Trong cuộc sống, bất kỳ thời điểm nào đều có thể xảy ra những tình huống ngoài ý muốn, vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Giải thích từ góc độ Phật giáo, Phật giáo tin vào sự chiêu cảm của nghiệp lực đưa đến những sự việc liên tục xảy đến trong một thời điểm nào đó. Ví dụ như mưa đá vào mùa hè, hạn hán vào mùa mưa, động đất, sạt lở… tất cả dường như có một sợi dây liên đới nào đó, và đó có khả năng là sự hiện hữu của cộng nghiệp.
Cộng nghiệp là một thuật ngữ trong nhà Phật dùng để chỉ trong những đời quá khứ, một nhóm người nào đó ở những thời điểm khác nhau, những nơi ở khác nhau nhưng tạo ra cùng một nhân, để rồi sau đó nhân ấy kết thành quả khiến cho thiên tai xảy ra ở cùng một địa phương, cùng một thời điểm.
Khi cộng nghiệp xuất hiện, Phật giáo khuyên chúng ta nên thành tâm sám hối, nhân rộng lòng từ, nới lỏng sự hà khắc, mang tình yêu thương mà đối với tất cả chúng sinh, xem đó như là một hành pháp để xoa dịu và giảm thiểu những loạn động mà cộng nghiệp mang đến.
Tuy nhiên, tôi từng nghe có cách giải thích rằng nếu không đặt niềm tin vào một tôn giáo nào đó, con người sẽ bị trừng phạt. Trái lại, nếu toàn tâm toàn ý kính tín sùng bái một tôn giáo nào đó, mọi sự trừng phạt sẽ được hóa giải. Từ góc nhìn của Phật giáo, quan điểm ấy là không thể chấp nhận được.
Ngày xưa, khi xảy ra thiên tai, nhân họa hay mọi sự biến chuyển trong tự nhiên, triều đình ban bố chính lệnh dừng mọi việc giết chóc sát sinh trong vài ngày, mở lòng từ ái đến khắp các loài chúng sinh để thông qua đó chiêu cảm đến chư Long Thiên Hộ Pháp, khiến cho mọi việc được cân bằng trở lại, gió thuận mưa hòa, trời quang mây tạnh, đất trời thôi rung chuyển, những việc ấy sử sách triều đại nào cũng có ghi chép lại.
Bên cạnh đó, sự vận hành của thế giới tự nhiên có mối quan hệ mật thiết với hệ từ trường toàn vũ trụ. Hệ từ trường ấy, chỉ cần một bộ phận nhỏ trong toàn hệ thống xảy ra sự mất thăng bằng sẽ dẫn đến những biến chuyển trong môi trường tự nhiên tạo ra thiên tai. Cũng giống như cơ thể con người vậy, chỉ cần nóng - lạnh không điều hòa sẽ sinh ra bệnh hoạn. Không ít lần, chỉ cần bộ phận này bất ổn thì bộ phận khác cũng sẽ sinh sự ngay lập tức, tạo thành một chuỗi của những sự bất ổn mà ta quen gọi là “họa vô đơn chí”. Nguyên nhân đều xuất phát từ sự mất khả năng khống chế, mất quân bình dẫn đến những biến cố liên miên trong một thời điểm nào đó.
Song, nếu mỗi người chúng ta chịu khó ngồi lại, sắp xếp lại những thứ đang còn lộn xộn, bừa bộn trong nội tâm của mỗi chúng ta thì thế giới này, môi trường này cũng sẽ theo đó mà thay đổi. Khi lòng người tệ hại nhất cũng chính là khi thiên tai lần lượt đổ ập xuống, ngược lại, khi lòng người ngày một thay đổi theo chiều hướng tích cực, mọi thứ cũng sẽ dần trở nên tốt đẹp hơn, đó chính là sự chiêu cảm của cộng nghiệp.
Vậy nên, chúng ta cần cố gắng cho việc bảo vệ môi trường tâm thức, sửa đổi tính tự tư tự lợi, thay đổi quan điểm vơ vét, luồn lách lợi dụng kẽ hở mà làm việc phi pháp, từ bỏ ý niệm vì những cái lợi trước mắt cho bản thân mà làm hại đến môi trường, xã hội. Nếu làm được như vậy, thân tâm và ý niệm của chúng ta thay đổi, xã hội của chúng ta cũng sẽ nương theo đấy mà thay đổi, môi trường tự nhiên mình đang sinh sống cũng sẽ vì thế mà thay đổi tích cực hơn.
Kinh nói Phật quốc kiến tạo từ tâm, một khi tâm mình thay đổi thì đời sống, lời nói, hành vi, thái độ với người với việc đều bắt đầu có sự chuyển hóa. Vậy nên, tâm thay đổi xã hội sẽ thay đổi.
Tôi nhấn mạnh một lần nữa, tâm thay đổi xã hội sẽ thay đổi, điều ấy tuyệt đối không phải là hoang tưởng. Tâm dẫn đầu các pháp, là người dẫn đường vạch lối, là động cơ đưa đến hành động, đó chính là cái lý xưa nay chưa từng thay đổi vậy.