Việc trong cuộc đời, muôn hình vạn trạng, hay nhất vẫn là dùng trí tuệ siêu việt của đạo Phật để quán chiếu, quan sát. Việc của nhân gian, tầng tầng lớp lớp, tối ưu nhất vẫn nên dùng lòng từ bi của giáo lý mà gắn kết, tương tác. Bản thân tôi là một người xuất gia, hơn nữa 13 tuổi đã thế phát nhập tự, thì thử hỏi những chuyện của thế gian này hay biết được bao nhiêu? Nông sâu thế nào? Nói một lời thật lòng, tôi chẳng biết gì cả. Công việc của tôi là nghiên cứu Phật học và hành trì theo giáo pháp. Và chẳng qua, tôi chỉ đi từ một góc độ tiếp cận khác, với một lập trường khác, chia sẻ cùng quý vị những cảm nhận của bản thân về chuyện nhân gian, xã hội.
Tôi xuất gia học Phật hơn nửa thế kỷ, nhưng dẫu sao cũng chỉ là một con người bình thường như bao người khác, cũng có cha, mẹ, thầy, bạn, huynh đệ, và nhất là bản thân cũng đang sống giữa lòng nhân gian. Tuy không trải qua những vất vả của một người có vợ có con, nhưng tôi cũng có những kinh nghiệm trong vai trò làm con, làm trò, làm đệ tử, làm thầy giáo. Mục đích cao cả nhất khi tôi quyết định xuất gia học Phật chính là muốn mang sở biết của mình, mang những gì bản thân có được và có thể được, dâng tặng cho tất cả những ai cần đến sự dâng tặng của tôi. Thế nên, tôi yêu thương từng sự sống trong cuộc đời này và cũng quan tâm đến nỗi đau mà người thế gian phải gánh chịu, từ đó luôn tự nhắc mình phải học tập không dừng nghỉ cũng như dâng tặng cuộc đời trọn vẹn, tất cả không hối tiếc. Trong quá trình ấy, tôi nhận ra nhân gian cần tình thương ấm áp, cuộc đời này cần một sự hòa bình gắn kết dài lâu. Và lòng từ bi và trí tuệ của đạo Phật hoàn toàn có đủ khả năng thỏa mãn các vấn đề này.
Một người xuất thế gian lại đi luận bàn những chuyện thường ngày trong thế tục, nếu nhìn bằng cái nhìn cứng nhắc của thế thường thì tôi đang làm một việc phi lý vô bổ, hơn nữa còn vượt ngoài bổn phận của một người xuất gia. Nhưng thực ra, giáo pháp của Đức Phật được thiết lập ra vì “hóa mê đạo tục” (chỉ rõ sự mê lầm và dẫn dắt thế gian), vậy nên, nếu tách giáo lý của Như Lai ra khỏi cuộc sống này thì hóa ra biến giáo lý ấy thành ra vô dụng ư. Vậy nên, trong Pháp bảo đàn kinh, Đại sư Huệ Năng mới nói: “Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác.”1
1 Nguyên văn: 佛法在世間, 不離世間覺 (Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác), tức là Phật Pháp ngay nơi thế gian, không thể tìm sự tỉnh thức ngoài thế gian này. (Chú thích của Người Dịch – ND).
Tôi không dám nói mình đã nhìn thấy được hết chuyện của cuộc đời, nhưng do cơ duyên bản thân cũng được vân du hơn nửa vòng Trái Đất qua ba châu lục: Á, Mỹ, Âu. Đến đâu tôi cũng lưu tâm tùy duyên vận dụng giáo lý của Thế Tôn để giúp mình trợ người. Do tôi không lạnh nhạt với thế gian, cũng không cuồng si thái quá với thế gian mà luôn dùng trí tuệ thanh lương và sự ấm áp của lòng từ bi trong nhà Phật để quan tâm cuộc đời này. Vậy nên, bất kể là Đông hay Tây, nơi nào cũng có không ít người đến tìm tôi cầu học Phật Pháp. Ít nhiều có thể hỗ trợ các vị ấy giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Cũng có khá nhiều kênh truyền thông đại chúng mời tôi viết bài hoặc ghi hình phỏng vấn. Chị Lâm Thục Dung thiết kế cho tôi hai chuyên mục: Chuyên mục “Pháp cổ chung thanh”2 trên Trung Quốc Thời báo, và chuyên mục “Thánh Nghiêm Pháp sư đàm thiên hạ sự”1 trên báo Đại Thành. Bài viết trên các chuyên mục này do tôi trình bày, chị Lâm Thục Dung ghi lại, sau đó tôi sửa bản thảo rồi mới đăng tải. Các bài viết sau khi được đăng tải đã nhận được sự yêu thích rất lớn từ độc giả, đặc biệt còn nhận được sự quan tâm của các nhân sĩ trong xã hội. Đồng thời, còn có nhiều báo, tạp chí xin phép tôi được đăng lại trên báo, tạp chí của họ.
2 Nguyên văn: 法鼓鐘聲 (Pháp cổ chung thanh), tức là Tiếng chuông Pháp Cổ. (ND)
Đến đầu năm nay (1995), chị Lâm Thục Dung nói cho tôi biết những bài đăng trên chuyên mục đã đủ để in thành hai quyển sách, đồng thời nhà xuất bản Hoàng Quán có ý muốn ký hợp đồng để xuất bản sách. Theo duyên đó, giờ đây hai quyển sách chuẩn bị ra mắt độc giả, tôi xin ghi lại vài dòng nhân duyên có được tập sách, đồng thời xin gửi lời cảm ơn đến chị Lâm Thục Dung, Ban Biên tập Trung Quốc Thời báo và báo Đại Thành, nhà xuất bản Hoàng Quán. Đồng thời tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến cô Thúy Bình trường Đại học Thanh Hoa Đài Loan.
Đài Bắc,
Nông Thiền Tự, ngày 28 tháng 7 năm 1995
Thánh Nghiêm
1 Nguyên văn: 聖嚴法師談天下事 (Thánh Nghiêm Pháp sư đàm thiên hạ sự), tức là Pháp sư Thánh Nghiêm luận chuyện thiên hạ. (ND)