc về già. Nhưng chính sách một con đã phá hủy trụ cột xã hội này, và giờ đây những cặp vợ chồng già nhận ra rằng họ chẳng còn ai. Tỉ lệ gửi tiết kiệm cao là một phản ứng hoàn toàn dễ hiểu.
Nhưng cũng giống như người gửi tiết kiệm ở phương Tây, người Trung Quốc khao khát lợi tức. Mức lãi suất thấp mà các ngân hàng áp dụng, một hình thức áp chế tài chính mà trước đây Mỹ cũng áp dụng, đang khiến người gửi tiết kiệm ở Trung Quốc dễ bị hấp dẫn bởi những vụ đầu tư đem lại lợi tức cao hơn. Người dân thường bị cấm tiếp cận thị trường nước ngoài vì vấn đề kiểm soát vốn. Trong khi ở Trung Quốc, thị trường cổ phiếu quá bất ổn và hoạt động ảm đạm trong những năm gần đây, còn thị trường trái phiếu vẫn non nớt. Vì vậy, người gửi tiết kiệm ở Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến hai lớp tài sản: bất động sản và sản phẩm đa lớp (structured product).
Ai cũng biết đến bong bóng trong các thị trường nhà đất Trung Quốc, đặc biệt là căn hộ và căn hộ cao cấp, nhưng không phải người gửi tiết kiệm nào ở đây cũng ở vị thế có thể tham gia vào thị trường đó. Đối với họ, hệ thống ngân hàng đã khai sinh ra các cơ cấu tín thác và sản phẩm quản lý tài sản (wealth management product - WMP). Một WMP là một tổ hợp vốn góp hay quỹ, trong đó các thành viên đầu tư vào những dự án hay sản phẩm nhỏ, sau đó toàn bộ lợi nhuận sẽ đổ về tổ hợp vốn góp và được dùng để đầu tư vào những tài sản có lợi tức cao hơn. Không có gì bất ngờ, những tài sản này thường bao gồm tài sản thế chấp, tài sản đất đai và nợ doanh nghiệp. Trong mảng WMP, Trung Quốc có một phiên bản không được quản lý của cơn ác mộng tồi tệ nhất trong nền tài chính phương Tây. Các WMP giống với nghĩa vụ nợ thế chấp (collateralized debt obligation - CDO), nghĩa vụ cho vay thế chấp (collateralized loan obligation - CLO) và chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (mortgage- backed securities - MBS), những thứ đã gần như phá hủy các thị trường vốn của phương Tây vào năm 2008. Chúng đang được bán ở Trung Quốc mà không có ngay cả một cơ chế giám sát tối thiểu được yêu cầu bởi SEC và các cơ quan xếp hạng không đủ thẩm quyền của Mỹ.
WMP được tài trợ bởi các ngân hàng, nhưng những tài sản và trách nhiệm pháp lý liên quan lại không thể hiện trên bảng cân đối kế toán của họ. Điều này cho phép các ngân hàng tuyên bố rằng họ hoạt động bình thường trong khi trên thực tế, họ đang xây dựng một kim tự tháp nghịch đảo của nợ rủi ro cao. Các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi những mức lợi tức cao hơn mà WMP đem lại. Họ nghĩ rằng vì WMP được ngân hàng tài trợ và quảng cáo nên tài sản gốc hẳn nhiên phải được bảo lãnh bởi những ngân hàng này với cùng cách thức như bảo hiểm tiền gửi. Nhưng cả lợi tức cao lẫn việc bảo đảm tài sản gốc đều hão huyền mà thôi.
Quỹ của các nhà đầu tư tham gia vào WMP đang được sử dụng để tài trợ cho chính những bong bóng nhà đất và hạ tầng hết sức lãng phí mà các ngân hàng trung ương từng tài trợ trước khi chính sách thắt chặt tín dụng được ban hành gần đây. Dòng tiền từ những dự án này thường xuyên ở trong tình trạng quá khan hiếm để thực hiện được các nghĩa vụ nợ đối với nhà đầu tư WMP. Ngày đáo hạn của các WMP thường ngắn hạn trong khi những dự án mà họ đầu tư lại mang tính dài hạn. Sự chênh lệch giữa tài sản và nghĩa vụ nợ này sẽ hình thành nên một kịch bản khủng hoảng tiềm năng nếu các nhà đầu tư từ chối tiếp tục gia hạn WMP của họ khi đến ngày đáo hạn. Đây chính là cơ chế đã dẫn đến những thất bại của Bear Stearns và Lehman Brothers ở Hoa Kỳ vào năm 2008.
Các ngân hàng tài trợ cho WMP giải quyết vấn đề tài sản không sinh lời và chênh lệch ngày đáo hạn bằng cách phát hành WMP mới. Lợi nhuận từ WMP sẽ được sử dụng để mua tài sản xấu của những WMP cũ ở mức giá trị đã tính đến lạm phát, để WMP cũ có thể được thanh toán gọn ghẽ khi đến ngày đáo hạn. Đây là một mô hình Ponzi trên quy mô khổng lồ. Người ta ước tính rằng, có 20.000 chương trình WMP đang được triển khai trong năm 2013, so với 700 vào năm 2007. Một báo cáo về doanh thu của WMP trong nửa đầu năm 2012 ước tính rằng gần 2.000 tỉ đô-la tiền mới đã được huy động.
Bất cứ mô hình Ponzi nào cũng không thể tránh khỏi sự sụp đổ, những bong bóng nhà đất và hạ tầng ở Trung Quốc, vốn được bơm căng bởi tiền từ một hệ thống ngân hàng mờ ám, cũng không ngoại lệ. Một sự sụp đổ có thể bắt đầu với thất bại của một kế hoạch gia hạn cụ thể, hoặc với việc một vụ tham nhũng liên quan đến một dự án cụ thể bị phơi bày. Thực ra, mồi lửa là gì không quan trọng, bởi vì chắc chắn là nó sẽ xảy ra. Và một khi nó bắt đầu thì thảm họa sẽ không thể ngăn chặn nếu Chính phủ không ra tay kiểm soát hoặc triển khai các gói cứu trợ. Không lâu sau khi khủng hoảng xuất hiện, các nhà đầu tư sẽ xếp hàng chờ chuộc lại giấy chứng nhận của mình. Các ngân hàng tài trợ cho WMP sẽ trả cho những người tới đầu tiên, nhưng khi hàng người không ngừng dài ra, ngân hàng sẽ đình chỉ hoạt động bồi thường và bỏ lại số đông nhà đầu tư với đống giấy tờ vô giá trị. Các nhà đầu tư sẽ nói rằng ngân hàng bảo lãnh tài sản gốc, còn ngân hàng phủ nhận điều này. Làn sóng đột biến rút tiền gửi sẽ bắt đầu từ chính những ngân hàng tài trợ WMP, và các nhà chức trách sẽ buộc phải đóng cửa một số ngân hàng nhất định. Bất ổn xã hội sẽ xảy ra, và cơn ác mộng đen tối nhất của Đảng Cộng sản, một sự kiện Khởi nghĩa Thái Bình hay Quảng trường Thiên An Môn sẽ lờ mờ tái hiện.
Ba nghìn tỉ đô-la dự trữ của Trung Quốc đủ để tái vốn hóa các ngân hàng và rót vốn bù đắp cho những thiệt hại trong kịch bản này. Thêm vào đó, Trung Quốc còn nắm trong tay sức mạnh vay nợ ở cấp độ quốc gia để giải quyết khủng hoảng nếu cần, và tín dụng của Trung Quốc tại IMF cũng là một nguồn hỗ trợ nữa. Nói cho cùng, Trung Quốc sở hữu những nguồn lực để đàn áp mọi bất đồng và dọn dẹp đống hỗn độn tài chính nếu mô hình Ponzi trong thị trường bất động sản thực sự xảy ra như đã mô tả ở trên.
Tuy nhiên, niềm tin đã mất thì không thể đong đếm được. Điều trớ trêu là sau một cuộc sụp đổ tài chính, tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng chứ không giảm vì các cá nhân sẽ cần tiết kiệm nhiều hơn để có tiền trang trải khi thua lỗ, thiệt hại. Cổ phiếu sẽ tụt dốc vì các nhà đầu tư bán tài sản thanh khoản để bù đắp ảnh hưởng của những WMP giờ đây đã trở nên khó thanh khoản. Tiêu dùng sẽ sụp đổ đúng vào lúc thế giới đang chờ đợi người tiêu dùng Trung Quốc giải cứu tình trạng tăng trưởng ảm đạm trên toàn cầu. Bóng ma giảm phát sẽ lại bao trùm Trung Quốc, khiến người Trung Quốc càng thêm miễn cưỡng khi cho phép Chính phủ dùng tiền của mình để củng cố sức mạnh quốc gia trước các đối tác thương mại, đặc biệt là Hoa Kỳ. Sự thiệt hại về lòng tin và khả năng tăng trưởng sẽ không chỉ giới hạn ở Trung Quốc mà sẽ lan tỏa ra khắp thế giới.
MÙA THU CỦA CÁC THỦ LĨNH TÀI CHÍNH
Giới tinh hoa Trung Quốc hiểu rõ những điểm yếu này và nhìn thấy sự hỗn loạn sắp xảy ra. Dự đoán về một cuộc sụp đổ tài chính ở Trung Quốc đang đưa tới một trong những đợt tháo chạy vốn lớn nhất trong lịch sử thế giới. Thành phần tinh hoa và đầu sỏ chính trị, thậm chí cả người dân thường ở Trung Quốc, đang tìm cách chuyển vốn ra nước ngoài khi còn có thể.
Luật pháp Trung Quốc cấm công dân được chuyển quá 50.000 đô-la/năm ra nước ngoài. Tuy nhiên, những kỹ thuật để chuyển tiền mặt ra khỏi Trung Quốc, thông qua các phương tiện hợp pháp hay bất hợp pháp, là không giới hạn. Tất cả tùy vào trí tưởng tượng và óc sáng tạo của những người đứng sau cuộc tháo chạy. Cụ thể như nhồi nhét tiền vào một va-li trước khi lên máy bay ra nước ngoài.Chuyện xảy ra sau đó được đăng lại trong một bài báo trên Wall Street Journal từ năm 2012:
Vào tháng Sáu, một người đàn ông Trung Quốc xuống sân bay Vancouver với khoảng 177.500 đô-la tiền mặt – phần lớn là trái phiếu ngắn hạn mệnh giá 100 đô-la của Mỹ và Canada, nhét đầy trong ví, túi và giấu ở mép va-li… Nhân viên hải quan của Canada phát hiện ra số tiền trên cho biết, người đàn ông nói rằng ông ta mang tiền sang mua một căn nhà hoặc một chiếc xe hơi. Ông ta rời khỏi sân bay cùng với tiền của mình sau khi đóng phạt vì tội giấu giếm và không khai báo về số tiền đó.
Trong một diễn biến khác, một tỉ phú sản xuất bia của Trung Quốc bay từ Thượng Hải đến Sydney, rồi lái xe suốt một giờ đồng hồ về vùng nông thôn để xem một vườn nho, trả 30 triệu đô-la để mua cơ ngơi đó ngay tại chỗ, rồi lại ngay lập tức trở về Thượng Hải. Không ai biết nhà tài phiệt này thích rượu vang hơn bia, hay thích Australia hơn Trung Quốc khi muốn tìm một thiên đường cất giấu khối tài sản của mình.
Những kỹ thuật tháo chạy vốn khác phức tạp hơn nhưng hiệu quả không kém. Phương pháp được ưa chuộng là thiết lập mối quan hệ với một tay chủ sòng bạc đã được mua chuộc ở Macao. Tại đây, một con bạc lớn của Trung Quốc có thể mở hạn mức tín dụng bằng tài khoản ngân hàng của mình, rồi cố tình thua một khoản tiền lớn trong một cuộc chơi hoành tráng như bài baccarat diễn ra ở một phòng VIP thật phô trương. Tiền sẽ ngay lập tức được trả bằng cách ghi nợ vào tài khoản ngân hàng của kẻ thua cuộc ở Trung Quốc. Vụ giao dịch này không được tính vào hạn mức xuất khẩu vốn hàng năm vì nó được xem như khoản thanh toán cho một khoản nợ hợp pháp. Sau đó, con bạc “xui xẻo” này sẽ lấy lại khoản tiền từ chủ sòng bạc, trừ đi một khoản hoa hồng cho dịch vụ rửa tiền.
Những khoản tiền lớn hơn có thể được chuyển ra nước ngoài thông qua kỹ thuật khai gian giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu (mis-invoicing). Ví dụ, một hãng sản xuất đồ nội thất Trung Quốc có thể thành lập một công ty phân phối ở một thiên đường trốn thuế như Panama. Giả sử giá xuất khẩu bình thường của mỗi món đồ nội thất là 200 đô-la, công ty Trung Quốc có thể xuất hóa đơn cho công ty ở Panama với giá thấp hơn, chỉ 100 đô-la/đơn vị hàng hóa. Sau đó, công ty ở Panama sẽ bán số hàng nhập từ Trung Quốc này ra các kênh phân phối thông thường với giá 200 đô-la/đơn vị hàng hóa. “Khoản tiền lời” 100 đô-la/đơn vị có được từ việc cố tình kê khai giá thấp hơn bình thường (underinvoicing) sẽ được tính vào lợi nhuận của công ty ở Panama. Với hàng triệu món đồ nội thất được công ty ở Trung Quốc xuất khẩu sang công ty ở Panama, lợi nhuận “giả” tích lũy ở Panama có thể lên đến hàng trăm triệu đô-la. Nếu hai bên tuân thủ đúng luật, đáng lẽ số tiền này phải ở lại Trung Quốc mới đúng.
Tình trạng tháo chạy vốn của tầng lớp tinh hoa chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn rất nhiều về sự bất bình đẳng thu nhập giữa họ và dân thường ở Trung Quốc. Tại thành thị, thu nhập tính theo hộ gia đình của tốp 1% cao gấp 24 lần thu nhập bình quân của tất cả các hộ gia đình. Trên phạm vi toàn quốc, sự chênh lệch này là 30 lần. Đây chỉ là những thông tin dựa trên số liệu được công bố chính thức. Nếu tính đến cả thu nhập ẩn và tiền được tuồn ra nước ngoài thì chênh lệch còn lớn hơn nhiều. Tờ Wall Street Journal viết:
Việc ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng đòi hỏi phải đối đầu với thành phần tinh hoa – những người đang hưởng lợi từ hiện trạng bất bình đẳng này, đồng thời kiểm soát nạn tham nhũng – mỏ vàng để các quan chức vơ vét cho đầy túi riêng. Wang Xialou, Phó Giám đốc quỹ Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của Trung Quốc và Wing Thye Woo, nhà kinh tế học đang giảng dạy tại trường Đại học California, Davis, Hoa Kỳ cho biết, khi tính toán đến khoản mà họ gọi là thu nhập “ẩn” – thu nhập không được báo cáo và có thể bao gồm cả những khoản tiền ăn hối lộ, thì thu nhập của 10% hộ gia đình giàu nhất Trung Quốc cao gấp 65 lần 10% hộ gia đình nghèo nhất Trung Quốc.
Theo Minxin Pei – một chuyên gia Trung Quốc tại trường Đại học Claremont McKenna, nạn tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu và tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc hiện nay nghiêm trọng đến mức tình hình xã hội ở quốc gia này tiến rất gần đến xã hội ở Pháp ngay trước Cuộc cách mạng Pháp. Sự mất ổn định nói chung về cả tài chính, xã hội lẫn chính trị ngày càng gia tăng, có khả năng trở thành mối đe dọa đối với việc duy trì quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Như thường lệ, giới chức trách Trung Quốc luôn hạ thấp những mối đe dọa từ việc đầu tư chệch hướng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bong bóng tài sản, lạm dụng đòn bẩy, tham nhũng và tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Mặc dù biết rõ tất cả những vấn nạn này đều hết sức nghiêm trọng, nhưng họ một mực khẳng định rằng những động thái điều chỉnh đang được thực hiện, và rằng những vấn đề trên hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu xét đến quy mô và sự tăng trưởng năng động của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Những mối đe dọa này được nhìn nhận như những cơn đau ngày càng dữ dội trong cuộc sinh nở ra một Trung Quốc mới, trái ngược với quan điểm một cuộc khủng hoảng hiện sinh đang trong quá trình hình thành.
Xét trên lịch sử sụp đổ và khủng hoảng trong cả thị trường phát triển lẫn đang phát triển trong 30 năm qua, có thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lạc quan thái quá về khả năng của mình trong việc né tránh một thảm họa tài chính. Quy mô khổng lồ và quan hệ dây mơ rễ má chằng chịt của các SOE, ngân hàng, Chính phủ và người dân gửi tiết kiệm đã tạo nên một hệ thống phức tạp giữa lúc tình hình nghiêm trọng, chỉ chờ một mồi lửa để bùng cháy. Ngay cả nếu như giới lãnh đạo đã đúng khi nói rằng những vấn đề cụ thể này nằm trong tầm kiểm soát khi xem xét đến toàn cục, thì họ vẫn phải đối mặt với thực tế là toàn bộ nền kinh tế không khỏe mạnh theo nhiều cách mà ngay cả họ cũng không dễ gì nhìn ra. Vấn đề lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là việc không thể nào tái cân bằng nền kinh tế từ đầu tư cho tới tiêu dùng mà không giảm mạnh tốc độ tăng trưởng. Trên thực tế, sự giảm tốc này chính là cú “hạ cánh cứng” mà người ta luôn lo sợ, và cả Trung Quốc lẫn thế giới nói chung đều chưa sẵn sàng cho một sự kiện như thế.
Để hiểu được thách thức tái cân bằng nền kinh tế, chúng ta cần tiếp tục nhìn vào cơn sốt xây dựng hạ tầng của Trung Quốc. Bằng chứng cho việc Trung Quốc đang đầu tư quá mức không chỉ dừng lại ở giai thoại về những ga tàu khổng lồ và những thành phố không một bóng người. IMF đã thực hiện một nghiên cứu phân tích chuyên sâu về hoạt động đầu tư vốn của Trung Quốc so với 36 nền kinh tế đang phá triển khác, trong đó có 14 nước châu Á. Nghiên cứu kết luận rằng, hoạt động đầu tư ở Trung Quốc quá nóng và phải đánh đổi bằng thu nhập và tiêu dùng của hộ gia đình: “Tỉ trọng đầu tư trên GDP ở Trung Quốc hiện nay có thể cao hơn 10% so với mức hợp lý được xác định dựa trên các nguyên tắc cơ bản.”
Ai cũng biết người nào phải chịu trách nhiệm cho hội chứng đầu tư quá mức này. Nghiên cứu của IMF chỉ thẳng vào các ngân hàng và SOE do nhà nước kiểm soát, hệ thống cho vay dựa trên mối quan hệ thân hữu và tình trạng đầu tư chệch hướng đang diễn ra khắp Trung Quốc: “Các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước (SOE) có xu hướng liên quan trực tiếp vì chi phí vốn ngầm hiểu của họ thấp một cách giả tạo… Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc không ngừng ưu ái họ trong việc phân bổ vốn.” Các ngân hàng do nhà nước kiểm soát bơm vốn rẻ cho các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu, và những doanh nghiệp này đang lãng phí số tiền đó vào năng suất dư thừa và xây dựng những thành phố ma.
Điều đáng lo hơn là hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng không những lãng phí mà còn không bền vững. Mỗi đồng đô-la đầu tư ở Trung Quốc giờ đây tạo ra ít sản lượng kinh tế hơn so với trước kia, có nghĩa là lợi nhuận biên đang giảm dần. Nếu Trung Quốc muốn duy trì tỉ lệ tăng trưởng GDP trong những năm sắp tới, đầu tư cuối cùng sẽ cao hơn rất nhiều so với con số 60% GDP. Xu hướng này không đơn thuần là sự đánh đổi giữa tiêu dùng và đầu tư. Các hộ gia đình trì hoãn tiêu dùng, ủng hộ đầu tư để sau này họ có thể tiêu dùng nhiều hơn, đây là một mô hình phát triển kinh điển. Nhưng chiến lược đầu tư của Trung Quốc hiện nay là một phiên bản lỗi của nó. Số tiền đổ vào các dự án đầu tư chệch hướng ở Trung Quốc là một tổn thất vô ích đối với nền kinh tế, vì vậy nó sẽ không tạo ra tiêu dùng. Với mô hình này, Trung Quốc chỉ đang đốt tiền mà thôi.
Các hộ gia đình chính là những người gánh chịu chi phí của tình trạng đầu tư chệch hướng này, vì người gửi tiết kiệm phải chấp nhận lãi suất thấp hơn thị trường để các SOE có thể trả nợ với lãi suất thấp hơn thị trường. Như vậy tức là tiền từ các hộ gia đình đang chảy vào túi các công ty lớn, theo ước tính của IMF, số tiền này bằng 4% GDP, tương đương với 300 tỉ đô-la/năm. Đây là một nguyên nhân gây nên tình trạng bất bình đẳng thu nhập nghiêm trọng ở Trung Quốc. Vì vậy, nền kinh tế Trung Quốc rơi vào một vòng luẩn quẩn không hồi kết. Tầng lớp thượng lưu kiên quyết đầu tư nhiều hơn, dẫn đến lợi ích ròng thấp hơn, trong khi thu nhập của hộ gia đình giậm chân tại chỗ, hoặc thậm chí giảm đi vì tài sản của họ bị chuyển sang cho chính những người ở tầng lớp thượng lưu kia. Nếu quả thực GDP bị giảm một khoản bằng số tiền đầu tư chệch hướng thì câu chuyện về sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc đã ở trong giai đoạn sụp đổ.
Dù thế nào thì sự sụp đổ cũng đang tới gần. Michael Pettis của trường Đại học Peking đã thực hiện một công trình số học thú vị dựa trên nghiên cứu về lĩnh vực cơ sở hạ tầng của IMF. Trong ví dụ đầu tiên, Pettis tranh luận về con số 10% GDP mà IMF ước tính cho giá trị đầu tư quá mức hợp lý của Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng, rất có thể bản thân nhóm các quốc gia so sánh mà IMF sử dụng để tính ra tỉ lệ đầu tư hợp lý cũng đã đầu tư quá tay, vì vậy nên tỉ lệ đầu tư chệch hướng của Trung Quốc trong thực tế còn lớn hơn mức 10% GDP. Tuy nhiên, ông đồng ý với kết luận của IMF rằng Trung Quốc cần giảm tỉ lệ đầu tư thêm 10% GDP, và cho rằng:
Giả sử Trung Quốc có 5 năm để giảm tỉ lệ đầu tư từ mức 50% GDP như hiện nay xuống còn 40% GDP. Muốn vậy, đầu tư của Trung Quốc phải tăng trưởng với tỉ lệ thấp hơn nhiều so với của GDP. Nhưng thấp hơn bao nhiêu? Để đáp ứng điều kiện, tỉ lệ tăng trưởng của đầu tư so với của GDP phải thấp hơn tối thiểu 4,5 điểm phần trăm.
Nếu GDP của Trung Quốc tăng trưởng ở mức 7% thì đầu tư của Trung Quốc phải tăng trưởng ở mức 2,3%. Nếu Trung Quốc tăng trưởng ở mức 5%, đầu tư phải tăng trưởng ở mức 0,4%. Và nếu Trung Quốc tăng trưởng ở mức 3%, tỉ lệ tăng trưởng đầu tư phải giảm thêm 1,5% nữa…
Kết luận đã rõ ràng. Trong tình trạng đầu tư quá mức với tỉ lệ đặc biệt cao như ở Trung Quốc, bất cứ sự tái cân bằng nào cũng chỉ có ý nghĩa khi nó đi kèm với việc tỉ lệ tăng trưởng đầu tư giảm mạnh, và có lẽ cả sự co lại của quy mô tăng trưởng đầu tư.
Ý kiến cho rằng Trung Quốc nên tái cân bằng nền kinh tế, lùi xa khỏi đầu tư và tiến gần về tiêu dùng không có gì mới mẻ. Các nhà hoạch định chính sách ở cả Mỹ và Trung Quốc đều đã thảo luận về vấn đề này trong nhiều năm. Tái cân bằng đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải từ bỏ mức tăng trưởng 7% như những năm gần đây. Nhưng có thể đã quá muộn để Trung Quốc tiến hành điều chỉnh một cách êm ái, “khoảnh khắc tái cân bằng” của Trung Quốc có lẽ đã đến và đã qua mất rồi.
Việc tái cân bằng đòi hỏi sự kết hợp giữa thu nhập hộ gia đình cao hơn và tỉ lệ tiết kiệm thấp hơn. Thu nhập nhàn rỗi có thể được chi tiêu vào hàng hóa và dịch vụ. Những yếu tố góp phần làm tăng thu nhập bao gồm: lãi suất cao hơn để thưởng cho người gửi tiết kiệm, và lương cao hơn cho người lao động. Nhưng mặt trái của lãi suất cao hơn và lương cao hơn là lợi nhuận doanh nghiệp thấp hơn, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các đầu sỏ kinh tế ở Trung Quốc – những người đang gây áp lực chính trị để giữ tiền lương và lãi suất ở mức thấp. Trong thập niên trước, mức đóng góp của tiền lương vào GDP đã giảm từ trên 50% xuống 40%, so với mức tương đối ổn định ở Mỹ là 55%. Tình hình tiêu dùng thậm chí còn tệ hơn, vì tiền lương ở Trung Quốc bị lệch về phía những người có thu nhập cao hơn nhưng có khuynh hướng chi tiêu ít hơn.
Một sức ép khác còn quyền lực hơn cả các thủ lĩnh tài chính là cách chi tiêu của người tiêu dùng. Cả người lao động trẻ hơn lẫn người về hưu già hơn đều có khuynh hướng chi tiêu nhiều hơn. Chính những người lao động ở độ tuổi trung niên đang duy trì tỉ lệ tiết kiệm cao nhất để có thể trang trải cho nhu cầu chi tiêu tăng thêm khi về già. Lực lượng lao động Trung Quốc hiện nay đang bị áp đảo bởi phân khúc người lao động trung niên này. Trên thực tế, Trung Quốc sẽ còn mắc kẹt với tỉ lệ tiết kiệm cao cho đến năm 2030 hoặc sau đó vì những lý do nhân khẩu học, chứ không liên quan đến chính sách và lòng tham của giới đầu sỏ kinh tế.
Dựa trên những đặc điểm về nhân khẩu học này, thời điểm lý tưởng để Trung Quốc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo tiêu dùng nằm trong khoảng từ 2002 đến năm 2005. Đây chính xác là thời gian mô hình tăng trưởng theo đầu tư chuẩn bị qua giai đoạn năng suất và bắt đầu cạn “nhiên liệu”, và đến thời của một thế hệ dân số trẻ hơn, thích chi tiêu hơn. Sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn để “thưởng” cho người gửi tiết kiệm, tỉ giá hối đoái cao hơn để khuyến khích nhập khẩu và mức lương cao hơn để các công nhân nhà máy tăng chi tiêu có thể kích thích tiêu dùng tăng vọt, chuyển hướng các nguồn lực ra xa khỏi những dự án đầu tư lãng phí. Nhưng thay vì thế, các đầu sỏ kinh tế lại gây áp lực để buộc lãi suất, tỉ giá hối đoái và tiền lương phải thấp hơn mức tối ưu. Một cú hích từ nhân khẩu học tự nhiên đối với tiêu dùng đã bị lãng phí.
Ngay cả nếu bây giờ Trung Quốc đảo ngược chính sách vốn đang gây ra rất nhiều nghi ngờ thì họ sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, vì người dân – tính bình quân – đang ở độ tuổi thích tiết kiệm. Không một chính sách nào có thể thay đổi được những đặc điểm nhân khẩu học này trong ngắn hạn, vì thế nên hiện tại không có cách giải quyết khả thi đối với cuộc khủng hoảng vì nhu cầu tiêu dùng quá thấp ở Trung Quốc.
Nếu xem xét các thành phần của GDP thì Trung Quốc đang tiến rất gần đến bờ vực sụp đổ trên nhiều phương diện. Tiêu dùng ảm đạm vì lương thấp và tiết kiệm cao do các yếu tố nhân khẩu học. Xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi đồng nhân dân tệ mạnh hơn, cộng với những chiến lược nhằm làm suy yếu đồng đô-la và yên Nhật. Đầu tư thì chệch hướng và lợi nhuận biên ngày càng giảm dần. Mặc dù nền kinh tế tạm thời đang được chống đỡ bằng đầu tư cao, nhưng nó giống một lâu đài xây trên những bãi cát nợ xấu vậy. Giá trị của phần lớn các khoản đầu tư ở Trung Quốc cũng rỗng tuếch như những tòa nhà mà chúng xây nên. Ngay cả thành phần được hưởng lợi từ sự hỗn loạn này – các đầu sỏ kinh tế – cũng giống như bầy chuột bị bỏ lại trên một con tàu đang chìm, họ tán loạn tìm cách tháo chạy vốn ra nước ngoài.
Trung Quốc có thể giải quyết những tình thế tiến thoái lưỡng nan nói trên bằng cách tăng lãi suất và tiền lương để tăng thu nhập của hộ gia đình. Tuy nhiên, mặc dù những chính sách này có ích cho người dân nhưng, sẽ đẩy nhiều SOE đến chỗ phá sản, và đương nhiên vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các đầu sỏ kinh tế. Giải pháp hiệu quả duy nhất là tư nhân hóa trên quy mô lớn để giải phóng năng lượng và sức sáng tạo của giới kinh doanh. Nhưng giải pháp này chống lại cả giới đầu sỏ kinh tế và chính Đảng Cộng sản. Nơi đối nghịch với tư nhân hóa chính là nơi lợi ích cá nhân và bản năng sinh tồn của các đầu sỏ kinh tế gặp nhau.
Có thể 4% một năm là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất mà Trung Quốc có thể hy vọng trong những năm sắp tới, và nếu các đầu sỏ kinh tế được tự do làm những gì họ muốn thì kết quả sẽ tồi tệ hơn nhiều. Những khoản cứu trợ triền miên cho các dự án đầu tư chệch hướng và sự kìm hãm tiền lương sẽ đẩy cuộc khủng hoảng kép của nợ xấu và bất bình đẳng thu nhập lên cực đại, có khả năng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính, từ đó dẫn đến bất ổn xã hội, thậm chí là một cuộc cách mạng. Dự trữ của Trung Quốc có thể không đủ để dập tắt những đám cháy của khủng hoảng tài chính, vì hầu hết nguồn dự trữ này là đô-la, và FED thì cương quyết giảm giá đồng đô-la khi xảy ra lạm phát. Dự trữ của Trung Quốc đang bị bòn rút bởi Mỹ, trong khi nền kinh tế của nước này cũng đang bị bòn rút bởi các thủ lĩnh tài chính. Không thể nói chắc rằng giai đoạn tăng trưởng thần kỳ ở Trung Quốc sẽ kết thúc bằng một cú đâm đầu chí tử hay một tiếng rên rỉ yếu ớt, nhưng chắc chắn nó sẽ kết thúc.
Trung Quốc không phải là nền văn minh đầu tiên phớt lờ lịch sử của chính mình. Chế độ tập quyền gây ra sự phức hợp, và bản chất của các hệ thống phức tạp chính là một mạng lưới chằng chịt những mối quan hệ thích ứng, hỗ trợ lẫn nhau. Một thất bại nhỏ trong bất kỳ bộ phận nào cũng nhanh chóng lan ra toàn hệ thống, và không có một biện pháp phòng vệ nào có thể ngăn chặn thảm họa này. Trong khi Đảng Cộng sản xem tập trung quyền lực như nguồn sức mạnh, thì đây lại là hình thái nguy hiểm nhất của sự yếu ớt, vì nó che khuất tầm nhìn về sự sụp đổ đang đến gần.
Trung Quốc đã trở thành miếng mồi ngon của giới thủ lĩnh tài chính mới, những kẻ một tay thì cướp tiền tiết kiệm của người dân, tay kia tuồn chiến lợi phẩm ra nước ngoài. Câu chuyện tăng trưởng của Trung Quốc chưa kết thúc, nhưng nó đang tới hồi cuối. Điều tồi tệ hơn là, sức tàn phá sẽ không chỉ dừng lại ở Trung Quốc mà lan rộng ra khắp thế giới. Điều này sẽ xảy ra khi tăng trưởng ở Mỹ, Nhật và châu Âu chững lại hoặc giảm dần. Giống như thập niên 1930, suy thoái sẽ lan ra toàn cầu, và chúng ta sẽ không còn nơi nào để ẩn náu.