“Không mình thì ai đây” là một thái độ dũng cảm thể hiện tinh thần dám đứng ra gánh vác trách nhiệm. Tuy vậy, thái độ ấy cần nên tạo dựng trên nền tảng của tâm từ bi và hạnh trí tuệ thì mới thể hiện được trọn vẹn tinh thần ấy.
Nếu một công việc nào đó đã có người đứng ra đảm đương, hơn nữa mình biết rõ nếu người ấy không làm công việc ấy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời họ thì việc tốt nhất nên làm lúc này là đừng tranh việc ấy của họ. Ngược lại, cũng một công việc như vậy, bản thân nhận thức rõ ràng rằng không ai có thể làm tốt hơn ngoài bản thân mình, thậm chí nếu để người khác cáng đáng có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều người thì nhất định phải xung phong mà đảm đương công việc ấy. Đó không phải mình đang vì bản thân của mình mà có thể nói mình đang vì chúng sinh.
1Nguyên văn: 舍我其誰 (xả ngã kỳ thùy), nghĩa là không ta thì còn ai nữa. Câu này xuất xứ trong thiên “Công Tôn Sửu (hạ)” sách Mạnh Tử, nguyên văn là: 如欲平治 天下,當今之世,舍我其誰也?(Như dục bình trị thiên hạ, đương kim chi thế, xả ngã kỳ thùy dã?) – tức là, muốn trị bình thiên hạ, trong đời nay, nếu không ta thì con ai nữa đây? (ND)
Nhưng vấn đề là làm sao để nhận ra được lúc nào nên nhường và lúc nào nên tranh lấy? Công việc ấy chắc gì mình làm tốt hơn người và cũng chắc gì người làm dở hơn mình, làm sao nhận biết được? Làm thế nào để khẳng định được là mình thực sự có năng lực để đảm đương công việc ấy? Trong thực tế, có nhiều người mang tâm thức ấy xem mình là cái rốn của vũ trụ, mọi việc thiếu mình là không xong, kết quả là làm hại không biết bao nhiêu người vì năng lực yếu kém của mình.
Trước tiên, hãy nhìn sự việc bằng tâm từ bi, xem người đang cùng bạn cạnh tranh công việc ấy, nếu không có được công việc ấy họ sẽ không còn con đường sống; trong khi bản thân nếu không có công việc ấy cũng không đến nỗi phải rơi vào ngõ cụt, thậm chí bản thân bạn có khả năng thành tựu ở một lĩnh vực khác, không nhất thiết phải là công việc này. Vậy thì sao không nhường giúp cho người ấy một cơ hội kia chứ?
Bên cạnh đó, nếu đứng từ góc độ trí tuệ, bạn cần phải quan sát và đánh giá xem năng lực bản thân tới đâu và sự tự tin đối với việc hoàn thành công việc ấy là nhiều hay ít. Tuyệt đối không được tự tin một cách mù quáng, tự cho bản thân mình có thể làm tốt mọi việc, đó không phải là trí tuệ.
Trong số đệ tử của tôi, cũng có vài chú vướng bệnh tự tin một cách thái quá như thế. Mỗi khi trong tự viện có việc, các chú đều xung phong đi làm. Tôi cẩn thận hỏi lại: “Ai trong tụi con có thể làm tốt nhất?”, các chú đều đáp: “Bạch sư phụ, con làm tốt hơn hết”. Tôi lại gạn thêm lần nữa: “Các con căn cứ vào đâu để đánh giá rằng mình làm tốt hơn người khác?” thì các chú trả lời: “Không dựa vào cái gì cả thưa sư phụ, chỉ là tụi con làm được việc này và tụi con tin như vậy!”
Thực ra, theo tôi, sự tự tin chân chính phải dựa vào hai điều: Một là, đã từng có kinh nghiệm và xử lý tốt những việc tương tự như vậy trước đây; hai là, điều gì sẽ trợ duyên để mình hoàn thành công việc ấy.
Theo đó, điều thứ nhất chính là cái nhân chủ đạo, còn điều thứ hai chính là trợ duyên để công việc được hoàn thành.
Cũng nên biết, ngay cả khi tất cả những nhân tố ấy đều hội tụ đủ cũng không thể chắc chắn sẽ làm tốt 100%. Bởi thế, tốt nhất, khi nhận việc chỉ nên nói: “Nếu giao việc này cho tôi, tôi sẽ cố hết sức để thử xem sao. Nhưng, nếu có vị nào thấy mình ổn hơn tôi, xin cứ đưa ra ý kiến để rộng đường chọn lựa.”
Thật lòng, đến tận bây giờ, tuy tin vào bản thân, nhưng tôi chưa bao giờ dám nói: “Sẽ hoàn thành việc ấy 100%”, bởi sức người luôn có hạn, người giỏi lại không hiếm, thiên ngoại hữu thiên, đừng đánh giá tự thân quá cao, đừng thấy việc gì cũng vội cho rằng “không tôi thì còn ai nữa”.
Ý nghĩa thực sự của “không tôi thì còn ai nữa” nên hình dung là, khi bạn thấy có rất nhiều người đang bị bao vây trong biển lửa, người xem thì nhiều, người vào cứu thì chẳng có ai, đó chính là lúc bạn có thể phát huy “không tôi thì còn ai nữa” trên nền tảng của tâm từ bi. Tuy vậy, bạn cũng cần phải triển khai tâm từ bi ấy bằng sự soi sáng của ngọn đèn trí tuệ, bạn phải nghĩ đến kỹ thuật cứu người, công cụ hỗ trợ, phương thức triển khai, nếu không, bạn chỉ khiến cho biển lửa có thêm một người bị chết cháy mà thôi. “Không tôi thì còn ai” hoàn toàn không có nghĩa là “cảm tử” một cách ngu ngốc.
Trước mở lòng từ bi, sau thực hành trí tuệ. Chỉ khi nắm và vận dụng được hai nguyên tắc ấy chúng ta mới có thể triển khai tinh thần “không tôi thì còn ai nữa” đến chỗ vi diệu, hiệu quả.