Chúng tôi nhắm đến việc tích cực phát triển BRICS thành một cơ chế hoàn chỉnh của sự phối hợp trên diện rộng của các vấn đề trọng yếu. Vì nền kinh tế toàn cầu đang được định hình lại nên chúng tôi tập trung vào khai thác những mô hình mới.
- Tuyên ngôn của BRICS, 2013 -
Công dân của các nước Baltic có thể cảm thấy biết ơn vì lãnh đạo nước mình chưa bao giờ nghe theo Krugman.
- Anders Åslund, thành viên cao cấp Hội đồng Đại Tây Dương -
SIÊU QUỐC GIA
Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản thiết lập nên một bộ tứ toàn cầu chiếm 65% nền kinh tế thế giới. Theo các báo cáo của IMF, 157 nước còn lại chiếm 35% tổng sản lượng toàn cầu. Trong số 157 nước này, nổi lên Nhóm mười nước bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Canada, Australia, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi, mỗi nước sản xuất từ 1% đến 3% tổng sản lượng toàn cầu. Trong số 147 nước còn lại, mỗi nước sản xuất chưa đến 1% tổng sản lượng toàn cầu, và hầu hết sản xuất ít hơn thế nhiều. Sự phân bố tài sản trên toàn thế giới cũng bị lệch trầm trọng, y hệt sự phân bố tài sản trong mỗi quốc gia. Trong 80% những quốc gia sản xuất ít nhất, bất cứ quốc gia nào cũng có thể biến mất ngay ngày mai, và hầu như sẽ chẳng có ai nhận ra tác động của nó tới sự tăng trưởng toàn cầu.
Chúng ta cần nhớ lại khi các chuyên gia phân tích của Phố Wall khuyến khích đầu tư vào các thị trường đang nổi (emerging market), thị trường cận biên (frontier market) và những khu vực đặc biệt hơn. Thực tế là có rất ít thị trường vốn lớn, khả năng hấp thụ dòng vốn vào của chúng có giới hạn, và chúng có xu hướng quá nóng khi cố hấp thụ nhiều hơn một số vốn nhất định. Tuy nhiên, khi mà Trung Quốc đang tiến tới một cuộc hạ cánh cứng, Hoa Kỳ mắc kẹt với tốc độ tăng trưởng chậm, Nhật Bản phải hứng chịu thập kỷ suy thoái thứ ba, và châu Âu bối rối với quá trình điều chỉnh cơ cấu, thật khó từ chối sức hút đầu tư của Nhóm mười nước, cũng như sức hút của những nước theo sát phía sau như Phần Lan, Đài Loan, Nam Phi, Colombia và Thái Lan.
Hãy xem xét BRICS. Để tiện cho công tác phân tích và marketing, các nhà phân tích tập hợp các nước nhỏ hơn thành nhiều nhóm có tên gọi được tạo thành từ tên nước. BRICS là cha đẻ của những nhóm như vậy, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – gia nhập câu lạc bộ muộn nhất. Mỗi thành viên của BRICS đều có những điểm hấp dẫn và vấn đề riêng, giữa họ không có nhiều điểm chung cho lắm. Nền kinh tế Nga nổi tiếng là trung tâm khai thác tài nguyên thiên nhiên được điều hành bởi các đầu sỏ kinh tế và chính trị gia, những người hớt tay trên những khoản tiền khổng lồ rồi chỉ đầu tư vừa đủ để giữ cho cuộc chơi tiếp tục diễn ra.
Trung Quốc tăng trưởng thực, nhưng đồng thời cũng gây lãng phí, ô nhiễm và tham nhũng đến mức quốc gia này có một mô hình không bền vững, đối đầu với bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào mà họ không thể ăn cắp công nghệ. Ấn Độ có tiềm năng tăng trưởng và lớn mạnh, nhưng còn khá lâu mới nhận ra được điều này vì tệ quan liêu từ thời bị người Anh cai trị đến nay đã đạt đến tầm quốc tế, kìm hãm khả năng cách tân, đổi mới. Trong số các thành viên của BRICS, Brazil và Nam Phi tiến gần nhất đến việc là những nền kinh tế “đích thực” xét về khía cạnh tăng trưởng bền vững, tham nhũng nằm trong tầm kiểm soát và giới doanh nghiệp được tạo điều kiện để phát triển.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận được sự thành công của biệt danh BRICS. Cái tên ban đầu, BRIC, do Jim O’Neill và các đồng nghiệp của anh ở Goldman Sachs nghĩ ra vào năm 2001 để nêu bật tỉ lệ đóng góp của nhóm bốn quốc gia này trong GDP toàn cầu và tỉ lệ tăng trưởng cao hơn so với các nhóm quốc gia có nền kinh tế vững mạnh như G7. Nhưng phân tích của O’Neill chủ yếu tập trung vào khía cạnh chính trị chứ không phải kinh tế. Ngoài những thực tế căn bản về quy mô và tốc độ tăng trưởng, O’Neill kêu gọi mọi người suy nghĩ lại về mô hình quản lý quốc tế của G7 để giảm bớt vai trò của châu Âu và đẩy mạnh vai trò của các nền kinh tế đang lên theo công thức mới: G5 + BRICs = G9.
Trong nhóm G9 mà O’Neill đề xuất, ông cố tình che giấu những sự khác biệt trong quá trình phát triển xã hội, bao gồm những nguyên tắc bất di bất dịch như quyền dân sự và luật pháp, với bình luận “Những thành viên khác cần ghi nhận rằng không phải tất cả các nước thành viên đều phải giống nhau.” Ông thấy rằng BRICS hoàn toàn không đồng nhất như các mô hình kinh tế: “Bốn nước đang được xem xét ở đây khác xa nhau về mặt kinh tế, xã hội và chính trị.”
Cách mà công trình ban đầu của O’Neill biến hóa từ một tuyên ngôn chính trị thành một chủ đề đầu tư được giải thích rõ nhất bởi xu hướng của các nhân viên kinh doanh của Phố Wall hứa hẹn những điều tốt đẹp với khách hàng. Nhưng rất khó để đổ lỗi cho O’Neill về chuyện này, ông đã đề ra một kế hoạch chính trị, và nó hiệu quả. Đến năm 2008, trên thực tế, G7 chỉ còn mang tính tượng trưng, trong khi G20, bao gồm BRICS, mới là những người kiểm soát hệ thống tiền tệ quốc tế. O’Neill đã tiên đoán đúng rằng, trong thế giới toàn cầu hóa hậu Chiến tranh Lạnh, nền kinh tế đã trở thành vấn đề chính trị. Sản lượng kinh tế đã lấn át xã hội dân sự và các phép đo truyền thống khác về vị thế trong các nhóm lãnh đạo toàn cầu. Khái niệm BRICS chưa bao giờ là một luận văn về chủ đề đầu tư, nó là một mệnh lệnh chính trị, và nó đã thu hút sự chú ý của thế giới.
Thành công của BRICS đẻ ra hàng loạt những cái tên tương tự, trong đó có BELLs, bao gồm Bulgaria, Estonia, Latvia và Lithuania; GIPPS của các nước yếu ở EU, bao gồm Hy Lạp, Ireland, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Với tư cách một nhóm, có thể hiểu GIPPS là một tập con của EU, cùng sử dụng đồng euro và cùng thực hiện những điều chỉnh kinh tế nội bộ đầy gian khó. Trong nội bộ GIPPS, chúng ta nên phân biệt giữa một bên là Tây Ban Nha và Ý, hai nền kinh tế thực sự lớn chiếm gần 5% nền kinh tế toàn cầu, với bên kia là Bồ Đào Nha, Ireland và Hy Lạp, tổng sản lượng kinh tế của ba nước này cộng lại chưa được đến 1% tổng sản lượng toàn cầu. Xét tổng thể, BELLs và GIPPS có nhiều điểm chung về kinh tế hơn BRICS, và những người khởi xướng ra hai khái niệm này có tư tưởng kinh tế rõ ràng, so với tầm nhìn nghiêng về chính trị của O’Neill và Goldman Sachs.
BELLS
BELLs là một nhóm nhỏ, hầu như không quan trọng, vì nền kinh tế của các thành viên cộng lại chỉ chiếm 0,2% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, họ lại có tầm quan trọng rất lớn về mặt chính trị, vì bốn nước này hình thành nên biên giới phía Đông của EU, đồng thời là tiền tuyến chống đỡ cho châu Âu cũng như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai cường quốc lâu đời của phương Tây. Không giống như BRICS, BELLs có nhiều điểm chung. Ngoài việc cùng là thành viên của EU, cả bốn nước đều ấn định giá trị đồng tiền của mình theo đồng euro. Việc gắn chặt với đồng euro đã khiến BELLs phải thực hiện những điều chỉnh nội bộ và phá giá tiền tệ giống hệt các nước yếu của EU, vì họ không thể sử dụng công cụ phá giá tiền tệ như một công cụ để khắc phục nhanh các vấn đề về điều chỉnh kinh tế.
Các nhà kinh tế học than phiền rằng, họ không thể thực hiện các thử nghiệm khoa học trên các nền kinh tế quốc gia, vì có nhiều biến không thể kiểm soát được và nhiều quy trình không thể tái lập được. Nhưng cũng có những trường hợp nhất định có đủ biến kiểm soát được để cho ra kết quả thuyết phục khi theo đuổi các chính sách trái ngược nhau trong những điều kiện tương tự nhau. Gần đây, người ta đã tiến hành hai thử nghiệm như vậy liên quan đến BELLs: thử nghiệm thứ nhất so sánh BELLs và GIPPS; thử nghiệm thứ hai so sánh từng nước của BELLs với nhau.
Các thử nghiệm thường được tiến hành bằng cách kiểm soát những biến nhất định của tất cả các đối tượng rồi đo lường sự khác nhau trong những nhân tố không được kiểm soát.
Biến kiểm soát đầu tiên của thử nghiệm trong thế giới thực này là cả BELLs và GIPPS đều không phá giá đồng tiền của mình. BELLs vẫn định giá đồng tiền của mình theo đồng euro và không phá giá. Thật vậy, Estonia đã gia nhập Eurozone vào ngày 1 tháng 1 năm 2011, giữa đỉnh điểm của phong trào bài euro, còn Latvia gia nhập ngày 1 tháng 1 năm 2014.
Biến kiểm soát thứ hai là độ sâu của cuộc sụp đổ kinh tế trong cả BELLs lẫn GIPPS bắt đầu vào năm 2008 và tiếp tục kéo dài sang năm 2009. Trong hai năm này, mỗi nước thuộc BELL bị sụt giảm khoảng 20% sản lượng và tỉ lệ thất nghiệp lên đến 20%. Mức sụt giảm sản lượng của GIPPS trong cùng kỳ thấp hơn một chút.
Biến kiểm soát thứ ba là cả BELLs và GIPPS đều trải qua giai đoạn sản lượng sụt giảm, tỉ lệ thất nghiệp tăng và dòng vốn đầu tư nước ngoài đột ngột dừng lại trong năm 2008 và năm 2009. Đồng thời, Chính phủ những nước này chưa bao giờ xem xét công cụ phá giá một cách nghiêm túc, bất chấp những lời cảnh báo từ các học giả.
Từ những điều kiện ban đầu có thể so sánh được này, các nhóm nước lại theo đuổi những chính sách trái ngược nhau. Khởi đầu, GIPPS không ngừng theo đuổi chính sách kích thích kinh tế và chỉ cắt giảm những khoản không đáng kể trong chi tiêu Chính phủ. Thực tế là từ năm 2010 đến năm 2011, số nhân viên Chính phủ của Hy Lạp còn tăng lên. GIPPS giải quyết các vấn đề tài khóa chủ yếu thông qua việc tăng thuế. GIPPS mới chỉ bắt đầu quy trình điều chỉnh nội bộ bằng cách giảm chi phí đơn vị lao động vào năm 2010 và cải cách thị trường lao động vào năm 2013; còn lại phần lớn các vấn đề khác vẫn không có gì thay đổi.
Ngược lại, BELLs ngay lập tức áp dụng các biện pháp quyết liệt để đưa nền tài khóa quốc gia vào khuôn khổ. Họ bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ trở lại từ đầu năm 2010 và hiện nay đang có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất EU. Cú lội ngược dòng của BELLs hết sức ngoạn mục. Nền kinh tế của Latvia thu hẹp 24% trong năm 2008 - 2009, rồi tăng trưởng hơn 10% trong năm 2011 - 2012. Estonia thu hẹp 20% trong năm 2008 - 2009 rồi tăng vọt 7,9% trong năm 2011. Nền kinh tế Lithuania không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như các nước khác trong BELLs và tăng trưởng 2,8% trong năm 2008, giảm trong năm 2009 rồi nhanh chóng hồi phục và tăng trưởng 5,9% trong năm 2011. Mẫu hình sụp đổ rồi tăng trưởng mạnh của các nước BELLs Baltic chính là mẫu hình chữ V kinh điển đã được thảo luận nhiều nhưng hiếm gặp trong những năm gần đây, vì Chính phủ các nước như Mỹ sử dụng công cụ in tiền để bỏ qua mẫu hình V, để lại một nền kinh tế có tăng trưởng nhưng yếu ớt kéo dài.
Làm cách nào để giải thích về sự xoay chuyển ngoạn mục của các nền kinh tế Baltic so với các nước yếu ở EU? Anders Åslund, một học giả ở Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, D.C., đồng thời là chuyên gia về các nền kinh tế châu Âu và Nga, đã viết rất thấu đáo về chủ đề này. Ông đưa ra vài nhân tố cụ thể đóng góp vào thành công ở các Baltic và sự thất bại ở các nước phía Nam châu Âu về mặt kinh tế từ năm 2009 đến năm 2012. Ông cho rằng, khi đối mặt với tình trạng nền kinh tế bị thu hẹp nghiêm trọng, quốc gia bị ảnh hưởng phải theo sát cuộc khủng hoảng và biến nó thành lợi thế chính trị. Thủ lĩnh chính trị nào giải thích cặn kẽ về những lựa chọn kinh tế với người dân sẽ giành được sự ủng hộ cho những chính sách nghiêm khắc. Trong khi các nhà lãnh đạo ở Mỹ và các nước ở phía Nam châu Âu – những người phủ nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề, sẽ thấy tính chất cấp bách của vấn đề giảm dần và qua thời gian, người dân càng ngày càng kém sẵn lòng chấp nhận những sự hy sinh cần thiết. Åslund cũng hối thúc các quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nên trọng dụng những nhà lãnh đạo mới với những ý tưởng mới. Quyền lợi bất di bất dịch cộng với tư duy lãnh đạo cũ kỹ sẽ bám chặt lấy những chính sách thất bại, trong khi nhà lãnh đạo mới có thể mạnh tay cắt giảm chi tiêu Chính phủ nếu cần để hồi phục “sức khoẻ” cho nền tài khóa.
Åslund đề xuất rằng, những biện pháp khẩn cấp cần được truyền đạt rõ ràng, triển khai sớm và chú trọng vào cắt giảm chi tiêu nhiều hơn là tăng thuế. Người dân sẽ ủng hộ những chính sách mà họ hiểu, nhưng lại tỏ thái độ nước đôi trước nhu cầu cắt giảm chi tiêu nếu các chính trị gia dùng lời lẽ hoa mĩ để che đậy tình hình và kéo dài quy trình. Åslund cũng nói rằng, “việc điểm mặt chỉ tên các thủ phạm rất hữu dụng”. Trong trường hợp của Latvia, năm 2006, nền kinh tế bị thống trị bởi ba đầu sỏ kinh tế, và 51% số ghế trong nghị viện thuộc về những đảng phái mà họ kiểm soát. Các chính trị gia theo phe cải cách đã thực hiện chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào ba đầu sỏ kinh tế này, và đến năm 2011, tỉ lệ số ghế mà họ kiểm soát trong nghị viện giảm còn 13%. Hoa Kỳ cũng có những ngân hàng “bẩn”, nhưng thay vì yêu cầu họ phải có giải trình về những hoạt động vượt quá giới hạn trước khủng hoảng thì Chính phủ lại chọn cách cứu trợ họ.
Cuối cùng và cũng quan trọng nhất, Åslund nhấn mạnh rằng quy trình tái cơ cấu phải công bằng và được thực hiện dưới hình thức khế ước xã hội. Tất cả các khu vực trong xã hội, cả Chính phủ và phi Chính phủ, nghiệp đoàn và phi nghiệp đoàn, phải hy sinh để khôi phục sức mạnh của nền kinh tế. Liên quan đến Latvia, ông viết:
“Chính phủ cấm tăng gấp đôi tiền lương của các nhân viên dân sự cấp cao, đồng thời cắt giảm tiền lương của các quan chức đứng đầu, thay vì của các nhân viên công vụ bình thường, cụ thể, lương bộ trưởng bị giảm 35%.”
Một lần nữa, tiến trình trong các nước Baltic tương phản gay gắt với tiến trình ở các nước khác như Hoa Kỳ, nơi chi tiêu Chính phủ đã gia tăng kể từ khi cuộc khủng hoảng diễn ra. Ở Hoa Kỳ, lương, thưởng và chế độ đãi ngộ của hầu hết các nhân viên trong nghiệp đoàn công và Chính phủ được bảo vệ, trong khi các biện pháp điều chỉnh chủ yếu nhắm vào khu vực kinh tế tư nhân không thuộc nghiệp đoàn.
Åslund kết luận bằng việc lưu ý rằng, phần lớn những đề xuất này đã được các nước Baltic làm theo, còn các nước yếu ở phía Nam thì không mấy quan tâm. Kết quả là các nước Baltic giờ đây đang tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi các nước yếu ở phía Nam của châu Âu mắc kẹt trong thời kỳ suy thoái kinh tế với những viễn cảnh hết sức bấp bênh.
Thành công của BELLs trong việc nhanh chóng khôi phục tăng trưởng và khả năng cạnh tranh trái ngược hoàn toàn với GIPPS. Quá trình này ở các nước GIPPS đã kéo dài hơn 6 năm mà vẫn còn rất xa mới đạt được nền tài khóa bền vững. Các báo cáo từ vùng Baltic cho thấy những tin tức hết sức tích cực về những nền kinh tế ở đây. Bàn về Estonia năm 2012, Paul Ames của CNBC viết, “Người mua chen chúc trong các cửa hàng thiết kế Bắc Âu và những nhà hàng mới ấn tượng ở Tallinn, thủ phủ thời trung cổ, còn các công ty công nghệ lớn thì than phiền rằng họ không thể tìm được người cho những vị trí còn trống.” BELLs cũng tận dụng tốt vốn nhân lực và một lực lượng lao động có trình độ học vấn tương đối cao. Đặc biệt, Estonia đã trở thành trung tâm công nghệ cao mà hạt nhân là Skype – công ty thành công nhất của họ với hơn 400 người làm việc trong một khuôn viên đầy đủ tiện nghi cho nhân viên gần Tallinn.
Năm 2013, tờ New York Times đăng tải một bài viết về Latvia, phản ánh chính xác quỹ đạo sụp đổ nhanh chóng rồi hồi phục mạnh mẽ đã từng là mẫu hình điển hình của chu kỳ kinh doanh, nhưng giờ đây lại gần như bị Chính phủ các nước phương Tây né tránh, với cái giá phải trả là sự tăng trưởng trong dài hạn:
Khi bong bóng kinh tế được bơm bằng tín dụng phát nổ trong quốc gia nhỏ bé ở vùng Baltic này vào năm 2008, Didzis Krumins, người điều hành một công ty kiến trúc nhỏ, đã sa thải nhân viên rồi đóng cửa công ty. Ông mất hết tinh thần, quan sát tình hình khi cơn khủng hoảng của Latvia trở nên trầm trọng hơn do chính sách thắt lưng buộc bụng nghiêm khắc dẫn đến việc cắt giảm mạnh tiền lương, việc làm và nguồn tài chính công dành cho trường học và bệnh viện.
Nhưng thay vì xuống đường phản đối, ông Krumins mua một chiếc máy kéo và bắt đầu chở gỗ đến làm nóng các nhà xưởng cần nhiên liệu. Thế rồi, khi nền kinh tế Latvia bắt đầu thoát khỏi thời kỳ thắt chặt chi tiêu đột ngột, ông quay lại với kiến trúc và hiện tại đang có 15 nhân viên, nhiều hơn 5 người so với trước đây.
Ngay cả IMF, tổ chức nhìn chung thường phản đối chính sách mạnh tay cắt giảm chi tiêu Chính phủ mà các nước Baltic sử dụng, cũng phải thừa nhận thành công của nhóm quốc gia này trong một bài phát biểu của Christine Lagarde – Giám đốc Điều hành IMF vào năm 2013 ở Riga:
Mặc dù thách thức vẫn đang tồn tại nhưng các bạn đã vượt qua. Các bạn đã trở lại, tăng trưởng mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp giảm. Các bạn đã giảm thâm hụt ngân sách và duy trì các hệ số nợ công ở mức thấp nhất trong Liên minh Châu Âu. Các bạn đã tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới thông qua việc cắt giảm lương và giá cả. Các bạn đã lấy lại sự tự tin và giảm lãi suất thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả. Chúng ta ở đây hôm nay để ăn mừng những thành tựu của các bạn.
Việc gắn chặt với đồng euro, và trong trường hợp của Latvia và Estonia là chuyển sang sử dụng đồng euro, đã chứng tỏ được hiệu quả to lớn trong câu chuyện hồi phục và tăng trưởng trong BELLs. Định giá một đồng tiền quốc gia theo đồng euro, và cuối cùng là sử dụng nó như đồng tiền chính thức, đã loại bỏ tính chất bất định của tỉ giá hối đoái đối với các đối tác thương mại, nhà đầu tư và người cho vay. Lợi ích của việc thiết lập sự chắc chắn về mặt kinh tế đã được minh hoạ trong một báo cáo mới đây của Bloomberg:
Hôm nay, nền kinh tế của Estonia đang tăng trưởng nhanh nhất trong khối sử dụng đồng euro, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang phải trả mức lãi suất thấp hơn, và mối quan hệ giao thương với Phần Lan – một nước thành viên sử dụng đồng euro, đồng thời là đối tác thương mại chính của Estonia – được thắt chặt hơn bao giờ hết.
Theo Priit Perens – Tổng Giám đốc của Swedbank AS, chủ nợ lớn nhất của Estonia, thành viên của ngân hàng Swedbank có trụ sở tại Stockholm cho rằng, “Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã chấm dứt tất cả những suy đoán về khả năng phá giá” của đồng kroon. Nỗi lo sợ rằng tất cả các nước Baltic cuối cùng sẽ phá giá tiền tệ đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin của các nhà đầu tư trong suốt một thời gian dài. Nếu phá giá tiền tệ, có lẽ Estonia đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề vì các ngân hàng của họ đã bắt đầu cho vay bằng đồng euro từ trước nước này chuyển đổi sang đồng tiền chung. Việc thanh toán những khoản nợ tính theo euro bằng một đồng kroon đã bị phá giá có thể tạo ra gánh nặng đến mức khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng suy sụp.
Lithuania và Bulgaria lại là một thử nghiệm trong thử nghiệm, vì họ không theo đuổi các biện pháp củng cố tài khóa một cách quyết liệt như Latvia và Estonia và kết quả là không hồi phục mạnh mẽ bằng. Nhưng nhìn chung, BELLs đã triển khai biện pháp củng cố tài khóa và các biện pháp cải cách khác một cách nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với GIPPS, và phần thưởng dành cho họ là những mức nợ và thâm hụt ngân sách bền vững, thặng dư mậu dịch, thứ hạng tín dụng tăng lên.
Nếu không phải là thí nghiệm được kiểm soát hoàn hảo thì sự đối chiếu giữa những lựa chọn chính sách của BELLs và GIIPS cũng là một nghiên cứu tình huống tốt. Các kết quả cho thấy rằng sự thận trọng về mặt kinh tế đã hiệu quả, còn phe ủng hộ Keynes đã thua. Kết quả không có gì bất ngờ, dựa vào thành tích ảm đạm của học thuyết Keynes qua nhiều thập kỷ và việc thiếu bằng chứng thực nghiệm để hỗ trợ cho những tuyên bố của mình. Nhưng trong nhiều thập kỷ nữa, ví dụ của BELLs vẫn sẽ gây ấn tượng với các nhà quan sát khách quan, những người tìm kiếm bằng chứng kinh tế thực nghiệm để đối chứng với các giả thuyết “salon”.
Hai trường hợp của BELLs và GIPPS minh họa cho cả lợi ích của việc củng cố nền tài khóa (trường hợp của BELLs) và chi phí của sự chậm trễ và phủ nhận (trường hợp của GIPPS). Bài học quan trọng hơn cả là: Việc phá giá tiền tệ không phải là điều kiện tiên quyết để phục hồi mà ngược lại, nó chỉ cản trở quá trình đó. Một đồng tiền mạnh, ổn định chính là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư và là chất xúc tác cho thương mại mở rộng. Những “nguyên liệu” thiết yếu để nền kinh tế tăng trưởng nhanh sau một cuộc khủng hoảng là tinh thần trách nhiệm, sự minh bạch, nền tài khóa vững mạnh và có hy sinh, nhưng phải hy sinh một cách công bằng giữa các nhóm. Kinh nghiệm của BELLs từ năm 2008 đến năm 2014 để lại những bài học sâu sắc cho các nước yếu ở phía Nam châu Âu khi họ tiếp tục phải điều chỉnh trong những năm sắp tới.
BRICS
Trong khi BELLs đã tạo một bước đột phá trong việc minh họa những lợi ích của việc củng cố nền tài khóa thì nhóm nước BRICS mạnh hơn nhiều lại chưa giải quyết được những quan điểm cố hữu và đặt ra những nghi ngờ về tương lai của đồng đô-la Mỹ với vị thế là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.
Khi nhà lãnh đạo BRICS nhóm họp trong một hội nghị các Bộ trưởng Tài chính vào tháng 9 năm 2006 ở thành phố New York, họ cho thấy mọi dấu hiệu của việc tình hình đang tiến triển theo đúng “đơn thuốc” ban đầu của O’Neill, không hẳn với với tư cách một liên minh kinh tế chặt chẽ mà với tư cách một thế lực chính trị nhiều hơn. Những cuộc họp này phát triển thành một hội nghị thượng đỉnh chính thức của các nguyên thủ quốc gia ở Yekaterinburg, Nga vào tháng 6 năm 2009, và những hội nghị thượng đỉnh này tiếp tục ở cấp Bộ trưởng và nguyên thủ. Năm 2010, nhóm các nền kinh tế BRIC ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc mời Nam Phi gia nhập hàng ngũ, và tên viết tắt được đổi thành BRICS. Vào tháng 4 năm 2011, Nam Phi lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia của nhóm BRICS với tư cách thành viên chính thức ở Tam Á (Sanya), Trung Quốc.
O’Neill luôn luôn xem nhẹ ý tưởng rằng Nam Phi nên gia nhập khối BRICS, vì quy mô của nền kinh tế cộng với dân số và nạn thất nghiệp khiến quốc gia này không thể được xếp vào nhóm các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu. Điều này đúng về mặt kinh tế, nhưng trớ trêu thay, việc có thêm Nam Phi lại chứng minh luận văn ban đầu của O’Neill rằng dự án BRIC mang tính chính trị hơn là kinh tế. Những BRICS khác nằm ở Đông Âu, châu Á và Mỹ La-tinh. Lục địa châu Phi là khe hở dễ nhận ra trong cái bắt tay của phương Đông và phương Nam nhằm chống lại phương Tây. Nam Phi, với vị thế là nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi, đã lấp đầy khe hở này bằng cơ sở hạ tầng tiên tiến và đội ngũ lao động có trình độ học vấn cao, bất chấp quy mô tương đối nhỏ.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của toàn bộ nền kinh tế kết hợp từ 5 nước BRICS. Họ chiếm hơn 40% dân số toàn cầu, 20% sản lượng kinh tế toàn cầu và 40% tổng dự trữ ngoại hối. Các quốc gia thuộc khối BRICS đã nổi lên như đối trọng của nhóm G7 ban đầu bao gồm những nền kinh tế phát triển nhất và những nhà lãnh đạo quyền lực nhất bên trong một G20 bao quát hơn. Tuy nhiên, BRICS không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để hội nhập nền kinh tế của họ vào một khu vực thương mại tự do hay liên minh tiền tệ kiểu EU, trừ khi dựa trên cơ sở song phương hạn chế. Ảnh hưởng chính của BRICS từ trước đến nay là vị thế của họ trong nền quản trị toàn cầu và tương lai của hệ thống tiền tệ quốc tế.
Các nhà lãnh đạo trong BRICS bắt đầu bầu ra những vị trí mới cấp tiến để phụ trách năm vấn đề then chốt: biểu quyết IMF, biểu quyết UN, trợ giúp đa phương, trợ giúp phát triển, và thành phần dự trữ toàn cầu. Bản tuyên ngôn của họ không yêu cầu gì hơn là cân nhắc lại hoặc xóa bỏ những dàn xếp hậu Chiến tranh Thế giới II đã được thiết lập tại Bretton Woods và San Francisco, dẫn đến sự ra đời của những hình thức sơ khai của Quỹ tiền tệ Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Liên Hiệp Quốc. BRICS khẳng định rằng trừ khi những định chế đó được cải cách để bao quát cả những ưu tiên của BRICS, còn không thì các quốc gia thuộc khối BRICS sẽ thực hiện những biện pháp cụ thể để xây dựng các định chế riêng nhằm thực hiện chức năng của họ trên cơ sở khu vực. Sự phát triển của nhưng định chế như vậy chắc chắn sẽ thu hẹp vai trò của những định chế mà chúng thay thế. Không rõ những đề xuất này có phải là bình phong để thúc đẩy cải tổ thực sự trong những diễn đàn hiện tại hay không, hoặc liệu rằng họ có những kế hoạch chặt chẽ để triển khai theo đường lối đã công bố hay không. Có lẽ cả hai đều đúng. Dù sao, trong bất kỳ trường hợp nào thì BRICS cũng không muốn chấp nhận hệ thống tiền tệ và quản trị quốc tế như hiện nay.
Cụ thể, BRICS yêu cầu tăng số lượng thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để Brazil và Ấn Độ có thể gia nhập, bên cạnh Nga và Trung Quốc đã là thành viên. Yêu cầu này sẽ nâng tổng số thành viên thường trực lên bảy và BRICS có bốn ghế – có thể gọi là chiếm đa số. Hoa Kỳ là cái tên không thể loại bỏ khỏi danh sách, nhưng việc có thêm Brazil hay Ấn Độ sẽ củng cố đáng kể vị thế của BRICS trong những cuộc đàm phán hậu trường trước những đợt biểu quyết chính thức của Hội đồng Bảo an. Sự có mặt của Brazil và Ấn Độ cũng sẽ gia tăng cơ hội cho BRICS ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng Bảo an luân phiên – vị trí cho phép quốc gia chủ tọa lên nghị trình và tác động đến các quy trình của Hội đồng Bảo an.
Các quốc gia thuộc khối BRICS, đặc biệt là Trung Quốc, cũng hối thúc việc cải tổ quy trình biểu quyết ở IMF. Nếu dân số, dự trữ và sản lượng kinh tế là những tiêu chí phù hợp thì sức mạnh biểu quyết hiện tại ở IMF đang nghiêng về phía có lợi cho các nước Tây Âu và bất lợi cho BRICS. Các nhà lãnh đạo của IMF nhận ra điều này, và Giám đốc Christine Lagarde đã thẳng thắn ủng hộ những biện pháp cải tổ biểu quyết cần thiết (được gọi là “tiếng nói” trong ngôn ngữ của IMF), nhất là trong những vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Khó khăn nằm ở việc thuyết phục các quốc gia như Bỉ và Hà Lan giảm bớt tiếng nói của mình vì Trung Quốc. Quá trình này đã kéo dài nhiều năm. Để thúc đẩy tiến trình cải tổ biểu quyết, BRICS đã “chơi chiêu” bằng cách ra điều kiện cho những cam kết của BRICS trong việc đáp ứng những cơ sở cho vay mà IMF rất cần. Con át chủ bài của BRICS trong cuộc chơi này là thành lập một định chế cho vay dự trữ đa phương nếu IMF không cho phép họ gia tăng quyền lực biểu quyết.
Kế hoạch chi tiết cho những giải pháp thay thế IMF và Ngân hàng Thế giới của BRICS là kết quả chính của hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS diễn ra vào tháng 3 năm 2013 ở Durban, Nam Phi. Kết thúc hội nghị, BRICS đã đưa ra một thông cáo, trong đó có đoạn:
Chúng tôi đã chỉ định các Bộ trưởng Tài chính của BRICS xem xét tính khả thi và khả năng tồn tại của việc thiết lập một Ngân hàng Phát triển Mới để huy động các nguồn lực cho cơ sở hạ tầng, và chúng tôi rất hài lòng khi thấy rằng việc thiết lập một Ngân hàng Phát triển Mới hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được. Chúng tôi đã đồng ý thành lập Ngân hàng Phát triển Mới...
Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của BRICS tìm hiểu quá trình xây dựng một mạng lưới an ninh tài chính thông qua việc thiết lập một Dàn xếp dự trữ cho những tình huống phát sinh (Contingent Reserve Arrangement - CRA) giữa các nước BRICS. Chúng tôi thấy rằng việc thành lập CRA với quy mô ban đầu 100 triệu đô-la hoàn toàn khả thi.
Chúng tôi kêu gọi cải tổ các Định chế Tài chính Quốc tế để họ mang tính đại diện cao hơn và phản ánh được vị thế đang ngày một tăng lên của BRICS. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về tiến độ chậm trễ của quá trình cải tổ ở IMF.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS cũng đặc biệt tập trung vào vai trò của đồng đô-la Mỹ như đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, và khả năng thay thế nó bằng SDR:
Chúng tôi ủng hộ việc cải tổ và cải tiến hệ thống tiền tệ quốc tế, với một hệ thống tiền tệ dự trữ quốc tế trên diện rộng đem lại sự ổn định và chắc chắn. Chúng tôi hoan nghênh mọi cuộc thảo luận về vai trò của SDR trong hệ thống tiền tệ quốc tế hiện tại, bao gồm thành phần của rổ tiền tệ SDR.
Cuối cùng, để xóa tan mọi nghi ngờ về việc RBICS là một dự án chính trị chứ không phải dự án kinh tế, Hội nghị Thượng đỉnh Durban dành phần lớn thời gian để thảo luận về những chủ đề như: cuộc khủng hoảng ở Syria, một nhà nước Palestine độc lập, những dàn xếp ở Israel, hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, cuộc chiến tại Afghanistan, tình hình bất ổn ở Congo và các vấn đề thuần tuý địa chính trị khác.
BRICS tái khẳng định cam kết đối với cơ sở cho vay đa phương mới của họ tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước BRICS ở St. Petersburg vào ngày 5 tháng 9 năm 2013, trong khuôn khổ hợp tác với Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G20. Tại đây, BRICS đồng ý rằng phần đóng góp của họ cho quỹ mới sẽ là Trung Quốc 41%; mỗi nước Nga, Brazil và Ấn Độ 18%; Nam Phi 5%.
Trong đoạn kết bất ngờ liên quan đến vụ kẻ đào ngũ Edward Snowden tiết lộ việc Hoa Kỳ bí mật theo dõi đồng minh, vào tháng 9 năm 2013, Brazil công bố kế hoạch xây dựng mạng lưới cáp quang dưới biển dài 20.000 dặm từ Fortaleza, Brazil đến Vladivostok, Nga, với các đường liên kết ở Cape Town, Nam Phi; Chennai, Ấn Độ và Sán Đầu (Shantou), Trung Quốc sẽ được hoàn tất trước năm 2015. Hệ thống này chẳng khác nào một mạng Internet BRICS với mục đích thoát khỏi sự giám sát của Hoa Kỳ. Lâu nay, Hoa Kỳ vốn luôn xuất sắc trong việc khai thác cáp biển, vậy nên tình hình an ninh thực tế của hệ thống mới là chuyện chưa có gì chắc chắn. Tuy vậy, bản chất độc quyền của hệ thống này có thể dễ dàng được điều chỉnh cho một hệ thống thanh toán liên ngân hàng BRICS, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng bất kỳ hình thức thay toán nào do BRICS tài trợ để thay thế đồng đô-la.
Bên cạnh những cuộc họp thường kỳ của các nhà lãnh đạo BRICS, rất nhiều định chế bổ trợ mờ ám được dựng lên quanh BRICS, trong đó có Hội đồng Chuyên gia Cố vấn BRICS, Hội đồng Kinh doanh BRICS và một văn phòng BRICS ảo. BRICS cũng đang điều phối chính sách ngoại giao thông qua cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao diễn ra song song với cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Những sáng kiến này đã sinh ra một lớp chuyên gia điều phối quốc tế mới: “Nhà đàm phán BRICS” (BRICS Sherpa) và “Phái đoàn đàm phán” (Sous- Sherpas) của họ. Những định chế này tạo thành tổ chức một cuộc họp kín đáng gờm ngay trong lòng những diễn đàn đa phương khác do IMF, UN và G20 chủ trì.
Ngày nay, BRICS phải được xem như một thế lực kinh tế và chính trị mạnh, bất chấp việc gần đây, tỉ lệ tăng trưởng ở một số nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc, bị giảm sút. Chúng ta không thể phớt lờ những dấu ấn của BRICS trong các vấn đề về lãnh thổ, dân số, sản lượng, tài nguyên thiên nhiên và dự trữ tài chính trên toàn cầu. Thế giới nên dự liệu trước về sự hội tụ dần dần giữa tầm nhìn của BRICS và các định chế truyền đời của phương Tây, vì BRICS đã tìm ra những chính sách và quy trình để liên kết chúng lại.
Sự hội tụ này có nhiều mặt, nhưng tất cả có thể tóm gọn trong một chủ đề duy nhất: Vai trò của đồng đô-la trên phạm vi quốc tế bị suy yếu, và khả năng của Hoa Kỳ cũng như các đồng minh thân cận trong việc tác động đến kết quả trong các diễn đàn quan trọng và trong các cuộc tranh cãi địa chính trị. Có thể trong các tài liệu nghiên cứu sơ lược của O’Neill, xuất phát điểm của BRICS khá khiêm tốn nhưng nhóm này đã dần dần vững mạnh và có chỗ đứng của riêng mình.
TỔ CHỨC HỢP TÁC THƯỢNG HẢI
Giới chuyên gia phân tích ở Phố Wall không phải là những người duy nhất nhìn thấy sự tương đồng giữa các nền kinh tế thị trường đang nổi, vì những năm gần đây, nhiều nhóm khu vực khác ngày càng cho thấy tầm quan trọng của mình trên trường quốc tế. Những liên minh này, dựa trên sự gần gũi về địa lý hay cộng đồng chia sẻ chung lợi ích, đang bắt đầu thách thức những dàn xếp thời hậu chiến của những nền kinh tế hàng đầu phương Tây. Họ bao gồm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization - SCO) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC). Một lần nữa, những nhóm này chia sẻ chủ trương giảm bớt vai trò đồng tiền dự trữ hàng đầu của đồng đô-la Mỹ. Chương trình nghị sự của họ vượt ra ngoài các khu vực tự do mậu dịch và thị trường chung vốn đang hiện diện khắp thế giới, bao gồm cả chiến lược, quân sự, tài nguyên và sáng kiến tiền tệ quốc tế. Tùy thuộc vào việc hiệu quả mà những nhóm này đạt được trong việc theo đuổi chương trình nghị sự và vượt qua các đối thủ nội bộ, họ có thể đảm nhận vai trò quan trọng trong bất cứ công cuộc cải tổ hay tiến trình phát triển nào của hệ thống tiền tệ quốc tế từ hiện trạng ngày nay.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được thành lập vào tháng 6 năm 2001 như hậu duệ của tổ chức tiền thân là Thượng Hải Ngũ Quốc (Shanghai Five). Thành viên của SCO chính là những thành viên cũ của Thượng Hải Ngũ Quốc – Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cộng thêm thành viên mới là Uzbekistan. Tuy nhiên, Ấn Độ, Iran và Pakistan là ba trong số các nước quan sát viên của SCO. Tổ chức này cũng thường xuyên mời các nước cộng hòa Xô Viết cũ và các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham dự những cuộc họp của mình.
Sự ra đời của SCO bắt nguồn từ các vấn đề an ninh đặc thù của các quốc gia thành viên, trong đó có việc đàn áp các khuynh hướng ly khai ở Caucasus, Tây Tạng và Đài Loan. Các thành viên cũng chia sẻ mối quan tâm đối với mục tiêu triệt hạ Al Qaeda cũng như các nhóm khủng bố khác ở Chechnya và miền Tây Trung Quốc. Nhưng SCO nhanh chóng phát triển thành một đối trọng của NATO ở châu Á. Nước Nga nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các cuộc chạm trán với NATO ở Đông Âu, còn Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của Nga trong các cuộc chạm trán với Hoa Kỳ ở Đông Á. Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên khi SCO từ chối đơn xin làm quan sát viên của Hoa Kỳ trong năm 2005.
Bên cạnh việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung và hợp tác trong hàng chục dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn liên quan đến năng lượng, viễn thông và nước, SCO cũng đã phát động nhiều sáng kiến trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính đa phương phù hợp với tương lai của hệ thống tiền tệ quốc tế. Hội đồng Thủ tướng của SCO đã ký một thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh của tổ chức tại Matsxcơva vào ngày 26 tháng 10 năm 2005, thành lập Tập đoàn Liên ngân hàng SCO (SCO Interbank Consortium) nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác kinh tế giữa các ngân hàng trung ương trong tổ chức, các hoạt động tài trợ dự án cơ sở hạ tầng chung, và sự hình thành của các tổ chức cho vay phát triển chuyên biệt hóa dành riêng cho các nước thành viên.
Ở Hội nghị các Thủ tướng SCO ở Astana, Kazakhstan vào tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nga Vladimir Putin phê chuẩn đơn xin gia nhập của Iran, cho phép quốc gia này trở thành thành viên chính thức của SCO. Tại hội nghị, Phó Tổng thống Iran Parviz Davoudi phát biểu, “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là nơi thích hợp cho việc thiết kế một hệ thống ngân hàng mới, độc lập với các hệ thống ngân hàng quốc tế.” Hội nghị Thượng đỉnh SCO tháng 6 năm 2009 diễn ra song song với Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Yekaterinburg, Nga. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tận dụng cơ hội này để ký kết một tuyên bố chung Trung - Nga kêu gọi cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu và các định chế tài chính quốc tế, đồng thời tăng số ghế đại diện của các nền kinh tế đang phát triển trong IMF.
Vào ngày 13 tháng 9 năm 2013, Tổng thống mới đắc cử của Iran – ông Hassan Rouhani đã tổ chức một bữa tiệc ra mắt với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Tại hội nghị, Iran nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Nga, Trung Quốc và phần còn lại của SCO cho quyết định không can thiệp vào các chương trình làm giàu uranium của Iran.
Khi địa chính trị đang ngày càng quan trọng trên thương trường quốc tế chứ không còn bó hẹp trong lĩnh vực quân sự - ngoại giao, thì chúng ta nên chuẩn bị chứng kiến sự phát triển của SCO từ một liên minh an ninh thành một khu vực tiền tệ tiềm năng. Trên thực tế, quá trình này đã diễn ra một cách lén lút thông qua vai trò của các ngân hàng của Nga và Trung Quốc trong việc tạo điều kiện cho các giao dịch bằng đồng tiền mạnh của Iran, bất chấp lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp dụng với hoạt động chuyển tiền của quốc gia này.
Giới tinh hoa truyền thống ở phương Tây nên lo ngại trước sự tương đồng của các chương trình nghị sự mà BRICS và SCO đưa ra đối với những vấn đề tiền tệ quốc tế. Người cầm lái là Nga và Trung Quốc, hai thành viên mạnh nhất của cả hai tổ chức. Có thể BRICS và SCO theo đuổi những chương trình nghị sự riêng biệt trong lĩnh vực quân sự và các mối quan hệ chiến lược, nhưng họ lại chung quan điểm về quyền biểu quyết ở IMF và chia sẻ mối ác cảm ngày một tăng đối với vai trò thống trị của đồng đô-la.
VÙNG VỊNH
Một liên minh chiến lược, gần gũi về mặt địa lý khác, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), thực sự có tiềm năng hình thành nên một khu vực tiền tệ riêng, làm giảm vai trò của đồng đô-la Mỹ.
GCC được thành lập vào ngày 25 tháng 5 năm 1981, khi Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ký một hiệp ước ở Riyadh, Ả Rập Saudi. Từ đó đến nay, GCC chưa kết nạp thêm thành viên nào, mặc dù Morocco và Jordan hiện đang trong quá trình xét duyệt.
GCC không có mối liên hệ nào với Iraq hay Iran, bất chấp thực tế là cả hai quốc gia này đều tiếp giáp với Vịnh Ba Tư cũng như tất cả các nước thành viên GCC. Lý do rất rõ ràng. Iraq đã phá hủy mối quan hệ của họ với GCC bằng cuộc xâm lược Kuwait – một nước thành viên GCC – vào năm 1990. Iran không phải là ứng cử viên cho chiếc ghế thành viên GCC bởi sự khác biệt về sắc tộc và tôn giáo của họ với các quốc gia Ả Rập trong cùng Vịnh Ba Tư, và vì họ là kẻ thù nguy hiểm của Ả Rập Saudi. Nhưng hai thành viên tiềm năng là Jordan và Morocco lại hợp lý. Các thành viên hiện tại của GCC đều theo chế độ quân chủ Ả Rập. Jordan cũng vậy, còn Moroco là nền quân chủ nói tiếng Ả Rập và là thành viên Liên đoàn Ả Rập. Mặc dù theo đuổi chính sách kinh tế và thương mại tương đối tự do nhưng GCC vẫn là một câu lạc bộ của những vị vua còn lại ở Ả Rập.
GCC theo đuổi một con đường giống EU, trong đó họ đã triển khai thành công một thị trường chung vào năm 2008 và hiện đang tiến đến một đồng tiền duy nhất. Tầm quan trọng của GCC đối với hệ thống tiền tệ quốc tế nằm ở sáng kiến đồng tiền duy nhất của họ, hơn là ở các khía cạnh khác như hợp tác chiến lược và kinh tế – những vấn đề chủ yếu quan trọng trong khu vực chứ không phải trên trường quốc tế. Cũng như là trường hợp của đồng euro, việc áp dụng một đồng tiền chung trong GCC sẽ phải mất ít nhất mười năm mới có thể hoàn tất. Những vấn đề then chốt cần phải được giải quyết bao gồm hệ tiêu chuẩn đồng nhất cho chính sách tài khóa và tiền tệ của các thành viên, và quyền hạn của ngân hàng trung ương mới. Trước mắt, điều gây nhiều tranh cãi nhất là khía cạnh chính trị không thể tránh khỏi xoay quanh những vấn đề như vị trí địa lý của trụ sở ngân hàng trung ương, tư cách thành viên và quy trình quản trị của ban Giám đốc ngân hàng.
Các thành viên GCC vốn đã nằm trong một liên minh bán tiền tệ vì đồng tiền của mỗi nước đều được neo theo đồng đô-la Mỹ và do đó bị ràng buộc với những nước thành viên khác bằng tỉ giá hối đoái cố định. Tuy nhiên, mỗi thành viên GCC vẫn duy trì một ngân hàng trung ương độc lập. Cách dàn xếp này giống với Cơ chế Tỉ giá Châu Âu (European Rate Mechanism - ERM) tồn tại từ năm 1979 đến năm 1999 và là một tiền thân của đồng euro, mặc dù GCC thành công hơn ERM. ERM đã chứng kiến vô số lần trục trặc với những thỏa thuận về tỉ giá hối đoái giữa các thành viên.
Việc chuyển đổi từ cách dàn xếp hiện tại ở GCC sang một đồng tiền chung duy nhất có vẻ khá đơn giản. Tuy nhiên, những căng thẳng gần đây ở Eurozone đã khiến các thành viên GCC phải tạm dừng và ngăn cản tiến trình hội nhập tiền tệ. Trở ngại lớn nhất là việc điều hành một chính sách tiền tệ duy nhất với nhiều chính sách tài khóa khác nhau. Vấn đề này là một trong những nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Các nước như Hy Lạp và Tây Ban Nha sa lầy vào những chính sách tài khóa không bền vững sử dụng nguồn tài trợ là nợ được phát hành bằng một đồng tiền mạnh, đồng euro, cho các nhà đầu tư, những người suy luận một cách sai lầm rằng nợ công tính theo đồng euro thì phải có sự ủng hộ ngầm của tất cả các thành viên Eurozone. Vấn đề cốt lõi đối với mọi liên minh tiền tệ đang trong quá trình đề xuất (như GCC) là làm thế nào để thi hành kỷ luật tài khóa giữa các thành viên khi có một ngân hàng trung ương duy nhất và một chính sách tiền tệ duy nhất. Mục đích của việc này là để ngăn chặn một vụ nghiễm nhiên hưởng lợi trên những nguyên tắc tài khóa của các thành viên mạnh hơn, như cách Hy Lạp đã từng thực hiện.
GCC đã chứng kiến vấn đề nghiễm nhiên hưởng lợi (free- rider) trong vụ sụp đổ của Dubai World năm 2009. Dubai là một phần của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cùng với sáu tiểu vương quốc khác, trong đó nổi bật nhất là Abu Dhabi. Các tiểu vương quốc sử dụng một đồng tiền chung duy nhất là dirham, được phát hành bởi một ngân hàng trung ương nằm ở Abu Dhabi.
Dubai World, một công ty tổ chức đầu tư, được thành lập vào năm 2006 bởi người cai trị của Dubai, Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum. Mặc dù Dubai World khẳng định rằng các khoản nợ của họ không được Chính phủ bảo lãnh, nhưng các nhà đầu tư vẫn xem chúng như một khoản nợ công của một tiểu vương quốc trong UAE. Từ năm 2006 đến năm 2009, Dubai World vay khoảng 60 tỉ đô-la để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cao ốc văn phòng, căn hộ và hệ thống giao thông, khá nhiều trong số đó hiện nay vẫn không có ai sử dụng, hoặc sử dụng chưa hết công suất.
Vào ngày 27 tháng 11 năm 2009, Dubai World bất ngờ công bố rằng họ yêu cầu một lệnh giữ nguyên hiện trạng (standstill) giữa các chủ nợ và kêu gọi ban quan trị kéo dài thời hạn trả nợ. Chính vụ vỡ nợ này, chứ không phải bất kỳ sự kiện nào ở châu Âu, là chất xúc tác cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu nhanh chóng nhấn chìm và kéo dài từ năm 2010 đến năm 2012. Cuối cùng, Abu Dhabi và Ngân hàng trung ương UAE đã can thiệp để giải cứu Dubai World theo cách thức tương tự như EU và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã can thiệp để giải cứu Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha. Những bài học từ UAE và châu Âu luôn được Ả Rập Saudi, Qatar và các thành viên GCC giàu có khác khắc cốt ghi tâm. Có lẽ GCC sẽ cần phải xây dựng được một hiệp ước tài chính GCC khả thi với nhiều điều khoản giới hạn chi tiêu thâm hụt ngân sách nếu muốn dự án đồng tiền chung tiến triển.
Một vấn đề lớn khác với dự án đồng tiền chung GCC là câu hỏi: Mệnh giá ban đầu của nó so với đồng đô-la Mỹ là bao nhiêu? Giá trị quá thấp sẽ lạm phát, giá trị quá cao sẽ giảm phát. Đây cũng chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Vương quốc Anh đã phải đối mặt khi họ quay trở lại với bản vị vàng vào năm 1925 sau khi đình chỉ nó vào năm 1914 để chống đỡ trong cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất. Vương quốc Anh sau đó đã mắc sai lầm khi thiết lập giá trị cho đồng bảng quá cao trong tương quan với vàng, dẫn đến giảm phát nghiêm trọng và góp phần gây ra cuộc Đại suy thoái.
Khi một quốc gia hoặc một nhóm nước neo đồng tiền của mình với đồng đô-la, họ có thể trông cậy hoàn toàn ở Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ trong việc thực thi chính sách tiền tệ của mình. Nếu FED muốn nới lỏng tiền tệ và nước đang neo theo đồng đô-la đang có thặng dư thương mại hoặc dòng vốn vào, thì nước đó phải in thêm tiền để mua đô-la nếu muốn duy trì giá cả ổn định. Trên thực tế, chính sách nới lỏng tiền tệ của FED đã được xuất khẩu thông qua cơ chế tỉ giá hối đoái, cơ chế này buộc nước phụ thuộc cũng phải nới lỏng tiền tệ. Nếu nền kinh tế ở nước phụ thuộc mạnh hơn so với nền kinh tế Mỹ, chính sách nới lỏng tiền tệ này sẽ gây ra lạm phát, như điều đã xảy ra ở Trung Quốc và GCC kể từ năm 2008 đến nay. Giải pháp đơn giản nhất là bãi bỏ chế độ neo giá và cho phép đồng nội tệ tăng giá so với đồng đô-la. Giá trị đồng đô-la giảm như vậy chính là mục đích của FED khi họ áp dụng chính sách đồng đô-la giá rẻ.
Một giải pháp thay thế khác là duy trì một đồng tiền chung với một giá trị cố định theo một đồng tiền khác với đồng đô-la. Các chuyên gia tiền tệ đã đề xuất vài ứng cử viên thay thế, dễ thấy nhất là SDR – quyền rút vốn đặc biệt của IMF. Bản thân SDR được định giá theo một rổ tiền tệ, trong đó bao gồm đồng đô-la nhưng đồng euro, đồng bảng Anh và đồng yên chiếm tỉ trọng đáng kể. Điều quan trọng là, IMF vẫn duy trì được khả năng định kỳ thay đổi thành phần của rổ SDR, bổ sung các loại tiền tệ mới để phản ánh tốt hơn các mẫu hình thương mại, những thay đổi trong lợi thế so sánh, và hiệu quả kinh tế tương đối của những nước có đồng tiền nằm trong rổ. Một chính sách neo giá theo SDR sẽ giúp tương lai của đồng tiền chung GCC liên hệ chặt chẽ hơn với nền kinh tế ở các nước đối tác thương mại của nhóm và giảm tác động của FED đối với chính sách tiền tệ mà nhóm áp dụng.
Doanh thu và tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên GCC đang phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Biến động trong giá đô-la của dầu mỏ sẽ chuyển thành biến động trong hiệu quả kinh tế khi đồng tiền GCC neo theo đồng đô-la. Nếu vậy, theo logic, rổ SDR nên bao gồm cả giá đô-la của dầu. Làm vậy, giá trị trao đổi của đồng tiền GCC sẽ di chuyển song song với giá đô-la của dầu. Nếu FED theo đuổi một chính sách đô-la giá rẻ, gây ra lạm phát và đẩy giá đô-la của dầu tăng lên, đồng tiền GCC sẽ tự động tăng giá, giảm lạm phát trong GCC. Bằng cách này, đồng tiền GCC vừa có thể neo theo đồng đô-la mà vẫn không bị ảnh hưởng bởi chính sách đô-la giá rẻ của FED.
Còn một giải pháp hấp dẫn hơn, triệt để hơn cho vấn đề neo giá và có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của hệ thống tiền tệ quốc tế: Định giá xuất khẩu dầu mỏ và khí gas tự nhiên bằng chính đồng tiền GCC, nhờ đó cho phép thả nổi đồng tiền GCC trong tương quan với các đồng tiền khác. Điều này thực sự đánh dấu bước khởi đầu cho sự sụp đổ của đô-la với tư cách là đồng tiền chuẩn cho giá dầu, và nó sẽ tạo ra nhu cầu tức thời đối với đồng tiền GCC trên toàn cầu.
Xu hướng gạt bỏ đồng đô-la khỏi vị trí đồng tiền chuẩn cho giá dầu đã tăng mạnh vào cuối năm 2013. Đây là kết quả của những nỗ lực của Nhà Trắng để hợp pháp hóa vị thế quốc gia bá quyền của Iran ở khu vực Trung Đông. Ngấm ngầm từ năm 1945 và công khai từ năm 1974, Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho Ả Rập Saudi để đổi lấy việc Ả Rập ủng hộ sử dụng đồng đô-la làm phương tiện trao đổi duy nhất trong xuất khẩu dầu mỏ, và cam kết mua vũ khí và cơ sở hạ tầng từ Hoa Kỳ. Cuối năm 2013, mối quan hệ kéo dài gần 70 năm này đã bị đặt vào diện nghi vấn nghiêm trọng khi Tổng thống Obama ký một công ước với Iran và thể hiện sự ngầm khoan dung đối với những tham vọng hạt nhân của người Iran.
Việc tái thiết lập mối quan hệ Hoa Kỳ - Iran xảy ra sau khi mối quan hệ giữa Ả Rập và Hoa Kỳ trở nên vô cùng căng thẳng vì Tổng thống Obama bỏ rơi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak (năm 2011) – một đồng minh của Ả Rập, trong suốt thời gian nổ ra các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập, và vì ông Obama không hỗ trợ các đồng minh Ả Rập trong cuộc Nội chiến Syria. Sau đó, Ả Rập đã chi hàng tỉ đô- la để giúp khôi phục chính quyền quân sự ở Ai Cập và đập tan phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập mà Tổng thống Obama ủng hộ. Gần đây hơn, Ả Rập công khai bày tỏ sự không hài lòng với Hoa Kỳ và kiên quyết chuyển sang mua vũ khí an ninh từ Nga, công nghệ hạt nhân từ Pakistan và sự hỗ trợ an ninh từ Israel. Liên minh Nga - Ai Cập - Ả Rập đã loại bỏ một trụ cột nữa đang chống đỡ đồng đô-la và hình thành nên một cộng đồng lợi ích chung giữa Ả Rập Saudi và Nga. Cộng đồng này vốn đã công bố sự ủng hộ đối với một hệ thống tiền tệ quốc tế không chịu ảnh hưởng bởi bá quyền của đồng đô-la.
Để đồng tiền chung GCC trở thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu thực sự, đối lập với một đồng tiền giao dịch, GCC cần củng cố độ sâu của thị trường tài chính và cơ sở hạ tầng hơn nữa. Tuy nhiên, dựa trên các kết quả đánh giá lại mối quan hệ an ninh của Ả Rập Saudi với Hoa Kỳ, cộng thêm sự bành trướng của đồng euro và những nỗ lực của BRICS và SCO nhằm chuyển đổi sang vàng và thoát khỏi sự thống trị của đồng đô-la, chúng ta có thể tiên đoán rằng vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế của đồng đô-la sẽ suy yếu khá nhanh chóng.
ĐẢO SONG SINH
Vương quốc Anh và Nhật Bản là hai quốc gia không tham gia vào cuộc điều tra của chủ nghĩa đa phương tiền tệ và xu hướng bất mãn gia tăng với hệ thống tiền tệ quốc tế. Vương quốc Anh là thành viên của NATO và EU, trong khi Nhật Bản là đồng minh hiệp ước quan trọng và lâu đời của Hoa Kỳ.
Cả hai quốc gia này đều không tham gia vào một liên minh tiền tệ nào, cũng không lớn tiếng phản đối sự thống trị của Hoa Kỳ trong các định chế tiền tệ quốc tế. Cả Nhật Bản và Vương quốc Anh vẫn sử dụng đồng tiền riêng và ngân hàng trung ương riêng. Họ thiết lập các trung tâm tài chính lần lượt ở Tokyo và London. Đồng yên Nhật và đồng bảng Anh đều được IMF chính thức công nhận là đồng tiền dự trữ, và cả Nhật Bản lẫn Vương quốc Anh đều có thị trường trái phiếu lớn mạnh cần thiết để hỗ trợ vị thế đó.
Tuy nhiên, Nhật Bản và Vương quốc Anh lại yếu thế trong dự trữ vàng, chỉ có khoảng 25% lượng dự trữ vàng cần thiết để cân bằng với Hoa Kỳ hay Nga xét theo tỉ lệ vàng/GDP. Thậm chí tỉ lệ vàng/GDP của họ còn thấp hơn cả Trung Quốc, quốc gia vốn dĩ cũng đang thiếu vàng. Hoa Kỳ, Eurozone và Nga đều có đủ vàng để duy trì niềm tin vào đồng tiền của họ trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng. Ngược lại, Nhật Bản và Vương quốc Anh hoàn toàn phụ thuộc vào đồng tiền pháp định. Cả hai nước đang tự đặt mình vào thế kẹt, với những cỗ máy in tiền, dự trữ vàng không đủ, không có đồng minh tiền tệ, và không có kế hoạch B.
Nhật Bản và Vương quốc Anh là một phần của một thử nghiệm tiền tệ toàn cầu mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tiến hành. Thử nghiệm này đã được cựu Chủ tịch FED – Ben Bernanke trình bày trong hai bài phát biểu, một tại Tokyo vào ngày 14 tháng 10 năm 2012, và một tại London vào ngày 25 tháng 3 năm 2013. Trong bài phát biểu ở Tokyo năm 2012, ông Bernanke tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ của mình thông qua việc nới lỏng định lượng trong tương lai có thể nhìn thấy được. Do đó, các đối tác thương mại có hai sự lựa chọn. Họ có thể neo giá đồng nội tệ theo đồng đô-la, cách này sẽ gây ra lạm phát – chính xác như những gì GCC đã trải qua. Hoặc, theo Bernanke, các đối tác thương mại có thể cho phép đồng tiền của họ tăng giá – kết quả kỳ vọng của chính sách đồng đô- la giá rẻ mà ông ta áp dụng, cách này sẽ gây tổn hại đến xuất khẩu của nước đối tác. Với những đối tác thương mại phàn nàn rằng chuyện này chẳng khác nào tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa khi phải chọn giữa lạm phát và xuất khẩu giảm, Bernanke giải thích rằng nếu FED không nới lỏng, kết quả sẽ tồi tệ hơn cho họ: Một nền kinh tế Mỹ sụp đổ sẽ gây tổn hại đến cầu thế giới lẫn hoạt động thương mại trên thế giới, nhấn chìm các thị trường phát triển và đang nổi trong một cuộc suy thoái toàn cầu.
Bất chấp lý lẽ mà Bernanke đưa ra, chính sách đồng đô-la giá rẻ của ông ta có khả năng châm ngòi cho những đợt phá giá tiền tệ, hay còn gọi là chính sách “đẩy hàng xóm đến chỗ ăn mày”(beggar-thy-neighbor) – một cuộc chiến tiền tệ có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại, như đã xảy ra trong những năm 1930. Bernanke đã đề cập đến lo ngại này trong bài phát biểu vào năm 2013. Theo ông, vấn đề với những biện pháp phá giá trong thập niên 1930 là chúng diễn ra kế tiếp nhau chứ không phải đồng thời. Đáng lẽ, mỗi quốc gia đã phá giá tiền tệ trong giai đoạn đó đều có thể tăng trưởng và giành được thị phần xuất khẩu, nhưng để đạt được điều này thì những quốc gia không phá giá tiền tệ sẽ phải trả giá. Sự tăng trưởng kỳ vọng từ biện pháp phá giá tiền tệ là không tối ưu vì nó đi kèm với cái giá rất cao. Giải pháp của Bernanke là cả Mỹ, Nhật, Vương quốc Anh và ECB tiến hành nới lỏng tiền tệ cùng lúc chứ không phải tuần tự. Trên lý thuyết, điều này sẽ kích thích bốn nền kinh tế lớn mà không gây ra chi phí tạm thời cho các đối tác thương mại:
Ngày nay, các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến nhất vẫn đang mắc kẹt trong tình trạng phục hồi chậm từ sau cuộc Đại suy thoái. Tình trạng này thường kéo theo lạm phát, và ngân hàng trung ương ở những nước này đang áp dụng chính sách tiền tệ thích ứng để hỗ trợ tăng trưởng. Liệu những chính sách này có hình thành nên chính sách phá giá cạnh tranh? Ngược lại, vì chính sách tiền tệ có khả năng thích ứng trong đại đa số các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến, nên sẽ không xảy ra những thay đổi lớn và dai dẳng trong các tỉ giá hối đoái giữa những nước này. Lợi ích của việc điều tiết tiền tệ trong các nền kinh tế tiên tiến không thể nào có được bằng cách thay đổi tỉ giá hối đoái mà thay vào đó, chúng đến từ sự hỗ trợ cho tổng cầu nội địa ở mỗi quốc gia hoặc mỗi khu vực. Hơn nữa, vì sự phát triển mạnh mẽ hơn trong mỗi nền kinh tế sẽ tạo ra lợi ích cho các đối tác thương mại nên những chính sách này không phải là việc “đẩy hàng xóm đến chỗ ăn mày”, mà đúng hơn chúng là những chính sách “giúp hàng xóm làm giàu”, một trò chơi có tổng dương.
Bài hùng biện “giúp hàng xóm làm giàu” của Bernanke đã phớt lờ những người hàng xóm trong các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil, Thái Lan và bất kỳ quốc gia nào phải tăng giá tiền tệ (đồng thời giảm xuất khẩu) để “tác động kích thích” của Bernanke phát huy tác dụng trong những nền kinh tế phát triển. Nói cách khác, xuất khẩu của Nhật Bản có thể hưởng lợi, nhưng kèm theo đó là xuất khẩu của Hàn Quốc bị thiệt hại. Có thể đây không phải là một cuộc chiến tiền tệ “tất cả chống lại tất cả” (all against all), nhưng vẫn là một cuộc chiến mà trong đó Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Nhật Bản chống lại các thành viên còn lại của G20.
Nhật Bản và Vương quốc Anh có một lý do khác để ủng hộ việc in tiền và chính sách phá giá tiền tệ mà FED hối thúc triển khai. Việc in tiền được thực hiện không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu mà còn để tăng lên giá nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu đắt hơn sẽ gây ra lạm phát để bù đắp giảm phát – tình trạng đã kéo dài rất lâu ở Nhật Bản và là mối nguy hiểm cho Hoa Kỳ lẫn Vương quốc Anh. Trong trường hợp của Nhật Bản, lạm phát xuất hiện chủ yếu thông qua giá cả cao hơn đối với năng lượng nhập khẩu. Còn trong trường hợp của Hoa Kỳ và Anh Quốc, nó đến từ giá cả cao hơn đối với quần áo, đồ điện tử và những mặt hàng nguyên liệu thô và thực phẩm nhất định.
Cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đều có tỉ lệ nợ/GDP xấp xỉ 100% và vẫn đang tăng, trong khi tỉ lệ nợ/GDP của Nhật Bản là hơn 220%. Đây là những con số cao kỷ lục trong lịch sử. Đối với các nhà đầu tư, xu hướng vận động của những tỉ lệ này quan trọng hơn là một con số tuyệt đối, và xu hướng đang ngày một xấu đi. Cả ba quốc gia đều đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nợ công nếu họ không thể điều chỉnh chính sách để từng bước giảm tỉ lệ nợ/GDP.
Tỉ lệ nợ/GDP được tính theo giá trị danh nghĩa chứ không phải giá trị thực. Nợ danh nghĩa cần phải được hoàn trả với mức tăng trưởng danh nghĩa trong thu nhập. Tỉ lệ tăng trưởng danh nghĩa bằng tỉ lệ tăng trưởng thực tế cộng với tỉ lệ lạm phát. Vì tăng trưởng thực tế rất yếu ớt nên các ngân hàng trung ương phải tạo ra lạm phát với hy vọng có thể tăng tỉ lệ tăng trưởng danh nghĩa và giảm tỉ lệ nợ/GDP. Khi chính sách cắt giảm lãi suất không còn khả thi vì lãi suất trên thực tế đã bằng 0 thì chính sách nới lỏng định lượng, vốn được thiết kế một phần nhằm mục đích nhập khẩu lạm phát thông qua phá giá tiền tệ, sẽ là kỹ thuật ưa thích của các ngân hàng trung ương.
Ngân hàng Anh (Bank of England - BOE) đã tham gia vào bốn đợt nới lỏng định lượng (quantitative easing - QE), bắt đầu từ tháng 3 năm 2009. Ba đợt tiếp theo được khởi động vào tháng 10 năm 2011, tháng 2 năm 2012 và tháng 7 năm 2012. Trong thời gian này, BOE đã ngừng mua tài sản nhưng vẫn tiếp tục chính sách lãi suất gần bằng 0. BOE rất thẳng thắn thừa nhận thực tế rằng họ đang nhắm vào tăng trưởng danh nghĩa chứ không phải tăng trưởng thực, mặc dù họ cũng hy vọng rằng nhờ đó tỉ lệ tăng trưởng thực có thể tăng lên. Họ giải thích về việc mua trái phiếu để nới lỏng định lượng như sau: “Mục đích từ trước đến nay của việc mua trái phiếu là để trực tiếp bơm tiền vào nền kinh tế nhằm thúc đẩy cầu danh nghĩa. Cho dù sử dụng các phương tiện khác nhau để thực thi chính sách tiền tệ, nhưng mục tiêu vẫn không đổi – để đạt được mục tiêu lạm phát 2% trên thước đo chỉ số CPI của giá tiêu dùng.”
Tình hình tại Nhật Bản lại khác. Nhật Bản đã ở trong tình trạng có thể được mô tả như một cuộc suy thoái dài kể từ tháng 12 năm 1989, khi bong bóng cổ phiếu và bong bóng bất động sản phát nổ trong thập niên 1980. Suốt những năm 1990, Nhật Bản chủ yếu dựa vào kích thích tài khóa để duy trì nền kinh tế thịnh vượng, nhưng một giai đoạn nguy hại hơn của cuộc khủng hoảng lại bắt đầu vào cuối thập niên 1990. GDP danh nghĩa của Nhật Bản tăng cao đỉnh điểm vào năm 1997, rồi đến năm 2011 lại giảm gần 12%. Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản cao kỷ lục vào năm 1998 rồi giảm đều đặn kể từ đó, với rất ít quý đạt kết quả tích cực. Một sự thật hiển nhiên, nếu không muốn nói là bày ra trước mặt, là một nền kinh tế với GDP danh nghĩa giảm vẫn có thể tăng trưởng thực khi lạm phát chuyển thành giảm phát. Nhưng dạng tăng trưởng thực này không giúp gì cho Chính phủ trong việc giải quyết nợ nần, thâm hụt ngân sách và nguồn thu thuế, vì những chức năng này dựa trên tăng trưởng danh nghĩa.
Quan hệ của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) với QE, lạm phát và mục tiêu GDP danh nghĩa không rõ ràng như của Ngân hàng Anh. Những nỗ lực của BOJ để nới lỏng tiền tệ trước năm 2001 rất rời rạc và gây tranh cãi ngay trong nội bộ ngân hàng. Một chương trình nới lỏng định lượng khiêm tốn bắt đầu vào tháng 3 năm 2001 nhưng quy mô quá nhỏ để có thể tạo ra tác động lớn. Một cuộc khảo sát chi tiết do IMF thực hiện về tác động của QE ở Nhật Bản từ năm 2001 đến năm 2011 kết luận rằng, “Tác động đối với hoạt động kinh tế… rất hạn chế.”
Một cách đột ngột, vào ngày 16 tháng 12 năm 2012, tình hình chính trị và chính sách tiền tệ của Nhật Bản được thay đổi với việc ông Shinzo Abe đắc cử ghế Thủ tướng trong một chiến thắng vang dội cho Đảng Dân chủ Tự do của ông. Cuộc bầu cử đã đem lại cho đảng của Abe tuyệt đại đa số ghế trong Nghị viện Nhật Bản, tức là Đảng Dân chủ Tự do có thể hủy bỏ quyền phủ quyết của Thượng viện. Chiến dịch tranh cử của Abe công khai dựa trên nền tảng của việc in tiền, bao gồm việc đe dọa sửa đổi luật quản lý Ngân hàng Nhật Bản nếu họ không in tiền. “Sử dụng chính sách tiền tệ làm tâm điểm của một cuộc tranh cử là chuyện rất hiếm khi xảy ra.” ông Abe nói. “Chúng tôi vận động cử tri dựa trên sự cần thiết phải loại bỏ giảm phát, và luận điểm của chúng tôi đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ. Tôi hy vọng rằng Ngân hàng Nhật Bản chấp nhận những kết quả này và đưa ra một quyết định phù hợp.”
Nhưng ngay cả chiến thắng của ông Abe cũng không hoàn toàn thuyết phục thị trường rằng BOJ sẽ thực sự triển khai những biện pháp đặc biệt, dựa vào thái độ dửng dưng của ngân hàng đối với biện pháp nới lỏng tiền tệ trong 20 năm trước đó. Ngày 20 tháng 3 năm 2013, Haruhiko Kuroda – ứng cử viên do chính Abe lựa chọn – trở thành Thống đốc BOJ. Chỉ trong vài ngày, Kuroda đã thuyết phục ban chính sách của BOJ triển khai chương trình nới lỏng định lượng lớn chưa từng có trên thế giới. BOJ cam kết sẽ mua 1,4 nghìn tỉ đô-la trái phiếu Chính phủ Nhật Bản trong giai đoạn hai năm 2013 và 2014 bằng tiền in thêm. Nhật Bản đồng thời công bố một kế hoạch để kéo dài cơ cấu kỳ hạn của những trái phiếu mà họ đã mua, sánh ngang với “Operation Twist” của FED. Xét theo tương quan với quy mô của nền kinh tế Mỹ, chương trình in tiền của Nhật Bản lớn hơn hai lần chương trình QE3 của FED được công bố vào năm 2012. Cũng giống như trường hợp của Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản trình bày rõ ràng về mục tiêu của mình là tăng lạm phát để tăng GDP danh nghĩa, nếu không muốn nói là cả GDP thực: “Ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu thay đổi tỉ lệ 2% mỗi năm trong chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian sớm nhất có thể.”
Đến năm 2014, có vẻ như Cục Dự trữ Liên bang, BOJ và BOE đang cùng tham gia một ván poker tiền tệ và đã đặt cược tất cả. Cả ba ngân hàng trung ương đều đã sử dụng công cụ in tiền và lãi suất gần bằng 0 để tạo ra lạm phát nhằm mục đích tăng GDP danh nghĩa. Liệu GDP danh nghĩa có chuyển thành GDP thực không, điều này không liên quan. Trong thực tế, tăng trưởng thực từ năm 2009 ở cả ba nước đã tiến dần đến suy thoái. Lạm phát và GDP danh nghĩa là những mục tiêu rõ ràng và cơ bản của chính sách tiền tệ mà họ áp dụng.
Tính chung, đồng đô-la Mỹ, đồng bảng Anh và đồng yên Nhật chiếm 70% dự trữ phân bổ toàn cầu và 65% rổ SDR. Nếu FED là viên đá đỉnh vòm của hệ thống tiền tệ quốc tế thì Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Anh là hai viên đá vòm liền kề. Tuy nhiên, cả ba ngân hàng trung ương giờ đây đã tham gia vào một cuộc thử nghiệm tiền tệ trên quy mô vô tiền khoáng hậu, đối mặt với những kết quả vô cùng bấp bênh. Mục tiêu mà họ công bố không phải là tăng trưởng thực, mà là lạm phát và tăng trưởng danh nghĩa để trả nợ.
Các chủ nợ, các nước sở hữu dự trữ trong BRICS, SCO, GCC và các thị trường mới nổi khác đang theo dõi cuộc thi in tiền này với sự thất vọng không hề che giấu, họ ngày càng quyết tâm kết liễu một hệ thống tiền tệ quốc tế cho phép các nước lớn nghiễm nhiên hưởng lợi từ thiệt lại mà họ phải gánh chịu dưới dạng lạm phát, xuất khẩu giảm và tài sản giảm. Người ta vẫn chờ xem liệu hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay có sụp đổ vì sức nặng của chính nó không, hay bị lật đổ bởi những thị trường mới nổi bị thiệt hại để phản kháng lại tội ác thế kỷ do các ngân hàng trung ương của Mỹ, Anh và Nhật Bản gây ra.