M
ùa xuân năm 1960 tôi được mời tới Viện Kĩ thuật Californie với tư cách một khách mời trong chương trình “Các nhà lãnh đạo Mĩ” của họ, do Cal Tech – YMCA đỡ đầu, hội này đã sắp đặt hầu hết các chương trình văn hóa cho Viện. Như một phần của bốn ngày thăm viếng này, tôi được mời nói chuyện tại một buổi hội thảo của các giáo sư và hội đồng khoa. Tôi sốt sắng nói về tâm trị liệu theo một đường lối có ý nghĩa đối với các nhà khoa học, và với tôi, việc trình bày tóm tắt những công trình khám phá về trị liệu có thể giúp ích cho điều này. Mặt khác, tôi cũng muốn làm sáng tỏ rằng, mối tương giao chủ quan và cá nhân ít ra cũng là một phần cơ bản của sự thay đổi trị liệu. Vì thế, tôi đã cố gắng trình bày cả hai phương diện. Trong chương này, tuy có sửa đôi chút, nhưng đây vẫn là những gì thiết yếu nhất tôi đã nói với cử tọa ở Cal Tech.
Bài thuyết trình có vẻ đã được tiếp nhận nồng nhiệt, một số người có kinh nghiệm trị liệu còn tiếp cận và đọc được các bản thảo viết tay, họ rất thích thú với phần mô tả kinh nghiệm nội tâm của thân chủ trong quá trình trị liệu. Cá nhân tôi thấy rất thỏa lòng, bởi tôi vốn đặc biệt ham mê các ghi chép về những cảm nghĩ trị liệu của thân chủ.
Lĩnh vực trị liệu tâm lí thập niên vừa qua đã thực hiện được bước tiến bộ đáng kể, đó là đo lường những kết quả trị liệu về mặt nhân cách và hành vi của thân chủ. Trong 2-3 năm gần đây, một tiến bộ nữa là chúng ta tìm ra và xác định được những điều kiện cơ bản trong mối tương giao trị liệu, hòng giúp cá nhân phát triển, hướng tới sự trưởng thành về tâm lí. Nói cách khác, chúng tôi đã có thể minh định yếu tố nào trong mối tương giao giúp ích cho sự trưởng thành của con người.
Tâm lí trị liệu, bản thân nó, không đem lại động lực cho sự phát triển hay trưởng thành đó. Động lực này nằm trong chính mỗi người, giống như xu hướng phát triển và trưởng thành về thể chất của con người, khi được cung cấp những điều kiện thỏa đáng tối thiểu. Nhưng tâm lí trị liệu đóng một vai trò cực kì quan trọng trong việc giải phóng và tạo điều kiện thuận lợi cho khuynh hướng phát triển, trưởng thành về tâm lí của con người khi nó bị ngăn chặn hoặc bế tắc.
NHỮNG HIỂU BIẾT KHÁCH QUAN
Đầu tiên, tôi muốn tóm tắt những gì tôi biết về các điều kiện thuận lợi giúp cho sự trưởng thành tâm lí, về diễn trình và các đặc tính của sự trưởng thành này. Khi nói rằng tôi “biết”, tức là tôi sẽ giới hạn phát biểu của mình trong những điều tôi đã có bằng chứng thực nghiệm khách quan. Chẳng hạn, tôi sẽ nói về các điều kiện của sự trưởng thành tâm lí. Sau mỗi nhận xét tôi có thể dẫn một hoặc hai khảo cứu, trong đó người ta nhận thấy rằng, khi những điều kiện này xuất hiện thì những thay đổi ở cá nhân xảy ra, và khi những điều kiện này vắng mặt, hoặc xuất hiện ở mức độ thấp hơn nhiều, thì sự thay đổi đó không xảy ra.
Những điều kiện thuận lợi cho sự trưởng thành tâm lí
Như một nhà nghiên cứu tuyên bố, điều chúng tôi đã thực hiện được là tìm ra những yếu tố căn bản, tạo điều kiện cho sự thay đổi, cải thiện tính cách và hành vi theo chiều hướng phát triển nhân cách. Tất nhiên cần phải nói thêm rằng, những hiểu biết này, cũng như mọi kiến thức khoa học khác, chỉ có tính thí nghiệm, chắc chắn là không đầy đủ, và phải được sửa đổi, được đính chính lại từng phần, được bổ túc bằng những công việc khổ nhọc khác trong tương lai. Tuy nhiên, chẳng có lí do nào để phải biện hộ cho những kiến thức tuy nhỏ, nhưng rất dầy công thu lượm, mà chúng tôi hiện có. Và tôi muốn chia sẻ những kiến thức này thật ngắn gọn, rõ ràng, trong một thứ ngôn ngữ thường ngày gần gũi.
Điều kiện đầu tiên thuận lợi cho sự thay đổi của một cá nhân là khi nhà trị liệu là-chính-anh-ta. Trong mối tương giao với thân chủ, nhà trị liệu cần hết sức chân thật, trong ngoài như một, không làm bộ, không đeo mặt nạ, cởi mở về những cảm xúc và thái độ đang diễn ra ở trong mình ngay lúc ấy. Chúng tôi dùng chữ nhất quán, hòa hợp (congruence) để cố gắng mô tả trạng thái này. Đó là trạng thái mà nhà trị liệu có thể sáng tỏ về những cảm xúc mình đang trải qua, có thể ý thức được chúng, có thể sống với chúng, chấp nhận chúng và có thể truyền tải chúng đến người khác nếu cần thiết. Thật khó để đạt được trọn vẹn trạng thái này, song nhà trị liệu càng có thể lắng nghe và chấp nhận những gì đang diễn ra trong chính mình, càng có thể sống với tất cả những cảm xúc phức tạp của mình, không sợ hãi, không trốn tránh, thì mức độ nhất quán, hòa hợp của anh ta càng cao.
Chẳng hạn, một trong những điều làm cho chúng ta không ưa những quảng cáo trên truyền thanh và truyền hình là vì nó được thể hiện hoàn hảo một cách “đáng ngờ” từ giọng nói của phát thanh viên, như thể đang “diễn” vậy, nó tạo cho người ta cảm giác họ đang nói những điều mình không cảm thấy. Đó là một ví dụ về sự “không nhất quán” (incongruence).
Mặt khác chúng ta đều biết, chúng ta có thể tin cậy một người là vì chúng ta cảm thấy họ thành thật là chính họ, chúng ta đang giao tiếp với chính con người của họ, chứ không phải với một vẻ ngoài lễ độ hay chuyên nghiệp. Các cuộc khảo cứu đều thấy rằng, chính đặc tính này giúp cho việc trị liệu có hiệu quả. Nhà trị liệu càng chân thật, càng nhất quán trong tương giao, thì khả năng cho sự thay đổi trong nhân cách của thân chủ càng cao.
Điều kiện thứ hai là, nếu nhà trị liệu có thái độ nồng nhiệt, tích cực và chấp nhận những gì trong con người của thân chủ, thì sự thay đổi nơi thân chủ sẽ diễn ra thuận lợi. Điều này hàm ý là, nhà trị liệu chân thành mở lòng với bất cứ cảm xúc nào đang diễn ra trong thân chủ lúc đó, dù là sợ hãi, bối rối, là đau đớn hay kiêu hãnh, là giận dữ, thù ghét hay yêu thương, là can đảm hay kinh hãi... Có nghĩa là nhà trị liệu quan tâm đến thân chủ mà không nảy sinh sự chiếm hữu. Có nghĩa là nhà trị liệu tôn trọng thân chủ một cách vô điều kiện, chứ không phải lúc thì chấp nhận hành động này, khi thì không chấp nhận hành động kia. Đó phải là một tình cảm tích cực, không dè dặt, không phê phán. Tôi gọi thái độ này là sự quan tâm tích cực vô điều kiện. Các công trình khảo cứu cũng chứng tỏ rằng nhà trị liệu càng kinh nghiệm được thái độ trên thì cuộc trị liệu càng dễ đi tới thành công.
Điều kiện thứ ba là sự thấu hiểu, sự cảm thông trọn vẹn. Nghĩa là nhà trị liệu có thể cảm những điều thân chủ thân chủ đang cảm, thâm nhập vào những điều thân chủ đang nghĩ, có thể tri giác chúng từ “bên trong” như thân chủ đang tri giác, và có thể truyền đạt những điều mình thấu hiểu đấy cho thân chủ.
Hẳn là mỗi người trong chúng ta đều thấy rằng loại cảm thông trên hết sức hiếm hoi. Chúng ta hầu như chẳng được cảm thông, và cũng gần như không cảm thông cho ai. “Tôi hiểu điều tồi tệ đã xảy đến với cậu.” “Tôi hiểu vì sao anh hành động như thế.” Hoặc “Mình cũng từng gặp rắc rối giống như vậy, nhưng mình không làm thế...” Đó là kiểu “cảm thông” mà chúng ta thường thấy: Một kiểu cảm thông mang tính thẩm định, phê phán từ bên ngoài, nó không giúp ích gì cho mối tương giao. Khi có người hiểu được tôi đang cảm thấy như thế nào, mà không phân tích, đánh giá, phê phán tôi, thì trong bầu không khí đó, tôi có thể mở lòng và để cho những mầm thay đổi nảy nở trong tôi. Những nghiên cứu cũng xác nhận điểm này.
Khi nhà trị liệu có thể nắm được từng khoảnh khắc đang diễn ra trong thế giới nội tâm của thân chủ, y như thân chủ đang thấy và cảm, mà không đánh mất sự độc lập, không lệ thuộc vào tình cảm của thân chủ trong diễn trình thấu cảm ấy, thì sự thay đổi thế nào cũng xảy ra.
Các cuộc nghiên cứu với nhiều thân chủ khác đều chứng tỏ rằng, khi nhà trị liệu hội đủ ba điều kiện trên, và khi thân chủ tri giác được chúng tới một mức độ nào đó, thì chuyển động trị liệu xảy ra: Thân chủ thấy mình đau đớn, nhưng nhất định là nỗi đau của một cuộc học hỏi và cuộc “lột xác” để trưởng thành. Cả thân chủ lẫn nhà trị liệu đều thấy mãn nguyện với kết quả đó. Theo các nghiên cứu của chúng tôi thì dường như chính những thái độ như thế quyết định căn bản đến sự thay đổi trong việc trị liệu, thay vì kiến thức, kĩ thuật và sự khéo léo của nhà trị liệu.
Những động lực của sự thay đổi nơi người được trị liệu
Các bạn có thể hỏi: “Vậy thì tại sao một người đang tìm kiếm sự giúp đỡ lại trở nên lành mạnh hơn khi người ấy được tham dự vào mối tương giao với một nhà trị liệu có những yếu tố tích cực như trên trong một quãng thời gian? Điều đấy đã xảy ra như thế nào vậy?” Thì đây, tôi xin cố gắng trả lời thật vắn tắt cho câu hỏi của các bạn.
Phản ứng của thân chủ khi trải qua loại tương giao trị liệu tích cực (như đã nói trên) trong một thời gian sẽ là một phản ứng hỗ tương với các thái độ của nhà trị liệu.
Trước hết, khi thấy người khác lắng nghe và chấp nhận các cảm xúc của mình như nó vốn thế, thì dần dần người ấy có thể lắng nghe chính mình. Người ấy bắt đầu tiếp nhận những tín hiệu từ bên trong mình, ý thức rằng mình đang giận dữ, nhận biết khi mình sợ hãi, cũng như thấy mình đầy can đảm... Khi người ấy trở nên cởi mở hơn với những gì đang diễn ra trong mình, người ấy có thể lắng nghe những cảm xúc mà mình luôn phủ nhận và kìm nén. Người ấy có thể lắng nghe những cảm xúc dường như với họ là hết sức kinh khủng, hỗn loạn, bất thường, hay đáng xấu hổ, mà chưa bao giờ người đấy nhận biết được sự tồn tại của chúng trong chính mình.
Trong khi học cách lắng nghe chính mình, thân chủ cũng trở nên chấp nhận mình hơn. Khi biểu lộ ngày càng nhiều những khía cạnh tiềm ẩn và khủng khiếp của bản thân, thân chủ thấy nhà trị liệu luôn luôn tôn trọng mình và các cảm xúc của mình một cách tích cực vô điều kiện và nhất quán. Dần dần thân chủ cũng tiến tới chỗ có cùng một thái độ như vậy với chính mình, chấp nhận đúng như con người thật của mình, và vì thế sẵn sàng tiến bước trên tiến trình thành nhân.
Và cuối cùng, vì lắng nghe những cảm xúc nội tâm một cách chính xác hơn, trở nên ít phê phán hơn và chấp nhận mình hơn, thân chủ cũng tiến tới chỗ trung thực, nhất quán hơn (congruence). Thân chủ thấy mình có thể bước ra khỏi tấm mặt nạ mình đã sử dụng, buông xuống những hành vi phòng vệ, và công khai trở thành con người mình thật sự muốn trở thành. Khi những thay đổi này diễn ra, khi thân chủ trở nên tự nhận thức về chính mình hơn, chấp nhận mình hơn, ít phòng thủ và cởi mở hơn, thì thân chủ thấy rằng, cuối cùng mình được tự do thay đổi và phát triển theo chiều hướng thuận tự nhiên, hòa hợp với thân thể mình.
Diễn trình thay đổi của thân chủ
Bây giờ tôi xin trình bày bằng những khẳng định phát xuất từ những khảo cứu thực nghiệm: Diễn trình cho thấy rằng thân chủ di chuyển trên mỗi hàng số gồm những chuỗi giá trị liên tiếp. Dù bắt đầu ở bất cứ điểm nào trên hàng số đó, thân chủ cũng có xu hướng di chuyển dần về phía những giá trị cao hơn ở phía cuối hàng.
Về cảm xúc và ý nghĩa cá nhân, thân chủ tránh xa tình trạng trong đó cảm xúc không được nhận thức, không được thừa nhận, không được biểu lộ. Thân chủ tiến tới chỗ linh động hơn, trong đó các cảm xúc biến hóa không ngừng được trải nghiệm ngay tức khắc, một cách có ý thức, được chấp nhận, và có thể được biểu đạt một cách chân xác.
Diễn trình này còn bao hàm sự thay đổi trong cách trải nghiệm của thân chủ. Ban đầu người đấy rất xa cách với trải nghiệm của mình. Chẳng hạn, người quá lí trí thường nói về mình và cảm xúc của mình một cách trừu tượng, khiến bạn không biết điều gì đang thực sự diễn ra trong nội tâm họ. Trong diễn trình thay đổi, thân chủ từ sự xa cách đó, tiến tới chỗ trực tiếp trải nghiệm những gì đang xảy ra trong mình, cởi mở với những trải nghiệm đó, và biết rằng mình có thể quay về trải nghiệm đó để khám phá ý nghĩa hiện hữu của nó.
Diễn trình này cũng bao hàm sự mở rộng bản đồ nhận thức về trải nghiệm. Từ việc giải thích trải nghiệm theo cách cứng nhắc, nhận thức chúng như những dữ kiện ngoại lai, thân chủ tiến tới diễn giải một cách linh hoạt, rộng mở về ý nghĩa của trải nghiệm đối với mình, xem đó là những dòng chảy sẽ được bồi đắp và kiến tạo bởi những trải nghiệm mới.
Tựu chung lại, thực nghiệm trị liệu cho thấy, diễn trình thay đổi
(i) đưa thân chủ thoát khỏi sự bảo thủ, sự xa cách với cảm giác và trải nghiệm của chính mình, thoát khỏi quan niệm cứng nhắc về bản thân, khỏi sự xa lánh người khác và hành động phi nhân bản;
(ii) hướng tới sự linh động, trôi chảy, tới sự thay đổi và trực tiếp của cảm xúc và trải nghiệm; dần dần chấp nhận cảm xúc và trải nghiệm đó;
(iii) khám phá một bản ngã đang trong quá trình kiến tạo chính nó qua những trải nghiệm sống động và biến đổi, những tương giao chân thành và vô tư, trong sự hợp nhất vẹn toàn của đời sống.
Bản thân chúng tôi vẫn còn đang tiếp tục học hỏi thêm nữa về diễn trình, theo đó, sự thay đổi đã diễn ra này. Tôi hi vọng, tóm tắt hết sức ngắn gọn này truyền tải được một phần trong những khám phá phong phú của chúng tôi.
Những kết quả của việc trị liệu
Sau đây tôi xin nói về những kết quả của việc trị liệu, về những sự thay đổi lâu dài đã diễn ra, với những bằng chứng khảo cứu xác thực.
- Thân chủ thay đổi và tổ chức lại quan niệm về bản ngã của mình;
- Thân chủ thoát khỏi việc: coi mình là không thể chấp nhận được đối với chính mình, coi mình là không đáng tôn trọng, thấy mình phải sống theo tiêu chuẩn của người khác;
- Thân chủ tiến tới một quan niệm về mình như là một người có giá trị, một người có khả năng tự định hướng, có thể hình thành các tiêu chuẩn và giá trị của mình dựa trên kinh nghiệm của chính mình;
- Thân chủ phát triển thái độ tích cực hơn đối với bản thân;
Một thiên khảo cứu chứng minh rằng lúc bắt đầu trị liệu, các thái độ hiện có với bản ngã của thân chủ là bốn phần năm tiêu cực. Nhưng đến giai đoạn thứ năm của cuộc trị liệu, các thái độ tích cực với bản ngã gấp đôi thái độ tiêu cực.
- Thân chủ trở nên ít phòng thủ hơn, và do đó, cũng cởi mở hơn với trải nghiệm của mình cũng như của người khác;
- Thân chủ trở nên thực tiễn hơn, và cá biệt hơn trong những nhận thức của mình;
- Thân chủ cải thiện khả năng điều chỉnh tâm lí của mình – kết quả này là như nhau, dù được đo bằng trắc nghiệm Rorschach hay trắc nghiệm TAT, bằng sự định giá của nhà trị liệu hay bất cứ một chỉ số nào khác;
- Thân chủ thay đổi các mục tiêu và lí tưởng của mình sao cho chúng có thể thực hiện được;
- Sự sai biệt ban đầu giữa cái-tôi-là và cái-tôi-muốn- trở-thành của thân chủ đã được thu hẹp lại; các loại căng thẳng – từ căng thẳng thể chất, cho đến những lo âu, phiền muộn về tâm lí – đều được giảm trừ;
- Thân chủ mô tả hành vi của chính mình là trưởng thành hơn, và điều quan trọng nhất, những người biết rõ thân chủ cũng thấy là họ cư xử theo cung cách trưởng thành hơn.
Không những chỉ những khảo cứu trong thời gian trị liệu chứng minh là có sự thay đổi, mà những khảo cứu theo dõi sau khi trị liệu từ 6 cho đến 18 tháng cũng chứng tỏ rằng các thay đổi vẫn được duy trì.
Tôi thấy rằng, với các dữ kiện tôi vừa đưa ra, chúng tôi đang tiến gần tới điểm có thể viết một phương trình đích thực trong lĩnh vực tương giao giữa người với người rất tế nhị này. Sử dụng tất cả các kết quả nghiên cứu mà chúng tôi hiện có, thì sau đây là phương trình sơ khởi mà chúng tôi tin là chứa đựng nhiều dữ kiện:
Thân chủ càng nhận thức được rằng nhà trị liệu chân thực và thành thật, cảm thông và tôn trọng mình một cách vô điều kiện, thì thân chủ càng thoát khỏi lối sống ngưng trệ, bảo thủ, vô cảm, vô ngã. Thân chủ sẽ hướng tới một lối sống, trong đó họ có khả năng ứng biến, linh hoạt và chấp nhận những trải nghiệm cảm xúc khác nhau của bản thân. Sự thay đổi này dẫn tới chuyển biến trong nhân cách và hành vi của thân chủ, hướng tới sự trưởng thành và sự lành mạnh trong tâm hồn, tới những tương giao thực tiễn và chân thành với chính mình, với người khác và với hoàn cảnh xung quanh.
DƯỚI GÓC ĐỘ CHỦ QUAN
Cho đến lúc này, tôi đã nói về diễn trình tư vấn và trị liệu một cách khách quan, nhấn mạnh những gì chúng tôi biết, viết ra thành một phương trình, trong đó ít nhất chúng tôi có thể dùng được những thuật ngữ chuyên biệt. Nhưng bây giờ, tôi cố gắng tiếp cận nó từ bên trong, và không thể bỏ qua kiến thức thực tế này. Tôi sẽ trình bày phương trình sơ khởi (như tôi đã nói ở trên) theo cách chủ quan nó diễn ra trong nhà trị liệu, cũng như trong thân chủ. Vì việc trị liệu, như nó diễn ra, là một trải nghiệm hết sức cá nhân và chủ quan. Trải nghiệm chủ quan này có những phẩm chất khá khác biệt với các đặc tính khách quan khi nó được nhìn từ bên ngoài.
Trải nghiệm của nhà trị liệu
Đối với nhà trị liệu, đây là cuộc mạo hiểm mới trong tương giao. Nhà trị liệu cảm thấy:
“Đây là một người khác, thân chủ của tôi. Tôi hơi sợ họ, sợ những miền sâu thẳm trong họ, cũng như sợ những miền sâu thẳm trong chính tôi;
Nhưng khi họ bắt đầu nói, tôi tôn trọng họ, cảm thấy có một mối thân tình ruột thịt với họ;
Tôi cảm nhận được nỗi sợ của họ, họ sợ chính cái thế giới của mình, đồng thời họ cũng cố bám víu lấy thế giới ấy;
Tôi muốn cảm nhận các những xúc của họ, và muốn họ biết rằng tôi hiểu được các cảm xúc đó;
Tôi muốn họ biết rằng tôi đứng chung với họ trong cái thế giới nhỏ bé, chật chội, gò bó của họ mà không thấy sợ hãi. Có lẽ tôi có thể giúp nó trở thành một thế giới an toàn hơn với họ;
Tôi muốn cảm xúc của tôi trong mối quan hệ này với họ càng minh bạch và sáng rõ càng tốt, để chúng trở thành một thực tại với họ, và họ thâu nhận nó;
Tôi muốn các cảm xúc của mình trong mối tương giao với họ cũng rõ ràng như việc tôi muốn đi cùng họ trên cuộc hành trình đáng sợ vào nội tâm họ, vào nỗi sợ hãi, thù ghét và yêu đương đã bị chôn vùi mà họ chưa bao giờ có thể khơi chúng trào lên trong mình. Tôi thấy rằng đây là một hành trình hết sức hiện sinh và hết sức bất ngờ đối với tôi, cũng như đối với họ. Và tôi có thể thu mình lại, mà không ý thức được nỗi sợ hãi của chính mình, trước một vài cảm xúc mà họ phát tác ra. Tới đây thì tôi biết mình sẽ gặp giới hạn trong khả năng giúp đỡ họ;
Tôi nhận ra, đôi khi nỗi sợ hãi của họ khiến họ nhìn tôi như một người vô tâm vô cảm, một kẻ quấy rầy, không thấu hiểu. Tôi muốn chấp nhận trọn vẹn những cảm xúc này của họ, nhưng tôi cũng hi vọng những tình cảm chân thực của mình sẽ biểu lộ thật rõ rệt để họ có thể thấy được, cảm được;
Trên hết mọi điều, tôi muốn họ đón nhận tôi như một con người thực sự. Tôi không cần phải lo ngại rằng liệu cảm xúc của mình có “mang tính trị liệu” hay không. Nếu tôi có thể minh bạch tôi là ai và tôi cảm thấy thế nào trong mối tương giao với họ, thì cái tôi hiện hữu đấy và cái tôi cảm thấy ổn tốt đấy sẽ là nền tảng tiên quyết cho cuộc trị liệu. Lúc đó, họ sẽ có thể hiện hữu như là chính họ, một cách cởi mở và không sợ hãi.”
Trải nghiệm của thân chủ
Và thân chủ, về phần mình, trải qua chuỗi những cảm xúc phức tạp hơn nhiều, ở đây chỉ có thể gợi ý mà thôi. Sơ lược, có lẽ các cảm xúc của thân chủ đã thay đổi theo diễn biến sau đây:
- “Mình thấy sờ sợ ông ấy. Mình muốn được giúp đỡ, nhưng không biết có tin ông ấy được không đây;
Ông ấy có thể thấy những điều mình không thấy nơi mình – những điều tệ hại và xấu xa. Ông ấy làm như thể không phán xét mình, nhưng mình chắc chắn là ông ấy có phán xét;
Mình không thể nói cho ông ấy biết mối bận tâm lo ngại của mình, nhưng mình có thể kể cho ông ấy về một vài trải nghiệm đã qua có liên quan đến mối bận tâm đấy. Ông ấy dường như hiểu được những điều đó, thế nên mình có thể thổ lộ thêm một chút xíu nữa về bản thân mình.
- Nhưng mà giờ đây mình đã chia sẻ với ông ấy vài mặt tồi tệ của mình, hẳn ông ấy đang khinh thường mình. Mình chắc chắn thế, nhưng kì lạ là gần như chẳng có gì chứng tỏ điều đó;
Hay là điều mình kể với ông ấy cũng không đến nỗi xấu xa quá? Mình đâu cần hổ thẹn về nó, vì nó là một phần trong mình mà, phải không?
Mình không còn cảm thấy ông ấy khinh thường mình nữa. Mình cảm thấy muốn đi xa hơn, khám phá bản thân mình, và có lẽ, biểu lộ mình nhiều hơn. Mình thấy ông ấy là một người bạn đồng hành mà mình đã lựa chọn – người bạn này dường như thực sự biết cảm thông.
- Nhưng bây giờ mình lại thấy sợ hãi, và lần này vô cùng sợ hãi. Mình không ngờ rằng, việc khám phá những miền hoang lạ trong nội tâm lại mang đến cho mình những cảm giác mà mình chưa bao giờ trải qua trước đây;
Thật rất kì lạ, bởi dù thế nào chúng không phải là những cảm giác gì mới lạ. Mình biết chúng vẫn luôn luôn ở đó. Chỉ có điều chúng tệ hại và khó chịu quá, nên không bao giờ mình dám để chúng trào ra;
Và giờ đây, khi cùng ông ấy sống dậy những cảm xúc này, mình thấy hoảng loạn kinh khủng, thế giới của mình dường như sụp đổ, vỡ làm muôn mảnh. Thế giới ấy đã từng vững chắc và kiên cố. Thế mà bây giờ nó lỏng lẻo, mền yếu và dễ tổn thương. Thật chẳng dễ chịu gì cảm thấy những điều mà trước đây mình luôn sợ hãi. Đó là lỗi của ông ấy;
Nhưng lạ thay, mình mong mỏi được gặp ông ấy và cảm thấy an toàn hơn khi ở cạnh ông ấy.
- Mình không biết mình là ai nữa, nhưng đôi lúc, trong khoảnh khắc, mình cảm thấy mọi thứ dường như có thật và chắc chắn;
Mình bối rối vì những mâu thuẫn trong mình – mình cảm thấy một đằng hành động một nẻo, mình nghĩ thế này, rồi lại cảm thấy thế khác, rất là hỗn loạn;
Đôi khi thật phiêu lưu và hăng hái, cố gắng khám phá xem mình là ai; đôi khi chợt thấy có lẽ bản thân mình là một con người có giá trị, bất kể điều đó có nghĩa là gì.
- Mình bắt đầu thấy rất hài lòng – mặc dầu thường cũng khá là vất vả – khi chia sẻ thật đúng những điều mình đang cảm thấy vào lúc này. Bạn biết đấy, cố gắng lắng nghe chính mình và những gì diễn ra trong mình, thật sự rất hữu ích;
Mình không còn quá sợ hãi về những gì đang diễn ra trong mình nữa. Mình dùng những giờ gặp gỡ với ông ấy để đào sâu vào bản thân mình, để biết mình đang cảm thấy gì. Đó là một việc rất đáng sợ, nhưng mình muốn biết;
Mình gần như luôn tin cậy ông ấy, và điều đó giúp ích cho mình. Mình cảm thấy rất dễ tổn thương và nhói đau, nhưng mình biết ông ấy không muốn làm mình tổn thương, và còn tin rằng ông ấy coi trọng mình nữa;
Mình nghĩ, khi cố gắng để bản thân đi sâu, sâu mãi vào trong chính mình, có lẽ mình có thể cảm được cái gì đang diễn ra trong mình, có thể biết được ý nghĩa của nó, rồi mình sẽ biết mình là ai và mình cũng biết mình phải làm gì. Ít nhất đôi lúc bên cạnh ông ấy mình cảm thấy như vậy.
- Mình thậm chí có thể nói cho ông ấy nghe mình đang cảm thấy như thế nào về ông ấy vào một lúc nào đó, và thay vì giết chết mối tương giao như mình sợ, thì điều đó lại làm cho mối tương giao sâu sắc thêm. Có thể nào, mình cũng làm như thế với người khác được không? Điều này chắc là không quá nguy hiểm đâu.
- Ồ, mình cảm thấy như thể mình đang trôi theo dòng chảy của cuộc sống, hết sức phiêu lưu, là chính mình. Đôi khi thất bại, đôi khi tổn thương. Nhưng mình biết rằng những trải nghiệm này, đôi khi không tránh khỏi, chúng cũng không tàn bạo đến thế;
Mình không biết thật đúng mình là ai, nhưng mình có thể nhận biết các phản ứng cảm xúc của mình vào bất kì lúc nào, và dường như đấy là một nền tảng vững chắc cho hành vi của mình mọi lúc mọi nơi. Có lẽ đây chính là cái gọi là là-chính-mình;
Nhưng có lẽ mình chỉ có thể như thế khi mình cảm thấy được an toàn trong mối tương giao với nhà trị liệu?
Hay mình có thể là chính mình theo cách này trong các mối tương giao khác? Mình tự hỏi điều đó. Có lẽ, mình có thể.
Những gì tôi vừa trình bày không diễn ra mau lẹ đâu, có thể mất nhiều năm. Có thể vì lí do gì đó mà chúng ta không biết rõ, nó sẽ không xảy ra. Nhưng ít nhất, nó cũng đủ để gợi ra một cái nhìn chủ quan từ bên trong về bức tranh thực tế của quá trình trị liệu tâm lí (mà tôi đã trình bày phía trên), khi nó diễn ra trong cả nhà trị liệu lẫn thân chủ.