Nhưng còn một thông điệp khác mà tôi muốn nói với mọi người. ECB đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo toàn đồng euro. Và hãy tin tôi đi, chúng tôi sẽ làm được.
- Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu -
Nếu không có khủng hoảng, châu Âu sẽ không nhúc nhích.
- Wolfgang Schäuble, Bộ trưởng Tài chính Đức -
ĐẾ CHẾ ĐẦU TIÊN
Những lời dự đoán vô tình về sự tan rã của châu Âu và đồng euro trên đây cho thấy rõ rằng, chúng ta đang chứng kiến lòng tôn kính và sùng bái dành cho một dự án được khởi động từ 1200 năm về trước. Khi nhìn thật xa vào một lịch lặp đi lặp lại chính nó, chúng ta sẽ hiểu tại sao euro lại là đồng tiền mạnh nhất thế giới. Ngày nay, đồng euro đang ấp ủ chờ thời, thêm một mối đe dọa nữa đối với quyền bá chủ của đồng đô-la.
Châu Âu đã hợp nhất từ trước: Không phải toàn bộ châu Âu trên khía cạnh địa lý, nhưng đủ để hình thành nên một chính thể châu Âu riêng biệt, đối lập với một thành phố, một lãnh thổ hay một quốc gia đơn lẻ trong một khu vực được gọi là châu Âu. Liên minh này nổi lên trong thời Đế quốc Frankish của Charlemagne, hay còn gọi là Frankenreich, hồi đầu thế kỷ thứ IV. Những điểm tương đồng giữa đế chế của Charlemagne với châu Âu thế kỷ 21 rất rõ ràng và có thể giúp ích cho những ai đang phải vật lộn để hiểu được động năng của châu Âu ngày nay, nhất là người Mỹ.
Trong khi nhiều người tập trung vào sự phân chia, quốc tịch và các nền văn hóa riêng biệt bên trong châu Âu thì một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo, với sự ủng hộ của người dân nước họ, vẫn tiếp tục công cuộc thống nhất châu Âu vốn đã bắt đầu từ đống tro tàn của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. “Thống nhất trong sự đa dạng” (United in diversity) là khẩu hiệu chính thức của Liên minh châu Âu, và từ “thống nhất” ở đây thường bị các nhà phê bình và những người hoài nghi về một kế hoạch chính trị xem nhẹ, tính đến nay đã tồn tại được tám thập kỷ. Thị trường rất quyền lực, nhưng chính trường còn quyền lực hơn, và sự thật này đang dần dần trở nên dễ thấy hơn trên các sàn giao dịch ở London, New York và Tokyo. Bất chấp những khiếm khuyết và khủng hoảng, châu Âu và đồng tiền chung của nó, đồng euro, vẫn nhất định trụ vững.
Charlemagne – tín đồ Cơ-đốc giáo kế thừa ngôi vị hoàng đế La Mã vào cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX – là hoàng đế đầu tiên ở phương Tây kể từ sau khi Đế chế La Mã phương Tây sụp đổ vào năm 476 trước Công nguyên. Đế chế La Mã không phải là đế chế châu Âu mà chỉ là đế chế Địa Trung Hải, mặc dù nó mở rộng từ thủ đô Roman cho đến các vùng lãnh thổ mà ngày nay là Tây Ban Nha, Pháp và cả Anh. Charlemagne là hoàng đế đầu tiên sáp nhập các phần của Đức, Hà Lan, Cộng hòa Séc ngày nay với ba vùng lãnh thổ nói trên và Ý để hình thành nên một chính thể thống nhất với các biên giới địa lý giống châu Âu hiện nay. Charlemagne được các nhà truyền giáo và giáo dân gọi là “pater Europae” – Cha đẻ của châu Âu.
Charlemagne không chỉ là một vị vua và một kẻ chinh phạt. Ông đề cao cả chữ nghĩa lẫn học thuật và nghệ thuật. Ông đã thành lập một hội đồng ở Aachen, quy tụ những bộ óc ưu tú nhất của thời kỳ đầu Trung Cổ như Thánh Alcuin of York, người được Einhard – người sống cùng thời với Charlemagne và viết tiểu sử cho vị hoàng đế này – nhắc đến như là “nhân vật lỗi lạc nhất thế gian”. Những thành tựu của Charlemagne và hội đồng mà ông lập ra trong lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật và kiến trúc đã khai sinh ra một giai đoạn mà các nhà sử học gọi là phong trào Phục hưng Carollingian – phong trào đã làm bừng lên ánh hào quang kết thúc một kỷ nguyên dài tăm tối. Điều quan trọng là Charlemagne hiểu được tầm quan trọng của sự thống nhất xuyên suốt đế chế của mình, như vậy sẽ dễ quản lý, dễ giao tiếp và giao thương hơn. Ông là người đỡ đầu cho việc thống nhất chữ viết Carolingina, thứ đã thay thế vô số hình thức văn bản vốn đã phát triển ở khắp các vùng miền khác nhau của châu Âu, đồng thời lập ra các hình thức quản lý và quân sự để tạo mối ràng buộc giữa các nền văn hóa khác nhau mà mình đã chinh phục, gắn kết tất cả thành một vương quốc.
Mặc dù theo đuổi mục tiêu thống nhất đế quốc nhưng Charlemagne không bỏ qua sự bền vững. Ông ủng hộ sự đa dạng nếu nó hỗ trợ cho những mục tiêu lớn hơn liên quan đến giáo dục và tôn giáo. Ông khuyến khích việc các giáo sĩ sử dụng ngôn ngữ riêng của La Mã và Đức, phương pháp sau này bị Nhà thờ Công giáo nghiêm cấm (mãi đến năm 1965 mới được Cộng đồng Vatican II phục hồi một cách muộn màng). Ông chấp nhận để những kẻ thù mà mình chinh phạt giữ vai trò như các nước chư hầu, thay vì phá hủy văn hóa và thể chế của họ. Nhìn vào những khía cạnh này, chúng ta có thể thấy Charlemagne đã đi theo một chính sách mà ngày nay Liên minh châu Âu gọi là bổ trợ (subsidiarity). Theo đó nguyên tắc thống nhất chỉ nên áp dụng ở những nơi cần thiết để phục vụ một lợi ích lớn lao hơn, còn lại nên tôn trọng và duy trì luật lệ, truyền thống của các địa phương.
Những biện pháp cải cách tiền tệ của Charlemagne cũng có vẻ giống với Ngân hàng Trung ương châu Âu. Trước thời của Charlemagne, bản vị tiền tệ của châu Âu là một sou vàng, bắt nguồn từ từ solidus (trong tiếng La-tinh có nghĩa là “chất rắn”). Sou là đồng xu bằng vàng được sử dụng làm đơn vị tiền tệ của Đế quốc Đông La Mã Byzantine của Hoàng đế Constantine I vào năm 312 sau Công nguyên. Từ thời cổ đại, vàng đã được khai thác ở các mỏ gần thượng nguồn sông Nile và Anatolia rồi cung cấp cho Đế quốc La Mã. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Hồi giáo trong thế kỷ thứ VII và việc mất một phần của Ý vào tay Đế quốc Đông La Mã, đã chặn đứng các tuyến đường giao thương giữa Đông và Tây, gây ra tình trạng thiếu vàng, và tiền tệ bị thắt chặt ở đế quốc phía Tây của Charlemagne. Ông nghĩ ra hình thứcđầu tiên của công cụ nới lỏng tiền tệ (quantitative easing) với việc chuyển đổi sang một bản vị bạc, vì ở phía Tây, bạc dồi dào hơn vàng rất nhiều. Ông cũng nghĩ ra một loại tiền tệ duy nhất để đo lường cả tiền bạc và trọng lượng: đồng livre carolingienne, tương đương với một pound bạc và đồng tiền của đế quốc là đồng denire, bằng 1/20 sou. Với cung tiền tăng lên và chế độ tiền tệ được tiêu chuẩn hóa, cùng nhiều biện pháp cải cách khác, tình hình giao thương phát triển mạnh mẽ trong thời đại của Đế chế Frank.
Sau khi Charlemagne qua đời vào năm 814 sau Công nguyên, đế chế của ông chỉ tồn tại được thêm 74 năm. Ban đầu, vương quốc được phân chia làm ba phần, mỗi phần trao cho một người con trai của Charlemagne. Nhưng vì nhiều lý do, người trị vì chết sớm, người kế vị không hợp pháp, cuộc chiến tranh giành trong hoàng tộc và chính sách bang giao thất bại khiến đế chế thoái trào rồi kết thúc vào năm 887. Tuy nhiên, Đế chế Frank đã thiết lập những nền móng chính trị cho nước Pháp và nước Đức hiện đại. Di sản của đế chế này tồn tại cho đến khi Đế quốc La Mã Thần thánh ra đời và Otto I lên ngôi vào năm 962. Đế quốc Đầu tiên (The First Reich) này tồn tại qua tám thế kỷ, cho đến khi bị Napoleon giải thể vào năm 1806. Bằng việc hồi sinh chính thể La Mã và thúc đẩy khoa học, nghệ thuật, Charlemagne và vương quốc của ông là cầu nối quan trọng nhất giữa La Mã cổ đại và châu Âu hiện đại.
Tuy nhiên, bất chấp những định chế của Đế quốc La Mã thần thánh, một thiên niên kỷ sau triều đại Charlemagne có thể được xem như cuốn biên niên sử chỉ toàn cướp bóc, chiến tranh và chinh phạt, cùng những đợt thanh trừng tôn giáo, sắc tộc rời rạc. Ba thể kỷ từ năm 900 đến năm 1100 được đánh dấu bởi những cuộc tấn công xâm lược của người Viking và hậu duệ người Norman của họ. Từ năm 1100 đến 1300 là giai đoạn của những cuộc Thập tự chinh bên ngoài lãnh thổ và chiến tranh trượng nghĩa ở châu Âu. Thế kỷ XIV chứng kiến đại dịch Cái chết đen, làm chết khoảng 1/3 đến 1/2 dân số châu Âu. Nhưng kỷ nguyên đẫm máu nhất bắt đầu với phong trào Cải cách Kháng cách hay còn gọi là Phản Cải cách (Counter-Reformation) vào năm 1545. Những cuộc chiến học thuật giữa phe Tân giáo và phe Công giáo biến thành bạo lực trong Chiến tranh Tôn giáo Pháp từ năm 1562 đến năm 1598, rồi leo thang đến đỉnh điểm trong Chiến tranh Ba mươi năm từ 1618 đến 1648 – một cuộc chiến trên toàn châu Âu thời kỳ đầu hiện đại, trong đó không chỉ các lực lượng quân sự mà cả dân thường và các mục tiêu phi quân sự cũng bị thiệt mạng và tàn phá.
Tình hình bi thảm và phi nhân tính của giai đoạn này được tóm lược trong đoạn mô tả về cuộc bao vây Sancerre vào năm 1572. Người dân nơi đây đói đến nỗi họ phải ăn cả lừa, la, ngựa, chó, mèo của mình. Rồi họ ăn tới da thú và các tài liệu bằng da. Lauro Martines trích dẫn lời của Jean de Léry, một nhà văn sống trong thời đại đó, kể lại cả câu chuyện ăn thịt đồng loại mà ông đã chứng kiến...
Tiếp theo chuỗi sự kiện đẫm máu này là những cuộc chiến của Louis XIV kéo dài liên tục từ năm 1667 đến năm 1714, trong đó Thái Dương vương theo đuổi một chính sách chinh phạt nhằm thống nhất lại nước Pháp với lãnh thổ như thời Charlemagne.
Thời kỳ loạn lạc, chém giết lẫn nhau ở châu Âu tiếp tục với Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763), những cuộc chiến của Napoleon (1803 - 1815), Chiến tranh Pháp - Phổ (1870 - 1871), Chiến tranh thế giới thứ I, Chiến tranh thế giới thứ II và cuộc thảm sát Holocaust. Đến năm 1946, châu Âu kiệt quệ cả về tinh thần lẫn vật chất, đứng nhìn lại quá khứ với tất cả sự ghê tởm và kinh hoàng dành cho những “trái đắng” của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, phân chia tôn giáo và chủ nghĩa bài Do Thái.
Pháp tham gia vào tất cả những cuộc chiến kể trên, và xung đột Pháp - Đức chính là tâm điểm của ba cuộc chiến gần nhất vào các năm 1870, 1914 và 1939, tất cả diễn ra trong 70 năm, trọn một đời người. Sau Chiến tranh Thế giới II, trong khi Vương quốc Anh vật lộn với thoái trào của Đế chế Anh, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Liên Xô cũng tan rã sau Bức màn sắt và Chiến tranh Lạnh thì các chính khách, chuyên gia kinh tế và học giả ở châu Âu lại đứng trước câu hỏi: Làm thế nào để tránh được một cuộc chiến nữa giữa Pháp và Đức?
CHÂU ÂU MỚI
Bước đầu tiên để tiến đến một châu Âu thống nhất được thực hiện năm 1948 với Hội nghị La Haye, trong đó các học giả, chuyên gia và chính trị gia từ cả cánh tả và cánh hữu cùng tham gia một cuộc tranh luận sâu rộng về tiềm năng xây dựng một liên minh kinh tế và chính trị ở châu Âu. Winston Churchill, Konrad Adenauer và François Mitterrand là ba trong số rất nhiều nhân vật có mặt tại hội nghị. Tiếp đến, năm 1949, trường College of Europe được thành lập. Đây là ngôi trường danh tiếng đào tạo sau Đại học với mục tiêu là thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia Tây Âu và đào tạo chuyên gia để thực thi sứ mệnh đó. Đằng sau cả Hội nghị La Haye lẫn College of Europe là bốn chính khách: Paul-Henri Spaak, Robert Schuman, Jean Monnet và Alcide De Gasperi.
Tầm nhìn ưu tú của những nhà lãnh đạo này là sự hội nhập kinh tế sẽ dẫn đến sự hội nhập chính trị, từ đó biến chiến tranh trở thành lỗi thời, nếu không muốn nói là không thể xảy ra.
Bước đi vững chắc đầu tiên trong quá trình hợp nhất kinh tế là Cộng đồng Than và Thép châu Âu (European Coal and Steel Community - ECSC) được thành lập năm 1952. Sáu thành viên ban đầu của cộng đồng này là Pháp, Tây Đức, Ý, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. ECSC là một thị trường chung cho than và thép, hai trong số những ngành công nghiệp lớn nhất ở châu Âu lúc bấy giờ. Năm 1957, hai cộng đồng nữa ra đời: Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (European Atomic Energy Community - Euratom) tập trung phát triển ngành năng lượng hạt nhân ở châu Âu và Cộng đồng Kinh tế châu Âu (European Economic Community - EEC) do Hiệp ước Rome sáng lập, nhằm xây dựng một thị trường chung cho hàng hóa và dịch vụ ngoài than và thép ở châu Âu.
Năm 1967, Hiệp ước Merger hợp nhất ECSC, Euratom và EEC dưới cái tên Các cộng đồng châu Âu (European Communities - EC). Năm 1992, Hiệp ước Maastricht ghi nhận EC là một trong “ba trụ cột” của một Liên minh châu Âu (European Union - EU) mới, bên cạnh Hợp tác Tư pháp và Cảnh sát về vấn đề Tội phạm (Police and Judicial Cooperation), và Chính sách đối ngoại và An ninh chung (Common Foreign and Security Policy - CFSP), đóng vai trò như những đại diện của EU mới trước toàn thế giới. Cuối cùng, vào năm 2009, Hiệp ước Lisbon sáp nhập ba trụ cột này thành một chủ thể duy nhất là Liên minh Châu Âu và bầu ra một Chủ tịch Hội đồng Châu Âu để chỉ đạo các mục tiêu và chính sách chung.
Bên cạnh việc hội nhập kinh tế và chính trị là những nỗ lực tham vọng không kém để hội nhập tiền tệ. Hạt nhân của liên minh tiền tệ là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (European Central Bank - ECB), được hoạch định trong Hiệp ước Maastritch 1992 và thành lập hợp pháp vào năm 1998 sau Hiệp ước Amsterdam. ECB phát hành đồng euro, tiền tệ duy nhất của 18 quốc gia là thành viên của khu vực đồng euro. ECB điều hành các chính sách tiền tệ với một tôn chỉ duy nhất là duy trì sự ổn định giá cả trong khu vực đồng euro. Nó cũng giao dịch trên các thị trường ngoại hối khi cần thiết để điều chỉnh giá trị của đồng euro trong tương quan với những loại tiền tệ khác. ECB quản lý dự trữ ngoại hối của 18 ngân hàng trung ương quốc gia trong khu vực đồng euro và vận hành TARGET 2 – nền tảng thanh toán chung giữa những ngân hàng này.
Hiện tại, biểu tượng hữu hình và dễ thấy nhất của châu Âu là đồng euro. Mấy trăm triệu người châu Âu đang hàng ngày sở hữu, trao đổi, nhận hoặc tiết kiệm euro, và nó cũng là cơ sở cho hàng nghìn tỉ euro trong các giao dịch được thực hiện bởi hàng chục triệu người khác trên khắp thế giới. Cuối năm 2014, ECB sẽ chuyển vào tòa nhà trụ sở mới cao gần 200m ở phía Đông Frankfurt(11). Tòa nhà này chính là biểu tượng cho sự trường tồn và vĩ đại của ECB lẫn đồng euro.
11 Cuốn sách này được xuất bản vào tháng 4 năm 2014.
Nhiều chuyên gia phân tích thị trường, đặc biệt là các chuyên gia của Mỹ, tiếp cận châu Âu và đồng euro qua lăng kính của lý thuyết thị trường hiệu quả và các mô hình tài chính tiêu chuẩn, nhưng lại hầu như không quan tâm gì đến lịch sử của nó. Những vấn đề về cấu trúc thực sự đang tồn tại, và các nhà phân tích đã đúng khi chỉ ra điều đó. Một số giải pháp mà những người như Paul Krugman và Joseph Stiglitz – hai chủ nhân của giải Nobel – đưa ra, trong đó họ cho rằng các quốc gia như Tây Ban Nha và Hy Lạp nên ra khỏi khu vực đồng euro, quay về sử dụng đồng tiền riêng của mình và hạ giá đồng tiền xuống để cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, là khá hời hợt vì chúng đã bỏ qua việc ban đầu những quốc gia này đã chuyển đổi sang đồng euro như thế nào.
Người Ý và người Hy Lạp thừa hiểu rằng việc đồng tiền nước họ không ngừng giảm giá như đã xảy ra trong quá khứ chẳng qua chỉ là một hình thức lấy danh nghĩa nhà nước để móc trộm từ tài khoản của người gửi tiết kiệm và các doanh nghiệp nhỏ vì lợi ích của các ngân hàng và thành phần tinh hoa đã biết rõ việc này. Việc ăn cắp bằng cách hạ giá đồng tiền cũng chẳng khác gì việc ăn cắp bằng cướp bóc và chiến tranh mà người châu Âu đã cố gắng triệt tiêu bằng cách xây dựng nên toàn bộ dự án liên minh này. Người châu Âu thấy rằng thay vì giảm giá đồng tiền thì có những lựa chọn tốt hơn nhiều để tăng khả năng cạnh tranh. Sức mạnh của tầm nhìn này đã được xác nhận bằng thực tế là phe ủng hộ đồng tiền chung euro chiếm ưu thế tuyệt đối trong mọi cuộc trưng cầu dân ý hay bầu cử dân chủ, tương tự với quan điểm ủng hộ đồng euro trong các kết quả khảo sát và thăm dò ý kiến.
Ngày nay, những chính sách thống nhất sáng suốt của Charlemagne, song song với việc vẫn duy trì lề thói, luật lệ riêng của mỗi quốc gia, đang tồn tại trong nguyên tắc phụ trợ của EU. Khẩu hiệu “Thống nhất trong sự đa dạng” của Liên minh Châu Âu hiện đại có lẽ cũng là khẩu hiệu của đế chế mà Charlemgne đã xây dựng năm xưa.
TỪ BRETTON WOODS ĐẾN BẮC KINH
Dự án euro là một phần của hệ thống tiền tệ quốc tế rộng lớn hơn. Bản thân hệ thống này lại phụ thuộc vào những sức ép đáng kể và sự cải cách định kỳ. Kể từ Chiến tranh Thế giới II, hệ thống đã trải qua nhiều giai đoạn: Bretton Wooods, Đồng thuận Washington (Washington Consensus) và Đồng thuận Bắc Kinh (Beijing Consensus). Cả ba cụm từ này đều là cách tóm gọn của nhiều quy tắc ứng xử chung, hay còn gọi là luật chơi, trong tài chính quốc tế.
Đồng thuận Washington được thiết lập sau sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ quốc tế Bretton Woods vào cuối thập niên 1970. Từ năm 1980 đến năm 1983, Bretton Woods được vực dậy nhờ việc Paul Volcker tăng lãi suất, Ronald Reagan giảm thuế, và họ hợp tác với nhau để xây dựng chính sách đồng đô-la ổn định, hay còn gọi là chính sách King Dollar. Sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn, thuế thấp hơn và các quy định được nới lỏng hơn đã biến Mỹ trở thành thỏi nam châm thu hút tiền tiết kiệm từ khắp thế giới, do đó cứu đồng đô-la khỏi sự sụp đổ. Đến năm 1985, đồng đô- la mạnh đến nỗi một hội nghị quốc tế đã được tổ chức ở Khách sạn Plaza, New York để tìm cách giảm bớt giá trị của nó. Năm 1987, một hội nghị tiền tệ quốc tế khác lại diễn ra ở cung điện Louvre, Paris để chính thức bình ổn tỉ giá hối đoái. Hiệp ước Plaza và Hiệp ước Louvre củng cố chế độ bản vị đô-la mới, nhưng hệ thống tiền tệ quốc tế Bretton Woods vẫn chỉ mang tính đối phó và luôn tìm kiếm một hệ nguyên tắc chặt chẽ hơn.
Năm 1989, nhà kinh tế học John Williamson đã tìm ra chất keo còn thiếu cho chế độ bản vị đô-la mới. Trong nghiên cứu mang tính bước ngoặt What Washington Means by Policy Reform(Washington muốn nói gì qua những cải cách chính sách), Williamson mô tả “Đồng thuận Washington” như bước đi có lợi cho các quốc gia khác trong thế giới của chế độ bản vị đô-la mới. Điều này được Williamson thể hiện rõ trong phần mở đầu:
Không có tuyên bố nào về cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ lại kết thúc mà thiếu lời kêu gọi các con nợ thực hiện phần nghĩa vụ bằng cách “đưa tổ chức của mình vào khuôn khổ”, “tiến hành cải cách chính sách” hoặc “áp dụng những điều kiện chặt chẽ”. Câu hỏi được đưa ra trong nghiên cứu này là những cụm từ đó có ý nghĩa gì, đặc biệt là nhìn chung, chúng được diễn giải như thế nào khi áp dụng với Washington...
Washington được nhắc đến trong này là cả Washington về mặt chính trị của Quốc hội và bộ máy hành chính lẫn Washington về mặt kỹ trị của các định chế tài chính quốc tế, các cơ quan kinh tế của Chính phủ, Ban giám đốc Cục Dự trữ Liên bang, lẫn các viện nghiên cứu chính sách của Mỹ.
Thật khó có thể hình dung ra một tuyên bố thiếu sắc bén hơn thế về sự thống trị của đồng đô-la trên toàn cầu xuất phát từ Washington, D.C. Việc không hề nhắc đến bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Mỹ, hay bất kỳ định chế tài chính nào khác ngoài những định chế do Mỹ kiểm soát, đã nói lên tình hình tài chính quốc tế trong năm 1989 và những năm sau đó.
Williamson tiếp tục mô tả điều mà Washington muốn nói khi yêu cầu các con nợ phải “đưa tổ chức của mình vào khuôn khổ”. Ông đặt ra tới 4 trong số 10 chính sách hình thành nên Đồng thuận Washington. Những chính sách này bao gồm các sáng kiến chung như kỷ luật tài khóa, hủy bỏ các khoản trợ cấp lãng phí, giảm thuế, tăng lãi suất thực, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, bãi bỏ các quy định và bảo vệ quyền tài sản. Ai cũng có thể thấy rằng những chính sách này có ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, thúc đẩy các ngân hàng và tập đoàn của Mỹ mở rộng ra toàn cầu.
Đến đầu những năm 2000, Đồng thuận Washington tan rã do các nền kinh tế thị trường mới nổi trỗi dậy và trong mắt họ, việc để đồng đô-la làm “bá chủ” chính là đang làm lợi cho Mỹ bằng những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Cách nhìn này được nhấn mạnh bởi phản ứng của IMF trước cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á 1997- 1998, trong đó những kế hoạch nghiêm khắc của IMF cuối cùng đã dẫn đến bạo động và đổ máu ở hai thành phố Jakarta và Seoul.
Việc Washington không thể tuân thủ những nguyên tắc tài khóa do chính họ đặt ra, cộng với việc các nền kinh tế châu Á tăng trưởng ngày càng mạnh hơn sau năm 1999, đã mở đường cho Đồng thuận Bắc Kinh ra đời để thay thế cho Đồng thuận Washington. Đồng thuận Bắc Kinh có nhiều phiên bản gây tranh cãi và thiếu sự nhất quán về lý trí mà Williamson đã đem lại cho Đồng thuận Washington. Tác giả Joshua Cooper Ramo được ghi nhận là người đã phổ biến thuật ngữ Đồng thuận Bắc Kinh với một bài báo năm 2004 về chủ đề này. Phân tích của Ramo mặc dù nguyên bản và đầy khiêu khích, nhưng vẫn thừa nhận một cách công bằng rằng định nghĩa của Đồng thuận Bắc Kinh khá bất định: “Đồng thuận Bắc Kinh... linh hoạt đến mức khó có thể xếp loại nó là một học thuyết.”
Bất chấp vô số yếu tố kinh tế được gom hết vào để tạo nên Đồng thuận Bắc Kinh, đóng góp quan trọng nhất của Ramo về mặt phân tích là việc nhận ra rằng mô hình kinh tế mới này không chỉ nói về kinh tế, mà cơ bản nó liên quan đến cả địa chính trị. Năm 2012, John Williamson đã mở rộng phân tích này của Ramo bằng cách định nghĩa năm trụ cột của Đồng thuận Bắc Kinh là: cải cách tiệm tiến (incremental reform), cách tân đổi mới, định hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa chuyên chế.
Nhìn từ phía Trung Quốc, Đồng thuận Bắc Kinh là sự pha trộn lạ kỳ giữa chủ nghĩa trọng thương của Anh - Hà Lan ở thế kỷ VII và các chính sách phát triển Trường phái Mỹ ở thế kỷ IX của Alexander Hamilton. Theo cách diễn giải của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó bao gồm sự bảo hộ dành cho nền công nghiệp nội địa, định hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và tích lũy dự trữ quy mô khổng lồ.
Các nhà hoạch định chính sách vừa định nghĩa được Đồng thuận Bắc Kinh là gì thì nó đã bắt đầu tan rã do những mâu thuẫn nội bộ và sự sai lệch khỏi mô hình trọng thương ban đầu. Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa bảo hộ để hỗ trợ cho những ngành non trẻ như Hamilton đề xuất, nhưng họ không thể hỗ trợ khả năng cạnh tranh nội địa như Hamilton yêu cầu. Hamilton sử dụng chủ nghĩa bảo hộ để cho các ngành công nghiệp mới thêm thời gian phát triển, nhưng ông dựa vào cạnh tranh để buộc chúng phải lớn mạnh hơn, dần dần tự mình đứng vững trên thương trường quốc tế. Ngược lại, giới tinh hoa Trung Quốc lại bao bọc các “tập đoàn mũi nhọn quốc gia” của mình đến mức hầu hết những doanh nghiệp này không thể cạnh tranh toàn cầu nếu thiếu các khoản trợ cấp của nhà nước. Đến năm 2012, những khiếm khuyết và hạn chế của Đồng thuận Bắc Kinh đã quá rõ ràng, mặc dù những chính sách của nó vẫn được thực thi rộng rãi.
ĐỒNG THUẬN BERLIN
Năm 2012, một Đồng thuận Berlin mới được hình thành từ đống tro tàn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và những cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu giai đoạn 2010 - 2011. Đồng thuận Berlin không hề nuôi kỳ vọng trở thành một mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp với mọi quốc gia trên thế giới. Nó được thiết kế dành riêng cho châu Âu và những định chế liên quan ở châu Âu, cũng như khu vực đồng euro. Cụ thể, nó bắt buộc các nước yếu hơn ở châu Âu phải áp dụng mô hình thành công của Đức thông qua sự thỏa hiệp giữa Brussels và ECB. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã tóm tắt những nỗ lực của mình trong khẩu hiệu “Mở rộng châu Âu” (More Europe), nhưng chính xác hơn thì dự án này chủ yếu liên quan đến nước Đức. Đồng thuận Berlin không thể được triển khai toàn diện nếu thiếu những điều chỉnh về mặt cơ cấu để giúp các nước yếu trong khu vực dễ tiếp nhận và thực hành mô hình của Đức.
Theo quan điểm của Đức và sự áp dụng với khu vực đồng euro, Đồng thuận Berlin bao gồm bảy trụ cột:
• Khuyến khích xuất khẩu thông qua cách tân và công nghệ;
• Giảm thuế suất của doanh nghiệp;
• Giảm lạm phát;
• Đầu tư vào hạ tầng sản xuất;
• Quan hệ người lao động - người sử dụng lao động mang tính hợp tác cao hơn;
• Khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế của chi phí tính trên mỗi đơn vị lao động và khả năng di chuyển của người lao động (labor mobility);
• Môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực.
Mỗi trụ cột trên đều có nhiều chính sách đi kèm để đạt được những mục tiêu cụ thể và tăng trưởng liên tục. Đến lượt mình, những chính sách này lại giả định trước về những khoản dàn xếp tiền tệ nhất định. Trung tâm của Đồng thuận Berlin là sự nhận thức rằng con đường tốt nhất để tăng trưởng không phải vay nợ và tiêu dùng, mà là tiền tiết kiệm và thương mại.
Hãy xem xét riêng từng yếu tố của Đồng thuận Berlin, chẳng hạn như yếu tố bắt đầu bằng sự nhấn mạnh vào hoạt động cách tân và công nghệ như chìa khóa cho một khu vực xuất khẩu vững mạnh. Để làm rõ quan điểm này, chúng ta có thể nhìn vào những công ty của Đức như SAP, Siemens, Volkswagen, Daimler và nhiều công ty khác. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO) báo cáo rằng trong năm 2012, có 6 trong số 10 đơn vị nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế là thành viên EU. Trong số 118.112 đơn đăng ký được nộp theo Hiệp ước Hợp tác Bản quyền WIPO năm 2011, có 27,5% đến từ các thành viên EU, 26,8% đến từ Mỹ và 9,0% đến từ Trung Quốc. Những thành tựu của EU trong lĩnh vực giáo dục đại học, nghiên cứu căn bản và sở hữu trí tuệ giờ đây có thể sánh ngang với Mỹ và vượt xa Trung Quốc.
Sở hữu trí tuệ sẽ đưa tăng trưởng kinh tế đến mức mà các doanh nghiệp có thể tận dụng nó để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng. Để doanh nghiệp có khả năng điều chỉnh năng suất thông qua sáng kiến cách tân, đổi mới thì yếu tố cốt lõi là thuế suất doanh nghiệp thấp. Thuế suất theo luật định là một chỉ dẫn chưa hoàn hảo vì chúng có thể cao hơn thuế suất mà thực tế doanh nghiệp phải trả do các khoản trợ cấp khấu hao, khấu trừ và tín dụng. Tuy nhiên, thuế suất theo luật định là xuất phát điểm tốt cho việc phân tích. Một lần nữa, châu Âu lại “chiến thắng”. Thuế suất doanh nghiệp bình quân ở châu Âu là 20,67%, so với 40% ở Mỹ và 25% ở Trung Quốc, nếu cộng cả thuế thu nhập của địa phương với thuế của nhà nước. Các tập đoàn ở EU chủ yếu đóng thuế cho nhà nước, có nghĩa là thuế được đóng cho nước chủ nhà chỉ dựa trên lợi nhuận thu được tại nước đó, trái ngược với hệ thống tính thuế toàn cầu của Mỹ, trong đó một doanh nghiệp của Mỹ phải đóng thuế cho cả lợi nhuận thu được trong nước lẫn nước ngoài.
Cả EU và Mỹ đều tìm ra cách duy trì mức tỉ lệ lạm phát thấp trong những năm gần đây, nhưng châu Âu làm được điều này với số tiền in thêm thấp hơn đáng kể và không cần kiểm soát đường cong lợi tức nhiều, có nghĩa là họ giảm được tiềm năng xảy ra lạm phát trong tương lai dựa trên những thay đổi trong tốc độ quay vòng của đồng tiền. Ngược lại, Trung Quốc đã và đang gặp phải vấn đề dai dẳng với lạm phát do những nỗ lực của họ nhằm “hấp thụ” nguồn tiền mà Cục Dự trữ Liên bang in ra để duy trì một cái chốt giữa đồng nhân dân tệ và đồng đô-la. Trong ba khu vực kinh tế lớn nhất, EU sở hữu thành tích kiểm soát lạm phát tốt nhất, trong cả những thời kỳ gần đây lẫn viễn cảnh sắp tới.
Cách tiếp cận của EU với hoạt động đầu tư vào hạ tầng đưa đến những khoản đầu tư chất lượng cao và hiệu suất lớn hơn nhiều so với ở Mỹ hay Trung Quốc. Vì các dự án hạ tầng lớn ở châu Âu thường liên quan đến sự hợp tác giữa nhiều quốc gia nên chúng có xu hướng hợp lý hơn về mặt kinh tế và ít phụ thuộc hơn vào sức ép chính trị. Ví dụ điển hình là Đường hầm Gotthard, mở cửa vào năm 2016, có chiều dài khoảng 57 km, xuyên qua bên dưới dãy Alps ở Thụy Sĩ khoảng 3.000 mét. Đây là đường hầm dài nhất thế giới và có thể sánh ngang với Kênh đào Panama và kênh đào Suez, trở thành một thành tựu đáng ghi vào sử sách nhân loại trong việc sử dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để làm lợi cho thương mại. Mặc dù nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của Thụy Sĩ, nhưng Đường hầm Gotthard là một mắt xích trọng yếu trong mạng lưới vận tải đường sắt tốc độ cao quy mô toàn châu Âu.
Về phần hành khách, đường hầm giúp họ rút ngắn 1 giờ di chuyển, so với 3 tiếng 45 phút như trước từ Milan đến Zurich. Về phần vận tải đường sắt, đường hầm tăng tải trọng hàng năm qua Gotthard Pass thêm 250%, từ 20 triệu tấn hiện tại lên mức 50 triệu tấn. Đường hầm Gotthard nối liền rất nhiều hành lang đường sắt tốc độ cao được điều phối bởi mạng lưới đường sắt tốc độ cao Trans-European của EU, gọi là TEN-R. Nếu nói về lợi ích dài hạn thì những dự án trên, cùng với nhiều dự án hạ tầng tương tự ở châu Âu, hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các thành phố ma ở Trung Quốc và những dự án đầu tư lãng phí của Mỹ như nhà máy sản xuất pin mặt trời Solyndra và nhà máy sản xuất xe hơi chạy bằng điện Fisker, cả hai đều đã đệ đơn xin phá sản.
Mitbestimmung – mô hình hợp tác quản lý lao động của Đức áp dụng cho các doanh nghiệp lớn – là hình thức nhiều bên cùng quyết định đã được áp dụng từ cuối Chiến tranh Thế giới II. Nó được mở rộng đáng kể trong năm 1976 do quy định yêu cầu các đại biểu của người lao động phải được tham gia ban quản trị của bất kỳ tập đoàn nào có trên 500 nhân viên. Hình thức cùng quyết định không thay thế các công đoàn mà hỗ trợ họ bằng cách cho phép người lao động tham gia vào quá trình ra quyết định của doanh nghiệp một cách thường xuyên, liên tục hơn, bên cạnh những vụ bãi công ít ỏi và quy trình thương lượng tập thể lẻ tẻ, manh mún. Mô hình này chỉ áp dụng được với Đức, các thành viên khác của EU không thể sao chép. Điều quan trọng ở hình thức đồng quyết định không nằm ở bản thân mô hình, mà ở việc nó đã trở thành một “tấm gương” về cách để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Mô hình của Đức chứng tỏ sự vượt trội so với mô hình ở Trung Quốc, nơi người lao động hầu như không có quyền gì, và ở Mỹ, nơi mối quan hệ người lao động - ban giám đốc thường mang tính đối đầu hơn là hợp tác.
Trong số những trụ cột của Đồng thuận Berlin, cái khó triển khai toàn diện ở EU, đặc biệt ở các nước yếu, chính là vấn đề lao động hiệu quả, bao gồm chi phí đơn vị lao động (unit labor cost) thấp hơn. Chính sách ở đây là buộc phải thực hiện những điều chỉnh nội bộ thông qua việc hạ thấp mức tiền lương danh nghĩa tính bằng euro, thay vì điều chỉnh ở bên ngoài bằng cách hoặc là hạ giá đồng euro, hoặc là cấm sử dụng đồng euro để khuyến khích sử dụng đồng tiền quốc gia ở những nước như Hy Lạp hay Tây Ban Nha. Những người thuộc trường phái Keynes cho rằng tiền lương “bất di bất dịch” và không thay đổi theo cung - cầu thông thường. Paul Krugman đã trình bày quan điểm của một nguời theo trường phái Keynes điển hình như sau:
Vậy nếu thực sự cung lao động dư thừa nhiều thì hẳn là chúng ta sẽ thấy tiền lương giảm mạnh?
Câu trả lời là không. Tiền lương (và giá cả nhiều dịch vụ, hàng hóa) không hoạt động như vậy. “Tại sao?” là một câu hỏi thú vị, nhưng thực tế đơn giản là việc giảm tiền lương danh nghĩa chỉ thực sự xảy ra khi có sức ép cực kỳ lớn, mà điều này khá hiếm hoi... Vì vậy, chẳng có lý do gì để tin rằng việc giảm lương sẽ hữu ích.
Cũng như phần lớn nội dung của chủ nghĩa Keynes, phân tích trên hợp lý nhất khi áp dụng cho trường hợp đặc biệt là lao động có tính đoàn kết cực kỳ cao trong các thị trường khép kín, chứ không đúng lắm với trường hợp lao động không liên kết trong những thị trường mở. Khi đề cập đến châu Âu, Krugman đã bỏ qua điểm quan trọng nhất này. Việc nhấn mạnh vào tiền lương cứng nhắc (sticky- wage) và cắt giảm tiền lương dựa trên giả định rằng người lao động đã có hoặc từng có việc làm. Ở Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Pháp và bất cứ quốc gia nào khác, hàng triệu người trẻ có trình độ học vấn cao vẫn chưa tìm được công việc đầu tiên trong đời. Lực lượng lao động này không có một kỳ vọng cụ thể nào về việc nên kiếm được bao nhiêu tiền. Bất cứ công việc gì hứa hẹn điều kiện làm việc, chế độ đào tạo và khả năng thăng tiến tốt đều được xem là hấp dẫn, ngay cả với mức lương mà một người lớn tuổi hơn có thể sẽ từ chối.
Phần thứ hai của trụ cột lao động hiệu quả trong Đồng thuận Berlin là tính lưu động của lao động (labor mobility). Từ năm 1961, Robert Mundell nêu bật tầm quan trọng của vấn đề này đối với một khu vực sử dụng một đơn vị tiền tệ duy nhất trong bài báo A Theory of Optimum Currency Areas (Một lý thuyết về các khu vực tiền tệ tối ưu):
Trong một khu vực tiền tệ bao gồm nhiều vùng miền sử dụng một đồng tiền duy nhất, lạm phát tăng dần vì các nhà chức trách trung ương sẵn sàng để tình trạng thất nghiệp xảy ra ở những vùng thiếu lao động. Thất nghiệp là điều không thể tránh khỏi, nếu các ngân hàng trung ương đồng ý rằng gánh nặng của việc thực hiện những điều chỉnh trên phạm vi quốc tế nên đặt lên vai những nước dư thừa lao động, nơi mà lạm phát sẽ tăng cho đến khi tình trạng thất nghiệp ở những nước thiếu lao động được giải quyết. Một khu vực tiền tệ không thể ngăn chặn cả thất nghiệp lẫn lạm phát xảy ra trong các nước thành viên của nó.
Mặc dù bài báo này được viết gần 40 năm trước khi đồng euro chính thức được sử dụng nhưng nó vẫn có ý nghĩa thực tiễn đối với khu vực đồng euro. Khi các điều khoản giao dịch bất lợi cho các nước yếu và có lợi cho Đức, thì hoặc là các nước yếu sẽ đối mặt với tình trạng thất nghiệp, hoặc là Đức sẽ đối mặt với lạm phát, hoặc cả hai. Vì Đức gián tiếp kiểm soát ECB và rõ ràng là không chấp nhận lạm phát, nên tình trạng thất nghiệp gia tăng ở các nước yếu là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, Mundell cũng chỉ ra rằng, giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan này là tính lưu động của vốn và lao động qua các nước. Nếu vốn có thể di chuyển từ Đức sang Tây Ban Nha để tận dụng nguồn lao động dồi dào, hoặc nếu lao động có thể di chuyển từ Tây Ban Nha sang Đức để tận dụng được nguồn vốn dồi dào dưới hình thức nhà xưởng hoặc thiết bị, thì vấn đề thất nghiệp có thể được giải quyết mà không gây ra lạm phát. Đường lối và cách EU sử dụng đồng euro đã làm khả năng lưu động của vốn tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, về khả năng lưu động của lao động thì châu Âu vẫn bị tụt lại phía sau các quốc gia phát triển khác, một phần vì sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa giữa người dân các nước. Vấn đề này được ghi nhận rộng rãi, và EU đang thực hiện các bước để cải thiện điều này, nên tương lai phát triển sẽ tươi sáng hơn so với nhận định của nhiều nhà quan sát.
Điều này đưa phân tích tới thành phần cuối cùng của Đồng thuận Berlin – một môi trường kinh doanh tích cực. Cái mà các nhà kinh tế học gọi là tính bất định có hệ thống chính là một yếu tố tạo nên sự khác biệt căn bản giữa những đợt suy thoái yếu ớt kéo dài với những đợt suy thoái nghiêm trọng nhưng diễn ra trong thời gian ngắn. Sự không chắc chắn trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có thể tác động tiêu cực đến một nền kinh tế, như trường hợp của Mỹ suốt cuộc Đại suy thoái từ năm 1929 đến năm 1940, rồi lặp lại một lần nữa trong cuộc suy thoái bắt đầu năm 2007. Nhưng chính sách không thể thúc đẩy một nền kinh tế nếu các doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư vốn và tạo ra việc làm mới từ đó. Khi giai đoạn khủng hoảng của một cuộc suy thoái xuất phát từ khu vực tài chính qua đi, trở ngại lớn nhất đối với hoạt động đầu tư vốn là sự không chắc chắn về thể chế chính sách liên quan đến những vấn đề như thuế, y tế, quy định và các chi phí khác của hoạt động kinh doanh. Cả Mỹ và EU đều đang chịu đựng tình trạng bất định của chế độ. Đồng thuận Berlin được thiết kế nhằm xóa bỏ tình trạng này càng triệt để càng tốt, bằng cách đem lại sự ổn định về giá cả, đồng tiền vững mạnh, trách nhiệm tài khóa và sự đồng nhất trên khắp châu Âu trong các quy định quan trọng.
Một môi trường kinh doanh tích cực trở thành một thỏi nam châm hút vốn, không chỉ từ các doanh nghiệp và cá nhân trong nước mà cả ở nước ngoài. Điều này lại dẫn đến một tác nhân đóng góp mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của EU, đó là nguồn vốn từ Trung Quốc. Khi Đồng thuận Bắc Kinh sụp đổ và nguồn vốn ở Trung Quốc tìm kiếm một miền đất mới, các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng quan tâm đến châu Âu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng, họ đã đầu tư quá tay vào tài sản tính bằng đồng đô-la Mỹ. Họ cũng biết rằng mình không thể từ bỏ những tài sản này một cách nhanh chóng. Nhưng giờ đây họ có thể đầu tư nguồn dự trữ mới theo nhiều cách khác nhau, trong đó có tài sản định giá bằng đồng euro. Năm 2011, Trung Quốc không mặn mà gì với việc chống đỡ một Eurozone nhiều vấn đề. Nhưng hiện nay, khi EU đã ổn định, họ thấy rằng đồng euro là sự thay thế hấp dẫn cho tài sản định giá bằng đồng đô-la. Năm 2013, tờ Washington Post viết về hiện tượng này như sau:
Vì các công ty của Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài, họ càng ngày càng quan tâm đến châu Âu. Hai năm trở lại đây, vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào châu Âu tăng đột biến (hơn 20 tỉ đô-la) và bỏ xa số vốn họ đổ vào Hoa Kỳ (11 tỉ đô-la).
Tháng 7 năm 2013, tờ Wall Street Journal cho biết Cục quản lý Ngoại hối Nhà nước (State Administration for Foreign Exchange - SAFE) – cơ quan quản lý dự trữ của Trung Quốc, “đã sớm đầu tư vào trái phiếu do Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu (European Financial Stability Fund) phát hành, và từ đó đến nay vẫn đều đặn đầu tư vào quỹ cứu trợ này.” Đồng euro vững mạnh là một yếu tố quan trọng hấp dẫn nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, vì một đồng tiền ổn định sẽ giảm nhẹ rủi ro về tỉ giá hối đoái mà các nhà đầu tư phải gánh chịu. Quả thực, dòng vốn từ Trung Quốc đã hỗ trợ đồng euro khá nhiều – một ví dụ cho vòng lặp tích cực giữa một đồng tiền ổn định và dòng vốn.
Dòng vốn đổ về châu Âu tăng lên không chỉ nhờ vào Trung Quốc. Ngành công nghiệp thị trường tiền tệ của Mỹ cũng đã và đang đầu tư mạnh tay vào khu vực sử dụng đồng euro. Sau đợt các dòng vốn ồ ạt rút khỏi Mỹ vì khủng hoảng vào năm 2011, mười quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất ở Mỹ gần như tăng gấp đôi vốn đầu tư vào Eurozone trong giai đoạn từ mùa hè 2012 đến đầu 2013.
Đồng thuận Berlin bắt nguồn từ châu Âu, dựa trên bảy trụ cột và nhận sự chỉ đạo từ cả Berlin và EU ở Brussels, nhằm giảm nhẹ cơn phẫn nộ trước sự thống trị về mặt kinh tế của Đức. Đồng thuận này được củng cố bởi bộ ba yếu tố: (i) công nghệ của Đức, (ii) lao động trẻ từ các nước yếu và (iii) vốn của Trung Quốc; đồng thời được “tiếp thêm sinh lực” từ (iv) sự kết hợp của tỉ lệ lạm phát thấp, (v) tiền tệ ổn định và (vi) lãi suất thực dương. Đồng thuận Berlin mới có tiềm năng tái lập Wirtschaftswunder – kế hoạch tái thiết được gọi là “điều kỳ diệu của nền kinh tế “ Đức sau Chiến tranh Thế giới II trên quy mô toàn lục địa.
Thủ tướng Đức Angela Merkel được sinh ra trong thập niên 1950, thời gian diễn ra công cuộc tái thiết này. Bà lớn lên trong chế độ Cộng sản Đông Đức và chứng kiến nước Đức thống nhất vào thập niên 1990. Trên thế giới có rất ít nhà lãnh đạo từng đối mặt với những thách thức khó khăn nhường ấy trong công cuộc phát triển. Giờ đây, bà Merkel đã biến những kỹ năng đó thành thách thức phát triển lớn nhất mọi thời đại: Cùng lúc vừa đưa các nước yếu ở châu Âu lớn mạnh, vừa giữ vững đồng euro.
NHỮNG CÁI NHÌN NGỜ VỰC
Có thể châu Âu quyết tâm giữ vững cả sự thống nhất lẫn đồng euro, nhưng liệu họ có đủ phương tiện để thực hiện quyết tâm đó? Những sự kiện kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã dấy lên mối nghi ngờ đáng kể ở nhiều khu vực về năng lực của châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng liên tiếp xảy ra, bất chấp những mục tiêu chính trị có sức ảnh hưởng to lớn của Đồng thuận Berlin. Một cuộc điều tra chi tiết đã cho thấy rằng những nghi ngờ này không xác đáng, và dự án đồng euro có khả năng tồn tại lâu hơn đáng kể so với dự tính của phe chỉ trích.
Các thị trường nợ và ngoại hối đã ở trong trạng thái bất ổn triền miên kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu nổ ra với tuyên bố vỡ nợ của Thế giới Dubai vào ngày 27/11/2009. Bất cứ ai đến Dubai trong những tháng trước lời tuyên bố này đều có thể nhìn thấy bong bóng bất động sản đang dần phình ra dưới hình dạng những tòa cao ốc văn phòng chọc trời cao hàng trăm mét nhưng không có ai thuê và những khu căn hộ xa xỉ được rao bán. Các nhà đầu tư nghĩ rằng Dubai, với tài sản từ dầu mỏ được những người hàng xóm ở Abu Dhabi cung cấp, sẽ vượt qua được. Nhưng họ đã sai. Sự sụp đổ của Dubai trở thành một dịch bệnh truyền nhiễm, lan sang cả châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp.
Đến đầu năm 2010, những gian lận nghiêm trọng trong kế toán nhà nước của Hy Lạp đã bị phát hiện. Những khoản nợ công khổng lồ được che giấu dưới hình thức các hợp đồng hoán đổi ngoài sổ sách với sự giúp sức của Goldman Sachs và các ngân hàng Phố Wall. Rõ ràng là Hy Lạp không thể trả được nợ nần nếu không có những chiến lược tái cơ cấu sâu rộng và sự trợ giúp từ bên ngoài. Cuộc khủng hoảng nợ công này đã lan ra toàn cầu, nhanh chóng đẩy Ireland và Bồ Đào Nha tới bờ vực vỡ nợ, gia tăng mối nghi ngờ sâu sắc về tài chính công của những nền kinh tế lớn hơn nhiều Tây Ban Nha và Ý.
Nỗi sợ hãi về tình hình tài chính công nhanh chóng lan đến những ngân hàng ở các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất, và một vòng luẩn quẩn bắt đầu. Vì những ngân hàng này sở hữu trái phiếu nhà nước nên bất cứ vấn đề gì xảy ra với số trái phiếu này cũng gây thiệt hại cho vốn của ngân hàng. Nếu họ cần cứu trợ, Chính phủ sẽ phải đáp ứng, nhưng như vậy đồng nghĩa với việc phát hành thêm trái phiếu, khiến tín dụng nhà nước giảm xuống nữa. Điều này càng làm tổn hại tới bảng cân đối kế toán của ngân hàng, khởi động một vòng xoáy chết chóc khi tín dụng nhà nước và tín dụng ngân hàng cùng “nổ tung” một lúc. Chỉ duy nhất nguồn vốn mới từ bên ngoài, có nguồn tín dụng riêng không bị suy giảm mới có thể phá vỡ được vòng xoáy ấy.
Sau 3 năm đối phó với những cơn khủng hoảng và “dịch bệnh truyền nhiễm” cứ hết rồi lại có, cuối cùng bộ ba IMF, ECB và EU (chủ lực là Đức) đã tìm ra giải pháp. IMF huy động quỹ bằng cách đi vay từ những quốc gia có cán cân dự trữ “lành mạnh” như Trung Quốc và Canada. EU huy động quỹ bằng cách tập hợp nguồn lực của các thành viên, chủ yếu là từ Đức. Cuối cùng, ECB tạo quỹ bằng cách in tiền khi cần. Bộ ba này hoạt động dưới khẩu hiệu mới của các ngân hàng trung ương: “Bất cứ điều gì cũng có thể”. Đến cuối năm 2012, khủng hoảng nợ công và ngân hàng ở châu Âu chủ yếu đã được kiểm soát, mặc dù việc tái thiết bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và thực hiện những bước điều chỉnh cơ cấu cần thiết sẽ mất nhiều năm nữa mới hoàn tất.
Bất chấp tình hình bất ổn, đồng euro vẫn trụ vững trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư, đặc biệt là những người ở Mỹ. Tháng 7 năm 2008, đồng euro chạm đỉnh 1,60 đô-la và dao động ở mức tỉ giá giao dịch từ 1,20 đô-la đến 1,60 đô-la trong suốt thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng nợ công. Dù phải đối mặt với nhiều bất ổn nhưng tỉ giá euro/đô-la Mỹ luôn cao hơn so với xuất phát điểm năm 1999.
Kể từ ngày đầu tiên ra đời cho đến nay, vị thế của đồng euro trong dự trữ quốc tế cũng tăng lên đáng kể. IMF có một cơ sở dữ liệu thu thập qua thời gian thể hiện thành phần của dự trữ ngoại hối chính thức được chia theo loại tiền tệ. Theo đó, dữ liệu của quý I năm 1999 cho thấy đồng euro chiếm 18,1% dự trữ ngoại hối được phân bổ toàn cầu. Đến cuối 2012, sau 3 năm khủng hoảng, tỉ lệ này đã tăng lên tới 23,9%.
Dữ liệu khách quan trên đã phủ nhận những câu chuyện bịa đặt của phe hoài nghi châu Âu, giúp giải thích tại sao đến đầu năm 2013, những lời tiên đoán về ngày tàn của châu Âu, cụ thể là về sự tan rã của khu vực sử dụng đồng euro, hầu như biến mất. Phe hoài nghi liên tục vấp phải những thất bại về mặt phân tích rất dễ nhận ra, ngay cả trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng đầu năm 2012.
Thất bại phân tích đầu tiên liên quan đến bản chất “tổng bằng 0” của tỉ giá hối đoái chéo. Bắt đầu từ năm 2010, Mỹ khởi động chính sách đô-la giá rẻ với dự định nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài dưới hình thức giá nhập khẩu cao hơn đối với năng lượng, hàng điện tử, dệt may mặc và các hàng hóa công nghiệp khác. Chính sách đô-la rẻ được thể hiện trong vô số tuyên bố, bao gồm Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama năm 2010, qua đó ông thông báo Sáng kiến Xuất khẩu Quốc gia. Trong bài diễn văn ở Tokyo ngày 14 tháng 10 năm 2012, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke đe dọa rằng, các đối tác thương mại sẽ có tỉ lệ lạm phát cao hơn nếu họ không cho phép tăng cường sức mạnh tiền tệ của mình so với đồng đô-la. Vì Hoa Kỳ muốn đồng đô-la rẻ nên họ muốn đồng euro mạnh tính theo đô-la. Trên thực tế, Mỹ đang sử dụng các công cụ chính sách quyền lực để nâng cao sức mạnh của đồng euro. Việc tại sao nhiều nhà phân tích của Mỹ lại không hề đề cập đến vấn đề hiển nhiên này cho đến nay vẫn là một bí ẩn, nhưng một đồng euro thường xuyên suy yếu luôn đi ngược lại với chính sách của Mỹ.
Thất bại phân tích thứ hai liên quan đến xu hướng gộp các cuộc khủng hoảng xảy ra cùng lúc trong lĩnh vực nợ, ngân hàng và tiền tệ làm một. Các nhà phân tích nhìn vào trái phiếu nhà nước đang mất khả năng thanh toán ở Hy Lạp và các ngân hàng suy yếu ở Tây Ban Nha, rồi vội vàng kết luận rằng đồng euro cũng phải suy yếu theo. Đây là một kết luận hết sức hời hợt. Về mặt kinh tế, không có gì mâu thuẫn giữa trái phiếu yếu, ngân hàng yếu và một đồng tiền mạnh.
Lehman Brothers là một ví dụ điển hình. Năm 2008, Lehman mất khả năng thanh toán nhiều tỉ đô-la nghĩa vụ trái phiếu. Sự vỡ nợ này là dấu chấm hết với những trái phiếu đó, nhưng không phải với đồng đô-la, vì tiền tệ cơ sở của trái phiếu có một động năng khác ngoài bản thân trái phiếu đó. Sức mạnh của một đồng tiền liên quan đến chính sách của ngân hàng trung ương và dòng vốn toàn cầu, hơn là số phận của một vài loại trái phiếu cụ thể. Những nhà phân tích xem các ngân hàng châu Âu, trái phiếu và một loại tiền tệ duy nhất như đối tượng của cùng một vấn đề đã phạm phải một sai lầm cơ bản. Đồng euro có thể đứng vững bất chấp kết cục của trái phiếu Hy Lạp và các ngân hàng Ireland có như thế nào đi nữa.
Điểm mù thứ ba trong phân tích là họ không nhận ra rằng, dòng vốn lấn át luồng mậu dịch trong việc thiết lập tỉ giá hối đoái. Các nhà phân tích đã chú trọng một cách thái quá vào nhận định rằng châu Âu thiếu khả năng cạnh tranh xuất khẩu, đặc biệt là những nước yếu hơn trong khu vực sử dụng đồng euro: Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp và Síp. Khả năng cạnh tranh xuất khẩu quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng, nhưng không phải là yếu tố quyết định đối với tỉ giá hối đoái. Dòng vốn chảy vào khu vực sử dụng đồng euro từ Cục Dự trữ Liên bang dưới hình thức hợp đồng hoán đổi tiền tệ của ngân hàng trung ương với ECB, và từ Trung Quốc dưới hình thức phân bổ dự trữ và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đã thiết lập một nền móng vững chắc cho đồng euro. Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc không muốn đồng euro đi xuống, thì nó sẽ không đi xuống.
Điểm mù thứ tư liên quan đến nhu cầu giảm bớt chi phí đơn vị lao động – một phần trong chiến lược điều chỉnh cơ cấu cần thiết để giúp những nền kinh tế yếu hơn trong Eurozone tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu. Giới hoài nghi châu Âu đang chịu ảnh hưởng từ di sản của kinh tế học theo trường phái Keynes sai lầm và giai thoại tiền lương cứng nhắc – thuật ngữ chuyên môn là tính cứng nhắc không muốn giảm tiền lương danh nghĩa (downward nominal wage rigidity). Những người theo trường phái Keynes dựa vào lý thuyết tiền lương cứng nhắc để biện minh cho lạm phát hay việc lấy trộm của người gửi tiết kiệm. Ý tưởng ở đây là tiền lương sẽ tăng trong những thời kỳ lạm phát, nhưng lại không giảm nhanh chóng trong thời kỳ giảm phát, chúng sẽ có xu hướng bám chặt lấy mức tiền lương danh nghĩa cũ.
Kết quả là, tiền lương không thể điều chỉnh xuống, chủ lao động sa thải người lao động, tình trạng thất nghiệp tăng lên, tổng cầu giảm. Một cái bẫy thanh khoản hình thành, giảm phát trở nên trầm trọng hơn khi vòng lặp cứ thế tự tiếp diễn, dẫn đến nợ cao tới mức phi lý, các doanh nghiệp phá sản và nền kinh tế suy thoái. Lạm phát được xem như chính sách khôn ngoan vì nó cho phép chủ lao động cho người lao động một khoản tăng lương danh nghĩa, ngay cả khi tiền lương thực không tăng vì giá cả cao hơn. Người lao động nhận được khoản tiền lương tăng lên trên danh nghĩa, trong khi thực tế tiền lương đã giảm. Đây là một dạng ảo giác tiền tệ hay một hình thức lừa dối người lao động của các ngân hàng trung ương. Nhưng trên lý thuyết, nó hiệu quả trong việc làm giảm chi phí đơn vị lao động thực tế. Khi áp dụng vào châu Âu, những người theo trường phái Keynes cho rằng, cách nhanh nhất để các quốc gia thành viên đạt được tỉ lệ lạm phát cần thiết là từ bỏ đồng euro, quay lại với đồng tiền của nước mình, rồi giảm giá nó xuống. Đây là cơ sở về mặt lý thuyết cho nhiều dự đoán rằng đồng euro phải thất bại và các thành viên sẽ từ bỏ nó để giúp nền kinh tế nước mình phát triển.
Trong kinh tế học thế kỷ XXI, tất cả mọi khía cạnh của lý thuyết này đều rạn nứt, bắt đầu với tiên đề. Tiền lương cứng nhắc là một trường hợp đặc biệt, chỉ nảy sinh trong những điều kiện giới hạn khi lao động là một yếu tố đầu vào tiên quyết của năng suất, không có giải pháp thay thế lao động, công đoàn vững mạnh, không có dịch vụ thuê ngoài trên quy mô toàn cầu và tỉ lệ thất nghiệp thấp vừa phải. Ngày nay, tất cả những yếu tố này đều bị đảo ngược.
Vốn là yếu tố đầu vào tiên quyết, máy móc và dịch vụ thuê ngoài sẵn có, phong trào công đoàn yếu ớt trong khu vực tư nhân. Kết quả là, người lao động sẽ chấp nhận mức lương danh nghĩa thấp hơn nếu điều đó giúp họ giữ được việc làm. Hình thức giảm chi phí đơn vị lao động này là cách điều chỉnh từ bên trong thông qua mức lương thấp hơn, còn cách điều chỉnh từ bên ngoài là thông qua đồng tiền rẻ hơn và lạm phát. Điều chỉnh bên ngoài đáng lẽ đã có thể hiệu quả trong thập niên 1930 ở Anh, khi Keynes lần đầu tiên khởi xướng ý tưởng về tiền lương cứng nhắc. Tuy nhiên, trong những điều kiện toàn cầu hóa của thế kỷ XXI, điều chỉnh bên trong là giải pháp ưu việt hơn rất nhiều vì nó giải quyết vấn đề một cách trực tiếp và tránh được những chi phí ngoại sinh của việc chia rẽ Eurozone. Chẳng hạn, ngày 2 tháng 7 năm 2013, Cục Thống kê của Hy Lạp (Hellenic Statistical Authority - ELSTAT) báo cáo rằng tiền lương của khu vực tư nhân ở Hy Lạp đã giảm trung bình 22,3% kể từ quý đầu năm 2012, một bằng chứng rõ ràng bác bỏ lý thuyết tiền lương cứng nhắc lỗi thời của Keynes và Krugman.
Nhiều người dân bình thường ở các nước yếu trong Eurozone có chung quan điểm rằng nên bám chặt lấy đồng euro, bất chấp các nền kinh tế đang co lại và tiền lương giảm xuống. Năm 2013, Marcus Walker và Alessandra Galloni đã thực hiện một phóng sự chuyên sâu về chủ đề này cho tờ Wall Street Journal và tiết lộ như sau:
Bên kia vành đai phía Nam của châu Âu, mọi người phản đối ý tưởng quay trở lại với đồng tiền quốc gia, lo sợ rằng một bước đi như vậy sẽ đưa lạm phát trở lại, xóa bỏ chế độ giám sát tham nhũng và làm chệch hướng những tham vọng của quốc gia là trở thành một thành viên của vòng tròn châu Âu. Những nỗi sợ này lấn át viễn cảnh tăng trưởng ảm đạm đã thúc đẩy các nhà kinh tế học ở Anh và Mỹ dự đoán một sự chia rẽ tiền tệ.
Chỉ có 20% số người dân Ý cho rằng rời bỏ đồng euro sẽ có lợi cho nền kinh tế đất nước. Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đa số người dân ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland cũng phản đối việc rời khỏi khu vực sử dụng đồng euro.
Theo một khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew, “Người dân châu Âu đang sử dụng đồng euro không hề muốn bỏ nó và quay về với đồng tiền cũ của nước mình.” Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy, ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, ít nhất 70% người dân muốn giữ nguyên đồng tiền chung euro.
Điểm mù thứ năm và cũng là cuối cùng trong phân tích của phe hoài nghi là việc họ không hiểu rằng euro là – và từ trước đến nay vẫn luôn là – một dự án chính trị hơn là một dự án kinh tế, và rằng chắc chắn ý chí chính trị để duy trì dự án này là điều không phải nghi ngờ. Cách hiểu đúng nhất về đồng euro được Guy Soman – học giả hàng đầu của Pháp tóm tắt như sau:
Châu Âu được xây dựng không phải vì lý do kinh tế, mà là để thiết lập hòa bình giữa các nước châu Âu. Đó là một tham vọng chính trị. Đối với thế hệ của chúng ta, nó chỉ đơn thuần là một dự án chính trị. Chúng ta sẽ trả cái giá cần thiết để cứu lấy dự án này.
Nói tóm lại, đồng euro đang vững mạnh và sẽ ngày càng vững mạnh hơn.
TƯƠNG LAI CỦA ĐỒNG EURO
Quá trình rà soát toàn bộ những điểm mù của phe hoài nghi châu Âu không chỉ bác bỏ những chỉ trích mà họ dành cho đồng euro, mà còn tiết lộ sức mạnh nền tảng cũng như định hướng tương lai của nó. Những điểm mạnh này là một phần của tầm nhìn rộng hơn trên phạm vi toàn thế giới về con đường tiến đến sự thịnh vượng trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt.
Những báo cáo tươi sáng nhất liên quan đến Hy Lạp, nền kinh tế bị lên án mạnh mẽ nhất. Từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 2 năm 2013, hơn 175 triệu đô-la tiền mới đã được bơm vào thị trường cổ phiếu Hy Lạp, và theo Wall Street Journal, “mọi thứ từ bất động sản đến cổ phiếu năng lượng ở Hy Lạp đều có người mua”. Tháng 4 năm 2013, xét trên tiến độ cắt giảm chi tiêu Chính phủ và tiến đến mục tiêu cân bằng ngân sách, bộ ba quyền lực đã đồng ý giải ngân thêm tiền cứu trợ cho Hy Lạp. Ngày 14 tháng 5 năm 2013, Fitch nâng xếp hạng tín dụng của Hy Lạp, và trong một bài báo bàn về nền kinh tế Hy Lạp, tờ New York Times viết, “Quyết tâm cải thiện năng lực cạnh tranh, chủ yếu thông qua việc cắt giảm mạnh chi phí tiền lương, cuối cùng cũng đem lại ‘trái ngọt’. Điều này thể hiện rõ nhất trong ngành du lịch, khu vực chiếm 17% tổng sản phẩm nội địa. Doanh thu được kỳ vọng sẽ tăng thêm 9% đến 10% trong năm nay.” Hy Lạp cũng đang hưởng lợi từ quá trình tư nhân hóa tài sản thuộc sở hữu của Chính phủ. Người ta hy vọng khu đất rộng 1.500 mẫu Anh trước đây vốn là sân bay Athens sẽ thu hút được 6 tỉ euro tiền đầu tư để xây dựng một khu phát triển đa chức năng tạo ra hơn 21.000 việc làm thu nhập cao.
Một câu chuyện khác mới đây ở Hy Lạp liên quan đến những sự kiện có ý nghĩa như một cuộc thử nghiệm có kiểm soát, một điều mà các nhà kinh tế học luôn tìm kiếm nhưng hiếm khi tìm thấy. Trước năm 2010, cơ sở vật chất ở cảng Piraeus – một cảng lớn ở Hy Lạp thuộc quyền sở hữu của Chính phủ. Năm 2010, Chính phủ bán một nửa cảng với giá 500 triệu euro cho Cosco, một công ty vận tải biển của Trung Quốc, và giữ phần còn lại. Một phép so sánh giữa bên do Trung Quốc kiểm soát và bên do Hy Lạp kiểm soát trong năm 2012 đã cho thấy sự đối lập rõ rệt:
Bên phần cảng của Cosco, lưu lượng hàng hóa đã tăng hơn hai lần sau một năm qua, lên 1,05 triệu container. Và mặc dù biên lợi nhuận vẫn rất nhỏ, chủ yếu vì công ty Trung Quốc đang tốn nhiều tiền để cải tạo và nâng cấp cảng. Bên phần cảng do Hy Lạp điều hành đã mệt mỏi với hàng loạt vụ đình công trong ba năm trước khi Cosco xuất hiện. Trên phần cảng của Hy Lạp, công đoàn quy định phải có chín người phụ trách một giàn cẩu, trong khi bên Cosco chỉ cần bốn người.
Phép so sánh này minh họa hoàn hảo cho thực tế là về bản chất, ở người lao động Hy Lạp hay cơ sở hạ tầng của Hy Lạp không có gì là không cạnh tranh được. Hy Lạp chỉ cần linh hoạt hơn về nguyên tắc làm việc, cắt giảm chi phí đơn vị lao động và tìm được nguồn vốn mới. Vốn từ Trung Quốc là một phần hiển nhiên của giải pháp, và các nhà đầu tư Trung Quốc như Cosco sẵn sàng rót vốn khi Hy Lạp đảm bảo một môi trường kinh doanh hiệu quả.
Sự phát triển ở Tây Ban Nha cũng đáng khích lệ không kém. Chi phí đơn vị lao động của nước này đã giảm hơn 7% so với Đức, và các nhà kinh tế học kỳ vọng con số này còn giảm nữa. Tháng 2 năm 2012, Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy, ban hành những điều luật để cải thiện độ linh hoạt của lao động bằng cách cho phép người sử dụng lao động cắt giảm biên chế nếu tình hình kinh doanh khó khăn, giảm tiền trợ cấp mất việc, và thương lượng lại những hợp đồng bắt đầu có hiệu lực trong suốt giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản trước năm 2008. Kết quả là năng lực cạnh tranh của Tây Ban Nha tăng mạnh trong khu vực sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp xe hơi.
Tác động tích cực xảy ra tức thì. Renault thông báo kế hoạch đẩy mạnh sản xuất ở thành phố Palencia, miền Bắc Tây Ban Nha. Công ty Ford Motor và Peugeot cũng thông báo sản lượng đã tăng ở các nhà máy của họ tại Tây Ban Nha. Tháng 10 năm 2012, Volkswagen thông báo một khoản đầu tư trị giá 800 triệu euro vào nhà máy của họ gần Barcelona. Tất cả những kế hoạch đầu tư và mở rộng sản xuất này sẽ tạo nên những hiệu ứng lan tỏa tích cực, vì những nhà sản xuất lớn kể trên liên kết chặt chẽ với một mạng lưới nhiều nhà cung ứng phụ tùng và nhà thầu phụ trên khắp Tây Ban Nha.
Tiền lương thấp hơn dẫn đến số lao động có việc làm và sản lượng đầu ra tăng lên ở Tây Ban Nha là sự phủ nhận hùng hồn đối với lý thuyết tiền lương cứng nhắc của Keynes và Krugman, và nó đang diễn ra trên diện rộng, từ Hy Lạp tới Ireland. Mặc dù sự điều chỉnh này rất khó khăn và đau đớn, nhưng những thay đổi mà nó tạo ra lại bền vững, và giúp châu Âu định vị mình như một khu vực sản xuất có khả năng cạnh tranh toàn cầu và là thỏi nam châm thu hút dòng vốn.
Tờ Economist, cùng với nhiều tờ báo khác, xem nhân khẩu học đảo ngược là một trở ngại to lớn trên con đường phát triển mạnh mẽ hơn của châu Âu. Dân số ở lục địa này đang già đi nhanh chóng (giống như ở Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác). Trong 20 năm qua, nhân khẩu học của dân số trong độ tuổi lao động khá cứng nhắc trong một xã hội khép kín, điều này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng đầu ra của nền kinh tế, nhưng quan điểm này đã bỏ qua những hình thái của sự linh hoạt tồn tại ngay trong một xã hội khép kín.
Dân số trong độ tuổi lao động không đồng nghĩa với lực lượng lao động. Khi tỉ lệ thất nghiệp cao, tình trạng mà phần lớn châu Âu đang đối mặt, tỉ lệ người mới gia nhập lực lượng lao động có thể cao hơn nhiều tỉ lệ tăng dân số, giả sử rằng thị trường có việc làm. Số lượng người lao động có trình độ học vấn cao ở châu Âu hiện nay cao đến mức trong ngắn hạn, các khu vực chia theo nhân khẩu học không thể hạn chế các yếu tố đầu vào lao động năng suất. Như đã nói, khả năng di động của người lao động được cải thiện có thể thúc đẩy tăng trưởng trong lực lượng lao động năng suất cao, bằng cách cho phép người lao động thất nghiệp ở những khu vực bị suy thoái của Eurozone di chuyển đến những khu vực năng suất cao để cung cấp lực lượng lao động còn thiếu. Người nhập cư từ phía Đông Âu và Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp nguồn lao động dồi dào cho phía Tây châu Âu, giống như các thành phố nằm sâu trong đất liền đã cung cấp lao động cho các nhà máy ven biển ở Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ qua. Nói ngắn gọn, nhân khẩu học không cản trở sự phát triển của châu Âu, miễn sao có lực lượng lao động chưa được tận dụng, khả năng di động của lao động và người nhập cư.
Nếu chỉ điều chỉnh nền kinh tế từ bên trong thì có lẽ chưa đủ để đảm bảo tương lai của đồng euro và rộng hơn là cả châu Âu. Các định chế của EU cần phải mở rộng hơn nữa, như khẩu hiệu của Thủ tướng Merkel: “Mở rộng châu Âu”. EU giờ đây giống như chiếc máy bay chỉ có một bên cánh. Nó có thể chọn ở yên trên mặt đất, hoặc có thể làm thêm cánh còn lại. Nhiều nỗ lực để giải quyết những cuộc khủng hoảng dồn dập trong năm 2010 và năm 2011, bao gồm biện pháp nới lỏng tiền tệ và các gói cứu trợ đa phương, rất hiệu quả trong việc ngăn chặn một cuộc sụp đổ, nhưng lại không hiệu quả trong việc sửa chữa những mâu thuẫn căn bản trong thiết kế của đồng euro và ECB. Thực tế đã chứng minh rằng, nếu không có sự đồng bộ trong chính sách tài khóa và quy định cho các ngân hàng, cùng với khả năng di động cao hơn của lao động và dòng vốn giữa các thành viên của liên minh tiền tệ, thì một mình tiền tệ không thể thực hiện được chức năng của mình.
Tin tốt là các nhà lãnh đạo tài chính và chính trị ở châu Âu hiểu rõ những khiếm khuyết này và đang tích cực sửa đổi. Ngày 1 tháng 1 năm 2013, Hiệp ước Ổn định Tài khóa Châu Âu (EU Fiscal Stability Treaty) bắt đầu có hiệu lực với 16 nước thành viên EU đã phê chuẩn hiệp ước, bao gồm tất cả những nước yếu. Hiệp ước bao gồm nhiều thủ tục ràng buộc quy định các thành viên phải có thâm hụt ngân sách ít hơn 3% GDP khi tỉ lệ nợ trên GDP ở mức dưới 60%. Trong trường hợp tỉ lệ nợ trên GDP vượt quá 60%, thâm hụt ngân sách phải thấp hơn 0,5% GDP. Hiệp ước cũng bao gồm điều khoản kìm hãm nợ (debt brake) quy định các thành viên có tỉ lệ nợ trên GDP vượt quá 60% phải tìm cách giảm con số này xuống 5% mỗi năm cho đến khi tỉ lệ ở mức thấp hơn 60%. Các điều khoản của hiệp ước hiện đang được thực thi và có hiệu lực ở cấp độ thành viên, nhưng hiệp ước quy định rằng các thành viên phải hợp nhất các nguyên tắc của nó vào khung pháp lý chung của EU trước ngày 1 tháng 1 năm 2018.
Những biện pháp khác đang được xem xét bao gồm: Một chương trình bảo lãnh tiền gửi ngân hàng có quy mô toàn EU nhằm giảm nhẹ những đợt khủng hoảng ngân hàng, các đề xuất thay thế trái phiếu quốc gia riêng lẻ mà các thành viên Eurozone phát hành bằng trái phiếu châu Âu (eurobond) được bảo đảm bằng tín dụng của toàn thể Eurozone. Có thể tiếp nối sẽ là các động thái trên những mặt trận này, nhưng trước tiên phải thực hiện các biện pháp kiềm chế tài khóa và cải cách thị trường khác.
Các tiểu trình của công đoàn ngân hàng và các quỹ ngân khố cứu trợ đã bắt đầu móc nối với nhau. Tháng 6 năm 2013, một Nhóm Phụ trách các Vấn đề của đồng Euro (Euro Working Group) bao gồm các chuyên gia làm việc cho các Bộ trưởng Tài chính từ Eurozone thông báo một quỹ cứu trợ trị giá 60 tỉ euro để trực tiếp hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn.
Bên cạnh những cải cách về tài khóa và ngân hàng, tương lai của EU còn tươi sáng hơn nhờ việc một số thành viên mới gia nhập châu Âu, hoặc Eurozone, hoặc cả hai. Tháng 7 năm 2013, Latvia được Ủy ban Châu Âu và ECB chấp thuận sử dụng đồng euro làm đơn vị tiền tệ quốc gia. Croatia chính thức trở thành thành viên của EU vào ngày 1 tháng 7 năm 2013, và ông Boris Vujcíc – Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nước này thông báo rằng Croatia muốn chuyển đổi đơn vị tiền tệ quốc gia sang đồng euro càng nhanh càng tốt. Những quốc gia khác đang trong quá trình xét duyệt ra nhập EU là Montenegro, Serbia, Macedonia và Thổ Nhĩ Kỳ. Những ứng cử viên tiềm năng chưa đáp ứng đủ điều kiện để trở thành thành viên của EU nhưng đang xúc tiến quá trình cải cách là Albania, Bosnia & Herzegovina và Kosovo. Trong tương lai, rất có thể Scotland và Ukraine sẽ nộp đơn gia nhập EU.
Hiện nay EU là thế lực kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP tổng lớn hơn của Mỹ và gấp đôi của Trung Quốc, Nhật Bản. Mười năm tới, EU chắc chắn sẽ lớn mạnh thành siêu thế lực kinh tế của thế giới, trải dài từ Tiểu Á đến Greenland, từ Bắc Băng Dương đến sa mạc Sahara.
Đức tọa lạc ở trung tâm lãnh thổ nhân khẩu học và kinh tế rộng lớn này. Mặc dù không thể kiểm soát toàn bộ EU về mặt chính trị, nhưng Đức sẽ là thế lực kinh tế lớn nhất khu vực. Thông qua việc kiểm soát gián tiếp ECB và đồng euro, quốc gia này sẽ thống trị nền kinh tế, tài chính và thương mại. Trái phiếu châu Âu sẽ trở thành thị trường tài sản hấp dẫn dễ thanh khoản và lớn hơn thị trường trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Nếu cần, euro có thể được hỗ trợ bởi tổng dự trữ vàng của các thành viên. Sự kết hợp của các thị trường cổ phiếu lớn có tính thanh khoản cao, một đồng tiền vững mạnh và nguồn dự trữ vàng khổng lồ có thể cho phép đồng euro soán ngôi tiền tệ dự trữ hàng đầu thế giới của đồng đô- la trước 2025. Viễn cảnh này có thể là tin vui đối với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia luôn tìm cách thoát khỏi bá quyền của đồng đô-la Mỹ từ năm 2009 đến nay. Đức cũng chính là chìa khóa cho quá trình tiến triển của tiền tệ vì họ có đồng tiền mạnh ổn định, và họ là ví dụ điển hình cho việc trở thành cường quốc xuất khẩu mà không cần một đồng tiền yếu.
Đế chế mới của Đức, được xây dựng thông qua EU, euro và ECB, là hình thức thể hiện rõ nét và hùng hồn nhất cho sức ảnh hưởng của Đức trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội kể từ triều đại của Charlemagne. Mặc dù tương lai này sẽ đến cùng với sự thiệt hại của đồng đô-la nhưng trong hầu hết mọi phương diện, nó sẽ tạo ra những thay đổi tích cực nhờ năng suất và sự đóng góp của Đức vào các giá trị dân chủ. Bối cảnh văn hóa và xã hội vốn phong phú và đa dạng của châu Âu sẽ được bảo tồn trong khuôn khổ một khung kinh tế được cải thiện hơn nhiều. Với sự lãnh đạo và tầm nhìn của Đức, phương châm “Thống nhất trong sự đa dạng” của EU sẽ trở thành hiện thực theo hình thức chân thực nhất của nó.