B
a chương II, III và IV viết cách nhau sáu năm, từ 1954 tới 1960. Chúng được truyền khắp nước từ nơi phát xuất – Oberlin, Ohio, St. Louis, Missouri, và Pasadena, California. Chúng cũng xuất hiện trong một thời kì có rất nhiều công trình khảo cứu, tới độ những quan điểm đưa ra trong chương thứ nhất đã được xác nhận khá vững chắc vào thời gian xuất bản chương III.
Trong bài nói chuyện ở Oberlin College năm 1954 sau đây, tôi đã cố gắng đúc kết các nguyên tắc cơ bản của tâm lí trị liệu đã được trình bày dài dòng trong các tác phẩm trước đó như Counseling and Psychotherapy (Tư vấn và Tâm lí trị liệu, 1942) và Client - Centered Therapy (Liệu pháp Thân chủ - trọng tâm, 1951). Ở đây tôi chỉ chú tâm trình bày mối tương giao trợ lực và các kết quả của nó, chứ không muốn mô tả hoặc bình luận về diễn trình tạo nên sự thay đổi.
Việc đối diện với một người bất an, xung đột, đang đi tìm và trông đợi sự giúp đỡ, đã luôn luôn tạo nên một thách thức lớn lao với tôi. Tôi có đủ kiến thức, phương pháp, sức mạnh tâm lí, kĩ năng – tôi có đủ tất cả những gì cần để giúp đỡ một người như vậy không?
Hơn hai mươi lăm năm, tôi đã cố gắng đương đầu với loại thách thức này. Tôi phải vận dụng mọi kiến thức nghề nghiệp của tôi, các phương pháp đo lường nhân cách tôi học được tại trường Đại học Sư phạm Columbia, các kiến giải về phân tâm học của Freud, các phương pháp của Viện hướng dẫn trẻ em – nơi tôi đã làm việc với tư cách một nội trú viên, những phát triển liên tục trong lĩnh vực tâm lí trị liệu mà tôi đã tham dự mật thiết, bản trình bày tóm tắt công việc của Otto Rank, các phương pháp của tâm bệnh xã hội học, cùng nhiều phương pháp khác không thể kể hết. Nhưng điều có ý nghĩa hơn tất cả là sự học hỏi liên tục nơi chính kinh nghiệm của tôi, nơi các cộng sự của tôi ở Trung tâm Khải đạo, trong khi cố gắng khám phá cho chính mình những phương sách hữu hiệu để giúp đỡ những người đang sầu khổ. Dần dần tôi đã phát triển được một đường lối làm việc xuất phát từ kinh nghiệm trên. Đường lối này được trắc nghiệm, gạn lọc và tu chỉnh lại qua nhiều kinh nghiệm, nhiều khảo cứu khác nữa.
Giả thuyết tổng quát
Trong những năm đầu hành nghề, tôi thường đặt câu hỏi: “Làm cách nào tôi có thể chữa trị, hoặc trị liệu, hoặc thay đổi người này?” Thì nay, sự thay đổi đã diễn ra nơi tôi, tôi sẽ hỏi: “Làm cách nào tôi có thể đem lại một mối tương giao, từ đó giúp người ấy có thể tự phát triển?”
Nhờ đặt vấn đề theo hướng thứ hai này, tôi mới biết rằng, bất cứ điều gì tôi học hỏi được đều có thể áp dụng cho các mối tương giao của tôi với tha nhân, chứ không chỉ riêng với những thân chủ gặp trở ngại tâm lí. Tôi cũng thấy những điều tôi học hỏi được qua kinh nghiệm riêng, có ý nghĩa với tôi, cũng có thể có ý nghĩa với các bạn, trong kinh nghiệm riêng của các bạn, bởi suy cho cùng tất cả chúng ta đều sống trong sự tương giao với người khác.
Dần dần trong quá trình trị liệu tôi nhận ra rằng, tôi không thể giúp gì được một người đang bất an bằng bất cứ phương pháp nào dựa trên kiến thức, sự tập luyện, hoặc trên những gì người khác dạy cho tôi. Các phương pháp khá hấp dẫn và trực tiếp này, trong quá khứ, tôi đã thử dùng rất nhiều lần. Có thể giảng giải cho một người về chính người đó, phác họa những giai đoạn sẽ đưa người đó tới chỗ trưởng thành, huấn luyện cho người đó biết sống một lối sống thỏa đáng hơn. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, tất cả các phương pháp như vậy sẽ vô ích và vô hiệu. Cùng lắm, chúng chỉ có thể tạo ra sự thay đổi tạm thời, sớm tan biến và làm cho người đó càng tin vào sự yếu kém của mình hơn.
Sự thất bại của những phương pháp duy lí này thúc đẩy tôi nhận ra, sự thay đổi phải đến qua kinh nghiệm trong mối tương giao. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng trình bày thật ngắn gọn và giản dị một vài giả thuyết cốt yếu về mối tương giao hữu dụng càng ngày càng được cả kinh nghiệm lẫn các khảo cứu xác nhận.
Giả thuyết chính yếu như sau: Nếu tôi có thể đem lại một loại tương giao nào đó, thì người khác sẽ khám phá thấy trong chính họ cái khả năng sử dụng mối tương giao ấy để trưởng thành, sự thay đổi cùng sự phát triển con người của họ sẽ theo đó diễn ra.
Xin tách giả thuyết trên ra làm ba phần lớn để giải thích xem ý nghĩa của mỗi phần đối với tôi như thế nào.
Mối tương giao đó là gì?
Đầu tiên, tôi nhận thấy rằng, tôi càng chân thực trong sự tương giao, thì mối tương giao càng hữu hiệu. Điều này có nghĩa là, tôi cần phải ý thức cảm quan của chính tôi tới chừng nào có thể được, thay vì trình diện một cái mặt nạ bên ngoài, trong khi bên trong lại giữ một thái độ khác hẳn. Chân thực cũng có nghĩa là muốn sống và muốn biểu lộ trong lời nói, trong hành vi của tôi những cảm quan, cùng thái độ khác nhau hiện hữu trong tôi. Chỉ bằng cách này, mối tương giao mới thực hữu, và sự thực hữu này hết sức quan trọng, đó là điều kiện tiên quyết. Chỉ khi nào tôi cung cấp thực tại chân thực trong tôi, thì người khác mới có thể tìm được thực tại trong chính họ. Tôi thấy điều này đã được xác thực, cả với những thái độ mà tôi không ưa thích, lẫn những thái độ tích cực dẫn tới một mối tương giao tốt đẹp. Dù thế nào, điều cực kì quan trọng là phải chân thực.
Điều kiện thứ hai là, tôi càng chấp nhận yêu thích một người, thì tôi càng tạo ra được mối tương giao mà người ấy có thể nương vào và lấy đó làm nền tảng cho một cuộc đổi thay. “Chấp nhận” có nghĩa là nhiệt tình, tôn trọng người ấy như một con người có giá trị tự tại vô điều kiện – bất kể địa vị, hành vi, cảm quan của người ấy. Nó có nghĩa là tôn trọng và yêu mến người ấy như một con người riêng biệt, muốn cho người ấy là người ấy ngay trong lúc này, bất kể sự thể hiện đó tiêu cực hay tích cực như thế nào, bất kể chúng trái ngược với thái độ của người ấy trong quá khứ tới đâu. Chấp nhận mọi phương diện biến chuyển của người ấy tạo cho người ấy một mối tương giao ấm cúng, an toàn, và sự chắc chắn được yêu mến, được tôn trọng như một con người là một phần hết sức quan trọng trong mối tương giao hữu hiệu.
Trong một mối tương giao có ý nghĩa, tôi luôn muốn hiểu rõ, muốn cộng cảm bén nhạy, muốn thông đạt mọi cảm quan của thân chủ, y như thân chủ cảm thấy trong lúc đó. Chấp nhận không có ý nghĩa nhiều nếu nó không đưa đến sự cảm thông. Chỉ khi tôi cảm thông được các cảm quan và tư tưởng của bạn, dù chúng hết sức kinh khủng đối với tôi, dù chúng hết sức yếu đuối, hết sức cảm tính, hoặc hết sức kì quái – chỉ khi tôi thấy chúng y như bạn thấy chúng, chấp nhận chúng, chấp nhận bạn, thì bạn mới thực sự cảm thấy được an toàn và tự do thám hiểm mọi ngóc ngách giấu kín và những nứt rạn đáng sợ trong nội tâm bạn, cũng như những kinh nghiệm bị chôn vùi trong chính bạn. Cảm giác an toàn và tự do này là điều kiện quan trọng của mối tương giao. Nó vượt lên mọi loại thẩm định giá trị đạo đức hay chẩn đoán. Vì mọi thứ thẩm định giá trị luôn luôn mang tính đe dọa.
Vậy, mối tương giao hữu ích là mối tương giao mà về phần tôi, nó vô tư trong suốt, trong đó cảm quan thực sự của tôi hiển hiện rõ ràng, (i) bằng sự chấp nhận người khác như một con người riêng biệt có quyền, có giá trị riêng; và (ii) bằng một sự cảm thông sâu xa giúp tôi có thể nhìn thế giới riêng tư của người ấy qua con mắt của người ấy. Khi các điều kiện trên được thực hiện, thì tôi trở thành một người bạn đồng hành của thân chủ tôi, theo chân họ trong sự tìm kiếm chính mình – hành trình đó bây giờ đây họ cảm thấy được tự do đảm nhiệm trong một bầu không khí an toàn.
Không phải lúc nào tôi cũng có thể thực hiện được loại tương giao này với người khác. Nhưng tôi xin nói rằng, khi tôi giữ được trong tôi thái độ vô tư trong suốt ấy, và khi người khác có thể thấy được phần nào thái độ đó, thì tôi tin sự thay đổi và phát triển một cách tích cực “nhất định” sẽ diễn ra nơi người đó – tôi chỉ dùng chữ “nhất định” sau khi đã suy nghĩ rất lâu và kĩ càng.
Động lực của sự thay đổi
Giai đoạn thứ hai trong giả thuyết chính yếu của tôi là: Con người sẽ khám phá được trong chính mình khả năng sử dụng mối tương giao này để trưởng thành. Tôi sẽ cố gắng trình bày ý nghĩa của giai đoạn này đối với tôi.
Dần dần qua kinh nghiệm tôi đi đến kết luận rằng, con người có trong chính mình cái khả năng và xu hướng tiềm ẩn, nếu không muốn nói là hiển nhiên, tiến tới sự trưởng thành. Trong một bầu không khí tâm lí thích hợp, xu hướng này sẽ được giải tỏa, và trở thành hiện thực thay vì tiềm tàng. Xu hướng này thể hiện trong việc con người có khả năng hiểu rõ các phương diện của đời mình, của chính mình, hiểu những điều làm cho mình đau đớn và bất mãn. Đây là sự thấu biết vượt qua vài hiểu biết trên bề mặt, để dò dẫm đi sâu hơn vào những kinh nghiệm bị che giấu khỏi ý thức (vì bản chất đe dọa của chúng). Sự thấu biết tự biểu lộ trong xu hướng tổ chức lại nhân cách và mối tương giao của mình với cuộc đời theo những cách được coi là trưởng thành hơn. Người ta có thể gọi nó là hướng phát triển, xu hướng thực hiện bản ngã, xu hướng tiến tới – dù là gì thì nó cũng là động lực chính yếu của đời sống, và nó cũng là một xu hướng mà tất cả mọi phương pháp trị liệu tâm linh đều phải dựa vào. Nó là sự thúc đẩy hiển hiện trong đời sống tự nhiên và xã hội – trải rộng ra, bành trướng ra, trở nên tự chủ, phát triển, trưởng thành… Nó là xu hướng biểu lộ ra và tác động đến mọi khả năng của cơ thể. Xu hướng này có thể bị chôn sâu dưới nhiều tầng phòng vệ tâm lí đóng cứng, có thể bị che giấu đằng sau những mặt nạ phủ nhận sự hiện hữu của nó. Nhưng tôi tin rằng sự trưởng thành hiện hữu trong mọi người, nó chỉ đợi những điều kiện thuận tiện để được giải tỏa và biểu lộ.
Kết quả
Giai đoạn thứ ba của giả thuyết tổng quát là sự thay đổi và phát triển sẽ xảy ra ở con người. Giả thuyết của tôi là: Trong một tương giao hữu hiệu như vậy, con người sẽ tự tổ chức lại nhân cách của mình, cả ở mức ý thức cũng như tầng vô thức, theo phương cách hòng đương đầu với đời sống một cách tích cực hơn, thông minh hơn, trong một đường lối xã hội hóa hơn, thỏa đáng hơn.
Ở đây tôi rời khỏi suy tư lí thuyết, để đem vào những kiến thức khảo cứu đang được tích lũy. Chúng ta biết rằng, những người sống trong một tương giao hữu hiệu, dù chỉ trong một số giới hạn, cũng thay đổi từ sâu xa và đầy ý nghĩa về nhân cách, thái độ và hành vi. Sự thay đổi này không có trong những nhóm kiểm soát.
Trong mối tương giao đó, con người trở nên hợp nhất hơn, hữu hiệu hơn. Con người ấy có những tính tình của một người lành mạnh, sống tràn đầy, trọn vẹn. Người ấy sẽ: (i) thay đổi quan niệm về chính mình, và trở nên thực tế hơn trong những quan điểm về bản thân; (ii) đến gần hơn với mẫu người mà người ấy ao ước; (iii) đánh giá mình đúng hơn; (iv) tự chủ và tự tin hơn; (v) hiểu rõ chính mình và cởi mở với kinh nghiệm của mình hơn.
Trong thái độ, người ấy sẽ chấp nhận người khác, thấy người khác giống mình hơn.
Trong hành vi, người ấy cũng biểu lộ những thay đổi tương tự. Người ấy dù bị ức chế bởi stress cũng sẽ hồi phục mau chóng. Bạn bè nhận thấy người ấy trưởng thành hơn và có thể đương đầu với hoàn cảnh một cách sáng tạo hơn.
Đó là những thay đổi đã xảy ra nơi những người vừa hoàn tất một loạt các buổi trị liệu trong bầu không khí tâm lí gần giống như mối tương giao tôi đã mô tả. Mỗi điều ấy đều dựa trên những bằng chứng khách quan. Còn cần phải thực hiện nhiều công cuộc khảo cứu thêm nữa, nhưng không còn ai nghi ngờ gì về hiệu lực của mối tương giao như vậy trong việc tạo ra sự thay đổi nơi nhân cách con người.
Một giả thuyết rộng hơn về các tương giao nhân loại
Đối với tôi, điều hấp dẫn nhất của các khám phá trên không phải chỉ là chúng chứng tỏ hiệu lực của một hình thức trị liệu tâm lí, dù điều này không phải là không quan trọng. Sự hấp dẫn nằm ở chỗ, các khám phá trên đã mở đường cho một giả thuyết rộng lớn hơn về tất cả mọi tương giao nhân loại. Xét đến cùng, tương giao trị liệu cũng là một trường hợp của tương quan giữa người với người, và một quy luật như thế sẽ chi phối các tương quan khác. Rất có lí để giả thiết rằng:
Nếu cha mẹ tạo được bầu không khí như tôi đã mô tả đối với con cái, thì con cái sẽ trở nên tự chủ hơn, xã hội hóa hơn và trưởng thành hơn.
Nếu thầy giáo tạo được một tương giao như vậy với lớp học, thì học sinh sẽ trở nên những học viên tự giác, độc đáo hơn, kỉ luật tự giác hơn, ít lo âu và ít bị người khác điều khiển hơn.
Nếu nhà quản lí, hoặc nhà lãnh đạo tạo được một không khí như vậy trong tổ chức của mình thì nhân viên sẽ trở nên có trách nhiệm hơn, sáng tạo hơn, có thể thích ứng với những vấn đề mới mẻ hơn, có tinh thần cộng tác hơn.
Đối với tôi, có thể nói rằng chúng ta đang thấy một lĩnh vực mới của những tương giao nhân loại xuất hiện, trong đó, ta có thể khẳng định là nếu có những điều kiện và thái độ nào đó, thì sự thay đổi rõ rệt sẽ xảy ra.
Kết luận
Tôi đã chia sẻ với các bạn những điều tôi học hỏi được trong khi cố gắng giúp đỡ những người bất an, đau khổ, không thích ứng. Tôi đã phác họa giả thuyết càng ngày càng có ý nghĩa đối với tôi – không phải chỉ trong sự tương giao với những thân chủ sầu khổ, mà trong tất cả mọi loại tương giao của tôi với người khác. Những kiến thức khảo cứu được đủ để hỗ trợ giả thuyết trên, nhưng vẫn còn cần nhiều công cuộc nghiên cứu hơn nữa. Bây giờ tôi muốn tập hợp các điều kiện giả thuyết tổng quát trên thành một câu khẳng định và chỉ rõ các kết quả của chúng.
Nếu tôi tạo được một mối tương giao định tính bằng:
• sự chân thực và trong suốt, trong đó tôi sống với các cảm quan thực của tôi;
• sự nhiệt tình tôn trọng và chấp nhận người khác như một cá nhân riêng biệt;
• khả năng nhạy cảm để nhìn thế giới của người đó và chính người đó y như người đó nhìn họ
Thì người kia sẽ:
• kinh nghiệm và hiểu được những phương diện trước đây bị đè nén trong chính mình;
• thấy mình trở nên hợp nhất hơn, có thể hành động hữu hiệu hơn;
• trở nên giống mẫu người mà mình muốn trở thành hơn;
• tự chủ hơn và tự tin hơn;
• trở nên người hơn, độc đáo hơn và tự bộc lộ hơn;
• hiểu người khác và chấp nhận người khác hơn;
• có thể đương đầu với những vấn đề của đời sống một cách thích đáng và dễ chịu.
Tôi tin rằng những điều này vẫn đứng vững dù tôi nói về mối tương giao của tôi với một thân chủ, với một nhóm sinh viên, với một tập thể nhân viên, với gia đình tôi hay với con cái tôi. Dường như đối với tôi, ở đây chúng ta đã có một giả thuyết đại cương đem lại khả năng hấp dẫn cho sự phát triển những con người sáng tạo, thích ứng và tự chủ.