Nếu trong gia đình xuất hiện những việc mang tính bạo lực, trước tiên cần phân tích kỹ để xác định rõ nguyên nhân. Việc xác định rõ nguyên nhân sẽ giúp ngăn ngừa hành vi bạo lực tái diễn trong thời gian tới.
Việc gia đình xảy ra mâu thuẫn, thậm chí là bạo lực, cũng phải nói nhiều khi nguyên nhân ở ngay chính chúng ta. Khi đối phương đang cố tìm mọi cách với tất cả những lý lẽ để kết nối, mong được giải quyết vấn đề với chúng ta, nhưng bản thân ta lại từ chối, kiên quyết không thấu hiểu cho thành ý ấy. Chính hành động ấy của bản thân đã đẩy đối phương vào con đường bế tắc, bực bội, tức giận vì tìm không ra lối thoát, và cách duy nhất họ có thể sử dụng lúc này chính là các hành vi bạo lực. Trong một chừng mực nào đó, bạn sẽ thấy rằng nếu tự quyết định biến mình thành một con bò, khúc nhạc du dương dịu êm không có tác dụng với bạn thì dùng vũ lực là điều tất yếu. Có khi trong cái đau thể xác ấy, đối phương tìm thấy được sự phục tùng từ bạn. Và rõ ràng trong trường hợp này, sự cố chấp, thậm chí là lời nói chẳng mấy dễ nghe từ chính bạn, chính là cái nhân hiển nhiên cho sự phát tác bạo lực gia đình.
Cũng có khi, mâu thuẫn không phải là kết quả của sự xung đột từ hai phía, mà có thể là do bản tâm xao động, bất an của một trong hai người, từ đó muốn tìm một nơi để “xả”, điều ấy cũng chính là nguyên nhân tạo nên các hành vi bạo lực.
Tuy nhiên cần phải thấy rõ, bất luận là vì lý do gì đi nữa thì việc thượng cẳng tay hạ cẳng chân không bao giờ là một việc đúng đắn, và người hứng chịu hậu quả của các hành vi bạo lực ấy nhất thiết phải tìm ra cho được nguyên nhân tạo nên cớ sự, từ đó có sự đề phòng. Nhưng đề phòng như thế nào?
Có không ít người, sau khi xảy ra những hành vi bạo lực trong gia đình, cam tâm nhẫn nhịn.
Nhẫn nhịn cũng là một việc tốt, chí ít nó hòa hoãn được tình thế trước mắt, tuy nhiên cần lưu ý, có khi bạn càng nhẫn nhịn đối phương lại càng thấy mình có lý, nghiễm nhiên mọi sự sai trái trở thành vấn đề của bạn. Do đó, các hành vi bạo lực không được giải quyết mà trái lại càng làm cho vấn đề ngày một trở nên nghiêm trọng.
Vậy nên, một khi các hành vi bạo lực đã xảy ra, sau khi sự việc lắng xuống, cả hai đều đã thật bình tĩnh, bạn nhất thiết phải kéo người ấy ngồi lại và làm rõ nguyên nhân dẫn đến hành động ấy. Bạo lực chẳng qua là sự phát tác của cơn thịnh nộ mang tính nhất thời, về cơ bản nó chẳng giải quyết được vấn đề nào cả. Cho dù có đánh đối phương lên bờ xuống ruộng rồi thì vấn đề nội tại vẫn không được giải quyết. Do vậy, điều cần thiết phải làm cho được là cả hai bên cần phải ngồi lại để nói cho rõ ràng ngọn nguồn của vấn đề, cùng tìm cho cả hai một lối thoát, một hướng giải quyết triệt để các vấn đề.
Còn như cả hai bên không thể thuyết phục nhau, hay không thể tìm ra tiếng nói chung trong hướng giải quyết, cách tốt nhất nên mời một bên thứ ba vào vai trò người hòa giải.
Người giữ vai trò hòa giải phải là người được cả hai bên tín nhiệm, đặc biệt phải có sự hiểu biết nhất định về tính nết của cả đôi bên. Song, vẫn phải luôn nhớ lấy thâm tình gia đình làm trọng, đừng để sự việc đẩy đến mức kiện tụng sẽ làm tổn thương sâu sắc thậm chí là không thể hàn gắn tình cảm gia đình. Cho dù gương vỡ có lành lại đi chăng nữa thì nó vẫn là một chiếc gương vỡ, làm sao có thể vẹn nguyên như thuở ban đầu được kia chứ. Thực tế cho thấy, không ít những tình thân cốt nhục, quyến thuộc gia đình cứ kéo ra đến tòa rồi nhìn nhau như người xa kẻ lạ. Đó là một cái kết không ai mong muốn nhìn thấy cả.
Trong gia đình, mâu thuẫn là điều không thể tránh được, nhưng tuyệt đối đừng biến mâu thuẫn thành bạo lực, nó không mang lại một chút ích lợi nào cả, trái lại có thể khiến cốt nhục phân ly, tình thân ly tán. Vậy nên, một khi sự việc vượt ngoài khả năng khống chế, đợi khi sóng gió qua đi, nhất định phải ngồi lại nói rõ với nhau để tìm hướng giải quyết, cần thiết có thể tìm bên thứ ba để vào cuộc cùng tìm hướng hòa giải mâu thuẫn. Đừng vì một phút nóng giận mà đẩy mọi việc đi đến bước đường không thể cứu vãn. Đã là người trong một nhà thì tội tình gì phải trở mặt làm khổ nhau như thế.