Nếu người ta có thể… ngồi trong một phòng máy tính hay một sàn giao dịch cổ phiếu mà phát động một cuộc chiến đẩy quốc gia kẻ thù tới chỗ diệt vong thì liệu còn có nơi nào không phải là chiến trường nữa?... Nếu (một) anh lính trẻ với quyết tâm giành huân chương hỏi, “Chiến trường ở đâu?” Câu trả lời sẽ là, “Ở khắp nơi.”
- Đại tá Qiao Liang và Đại tá Wang Xiangsui -
Ngày nay, kẻ thù cũng đang tìm cách phá hoại các định chế tài chính của chúng ta… Chúng ta không thể đứng ở hiện tại nhìn lại nhiều năm về trước mà tự hỏi tại sao mình không làm gì để đối phó với những mối đe dọa có thực đến an ninh và kinh tế quốc gia.
- Barack Obama -
CHIẾN TRANH TRONG TƯƠNG LAI
Một trong những mục đích của chiến tranh là để làm suy yếu ý chí và khả năng kinh tế của kẻ thù. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, muốn vô hiệu hóa một kẻ thù thì việc phá hoại kinh tế thông qua một cuộc tấn công trên thị trường có thể hiệu quả hơn việc đánh chìm tàu chiến. Tương lai của chiến tranh sẽ diễn ra trên mặt trận tài chính và không ai làm việc cật lực để nhìn rõ tương lai ấy hơn Andy Marshall, nhân viên cấp cao của Bộ Quốc phòng.
Ngồi bên chiếc bàn trong phòng họp kín ở Lầu Năm Góc trong một buổi sáng mùa thu mưa gió tháng 9 năm 2012, Marshall dịch người về trước. Quanh bàn là ba nhà quản lý đầu tư xuất chúng, ba nhân viên SEC, vài chuyên gia cố vấn và các nhân viên của Marshall. Nhóm người được chọn lọc cẩn thận này đến đây để thảo luận về một cuộc chiến tranh tài chính.
“Thật thú vị.” Marshall nói. Sau khi im lặng suốt một tiếng đồng hồ, cái mà ông đang đề cập đến là cuộc thảo luận của chúng tôi về hành động tích trữ vàng của Trung Quốc và khả năng sử dụng nó như một vũ khí tài chính để làm suy yếu giá trị trao đổi của đồng đô-la.
Andy Marshall được các cộng sự gọi là “ngài Marshall như một cách để bày tỏ sự kính trọng, và ở tuổi 92, ông nhận được sự tôn kính của hầu như tất cả mọi người. Chức danh chính thức của ông là Giám đốc phòng Đánh giá Tổng quát trực thuộc Văn phòng Thư ký Bộ Quốc phòng. Công việc không chính thức của ông là làm chuyên gia trưởng về các vấn đề tương lai của Lầu Năm Góc, người chịu trách nhiệm nhìn thật xa vào tương lai và đánh giá những mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia của Mỹ rất lâu trước khi người khác biết đến sự tồn tại của chúng. Marshall đã đảm nhận vị trí này từ năm 1973 đến nay, qua 8 kỳ Tổng thống.
Tuy nhiên, trước đó rất lâu, ông đã tham gia hoạch định chiến lược an ninh quốc gia, từ năm 1949, khi gia nhập RAND Corporation – Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính sách đầu tiên của Hoa Kỳ. Danh sách cộng sự và học trò cũ của ông gồm có Herman Kahn, James Schlesinger, Don Rumsfeld, Dich Cheney, Paul Wolfowitz và những nhân vật tiếng tăm khác của chính sách an ninh quốc gia trong suốt tám thập kỷ. Chỉ có Paul Nitze quá cố mới có thể sánh ngang với Marshall về tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các vấn đề chiến lược trong giai đoạn từ Chiến tranh Thế giới II đến nay.
Nếu công chúng ít biết đến Marshall hơn một số nhân vật khác được lấy ra so sánh với ông thì đấy là vì người ta muốn như vậy. Ông hầu như không bao giờ trả lời phỏng vấn, diễn thuyết hay xuất hiện trước công chúng, phần lớn các văn bản và tài liệu ông viết đều được đóng dấu tuyệt mật. Trong một cuộc họp, ông thường cư xử như một nhân sư, tức là chỉ ngồi im lắng nghe rất lâu rồi thi thoảng bật ra vài từ cho biết ông đã tiếp nhận mọi thông tin và trong suy nghĩ của mình, ông đang đi trước tất cả những người khác tận ba bước.
Trong khi đại đa số người Mỹ chưa từng nghe nói đến Andy Marshall thì quân đội Trung Quốc lại biết rất rõ về ông. Marshall là một chuyên gia lý thuyết hàng đầu về “cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự” (revolution in military affairs - RMA) cuối thế kỷ XX, học thuyết dự báo trước những thay đổi sâu sắc về vũ khí và chiến lược dựa trên năng lực tính toán siêu đẳng. Đạn dược được điều khiển chính xác, hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái, tất cả đều là một phần của RMA. Tướng Chen Zhou của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc– người đứng đầu nhóm tác giả của một số báo cáo chiến lược gần đây – nói với tờ Economist: “Chúng tôi đã nghiên cứu RMA hết sức cặn kẽ. Vị anh hùng vĩ đại của chúng tôi là Andy Marshall ở Lầu Năm Góc… Chúng tôi dịch từng từ ông ấy viết.”
Marshall không lạ gì mối quan hệ đối đầu tiềm năng giữa Mỹ với Trung Quốc. Thực ra, ông là kiến trúc sư trưởng của kế hoạch tác chiến chủ lực của Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Kế hoạch tuyệt mật này có tên là “Tác chiến Không - Biển” (Air-Sea Battle), nhằm mục đích vô hiệu hóa năng lực giám sát và tên lửa chính xác của Trung Quốc, mở đường cho những cuộc tấn công quy mô lớn bằng không lực và hải quân.
Lần này, thứ mà Marshall đang nghe không phải các loại vũ khí động lực học hay chiến thuật không - biển, mà là các quỹ lợi ích quốc gia, hoạt động mua vàng lén lút và những mối nguy hiểm tiềm tàng đối với an ninh quốc gia do chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gây ra.
Trung Quốc có hơn 3.000 tỉ đô-la vốn đầu tư được tính bằng đồng đô-la Mỹ, và FED cứ phá giá 10% đồng đô-la thì tương đương với 300 tỉ đô-la tài sản thực được chuyển từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Không rõ Trung Quốc có thể chịu đựng được sự “cướp bóc” tài sản tích lũy này trong bao lâu. Nếu không thể đánh bại Mỹ trên không hoặc trên biển, họ có thể tấn công qua thị trường vốn.
Những mối nguy hiểm được đem ra thảo luận với Andy Marshall ngày hôm đó hoàn toàn nhất quán với học thuyết quân sự của Trung Quốc. Học thuyết chiến tranh không giới hạn, bao gồm chiến tranh tài chính và chiến tranh mạng, hình thành từ năm 1995. Trong năm này, Thiếu tướng Wang Pufeng, cựu Giám đốc chiến lược của Học viện Khoa học Quân sự Bắc Kinh, xuất bản một tài liệu có tên là Thách thức của chiến tranh thông tin (The Challenge of Information Warfare). Sau khi gửi lời cảm ơn tới Andy Marshall trong những dòng mở đầu, Wang viết tiếp:
Trong tương lai gần, chiến tranh thông tin sẽ kiểm soát cả hình thức lẫn tương lai của chiến tranh. Chúng tôi ghi nhận xu hướng đang không ngừng lớn mạnh của chiến tranh thông tin và xem nó như động lực trong công cuộc hiện đại hóa quân sự và khả năng sẵn sàng chống trả của Trung Quốc. Xu hướng này sẽ đóng vai trò quan trọng tột cùng nếu muốn giành chiến thắng trong những cuộc chiến tương lai.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc giải thích rõ hơn về học thuyết này trong một cuốn sách xuất bản năm 1999 có tên Chiến tranh không giới hạn (Unrestricted Warfare). Các chiến thuật trong chiến tranh không giới hạn bao gồm vô số cách thức tấn công một kẻ thù mà không cần sử dụng vũ khí động lực học như tên lửa, bom hay ngư lôi. Thay vào đó là các vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt, phát tán các chất sinh học, hóa học hay phóng xạ để gây thương vong dân sự và khủng bố người dân, các cuộc tấn công mạng có thể làm rơi máy bay, mở cửa xả lũ, gây mất điện và đánh sập mạng Internet.
Gần đây, danh sách những mối đe dọa bất đối xứng mà Wang và những người khác đề cập trước tiên có thêm các cuộc tấn công tài chính. Chiến tranh không giới hạn thảo luận rất chi tiết về hình thức này trong chương “Chân dung thần Chiến tranh ngày càng mờ ảo” (The War God’s Face Has Become Indistinct). Nó được viết không lâu sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997, sự kiện châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1998.
Một nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng ở châu Á là việc các ngân hàng phương Tây đột ngột rút tiền nóng khỏi các ngân hàng ở những thị trường châu Á mới nổi. Tình hình càng thêm nghiêm trọng do những lời khuyên sai lầm từ IMF, tổ chức bị các quốc gia phương Tây chế ngự. Từ góc nhìn của châu Á thì toàn bộ sự sụp đổ này trông giống một âm mưu của phương Tây hòng gây mất ổn định các nền kinh tế. Quả thực, bạo động và giết chóc đã xảy ra từ Indonesia cho đến Hàn Quốc. Đỉnh điểm của sự thù địch là những lời chửi rủa giữa Thủ tướng Malaysia – Mahathir Mohamad và chuyên gia quản lý quỹ đầu cơ George Soros trong màn đối đầu đáng hổ thẹn ngay tại cuộc họp thường niên của IMF ở Hong Kong vào tháng 9 năm 1997.
Nền kinh tế Trung Quốc ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế hơn các nước châu Á khác, nhưng họ đã nghiên cứu tình hình một cách kỹ lưỡng và bắt đầu nhìn ra cách thức các ngân hàng bắt tay với IMF để ngầm phá hoại xã hội dân sự và gây sức ép buộc các thể chế phải thay đổi. Một trong những phản ứng của Trung Quốc là thông qua cách tích lũy nguồn dự trữ đô-la khổng lồ để đứng vững trước một đợt rút tiền ồ ạt và bất ngờ của các chủ nợ phương Tây. Bên cạnh đó, họ cũng phát triển một học thuyết về chiến tranh tài chính. Những bài học từ cuộc khủng hoảng 1997 - 1998 được hai nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc tóm lược trong một đoạn viết vừa đầy chất thơ vừa như lời tiên đoán:
Nền kinh tế thịnh vượng từng một thời khiến thế giới phương Tây không ngừng ngưỡng vọng nay trở thành hố sâu suy thoái, như những chiếc lá mới tối qua còn ở trên cây, sáng nay đã rơi rụng tơi bời bởi cơn gió mùa thu… Hơn thế nữa, một thất bại to lớn đến vậy trên tiền tuyến kinh tế sẽ đẩy trật tự xã hội và chính trị đến bờ vực sụp đổ.
Người Trung Quốc đã đi trước chúng ta: Họ đưa ra học thuyết về chiến lược chiến tranh tài chính vào năm 1999 như một cách phản ứng với cú sốc tài chính ở châu Á năm 1997. Trong khi đó, người Mỹ vẫn loay hoay với khái niệm về chiến tranh tài chính mà không đạt được kết quả nào đáng kể cho đến tận 10 năm sau, năm 2009, sau một cú sốc còn lớn hơn nhiều – cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Đến năm 2012, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều hết sức nỗ lực phát triển các học thuyết chiến tranh tài chính chiến lược và chiến thuật. Đây chính là bối cảnh dẫn đến việc nhóm chúng tôi được triệu tập tới trình bày trước Andy Marshall và đội của ông về mối nguy hiểm đang ngày một rõ nét hơn.
Chiến trường tài chính có cả hai hướng tấn công và phòng thủ.
(i) Hướng tấn công bao gồm những cuộc tấn công ác ý vào các thị trường tài chính của kẻ thù nhằm làm gián đoạn hoạt động giao dịch và phá hoại tài sản. Đòn tấn công có thể bao gồm: hoặc gây gián đoạn lần một, hoặc đánh trả lần hai.
(ii) Hướng phòng thủ bao gồm việc phát hiện sớm khả năng xảy ra một vụ tấn công và nhanh chóng đáp trả, chẳng hạn như đóng cửa thị trường hoặc ngăn chặn lưu lượng tin nhắn của kẻ thù.
Trong lý thuyết trò chơi, tấn công và phòng thủ gặp nhau tại một điểm: Vì đánh trả lần hai có thể có sức tàn phá rất lớn hòng ngăn chặn các cuộc tấn công lần một. Đây chính là cách lập luận trong học thuyết mà Andy Marshall góp phần phát triển trong các kịch bản chiến tranh hạt nhân suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh đầu thập niên 1960. Học thuyết này được gọi là Đảm bảo Phá hủy Lẫn nhau(Mutual Assured Destruction - MAD). Giờ đây, một học thuyết mới đang được đưa ra, đó là Đảm bảo Phá hủy Lẫn nhau về Tài chính. Đối với Andy Marshall, vũ khí tài chính là khái niệm mới mẻ, nhưng lý thuyết răn đe lẫn nhau thì không.
Sự phân biệt giữa năng lực tấn công và năng lực phòng thủ trong chiến tranh tài chính không phải là sự phân biệt duy nhất. Người ta cũng phân biệt giữa mục tiêu vật chất (như hệ thống máy tính của sàn giao dịch) và mục tiêu phi vật chất (như các mối quan hệ làm ăn).
Các mục tiêu phi vật chất liên quan đến đạo đức kinh doanh dựa trên sự tin tưởng. Một doanh nghiệp nhìn có vẻ trung thực có thể giành được sự tin tưởng thông qua cách thức giao dịch kiên nhẫn, lặp đi lặp lại nhiều lần, rồi bất ngờ lạm dụng lòng tin đó bằng cách nhấn chìm một hệ thống giao dịch bằng vô số lệnh thao túng độc hại.
Các mục tiêu vật chất bao gồm: mạng lưới không lồ các máy chủ, nút bấm, cáp quang, các kênh lưu lượng tin nhắn khác và cơ sở vật chất của sàn giao dịch. Không khó để các kỹ sư hoặc kẻ thù hiểu rằng việc phá hoại hay thâm nhập để làm gián đoạn một trong những mắt xích của hệ thống điện tử này có thể gây ra tình trạng hỗn loạn và buộc một thị trường phải đóng cửa, ít nhất là tạm thời. Những cuộc tấn công mạnh hơn có thể làm đóng cửa thị trường trong nhiều tuần hoặc thậm chí là nhiều tháng, tùy thuộc vào quy mô của hành động phá hoại.
Khủng hoảng tài chính năm 2008 không phải là kết quả của cuộc chiến tranh tài chính nào, nhưng nó đã minh họa cho người Mỹ thấy rõ tính chất phức tạp và dễ tổn thương của hệ thống tài chính toàn cầu. Kể từ giai đoạn cao điểm vào tháng 10 năm 2007 đến giai đoạn thấp điểm vào tháng 3 năm 2009, khoảng 60 nghìn tỉ đô-la tài sản đã tan thành mây khói. Nếu các công cụ vô hại như tài sản thế chấp đã có thể gây nên một thảm họa như vậy, thì hãy tưởng tượng xem thiệt hại còn tăng cao đến đâu nếu có một âm mưu thâu tóm thị trường ác ý được chỉ đạo bởi những chuyên gia tường tận chân tơ kẽ tóc về cách hệ thống này vận hành.
Nhờ có Marshall và những người khác, mọi người đang ngày càng ý thức rõ hơn rằng, một cuộc tấn công tài chính mạng được tổ chức tốt có thể gây thiệt hại không thua kém bất cứ cuộc tấn công quân sự truyền thống nào.
KỊCH BẢN QUỸ ĐẦU CƠ CỦA KẺ THÙ
Quỹ đầu cơ là vỏ bọc hoàn hảo cho một cơ quan tình báo. Để tiến hành một đợt tấn công, một người giao dịch ác ý không cần phải phá hủy cả một hệ thống vật chất. Nếu kẻ thù có thể thành lập một chủ thể hợp pháp như quỹ đầu cơ, nó có thể mở tài khoản với các nhà môi giới thanh toán bù trừ lớn và thực hiện các hoạt động giao dịch như bình thường suốt nhiều năm và chủ thể trở thành một “gián điệp nằm vùng” trong thị trường vốn mà nó tham gia. Lúc này, các nhà môi giới thanh toán bù trừ đã xem quỹ đầu cơ như một khách hàng quan trọng, đem lại những khoản hoa hồng khổng lồ và do đó cho hưởng hạn mức tín dụng lớn hơn.
Quỹ đầu cơ cũng là hình thức tổ chức thu thập tin tức tình báo kinh điển không ngừng tìm kiếm lợi thế về thông tin. Để thu thập thông tin, các cơ quan tình báo và các quỹ đầu cơ sử dụng phương thức tình báo giống nhau. Việc tham gia các cuộc họp chuyên môn cấp cao là một cách để xây dựng mạng lưới chuyên gia và nghe ngóng những thông tin mật về các sản phẩm và phát minh mới. Việc rót vốn vào một công ty cho phép nhà đầu tư tiếp cận ban quản trị, điều mà cả nhà quản lý quỹ lẫn nhân viên tình báo đều muốn. Đối với quỹ đầu cơ, mục đích là để giành lấy một lợi thế giao dịch, chẳng hạn như được xem trước một sản phẩm mới có khả năng tác động đến giá cổ phiếu. Đối với các cơ quan tình báo, mục đích là để đi trước đón đầu các tiến bộ công nghệ có khả năng tác động đến sức mạnh kinh tế của quốc gia đối thủ.
Quỹ đầu cơ nằm vùng nói trên có thể xây dựng mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà môi giới trên khắp thế giới để tăng sức mua của mình lên hàng trăm lần so với vốn thực có, nếu tính đến tất cả hạn mức tín dụng và giá trị khái toán của chứng khoán phái sinh. Theo lệnh từ “bộ chỉ huy” tài chính của kẻ thù, mạng lưới trên có thể trở nên hết sức nguy hiểm. Lệnh bán những cổ phiếu đặc biệt như Apple, Google hay những tên tuổi lớn khác có thể nhấn chìm cả nhà cái lẫn người mua. Một đợt giá giảm có thể bắt đầu rất chậm, rồi dần dần lấy đà cho đến khi biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện. Cơ chế tự động ngừng giao dịch có thể được kích hoạt, nhưng áp lực bán sẽ không giảm bớt. Truyền thông sẽ vào cuộc và cuộc khủng hoảng sẽ ngày một lan rộng.
Đối với kẻ thù thì không có ngày mai. Họ không cần lo lắng về việc phải trả giá cho các thương vụ mình thực hiện trong một vài ngày hoặc do hậu quả của những khoản thu lỗ hạch toán theo thị trường. Thậm chí, vốn của họ có thể đang trên đường trở về các ngân hàng ở Bắc Kinh hay Mát-xcơ-va mà các nhà môi giới thanh toán bù trừ – những người giờ đây phải xử lý lệnh bán – không hề biết. Thị trường vốn có những cơ chế phòng vệ đối với rủi ro tín dụng qua đêm, nhưng lại chưa từng thiết lập cơ chế phòng vệ nào hiệu quả đối với những khoản thua lỗ phát sinh ngay trong ngày. Các quỹ đầu cơ trá hình của Trung Quốc hay Nga có thể khai thác điểm yếu này và lạm dụng lòng tin cũng như sự tín nhiệm được xây dựng qua nhiều năm ròng rã.
Cuộc tấn công nguy hiểm không nhất thiết chỉ diễn ra trong thị trường tiền mặt. Trong khi kẻ tấn công có thể bán cổ phiếu, thì họ cũng có thể mua quyền chọn bán hoặc bán khống cổ phiếu trong một đại lý hoán đổi để tăng áp lực bán. Người mua ác ý này trở thành một loại vi-rút lây nhiễm toàn bộ hoạt động giao dịch của đại lý, khiến tình trạng hỗn loạn càng nghiêm trọng.
Một chiến thuật “đổ thêm dầu vào lửa” khác là khởi động một cuộc tấn công đúng vào ngày mà thị trường đang sụp đổ vì những lý do không liên quan. Kẻ tấn công có thể đợi đến ngày các chỉ số chứng khoán quan trọng giảm xuống 2% rồi mới hành động để đẩy thị trường giảm xuống 20% hoặc hơn. Chiến thuật này có thể gây ra một vụ sụp đổ tương đương với vụ sụp đổ đen tối bậc nhất lịch sử tài chính kéo dài hai ngày vào năm 1929, sự kiện đánh dấu điểm khởi đầu của thời kỳ Đại suy thoái.
Kẻ tấn công trên mặt trận tài chính cũng có thể tiến hành các chiến dịch đánh vào tâm lý, hay còn gọi là chiến tranh tâm lý (psyops), để tăng tính hiệu quả của cuộc tấn công. Theo đó, họ sẽ tung ra tin tức giả và làm dấy lên những tin đồn, chẳng hạn như một Chủ tịch của FED bị bắt cóc, một nhà tài phiệt nổi tiếng lên cơn đau tim, một ngân hàng lớn đóng cửa hoặc một nhà quản lý quỹ đầu cơ tự vẫn. Theo sau những câu chuyện bịa đặt này là thông tin các sàn giao dịch lớn đang gặp phải “khó khăn kỹ thuật” và lệnh bán không được xử lý, khiến khách hàng mất hàng đống tiền. Các câu chuyện sẽ được lên kịch bản sao cho khớp với những sự kiện tương tự đã thực sự xảy ra trong những năm gần đây để chúng trông có vẻ giống như thật. Truyền thông chính thống sẽ nhảy vào đưa tin và góp phần đẩy cơn khủng hoảng lan rộng.
Sàn giao dịch Chứng khoán New York và SEC tuyên bố rằng họ có biện pháp phòng vệ để ngăn chặn loại hình giao dịch này. Tuy nhiên, những biện pháp này được thiết kế để cản bước người giao dịch có lý trí đang cố gắng kiếm tiền và có thể tạm thời hành động không có lý trí. Đó có thể là những khoảng dừng cho thị trường để người giao dịch suy xét tình hình một cách thấu đáo và nhìn ra món hời mình có thể mua, những yêu cầu bảo chứng (margin call) để bù đắp các khoản lỗ hạch toán theo thị trường và tạo ra “tấm đệm” giúp giảm thiệt hại cho người môi giới khi khách hàng vỡ nợ.
Những kỹ thuật giảm nhẹ thiệt hại nói trên không thể cản bước chiến binh tài chính, vì anh ta không tìm kiếm lợi nhuận hay những món hời. Kẻ tấn công có thể tận dụng khoảng dừng để tăng số lượng lệnh bán qua từng giây. Mặt khác, những kỹ thuật này phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thực tế của các bên liên đới. Khi một yêu cầu bảo chứng được đưa ra, nó sẽ kìm hãm những người giao dịch hợp pháp vì họ buộc phải cung cấp tiền mặt. Nhưng người giao dịch ác ý sẽ phớt lờ yêu cầu và tiếp tục giao dịch. Anh ta không có thời gian để chần chừ và cũng không bận tâm đến việc sau này có thể bị phát hiện. Trong sự kiện Trân Châu Cảng, Mỹ không hề biết trước rằng Nhật sẽ đánh bom căn cứ hải quân của mình, họ chỉ hiểu ra vấn đề sau khi hàng loạt tàu chiến Hoa Kỳ đã chìm hoặc bốc cháy.
Một nhà môi giới thanh toán bù trừ có thể đóng tài khoản ác ý lại để ngăn không cho nó tiếp tục giao dịch, tuy nhiên việc này sẽ đẩy vị thế mở di chuyển từ quỹ đầu cơ sang nhà môi giới. Trong trường hợp đó, nhiều nhà môi giới sẽ thua lỗ và sự thất bại từ hệ thống tài chính trở xuống sẽ đẩy các trung tâm thanh toán bù trừ vào cảnh vỡ nợ. Toàn bộ hệ thống sàn giao dịch, trung tâm thanh toán bù trừ, nhà môi giới và khách hàng đều có thể bị đẩy tới bờ vực sụp đổ.
Quỹ đầu cơ nằm vùng có thể phục vụ một mục đích thâm hiểm khác, đóng vai trò như các cơ quan thu thập tin tức tình báo trong nhiều năm trước khi tiến hành một vụ tấn công. Ngày nay, các chuyên gia phân tích tình báo không chỉ cần những bí mật quốc gia. Tình báo kinh tế – bao gồm các dự án khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, thăm dò năng lượng, xây dựng đường ống dẫn dầu và nhiều hoạt động khác – đều vô cùng giá trị. Thông tin này có thể ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa, sự ổn định về mặt tài chính, sự tăng trưởng kinh tế và kế hoạch phân bổ các nguồn lực của cả khối tư nhân lẫn khối nhà nước. Những thông tin tình báo dạng này không phải nhân viên Chính phủ nào cũng biết, nhưng các CEO, kỹ sư, chuyên gia phát triển trong khối tư nhân chắc chắn sẽ nắm rõ.
Một khi quỹ đầu cơ trá hình đã có được vị thế vững chắc trong một công ty mục tiêu, nó có thể thu xếp để gặp ban quản trị của công ty đó. Việc này đặc biệt dễ dàng ở các công ty vừa và nhỏ vốn nhận được ít sự quan tâm của các phòng ban nghiên cứu hoạt động môi giới. Những công ty như vậy thường sở hữu những thiết kế mới, tân tiến trong lĩnh vực chế tạo vệ tinh, ứng dụng 3-D và xử lý hình ảnh kỹ thuật số. Việc tiếp cận với họ chính là chìa khóa. Các nhà đầu tư khôn ngoan sẽ để ý từng động thái và diễn giải từng dấu hiệu để suy luận ra thời điểm và bản chất của những phát triển mới nhất. Việc này có thể kéo dài trong nhiều năm để quỹ đầu cơ trá hình kiên nhẫn xây dựng lòng tin, thâm nhập từng ngõ ngách của công ty, thu thập thông tin và tìm ra điểm yếu. Sau đó, như một con bọ cạp, nó sẽ tung đòn chí mạng theo lệnh của chủ nhân.
Nhiều người theo chủ nghĩa hoài nghi cho rằng, một cơ quan tình báo hay quân sự đội lốt quỹ đầu cơ sẽ dễ bị phát hiện bởi những quy định chi tiết về việc chống rửa tiền và nhận biết khách hàng được các nhà môi giới tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ thì luận điểm này không thể đứng vững. Những kỹ thuật thiết yếu để hoạt động dưới vỏ bọc là phải có công ty bình phong, nhân viên mật, những câu chuyện được dựng lên để che đậy và nhiều lớp chủ thể chồng lên nhau để cơ quan đứng sau điều khiển không bị phát hiện. Cấu trúc của một quỹ đầu cơ trá hình bao gồm nhiều lớp chủ thể hợp pháp đặt tại những thiên đường thuế, tạo nên vỏ bọc hoàn hảo cho kẻ thù. Nó cũng cần đến sự trợ giúp từ các luật sư hay chủ ngân hàng ăn hối lộ để đóng vai chuyên gia “vô tội” chuyên xử lý những công việc chi tiết như quản lý sổ sách, giấy tờ. Ban Giám đốc được thuê từ các công ty cố vấn ở nước ngoài chuyên cung cấp dịch vụ quản lý cho nhà đầu tư. Những thành phần này cốt để các cơ quan phản gián không đánh hơi được bản chất thực sự của quỹ.
Quỹ đầu cơ trá hình sẽ hoạt động trong những khu vực được chỉ định cụ thể ở trung tâm đô thị lớn như Zurich hay London. Quản lý quỹ là những chuyên gia có trình độ học vấn cao, được đào tạo nhiều năm bởi các cơ quan tình báo nước ngoài để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp, với bằng cấp kinh doanh do Harvard hoặc Stanford cấp. Họ sẽ tham gia các chương trình tập huấn nghiệp vụ ngân hàng chuyên sâu tại những nơi như Goldman Sachs và HSBC để có thêm kinh nghiệm thực tiễn, hình thành nên một lực lượng nòng cốt chính là các chuyên gia tài chính nằm vùng.
Các nhân viên phản gián có thể tình cờ phát hiện ra những tổ chức nằm vùng này và việc nghe lén các cuộc đối thoại có thể tiết lộ điều gì đó về hoạt động của nó. Tuy nhiên, nếu đường đi nước bước của quỹ được kẻ thù lên kế hoạch một cách khôn ngoan thì âm mưu gần như không thể bị người bên ngoài phát hiện, trừ khi có ai đó trong nội bộ phản bội. Lúc này sẽ nảy sinh một vấn đề quan trọng hơn: Các cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh quốc gia cho nước Mỹ có thực sự đề cao cảnh giác không?
THẾ GIỚI TRONG CHIẾN TRANH TÀI CHÍNH
Nếu bạn thấy tất cả những điều trên nghe có vẻ cường điệu thì hãy xem xét một thực tế là người Trung Quốc – và một số quốc gia khác – thực sự đang tiến hành các cuộc tấn công tài chính dưới những hình thức tinh vi hơn.
Vào tháng 1 năm 2011, New York Times cho biết, trong năm 2010, Trung Quốc trở thành người bán ròng chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ sau nhiều năm là người mua ròng. Tờ báo cho rằng việc này rất kỳ lạ, vì Trung Quốc vẫn đang tích lũy nguồn dự trữ đô-la khổng lồ từ thặng dư thương mại và tiếp tục mua đô-la để phá giá đồng nhân dân tệ. Điều này có nghĩa là Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ là khách hàng lớn của Kho bạc Hoa Kỳ, mặc dù các dữ liệu chính thức thể hiện ngược lại. Tờ New York Times lưu ý rằng trong năm 2010, Vương quốc Anh vươn lên vị trí quốc gia mua chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ nhiều nhất thế giới, tức là “Trung Quốc đã chuyển số chứng khoán mua vào sang những tài khoản được quản lý bởi các tổ chức quản lý tiền của Anh”. Quả thực, Trung Quốc đã sử dụng các ngân hàng London như tấm bình phong để tiếp tục mua tín phiếu Kho bạc Hoa Kỳ trong khi Bắc Kinh công bố rằng họ đang bán ra.
Vào ngày 20 tháng 5 năm 2007, tờ New York Times cũng đề cập đến một kỹ thuật khác mà Trung Quốc sử dụng để ngụy trang cho các tổ chức tình báo thị trường của họ. Trong bài báo của mình, Andrew Ross Sorkin đã tiết lộ rằng Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (China Investment Corporation - CIC), một quỹ đầu tư của nhà nước khác, đã đồng ý mua 3 tỉ đô-la cổ phiếu của Blackstone Group, công ty vốn tư nhân kín kẽ và quyền lực có trụ sở tại Mỹ.
Blackstone Group được đồng sáng lập bởi Peter G. Peterson, một cựu quan chức cấp cao trong Chính phủ Nixon, sau này là Chủ tịch của cả Hội đồng chuyên trách các mối quan hệ nước ngoài lẫn Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và Stephen A. Schwarzman, một siêu tỉ phú nổi (tai) tiếng với bữa tiệc sinh nhật tuổi 60 ở Park Avenue Armory, New York ngày 13 tháng 2 năm 2007, chỉ vài tháng trước thương vụ giữa Blackstone và CIC. Bữa tiệc có màn trình diễn kéo dài 30 phút của Rod Steward và người ta nói rằng thù lao của ngôi sao này là 1 triệu đô-la. Như vậy, Trung Quốc đã mua được ghế VIP trong bữa tiệc Blackstone, nghiễm nhiên tiếp cận với cấp quản lý cao nhất và có thể góp vốn vào những thương vụ còn dang dở.
Tháng 6 năm 2007, không lâu trước khi các thị trường vốn toàn cầu bắt đầu sụp đổ, dẫn đến cuộc Khủng hoảng 2008, Schwarzman nói về phong cách đàm phán của mình như sau: “Tôi muốn chiến tranh, chứ không phải mấy cuộc đối đầu lẻ tẻ… Tôi luôn nghĩ xem dùng cái gì thì giết được đối thủ.” Schwarzman đang nói đến thị trường tài chính truyền thống chứ hoàn toàn không nghĩ đến một cuộc chiến tranh thực sự với súng ống bom đạn. Tuy nhiên, ông ta vốn đã là con tốt trong một cuộc chiến tài chính ở quy mô lớn hơn nhiều so với thứ mà tầm nhìn thiển cận của ông ta thấy được. Những công dân toàn cầu tự xưng như Schwarzman, người chỉ coi New York như một trạm dừng trong hành trình từ Davos đến Dalian, có thể nghĩ rằng chiến tranh thực sự chỉ là chuyện quá khứ, là dĩ vãng xa xôi. Những quan điểm tương tự như vậy đã có từ cuối những năm 1920, ngay cả khi nhiều sự kiện cho thấy thế giới đang chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh lớn nhất lịch sử.
Các nhà phân tích rất vui mừng trước việc thương vụ CIC-Blackstone cho rằng Trung Quốc sẵn sàng “dùng nguồn dự trữ khổng lồ của mình để hoạt động bên ngoài Trung Quốc”. Nhưng việc chú trọng đến dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc này đã phớt lờ dòng thông tin chảy vào quốc gia đó. Thật ngây thơ khi không tính đến việc thông tin về mọi hoạt động bên trong bộ máy thương lượng hùng mạnh nhất Hoa Kỳ đang được chuyển về cho các ủy viên bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các đội thẩm định đầu tư của Trung Quốc sẽ nghiên cứu những thông tin mật về các thương vụ họ muốn tìm hiểu, thậm chí là cả những thương vụ còn chưa kết thúc. Cái giá 3 tỉ đô-la trông thì có vẻ nhiều đối với Schwarzman, nhưng nó chỉ bằng 1/10 của 1% dự trữ mà Trung Quốc có, tương tự như chuyện bạn đánh rơi một xu khi đang sở hữu tấm ngân phiếu 100 đô-la vậy. Việc Trung Quốc tiếp cận được Schwarzman và thâm nhập vào Blackstone là một bước quan trọng trong kế hoạch làm bá chủ khu vực Đông Á và đối đầu với Hoa Kỳ. Tất nhiên, kênh thông tin nào cũng có hai chiều và những công ty như Blackstone cũng cung cấp cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ nhiều hiểu biết về năng lực và dự tính của người Trung Quốc.
Mỹ không phải là mục tiêu tiềm năng duy nhất cho chiến tranh tài chính của Trung Quốc. Vào tháng 9 năm 2012, trên tờ China Daily của Đảng Cộng sản, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng tiến hành một cuộc tấn công vào thị trường trái phiếu Nhật Bản để đáp lại thái độ khiêu khích của người Nhật liên quan đến các quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ngày 10 tháng 3 năm 2013, Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vào hệ thống mạng của Ngân hàng Dự trữ Australia để thu thập tin tức tình báo về các cuộc thảo luận nhạy cảm của Nhóm G20.
Hành động của Trung Quốc trên thị trường trái phiếu và vốn tư nhân là một phần trong kế hoạch dài hạn mà họ vạch ra để lén lút thâm nhập vào các mắt xích trọng yếu, đồng thời nghe ngóng, tìm hiểu những thông tin đáng giá về các doanh nghiệp. Những hành động này được tiến hành song song với các hành động thâm hiểm khác trên thế giới mạng và nhiều cuộc tấn công vào các hệ thống kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng, tất cả do Đơn vị 61398 – cơ quan tình báo quân sự nổi tiếng của Trung Quốc thực hiện. Những hành động phối hợp này sẽ rất hữu ích cho Trung Quốc khi họ đối đầu với Hoa Kỳ trong tương lai.
Hoa Kỳ không ngại tham gia chiến tranh mạng. Trên thực tế, có thể nói năng lực của họ trong lĩnh vực này vượt xa Trung Quốc. Năm 2013, nhà báo Matthew Aid đã viết như sau về cơ quan nhạy cảm nhất nước Mỹ chuyên trách các vấn đề mạng, trực thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia:
Một đơn vị tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Agency - NSA)… có tên là Văn phòng Các chiến dịch Truy cập thông tin Đặc nhiệm (Office of Tailored Access Operations - TAO) đã thâm nhập thành công vào hệ thống máy tính và viễn thông của Trung Quốc trong gần 15 năm qua, thu thập được một số thông tin tình báo hữu ích nhất và tin cậy nhất về những sự việc đang diễn ra bên trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa…
Để ra vào những nơi làm việc đặc biệt của TAO bên trong khu phức hợp của NSA… phải có quyền an ninh đặc biệt. Cánh cửa dẫn vào trung tâm tác chiến siêu hiện đại của đơn vị được bảo vệ bởi các nhân viên an ninh có vũ trang, kế đến là một cửa khác bằng thép đồ sộ chỉ có thể mở bằng cách nhập đúng mã 6 số vào bảng phím, thêm một máy quét võng mạc để đảm bảo rằng chỉ những người có thẩm quyền mới được qua cửa.
Sứ mệnh của TAO rất đơn giản. Nó thu thập thông tin tình báo về các mục tiêu nước ngoài bằng cách bí mật thâm nhập trái phép vào hệ thống máy tính và viễn thông của họ, phá mật mã, tấn công hệ thống an ninh bảo vệ máy tính mục tiêu, ăn cắp dữ liệu lưu trên ổ cứng rồi sao chép toàn bộ lưu lượng tin nhắn và dữ liệu được trao đổi trong các hệ thống tin nhắn văn bản và e-mail mục tiêu.
Các cơ quan do thám như TAO phức tạp hơn rất nhiều so với những cơ chế quét lưu lượng tin nhắn trên e-mail và điện thoại tương đối đơn giản mà Edward Snowden tiết lộ năm 2013.
Phố Wall cũng đang không ngừng phát triển năng lực mạng trong lĩnh vực tài chính. Ngày 18 tháng 7 năm 2013, một tổ chức giao dịch công nghiệp chứng khoán đã tài trợ cho một trò chơi chiến tranh tài chính có tên là Quantum Dawn 2 liên quan đến hơn 500 người từ khoảng 50 cá nhân và cơ quan Chính phủ. Mục tiêu chính của Quantum Dawn 2 là ngăn chặn các cuộc tấn công có thể phá vỡ hoạt động giao dịch bình thường. Mặc dù hữu ích nhưng trò chơi này lại không giúp được gì trong việc chuẩn bị đối phó với một hình thức tấn công phức tạp hơn nhiều. Thay vì phá vỡ, hình thức này sẽ bắt chước các hệ thống nhập lệnh.
Trung Quốc không phải là quốc gia lớn duy nhất tham gia chiến tranh tài chính. Một cuộc chiến tương tự cũng đang diễn ra giữa Mỹ và Iran, khi Mỹ tìm cách gây bất ổn trong chế độ chính trị của Iran bằng việc không cho quốc gia này tham gia vào những mạng lưới thanh toán quan trọng. Tháng 2 năm 2012, Mỹ cấm Iran tham gia những hệ thống thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ được kiểm soát bởi Cục Dự trữ Liên bang và Kho bạc Hoa Kỳ. Rõ ràng là lệnh cấm này gây bất lợi cho Iran, nhưng họ vẫn có thể giao dịch trong các thị trường quốc tế bằng cách chuyển đổi khoản thanh toán sang đồng euro và dàn xếp thông qua hệ thống tin nhắn liên ngân hàng SWIFT có trụ sở tại Bỉ. Tháng 3 năm 2012, Mỹ gây sức ép buộc SWIFT cấm luôn Iran sử dụng hệ thống thanh toán của mình. Đến lúc này, Iran chính thức bị gạt khỏi mọi mạng lưới thanh toán hay nhận thanh toán bằng đồng tiền mạnh với tất cả các nước khác. Mỹ hoàn toàn không giấu giếm mục đích của mình trong cuộc chiến tranh tài chính với Iran. Ngày 6 tháng 6 năm 2013, David Cohen, một nhân viên của Kho bạc Hoa Kỳ nói rằng mục tiêu của những hình phạt mà Mỹ đưa ra là “để khiến đồng rial bị mất giá và không thể sử dụng được trong hoạt động thương mại quốc tế”.
Chiến lược trên đã gây nên những hậu quả thê thảm cho nền kinh tế Iran. Quốc gia này là nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới nên cần phải sử dụng các hệ thống thanh toán để nhận đô-la khi bán dầu cho nước ngoài. Họ cũng đồng thời là nước nhập khẩu lớn các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, thực phẩm và hàng điện tử tiêu dùng như máy tính Apple và máy in HP. Một ngày đẹp trời, Iran bỗng nhiên không có cách nào để trả tiền hàng nhập khẩu và đồng rial của họ sụp đổ. Các nhà buôn tìm kiếm những đồng đô-la khan hiếm ở chợ đen với mức tỉ giá hối đoái khiến giá trị của đồng rial giảm xuống còn phân nửa, tương đương với tỉ lệ lạm phát 100%. Người ta bắt đầu đổ xô đi rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng Iran để mua đô-la chợ đen hoặc tài sản thực nhằm bảo toàn tài sản. Chính phủ Iran cố gắng ngăn chặn việc này bằng cách tăng lãi suất. Bằng “thủ đoạn” gạt Iran ra khỏi các hệ thống thanh toán toàn cầu, Hoa Kỳ đã đẩy quốc gia này vào một cuộc sụp đổ tiền tệ, lạm phát phi mã và đột biến rút tiền gửi, đồng thời gây ra tình trạng khan hiếm thực phẩm, xăng và hàng hóa tiêu dùng.
Iran đáp trả ngay từ trước khi Mỹ tăng cường các biện pháp tấn công. Họ không sử dụng đồng đô-la nữa mà mua vàng để ngăn Mỹ hoặc các đồng minh thân Mỹ đóng băng cán cân đô-la của mình. Ấn Độ là khách hàng nhập khẩu dầu mỏ lớn của Iran, và hai bên đã đi đến thỏa thuận đổi dầu mỏ lấy vàng. Theo đó, Ấn Độ sẽ mua vàng trên thị trường toàn cầu và đổi lấy dầu mỏ của Iran. Iran có thể đổi số vàng đó với Nga hoặc Trung Quốc để lấy thực phẩm hoặc hàng hóa công nghiệp. Trước tình cảnh phải đối mặt với những hình phạt tài chính nghiêm trọng, Iran một lần nữa chứng minh rằng vàng là tiền và loại tiền này hiệu quả mọi nơi, mọi lúc.
Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng trở thành nguồn vàng lớn nhất của Iran. Lượng vàng mà họ xuất khẩu sang Iran trong tháng 3 năm 2013 tương đương 381 triệu đô-la, cao hơn 2 lần so với tháng trước đó. Tuy nhiên, vàng không dễ trao đổi như đồng đô-la kỹ thuật số và biện pháp đổi vàng lấy hàng hóa cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tháng 1 năm 2013, một máy bay chở 1,5 tấn vàng bị các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại ở sân bay Istanbul vì cho rằng đây là vàng lậu. Nhiều nguồn tin cho biết chiếc máy bay này khởi hành từ Ghana, một nước sản xuất vàng lớn trên thế giới và bay đến Dubai, một địa điểm nổi tiếng chuyên trung chuyển vàng và tiền tệ từ khắp nơi trên thế giới. Tờ Voice of Russia suy đoán rằng điểm đến cuối cùng của chiếc máy bay là Iran. Dù điểm đến là đâu chăng nữa thì ai đó – có lẽ là Iran – đã mất trắng 1,5 tấn vàng.
Một nguồn vàng khác của Iran là Afghanistan. Tháng 12 năm 2012, tờ New York Times đăng một bài báo về một cuộc giao dịch ba bên hợp pháp giữa Afghanistan, Dubai và Iran, sử dụng cả hình thức vận tải hợp pháp lẫn hình thức buôn lậu bất hợp pháp. Tờ báo viết, “Các hành khách bay từ Kabul đến Vịnh Ba Tư… nhận được những lời cảnh báo rằng phải hết sức cẩn thận tránh bị các túi hàng từ ngăn đựng hành lý rơi xuống đầu. Một người… đã mang gần 60 pound vàng thỏi, mỗi thỏi có kích thước bằng một chiếc iPhone, lên máy bay chuyến sáng sớm.”
Khi Iran mở rộng hoạt động giao dịch bằng vàng, Mỹ nhanh chóng trả đũa. Kho bạc Hoa Kỳ thông báo nghiêm cấm việc bán vàng cho Iran. Luật này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2013, nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ và UAE – các nhà cung cấp chính cho Iran. Mỹ vốn đã chặn đứng mọi hướng tiếp cận của Iran đến các đồng tiền mạnh, giờ đây họ cũng làm y hệt đối với vàng. Điều này chính là sự khẳng định ngầm của Mỹ rằng vàng là tiền, bất chấp việc nhân viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và nhiều người khác ra sức coi thường vàng một cách công khai.
Vàng không phải là chiến lược thanh toán thay thế đô- la duy nhất của Iran. Cách tiện lợi nhất là chấp nhận thanh toán bằng tiền địa phương trong các ngân hàng địa phương mà không phụ thuộc vào lệnh cấm vận. Iran có thể giao dầu mỏ cho Ấn Độ và nhận đồng rupee chuyển đến tài khoản của Iran ở các ngân hàng Ấn Độ. Iran chỉ có thể sử dụng số tiền này để mua bán trong phạm vi Ấn Độ, nhưng người Ấn có thể nhanh chóng thích nghi bằng cách nhập khẩu hàng hóa phương Tây bằng đô-la rồi bán lại cho người Iran để lấy rupee với giá cao để bù đắp cho thời gian và những rắc rối của việc tái xuất chỗ hàng hóa nhập vào.
Iran cũng sử dụng các ngân hàng của Trung Quốc và Nga làm bình phong cho những khoản thanh toán bất hợp pháp thông qua các kênh bị cấm. Họ đã dàn xếp nhiều khoản tiền gửi lớn bằng đồng tiền mạnh ở các ngân hàng Trung Quốc và Nga trước khi lệnh cấm được đưa ra. Những ngân hàng này sẽ tiến hành chuyển đô-la bằng hình thức điện chuyển khoản ngân hàng (wire transfer) thông thường qua SWIFT đến Iran mà không thông báo rằng Iran là người thụ hưởng như luật của SWIFT yêu cầu.
Các báo cáo tình báo cho thấy tổng giá trị tiền mạnh của những khoản tiền mà Iran “gửi nhờ” ở riêng các ngân hàng Trung Quốc là 27 tỉ đô-la. Tuy nhiên, khả năng chuyển số tiền này về Iran lại bị hạn chế bởi việc Trung Quốc cần né tránh sự chú ý của Mỹ ở mức độ nào trong khi thực hiện giao dịch. Tháng 4 năm 2013, Iran đã yêu cầu Trung Quốc tặng cho Triều Tiên một “món quà” trị giá 4 tỉ đô-la như một phần nguồn tiền cứu trợ nhân đạo thông thường mà Trung Quốc dành cho Vương quốc của những ẩn sĩ. Iran không tiết lộ với Trung Quốc rằng món quà đó thực ra là khoản tiền thanh toán cho những chuyến hàng công nghệ vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên tới Iran.
Cuối năm 2012, Mỹ cảnh báo Nga và Trung Quốc về việc trợ giúp Iran “đi đường vòng” để tránh lệnh cấm vận, nhưng không áp dụng bất cứ hình phạt nào. SWIFT cũng không hào hứng gì với lệnh cấm vì ban đầu họ không muốn gạt Iran ra khỏi hệ thống của mình, họ chỉ làm vậy khi bị Mỹ gây sức ép. Mỹ không muốn làm căng với Nga và Trung Quốc vì còn có nhiều kế hoạch quan trọng hơn cần đến cả hai quốc gia này, trong đó có vấn đề Syria và Triều Tiên.
Iran cũng đã cho thấy cách thức kết hợp chiến tranh tài chính và chiến tranh mạng trong một cuộc tấn công bất cân xứng hỗn hợp. Tháng 5 năm 2013, các hacker của Iran đã chiếm quyền truy cập những hệ thống phần mềm mà các công ty năng lượng sử dụng để kiểm soát các đường ống dẫn dầu và khí gas thiên nhiên trên khắp thế giới. Bằng cách thâu tóm phần mềm này, Iran có thể gây ra nhiều rắc rối không chỉ với chuỗi cung ứng sản phẩm mà cả thị trường chứng khoán phái sinh năng lượng vốn phụ thuộc vào cung và cầu sản phẩm để định giá. Những nỗ lực này được các nhân viên Chính phủ Mỹ mô tả như các sứ mệnh do thám và tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường. Cả hacker Iran lẫn các mục tiêu ở Mỹ dường như đều không cân nhắc đến nguy cơ những hoạt động như vậy có thể vô tình kích hoạt một cuộc khủng hoảng thị trường mà ngay cả kẻ tấn công cũng không hình dung được.
Iran không phải là nạn nhân duy nhất hứng chịu những đợt tấn công tài chính mạnh mẽ từ phía Mỹ. Lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ dành cho Syria cũng khiến đồng pound của nước này giảm 66% giá trị trong vòng 12 tháng, từ tháng 7 năm 2012 đến tháng 7 năm 2013. Kết quả là tỉ lệ lạm phát hàng năm của Syria tăng đến 200%. Chính phủ Syria buộc phải sử dụng tiền tệ của ba nước đồng minh chính là đồng rial của Iran, đồng rúp của Nga và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, vì trên thực tế, đồng pound của Syria đã mất khả năng làm trung gian trao đổi.
Đến cuối năm 2013, những thiệt hại kinh tế của Iran đã dẫn đến một thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Theo đó, Mỹ sẽ nhẹ tay hơn, còn Iran sẽ nhượng bộ trong các chương trình làm giàu uranium. Nền kinh tế của Iran đã hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ mà không sụp đổ. Hai bên gặp nhau trên bàn đàm phán, sau đó lệnh trừng phạt đối với hoạt động mua vàng của Iran được gỡ bỏ, cho phép nước này tích trữ vàng bằng số đô-la thu được từ việc bán dầu mỏ. Tổng thống Obama đã nói rõ rằng, mặc dù lệnh trừng phạt đã được nới lỏng nhưng Mỹ vẫn có thể áp dụng lại nếu Iran không thực hiện lời hứa thu hẹp phạm vi của những chương trình hạt nhân mà họ đang triển khai. Dù sao thì trước mắt, Iran đã chiến đấu với Hoa Kỳ để đạt đến “một thỏa thuận ngừng bắn” trong cuộc chiến tranh tài chính, bất chấp những thiệt hại khổng lồ mà nền kinh tế của họ đã phải hứng chịu.
Cuộc chiến tranh tài chính giữa Mỹ và Iran năm 2012 - 2013 minh họa cách những quốc gia vốn không thể đối đầu với Mỹ về mặt quân sự có thể chiến đấu kiên cường như thế nào trên mặt trận tài chính hoặc điện tử. Nếu Mỹ có đồng minh là châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ thì Iran cũng có Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Ba nước này tuyên bố rộng rãi về ý định xây dựng các hệ thống thanh toán và ngân hàng mới không dựa trên đồng đô-la. Dubai đứng ở giữa đáp ứng nhu cầu của cả hai bên, giống như Thụy Sĩ trong Chiến tranh Thế giới II. Mỹ muốn “hất cẳng” Iran khỏi những hệ thống thanh toán bằng đô-la hiện hành và họ đã thành công. Nhưng như người ta thường nói, “Hãy cẩn thận với điều ước của anh”, một hệ thống thanh toán không dựa trên đồng đô-la giờ đây đang được hình thành ở châu Á và vàng đã chứng tỏ hiệu quả trong vai trò là vũ khí tài chính.
Trò chơi mèo-vờn-chuột giữa Trung Quốc, Nga, Iran, Mỹ và Triều Tiên liên quan đến tiền mặt, vàng và các lệnh cấm vận cho chúng ta thấy các vũ khí tài chính đã trở thành vũ khí ưa thích như thế nào trong các vấn đề chiến lược.
MỐI QUAN HỆ TÀI CHÍNH MẠNG
Văn phòng của Andy Marshall không phải nơi duy nhất quan tâm đến chiến tranh tài chính. Vào cuối tháng 9 năm 2012, Vương quốc Bahrain chủ trì một hội nghị kín, chỉ có những chuyên gia tiền tệ quốc tế nhận được thư mời đến thảo luận về địa chính trị của tiền tệ và dự trữ. Hội nghị bao gồm một buổi diễn tập kéo dài ba ngày về các kịch bản như sự sụp đổ của đồng đô-la Mỹ, sự trỗi dậy của các đồng tiền dự trữ ở khu vực như nhân dân tệ của Trung Quốc và rúp của Nga. Thành phần tham dự gồm có các nhà làm luật châu Âu, học giả hàng đầu, nhà báo nổi tiếng và chuyên gia về thị trường vốn.
Vào ngày 12 tháng 10 năm 2012, Liên đoàn các nhà Khoa học Mỹ tổ chức một trò chơi chiến tranh tài chính ở Washington D.C. với các kịch bản về một cuộc chiến quân sự giữa Israel và Iran. Các thành viên nhận được những kịch bản chiến tranh quân sự truyền thống, sau đó được yêu cầu đánh giá tác động tài chính và trình bày cách thức sử dụng các vũ khí tài chính để tăng cường sức mạnh.
Vào ngày 25 tháng 10 năm 2012, Boeing Corporation tổ chức một trò chơi chiến tranh tài chính khác trong một hội thảo ở Bretton Woods, News Hamsphire. Hội thảo được tổ chức tại khách sạn Mount Washington lịch sử, nơi đã diễn ra hội thảo Bretton Woods năm 1944 – sự kiện thiết lập nên hệ thống tiền tệ quốc tế được sử dụng từ cuối Chiến tranh Thế giới II cho đến khi Tổng thống Nixon ra lệnh cấm quy đổi đô-la sang vàng vào năm 1971. Mặc dù Boeing là tập đoàn chứ không phải nhà nước, nhưng gần như ai cũng biết họ cực kỳ quan tâm đến chiến tranh tài chính. Boeing có nhân viên tại 70 quốc gia và khách hàng ở 150 quốc gia. Họ cũng là một trong những công ty xuất khẩu lớn nhất thế giới. Bộ phận An ninh, Không gian và Quốc phòng của Boeing xây dựng và vận hành những nền tảng nhạy cảm nhất, tuyệt mật nhất cho các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Rất hiếm công ty nào trên thế giới có vai trò lớn như Boeing trong các vấn đề liên quan đến khả năng và tác động của chiến tranh tài chính.
Ngày 30 tháng 10 năm 2012, trường Đại học Quốc phòng hoàn thiện một trò chơi chiến tranh tài chính ảo. Dự án này kéo dài một năm, với nhà tài trợ là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cùng sự tham gia của sáu chuyên gia hàng đầu từ các học viện, viện nghiên cứu chính sách và ngân hàng lớn. Những kết luận của dự án có thể được tìm thấy trong một báo cáo tổng kết cực kỳ nhạy cảm dày 104 trang.
Trong tháng 8 năm 2013, Quân đội Thụy Sĩ triển khai một trong những trò chơi chiến tranh tài chính công phu nhất có tên là Chiến dịch Duplex-Barbara (Operation Duplex-Barbara). Trong trò chơi này, các đội quân của Thụy Sĩ sẽ bảo vệ đất nước khỏi các băng nhóm và lực lượng dân quân tưởng tượng của Pháp đang tràn qua biên giới để đòi lại số tiền mà họ cho là đã bị các ngân hàng Thụy Sĩ lấy cắp.
Tuy nhiên, ngay cả chương trình và sự phân tích sâu rộng về chiến tranh tài chính này cũng không bao quát được đầy đủ phạm vi của mối nguy hiểm. Các cuộc tấn công mạng nhắm vào hạ tầng của nước Mỹ, bao gồm ngân hàng và các định chế tài chính khác, đang ngày càng gia tăng và diễn ra dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn như vào đêm Giáng sinh 2011, ai đó đã đột nhập và tải xuống một tệp tin chứa những thông tin nhận diện cá nhân về một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ, rồi sử dụng nhằm mục đích rút toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của vị quan chức đó. Nạn nhân là Mary Schapiro, người về sau trở thành Chủ tịch SEC, quản lý tất cả các thị trường vốn của Hoa Kỳ.
Ngày 23 tháng 4 năm 2013, một tài khoản Twitter do Hiệp hội Báo chí quản lý cũng bị hack để phát tán một thông tin bịa đặt rằng Nhà Trắng đã trở thành mục tiêu của một vụ tấn công khủng bố và rằng Tổng thống Obama đã bị thương. Thông tin giả này xuất hiện chỉ vài ngày sau vụ đánh bom khủng bố tại giải Boston Marathon, theo sau đó là cuộc săn đuổi và đấu súng quyết liệt giữa cảnh sát với những kẻ đánh bom. Chỉ số Công nghiệp Dow Jones ngay lập tức giảm hơn 140 điểm, thổi bay 136 tỉ đô-la tài sản trong nháy mắt trước khi hồi phục nhờ việc xác định thông tin trên là giả mạo. Quân đội Điện tử Syria (Syrian Electronic Army) – một nhóm hacker thân Syria do Iran chống lưng đã đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công. Thành công của chúng và phản ứng của thị trường cho thấy các thị trường vô cùng nhạy cảm dễ dàng sụp đổ và bị thao túng bởi nhiều phương tiện khác nhau. Đây là thông tin cực kỳ tuyệt vời cho những kẻ đang có ý định tấn công vào nước Mỹ.
Những sự kiện trên đều chỉ đến một dạng thức tấn công tài chính nguy hiểm nhất, kết hợp giữa các cuộc tấn công mạng với chiến tranh tài chính để tăng cường sức mạnh cho nhau. Trong trường hợp này, mục đích của một cuộc tấn công mạng không phải là để vô hiệu hóa các thị trường vốn ở Mỹ. Thay vào đó, những kẻ xâm lược mạng chiếm quyền kiểm soát phần mềm nhập lệnh để giả mạo lệnh bán của các định chế tài chính lớn. Vụ sụp đổ tài chính có chủ định này tương tự như trong kịch bản quỹ đầu cơ trá hình, chỉ khác là không cần đến tiền mặt hay vốn. Máy tính sẽ được lập trình để bắt chước một nhà môi giới đang bị mất kiểm soát và cố gắng tống khứ hàng nghìn tỉ đô-la cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh.
Kịch bản này là phiên bản quy mô rộng hơn và mục tiêu rõ ràng hơn của tai họa giáng xuống Knight Capital vào ngày 1 tháng 8 năm 2012, trong đó một lỗi phần mềm đã khiến một máy tính “nổi đỉên” và nhấn chìm Sàn giao dịch Chứng khoán New York bằng hàng loạt lệnh giả. Chỉ trong mấy phút, tổng giá trị các vị thế không mong muốn của Knight đã lên tới 7 tỉ đô-la và công ty này phải chấp nhận mất 440 triệu đô-la để đảo ngược chúng. Trong lúc thảm họa này xảy ra, không ai ở Knight có thể xác định được nguồn gốc vấn đề, cũng không ai nghĩ đến việc bấm nút tắt giao dịch. Cuối cùng, để tự vệ, NYSE đã xóa Knight khỏi hệ thống.
Một thảm họa lớn hơn xảy ra vào ngày 22 tháng 8 năm 2013, khi Thị trường Cổ phiếu NAS-DAQ bị tê liệt trong ba giờ đồng hồ vì những sự cố trong hệ thống máy tính và thông tin liên lạc, mà cho đến nay vẫn chưa được giải thích một cách công khai. Không loại trừ đây là một vụ tấn công từ Bộ Tư lệnh Quốc phòng mạng Iran. Tháng 8 năm 2012, cảnh sát mạng Iran đã phá hủy 30.000 máy tính của tập đoàn dầu khi Saudi Aramco bằng virus Shamoon. Hiện nay, Iran vẫn không ngừng tiến hành nhiều hoạt động chiến tranh tài chính mạng.
Trong những kịch bản chiến tranh tài chính này, một cuộc tấn công có thể lớn đến mức khiến NYSE bị chôn vùi và phải đóng cửa mãi mãi. Cơn khủng hoảng ập đến liền sau đó sẽ gây ra thiệt hại hàng trăm tỉ đô-la.
Trong khi các chuyên gia an ninh quốc gia đã bày tỏ sự lo ngại về chiến tranh tài chính thì người ở Kho bạc Hoa Kỳ và Cục Dự trữ Liên bang lại thường xuyên dội nước lạnh lên các kết quả phân tích này, bắt đầu bằng việc ước tính tác động của chiến tranh tài chính lên thị trường, sau đó kết luận rằng Trung Quốc hoặc những nước lớn khác sẽ không bao giờ sa lầy vào đó, bởi vì nó sẽ gây nên những thiệt hại khổng lồ cho danh mục đầu tư của chính họ. Quan điểm này phản ánh một sự ngây thơ vô cùng nguy hiểm. Kho bạc Hoa Kỳ đang tưởng rằng mục đích của chiến tranh tài chính là giành lấy lợi ích về mặt tài chính. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm.
Mục đích của chiến tranh tài chính là vừa làm suy yếu năng lực của kẻ thù và khuất phục họ, vừa tìm kiếm lợi thế địa chính trị trong các khu vực mục tiêu. Việc kiếm lời trên một danh mục đầu tư chẳng liên quan gì đến một cuộc chiến tranh tài chính. Nếu kẻ tấn công có thể đẩy đối phương đến bờ vực sụp đổ hoặc rơi vào trạng thái tê liệt thông qua một thảm họa tài chính mà vẫn chiếm thế thượng phong trên các mặt trận khác thì khi đó, cuộc chiến tài chính được xem là thành công, ngay cả nếu như kẻ tấn công phải trả một cái giá không hề nhỏ. Cuộc chiến nào cũng có giá của nó. Nhiều cuộc chiến để lại thiệt hại lớn đến nỗi phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ mới có thể hồi phục. Như thế không có nghĩa là chiến tranh không xảy ra, hay những kẻ phát động chiến tranh không tìm thấy lợi thế bất chấp cái giá phải trả.
Hãy xem xét một vài phép tính sau. Nếu Trung Quốc mất 25% giá trị dự trữ ngoại tệ của mình vì một cuộc chiến tranh tài chính với Mỹ thì cái giá mà Trung Quốc phải chấp nhận là 750 tỉ đô-la. Một hạm đội gồm 12 siêu tàu sân bay lớp Ford tân tiến nhất thế giới, tương đương với lực lượng hàng không mẫu hạm lý tưởng của Hoa Kỳ, sẽ tiêu tốn 400 tỉ đô-la cho toàn bộ quá trình xây dựng, vận hành, đại tu và chi trả tất cả những chi phí liên quan khác. Con số này còn tăng lên rất nhiều khi tính đến chi phí bảo vệ đoàn tàu sân bay bằng tàu khu trục, tàu ngầm và tàu hỗ trợ, cộng thêm cả chi phí cho hệ thống trên đất liền và thủy thủ đoàn vận hành hạm đội. Nói ngắn gọn, nếu so sánh giữa việc đối đầu với Mỹ trên mặt trận tài chính và việc đối đầu với Mỹ trên không hoặc trên biển thì chi phí kinh tế của hai kịch bản không chênh nhau là bao, nhưng thiệt hại mà Trung Quốc có thể gây ra cho Mỹ trong kịch bản thứ nhất có thể lớn hơn nhiều. Trung Quốc không có một hạm đội tàu sân bay tối tân, nhưng họ có tiền và máy tính, họ sẽ tự chọn mặt trận cho mình.
Nếu chiến tranh tài chính nổ ra, Trung Quốc có thể bảo vệ dự trữ ngoại tệ của mình khỏi các đợt phong tỏa tài sản hay sự mất giá bằng cách chuyển đổi tài sản tiền mặt sang vàng – một lựa chọn mà ngày nay họ đang theo đuổi rất quyết liệt. Với mỗi thỏi vàng Chính phủ mua vào, nền tài chính của Trung Quốc lại được củng cố thêm một chút, mức thiệt hại của danh mục đầu tư và chi phí trang bị cho chiến tranh tài chính cũng giảm theo. Có lẽ, những dự tính này bắt nguồn từ vị thế quốc gia mua vàng lớn nhất thế giới mà họ đang nắm giữ.
Tầm nhìn của Kho bạc Hoa Kỳ và Cục Dự trữ Liên bang cũng không tính đến hiệu ứng liên thời gian (intertemporal effect). Một cuộc tấn công tốn kém ngắn hạn lại có thể sinh lời dài hạn. Bất kể danh mục đầu tư của Trung Quốc có bị thiệt hại như thế nào trong một cuộc chiến tranh tài chính thì chúng vẫn có thể được đảo ngược nhanh chóng trong những cuộc đối thoại hòa bình hoặc một thỏa thuận có điều kiện. Một khi tình hình đã bình thường trở lại, các tài khoản bị phong tỏa có thể được “cởi trói”, các khoản thua lỗ trên thị trường có thể được hô biến thành khoản lãi. Trong lúc đó, Trung Quốc đang nắm trong tay những lợi ích ổn định lâu dài về địa chính trị ở những khu vực như Đài Loan và biển Hoa Đông. Chính nền kinh tế Mỹ mới phải gánh chịu phần lớn thiệt hại trong cuộc đối đầu và sẽ mất nhiều năm để hồi phục.
Kho bạc Hoa Kỳ và FED bác bỏ các mối lo ngại về chiến tranh tài chính, vì họ hiểu sai về những đặc trưng thống kê của rủi ro và phụ thuộc quá nhiều vào các mô hình cân bằng đầy rẫy sai sót. Những giả định về thị trường hiệu quả và hành vi có lý trí mà các mô hình này sử dụng hoàn toàn không phù hợp với thị trường trong thực tế. Khi áp dụng vào chiến tranh tài chính, chúng cho rằng các cuộc tấn công của kẻ thù nhắm vào những cổ phiếu hoặc thị trường cụ thể sẽ tự thất bại vì các nhà đầu tư có lý trí sẽ nhảy vào chộp lấy các món hời ngay khi áp lực bán hình thành. Những hành vi như vậy chỉ xuất hiện trong thị trường tương đối bình ổn, còn trong tình hình hỗn loạn thực tế, áp lực bán sẽ tự tăng dần và tuyệt nhiên không thấy người mua. Một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sẽ lan nhanh như lửa trên đồng rạ và dẫn đến sự sụp đổ toàn diện nếu không có sự can thiệp kịp thời của Chính phủ.
Trên thực tế, động lực khủng hoảng này đã manh nha hình thành hai lần trong sáu năm qua. Tháng 9 năm 1998, các thị trường vốn toàn cầu chỉ còn vài tiếng nữa là sụp đổ hoàn toàn nếu Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York không kịp thời chỉ đạo cứu trợ khẩn cấp 4 tỉ đô-la tiền mặt cho quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management. Tháng 10 năm 2008, các thị trường vốn toàn cầu vài ngày nữa là tê liệt sau sự sụp đổ liên hoàn của các ngân hàng lớn nhất thế giới, và Quốc hội Mỹ phải triển khai gói cứu trợ TARP. FED và Kho bạc cũng can thiệp để bảo đảm cho các quỹ thị trường tiền tệ, làm chỗ dựa cho AIG và bơm hàng nghìn tỉ đô-la để tăng tính thanh khoản của thị trường. Trong cả hai cuộc khủng hoảng, người ta đều không thấy bóng dáng những tay săn món hời tưởng tượng của FED ở đâu hết.
Nói tóm lại, quan điểm của Kho bạc và FED về chiến tranh tài chính thể hiện cho cái mà các chuyên gia phân tích tình báo gọi là ảnh gương (mirror imaging). Họ giả định rằng vì Hoa Kỳ không tấn công tài chính vào Trung Quốc, nên Trung Quốc cũng sẽ không tấn công Hoa Kỳ. Chẳng những không thể nào ngăn chặn được chiến tranh mà ngược lại, tầm nhìn thiển cận như thế này còn là nguyên nhân nền tảng của chiến tranh, vì nó không hiểu được ý định cũng như khả năng của kẻ thù. Ở nơi nào có nguy cơ xảy ra chiến tranh tài chính, ở nơi đó thị trường sẽ vô cùng quan trọng đến nỗi không thể phó mặc cho Kho bạc và FED.
Không nhất thiết phải xảy ra một cuộc chiến tranh tài chính thì các vũ khí tài chính mới chứng tỏ chúng là công cụ chính sách hiệu quả, chỉ cần một quốc gia tin rằng họ đang đối mặt với một mối đe đọa nghiêm trọng. Chẳng hạn như rất có thể Tổng thống Mỹ sẽ phải từ bỏ các hoạt động quân sự bảo vệ Đài Loan, vì Trung Quốc tuyên bố rằng bất cứ hành động nào như vậy cũng sẽ dẫn đến thiệt hại hàng nghìn tỉ đô-la hoặc hơn thế nữa cho nền tài chính của Mỹ. Trong kịch bản này, Đài Loan sẽ bị bỏ mặc tự xoay sở. Những vũ khí tài chính của Trung Quốc đang cản trở học thuyết Chiến tranh Không - Biển của Andy Marshall.
Có lẽ mối đe dọa tài chính lớn nhất chính là việc những kịch bản trên có thể vô tình thành sự thật. Giữa thập niên 1960, giữa lúc nỗi sợ về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân và học thuyết Đảm bảo Tiêu diệt lẫn nhau trong Chiến tranh Lạnh đã lên đến đỉnh điểm, hai bộ phim có tựa đề Fail Safe và Dr. Strangelove về các kịch bản chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô được trình chiếu. Như được thể hiện trong phim, cả hai bên đều không muốn chiến tranh, nhưng chiến tranh vẫn nổ ra do trục trặc máy tính và hành động của những sĩ quan vô tổ chức.
Các thị trường vốn ngày nay tuyệt nhiên không có chế độ an toàn khi xảy ra sự cố. Thực chất thì chúng ngày càng giống một cỗ máy đầy lỗi, như “tai nạn” của Knight Capital và sự cố chớp nhoáng khó hiểu ngày 6 tháng 5 năm 2010 đã cho thấy. Một tai nạn trong quá trình nâng cấp hay phục hồi phần mềm cũng có thể châm ngòi cho một cuộc tấn công tài chính. Các thị trường vốn đã gần như sụp đổ vào năm 1998 và năm 2008 mà không cần tới sự giúp đỡ của những nhân vật hiểm ác. Và nguy cơ xảy ra một vụ sụp đổ tương tự trong tương lai, dù vô tình hay cố ý, cũng cao đến mức đáng sợ.
Năm 2011, tờ National Journal đăng tải một bài viết có tựa là “The Day After” mô tả chi tiết những kế hoạch tuyệt mật để đảm bảo các cơ quan Chính phủ sẽ không bị gián đoạn hoạt động khi kẻ thù xâm lược, hạ tầng sụp đổ hay thảm họa tự nhiên thảm khốc xảy ra. Những kế hoạch này gồm việc cử một phi đội trực thăng đáp cánh trên Washington Mall gần điện Capitol để đón các nhà lãnh đạo đi sơ tán đến một trung tâm điều hành khẩn cấp gọi là Mount Weather ở Virginia. Các nhân viên Bộ Quốc phòng sẽ di tản tới một lô-cốt ngầm kiên cố nằm sâu trong rặng núi Raven Rock ở biên giới Maryland-Pennsylvania, không xa Trại David là bao.
Phần lớn bài báo của Marc Ambinder đề cập đến hệ thống quân đội và những gì sẽ xảy ra nếu những quan chức nhất định, có thể bao gồm cả Tổng thống, bị chết hay mất tích. Tác giả chỉ ra rằng, những kế hoạch ứng phó với tình huống bất ngờ này đã thất bại trong cả vụ Tổng thống Reagan bị ám sát năm 1981 lẫn sự kiện 11/9. Những năm gần đây đã chứng kiến nhiều sự tiến bộ trong công tác đảm bảo an toàn thông tin liên lạc, nhưng hệ thống quân đội vẫn tồn tại nhiều sự nhập nhằng khó hiểu và Ambinder cho rằng rất có thể những thất bại sẽ tiếp tục tái diễn trong các cuộc khủng hoảng quốc gia khác.
Tuy nhiên, chiến tranh tài chính là một dạng khủng hoảng khác hẳn, với rất ít hoặc hoàn toàn không có thiệt hại vật chất. Không có quan chức nào bị chết hay mất tích và hệ thống quân giai vẫn sẽ được bảo toàn. Khi cơ sở hạ tầng không bị tấn công, thông tin liên lạc sẽ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, quốc gia chắc chắn sẽ bị tổn thương tương tự như hậu quả của một trận động đất để lại cho một thành phố lớn, vì hàng nghìn tỉ đô-la sẽ tan thành mây khói. Các ngân hàng và sàn giao dịch sẽ đóng cửa, các thị trường mất tính thanh khoản. Niềm tin cũng mất theo. Cục Dự trữ Liên bang, vốn đã lạm dụng quyền hạn để in hơn 3.000 tỉ đô-la tiền mới kể từ năm 2008 đến nay, sẽ không còn khả năng hoặc sự tín nhiệm để in thêm nữa. Tình trạng bất ổn xã hội và bạo động sẽ sớm xảy ra.
Andy Marshall và các chuyên gia hoạch định tương lai khác có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia đang xem xét rất nghiêm túc về những mối nguy hiểm này. Họ hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ Kho bạc và Cục Dự trữ Liên bang. Cả hai đều đang mải mê với ảnh gương của mình.
Mỉa mai ở chỗ, không khó để nghĩ ra giải pháp: Chia nhỏ các ngân hàng lớn thành nhiều đơn vị với quy mô đừng lớn quá đến nỗi không được phép thất bại, quay lại với hệ thống giao dịch cổ phiếu khu vực và đưa vàng trở lại hệ thống tiền tệ, vì vàng không thể bốc hơi vì một sự cố chớp nhoáng trên mạng. Chi phí ban đầu của những thay đổi này sẽ được đền bù hậu hĩnh bởi sự vững chắc của nền tài chính và những lợi ích về sau. Tuy nhiên, Quốc hội hay Nhà Trắng không hề cân nhắc một cách nghiêm túc về những biện pháp trên. Hiện tại, Mỹ là quốc gia duy nhất còn lơ mơ về mối hiểm họa xảy ra một cuộc chiến tranh tài chính và hoàn toàn không có một giải pháp nào.